Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Giọng đọc

Phạm Kỳ Đăng

Ánh trăng - Paul Klee (1879-1940) họa sĩ, nhà đồ họa Đức
Tôi biết mình thuộc số ít không thích nghe ngâm thơ. Ngâm thơ gây cảm giác nghe một điệu thức phái sinh, sau này càng phổ biến thành tiết mục sinh hoạt đại chúng, đặc biệt ở những lễ hội thơ phát động. Cứ như là ngoài kia có nhu cầu trú mưa, ngâm thơ kéo tuột nhà thơ và bạn yêu thơ vào dưới một mái bạt nơi tiếng thơ mọi nhà đều có thể trú dưới đó. Người nghe đã thuộc điệu ngâm trong đầu, thơ ai cho vào ngâm mà chả thế.
 

Thế còn phổ nhạc? Huy động chính sức mạnh của nhạc để phổ thơ khả dĩ hơn. Trong những ca phối hợp thành công, nhạc quyến hồn thơ bay cao, hoặc nhạc dựa vào thơ làm nên một tác phẩm khác. Nhiều người cho rằng Phạm Duy phổ bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận thật hay. Ít ra không dở, song tôi biết bài thơ trước bài nhạc phổ, tôi muốn giữ bài thơ trong tâm tưởng như buổi ban đầu trước khi nghe bài hát phổ thơ. Trong rất nhiều trường hợp mau mắn phổ nhạc người ta đã làm việc phục chế vụng về một bức tranh cũ dưới lớp bụi thời gian, kết cấu của sắc mầu tranh vẫn nguyên còn và sức sáng vẫn hoàn toàn chói lọi.
Lan man như vậy để thú thực, tôi thích nghe đọc thơ hơn, hơn nữa là thơ qua chính giọng đọc của tác giả. Hẳn phải có bàn tay của bà mụ sắp xếp, mỗi nhà thơ sinh ra có một cơ quan phát thanh âm riêng. Họ ca tiết điệu riêng của họ. Tư chất tác giả và giọng thơ hiện nguyên trong giọng đọc, tôi đinh ninh như vậy.


Tôi không quên giọng đọc Hoàng Cầm. Nói lên nguyện vọng muốn nghe ông đọc, người hát rong về già cất tiếng có âm sắc sáng rõ, hơi ngân một chút, tiếng nói não nùng và tha thiết ấy từ đâu?
 

...„ Trên núi Thiên Thai
trong chùa Bút Tháp
giữa huyện Lang Tài...“

 

Câu thơ không ý nghĩa kết nối những địa danh thôi. Nhưng mấy ai trên đời nghe ra cái cấu trúc âm thanh nao lòng vang chuông sắp sửa hồi gióng giả.
 

Có khi vì bị lôi cuốn bởi vần điệu, người ta phổ cái giọng điệu nông cạn của riêng mình vào. Các nhà thơ thông tấn sản xuất ra hò vè, những nhà thơ phản thông tấn không khác mấy chế tác ra những mớ xủng xoảng hỗn độn, mau tắt đi chỉ để lại một âm rè yếu ớt.
 

Tức là thơ có cái gì đó quyến rũ bởi nhạc riêng của nó. Vần mới chỉ là một thành tố trong dòng âm thanh. Nhiều nhà thơ hiện đại viết thơ không vần thậm chí phản vận thì đúng rồi. Lắng nghe kỹ ở những cây bút bản lĩnh nhất, độc đáo nhất đều có dòng nhạc nội sinh riêng vận dòng tuôn chảy. Nhạc tự tại trong lòng thơ.
 

Ta hãy cùng đọc bằng giọng mộc bài thơ Gái buồn.
 

“Bờ sau hang núi” là một câu ước lệ về không gian, rất bình thường và tự nhiên như thốt lên từ miệng người sơn nữ vừa được hỏi đường. Nhưng mạch thơ tự nhiên chững lại ở từ “núi” vị trí thứ tư, như có luồng gió thổi đến đây, tan biến vào một cảnh giới hiển lộ. Phong cảnh ước lệ „ lá xanh lá đỏ „, bình thường ra hai màu nguyên tố đối nhau trong tiếng Việt gợi những ngữ nghĩa thô và sống, bỗng chốc lan chuyển vì “cánh chim trời vòi või” xa xăm và cô liêu chợt sát sạt gần buông „cánh mỏng theo ngày“. Cánh chim pha loãng màu nguyên tố. Đấy là nghệ thuật pha màu của bút pháp thuốc nước, nghệ thuật phôi pha: chỉ một cánh chim vòi või của nhớ nhung pha trộn sắc vào một không gian mênh mông chẳng mấy chốc điệp trùng quan ải. Vẫn trên nền phong cảnh trung du gió vời vợi thổi ở miền Trung Phước quê hương ông. Từ cái ngày đó cho đến mùa sau dài bao lâu chẳng biết. Ở đấy vẫn chảy dòng Nguyên Tuyền có trước tạo vật, thời Hữu Thể còn chưa tha hóa, nghe rạc rời một nỗi đi qua đã mất, xiết bao nỗi nhớ nhung: “ Ngày sẽ về, sẽ nhìn Xuân Tinh Hoa thắm lại. Ngày sẽ về bên dòng bất tuyệt sơn tuyền sẽ theo dõi bóng trời đi”. (1)
 

Trong nao nao tiếng nhạc, cảnh giới đã thêm phần siêu hiện ban ngày trộn với trăng sương của màn đêm, và còn quyến rũ nữa. Quyến rũ sự trở về. Nhưng sự trở về này trong vẫy gọi của hoàng hôn Cố Quán nơi người lữ, là ông chăng, từng ra đi sương đồng ngậm bóng. Cùng với đó cái tôi trữ tình, rất kín tiếng thể hiện qua “ em về”, nhắn nhủ Tinh Thể tự xa xưa ra đời từ giòng khe (2), bước ra, một lần ra đi và đã từng lạc bước.
 

"Ngày sau chỗ ấy", đến đó dài lâu hơn cả "mùa sau" là ngày mai hậu, và phong cảnh cuối cùng ở khổ thứ ba là một tâm cảnh buồn mông lung trong hoàng hôn nhớ thương Cố Quận. Bài thơ “Gái buồn” kết dựng trong không gian và thời gian bàng bạc màu triết hiện sinh, xứng đáng là một kiệt tác mênh mang âm hưởng bất tận nhạc điệu của mưa nguồn chớp bể.

© P.K.Đ

Gái buồn

Bùi Giáng (1926-1998)
 

Bờ sau hang núi
Lá xanh lá đỏ chiều nay
Chim trời vòi või
Để rơi cánh mỏng theo ngày

 

Mùa sau thu xế
Hang rừng gió thổi giòng khe
Em về đây để
Rạc rời tiếng cũ còn nghe

 

Ngày sau chỗ ấy
Mây mù quyến rũ trăng sương
Em về sẽ thấy
Mông lung sầu mộng gái buồn.

 

(Mưa Nguồn, xuất bản tại Sài gòn, 1963)
 

Chú thích của tác giả:
 

(1) Bùi Giáng - Martin Heidegger Tư tưởng và Hiện đại – Nhà xuất bản Văn học 2001, tr. 74.
 

(2) Đặng Tiến – Bùi Giáng, Nguồn Xuân: Trong thơ Bùi Giáng, Xuân đồng nghĩa với Nguồn, như trong tiếng Anh. Nó là cõi uyên nguyên có trước Trời Đất, là ''cái cửa khe huyền diệu'' - ''huyền tẫn chi môn'' theo lời Lão Tử.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Ngoại giao lôi kéo và tranh thủ

Phạm Kỳ Đăng

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 kéo vào sâu lãnh hải biển Đông vấp phải sự chống đối quyết liệt của người dân Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước bị Trung quốc khóa chặt các huyệt trọng yếu, cứng họng một thời gian dài, chỉ có Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối kịp thời và kiên quyết nhất.

Giới am hiểu thời cuộc, cho rằng ngoại giao là kênh duy nhất để tranh đấu, „Kẻ yếu thì không có bao nhiêu vũ khí trong tay, ngoại trừ việc dựa vào ngoại giao và luật quốc tế“ – nhà nghiên cứu Carlyle Theyer bình luận. Các nước hầu như không can dự một lời, dẫu rằng Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược với 14 nhà nước gì đó, nhiều trong số đó cả cường quốc. Có điều Việt Nam, từ lâu khẳng định muốn hội nhập, đều không có tiếng nói tương thanh và những thiết chế tương ứng để giao lưu và liên thông với thế giới văn minh - dân chủ, thật vô lý cho đến hôm nay vấn cố duy trì sự lệch pha về tổ chức và nhân sự đối với các đối tác chiến lược còn lại, trừ Trung quốc.

Các nước hợp tác ấy có muốn bắt tay với Việt Nam cũng không dám, vì các bộ các sở của họ chìa tay tới các cơ quan tương nhiệm của Việt Nam, có khả năng lớn là nắm phải bộ phận đầu Ngô mình Sở, và các quan chức của họ muốn mời chủ nhân đồng cấp sang thăm viếng, lắm khi đón phải con hoang. Thêm một cản trở cực lớn, các nhà nước đối tác với Việt Nam phải dè chừng Trung quốc. Trung quốc, tham lam, ngạo mạn và hung đồ không kém gì phát xít, là đối tác chiến lược uy quyền nhất mà lãnh đạo Việt Nam phải triều kiến trước khi đi lại với các nước khác.

Bộ ngoại giao Việt Nam cũng là một thứ đầu Ngô mình Sở đó trong thúc ước luôn luôn phải hoạt động theo cơ chế phản ánh và nhận chỉ thị. Kênh hoạt động này vô cùng hẹp, trong nhiều trường hợp có thể nói là vô tác dụng nữa. Bộ trưởng từ thời sau ông Nguyễn Mạnh Cầm thôi không còn là ủy viên Bộ chính trị, theo tôi hiểu còn đứng thấp hơn ông Trưởng ban đối ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng. Thế cho nên, kiện toàn thành một bộ máy cờ xí kèn quạt rợp trời, các quan chức ngoại giao có hàm bậc cũng mũ áo cân đai, giầy bóng, kính mát đủ đường, người Bộ trưởng bộ ngoại giao vẫn không thực hiện được đúng chức trách của một Ngoại trưởng. Như thể cơ quan này thân một nơi, đầu một nẻo, trên chặng công vụ rất dễ bị túm tóc gạt sang bên. Trong quá khứ ta đã chứng kiến ông Lê Đức Thọ bất ngờ sang Paris thay vào vị trí ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Xuân Thủy bên bàn đàm phán, và gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ đích danh mời Bộ trưởng Phạm Bình Minh, và thật trái khoáy, sang thăm Mỹ là ông Phạm Quang Nghị.

Và cũng chỉ là một cơ quan nhận chỉ thị, nên trong rất nhiều trường hợp như vừa qua, lời tuyên bố phản đối Trung quốc xâm lấn lãnh hải của Bộ ngoại giao, sớm bị phản thùng bởi diễn ngôn của ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn Shangri-La và bởi lời tuyên bố của ông đại sứ của Việt Nam Lê Hoài Trung tại Liên Hiệp Quốc đang có nhã ý làm trung gian hòa giải xung đột Trung quốc - Việt Nam, cũng là nơi ngành ngoại giao vươn ra xa nhất. Và cất cao tiếng nói ra thế giới bên ngoài, dù có cố gắng khẩn nài tới mấy, Việt Nam vẫn bị nghi ngờ là quốc gia thiếu lòng thành thật.

Trước chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị, đúng trong lúc sự kiện giàn khoan trở thành sự đã rồi và có chiều hướng lắng xuống, báo chí chính thống rộ lên mấy bài về sự nghiệp và con người ngoại giao của vị bộ trưởng giải vây Nguyễn Cơ Thạch. Có người đánh giá, đây là hành vi nâng cao vị thế bên chính phủ, của phủ Chúa hay là của một nhóm lợi ích thân Mỹ. Các cách diễn giải này đều phù hợp với hiện trạng tranh giành quyền lực trên tầng cao nhất. Nhưng tôi cho rằng, hơn thế, đây còn là nỗ lực đòi vươn tới đúng chức năng của một cơ quan cấp bộ độc lập đang đóng vai trò quan trọng, trong tình thế Việt Nam bị vây khốn chỉ có thể đấu tranh bằng luật pháp quốc tế.

Kể cũng khó đấu tranh bằng ngôn ngữ của những „lên án“, bác bỏ“, tố cáo“ cũng như „hoan nghênh“, cổ vũ“. Và giữa những phát ngôn là tình trạng lờ đờ khó hiểu, khi nhà nước Việt Nam, từ dạo được Liên Xô và Trung quốc công nhận về ngoại giao từ 1950, nhiều thập niên phần lớn bỏ phiếu theo Trung quốc, và theo đuôi những nước này bỏ phiếu trống đối với các quyết định của Liên Hiệp Quốc.

Cho đến nay ngành ngoại giao luân phiên thay đổi vai tuyên giáo, lúc đóng vai công tố, lúc nó đóng vai môi giới hay tháp tùng. Lĩnh vực ngoại giao cũng được đưa lên làm mặt trận, như những mặt trận giáo dục, mặt trận văn hóa, chỉ thiếu nước giống mặt trận tổ quốc về mặt tổ chức. Tin tức từ mặt trận báo về dĩ nhiên toàn là thắng lợi vẻ vang.

Sau này lật lại những hồ sơ về Hội nghị Geneva, Hòa đàm Paris v.v., người khách quan ngoài cuộc chỉ thấy được cùng lắm là những thắng lợi vớt vát, trong một cục diện thê thảm bày ở bàn cờ đại cường nhân nhượng với Trung quốc bắt dân tộc Việt Nam trên hai miền chịu phần đớn đau, thua thiệt.

Có thể trên „mặt trận ngoại giao“, đôi khi lóe lên một vài điểm sáng nào đấy. Nhưng những điểm sáng này thường đi đôi với hỏa hoạn trên một vi mạch rằng rợ, bế tắc, phát cháy từ những mạch chập.

Ngoại giao tranh thủ lôi kéo có bao giờ được phép nói ngôn ngữ trung thực. Cũng như Đảng chỉ đạo nó xưa cướp chính quyền với lời hứa „người cày có ruộng“, rồi nuốt lời gần 70 năm nay. Hướng ra bên ngoài, ngoại giao phải khẳng định lập trường, diễn ngôn các chính sách, chỉ thị của tập thể não trạng cá sấu, u mê và độc đoán, chỉ thích nghe lời phỉnh nịnh lọt lỗ tai mình. Ở chiều ngược lại, những góp ý, phê phán từ thế giới bên ngoài cũng phải được quan chức ngoại giao bỏ đi hoặc „phiên dịch“ lại cho vừa tai kẻ quyền thế, bởi thực tế, độc tài có coi ai ra gì.

Nhà ngoại giao mang tầm vóc lịch sử Metternich có câu nói sâu sắc: „ Ý kiến công luận, cũng như tôn giáo, là phương tiện quyền lực mạnh nhất, tự nó xâm nhập vào góc khuất nhất, nơi các chỉ thị của chính phủ mất đi mọi ảnh hưởng“.

Một nền ngoại giao loại trừ công luận, loại trừ tự do báo chí, ngôn ngữ của xã hội dân sự là một nền ngoại giao thất bại. Nhà nước đói nghèo lạc hậu, và quan trọng hơn, đàn áp nhân quyền và tự do báo chí, có gì đâu mà chào mời, quảng bá.  Cho nên hành vi ứng xử của nhà nước này đối với bên trong và bên ngoài xoay trên những thao tác phù hợp với vị thế cô lập: dân vận, xin xỏ, tranh thủ và lôi kéo. Như vậy lề lối ngoại giao ra đời từ sự bế tắc của nền độc tài bạo ngược. Tiếng nói của Bộ ngoại giao đến nơi xa nhất cũng bị gọi giật trở lại bởi chỉ đạo từ nhà ém trước ở đó bật lên phản thùng. Nói đến những bước tiến của ngoại giao ư? Bộ ngoại giao như con giáp xác không đầu vận động loằng ngoằng, giẫy giụa trong những xúc tu thò ra, cuốn giật trở lại của mình.

Làm thế nào để ngoại giao thật sự là một môi trường mở? Mở một trang Bộ ngoại giao, tôi đọc thấy phần viết về nhiệm vụ của Bộ: „Thu thập thông tin, nghiên cứu phân tích, tổng hợp tình hình các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cánh tả, các phong trào độc lập và giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền trên thế giới; dự báo tình hình quốc tế, đề xuất kịp thời những đối sách của Đảng ta“. Nếu nhiệm vụ ngoại giao được hoạch định như vậy, tôi có cảm giác các nhà ngoại giao Việt Nam đang chăm chú xây dựng quan hệ chủ yếu với những người rơm và sự nghiệp giải vây cho Việt Nam vẫn còn ở xa phía trước.

© P.K.Đ

Chú thích của tác giả:

(1) „ Die öffentliche Meinung ist, wie die Religion, das stärkste Machtmittel, das selbst in den verborgensten Winkel dringt, wo Regierungsanweisungen jeden Einfluss verlieren“ -  Klemens Wenzel Lothar von Metternich (1773-1859): Bá tước Metternich, chính khách, nhà ngoại giao người Áo đóng góp lớn vào sự cân bằng các thế lực và thiết lập trật tự mới của châu Âu trên Đại hội Vienna 1813, sau khi lật đổ Napoléon Bonaparte.

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2014/07/ngoai-giao-loi-keo-va-tranh-thu.html

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Rừng tràm



Mỗi khi cỗ xe thổ mộ
Tranh sơn dầu ©Max Slevogt (1868-1932) họa sĩ Ấn tượng Đức
Lăn về xứ sở hoàng hôn
Có người theo xe hối hả
Đưa tin an ủi linh hồn.

Xe chồm, cánh tay với lỡ
Bánh xe lộc cộc dặm dài
Vịn vào trâm rơi bình vỡ
Rạn lòng chuông nguyện hồn ai

Trách người lỡ làng mọi lúc
Sẻ san tiếng nói tự tình, 
Bụi hồng mịt mùng chân dốc
Gió quần day dứt sinh linh.

Rừng tràm rung trong tán lá
Lối bùn đỏ sét sương rơi
Ta- người đưa tin cuối trạm
Chạy trong bóng đổ cuối trời.

© Phạm Kỳ Đăng - 2014

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...