Giới thiệu

Những viên đá lăn lưu dấu

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của ©Georg Baselitz, sinh năm 1939, họa sĩ Đức

Với những hòn đá lăn Rolling Stones – đúng hơn những viên kim cương thô nhám - các ông trùm nhạy bén của nền công nghệ giải trí, sớm nhận ra một khoảng trống thiếu hụt, đã vận động cho một ban nhạc có giá trị biểu trưng khác hẳn ban nhạc The Beatles. Trái ngược với các chàng đẹp trai, hào hoa, quí phái và „đẹp“ của The Beatles, đặc điểm của The Rolling Stones được nhấn ở vẻ hoang dại, nghiện ngập, bê tha, ngầu và „xấu“. Đó là chưa nói đến việc vài thành viên tạm bị đi tù hoặc Brian Jones chết vì dùng heroine quá liều.

Đã lên sàn biểu diễn là gây hiệu ứng như thác đổ: một Mick Jagger hát, nhảy nhót thư thoảng chồm lên vỗ tay như động kinh, vài viên đá lăn theo gây sụt lở cả một rừng đá gai góc tiêm chích thẳng vào các tế bào cuồng điên, say mê, nổi loạn, phá phách của tuổi trẻ. Cả đám đông cuồng loạn trong thôi miên ngây ngất. „Ban nhạc dữ dằn nhất thế giới“, nhãn mác do giới bầu sô và báo chí đặt cho họ như thế, tuy nhiên chỉ động chạm đến vẻ ngoài, không đúng với ca khúc của họ. Khiêu khích và hung dữ trong cung cách xuất hiện và biểu diễn là thế, Rolling Stones trong bảng tổng phổ đa dạng của giọng điệu họ, ca những khúc có thể nói là óng ả nhất của trữ tình, của mộng mơ và, nếu không ngại từ này: lãng mạn.

Tôi yêu ban nhạc Rolling Stones hơn Beatles, hơn rất nhiều so với các ban nhạc lớn cùng thời: The Who, Led Zeppelin, Deep Purple, The King, Pink Floyd, hay Genesis v.v.

Nhạc của họ cám dỗ thanh thiếu niên. Sự cuồng say âm nhạc Rolling Stones ở giới trẻ khắp nơi, từ Matxcơva tới Washington, tại Bonn và Berlin, Paris và Warsawa, London và Praha, khiến cho nhiều bậc phụ huynh hoảng sợ. Nhiều chuẩn mực đức hạnh lỗi thời, thói đạo đức giả do người lớn đưa ra khăng khăng bảo vệ, bị đám „choai choai“, „quần loe tóc dài“ một mực xua đuổi. Các nhà đạo đức giả bên phương Tây thảng thốt giật mình. Và bên phía Đông của bức tường còn thêm các nhà khuyến đạo và giám sát đức hạnh nữa lên cơn sốc vì giận dữ. Ở CHHDC Đức, sau những phong trào vận động cấm nghe "đài địch" bất thành vào những năm 50, người ta dựng thêm nhà tù và vào năm 1961 bức tường ngăn chặn người tìm tự do trên mảnh đất vừa nhen nhóm những ban nhạc trẻ tự đặt tên rất phi xã hội chủ nghĩa đại loại: „ Ban nhạc quần đinh“ (Niethosen-Bande), „Ban nhạc Texas“ (Texas-Bande), "Hội khoác áo da" (Lederjackenmeute) hay „Những kẻ ngưỡng mộ Elvis Presley“ (Elvis Presley-Verehrer). Stasi (An ninh quốc gia) gọi và truy bức những thành viên hay fan của những ban nhạc này là những tên „khiêu khích phát xít“. Không may cho họ , bức tường dựng nên không đủ cao để ngăn chặn sóng truyền thanh và vô tuyến mang những tín hiệu lạ của văn hóa đại chúng từ một nền siêu-văn-hóa-thanh-thiếu-niên mới.

„Họ hiện thân cho Tối và Sáng, chất Khoái lạc và Mê loàn của thời đại chúng ta. Lịch sử của họ kể lại cho biết, chúng ta trở thành, chúng ta là ai. Nói nhỏ mọn: như không gian kinh nghiệm của chiến tranh, thiếu và đói được thay thế bởi không gian nghiệm trải của tình yêu, vui thú và tiêu dùng. Nói to tát: như phương Tây ngự trị“(1).

Năm 1969 Rolling Stones đã nổi danh địa cầu, nhưng các chàng trai đều còn rất nghèo vì bị lừa trắng về bản quyền và hỏa hồng. Nhưng họ thây kệ, họ lăn tiếp, thế giới của họ khác, cũng như sao Hỏa khác.

Những viên đá lăn, nhìn lại mới thấy được tầm vóc lịch sử, đã góp phần đáng kể bồi đắp hệ hình cảm xúc, cho nhận thức của thế hệ 68 ở tinh thần tự do cá nhân và nhân quyền, sinh viên biểu tình, giải phóng nữ quyền, tự do tình dục, phong trào hòa bình, Hippie, chống chiến tranh (và nội chiến) Việt Nam, cổ vũ cho mùa xuân Praha 1968.

Ta không nên đánh giá quá cao tác động tưởng như lay chuyển hay vùi sập hệ thống của âm nhạc. Nhưng không thể đánh giá thấp thôi thúc tự do, tự quyết, tự chủ và vượt qua những ràng buộc nhất thời của cá nhân trong những dòng nhạc Blues, Jazz, Rock, Beat, Roc’n’ Roll. Sức mạnh „thấy ta là thác đổ“ của âm nhạc tôi nghĩ có lẽ còn lại và lâu bền hơn là sức chuyển dời đến những biên giới, có khi những thế giới khác, „vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia“ (2).

Chú thích của người viết:
(1) Những người cuối cùng của chủng loại- Die Letzten ihrer Art – Tạp chí Spiegel
(2) Ca từ Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn.

 
©PKĐ

Nắng của loài linh lan

Phạm Kỳ Đăng 

Nông Thôn Yên Bình, sơn dầu của Lưu Văn Sìn
Người xem như đứng trong nắng chóa từ đâu tới. Thứ nắng óng ả có thể  từ trên cao, có thể  từ mảng mây côban-phớt trắng dưới lòng ao, mang lại cho ta bao ngỡ ngàng về nguồn chiếu. Cây chuối, rặng tre, lùm khoai, bèo tấm, cỏ lác đều được vẽ rất chìm trong nắng mới. Trên con đường lặng, chỉ mặt đường đất thịt hơi vờn nét vẽ - gợi chút xíu rất ít đến lối vẽ của phái Ấn tượng – có lẽ là chuyển động duy nhất mơ hồ ghi dấu vết chân đi.

Nhưng tranh phong cảnh đặc trưng của chủ nghĩa Ấn tượng (1) trước đó thường phân giải và „gói ghém“ sự vật vào trong ánh sáng. Ở bức tranh Nông Thôn Yên Bình này, vật thể hầu như được „bóc ra“ bởi muôn lát ánh sáng đa diện, không bị phân gián trong hình tan của vật thể ở thời điểm thóang qua như khỏanh khắc các nhà Ấn tượng hay lựa chọn. Màu, hình thành trên nhiều lớp đắp, vật chất hóa đến tối đa, choán diện hình thể, láy đi láy lại, và lan tỏa. Trong nhiều lớp ánh sáng mở soi khí hậu làng quê vùng nhiệt đới, ta cảm thấy vẻ lãng đãng của hơi nước bốc, cả độ ẩm ngưng tụ trong không gian.

Có nhiều lớp cắt lan tỏa từ những tầu lá tạo nhiều lớp ánh sáng mở soi, cộng hưởng bởi nhiều cung mầu êm đềm như một hòa âm điền dã. Vàng son kết tụ tàu lá chuối mang sắc kỳ ảo như màu hoa linh lan. Thứ nắng ấy rung trong không gian rạo rực. Nhớ nắng hoa linh lan ở ngày lễ Phục sinh băng giá, tôi bồi hồi ngắm mãi bức tranh quý này.

Ông Lưu Văn Sìn có bút pháp vẽ sơn dầu quả thâm hậu. Họa sĩ người Minh Hương sống như ẩn mình, để lại tranh vẽ không nhiều, tài ba có thể nói là đứng vào số hàng đầu trong các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ trước. Phong cảnh ông vẽ, mang hồn cốt đồng quê Việt Nam sâu nặng như người đồng hương Hồ Dzếnh, sẽ còn nhiều nắng tỏa, hồ như đến từ những câu thơ tuyệt vời „Ngựa gầy bóng gió mênh mang/Cờ đen lối cũ mây vàng nẻo xa“; rồi „Đáy hồ mấy mắt sao lu/Và trên nón dạ sương mù quệt ngang“, hay „Gió xuân ý nhị vít bông cười“ ở thuở ban đầu lưu luyến ấy.


©PKĐ

(1) Impressionism : Chủ nghĩa Ấn tượng với các đại diện tiêu biểu Claude Monet, Auguste Renoir, Camille Pissarro, Alfred Sisley, Edgar Degas, Paul Cézanne

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...