Wolf Biermann (1)
Tranh © của Salvador Dalí (1904-1989) họa sĩ Tây Ban Nha |
Cuốn tiểu sử Werner Hecht(2) viết về Bertolt Brecht(3) cho ta thấy một người anh hùng do dự. Đối với tôi nhà thơ này có kích cỡ của Shakespeare(4), Goethe(5) hay của Villon(6), là kịch tác gia thậm chí ông gần đạt được tầm vóc của Georg Büchner(7). Người ta phải yêu lấy sự tởm lợm thiên tài này. Khác đi thì phần tôi, tôi không thể chịu đựng được ông. Ngoài ra cái câu cửa miệng bỗ bã của Bertolt Brecht lại cũng đúng với ông: „ Không người nào giữ được mãi, chỉ có một số người giữ được chút lâu hơn“.
Năm 1956, tấm gương Brecht đã quyến rũ và định hình tôi cho tới hôm nay. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp ông. Nhưng chỉ ít lâu sau khi ông mất, người vợ ông - nữ giám đốc nghệ thuật nhà hát Helene Weigel(8) - đã ban cho tôi cơ hội của đời mình. Từ 1957 tới 1959 tôi được phép học và làm việc tại nhà hát kịch của Brecht ở Đông Berlin. Không có bà mẹ can đảm của Đòan kịch nghệ Berlin, hẳn rằng chưa bao giờ trong đời tôi đã viết nên một bài thơ duy nhất hay là một bài hát cũng nên.
Sau chiến tranh, cuối cùng nhà thơ Brecht, từng bị những người theo Chủ nghĩa Quốc Xã săn lùng, đã muốn thử nghiệm trên ván bục sân khấu Đức những vở kịch rút từ những va ly đời lưu vong của ông. Nhưng không phải Áo, không phải Thụy Sĩ hay CHLB Đức, mà chỉ có CHDC Đức, dạo đó còn gọi là SBZ tức Vùng chiếm đóng Xô viết, đã cấp cho ông một vận may thực hiện dự án.
Và thế là ông ấy khăn gói quả mướp mang tất cả bản thảo tới Đông Berlin. Vào dạo đó ông ấy bị cấm vận ở phương Tây và bị khinh bỉ là người cộng sản. Tuy nhiên vào thời gian này ngay tại Đông Berlin sôi sục một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến tranh nhỏ giữa nhà sân khấu tiền phong đến từ một thế giới rộng lớn xa vời và những nhà chức trách văn hóa đầu óc hẹp hòi trong bộ máy Đảng. Những ông lớn của Đảng ở Đông Berlin dằn vặt vì những gì liên quan đến Brecht. Đối với họ, Brecht là một „đồng chí không có thẻ đảng“. Những cái đầu bê tông trung tín coi ông là một tay bôn-sê-vích ngỗ ngược, một gã lang bạt phong trần tư sản, một người chuộng hình thức chủ nghĩa suy đồi-tây phương và một kẻ quyến rũ thanh niên nguy hiểm. Vâng cũng đúng thế: tấm gương ông cũng đã khích lệ tôi trong ý nghĩa tốt nhất của nó.
Nhưng trong cuộc vật lộn tranh mẽ với kẻ thù giai cấp Tây Đức nhằm giành giật những cái đầu danh giá, những đồng chí cấp trên đã nuốt phải con cóc độc. Trong cuộc đấu tranh giai cấp nội Đức chống lại Adenauer (9), họ giương cao đòi hỏi của những người cộng sản phản đối sự đại diện duy nhất. Về cơ bản họ thấy chán nhà viết kịch hồi hương đến nôn mửa và coi ông như một mối nguy „phản cách mạng“.
Về sự xung đột lợi ích, trong cuốn tiểu sử Bertolt Brecht ra mắt mới đây, nhà nghiên cứu văn học và sân khấu Werner Hecht, sinh năm 1963, một lần nữa đã trích lời nói rất ngoại giao, tuy nhiên thật lòng của bà Helene Weigel vào năm 1969 đã đọc vào băng ghi âm: „Về đại cục và đại thể, họ đã đau đớn. Chúng tôi đã không là thứ người họ muốn, nhưng mà họ đã không muốn mất những gì họ đã có được với chúng tôi.“
Hecht – gọi béng là ông Brecht-Hecht - ít nhiều là chân loong toong trong hãng gia đình Brecht giàu truyền thống. Sau khi Brecht chết, ông ấy cũng lọt vào Đoàn kịch nghệ Berlin và làm việc với tư cách là đạo diễn trong đám người được Helene Weigel nâng đỡ. Ông ở lại đó tại nhà hát cho tới năm 1974 và sau này trở thành nhà đồng xuất bản toàn bộ trước tác của Brecht.
Trên mỗi nhà trẻ kẻ hàng chữ, trên mỗi trại lính của quân đội nhân dân quốc gia, mỗi một bộ trang phục phía Đông, mỗi nhà máy quốc doanh, như vậy là trên toàn bộ nhà nước công nông dạo đó viết treo nền quốc lý: „Học Liên xô là học cách chiến thắng!“ Stalin và những kẻ kế vị ông chơi ngôi chúa thánh: chiến lợi phẩm cần phải được nhào nặn ra đúng theo hình hài của mình.
Và điều này cũng áp dụng cho nền sân khấu mới ở phía Đông. „Phương pháp Stanilavki“ trở thành lời chỉ giáo kích động trong cuộc đấu tranh văn hóa. Tại CHDC Đức, sân khấu Stanilavski (10) kiểu xô viết, ấy là nghệ thuật kịch „dân dã“ của „ thụ cảm“, có giá trị như một khuôn mẫu bắt buộc. Brecht coi sân khấu xô viết là „cục bộ“. Từ nhãn quan của mình, thứ mĩ học diễn trò bắt buộc du nhập từ Moskva là một thứ sân khấu ảo giác lỗi thời hạn chế, phong kiến-tư sản, vâng, và phản động. Và ông phản kháng lại bằng vũ khí của lý thuyết và thực tiễn sân khấu hiện đại hơn, „ Sân khấu sử thi“ của ông, chống lại giáo điều của những nhà tư tưởng qùy mọp của Đảng Xã hội Công nhân thống nhất Đức.
Từ 1949, kiểu như một người thuê lại dưới trướng của Hội sân khấu Đức miền Đông, tức là của Sân khấu quốc gia của CHDC Đức hồi đó, Brecht đã diễn kịch 5 năm cùng với BE (Đoàn kịch nghệ Berlin) do ông và Helene Weigel thành lập. Kết cục sau này Đảng đã cho phép BE giàu thành tích một ngôi nhà riêng. Tình cờ Brecht đã chộp được nhà hát kịch ở Schiffbauerdamm có kiến trúc barock mới từ thế kỷ 19, nơi vào dạo 1928 đạo diễn Erich Engel(11) đã ra mắt công diễn vở ca kịch Ba đồng xu của Brecht.
Với ít nhiều khoảng cách nhìn lại (và chính Brecht cuối cùng cũng bình thản hơn): Cuộc tranh cãi với những môn đệ của Stanilavski bốc mùi „tranh luận xác tín tôn giáo“ – rất nhiều điệu bộ về ý hệ, sự bất cập nôn nóng, sự khoa trương đắc thắng nhiều lời xung quanh một tín lý về sân khấu duy nhất đúng đắn. Vâng, cả hai bên đều „thối tha“, nói theo Heinrich Heine. Về bản chất cuộc cãi vã không đả động đến một kiểu diễn kịch hiện đại hơn, mà tới cái ngớ ngẩn, hay nói theo Brecht đến „ than và quặng/ (tiền và) quyền trong nhà nước“. Và nó xoay quanh những khó khăn cố hữu trong việc viết và nói lên những sự thật nguy hiểm ở trong một chế độ độc tài.
Werner Hecht cung cấp cho độc giả một biên niên nhỏ về chiến tranh gồm những trận đánh giấu mình và những cuộc đột kích tai họa, những cuộc cấu xé trong nội bộ Đảng và những vụ tấn công mang tính khủng bố. Một chương đầy tính giáo dục có lẽ là cuộc vận động của đảng SED chống lại sự công diễn vở ca kịch của hai tác giả Brecht và Dessau (12) Cuộc hỏi cung của Lukullus trong năm 1951. Một chương nhỏ quái lố là bài đả phá của Honecker (13) (dạo đó là sếp của FDJ - Đoàn thanh niên tự do Đức) phản đối khúc cantata tuyên truyền Bản báo cáo Herrnburg của Brecht vào năm 1951. Nhưng cái chương chính bi thương đối lại chính là thảm họa của Hans Eisler (14) Cùng nhân dân gọi anh với tôi trong thử nghiệm muốn viết cho người Đức một thi phẩm Faust-phản-Goethe mang tính thợ thuyền và sáng tác vở ca kịch dân tộc Johann Faustus.
Sau đó đến với tôi một chương giật thót tim: Brecht và cuộc khởi nghĩa của công nhân ngày 17.06.1953. Bức thư biểu lộ lòng trung thành vừa hèn vừa dũng gửi tới Walter Ulbricht (15) - thái thú của Stalin- viết ngày 21.06.1953 in trên tờ Nước Đức mới, cơ quan ngôn luận trung ương Đảng SED được coi như điểm phản hồi, đồng thời chỉ viết đưa vào ngăn kéo, chính là bài thơ chế nhạo độc địa của Brecht cười Ulbricht và bè lũ, với điểm nhấn độc đáo „Sao chính phủ không cách chức nhân dân/Và bầu một nhân dân khác/Có phải tiện hơn không?“
Hecht đã dùng một biểu ngữ thích hợp từ thi tập „Cảm nhận“ của nhà thơ làm phụ đề, viết trong cái năm thành lập nước CHDC Đức 1949 :“ Nhọc nhằn của núi non ở lại sau ta/Phía trước ta nỗi nhọc nhằn của đồng bằng.“
Như vậy cuốn sách về Brecht của Hecht cung cấp một bức tranh đạo lý đầy tính giáo dục của CHDC Đức xưa, một bức toàn cảnh gợi tôi nhớ về Hieronymus Bosch (16), gợi tới tất cả quái thú siêu thực trong bức tranh „Sự cám dỗ của thánh Antonius thiêng liêng“. Thế là giờ đây những cám dỗ của Bert Brecht không thiêng với những con quái vật thực tế trong địa ngục Stalin: Ông ấy làm trò gì? Cái gì thôi thúc ông? Cú giằng co có là một cái ôm? Liệu chủ nghĩa cơ hội chiến thuật có là một cú dứ chiến lược của cách mạng? Hèn nhát, hay là mưu mẹo của lý trí? Hay diễn đạt một cách thợ thuyền hơn: Liệu người ta có thể chui vào lỗ đít của con trằn tinh và qua đó lại từ bên trong cắn nát lòng ruột của nó?
Thần tượng Brecht, với những trí tuệ ngắn hạn ở vùng phía Đông và phía Tây, đã phai tàn. Từ khi chủ nghĩa cộng sản toàn cầu sụp đổ, một số người thậm chí đã đập tan tượng đài của người cộng sản Brecht. Tôi không. Tôi buồn rầu vì sự rút phép thông công này, bởi vì nhà thơ không hề là một tay bợm của nền chuyên chính ở CHDC Đức.
Brecht đóng dấu lên những trí thức mua chuộc đã tự bán mình cho kẻ thống trị bằng anagram (từ đảo chữ) nguyền rủa „TUI“ (Tellekt-Uell-In). Trong cuốn Sách phương ngữ của mình Brecht đã lạ hóa các nhân vật màn trò bằng những bí danh và hóa trang ngụ âm Hán. Brecht bóc trần những kẻ che đậy thói đạo đức giả. Ông chế diễu đám liếm nước bọt của ông hoàng, bóc mẽ những nhà bao biện dùng tiền mua được là „lũ tẩy trắng“.
Có điều cũng nhiều người hậu thế ngày càng giận dữ hơn chửi nhà thơ bản thân là một gã „TUI“. Không ngạc nhiên: Năm 1954, một năm sau cái chết của Stalin, thần thánh đã trừng phạt Brecht bằng Giải thưởng hòa bình Stalin của nhà nước Xô viết. Và bậc thầy của chúng ta đã hết khôn dồn dại tới mức đón nhận giải này.
Người bác sĩ thân tín của tôi ở Đông Berlin, bác sĩ nội khoa Georg Tsouloukidse, điều hành một phòng mạch ở Schiffbauerdamm. Đôi lúc bác sĩ „Goggi“ đáng tin cậy này đã chăm nom khám bệnh ngoại trú cho Brecht. Sau này ông ấy đã cứng cỏi và cương nghị quả quyết rằng, ông ta (Brecht) nếu được chăm sóc và điều trị y tế điều độ, hẳn dễ dàng tiếp tục sống thêm 20 năm nữa trên cõi đời.
Từ rất lâu tôi gán cho mình quyền được biết, tại sao cái ông Brecht này vào năm 1956, đáng ra lên giường nghỉ cho khỏe lại tiếp tục làm việc tới mức tự sát ở nhà hát. Điều này tôi phỏng đoán: Dạo đó ông đã chán ngấy cuộc đời làm người giảng đạo cộng sản.
Trong ý nghĩa mang tầm lịch sử thế giới, mang tội này là ông trùm đảng mới ở Kremlin. Vào tháng Hai năm 1956, lại nữa một bước ngoặt thời đại mới ập đến với chúng tôi. Tại đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên Xô, Khơ rút sốp -người mang bản tính stalinit chống lại Stalin- đã dám làm một cuộc kiểu như đảo chính. Gã Skinhead(17) xô-viết đã đọc bài diễn văn kín về những tội ác tày đình chống lại loại người ở thời Stalin.
Những sự thật kinh hoàng về đất nước được ngợi ca của chủ nghĩa cộng sản không còn được giữ kín nữa. Hàng triệu người công dân xô viết vô tội, kinh hoàng ưu tiên trước những người cộng sản Do thái dưới thời Stalin, đã bị các đồng chí của họ sát hại trong những xưởng tra tấn của KGB. Cứ 6 trong 10 người cộng sản, trong thời Quốc xã đã cứu thoát thân ra khỏi nước Đức của Hitler chạy được sang Liên bang CHXHCN Xô viết, dạo đó đã bị hành hình tại nơi đây. Hai con quái vật đối chọi nhau của Đảng cộng sản Đức KPD, Walter Ulbricht và Herbert Wehner(18), đã sống qua địa ngục này. Ra sao, thời gian qua chúng ta đã biết.
Tin tức về trại Gulag(19) là một cú sốc đối với những người cộng sản trên toàn thế giới. Và đúng vào cuối mùa hè của cái năm định mệnh, Brecht của chúng ta bỏ chạy lao vào cõi chết. Ông ấy bị suy sụp về đạo đức theo nghĩa tốt nhất của từ này. Có vẻ như nhà cứu rỗi nhân loại của chúng ta tự chính bản thân đã chán ngán vai trò làm người chỉ đường tới giải pháp tối hậu cộng sản. Brecht kiệt quệ đã muốn dọn sang thiên đường riêng tư trong nghĩa trang Dorotheen nằm trên đường Chausseestraße.
Ông cho rằng vinh quang đời sau của mình được đảm bảo. „Người thầy lớn“ của chúng ta chui vào quan tài bông của mình, bao bọc bởi bảy lớp thép quí không gỉ. Dùng lời của Heine nói: Bert Brecht dạo đó đã đào ngũ khỏi cuộc chiến vì tự do của nhân loại.
Chắc chắn người thầy mácxít- lêninit đã thấm nhuần bài học lịch sử sâu hơn chúng tôi những cậu choai đỏ mới vào đời. Cực đoan như Brecht đã luôn từng, giờ đây đáng ra ông ấy, bằng tất cả sự táo bạo mang tính biện chứng, đã phải công khai và trong mọi thể thức ra khỏi cái đảng mà ông chưa bao giờ là thành viên hợp lệ. Nếu được như vậy, chúng tôi học trò của ông hẳn đã tôn vinh ông với một lời trích từ vở kịch Galilei: „Đã thắng rất nhiều, nếu chỉ một người đứng dậy và nói KHÔNG.“
Cuối những năm 20, ở lâu trước thời Quốc Xã, Brecht đã đanh thép tiến hành cuộc chia tay giai cấp tư sản. Vở kịch giáo mẫu cay độc Biện pháp từ năm 1932 là một vạch chỉ đường ghê sợ. Nhưng giờ đây, cuối thời Stalin, đáng lẽ ông ấy phải rốt ráo đoạn tuyệt lần thứ hai mới phải. Và lần này chính là với chủ nghĩa cộng sản.
Đáng lý ra Brecht có thể phải trở thành một người phản đạo tốt lành và dũng cảm , giả dụ như những người đồng chí cộng sản của ông ở những năm 30 như Koestler và Manes Sperber(20), cũng như kẻ hậu sinh Wolf Biermann của ông cách ông một thế hệ.
Trò đời là thế, giá mà về sau bây giờ tôi có thể hồi cố cổ vũ được Brecht và quyến rũ được ông với bài hát của tôi „ Chỉ có ai thay đổi được mới trung thành với mình“! Nhưng mà rồi với cái đó khổ tôi cũng không thể hữu ích gì cho ông, vâng bởi vì chính ông ấy cũng biết đích xác điều đó. Vào năm 1942, trong khi lưu vong tại Mỹ, Brecht đã viết: „Hãy xem kia, săn đuổi chúng tôi khỏi 7 nước/ các ông kẻ chơi trò cuồng xưa cũ: /Tôi ca ngợi những người tự thay đổi/ Và qua đó vẫn còn lại chính mình.“
Tuy nhiên ông ấy không đoạn tuyệt với sự điên rồ xưa kia của bản thân. Sự đáng cười, đáng khóc đằng nào cũng thế.
Ôi chao! Nếu như Brecht vào cái năm ông mất đã dám đoạn tuyệt lần thứ hai trong đời nhỉ? Sẽ ra sao chúng tôi những môn đệ của Brecht? Sẽ thành gì từ Heiner Müller(21) người học trò mạnh mẽ nhất của ông. Thành cái gì từ người cộng sản salon Peter Hacks(22) thơm xức nước hoa? Thành cái gì từ người tư duy phẳng sâu sắc Christa Wolf(23)? Thành cái gì từ nhà thơ trương cơ bắp sợ sệt Volker Braun(24)? Thành cái gì từ nữ thi sĩ thợ thuyền Helga M.Novak (25)? Ra cái gì từ người anh em gan ruột, nhà thơ trữ tình trầm tư Günter Kunert(26)? Và ra cái gì từ tôi?
Giờ thế đó một suy xét xâm chiếm lấy tôi, tới nay có thể chỉ thiếu mỗi lòng can đảm cho suy luận này. Tất cả đều tào lao về Brecht: „ Lẽ ra ông ấy có thể bỏ“, „lẽ ra ông ấy cần phải muốn“, „lẽ ra ông ấy có thể làm“, những điều đó đều kênh kiệu và thoáng theo gió bay đi: Bậc thầy kính mến của chúng tôi, vâng ông đã không dám đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản! Tại sao cơ? Con trẻ người ơi! Người ta chỉ có thể đoạn tuyệt được với một tư thế người ta thật sự có.
Thế nên có thể tôi có một điều vô cùng đặc sắc đấy cho ông, thưa ông Werner Hecht yêu thương: Brecht của chúng ta ư, chưa bao giờ ông ấy là một người cộng sản.
©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn Spiegel
Chú thích của người dịch:
(1) Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.
(2) Werner Hecht (sinh năm 1926): Nhà nghiên cứu văn học và sân khấu, xuất bản tác phẩm của Bertolt Brecht.
(3) Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20
(4) William Shakespeare (1564 – 1616): Nhà soạn kịch, nhà thơ và diễn viên người Anh, tác gia đỉnh cao của văn chương thế giới.
(5) Johann Wolfgang von Goethe ( 1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.
(6) Francois Villon (1431-1463): Nhà thơ Pháp, tác gia quan trọng thời hậu trung cổ.
(7) Karl Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn, nhà viết kịch, tác gia quan trọng nhất ở giai đoạn trước cách mạng tháng Ba năm 1848.
(8) Helene Weigel (1900-1971) Nữ diễn viên, nữ giám đốc Đoàn kịch nghệ Berlin, vợ của Bertolt Brecht.
(9) Konrad Hermann Joseph Adenauer (1876-1967): Thủ tướng đầu tiên của nhà nước CHLB Đức, chủ trương kinh tế thị trường xã hội, thống nhất châu Âu và chống cộng sản.
(10) Konstantin Sergejewitsch Stanislawski(1863-1938): Diễn viên và đạo diễn Xô viết, nhà cách tân sân khấu. Phương pháp kịch mang tên ông được áp đặt làm khuôn thước ở Việt Nam và các nước Đông Âu khác.
(11) Erich Engel (1891-1966): Đạo diễn sân khấu và phim Đức.
(12) Paul Dessau (1894-1979): Nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc, lưu vong tại Mỹ, trở về CHDC Đức, bản nhạc phổ cho vở kịch của Brecht bị phê phán là „xa rời nhân dân“ và „hình thức chủ nghĩa“, từ đó gây ra cuộc tranh luận xung quanh Chủ nghĩa hiện thực XHCN.
(13) Erich Honecker (1912-1994): Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Công nhân xã hội thống nhất Đức (Đảng cộng sản) từ 1971-1989.
(14) Hans Eisler (1898-1962): Nhà soạn nhạc người Áo, sống và làm việc tại Đông Berlin cộng tác nghệ thuật với Bertolt Brecht.
(15) Walter Ulbricht (1893-1973): ):Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Công nhân xã hội thống nhất Đức (Đảng cộng sản) từ 1949-1971.
(16) Hieronymus Bosch (1450-1516) Họa sĩ Hà Lan thời Phục Hưng, tác phẩm gây ngạc nhiên bởi sự trình bày bí hiểm.
(17) Skinhead: Theo một nghĩa hẹp chỉ người phát xít kiểu mới.
(18) Herbert Wehner: (1906-1990): Chính khách Đức, Bộ trưởng đặc trách sự vụ toàn Đức, chủ tịch khối nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức.
(19) Gulag: Hệ thống nhà tù - lao cải của Liên Xô dựng lên từ thời Stalin.
(20) Arthur Koestler (1905-1983) và Manes Sperber (1905-1984) là hai nhà văn người Hung điển hình cho thái độ phản đạo. Trong thời kỳ Stalin thanh trừng, hai ông đã rời bỏ Đảng Cộng sản.
(21) Heine Müller (1929-1995): Nhà thơ, nhà tiểu luận, và đạo diễn. Ông là kịch tác gia Đức quan trọng nhất nửa sau thế kỷ 20, chủ tịch Viện hàn lâm Nghệ thuật của CHDC Đức.
(22) Peter Hacks (1928-2003): Kịch tác gia, nhà thơ, nhà tiểu luận. Ông là tác giả của nhiều vở kịch được dựng trên sân khấu hai miền nước Đức.
(23) Christa Wolf (1929-2011): Nữ nhà văn CHDC Đức, một trong những tác gia viết tiếng Đức quan trọng nhất của đương đại.
(24) Volker Braun: Sinh năm 1939, nhà văn Đức, là những người đầu tiên ký Kiến nghị phản đối sự tước quốc tịch và trục xuất nhà thơ, ca sĩ Wolf Biermann.
(25) Helga M.Novak: Sinh năm 1935, nữ nhà văn, bị tước quốc tịch CHDC Đức vì viết những tác phẩm phê phán chế độ.
(26) Günter Kunert: Sinh năm 1929, nhà văn với kịch bản dựng ở cả hai miền, đại diện cho văn chương toàn Đức.
Thông điệp gửi lại từ cuộc sống
Phạm Kỳ Đăng
Tin tức từ đại án tham nhũng chỉ xác nhận lại những gì bàn dân nói đến một hiện trạng sống của quan chức đem công quỹ đánh bạc, đút lót tới hàng triệu US-Dollar. Hiện trạng xì ra tại một phiên tòa xử, đến nhanh hơn mọi lời đồn thổi từ nhiều năm nay, rất trần trụi, trắng trợn, thực ra với những người suy ngẫm nhiều về đất nước này, ngán ngẩm tới nỗi chẳng còn gì để nói. Nhưng với số tín đồ ngước mắt nhìn lên bục giảng, tin công bố đánh thức họ lờ mờ vỡ vạc ra điều gì về sự sa đọa của nhóm người ở tầng cao hơn mình không sao tiếp cận nổi đang hùa nhau ăn theo, ở tầng cao nhất phát động ngày càng nhiều đợt giáo dục quần chúng “ sống, chiến đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.
Một hiệu ứng domino đổ theo hướng về bất lương, và táng tận.
Ngay lập tức trên báo chính thống có những bài viết lập luận về „lý“ và „tình“. Người viết viện dẫn bình luận của Khổng Tử trong sách Tứ Thư. Căn cứ vào những hàm ý gửi gắm, ta sẽ có hình ảnh ông Dương Tự Trọng sa vào vòng lao lý vì trọng chữ „nghĩa“ và bởi sống rất có „tình“, mà „pháp luật vốn rất vô tình“. Các bình luận ở dưới bài báo, dĩ nhiên qua sàng lọc, thật ngạc nhiên, đồng thanh bày tỏ tình cảm chí thiết với con người „bổn phận với nước nhà anh luôn làm xuất sắc (...) vì tình riêng anh sẵn sàng chịu thiệt thân để cứu anh. Người như vậy tuy phạm tội nhưng đầy nhân cách“.
Tờ Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong cho đăng bài của tác giả Hoàng Chiến Thắng, còn dành những lời có cánh cho con người „ vẹn tài vẹn tâm (...) tính cách có phần nghệ sĩ, sống phóng khoáng (...) Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an. „ Ông Trọng, còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ, theo diễn giải trên, chỉ là người sa ngã vì quá trọng chữ „tình“. Chả hiểu sao bài báo này đã khiến độc giả lã chã nước mắt bày tỏ lòng cảm phục kính trọng đối với ông Dương Tự Trọng. Người đọc được bày tỏ ý kiến trong trang coi ông làm tấm gương sẵn sàng làm như vậy trong hoàn cảnh của ông, như thể đều dập chân vẫy chào ông hẹn người có nụ cười anh hùng hào sảng sớm quay trở về. Họ cảm phục tác giả thấm đẫm nhân văn, đầy tình cảm và tinh thần vị tha.
Về con người ông Dương Tự Trọng, tôi không phản bác các ứng xử vị tình của ông nếu như ông chỉ một mình đưa anh đi chạy trốn và chịu đựng hậu quả. Vượt ra phạm vi đó, huy động cả bộ máy công quyền thừa hành vào việc giúp đào thoát là sự lạm dụng quyền lực, do đó là hành vi phạm pháp, ở nhà nước văn minh nào cũng bị truy tố vậy thôi. Hơn nữa điều hành người xã hội đen vào cuộc, càng không thể chấp nhận nổi, bởi ở các quốc gia thực sự là nhà nước pháp quyền, các cơ quan điều tra cấm chỉ nhân viên quan hệ chén chú chén anh với xã hội đen thảy gồm các loại đầu gấu. Người ta đã cười về sự vị tình vô nguyên tắc, từ tình „anh em“, tình „đồng chí“, không một rào cản lụy ngay vào tình „đồng bọn“ và „đồng đảng“. Những hành động vượt rào của viên sĩ quan công an, tự nó bôi xóa lên, màu gì thì khỏi phải nói, cái „vẹn đức vẹn tài“ mà tác giả Hoàng Chiến Thắng và độc giả Petrotimes ca ngợi.
Lẽ nào có sự mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tình và lý. Hay đặt vấn đề theo một cách khác: sự tận tâm đối với pháp luật sẽ bắt buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ đều phải hy sinh nhiều hoặc tất cả những gì thuộc về đạo đức?
Chúng ta nên nhớ đạo lý làm người ở Tứ Thư, các bộ luật và bộ máy tư pháp của nhà nước phong kiến thời Hồng Đức, cũng như của nước CHXHCN Việt Nam đều không đáp ứng được chuẩn mực của một nhà nước dân sự- pháp quyền. Tùy mức độ thân thế và huyết thống, chuẩn mực đạo lý nó tùy nghi cho cách diễn giải và đánh giá khác nhau. Tùy vị trí quyền lực và tiền tài, các điều luật ở các nhà nước quân chủ chuyên chế và chuyên chính vô sản, hay cộng sản chỉ là một tên gọi khác, được áp dụng tùy tiện một cách hà khắc hoặc nương nhẹ khác nhau. Giống nhau là ở chỗ các nhà nước ấy chối từ quyền bình đẳng cho mọi người dân. Chỉ có vua quan hay lãnh đạo, công chức bên trên và đám đông bên dưới còn lại là thần dân, không hơn, không kém. Bộ luật và bộ máy thi hành pháp luật ở hai thể chế luôn có bản song trùng đi kèm, mang tính nước đôi, giống nhau trong bản chất ở tính độc đoán. Cho nên ta không ngạc nhiên những ngày tiếp sau đây, bộ máy tư pháp, công an hóa đến tận chân răng, sẽ còn loay hoay với việc khởi tố vị Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ, bởi hàng năm nay Đảng vẫn còn chưa tìm ra danh tính, diện mạo đồng chí X. Bộ Chính trị từ khi ra đời đóng thay vai trò Tòa án Hiến pháp, ngay sau Hội nghị trung ương VI, đã thống thiết đề nghị một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mãi mà vẫn không được Ban chấp hành trung ương chuẩn thuận.
Các bài báo trên với cách dẫn giải và các ý kiến bình luận được đăng tải, rất thiếu lý lẽ thuyết phục. Nội dung dẫn giải và cả bình luận của độc giả trên báo chính thống cùng loại trừ hai yếu tố pháp quyền và công dân, hơn nữa đều tố giác một sự thực đau đớn: Nhà nước Việt Nam hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền, ý thức người dân Việt Nam về quyền và trách nhiệm công dân của mình chưa chín độ, và người dân Việt Nam chưa trưởng thành, bởi dưới chính quyền 65 năm nay từ chối nhân quyền phổ quát, người dân ta chưa bao giờ được làm công dân thực thụ.
Nhưng nhiều người duy cảm hãy nhớ rằng cái bộ luật Hồng Đức đòi hỏi xử nặng những kẻ tố giác người thân của mình nào có đảm bảo tính nhân văn? Cũng như không thể bừa bãi gọi cách bao che cho nhau vì tình đồng chí là nhân văn được. Xét trong tương quan với một hệ thống khác, pháp luật ở một nhà nước dân chủ - pháp quyền theo mô hình văn minh phương Tây, không triệt tiêu những giá trị thuộc về đạo đức. Một nghi can bị điều tra có quyền từ chối không khai báo gì về thân nhân của mình ở cấp thân quyến nhất (cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng). Điều tra viên hay công an có trách nhiệm phổ biến cho họ về quyền đó, vì điều tra là việc của công an hay cơ quan điều tra. Gặp những trường hợp như vậy, công an/điều tra viên còn khuyên nghi can không nên khai báo về thân nhân của mình. Nếu so sánh như vậy, nền tư pháp của CHXHCN Việt Nam với thực tế xúi giục con tố cha, vợ tố chồng từ hồi Cải cách ruộng đất vẫn chà đạp quyền công dân tới ngày hôm nay, và trong công tác điều tra, chưa kể bức cung bạo hành, với sự chia rẽ và vùi dập quan hệ gia đình gây nhiều oan khuất, còn phải làm rất nhiều điều hệ trọng mới đảm bảo được tính chính đáng cho một đòi hỏi về đạo đức. Nhưng xét thật sâu xa, khía cạnh đạo đức chỉ được đề cập, nếu như nó đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho mọi thành viên xã hội thuộc mọi thành phần và sắc tộc. Vì lẽ đó, nhiều nhà nước dân chủ phân chia các nhánh quyền lực, cạnh bên Hành pháp và Lập pháp (cũng như truyền thông, báo chí) dành một chỗ đứng độc lập cho ngành Tư pháp, nơi công an, với một trong các chức năng là cơ quan điều tra, được phân bổ vị trí thừa hành rất rõ ràng. Viện Công tố chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc từ khâu điều tra khi phát hiện tình tiết cấu thành tội phạm, tới khởi tố, xét xử và thi hành án. Nhất là trong khâu điều tra, Viện công tố (là Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay) có chức năng yêu cầu mọi cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin, huy động toàn bộ các cơ quan điều tra như công an, hải quan, cơ quan truy thuế vụ v.v. vào cuộc. Như vậy, với tư cách là cơ quan điều tra, công an, còn có nhiều chức năng rất cần thiết cho xã hội xin miễn bàn tới ở đây, chỉ được phép hoạt động dưới sự điều hành của Công tố viện. Riêng phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng ở Việt Nam cho ta thấy một bộ máy tư pháp công an hóa đến mức quái gở: tòa xử một sĩ quan công an với đại diện bên công tố (Viện kiểm sát) đeo hàm sĩ quan công an. Nhân chứng tại tòa khai ra một viên chức cấp cao của Bộ công an, và sự đưa hối lộ nghi còn dính dáng tới Bộ trưởng Bộ công an. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán ngồi ghế chủ tọa đã kết án Dương Tự Trọng bằng một bản án nghiêm khắc nghiêng theo một "quyết tâm chính trị" hơn là luật pháp, và, căn cứ vào tình tiết mới xuất hiện đã làm đơn chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu truy tố bởi nghi vấn (ông thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ) nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước.
Động đến cấp lãnh đạo Bộ Công an, "quyết tâm chính trị" sẽ phải chùng xuống vì ở thể chế này, việc truy cứu trách nhiệm ông Ngọ sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đơn giản vì người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, hai ông Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đều là tướng cấp cao của ngành công an đưa sang cả. Khả năng công an cao cấp sẽ được hưởng quy chế miễn trừ là rất cao, như thể họ là một „lực lượng lạ“ trong lòng dân tộc, vì công an đã có lời thề trung với Đảng, công khai diễn phớ ra phương châm „còn Đảng còn mình“.
Đáng lẽ có thể dân sự hóa ngành tư pháp được đảng hóa và công an hóa toàn thể, và hoàn thiện luật pháp phù hợp với trào lưu văn minh, Hiến pháp sửa đổi vào năm 2013 đã duy trì điều 4, như vậy từ chối nhân quyền và bóp nghẹt những ý kiến đóng góp của nhân sĩ và trí thức mang tính bùng nổ từ cuộc vận động góp ý sửa Hiến pháp 1992, rất quan trọng cho cải cách tư pháp.
Những vòng xoáy từ trước PMU đã tạo lên vòng xoáy to và mạnh mẽ Vinashin và Vinalines tệ hơn ở sức phá hoại. Ông Tổng bí thư, sau khi giật lại quyền chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương, lại tiếp tục vận động chỉnh đốn quay vòng và kêu gọi sống theo làm theo. Sự thuyết pháp giả hay thật của ông rồi đó sẽ phù phép ra một vòng xoáy lốc tàn hại khác của tham nhũng. Đằng sau hậu trường bưng bít đang bung xung vì những cuộc đấu đá ở tầng cao nhất, hé từ màn xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, người ta ngửi thấy sặc sụa hơn khí vị của sòng bài và nhà thổ.
Thiếu vắng một bước đột phá từ hành động chứ không phải từ lời nói, thực tế thảm hại của nền chính trị Việt Nam sụp đổ không có lý do gì trì hoãn. Bắc Hàn còn có thể trưng mẽ một thủ đô hoành tráng và bom nguyên tử. Trung quốc có thể phô trương thành tựu kinh tế trong 30 năm qua, và ý đảng của họ còn chiêu mộ được lòng dân dưới tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc hung hãn đến mức phát xít. Việt Nam bốn mươi năm sau cuộc chiến vỗ ngực thắng cuộc không có gì để an ủi nhân dân. Bên một lăng xây, chưa chắc làm mát lòng người nằm trong linh cữu, ngổn ngang một đống những công trình dở dang từ trung ương đến địa phương là sản phẩm của một nền kinh tế vòng vo định hướng giữ manh mối làm giàu bất chính, đang đến hồi vỡ nợ và sạt nghiệp.
Nhiều người nhận định, chính quyền Việt Nam đang tiếp tục chính sách đi dây mạo hiểm giữa Mỹ, Nga, Trung quốc và phương Tây. Xét thực tế thi hành chính sách phi dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, tôi cho rằng, nhà nước này còn đi dây với Nhân dân nữa, chừng nào người dân bị tước bỏ quyền chủ sở hữu không có chỗ đứng trên ruộng vườn và không có quyền làm công dân tự do biểu lộ ý kiến khác trong ngôi nhà tổ quốc của mình. Họ, những người chưa làm chủ ruộng vườn, xuống đường đòi lại lãnh thổ cha ông bị cướp đoạt, ngày 19.01.2014, thêm một lần bị chính những người đồng bào tiếp tay cho ngoại bang, chính là công an kết hợp với côn đồ, lẽ ra phải bảo vệ cho cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tốt đẹp, xúm vào quây hành hung và đánh đập.
Thế thì ông Thủ tướng ra cái thông điệp đầu năm với những kêu gọi „đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân“ mà làm gì. Thông điệp chỉ đại diện cho lợi ích một nhóm, chà đạp quyền lợi toàn dân, không khác gì các nghị quyết, dứt khoát không bao giờ đi vào cuộc sống. Mặc nhiên đối lại, từ những mối lở loét trên cơ thể của một thể chế phi nhân xì ra nhiều bức bối, cứ như từ những thúc hối, muốn hay không, cuộc sống còn gửi trả lại rất nhiều thông điệp.
© P.K.Đ - Bài đăng BVN
Heine và chủ nghĩa cộng sản
Tranh © Lyonel Feininger(1872-1956) họa sĩ Đức-Mỹ |
Chưa bao giờ Heine là đồng chí của một đảng, nhưng còn lại ông một người đương thời đã đứng về một phía: ông vẫn luôn được yêu mến và căm ghét – và thường trong cả hai xúc cảm bởi những người ra hồn. Luôn luôn đọc ông với nhãn quan mới đã và đang thú vị hơn so với sự tranh cãi về ông. Ở đây có thần dược thi ca dành cho những người Đức mắc chứng ca cẩm kinh niên:
Rên rỉ
Hạnh phúc là em điếm lẳng lơ
Không thích dừng chân luôn một chỗ
Nàng vuốt ve tóc anh xòa trên trán
Thoắt hôn anh và rồi lại nhởn nhơ đi
Bà Bất hạnh thì ngược đời thật
Yêu dấu ôm anh ghì vào ngực nồng nàn
Bà nói, bà không có gì phải vội
Ghé sát giường anh, bà ngồi đan.
Lamentationen
Das Glück ist eine leichte Dirne
Und weilt nicht gern am selben Ort;
Sie streicht das Haar dir von der Stirne
Und küsst dich rasch und flattert fort.
Frau Unglück hat im Gegenteile
Dich liebefest ans Herz gedrückt;
Sie sagt, sie habe keine Eile,
Setzt sich zu dir ans Bett und strickt.
Vâng cuộc đời khô khan thường mai phục tấn công chúng ta bằng những xung đột cá nhân và chính trị: hòa bình mất đi ở Irak, cuộc chiến huynh đệ vĩnh hằng ở Palestine, chủ nghĩa tư bản kiểu trại tập trung của Trung quốc, cuộc diệt chủng được dung thứ của nước Nga tiến hành tại Tschechien, sự lây lan nhanh như phi ngựa của việc mở rộng biên giới EU, cuộc hôn nhân nguy khốn giữa Merkel(1) và Münterfering(2), sự quay trở lại hỗn hào của cán bộ CHDCĐ từng bị lật đổ, giá dầu tăng một cách cuồng nộ, những cuộc truy hoan đêm hành quyết Do thái của những ngụy tín đồ Hồi giáo trong cơn cuồng nộ dân tộc được tổ chức một cách toàn thống phản đối những bức đúng là hí họa thánh Muhammad. Nếu như những trận võ mồm tới lui đôi phen làm tôi rối trí, thì sau đó tôi thích thú giở tập“ Giai điệu Hebrew“ (3) của Heinrich Heine đọc bản tường thuật viết bằng thơ về cuộc tranh luận tôn giáo thời trung cổ. Ở đó, trong dạng thức một bản tình ca, nhà thơ tường thuật về cuộc cãi vã ói ra mật về đức tin của một nhà giáo sĩ Rabbi (4) Tây Ban Nha với một Tu sĩ đạo Thiên Chúa. Và thi sĩ cung cấp cho chúng ta như một điểm nhấn nhá cái khoảng cách chua chát song song đối những đảng này và đảng nọ đang cãi nhau. Có nghĩa là Heine kết cục để cho hoàng hậu xinh đẹp ở trên lô khán giả nói với vị hôn phu buồn tẻ của mình rằng:
Kẻ nào có lý, tôi không biết
Tôi lờ mờ thế đó ngộ ra
ông Rabbi hay nhà Tu sĩ
Rằng cả hai ông đó thối tha.
Welcher recht hat, weiß ich nicht -
Doch es will mich schier bedünken,
Dass der Rabbi und der Mönch,
Dass sie alle beide stinken.
Tôi bị choáng bởi một cái điều mới mẻ đình đám vốn bản thân tôi không hề tính tới. Năm 2005, tạp chí SPIEGEL đã công bố kết quả thăm dò ý kiến công luận Đức. Mười lăm năm sau khi thống nhất, người ta đưa ra thử một cái câu hàm ý được diễn đạt một cách tinh vi:“ Chủ nghĩa xã hội là một ý tưởng tốt, cho đến hôm nay chỉ được thực hiện tồi.“
Điều đó có nghĩa, hỏi một cách ít khéo léo hơn: người ta liệu có nên lặp lại thí nghiệm súc vật ở phạm vi toàn trị, thất bại toàn diện, đem đưa sang người thử nữa không và, nếu cần thiết làm đi làm lại nhiều lần, cho tới lúc nó hoạt động được. Kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến: 56% người Đức ở phía Tây và 66% người dân vùng CHDC Đức dạo xưa đã đồng tình với câu nói búa liềm này. Có thể những nhà nghiên cứu ý kiến công luận, đáng lý ra chuẩn xác hơn, thay vào khái niệm „Chủ nghĩa xã hội“ há chẳng nên dùng khái niệm „Chủ nghĩa cộng sản“ cho bài thử ý kiến của mình. Nhưng mà thôi, căn cứ vào nghiệm trải lịch sử và từ nhãn quan mác-xít thì điều đó không mấy làm ra khác biệt.
Thế thì điều này dính dáng gì đến Heine? Tôi nghĩ: tất cả đấy. Heine đứng ở cái nôi thế giới của chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đứng bên nấm mồ.
Vâng Heine đã biểu đạt cho chúng ta tố chất của những hy vọng vào chủ nghĩa cộng sản. Vào năm 1844, chỉ 4 năm sau „Tuyên ngôn“, thi phẩm Nước Đức, một truyện cổ tích mùa Đông đã được ấn hành bởi nhà xuất bản Campe vùng Hamburg. Trong bản du ký chính trị- thơ thiên tài này, ngay chương đầu tiên có khổ thơ bốn dòng:
Một khúc mới đẹp hơn thế nữa
Các bạn ơi tôi muốn viết nên
Trên trần thế ta đây đã muốn
Dựng xây vương quốc của triều thiên.
Ein neues Lied, ein besseres Lied,
O Freunde, will ich euch dichten!
Wir wollen hier auf Erden schon
Das Himmelreich errichten.
Hai dòng cuối biểu đạt tố chất của toàn bộ bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản ở dạng tóm tắt ngang mức chiết ngôn: Vương quốc triều thiên trên trần thế. Chính là sự hy vọng sai lầm cách đây 150 năm đã chắp cánh cho những cái đầu khá nhất. Heinrich Heine trình bày câu châm ngôn hành động của những trái tim khai sáng trong thời đại khổng lồ hung bạo của chủ nghĩa tư bản non trẻ. Sự khốn cùng của quần chúng quần quật trong lao động trả lương tự do dạo đó tai tiếng đến nỗi khiến những người trí thức đại tư sản thí dụ như Friedrich Engels hay tiểu tư sản như Karl Marx đã không có thể hình dung ra cái gì khác hơn là đối thể máy móc như một sáng kiến chống lại địa ngục hiện đại của thời đại công nghiệp: một thiên đường xã hội trên trái đất.
Chấm dứt sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất, từ chuồng lợn cho tới nhà máy. Cần đấu tranh lấy một triều thiên tồn tại trong thực tế, nơi tất cả mọi người kết cục có thể là anh chị em với nhau, nơi tình yêu và lý trí toàn thắng, nơi niềm hân hoan, ánh thiên thần đẹp đẽ! - tất cả chúng ta say sưa niềm hân hoan theo tinh thần Schiller (5) sẽ hát cùng nhau trong dàn đồng ca, trong khi „mặt trời không nghỉ“ sẽ soi vào sọ ta gần như nắng thiêu – tai họa ập xuống.
Khái niệm chủ nghĩa cộng sản ngay từ đầu là một từ mốt hấp dẫn ở Pháp, sau đó nhanh chóng đi vào ngữ vựng của người châu Âu: một từ khóa có sức ma thuật dành cho tất cả mọi người hướng tới một xã hội không có thống trị thông qua sự ngự trị của sở hữu toàn thể. Về vấn đề này, dạo tháng Chạp năm 1841, với tư cách là thông tấn viên của tờ báo Allgemeine Zeitung vùng Augsburg, Heinrich Heine đã viết: „ Sự tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản hàm chứa một ngôn ngữ bất cứ dân tộc nào cũng hiểu: Những nguyên tố của ngôn ngữ hoàn vũ này giản phác như cái đói, như tị hiềm, như cái chết“ – ấy một lời phán truyền nhiều nghĩa.
Marx và Engels – về cơ bản cả họ nữa cũng chỉ cấp cho một không tưởng tô vẽ bằng triết học lịch sử của Hegel (6) về một thiên đường người điên của một cảnh thơ mộng về xã hội: chính là một ảo tưởng phản cách mạng về kết cục của lịch sử.
Heine khác, thi sĩ ngờ vực - chưa bao giờ ông bốc đồng một cách mù quáng, kể cả khi với chút gượng gạo ông hy vọng vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Một cách thông thái ông dự cảm, sự bình quân xã hội cho mọi người hồ như sẽ chỉ đẻ ra một dạng thức mới của bất bình đẳng tinh vi. Ông đã tiên cảm thấy, vương quốc triều thiên cộng sản đâu đó có thể lộ nguyên hình là một vòng xoáy còn tồi tệ hơn của địa ngục trần gian.
1855, một năm trước khi chết, trong hố chăn mền ở Paris (7), Heine đã viết một lời nói đầu cho cuốn sách „Lutetia“ - ấn bản tiếng Pháp gồm những bài báo sưu tập lại của ông trên tờ Augsburger Allgemeiner Zeitung (Báo Phổ Thông vùng Augsburg). Ông than phiền về những người xông lên phá tượng đập chuông của chủ nghĩa cộng sản vẻ vang đang tràn tới. „Chỉ với sự kinh hoàng và hoảng hốt tôi nghĩ về thời đại những người đập phá đền chùa miếu mạo sẽ đi đến thống trị - Ôi chao! Tôi nhìn thấy trước những thứ đó, và một nỗi u buồn không sao nói lên được xâm chiếm lấy tôi, nếu như tôi nghĩ đến sự suy tàn, với đó những bài thơ của tôi và cả trật tự của thế giới cũ bị đe dọa bởi chủ nghĩa cộng sản.“
Nhưng đến sau đó màn ngựa chạy vòng của nhục hình roi vọt làm các vị tai to mặt lớn stalinit của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và CHDC Đức đã yêu nó với lòng ngờ vực.
„Và tuy nhiên, tôi phải khảng khái thú nhận, mặc cho nó thù nghịch đối với sở thích và chí hướng của tôi, chính cái chủ nghĩa cộng sản này đã gây ra một niềm hứng thú tâm hồn tôi không sao dứt ra khỏi... Được ban phước lành hỡi người buôn hàng đồng nát, xưa đã từng ghém những bài thơ vào gói nhỏ, đổ cà phê và sợi thuốc lá đổ vung ban cho những bà mẹ già nghèo khó, trong thế giới của chúng ta bất công có thể phải chịu thiếu thốn một món quà mát lòng như vậy, fiat justitia, pereat mundus!" (Hãy để cho công lý thực thi!).
Vậy đó lời nói cuối cùng của nhà thơ trong âm hưởng của một lời ủy thác đen. Trong 150 năm từ đó trôi qua, trên thế giới không chỉ Pháp lý mà con cả Công lý chưa bao giờ thực thi dưới nhãn hiệu của hãng „Chủ nghĩa cộng sản“ cả. Tuy nhiên điều đó những chẳng ngăn được tôi đứa con sinh ra của người cộng sản, trung thành với đức tín, bất chấp tất cả ở lại trong nhà thờ cộng sản. Vâng những tín đồ Thiên Chúa cũng đâu có chối bỏ bất chấp tòa án dị giáo thời trung cổ và các nhà đạo đức giả trong đám nhân sự thay mặt Chúa ở trên mặt đất này. Mondieu! (Lạy Chúa tôi) Rằng chúng ta những người cộng sản không thể nào cưỡng bức vương quốc triều thiên xuống trái đất được, thì còn lâu tôi mới để cho bản thân mình trở thành kẻ phản đạo.
Nhưng mà tất cả đã đến một cách tồi tệ hơn nhiều, và nó tất phải đến như vậy. Sự nghiệm trải lay động tôi đến xương tủy, rõ ràng mỗi thử nghiệm hòng kiến tạo bất cứ một vương quốc triều thiên nào, thiên chúa giáo hay đấng cứu thế hay cộng sản đều cưỡng bức chúng ta vào những vòng xoáy chỉ có hiện đại hơn của địa ngục. Chúng ta - những đứa con quả cảm của con người - phải cải thiện thế giới của chúng ta không kèm theo một đức tin con trẻ kiểu này hay kiểu nọ.
Heinrich Heine đã ngửi ra mùi xác chết toàn trị, trước khi nó bốc mùi. Về chiến thắng tương lai của chủ nghĩa cộng sản, ông ấy đã viết: „ Có lẽ kết cục sẽ chỉ có một con chiên và một bầy đàn, một con chiên tự do với một cây gậy chăn bằng sắt và một bầy người xén trụi lủi như nhau đồng thanh kêu be be!...Tương lai ngửi thấy vị da ngâm, mùi máu, mùi vô đạo và rất nhiều vị đòn roi. Tôi khuyên các cháu của chúng ta hãy ra đời với tấm da lưng thật dầy“.
Lời phỏng đoán tăm tối của Heine, từ mặt giấy của „Tập Tình Ca“ kế đó trong chủ nghĩa cộng sản được cuốn thành những gói giấy, để kết cục gói ghém vào đó gia vị hoặc dăm lạng cà phê cho một bà cụ nghèo. Sự e sợ này đã được xác chứng là một lời mỹ miều. Bà cụ già nghèo và các con của bà đơn giản bị đập chết. Trong chế độ cộng sản tồn tại thực tế không kẻ nô tỳ nào còn cần gia vị, bởi vì đằng sau hàng rào dây thép gai dành cho hàng triệu người không có cả đến gà trong nồi cần nêm gia vị. Những tù nhân trong những trại cải tạo không uống cà phê, mà uống băng tan chảy, họ mua vỏ cây, và một số người trong cơn điên vì đói đã kín đáo giết người cùng khổ như mình đang giãy giụa để ăn thịt họ.
Trí phóng tưởng của người chế nhạo thiên tài đã không đủ mức. Người mang tầm nhìn xa Heinrich Heine nào có thể hình dung ra một thứ quần đảo ngục tù (8) dù chỉ một lần thôi: một đất nước 200 triệu người đứng dưới lá cờ đỏ và những lời khoa trương xã hội chủ nghĩa đã ngốn tuyên truyền lừa bịp như một thứ bánh trời ban và đã trí trá vì sợ chết.
Thậm chí những người đương thời nổi tiếng của chủ nghĩa cộng sản thực tế tồn tại ở triều đại Stalin đã bị quáng mắt về ý hệ và nghèo trí tưởng tượng đến mức thảm hại: Brecht (9), Bloch (10), Gerhart (11) và Hanns Eisler (12), Feuchtwanger(13), Heinrich Mann (14) – tất thảy đều những trí tuệ thiên tài và kinh lịch thế giới, mà thật cũng may mắn sao cho chúng ta, đã thành công trong việc chạy sang Mỹ - vốn kẻ thù giai cấp bị họ cao ngạo khinh bỉ nhìn xuống - , tốt nhất là vùng California xinh đẹp, để tránh nanh vuốt của hai đồng chí Hitler và Stalin.
Đêm hôm nay tôi đã có một giấc mơ hoảng loạn về Heinrich Heine. Từ khi tôi viết tiểu luận này, tất cả những gì vây thúc tôi như điên dại xô trong đầu lộn xộn. Tôi mơ thấy Heine là một tù nhân trên hòn đảo Cuba. Nhưng mà tôi gặp nhà thơ không trong một nơi sạch sẽ đến mức dã man kiểu như trại tù Mỹ đặc quản ở Guantanamo. Là người đi thăm, tôi lọt vào trong một nhà giam bẩn thỉu của chế độ Castro, ban tù „Các nhà thơ thù địch nhà nước“. Tù nhân Heine được dẫn vào buồng gặp thân thăm. Người tù giới thiệu danh tính với tôi, tuy nhiên với cái tên lừng danh của người nô lệ da đen vượt ngục Esteban Montejo(15), còn gọi là „El Cimarrón“, vốn xuất thân từ một đồn điền trồng mía ở Cuba. Heine nói nửa bằng tiếng Tây Ban Nha, nửa tiếng Đức và cuối câu chuyện thậm chí còn chen vào tiếng Pháp. Sau đó Heine thầm thì: „Ở đây còn Raul Rivero Castaneda(16) ngồi tù nữa. Ông này đã từng là cộng sản, là một nhà thơ, đang ngắc ngoải trong địa ngục này. Ông ta không thể xơi những con gián trong buồng giam của mình!“. Tôi nói: „Thưa ngài Heine yêu thương và kính mến. Ngài là tác giả của những câu thơ về vương quốc triều thiên trên địa đàng, tôi muốn được trình cho Ngài nghe một câu của những nhà tìm hiểu ý kiến công luận Đức về tương lai của chủ nghĩa xã hội và xin hỏi, chẳng hay Ngài còn hy vọng vào một chủ nghĩa cộng sản với những hạt đậu đường cho mỗi người?“. Nhưng rồi người tù nhân thều thào còn nhỏ hơn nữa: „El sueño de la razón produce monstruos (Giấc ngủ của lý trí đẻ ra quái vật – ND). Câu nói nhiều ngụ ý của Goya(17) dội vào tôi như tin nhắn từ mật ngục. Tôi, bây giờ cũng nhỏ nhẹ, nói lại: „Thế nào cơ, tôn ông Heine, ông ngụ ý gì với điều đó?. El sueño, tiếng Tây Ban nha trong ngôn ngữ của chúng ta gồm cả hai nghĩa: Giấc mơ, nhưng cũng là giấc ngủ. Có dễ ông ngụ ý khai minh rằng: Giấc ngủ của lý trí đẻ ra những con quái vật, hay là điều ngược lại: Giấc mơ của lý trí, vậy là sự không tưởng cuồng vọng tương lai của thiên đường cộng sản đẻ ra quái vật?“. Người đàn ông kế đó khò khè lời nói hoảng loạn - sinh tồn của Rimbaud(18):“ Je est un autre „ (Tôi là một kẻ khác). Sau đó người tù bị dẫn đi. Giấc mơ của tôi là như thế.
Trong tập thơ „Romanzero“ xuất bản 5 năm trước khi Heine chết, có một trong số ít những bài thơ tự thú đa cảm của ông. Bài thơ bắt đầu thế này:
Đứa con lầm lạc
Mất vị thế ở trong cuộc chiến vì tự do
Từ ba chục năm lòng trung trinh ráng chịu
Tôi đấu tranh không hy vọng vượt qua
Tôi biết không bao giờ khỏe mạnh trở về nhà
Enfant Perdu
Verlorner Posten in dem Freiheitskriege,
Hielt ich seit dreißig Jahren treulich aus.
Ich kämpfe ohne Hoffnung, dass ich siege,
Ich wusste, nie komm ich gesund nach Haus.
Vâng, cuộc chiến vì tự do này cũ xưa như nhân loại. Chúng ta đây sống ở Tây Âu trong tự do và phồn thịnh. Phải chăng chúng ta chẳng cần chi một bài thơ chiến đấu như thế này? Ô có đấy. Kể cả quyền tự do non trẻ xét về mặt lịch sử mà chúng ta đang hưởng, có những thủ đoạn xấu xí của nó, có những cái bẫy kinh tế và tinh thần, có những vấn đề mang tính toàn cầu và những kẻ thù toàn trị không đội trời chung. Cái mà Heine hung hăng gọi là cuộc chiến tranh vì tự do, sẽ còn trường tồn trong ẩn dụ, chừng nào chúng ta còn tồn sinh. Và nếu ai đào ngũ trong cuộc chiến tranh này, tỉ dụ như trong bộ điệu của một khẩu hiệu giữ khoảng cách đồng đều tiện dụng „ Saddam Hussein và George W.Busch, ấy cả hai ông đều thối tha“- thì người đó, nói một cách ẩn dụ, không thuộc về đảng của Heinrich Heine.
Vâng tôi yêu thái độ của Heine: sự sùng tín tà nghịch của ông. Chúng ta những người Đức có tâm hồn than vãn, chừng nào còn được, cần phải học lấy sự ngờ vực vâng thuận cuộc đời ở nhà thơ - có thể mang tính cách Đức nhất - của ông, sự trầm tư diễu cợt can trường của ông.
©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức, HEINE UND LE COMMUNISME
Nguồn: Der Spiegel
Chú thích của người dịch:
Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.
Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vượt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.
(1) Angela Merkel: sinh năm 1954, Chủ tịch đảng CDU - Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo từ năm 2000, và từ năm 2005 thủ tướng Đức ở nhiệm kỳ thứ 3.
(2) Franz Müntefering: sinh năm 1940, Phó thủ tướng Đức (2005-2007), Bộ trưởng bộ Lao động và Xã hội, Chủ tịch khối nghị sĩ Dân chủ Xã hội (2004-2005 và 2008-2009).
(3) Chỉ tiếng Hebrew hay người Hebrew, đặc biệt đề cập đến người Do Thái, sử dụng tiếng Hebrew làm ngôn ngữ nói ở Israel, hoặc làm ngôn ngữ cầu nguyện và học thuật trong cộng đồng dân tộc hay cả hai.
(4) Giáo sĩ Do Thái Giáo.
(5) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1802): Thi hào Đức trong tầm vóc nhà thơ, kịch tác gia, nhà triết học và sử học. Cùng với Goethe, Herder và Wieland ông thuộc về bộ tứ trụ của trào Cổ điển Weimar.
(6) Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): Triết gia, đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa duy tâm Đức.
(7) Sau cuộc cách mạng 1848, Heine bị suy sụp, 8 năm cuối đời ông nằm giường trong tình trạng liệt toàn thân, như ông nói, trong hố chăn mền của mình.
(8) Tên tác phẩm The GULAG Archipelago viết về chế độ nhà tù - lao cải của Liên Xô dưới thời Stalin của nhà văn Nga Alexander Issajewitsch Solschenizyn.
(9) Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.
(10) Ernst Bloch (Ernst Simon Bloch, 1885-1977): Triết gia Đức thuộc trường phái Tân mác-xít, trong những năm 30 từng bao biện các cuộc Thanh trừng của Stalin, sau nhận ra lầm lỗi của mình. Sau khi Hitler lên cầm quyền chạy sang Thụy Sĩ và sống lưu vong ở Mỹ. Về CHDCD, được sủng ái như nhà triết gia của thể chế, ông đã phản đối chính sách của Đảng CNXHTN Đức sau cuộc khởi nghĩa 1953, trốn ở lại Tây Đức sau khi bức tường được dựng nên năm 1963.
(11) Gerhart Eisler (1897-1968): Nhà báo, chính khách của CHDCD, lưu vong tại Mỹ, bị phế truất trước và sau cuộc khởi nghĩa 1953 vì thiện cảm với những người phê phán Tổng bí thư Walter Ulbricht, được phục hồi năm 1955.
(12) Hans Eisler (1898-1962): Nhà soạn nhạc người Áo (em trai của Gerhart Eisler), cộng tác nghệ thuật với Bertolt Brecht, sống lưu vong tại Mỹ giảng dạy tại các trường tổng hợp New York và Los Angeles trong những năm 30 và 40. Từ 1949 ông sống và làm việc tại Đông Berlin.
(13) Lion Feuchtwanger (1884-1958): Nhà văn Đức, một trong những tác giả viết tiếng Đức được đọc nhiều nhất trong thế kỷ 20. Là người trí thức cánh tả, trong cuộc đời lưu vong, ông bị các cơ quan an ninh thời McCathy theo dõi chặt chẽ. CHDC Đức tôn vinh ông là chiến sĩ chống phát xít, cảm tình với Chủ nghĩa cộng sản.
(14) Heinrich Mann (1871-1950): Nhà văn, nhà tiểu luận, anh trai của Thomas Mann. Là chủ tịch của Viện hàn lâm nghệ thuật Phổ từ năm 1930, ông bị khai trừ, đốt sách công khai vì tư tưởng đối lập với chủ nghĩa quốc xã và tinh thần cổ vũ cho dân chủ. Heinrich Mann sau đó sống lưu vong tại Pháp và Mỹ.
(15) Esteban Montejo: Tên người nô lệ gốc Cu ba bỏ trốn trong cuốn trong tự truyện El Cimarrón của nhà văn Miguel Barnet.
(16) Raul Rivero Castaneda, sinh năm 1945: Nhà văn, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Cu ba, sau khi ra khỏi nhà giam tù chính trị sống lưu vong tại Tây Ban Nha.
(17) Francisco José de Goya y Lucientes (1746-1828): Họa sĩ, nhà đồ họa người Tây Ban Nha.
(18) Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891): Nhà thơ lớn người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái Tượng trưng (Symbolism).
Trí thức gốc trung thành
Phạm Kỳ Đăng
Người trí thức lên tiếng, phản tỉnh và dấn thân? Điều ấy thuộc về cuộc sống thường hằng như mưa nguồn chớp biển. Xã hội nhân quần chỉ sôi nổi bàn rộ thành đề tài tới mang tai, khi trí thức vắng hẳn tiếng nói trong xã hội nan nguy ầm ầm lao như một cỗ xe tuột dốc không phanh, không cơ chế số lùi trong thiết kế.
Tôi thuộc diện không mấy thiết tha với biệt nhãn nhìn họ ở vị trí được nâng cao hơn tầm xứng đáng. Trí thức khai sáng văn minh, cũng từng xây dựng học thuyết bao biện cho độc tài và những thể chế tàn bạo, từng truy nã tận diệt tư tưởng đối kháng và, ghê rợn nhất, từng có những phát minh công xưởng hóa, dây chuyền hóa sự giết người hàng lọat.
Nếu tôi không lầm, trí thức - nâng tầm văn hóa và cả tận diệt nhân văn- bao gồm rất nhiều giới, hay nói đúng hơn rất nhiều giới làm nên trí thức. Người ta chỉ bàn đến một giới như một giai tầng trí thức ở một xã hội chịu để một đảng nắm chính quyền đi đến tòan trị có tham vọng cải tạo và khuôn đúc mẫu thần dân của nó. Ở nước Nga của Tolstoi và Dostojewski vĩ đại cùng cự tuyệt bạo lực chuyên chính, chính Lênin là một trong những lãnh tụ đầu tiên đòi hỏi cải tạo và xây dựng giới trí thức thành một giới chuyên dụng sau này cho nhà nước đương nhiên coi trí thức là công cụ - như một hệ quả logic của tham vọng cấy trồng người tương lai. Để rèn giũa người, mọi phương tiện giao dịch đều được huy động hết công suất liên thanh „nổ“ khẩu hiệu và giáo điều. Người đứng máy nổ đó, là trí thức, còn ai vào đấy nữa. Như vậy, cùng với thảm họa đốt sách hoặc thuần hóa trí thức bằng trại tập trung hay trại cải tạo, đã từng xảy ra vụ thông đồng hủ lậu kéo dài nhiều thập kỷ giữa người cầm quyền và trí thức. Lãnh tụ ban đầu, e dè và khinh thị, còn coi trí thức bằng hoặc không bằng cục phân. Sau này lãnh tụ của nhà nước Angkar còn không cần phân nữa.
Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, nhiều văn nghệ sĩ và triết gia khoa học gia đã chẳng chần chừ hòa mình vào tổ chức chính trị. Gia nhập đảng cộng sản, hậu thế không nên quên những gương mặt chói sáng: Louis Aragon, Joliot-Curie, Pablo Neruda, Pablo Picasso, Paul Eluard, Albert Camus, Jean-Paul Satre, Yvest Monstand v.v.. Aragon tha thiết vì „Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng“. Pablo Picasso vào đảng vì như ông nói, Đảng cộng sản Pháp đã mang lại quê hương cho đời nghệ sĩ lưu vong như ông. Và còn cả rất nhiều trí thức, trước hiểm họa diệt vong nhân lọai, đã cùng đồng hành, kề vai sát cánh gắn bó từng chặng hoặc cả đời với Đảng cộng sản.
Cũng từ bên ngòai, là khách mời tới thăm quê hương Cách mạng tháng Mười hiện hữu sức mạnh đảng chuyên chính công nông, André Gide viết phóng sự „Trở về từ Liên bang CHXHCN Xô-viết“. Picasso, nhiều năm từ chối lời mời, khi lãnh tụ qua đời mới thể theo lời yêu cầu của đảng vẽ chân dung lãnh tụ. Một chân dung mang vẻ vô thưởng vô phạt của bác nông phu, bác hàng thịt vô danh, cơ bản nhất thiếu hẳn đi vẻ nhân từ của cha già dân tộc. Rồi Satre lên án việc xe tăng Xô-viết vào Hungary. Cũng từ bên trong hệ thống của xã hội chủ nghĩa hiện thực, nơi đảng đã độc tôn tiếm quyền và đắc ý độc quyền, nhiều trí thức đã phản tỉnh, phê phán Đảng lại cũng bởi chủ nghĩa cộng sản mang lại đời vong quốc trên chính quê hương của họ. Danh sách này nhiều vô kể.
Gia nhập ở lại hay ly khai khỏi Đảng đều là những họat động dấn thân và tự nguyện của những đầu óc độc lập. Chủ nghĩa cộng sản đã từng là mơ ước, đã từng là lời kêu gọi lương tri, là thuốc phiện và mốt của người trí thức, ở nhiều thời điểm lịch sử như sau Cách mạng tháng Mười, Nội chiến Tây Ban Nha, Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam. Trong tương quan cho phép so sánh sòng phẳng, sự phản ứng của những người Nhân Văn Giai Phẩm, và Chống Đảng không kém phần gay gắt, dẫu cho người bị nạn – như các nạn nhân chung của chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực - đều xác quyết một lòng trung tín. Vì vậy tôi không xếp Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Nguyễn Hộ hay Trần Độ vào đối lập trung thành. Phản ứng của họ quyết liệt và trung thực trong thời điểm chủ nghĩa cộng sản đang còn là kỳ vọng. Ít nhất vào thời điểm này, nếu còn sống, họ sẽ không đưa ra thông điệp thất vọng.
Thất vọng vì nó tiêm liều tê liệt cho mọi vận động, nỗ lực từ mọi tầng lớp đang cố gắng hướng đến giải độc quyền, xây dựng xã hội dân sự. Chỉ trong một xã hội dân sự xây dựng trên cơ sở nhà nuớc pháp quyền, thay thế cho cho một bộ máy nhà nước tòan trị như quái vật chà đạp thần dân, mới có sự tồn tại thật sự của nhà nuớc và công dân. Khi đó can đảm công dân sẽ thôi là đặc quyền hoặc là một thách thức dành cho một thiểu số nào đó nói lời phê phán.
Khi một đảng thôi độc tài, đòi hỏi độc đóan tác quyền bị xóa bỏ, điều kiện khung cho sân chơi sẽ được xác lập cho mọi người dân đều tham gia vào quyền lực và chắc hẳn họ sẽ cử ra người đại diện. Các trí thức, cũng như mọi công dân đều có cơ may tham gia vào sự ủy nhiệm quyền lực đó.
Trong tình thế Đảng vẫn loay hoay cố công chỉnh đốn, liệu người trí thức có thể an ủi vai trò mình là người tạo ra sản phẩm trí tuệ tinh thần, mà không chú trọng vào cân nhắc công và tội. Việc làm của họ phỏng đi đến một kết quả gì nếu người trí thức quên đòi hỏi của một chút gì đó tựa lương năng và khai sáng?
Nhân dân kỳ vọng thì không phải là không chính đáng, đáng ghi nhận hơn là lời dè bỉu eo sèo rất chính đáng về người trí thức có thể tự do nghĩ ngợi, tự đi đứng được mà vẫn chịu áp tải, không giải thóat được ra khỏi tình trạng giám hộ.
Nói ra một câu phân trần cũng là một thỏa hiệp. Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng trí thức cần sự lãnh đạo của Đảng bằng pháp luật. Làm gì có điều này, nếu như Đảng nằm trên vòng cương tỏa của luật pháp.
Như vậy băn khoăn vì chưa xuất hiện một giới trí thức ở Việt Nam sẽ không chính đáng bằng tự vấn về sự a dua, về các cuộc thanh trừng và khủng bố trí thức trong thế kỷ qua. Cũng không phải lo lắng vì có thể bơ vơ đứng đường khi Đảng từ bỏ quyền lãnh đạo. Những „trăn trở“ này tố giác suy tư của lớp người trí thức công cụ - thư lại. Đây là lối tư duy của người bị điều kiện hóa, không có khả năng tri nhận độc lập và tất nhiên còn cách xa mọi sự phản tỉnh.
Sự đau đớn trải nghiệm, lẽ dĩ nhiên là cái giá của mọi người phải trả. Thú nhận sự đau đớn còn khó khăn hơn nhiều. Tài năng và danh vọng cực phẩm không làm thay đổi một Günter Grass hầu như suốt đời lên tiếng phản bác đường lối chính trị của nhà nước CHLB Đức. Gần đây báo chí phanh phui quá khứ ông đã từng là người của SS khi còn trai trẻ. Hẳn nhiên vậy, đã trong xã hội tòan trị ai cũng phải can dự cả, có gì đáng gây mặc cảm đụng chạm khủng khiếp lắm đâu. Giá như ông công bố sớm thì người ngưỡng mộ đỡ tiếc cho ông cơ hội bạch hóa đời mình.
Điểm lại dữ kiện và một số hiện tượng từng xảy ra cho cuộc thảo luận, người trí thức có thể thấy nhiều hơn khả năng dung nạp nhau về quan điểm, và viễn tượng hòa giải để đồng tâm hiệp lực ở nhiều phương diện vẫn đợi chờ cũng như còn bỏ ngỏ.
Bài viết của nhà văn Phạm Thị Hòai, đích đáng khắc họa chân dung, đặc sắc về văn phong, đã chụp cắt, quét lớp một nhóm, nhà văn gọi là đối lập trung thành. Khái niệm đối lập trung thành tuy nhiên không cho ta cách nhìn phân liệt hơn về nhiều trí thức và thái độ, mức độ chống đối hoặc phản biện. Cũng như đánh giá không có nghĩa là đưa ra chuẩn xếp hạng cho người trong và ngòai lớp cắt đó. Đã và còn có rất nhiều trí thức quan phương a dua, trùm chăn, phò chính thống nhưng, quý giá vậy thay, có sự hiện diện của những trí thức dấn thân vốn trung thành, xa rộng ra là đối lập vốn chung lý tưởng- bao gồm cả cựu đảng viên, tướng lĩnh, phục viên, lão thành, viên chức hưu trí-. Mọi ý kiến phản tư, phản biện của họ đều đáng đựợc nghiêng mình lắng nghe. Xã hội còn trông chờ vào những ai khác nữa. Dưới góc độ đó, công lao của người trí thức, nhân sĩ xuống đường biểu tình chống cắt cáp, chống xâm lược lãnh hải, chủ quyền, biển Đông trong năm 2011 thật không hề nhỏ chút nào. Sức cổ vũ, thức tỉnh và khai phóng tiềm năng từ tiếng nói phản tỉnh và phản biện của trí thức vốn trung thành đã làm được nhiều việc và hiện cần thiết hơn bao giờ hết.
© PKĐ 2012 – Bài đăng BVN
Thôi là yếu tố rủi ro
Phạm Kỳ Đăng
Cùng một lúc hiện đại hóa quân đội, thời gian qua Trung quốc liên tục đe dọa và xâm lấn lãnh hải và địa phận lân bang. Lời nói và hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh tiền hậu bất nhất, dựa trên lối hành xử biến báo, như kế sách có giời biết đường nào mà lần của họ đã trở thành một thứ nguyên tắc, tựu trung đều phục vụ một dã tâm tham lam về của cải và quyền lực. Các nước Asean, dường như đuối sức đương đầu, cơ bản nhất, phân rã trong nỗ lực tìm tiếng nói chung ngăn cản cỗ máy càn Trung quốc, đã hướng về người đồng minh đàn anh cách đó vài thập kỷ từng tung hòanh ngang dọc ở Biển Đông.
Biến diễn mới đã khiến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đang trong tình thế sa sút về kinh tế so với siêu cường đang lên kia, bằng một nước đi chậm rãi nhưng trên qui mô rộng khắp đã quay trở lại châu Á–Thái Bình Dương. Sau chiến tranh Việt Nam, từ khi tháo xích cho Trung quốc lao vào thị trường tự do cho đến hôm nay, hẳn Mỹ hẳn không chờ và không ngờ một Trung hoa cộng sản với tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế vượt xa khỏi tầm kiểm sóat, có một thị trường đầy sản phẩm hàng nhái gây ô nhiễm, lại hòan thiện một thể chế chính trị độc tài với nền đối ngọai cướp bóc như vậy. Từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Richard Nixon năm 1972, Mỹ luôn có phần rộng rãi và cả nể với Trung quốc, bởi hy vọng tới lúc nào đó sẽ thuần phục được nhà nước này, đưa siêu cường mới non nớt vào quỹ đạo cùng Mỹ chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giải quyết những vấn nạn cấp bách trên hoàn cầu. Đối nghịch lại sự trông chờ đó, những cuộc xâm lấn gần đây của Trung hoa, cướp bãi đá Gạc Ma, cắt cáp tàu Bình Minh, đưa phi cơ vào quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) v.v., khiến cho Mỹ và cả thế giới tự do không khó dự cảm thấy mục tiêu thực dân – bá quyền của nhà nước Trung hoa. Chiến lược và chiến thuật của Trung quốc sau hàng ngàn năm vẫn tỏ ra khó đoán định như chính sách Tiên Tần. Duy có điều, mục đích theo đuổi vẫn chẳng khác xưa hòan tòan vị lợi ích hẹp hòi của quốc gia, lại rất xa lạ với mục tiêu của cộng đồng xã hội dân sự, với văn minh nhân lọai. Sự hiếu chiến ngang ngược của Trung quốc đã dọn đường, và như vậy, vô hình chung hợp thức hóa sự đi lại của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Có thể nói thái độ bạo liệt của Trung Nam Hải đã biện hộ cho sự tái xuất giang hồ của Mỹ, quốc gia tự rút khỏi vai trò cầm chịch ở khu vực này sau chiến tranh Việt Nam, vừa trở lại êm thấm và khéo thích nghi những liên kết đồng minh từ sau chiến tranh lạnh với những thách thức mới.
Sự thiếu vắng đồng minh, sự hụt hẫng về quyền lực, ảnh hưởng và uy tín, mục tiêu theo đuổi đê mạt đến lúc nào đó sẽ đẩy Trung quốc vào một gọng kìm vô hình sẳn sàng khép lại, một mai đây khi Trung hoa manh động gây chiến tranh trong khu vực. Quốc gia hung hăng này sẽ quẫy cựa, sẽ áp sát mặt Mỹ trong thời gian vài thập kỷ. Tuy nhiên xét về trung hạn, Trung quốc khó qua được mặt Mỹ, không thay thế được Mỹ ở vai trò siêu cường lãnh đạo, ở phạm vi thế giới và phạm vi khu vực.
Không có nhà nước nào tuyệt đối chí công vô tư vì quyền lợi nước khác, Hoa Kỳ không là một ngọai lệ. Nhưng hiện nay không có một siêu cường nào giành được thiện cảm nhiều hơn Mỹ. Mỹ, quốc gia, sau đại chiến đã vực nhiều kẻ thù của mình đứng dậy, giúp đỡ phát triển tột bậc, nay cũng như vậy không hề có nhu cầu gì về lãnh thổ lãnh hải của các nước khác. Mỹ có đóng quân đất lạ, cũng thuê mướn đàng hòang.
Chính sách gây ảnh hưởng và giành ảnh hưởng của Mỹ luôn đạt được bởi đồng thuận, sự thuyết phục và sự phối hiệp. Đó là điểm khác biệt rất lớn, nếu so sánh với một chính sách tham vọng về quyền lực và của cải, tài nguyên của Trung hoa. Để thỏa mãn tham vọng và quyền lực, Trung quốc sẽ thực thi một lọat những đe dọa, lấn áp, cưỡng ép, ăn vạ và bức hiếp.
Hiện nay biển Đông sục sôi như nồi nước nóng và Châu Á đang lên xét rộng ra tựa một bãi mìn. Bên các thế lực kinh tế cũ, với sự xuất hiện của nhiều thế lực kinh tế mới như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Singapore, rõ ràng trong thế kỷ 21 châu Á đóng vai trò đầu tầu kéo nền kinh tế thế giới mới, nếu sự phát triển đó mang tính hòa bình và bền vững.
Nhưng hẳn nhiên hòa bình, ổn định và công lý không tự nhiên mà có. Những giá trị này chỉ có thể đạt được bởi sự cố gắng của mọi nước trong khu vực. Vậy vai trò Việt Nam sẽ ra sao?
Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam đã từng là bãi sa trường thuê mướn cho cuộc chiến tranh của hai phe hình thành sau chiến tranh lạnh xung đột vì ý thức hệ, và cuộc chiến tranh này là cuộc chiến ủy thác của hai siêu cường. Mẫn cán trong vị trí người lính tiền đồn, miền Bắc Việt Nam đã huy động sức người sức của thực hiện sứ mạng „cũng vì ba ngàn triệu trên đời“ nhưng thực tế đánh nhau cho Liên Xô và Trung quốc. Ở vào thời điểm lịch sử nào đó, khi chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý thuyết xã hội và thực thể tồn tại còn mê hoặc nhiều lực lượng cánh tả ở phương Tây, cuộc chiến tranh Việt Nam - ở đây có sự đồng lòng đánh đuổi xâm lược của người Việt trên hai miền đất nước - đã gây ra bức xúc trong dư luận thế giới. Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc thu hút được sự ủng hộ của nhiều lực lượng ở nhiều nước cộng với sự phản chiến chống Mỹ quyết liệt ngay trong lòng nước Mỹ.
Các nước Đông Nam châu Á, ít nhiều đều đắc lợi bởi cuộc chiến này. Nhiều nước xung quanh chiến trường Việt Nam tạo ra được xuất phát điểm cho kinh tế cất cánh. Xã hội dân sự và chế độ đại nghị khai sinh ở nhiều nuớc có cùng xuất phát điểm kém như miền Bắc Việt Nam, và tại các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên giá trị về nhân quyền được khai sáng. Trước thái độ ngày một hiếu chiến của Trung hoa, giả sử không có Việt Nam, các nước đó sẽ tìm được tiếng nói chung trong các xung đột Biển Đông.
Ở đây cũng cần nhắc lại rằng, trên đà tiến công, miền Bắc Việt Nam với vị thế tự phong vì nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhiều lần đã lấn lướt trong cư xử với các nước thuộc mô hình Liên bang Đông Dương, từng làm cao đòi kẻ thù là Mỹ phải bồi thường chiến tranh, từng hung hăng với vài nước trong khu vực. Nhưng không chỉ có thế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều thập kỷ chịu đớn đau nỗi uất ức của người bị bán rẻ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quân tốt trong ván bài của Trung quốc trên hội nghị Géneve và Hòa đàm Paris. Sau chiến tranh, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đói rét xích xiềng bị cô lập khắp nơi khi người dân phải dựng ván đóng thuyền vùi thân biển cả. Người nữ ca sĩ nổi tiếng Joan Baez, hồ hởi hát bên mâm pháo cho các chiến sĩ Bắc Việt Nam mùa xuân năm nào, năm 1979 đốt nến dẫn đầu cuộc biểu tình gồm 12.000 người tới Nhà Trắng, đã viết thư ngỏ gửi chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tố cáo sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá con người, đăng trên năm nhật báo lớn của Mỹ.
Khi Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ, cơ hội hòa nhập vào thế giới dân chủ lần nữa lại đến với Việt Nam. Trung quốc đưa xe tăng tắm máu Thiên An Môn mang bộ mặt gớm ghiếc. Chính lúc đó, các lãnh đạo Việt Nam, vừa lấy được chút sinh khí Đổi Mới lại tìm đến Thành Đô cầu hòa. Con tốt tưởng đã sang sông quay đầu về xin đắc tội lầm đường lạc lối.
Như vậy ở thời điểm hiện tại, nhìn từ giác độ đồng minh xung quanh Mỹ, Trung quốc như một hư số khó đóan thì Việt Nam, khu xử kỳ cục với Trung hoa như vậy, là một ẩn số khó lường. Dẫu sao chủ sòng điên Trung quốc, dù lấy bất lường làm quy luật, luôn đi những nước cờ chủ động, bài bản. Còn Việt Nam, nói đúng ra là nhà cầm quyền Việt Nam hành xử bị động và lệ thuộc luôn ngẩn ngơ như một con tốt lú.
Thời thế của ưu lực tuyệt đối dành riêng cho Mỹ và phương Tây đã qua ở châu Á. Nhưng với sự trỗi dậy phá họai hòa bình của Trung hoa cộng sản, sự có mặt và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong đồng minh ngăn cản chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa bá quyền Trung quốc, trong bối cảnh hiện thời, có thể vãn phải coi là phương sách thiết yếu duy nhất. Đương nhiên trong biến diễn thay đổi quyền lực ở châu Á, các nước chia nhau Biển Đông không thể bỏ qua Việt Nam. Ngay cựu kẻ thù của nhà nước Việt Nam hiện tại, thận trọng trong giao tiếp dần có những bước xúc tiến cùng Việt Nam tập trận, đặc biệt qua việc viếng thăm Hà Nội của nữ ngọai trưởng Hillary Clinton trong vai trò thuyết khách xin ghé qua hội kiến TBT Nguyễn Phú Trọng, đã gửi thông điệp nào đó đến chính quyền Hà Nội.
Một nước Mỹ, hậu thuẫn bởi Ấn Độ, Úc và nhiều quốc gia Asean v.v, tíêp tục dấn thân vì dân chủ, ổn định và hòa bình, tuy nhiên sẽ không chấp nhận một nhà nước độc đảng cai trị, đàn áp nhân quyền, tù đày những người con ưu tú của đất nước này (Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Trần Hùynh Duy Thức, Linh mục Nguyễn Văn Lý …) vì phúc họa của xứ sở này đã một lần lên tiếng.
Gần đây nhất chính vị Tổng Bí thư bảo thủ và giáo điều này đã lên đường thăm Liên Minh Châu Âu.
Mọi việc sẽ không trôi chảy, nếu Việt Nam của TBT Nguyễn Phú Trọng, từ lâu sập bẫy Trung quốc và luôn bị đòn roi Trung quốc, không trả lời cho rõ về vấn đề nhân quyền. Đến lúc nào đó chính quyền Hà Nội không thể coi việc cản trở cũng như tước đọat nhân quyền là giá để mà cả trong thương lượng theo chiều hướng: chà đạp càng nhiều lên nhân quyền thì giá mặc cả càng cao. Mỹ và Phương Tây còn có thể đợi gì khác hơn ngòai những giá trị như vậy nhằm xác lập điều ước đồng minh với các nước còn cố khước từ dân chủ. Nếu một lần nữa, nếu không bỏ qua chứng kiêu ngạo cộng sản luôn bề làm cao, Hà Nội sẽ lại đứng đường lơ ngơ như mất sổ gạo. Thật đáng lo khi gần đây Trung quốc thẳng thừng tuyên bố chuẩn bị chiến tranh và đã tiến hành diễn tập thâm nhập trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Vân Nam nhằm tăng cường kỹ năng chiến đấu. Cuộc diễn tập này có đích là Việt Nam chứ không là nơi nào khác, chiến tranh sẽ bắt đầu bằng xâm lược Việt Nam.
Những tội ác gây đau khổ, đến một lúc nào đó không thể được biện hộ là sai phạm do giáo điều, chủ quan và ấu trĩ, nếu bên thắng cuộc không nhìn nhận lại hằng số sai phạm trong lịch sử để tổ chức hiện tại. Chỉ có quyết bước mạnh dạn vào thế giới dân chủ, và chỉ qua bước đó Việt Nam mới trở thành đối tác quan trọng tiềm năng.
Bởi thể chế đại nghị tôn trọng nhân quyền sẽ chế ngự tham nhũng, sẽ không bao giờ phải dồn tiền của quá mức chi phí cho an ninh trấn áp, vào việc sắm vũ khí dư thừa và điều này mới là quan trọng, không bắt nhân dân phải tiêu tốn sức lực cùng chống kẻ thù chiến lược. Trong thế bị o ép, xa lánh, việc xác định kẻ thù và đồng minh chiến lược sẽ là một hạ sách. Với cách xác định kẻ thù như vậy, chính quyền chỉ có thể chĩa ánh mắt tìm kẻ thù hướng vào nhân dân. Họach định kẻ thù và đồng minh chiến lược, xét cho cùng, hòan tòan thừa vì quốc sách này gây tai hại trong thế giới văn minh, nhất là khi Việt Nam, như các lãnh đạo Đảng tuyên bố, muốn làm bạn với mọi người. Quá khứ cách mạng đã cho biết ai là đồng chí, khi đánh nhau cho Trung quốc, Liên Xô, khi nuôi nấng lãnh đạo Khơ Me đỏ. Loay hoay xác định bạn thù đã đẩy Việt Nam vào thế bị cô lập, suy kiệt tới mức rất dễ tổn thương. Rủi ro là vì thế. Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ không thể là nhân tố ổn định, mà còn là yếu tố rủi ro cho hòa bình và bền vững Đông Nam châu Á. Một nhà nước kiến thiết theo hướng dân chủ sẽ tự điều chỉnh và hòan thiện chiến lựợc phát triển cho mình trong giao lưu với các quốc gia văn minh và thịnh vượng. Có nên để cho một mini-thiểu số kém về dân trí, khi dân, ghét trí thức đưa tiền đồ của dân tộc vào đánh cược cho những toan tính thiển cận, tù mù và ích kỷ . Lời tuyên bố của ông TBT trả lời phỏng vấn mới đây „Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn“, minh chứng cho não trạng đặt Đảng trên Dân tộc.
Sao ông Tổng Bí thư không chịu hiểu rằng sự tồn vong của Đảng không có nghĩa lý gì khi so sánh với sự tồn vong của Dân tộc. Sao ông không hiểu những Điều 4 và Điều 17-18 của Hiến pháp, và điều 88 của Bộ luật Hình sự, mới là mối đe dọa sự tồn vong của Đảng. Có thảo luận góp ý về Hiến pháp, cứ cho là không có điều gì cấm như ông Phan Trung Lý giảng giải, cũng nên theo hướng hủy bỏ những điều này sao cho tránh đổ vỡ, để hướng nội tạo cơ hội đề ra chế định đảm bảo cho sự tồn tại của Đảng bên các tổ chức đảng phái khác, và bảo vệ sinh mạng công dân, trong đó có các đảng viên nữa.
Để Việt Nam hướng ngọai thóat thế cô, đáng tin cậy trong một liên minh bảo tòan nền độc lập.
Và thôi là một yếu tố rủi ro cho nhân dân và cho các nước ở khu vực quanh mình.
©P.K.Đ
Nguồn: BVN
Nên theo Việt Nam
Phạm Kỳ Đăng
Bài nói chuyện của đại tá Trần Đăng Thanh tiết lộ khá nhiều về suy nghĩ âu lo kín đáo của giới lãnh đạo tầng cao nhất, và nếp tư duy này không chút mấy thay đổi từ khi những người cán bộ-tuyên huấn tiếp thu học thuyết giáo điều về giai cấp và chuyên chính vô sản, ở phạm vi trong nước được nâng lên thành luận lý lớp lang từ thời chiến tranh lạnh. Lối tư duy bùng nhùng trong những phạm trù vón cục đơn nguyên - tương phản như „ta ><địch“ , „thù >< bạn“, „trắng>< đen“,“chính nghĩa><gian tà“ ,“cách mạng>< phản động“ , „theo >< chống“ v.v., phát sinh nhận thức thiển cận, từ đó gây ra những ảo tưởng, kéo theo đòi hỏi vô lý về lập trường, thái độ và những hệ lụy khôn lường.
Trong quá khứ, khi xảy ra những tình huống cần có tiếng nói biểu lộ độc lập và chủ quyền dân tộc như dạo tháng Mười năm 1962, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ Trung quốc xua quân đội nước này tràn qua biên giới Ấn Độ, và đớn đau thay gửi công hàm tán thành Trung quốc tuyên bố hải phận (1958), cũng như sau này (1974) không phản đối chính quyền Mao Trạch Đông - Chu Ân Lai đánh chiếm Hòang Sa của Việt Nam Cộng hòa. Vào năm 1978, CHXHCHN Việt Nam tán thành LBCHXHCN Xô Viết đổ quân vào Afghanistan. Trong cố công loay hoay xác định kẻ thù chiến lược, nhà nước Việt Nam nhiều khi cực đoan hơn coi “ thù của thù” là bạn, từng giao hảo với nhiều nhà nước độc tài ngang ngược bị cô lập trên thế giới. Ngày nay Việt Nam có nguy cơ tự đẩy mình xuống đứng chung chiến hào với nhiều nhà nước khét tiếng như CHDCND Triều Tiên, Haiti, Cuba, Iran. Cũng như CHDCND Trung hoa, nhà nước Việt Nam không có đồng minh thực sự. Việt Nam đang lẻ loi đứng đơn thương độc mã hơn bao giờ hết.
Chính quyền Mỹ cũng như nhiều nước khác thực hiện chính sách đối ngọai xuất phát trước hết từ quyền lợi dân tộc của họ. Nước Mỹ, quá khứ đặt chân đến Việt Nam trong bối cảnh viễn chinh đối đầu với nguy cơ lan rộng của phong trào cộng sản. Phát động cuộc chiến Việt Nam, nhà nước Mỹ, cho đến khi bỏ rơi miền Nam và Việt Nam, đã để lại gánh nợ máu xương với nhân dân hai miền. Ở thời điểm cuộc chiến đến độ trào máu phơi xương đớn đau nhân lọai, một phong trào chống chiến tranh đòi quân đội Mỹ rút về nước lan rộng khắp nơi. Chính quyền Mỹ bị thao túng bởi những lực lượng hiếu chiến, ở những cao trào chống cộng quá khích, đã ngụy tạo xung đột, gây đảo chính hay đưa quân tham chiến, gây đổ máu vô nghĩa ở nhiều nước, cả trên xương máu của con em mình. Người dân Mỹ không phải hôm nay đây mới biết chính phủ của họ mua thù chuốc óan.
Nhưng những gì nuớc Mỹ mang lại cho văn minh nhân loại không đơn thuần là những giá trị đong đếm tầm thường mà một ông đại tá ngạch tuyên huấn có thể trông thấy được. Nước Mỹ đóng vai trò lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, và sau đó đi đầu trong cuộc chiến khuất phục chế độ tòan trị thắng phát xít nhưng tàn bạo không kém. Văn hóa Mỹ, giá trị Mỹ ảnh hưởng lên nhiều quốc gia. Người Mỹ gieo mầm và đỡ đầu cho nền dân chủ tại Đức và Nhật -những nước có quá khứ phát xít và quân phiệt-, tạo điều kiện để các quốc gia này đi tới hùng cường. Trong lòng nước Đức hôm qua, khi nhiều người ác cảm với Mỹ kéo xuống đường ra mặt phản đối chiến tranh Việt Nam, chống cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Irắc, biểu tình đòi Mỹ ký Thỏa thuận về Môi trường và Khí thải, thì cũng vẫn như xưa, hôm nay vẫn có nhiều hiệp hội, nhiều tổ chức chào đón, bênh vực nước Mỹ nhiệt thành. Có người bạn Đức nói với tôi rằng thế giới cần có nhiều nước Mỹ như vậy, bởi nếu châu Âu bị một nhà nước Hồi giáo cực đoan hoặc một quân đội khủng bố tấn công bằng quân sự, ai sẽ lại đứng ra bảo vệ châu Âu, nếu không phải là Mỹ. Đấy thái độ và tình cảm của người dân ở nhà nước dân chủ phức hợp như vậy, mà thế đâu phải là dở. Và ngay tại nước Mỹ, nhân sĩ trí thức, sinh viên cũng như công dân ở mọi tầng lớp chẳng đã hơn nghìn lần xuống đường phản đối chính quyền nước họ vì thực thi những chính sách sai trái.
Tuy nhiên trên tinh thần đề cao dân chủ, nhà nước Mỹ luôn có đồng minh tin cậy. Dù có nhiều khác biệt trong thái độ của các lực lượng đảng phái, Liên minh châu Âu, Nhật, và nhiều nước trong khối Asean sẽ đứng cùng với Mỹ mà không cần gì đến những thứ bùa ngải làm con tin kiểu Mười sáu chữ vàng và Bốn tốt.
Nhà nước Trung hoa hiện nay đang thực thi một chủ nghĩa dân tộc bá quyền không chia sẻ lợi ích gì với xóm giềng và mọi quốc gia trên thế giới. Với đà tăng trưởng kinh tế vượt bực, Trung quốc xây dựng một quân đội hùng mạnh, đáng tiếc không góp phần vào sự ổn định khu vực. Mũi tấn công quân đội chĩa hết sang các quốc gia lân bang kèm theo những yêu sách tréo ngoe về chủ quyền lãnh thổ, trong đó mũi độc nhất hướng tới Việt Nam. Mà ngay từ khi thành lập nhà nước CHDCND Trung hoa, chính quyền này đã gầm ghè ăn cướp, sách nhiễu với mọi nhà nước có chung biên giới. Tuy vậy người khổng lồ Trung quốc hôm nay luôn hở sườn, luôn lộ gót asin dù có hiện đại hóa quân đội mấy đi chăng nữa, bởi Trung quốc không có đồng minh. Cả một biên giới dài rộng hàng nghìn cây số tiếp giáp Mông Cổ, Nga và Ấn Độ dư thừa địa hình để cho đối phương lập căn cứ cách vài trăm km có thể tấn công Bắc Kinh trong chớp nhóang. Về đối ngọai, nhà nước Tàu hung hăng ngang ngược. Chính sách đối nội thù địch với nhân dân, áp bức nhiều sắc tộc, nên tiềm ẩn nguy cơ xung đột và nội chiến. Nguy hiểm hơn, trong ý thức người dân Trung hoa đang say sưa với tinh thần dân tộc được kích động giải tỏa ẩn ức, chưa xuất hiện những luồng suy nghĩ phê phán độc lập. Lớp nhân sĩ trí thức Trung hoa, thời hiện đại vốn đã yếu ý thức nhân văn, nay thiếu vắng hẳn tiếng nói mạnh mẽ lên án nhà cầm quyền ngạo mạn ăn cướp Hòang Sa -Trường Sa hay đưa ra yêu sách độc chiếm biển Đông.
Chẳng lẽ bao bà mẹ trẻ em chết trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 không đáng được nhắc tới như nhiều nạn nhân của đợt ném bom B52 vào Hà Nội trong những ngày này kỷ niệm „Điện Biên Phủ trên không“ rầm rộ trên báo chí. Hồn tử sĩ Việt Nam trên mồ biên giới đòi cơn há không phải đòi hỏi người sống thanh tóan ngay cho xong ơn huệ?
Luẩn quẩn trong chiến lược xác định bạn thù, người lãnh đạo Việt Nam đã bỏ qua nhiều vận hội lịch sử. Sau khi từ chối lần đầu gia nhập khối Asean, Việt Nam của bên thắng cuộc, nuớc bần cùng phải cầu hòa ở Thành Đô, bất đắc dĩ phải nhận ra nhu cầu hòa nhập.
Câu hỏi đặt ra sẽ là Việt Nam cần hội nhập vào thế giới, hay thế giới cần hội nhập vào Việt Nam.
Trong bối cảnh ngày càng bị chèn ép về chủ quyền và lãnh thổ chúng ta không nhất nhất phải kích động và lôi kéo theo lề lối „theo ai/chống ai“, bởi vị thế với nền kinh tế èo uột không đủ sức cho Việt Nam hành xử phi thường như vậy. Vấn đề mấu chốt là Việt Nam hôm nay rất cần đồng minh thực thụ. Các nhà lãnh đạo thường xuyên tuyên bố Việt Nam muốn kết bạn giao hảo với mọi người cũng như đang nỗ lực xây dựng nhiều mối quan hệ, như họ nói, mang tầm chiến lược. Nhưng e rằng mối giao hảo nặng thù tạc này thực ra chỉ chiến lược với nhà nước Việt Nam thôi. Các quốc gia dân chủ, thực tâm đều rất mong một Việt Nam giàu mạnh có vị thế ở Đông Nam Á, tuy rằng cũng nói về tầm chiến lược, thực tế không một ai đứng ra che chắn, vì họ nhìn Việt Nam e dè như nhìn chính quyền Trung quốc, chừng nào các nhà nước này chưa đại diện cho ý chí rất khác nhau của mọi tầng lớp và thành phần nhân dân của họ. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nhà nước nào trên thế gian này sẽ tôn trọng nhà nước Việt Nam nếu chính nhà nước Việt Nam không tôn trọng người dân để cho họ tự do bầu cử hoặc xuống đường biểu tình vì chủ quyền lãnh thổ, nếu một nhà nước ra khỏi nhà không có vị thế đàng hòang của người chính chủ. Ca-ve không chính danh có thể đi lang chạ khắp nơi, đáng buồn chẳng ai nặng lòng yêu cave cả. Cho nên tốt nhất chính quyền trên hết thẩy nên theo Việt Nam, tức thể theo nguyện vọng của đồng bào, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.
©P.K.Đ
Nguồn: BVN
Lấy gì làm tin
Phạm Kỳ Đăng
Có tìm thấy cái Ác không? Phóng sự video tức thời của cơ quan Thông tin và Truyền thông do ông Nguyễn Bắc Sơn đứng đầu, lắp ghép thiếu chuyên nghiệp, đưa hình phản bác sự ngược đãi đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Góc nhìn từ sau lưng người tù chiếu lên những khuôn mặt cán bộ quản giáo, bác sĩ khiến tôi ngờ ngợ vừa lạ vừa quen. Vẫn là nhiều gương mặt phổ cập gặp hàng ngày, tầm thường và vô hại.
Những gương mặt thừa sai ấy, ở những tình thế và môi trường khác, có thể biến sắc tai quái. Nhiều người vào cửa khẩu Việt Nam nhớ như in những bộ mặt lỳ lợm xám chì, cục cằn. Và người dân chết oan trong đồn, hẳn còn ám ảnh bóng ma cô dữ dằn của kẻ đánh mình trước khi xuội tay nhắm mắt. Công an, ở một chế độ khác tuyên thệ vì nhân dân phụng sự, gặp dân sẽ có bộ mặt dân sự, và không có lựa chọn nào khác. Và xã hội dân chủ đa nguyên dung nạp khuyến khích mọi cá tính khác biệt.
Càng nỗ lực trăm phương ngàn kế hòan thiện con người công cụ, chế độ tòan trị, dành cho một mini-thiểu số tác oai tác quái trên nền quần chúng cách mạng vô danh, ở nhiếu cấp độ sẽ càng sản sinh nhân tố chống lại chính nó. Đặc biệt là cá tính mạnh mẽ, tự chủ trong tư duy và ý thức trách nhịệm, dường như sinh ra dưới sao chiếu mệnh của đơn côi, sớm chịu phận lưu đầy trên quê hương của họ.
Đọc bài những bài viết, những đơn kiện của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và cảm nhận kể cả từ sự xuất hiện qua thước phim dàn dựng của VTT1, tôi hình dung ông thuộc về những người lẻ loi chính quyền tòan trị không thể dung thứ. Ông chẳng có gì chung để mà giãi bầy tâm sự với ông y tá, ông công an thi hành chỉ thị mật, ở cái nhà nước thay vì bằng luật, cai trị bằng công văn và chỉ thị và lệnh miệng. Giữa ông và họ là một hố ngăn cách lớn ngay từ đầu sẵn chôn vùi mọi nỗ lực gần gụi trong môi trường lao tù. Một giám thị nào khác đại tá Lê Duy Sáu, Phó giám thị trại giam số 5, đến thế nào đi nữa cũng sẽ chỉ xếp lọai thi đua và cho Cù Huy Hà Vũ hạnh kiểm cải tạo thuộc lọai „kém“, vĩnh viễn như thế, không hy vọng phạm nhân „tiến bộ“.
Phóng sự của một nền thông tin theo định hướng, lại có nhu cầu xây dựng lòng tin, với kết luận không có sự ngược đãi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ luôn bắt người có lương tri quan tâm tới thời cuộc phải nghĩ tới những điều gì trước thực tế cả một đội ngũ tuyên giáo hùng hậu như vậy không vạch mặt được kẻ cầm đầu tham nhũng, không bắt được quả tang hối lộ trên bàn tay cảnh sắt giao thông. Rất khó tìm ra kẻ đưa tiền đút lót để kiếm đựợc chỗ làm công chức ở thủ đô. Và tuy rằng nhà chức trách suốt ngày lảo đảo vào ra, vẫn không phát hiện tệ nạn mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm.
Chỉ có „kẻ lơi dụng dân chủ tuyên truyền chống lại nhà nước“, các blogger, các biểu tình viên chống Trung quốc xâm lược là luôn tìm được bằng xương bằng thịt từ hàng ngũ nhân dân. Việc trừng trị „ những phần tử phản động và thế lực thù địch“ này luôn được lên kế họach, và thi hành vượt định mức do trên đề ra.
Xung quanh một kẻ thù tư tưởng, hẳn là một cá tính khó ưa đối với đám người thừa sai, sự hành hạ và ngược đãi sẵn là khả năng tiềm ẩn duy nhất. Xa đích. Bầy đàn. Đồng lõa.
Ngay từ đầu không tin vào nội dung phóng sự, tôi lại rất tin vào sự tồn tại của sự thật hãi hùng ma hờn quỷ khốc ở đất nước chưa được làm đế quốc, mới là tiền tiêu của một hệ thống nhà nước vị một lý tưởng từng làm mưa làm gió, một ngày cách đây hơn hai thập niên bỗng chốc lụi tàn. Tiền đề mà các nhà nước đó theo đuổi, phần nào cung cách thi hành trong thực tiễn thuần mang tính „đức trị“, cách hành xử với con người, đặc biệt người phê phán nó, tuy nhiên tuyệt đối kém đạo đức và văn minh.
Với những người tù chính trị từ sau Cải cách ruộng đất, ở từng vụ án tạo dựng như Nhân văn Giai phẩm, Xét lại và Chống Đảng và Cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền sau 1975 còn nguyên đó sự trừng trị, sự ngược đãi bằng nhục hình, nhiều vụ độc đóan hành quyết khuất chìm trong bóng tối.
Nếu không, sau Auschwitz, Buchenwald đã không có thêm Vòng đầu Địa ngục và Quần đảo Gulag (1).
Chú thích:
(1) The Gulag Archipelago: Quần đảo ngục tù - Tác phẩm của nhà văn Nga, giải thưởng Nôben văn học, Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008) viết về nhà tù cải tạo tàn bạo tại Liên Xô chuyên dành cho những người bất đồng chính kiến.
©P.K.Đ - 2013
Cái Ác thừa hành
Phạm Kỳ Đăng
Những
viên quản giáo ở những nhà giam tù chính trị là những ai quanh ta. Tôi không
nghĩ tất cả họ đều là lũ người lòng lang dạ sói. Chỉ những người chỉ đạo và
trực tiếp giám thị những tù nhân chính trị „cá biệt“ hẳn vậy, nhân danh nền
chuyên chính nhân dân, gây nên tình trạng tuyệt thực đón chờ cái chết của Cù
Huy Hà Vũ, đáng được phong là đồ tể nhân dân. Được trang bị bằng những hiểu
biết lổn nhổn, thô tháp từ các khóa học chính trị, và đương nhiên đọc và hiểu
được mật chỉ từ trên trao xuống, họ rồi cũng chỉ cần có thế. Những Lường Văn
Tuyến, Lê Văn Chiến nhan nhản tiêu biểu cho mẫu giám thị thừa hành giàu kinh
nghiệm hành hạ những người khác khuôn, hay đúng hơn những „kẻ thù tư tưởng“ của
họ. Chỉ cần thế đã là đủ cho lòng thù hận xổ lồng tung tác. Các ngón nghề, kinh
nghiệm truy bức, hạ nhục, tra tấn thu nạp được từ những chế độ tòan trị kinh
tởm nhất thế giới sẽ được họ áp dụng đến mức tuyệt kỹ, ở nhiều nhà nước trong
lịch sử hiện đại từng nhắm vào những „kẻ khác dạ“, „tên do thái bôn sê vích“,
„tên đồng cô ái nam, ái nữ“ và „kẻ thù của nhân dân“.
Ở ngòai
đời ngột ngạt có một lớp người sống ký sinh lên những kiếp người còn lại, lập
hẳn nền chuyên chế bạo liệt trường kỳ thủ tiêu những cá nhân, tổ chức khác, dù
chỉ đang manh mún đòi hỏi những điều kiện, nhân quyền và tự do cho tồn tại con
người với tư cách là công dân, cá thể, thì tất yếu, trong nhà tù, sự trừng trị
những kẻ „cá biệt“ phải tản tệ gấp ngàn lần.
Trong quá
trình khảo sát chế độ tòan trị, nữ triết gia Hanna Ahrendt để ý tới tên tuổi
khét tiếng tổ chức cuộc Tận thiêu (Holocaust), khi kẻ đó bị bắt cóc đem về xử ở
Jerusalem vào năm 1961. Với tư cách là ký giả, bà đã chăm chú nghe và ghi biên
bản lời khai của Adolf Eichmann (1). Ám ảnh về hiện tượng không thể lý giải nổi
của cái đống thảm hại trước tòa này, bà đã đưa ra một luận đề về Sự Tầm Phào của cái Ác (Banalität des
Bösen) gây ra rất nhiều tranh luận về sự phi nhân của xã hội tòan trị. Luận đề
giữ một vị trí quan trọng trên tầm cao tư tuởng của một nhà triết học có sức
nghĩ lớn lao, tuy về sau có rất nhiều học giả phản bác và trách cứ bà về sự
ngây thơ và vô tâm, ít ra là thiếu chuyên tâm với diễn ngôn mang tính kết luận
này.
Hầu hết
những thủ phạm bàn giấy, những chúa ngục, cai tù ở những trại tập trung, có
cuộc đời gia cảnh, vợ con bình thường, nhưng tay vấy máu, bị đưa ra xét xử, và
được xác chứng và kết tội chống lại nhân lọai, đều chỉ nhận mình là kẻ thừa
hành, tuân lệnh.
Hãy thử
hình dung: tại các trại tập trung, dựng nên bởi Đội Bảo Vệ Đảng Quốc Xã SS, sự
hành hạ người tù trong khát đói, giá băng và dịch hạch đạt tới đỉnh điểm khi
giám thị bầy trò hả hê, khả ố bắt hai ba người tù phải cầm xẻng đánh nhau cho
đến chết. Kết quả là cho phép vì mọi biện pháp lao động tập trung đều dẫn đến
cái chết, càng nhanh càng tốt.
Sư hành
hạ người tù chính trị bất tuân phục trong các nhà giam xã hội chủ nghĩa cũng
được thực thi bởi cơ quan Công an bảo vệ Đảng độc trị, mang tính sa-đích
(sadistisch) không kém một phân, khi nó nhắm vào mục đích kéo càng dài càng tốt
sự sống của đối tượng trong tình trạng mấp mé cái chết. Và sự truy bức và hành
hạ thừa lệnh và nhân danh này, quái gở vì đội lốt tầm phào, độc ác hơn so với
những hình thức trừng trị kẻ thù của những chế độ chuyên chế, là phân biệt
chủng tộc Apartheid hay độc tài quân phiệt Militärjunta. Những người tù nổi
danh thơm tiếng những thập kỷ gần đây như Nelson Mandela (2) hay Aung San Suu
Kyi (3), nhận cả án chung thân cấm cố, dù có qua nhiều truy bức, tra tấn tương
tự, củng không phải chịu những nhục hình sa-đích như vậy. Ở nơi chịu hình án,
họ được đọc sách, dậy học, thậm chí truyền bá tư tưởng và kết cục, họ cảm hóa
được cả giám thị và địch thủ chính trị của mình. Đó là những quyền ít nhất Cù
Huy Hà Vũ và các tù nhân chính trị Việt Nam phải được hưởng, nếu bị cầm tù
trong những chế độ độc tài nêu trên.
Nhưng Cù
Huy Hà Vũ, người tù nhân lương tâm đã cự tuyệt để vào cuộc tuyệt thực, đánh
cược sinh mạng mình vào sự phản kháng tối hậu. Những người thừa lệnh Ác ra tay,
so hùng tâm ông rất tầm thường đâu xứng. Tôi mong ông dừng tuyệt thực, dù thế
nào chăng nữa không bao giờ chọn cái chết, kiên cường và bình thản như Nelson
Mandela như Aung San Suu Kyi đương đầu với cái Ác của tòan trị bất dung.
Chú thích:
(1) Adolf Eichmann (1906-1962): Trung
tá SS, Cục trưởng cục Di dân Do thái thuộc Tổng cục An ninh Đế chế, bị Tòa án
Israel xử tử hình năm 1962.
(2) Nelson Mandela: Cựu tổng thống Nam
Phi, là người lãnh đạo Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress), năm 1963, ông đã bị chính
quyền Nam Phi bắt giữ và đem ra tòa xử với án phạt chung thân khổ sai.
(3) Aung San Suu Kyi: Nhà họat động
nhân quyền và dân chủ Myanmar, là tổng thư ký Đảng Liên kết Quốc gia Dân chủ
(NLD) bà chịu án giam cũng như quản thúc trong nhiều năm (1989- 1995; 2000-2002
và 2009-2010).
©Phạm Kỳ
Đăng
Bài đăng
trên BVN
Giá tù nhân chính trị
Phạm Kỳ Đăng
Từ 1963 đến 1989 Cộng hòa dân chủ Đức đã thả 33.775 tù nhân chính trị sang Tây Đức (CHLB Đức ) để đổi lấy ngoại tệ mạnh. Hệ thống buôn bán chính trị phạm đã kiếm lời nhiều nhất 390.000.000 D-Mark vào năm 1984 chỉ riêng với việc thả 2.236 người đối kháng, qui ra 174.419 D-Mark một đầu người. Hai nhà lãnh đạo uy quyền (1) lập hẳn những trương mục mang tên mình tại những nhà băng lớn nhất (tài khoản Honecker, tài khoản Mielke). Tuy nhiên CHLB Đức ngừng không trả tiền cũng như xuất hàng hóa theo chế độ ưu đãi cho CHDC Đức, khi nước này vào năm 1989 trở thành hội viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc buộc phải cam kết tôn trọng và thực thi nhân quyền. Tuy buôn người khấm khá, mà vậy rồi CHDC Đức cũng phá sản và sụp đổ.
Nhà
nước CHXHCN Việt Nam, sau những vụ hành hình kẻ thù giai cấp vô tội vạ
đỉnh cao thời Cải cách ruộng đất, dán cái nhãn „phản động“ lên người bất
mãn hoặc phê phán chế độ rồi đưa họ vào nhà tù hay trại cải tạo. Hình
thức triệt tiêu thay thế thủ tiêu. Số phận của nạn nhân bi thương hơn,
do người tù chính trị bị giam trong những trại cải tạo heo hút cách ly
tuyệt đối, sự hành hạ về tinh thần dai dẳng hơn, bởi trong một thời gian
dài Việt Nam không có những lực lượng đối kháng trong xã hội lên tiếng
động viên và ủng hộ họ.
Số
phận của nhà nước chuyên chính vô sản kiểu mao-ít, luôn thi hành chính
sách thiếu minh bạch khác thường, biệt lập với thế giới, từ bên ngoài
nhìn vào không khá hơn, thực ra lại là bi đát. Điều liên quan đáng để ý ở
đây: sự bắt bớ giam cầm tù nhân chính trị cho đến gần đây chưa bao giờ
thu hút được sự chú ý của truyền thông và các tổ chức quốc tế, và do vậy
nhà nước cũng chưa dám tổ chức được một thương vụ thu ngoại tệ mang
tính lâu dài. Sự bắt bớ tăng lên, có thể thấy rõ rệt hơn từ sau Đại hội
Đảng lần thứ 11, để thêm điều kiện thương lượng mới chỉ là tập tọng và
thăm dò.
Trước mắt về ngắn hạn, Việt Nam đạt
được một số thỏa hiệp nào đấy. Nhiều ý kiến nhận định việc thả bốn tù
nhân lương tâm trong tháng Tư là phép thử hoặc là một toan tính chiến
thuật. Nếu là một toan tính nước cờ chiến thuật, sẽ phải để ý đến bước
tiếp tức khả năng tạm ngừng để rồi phát động một chiến dịch bắt bớ khác
hoành tráng hơn, nếu một mai không ký được hiệp định đối tác xuyên Thái
Bình Dương, cùng lúc đó là vỡ nợ công và khủng hoảng toàn diện.
Như
vậy chính quyền có thể duy trì chính sách tạo dựng thêm „thù địch“ và
„phản động“, như cái nền chuyên chính tự học thuyết say máu luôn cần „kẻ
thù“ vận hành „đúng qui trình“. Tuy nhiên thời thế hôm nay đã khác. Nhà
nước đi nước cờ đang bị chiếu bí khắp nơi, không cẩn thận sẽ tứ bề thọ
địch. Việc bắt giữ giam cầm có lẽ chỉ chiều lòng cho đồng chí Bốn Tốt.
Nhưng Trung quốc, đang xuất siêu và thi hành chính sách bóp nghẹt kinh
tế, chỉ ủng hộ chư hầu trên quan điểm lập trường để yên bề man rợ hóa
dân tộc Việt Nam. Mới đây Trung quốc còn tuyên bố xóa bỏ hệ thống lao
cải nữa. Nhóm cầm quyền bám đuôi Trung quốc, sẽ thù địch với nhân dân,
và như vậy ngồi thế trứng để đầu đẳng.
Với chính
quyền, bắt giam người vì lý do gọi là chính trị càng ngày là một việc
thất sách. Ngụy tạo vụ án bắt người để thăng quan tiến chức cũng là một
điều lố lăng, bởi bộ máy an ninh và công an quá dư thừa hàm cấp đã phình
to quá mức ở quyền hạn, nhân sự và ở trang bị, đang đóng vai trò nhân
danh đảng trị. Có thể dùng những điều luật mù mờ tước tự do người bất
đồng quan điểm, tín ngưỡng. Bắt thì dễ, thả họ để trút gánh sau này
không bao giờ gặp lại khó hơn nhiều. Người tù chính trị khác với thường
phạm ở chỗ ấy. Vả chăng người đối lập quan điểm, người phê phán mang bao
suy tư đầy thiện chí, hơn thế nữa ôm ấp nhiều sáng kiến cải cách tránh
đổ vỡ. Hành hạ những người đó chính là đánh vào thành phần ưu tú của
nhân dân.
Là thành viên mới của Hội đồng nhân
quyền thế giới, nhà nước Việt Nam trong những cuộc điều trần thường kỳ
phải phơi mặt giải trình với hầu hết các nước tham gia. Những kỳ sát
hạch tiếp theo, nhà nước chuyên chế tước sạch quyền công dân khó có thể
mãi mãi cho các nhà ngoại giao đọc báo cáo viết sẵn, như cho học trò
dùng tài liệu quay cóp trong phòng thi như ta vừa thấy.
Tất
cả những người vận động cho dân chủ và nhân quyền không nên thất vọng
vì việc Việt Nam, với một lý lịch lem nhem về nhân quyền bất ngờ được
kéo lên sân khấu của cộng đồng quốc gia nhân quyền, được chính thức gia
nhập Hội đồng nhân quyền thế giới. Thành quả ấy trước mắt vừa gây thất
vọng cay đắng trong lòng nhiều người, nhưng riêng cá nhân tôi không bực
bội, tôi cho đó là khung pháp lý ràng buộc một thành viên chưa „tiến
bộ“. Nếu đã là thành viên rồi, khó giở trò bắt thả người tùy tiện để vòi
vĩnh.
Trong tháng Tư thời tiết hay chơi khăm,
không ai biết nhà cầm quyền thành tâm đến đâu. Trước hết hãy vui cho
người được trả tự do, bởi vì họ chịu tù đày không hề vô nghĩa. Và hợp lý
hơn nên nhìn nhận từng cá nhân họ một cách bình thản và ôn hòa. Tôi
không đòi hỏi gì hơn ở Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, giả sử tương lai ông không
làm gì nữa (mà ai đã biết?), ông đã đóng góp phần mình. Chúng ta tránh
tâm lý thường thấy ở người trong và ngoài nước khá trông chờ và phó thác
vào một người xuất chúng lãnh đạo hoàn hảo như “lãnh tụ”, nếu người kỳ
vọng không khớp với mường tượng của mình lại sinh ra bới móc, chê trách,
hết dèm pha ra hờn dỗi. Hình ảnh một người dựng nên theo mường tượng và
trông chờ của đám đông chỉ là mẫu người phất lên bằng giấy, trong khi
họ phải hứng đòn hành hạ bằng xương thịt của mình.
Và
hơn hết hãy nghĩ đến Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, linh mục Nguyễn Văn Lý,
Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Bùi Hằng, Hồ Thị Bích
Khương và còn bao người rên xiết không tên trong bóng tối tù ngục.
Chú thích:
(1) Erich Honecker (1912-1994), Tổng bí thư Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức và Erich Mielke (1907-2000), Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia của CHDC Đức.
(1) Erich Honecker (1912-1994), Tổng bí thư Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức và Erich Mielke (1907-2000), Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia của CHDC Đức.
©Phạm Kỳ Đăng
Bài đăng
trên BVN
Ngoại giao lôi kéo và tranh thủ
Phạm Kỳ Đăng
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 kéo vào sâu lãnh hải biển Đông vấp phải sự chống đối quyết liệt của người dân Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước bị Trung quốc khóa chặt các huyệt trọng yếu, cứng họng một thời gian dài, chỉ có Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối kịp thời và kiên quyết nhất.
Giới am hiểu thời cuộc, cho rằng ngoại giao là kênh duy nhất để tranh đấu, „Kẻ yếu thì không có bao nhiêu vũ khí trong tay, ngoại trừ việc dựa vào ngoại giao và luật quốc tế“ – nhà nghiên cứu Carlyle Theyer bình luận. Các nước hầu như không can dự một lời, dẫu rằng Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược với 14 nhà nước gì đó, nhiều trong số đó cả cường quốc. Có điều Việt Nam, từ lâu khẳng định muốn hội nhập, đều không có tiếng nói tương thanh và những thiết chế tương ứng để giao lưu và liên thông với thế giới văn minh - dân chủ, thật vô lý cho đến hôm nay vấn cố duy trì sự lệch pha về tổ chức và nhân sự đối với các đối tác chiến lược còn lại, trừ Trung quốc.
Các nước hợp tác ấy có muốn bắt tay với Việt Nam cũng không dám, vì các bộ các sở của họ chìa tay tới các cơ quan tương nhiệm của Việt Nam, có khả năng lớn là nắm phải bộ phận đầu Ngô mình Sở, và các quan chức của họ muốn mời chủ nhân đồng cấp sang thăm viếng, lắm khi đón phải con hoang. Thêm một cản trở cực lớn, các nhà nước đối tác với Việt Nam phải dè chừng Trung quốc. Trung quốc, tham lam, ngạo mạn và hung đồ không kém gì phát xít, là đối tác chiến lược uy quyền nhất mà lãnh đạo Việt Nam phải triều kiến trước khi đi lại với các nước khác.
Bộ ngoại giao Việt Nam cũng là một thứ đầu Ngô mình Sở đó trong thúc ước luôn luôn phải hoạt động theo cơ chế phản ánh và nhận chỉ thị. Kênh hoạt động này vô cùng hẹp, trong nhiều trường hợp có thể nói là vô tác dụng nữa. Bộ trưởng từ thời sau ông Nguyễn Mạnh Cầm thôi không còn là ủy viên Bộ chính trị, theo tôi hiểu còn đứng thấp hơn ông Trưởng ban đối ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng. Thế cho nên, kiện toàn thành một bộ máy cờ xí kèn quạt rợp trời, các quan chức ngoại giao có hàm bậc cũng mũ áo cân đai, giầy bóng, kính mát đủ đường, người Bộ trưởng bộ ngoại giao vẫn không thực hiện được đúng chức trách của một Ngoại trưởng. Như thể cơ quan này thân một nơi, đầu một nẻo, người đứng đầu trên chặng công vụ rất dễ bị túm tóc gạt sang bên. Trong quá khứ ta đã chứng kiến ông Lê Đức Thọ bất ngờ sang Paris thay vào vị trí ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Xuân Thủy bên bàn đàm phán, và gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ đích danh mời Bộ trưởng Phạm Bình Minh, và thật trái khoáy, sang thăm Mỹ là ông Phạm Quang Nghị.
Và cũng chỉ là một cơ quan nhận chỉ thị, nên trong rất nhiều trường hợp như vừa qua, lời tuyên bố phản đối Trung quốc xâm lấn lãnh hải của Bộ ngoại giao, sớm bị phản thùng bởi diễn ngôn của ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh tại diễn đàn Shangri-La và bởi lời tuyên bố của ông đại sứ của Việt Nam Lê Hoài Trung tại Liên Hiệp Quốc đang có nhã ý làm trung gian hòa giải xung đột Trung quốc - Việt Nam, cũng là nơi ngành ngoại giao vươn ra xa nhất. Và cất cao tiếng nói ra thế giới bên ngoài, dù có cố gắng khẩn nài tới mấy, Việt Nam vẫn bị nghi ngờ là quốc gia thiếu lòng thành thật.
Trước chuyến thăm của ông Phạm Quang Nghị, đúng trong lúc sự kiện giàn khoan trở thành sự đã rồi và có chiều hướng lắng xuống, báo chí chính thống rộ lên mấy bài về sự nghiệp và con người ngoại giao của vị bộ trưởng giải vây Nguyễn Cơ Thạch. Có người đánh giá, đây là hành vi nâng cao vị thế bên chính phủ, của phủ chúa hay là của một nhóm lợi ích thân Mỹ. Các cách diễn giải này đều phù hợp với hiện trạng tranh giành quyền lực trên tầng cao nhất. Nhưng tôi cho rằng, hơn thế, đây còn là nỗ lực đòi vươn tới đúng chức năng của một cơ quan cấp bộ độc lập đang đóng vai trò quan trọng, trong tình thế Việt Nam bị vây khốn chỉ có thể đấu tranh bằng luật pháp quốc tế.
Kể cũng khó đấu tranh bằng ngôn ngữ của những „lên án“, bác bỏ“, tố cáo“ cũng như „hoan nghênh“, cổ vũ“. Và giữa những phát ngôn là tình trạng lờ đờ khó hiểu, khi nhà nước Việt Nam, từ dạo được Liên Xô và Trung quốc công nhận về ngoại giao vào năm 1950, phần lớn bỏ phiếu theo Trung quốc, và nhiều thập niên theo đuôi những nước này bỏ phiếu trống đối với các quyết định của Liên Hiệp Quốc.
Cho đến nay ngành ngoại giao luân phiên thay đổi vai tuyên giáo, lúc đóng vai công tố, lúc nó đóng vai môi giới hay tháp tùng. Lĩnh vực ngoại giao cũng được đưa lên làm mặt trận, như những mặt trận giáo dục, mặt trận văn hóa, chỉ thiếu nước giống Mặt trận Tổ quốc về mặt tổ chức. Tin tức từ mặt trận báo về dĩ nhiên toàn là thắng lợi vẻ vang.
Sau này lật lại những hồ sơ về Hội nghị Geneva, Hòa đàm Paris v.v., người khách quan ngoài cuộc chỉ thấy được cùng lắm là những thắng lợi vớt vát, trong một cục diện thê thảm bày ở bàn cờ đại cường nhân nhượng với Trung quốc bắt dân tộc Việt Nam trên hai miền chịu phần đớn đau, thua thiệt.
Có thể trên „mặt trận ngoại giao“, đôi khi lóe lên một vài điểm sáng nào đấy. Nhưng những điểm sáng này thường đi đôi với hỏa hoạn trên một tấm vi mạch rằng rợ, bế tắc, phát cháy từ những mạch chập.
Ngoại giao tranh thủ lôi kéo có bao giờ được phép nói ngôn ngữ trung thực. Cũng như Đảng chỉ đạo nó xưa cướp chính quyền với lời hứa „người cày có ruộng“, rồi nuốt lời gần 70 năm nay. Hướng ra bên ngoài, ngoại giao phải khẳng định lập trường, diễn ngôn các chính sách, chỉ thị của tập thể não trạng cá sấu, u mê và độc đoán, chỉ thích nghe lời phỉnh nịnh lọt lỗ tai mình. Ở chiều ngược lại, những góp ý, phê phán từ thế giới bên ngoài cũng phải được quan chức ngoại giao bỏ đi hoặc „phiên dịch“ lại cho vừa tai kẻ quyền thế, bởi thực tế, độc tài có coi ai ra gì.
Nhà ngoại giao mang tầm vóc lịch sử Metternich có câu nói sâu sắc: „ Ý kiến công luận, cũng như tôn giáo, là phương tiện quyền lực mạnh nhất, tự nó xâm nhập vào góc khuất nhất, nơi các chỉ thị của chính phủ mất đi mọi ảnh hưởng“ (*).
Một nền ngoại giao loại trừ công luận, loại trừ tự do báo chí, ngôn ngữ của xã hội dân sự là một nền ngoại giao thất bại. Nhà nước đói nghèo lạc hậu, và quan trọng hơn, đàn áp nhân quyền và tự do báo chí, có gì đâu mà chào mời, quảng bá. Cho nên hành vi ứng xử của nhà nước này đối với bên trong và bên ngoài xoay trên những thao tác phù hợp với vị thế cô lập: dân vận, xin xỏ, tranh thủ và lôi kéo. Như vậy lề lối ngoại giao ra đời từ sự bế tắc của nền độc tài bạo ngược. Tiếng nói của Bộ ngoại giao đến nơi xa nhất cũng bị gọi giật trở lại bởi chỉ đạo từ nhà ém trước ở đó bật lên phản thùng. Nói đến những bước tiến của ngoại giao ư? Bộ ngoại giao như con giáp xác không đầu vận động loằng ngoằng, giẫy giụa trong những xúc tu thò ra, cuốn giật trở lại của mình.
Làm thế nào để ngoại giao thật sự là một môi trường mở? Mở một trang Bộ ngoại giao, tôi đọc thấy phần viết về nhiệm vụ của Bộ: „Thu thập thông tin, nghiên cứu phân tích, tổng hợp tình hình các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cánh tả, các phong trào độc lập và giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng và tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền trên thế giới; dự báo tình hình quốc tế, đề xuất kịp thời những đối sách của Đảng ta“. Nếu nhiệm vụ ngoại giao được hoạch định như vậy, tôi có cảm giác các nhà ngoại giao Việt Nam đang chăm chú xây dựng quan hệ chủ yếu với những người rơm và sự nghiệp giải vây cho Việt Nam vẫn còn ở xa phía trước.
© P.K.Đ
Chú thích của tác giả:
(*) „ Die öffentliche Meinung ist, wie die Religion, das stärkste Machtmittel, das selbst in den verborgensten Winkel dringt, wo Regierungsanweisungen jeden Einfluss verlieren“ - Klemens Wenzel Lothar von Metternich (1773-1859): Bá tước Metternich, chính khách, nhà ngoại giao người Áo đóng góp lớn vào sự cân bằng các thế lực và thiết lập trật tự mới của châu Âu trên Đại hội Vienna 1813, sau khi lật đổ Napoléon Bonaparte.
Bài đã đăng trên Bauxite VN
Con mồi muốn tránh binh đao
Có vị cán bộ ngoại giao tâm đắc, chính trường các nước phương Tây qua các kỳ bầu cử hay thay đổi nhân sự cho nên bất ổn định. Suy luận như vị đó, tất nhiên nhà nước CHXHCN Việt Nam về đối ngoại ổn định hơn nhiều. Trong mỗi một nhà nước XHCN cũ, đường lối trong ngoài đều được quyết sách bởi một lãnh tụ và nhóm người lãnh đạo quyền uy. Nhiều lãnh tụ và lãnh đạo quyền uy cả đời, trực tiếp hay gián tiếp ký những bản giao kèo thỏa thuận với lãnh tụ và lãnh đạo „bạn“ lưu lại hết đời trong két sắt. Sau những cuộc thương thuyết đổi chác đó, họ ca ngợi những hiệp ước thỏa thuận đó là biểu hiện của „hữu nghị“, „thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản. Báo chí quảng bá thêm bằng ảnh hình sinh động như Nguyễn Phú Trọng ôm ghì Tập Cận Bình cúi xuống áp má, và hot nhất cho đến nay bức hình „khóa môi“ biểu dương tình thủy chung gắn bó giữa hai Tổng bí thư Erich Honecker và Leonid Brezhnev vài năm trước khi bức tường Berlin bị đạp đổ.
Trong hệ thống phe xã hội chủ nghĩa từng tồn tại, các nhà nước cộng sản trớ
trêu thay nhận vị trí thang bậc bất bình đẳng quy định bởi nguyên tắc „tập
trung dân chủ“ giữa các "đảng anh em". Thiếu hẳn một qui chế phản hồi
và giải trình, các nhà lãnh đạo cùng „vô sản một nhà“ thương lượng với nhau,
nhân dân không đóng vai trò gì trong những cuộc ký kết sau lưng họ. Như chính
sách nhà nước độc đảng chuyên chính lấy bất nhất làm nguyên tắc, lấy bất ngờ
làm kế sách sinh tồn, những kẻ nắm quyền ắt phải đi đêm mờ ám với nhau như vậy.
Nhiều từ chữ hoa mĩ ca ngợi những hiệp ước ra đời trong những hoàn cảnh nêu trên, che giấu nỗi ngậm đắng nuốt cay cho bên này, và tâm thế gian manh đắc thắng của bên kia. Nguy hiểm hơn, lề lối ngoại giao đầy cảm tính kiểu „môi hở răng lạnh“, „anh em vô sản“ đến „Thập lục kim tự „ và „Tứ hảo“ trong bối cảnh giao tiếp giữa các quốc gia văn minh với nhau, gợi lên những quan hệ gia đình - tộc hệ thời trung cổ, phong kiến, phản văn minh - tiến hóa và hôm nay không thể châm biếm hơn, gợi về một thực tế phũ phàng nhất: thời hiện đại không ở đâu đánh nhau đổ máu nhiều hơn nơi mấy „anh em“ trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trước công luận quốc tế, sự kiện giàn khoan xâm phạm với tàu quân sự hộ tống thách thức nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mới rồi đây đã bị Ngoại giao và Truyền thông Trung quốc xuyên tạc hẳn về bản chất. Trung quốc, còn kiện cả Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc, sẽ trình ra các chứng cứ gồm cả các mật ước xưa nay. Mật ước, một ngày tòi ra trên báo chí công khai như công hàm Phạm Văn Đồng, sẽ là trái đắng cho người em ốm yếu càng ngày càng bấu chặt lấy „ông anh“ gian ác.
Công luận quốc tế phần nhiều xem vụ việc nghiêm trọng, kể cả tàu cá bị đâm chìm, chỉ là việc khổ lắm „cộng sản đánh nhau với cộng sản“. Chúng ta phải cay đắng thừa nhận điều này: đây là câu chuyện của hai nhà nước chưa trưởng thành, chưa có tư cách hội viên đầy đủ trong cộng đồng thượng tôn nhân quyền-dân chủ. Chỉ cần nhìn vào thực tế công an vị đảng dằn mặt người biểu tình, bắt bớ thêm blogger bất đồng chính kiến, siết chặt kiểm duyệt báo chí..., chắc chắn không một nhà nước nào trên thế giới tôn trọng và bênh vực nhà nước Việt Nam. Chúng ta phải khẳng định rằng, đang bị cật vấn gay gắt về nhân quyền, vị thế của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế là rất thấp. Nhà nước độc đảng-công an trị bị cô lập, lẻ loi đứng trơ ra là vì thế.
Muốn kiện Trung quốc, trước hết Việt Nam phải đủ tư cách là một thành viên của công đồng quốc gia thế giới, nói tiếng nói chung với ngôn ngữ của các nước dân chủ. Tiếng nói lạc điệu của ông đại tướng Bộ trưởng bộ quốc phòng tuyên bố trên diễn đàn đối thoại Shangri-La tới tai nhiều người khác nào một lời khuyên, các vị hãy im lặng, để anh em chúng tôi đóng cửa bảo nhau.
Một vài ngày trước khi kẻ cướp Trung quốc đâm đơn khởi kiện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phú Bình còn lạc quan „ hiện nay không phải là giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta so với những cuộc đấu tranh ngoại giao trước đây“. Câu nói này theo tôi hàm chứa nhiều sự hàm hồ, ngộ nhận về một cục diện đã hoàn toàn đổi khác. Việt Nam ngày hôm nay không phải là Việt Nam dân chủ cộng hòa nỗ lực vì độc lập dân tộc. Im tiếng không ủng hộ Philippines kiện, và bằng những văn bản ký kết với Trung quốc về biên giới, thuê rừng, khai thác bauxite, thuê cảng lợi bất cập hại..., Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay đã tận tụy phó thân làm chư hầu toàn diện cho Trung quốc nào có cho ai ngăn cản.
Bất chấp thực tế lệ thuộc như vậy, sự đan xen nhiều mối quan hệ Việt Nam gắn sâu vào Trung quốc sẽ không là một cơ sở ngăn chặn một toan tính xâm lược. Nhìn về lịch sử thời hiện đại, đã có nhiều lúc người ta lầm tưởng rằng, móc được những mối quan hệ trao đổi, tạo được sự lệ thuộc về kinh tế, ký kết được những hợp đồng thương mại dài hạn và nói chung tạo được hẳn những thiết chế phụ thuộc lẫn nhau về kinh – tài, sẽ loại bỏ được nguy cơ chiến tranh. Lịch sử hiện đại, thấy được ở hai cuộc đại chiến châm ngòi trên những mô thức hợp tác trao đổi sâu rộng giữa các quốc gia, tuy nhiên đã không diễn ra như vậy, và nhân loại còn phải học lại bài học đó nhiều lần.
Huống hồ đây còn là một sự lệ thuộc áp đặt cho kẻ bị rút ruột toàn diện. Kẻ lệ thuộc phải đeo vòng kim cô ý hệ, tiêu thụ văn hóa của ông anh hảo lớ trên mọi kênh giao tiếp, ngồi bấp bênh trên ghế đu với cán cân thương mại thâm thủng, lại còn bị giữ chặt yết hầu ở những công trình trọng điểm. Hết làm tiền đồn, hiện giờ Việt Nam làm con mồi cho quái vật. Chủ nợ dễ bị dụ dẫn đến phát động binh đao đánh con nợ với tâm thế đằng nào cũng được cả. Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng múa nhanh theo gậy của Tập Cận Bình, đằng nào cũng múa vào mồm Bắc Kinh cả, không xơi thì để làm gì.
Trung quốc đã kiện trước, hẳn Việt Nam, bỏ lỡ nhiều cơ hội trước đó, bước đường cùng phải kiện. Việc kiện Trung quốc về chủ quyền hai quần đảo có thể dẫn tới việc lật lên nhiều lá bài và những mật ước. Để chuẩn bị về mặt nhận thức, người dân phải được làm quen và phải chịu đựng được sự sụp đổ của những huyền thoại gốc, những hào quang của lãnh tụ và lãnh đạo và sâu xa hơn nữa, những gì ngụy tạo làm nên chiến thắng và quang vinh cho một đảng muốn vĩnh viễn độc tài bất chấp quy luật lịch sử.
Hãy khoan nói tới tinh thần quật khởi của người Việt. Hiện nay người dân Việt Nam đều muốn tránh đổ máu, phải xem nội phản ít nhất nguy hiểm như ngoại xâm. Chúng ta đừng bàng quan, hãy kiên quyết nói không với lề thói ngoại giao „anh em“, kiên quyết lên án những mưu toan ráo riết đi đêm tiếp tục bán nước của người đứng đầu thể chế phi dân chủ.
Ý nghĩ, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho Việt Nam và Trung quốc thương lượng để rút giàn khoan đi khiến tôi lo ngại ở một viễn cảnh. Có lẽ Trung quốc ra tay hơi sớm. Về lâu dài nhà nước của Tập Cận Bình cần một Việt Nam tay sai dặt dẹo về thể xác và tinh thần, như một con nghiện bấu víu làm ra 10 chi 6 cho quốc phòng và cho an ninh chỉ giỏi trấn áp „thù địch“ và „phản động“. Giàn khoan rút đi, nhưng cái thiết chế độc đảng tay sai với những lãnh đạo phò Trung quốc đứng đầu vẫn như một cỗ máy hắc ám treo lơ lửng trên đầu nhân dân Việt Nam. Chính cái thiết chế đó rước thêm vào nhà nạn binh đao, đưa đại họa về cho dân tộc.
©Phạm Kỳ Đăng
Bài đăng trên Dân Luận
Nhiều từ chữ hoa mĩ ca ngợi những hiệp ước ra đời trong những hoàn cảnh nêu trên, che giấu nỗi ngậm đắng nuốt cay cho bên này, và tâm thế gian manh đắc thắng của bên kia. Nguy hiểm hơn, lề lối ngoại giao đầy cảm tính kiểu „môi hở răng lạnh“, „anh em vô sản“ đến „Thập lục kim tự „ và „Tứ hảo“ trong bối cảnh giao tiếp giữa các quốc gia văn minh với nhau, gợi lên những quan hệ gia đình - tộc hệ thời trung cổ, phong kiến, phản văn minh - tiến hóa và hôm nay không thể châm biếm hơn, gợi về một thực tế phũ phàng nhất: thời hiện đại không ở đâu đánh nhau đổ máu nhiều hơn nơi mấy „anh em“ trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trước công luận quốc tế, sự kiện giàn khoan xâm phạm với tàu quân sự hộ tống thách thức nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mới rồi đây đã bị Ngoại giao và Truyền thông Trung quốc xuyên tạc hẳn về bản chất. Trung quốc, còn kiện cả Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc, sẽ trình ra các chứng cứ gồm cả các mật ước xưa nay. Mật ước, một ngày tòi ra trên báo chí công khai như công hàm Phạm Văn Đồng, sẽ là trái đắng cho người em ốm yếu càng ngày càng bấu chặt lấy „ông anh“ gian ác.
Công luận quốc tế phần nhiều xem vụ việc nghiêm trọng, kể cả tàu cá bị đâm chìm, chỉ là việc khổ lắm „cộng sản đánh nhau với cộng sản“. Chúng ta phải cay đắng thừa nhận điều này: đây là câu chuyện của hai nhà nước chưa trưởng thành, chưa có tư cách hội viên đầy đủ trong cộng đồng thượng tôn nhân quyền-dân chủ. Chỉ cần nhìn vào thực tế công an vị đảng dằn mặt người biểu tình, bắt bớ thêm blogger bất đồng chính kiến, siết chặt kiểm duyệt báo chí..., chắc chắn không một nhà nước nào trên thế giới tôn trọng và bênh vực nhà nước Việt Nam. Chúng ta phải khẳng định rằng, đang bị cật vấn gay gắt về nhân quyền, vị thế của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế là rất thấp. Nhà nước độc đảng-công an trị bị cô lập, lẻ loi đứng trơ ra là vì thế.
Muốn kiện Trung quốc, trước hết Việt Nam phải đủ tư cách là một thành viên của công đồng quốc gia thế giới, nói tiếng nói chung với ngôn ngữ của các nước dân chủ. Tiếng nói lạc điệu của ông đại tướng Bộ trưởng bộ quốc phòng tuyên bố trên diễn đàn đối thoại Shangri-La tới tai nhiều người khác nào một lời khuyên, các vị hãy im lặng, để anh em chúng tôi đóng cửa bảo nhau.
Một vài ngày trước khi kẻ cướp Trung quốc đâm đơn khởi kiện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phú Bình còn lạc quan „ hiện nay không phải là giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta so với những cuộc đấu tranh ngoại giao trước đây“. Câu nói này theo tôi hàm chứa nhiều sự hàm hồ, ngộ nhận về một cục diện đã hoàn toàn đổi khác. Việt Nam ngày hôm nay không phải là Việt Nam dân chủ cộng hòa nỗ lực vì độc lập dân tộc. Im tiếng không ủng hộ Philippines kiện, và bằng những văn bản ký kết với Trung quốc về biên giới, thuê rừng, khai thác bauxite, thuê cảng lợi bất cập hại..., Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay đã tận tụy phó thân làm chư hầu toàn diện cho Trung quốc nào có cho ai ngăn cản.
Bất chấp thực tế lệ thuộc như vậy, sự đan xen nhiều mối quan hệ Việt Nam gắn sâu vào Trung quốc sẽ không là một cơ sở ngăn chặn một toan tính xâm lược. Nhìn về lịch sử thời hiện đại, đã có nhiều lúc người ta lầm tưởng rằng, móc được những mối quan hệ trao đổi, tạo được sự lệ thuộc về kinh tế, ký kết được những hợp đồng thương mại dài hạn và nói chung tạo được hẳn những thiết chế phụ thuộc lẫn nhau về kinh – tài, sẽ loại bỏ được nguy cơ chiến tranh. Lịch sử hiện đại, thấy được ở hai cuộc đại chiến châm ngòi trên những mô thức hợp tác trao đổi sâu rộng giữa các quốc gia, tuy nhiên đã không diễn ra như vậy, và nhân loại còn phải học lại bài học đó nhiều lần.
Huống hồ đây còn là một sự lệ thuộc áp đặt cho kẻ bị rút ruột toàn diện. Kẻ lệ thuộc phải đeo vòng kim cô ý hệ, tiêu thụ văn hóa của ông anh hảo lớ trên mọi kênh giao tiếp, ngồi bấp bênh trên ghế đu với cán cân thương mại thâm thủng, lại còn bị giữ chặt yết hầu ở những công trình trọng điểm. Hết làm tiền đồn, hiện giờ Việt Nam làm con mồi cho quái vật. Chủ nợ dễ bị dụ dẫn đến phát động binh đao đánh con nợ với tâm thế đằng nào cũng được cả. Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng múa nhanh theo gậy của Tập Cận Bình, đằng nào cũng múa vào mồm Bắc Kinh cả, không xơi thì để làm gì.
Trung quốc đã kiện trước, hẳn Việt Nam, bỏ lỡ nhiều cơ hội trước đó, bước đường cùng phải kiện. Việc kiện Trung quốc về chủ quyền hai quần đảo có thể dẫn tới việc lật lên nhiều lá bài và những mật ước. Để chuẩn bị về mặt nhận thức, người dân phải được làm quen và phải chịu đựng được sự sụp đổ của những huyền thoại gốc, những hào quang của lãnh tụ và lãnh đạo và sâu xa hơn nữa, những gì ngụy tạo làm nên chiến thắng và quang vinh cho một đảng muốn vĩnh viễn độc tài bất chấp quy luật lịch sử.
Hãy khoan nói tới tinh thần quật khởi của người Việt. Hiện nay người dân Việt Nam đều muốn tránh đổ máu, phải xem nội phản ít nhất nguy hiểm như ngoại xâm. Chúng ta đừng bàng quan, hãy kiên quyết nói không với lề thói ngoại giao „anh em“, kiên quyết lên án những mưu toan ráo riết đi đêm tiếp tục bán nước của người đứng đầu thể chế phi dân chủ.
Ý nghĩ, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho Việt Nam và Trung quốc thương lượng để rút giàn khoan đi khiến tôi lo ngại ở một viễn cảnh. Có lẽ Trung quốc ra tay hơi sớm. Về lâu dài nhà nước của Tập Cận Bình cần một Việt Nam tay sai dặt dẹo về thể xác và tinh thần, như một con nghiện bấu víu làm ra 10 chi 6 cho quốc phòng và cho an ninh chỉ giỏi trấn áp „thù địch“ và „phản động“. Giàn khoan rút đi, nhưng cái thiết chế độc đảng tay sai với những lãnh đạo phò Trung quốc đứng đầu vẫn như một cỗ máy hắc ám treo lơ lửng trên đầu nhân dân Việt Nam. Chính cái thiết chế đó rước thêm vào nhà nạn binh đao, đưa đại họa về cho dân tộc.
©Phạm Kỳ Đăng
Bài đăng trên Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét