Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Mặt trời đã mọc ở miền Đông

Alexander Cammann

Đi trước hàng nhiều năm ánh sáng: Vì sao văn chương từ CHDC Đức vẫn còn vượt trội những tác phẩm của miền phía Tây.


Tranh của © Emil Nolde (1867-1956), họa sĩ Biểu hiện Đức

Trong buổi chiều ấy chiếc xe tăng đứng đơn độc trên con phố rộng ở Đông Berlin; ống súng đại bác của nó hướng về quảng trường Alexanderplatz. Đó là ngày 07.10.1989. Trong Cung điện Cộng hòa, Erich Honecker (1) và các đồng chí liên hoan mừng 40 năm ngày thành lập CHDC Đức, nơi cách đó chỉ vài mét, chính quyền nhà nước lần cuối cùng đánh đập những người đối lập. Một kẻ lạc trận vừa tròn 26 tuổi, trên đường về nhà nhìn thấy cỗ xe tăng trong màn đêm – và đột nhiên một ước vọng vô cùng kỳ lạ xâm chiếm lấy hắn: Hắn muốn nằm xuống trong cái bóng của nó “dựa người vào cỗ bánh và xích kim loại, nhiều phút khép mắt lại“. Cái cỗ máy của những cuộc nội chiến đánh thức nhu cầu ngủ của hắn, như sau này hắn còn nhớ lại: „Hắn chán chường tất thảy mọi thứ, chán buổi bình minh xã hội chủ nghĩa dài dặc, sự uể oải của một phong cảnh toàn bộ do tình cờ hắn đã lạc vào đó như lạc vào một cái bẫy khổng lồ.“ Một lần nữa hắn định tâm:“ Sự thể diễn ra, như thể tôi, xe tăng đốc sau lưng, chỉ riêng mỗi một lần này muốn ngủ vùi quên lịch sử hàng nhiều phút, trước khi tất cả lăn bánh“. Một cảnh giã biệt ra sao: một cỗ máy khổng lồ mới rồi còn uy thế giờ đây đã bất lực, cho tới lúc đó còn ngự trị lên thế kỷ - và nhà thơ trẻ muốn sờ thấy nó một lần nữa, chính bây giờ, bởi thời đại của nó đã đi qua. Sáu năm sau, tất cả đã chuyển bánh, sáu năm sau chàng trai Durs Grünbein (2) còn trẻ đã tường trình về cuộc giã biệt chiếc xe tăng hấp hối.

Xe tăng đốc sau lưng: Đó là phương thức sinh tồn của CHDC Đức cho tới ngày cuối. Heiner Müller (3), người phát hiện ra Grünbein và là người đọc diễn văn trao thưởng năm 1955, trong những vở kịch của mình đã để cho xe tăng xô viết T-34 từ phương Đông lăn tới; chúng mang lại giải phóng và hãm hiếp. Với Werner Bräunnig (4), vào ngày 17.06.1953 chúng đe dọa trong đoạn kết đáng tiếc hơi khiên cưỡng về ý hệ ở cuốn tiểu thuyết Quảng trường Rummel (Rummelplatz) của ông không bao giờ được xuất bản tại CHDC Đức mà mãi tới năm 2007 mới ló ra từ kho lưu trữ. Năm 1961, một Franz Führmann (5) còn trung tín đã viết về những chiếc xe tăng cảnh giới cho việc xây tường Berlin:“ Thế là tốt, chúng đứng đó, vì điều bức thiết“. Và trong cuốn Cái tháp (Der Turm) của Uwe Tellkampf (6), ở một chương viết gay cấn, nhân vật chính Christian Hoffmann vào dạo cuối những năm 80 trong một cuộc tập trận đã khổ sở vượt qua một chuyến hành quân bằng xe lội nước lặn qua sông Elbe. Giai thoại về thời kỳ tận thế của Durs Grünbein xảy ra năm 1989, thật vậy không chỉ biến thể cái vị trí tương tác cổ xưa, có thể hơi cũ kỹ của quyền lực đối với cá thể trong những màu sắc xỉn của một CHDC Đức rệu rã. Vượt ra ngoài phạm vi đó, một lần nữa nó biểu trưng nghịch lý về văn hóa ngay từ đầu thuộc về cách thức tồn tại của CHDC Đức. Nhiều thứ tuy rằng bị cán bằng đi một cách tàn bạo, đồng thời trong bóng phủ của quyền lực luôn nảy sinh nền nghệ thuật trọng đại mạnh mẽ hơn xích xe tăng sắt thép. Xe tăng cán sau lưng, trải qua nhiều thập niên đơm hoa kết trái chút gì đó cần phải được phát hiện lại trong ngày hôm nay: nền văn học nọ được nuôi dưỡng từ một nghiệm sinh có tên CHDC Đức.

Đã đến lúc cấp bách cho một cái nhìn mới như vậy. Bởi vì trong khi Grass (7), Enzensberger (8) & Co vẻ như đang tới lui tua vòng trên đường đi tới bất tử, trong khi phần nhiều, những gì nhóm 47, Arno Schmidt (9) và mọi người khác từ 1945 đã để lại, là điển phạm với ít hay nhiều lí do chính đáng, thì ngược lại, cái phong cảnh văn chương phía đông đã thành lịch sử, xưa kia được để mắt, ái mộ, ngày nay, hai thập niên sau thống nhất, không ai nhận biết đã thành ra một vùng chưa quen biết rộng lớn. Ở đó sự đa dạng bị lãng quên một cách bất công, vẻ quyến rũ sôi sục và kỳ vọng thẩm mĩ, những câu chuyện mạo hiểm và những số phận độc ác những hẳn sẽ tác động lên người đọc hôm nay sa đà vào vẻ đẹp lu mờ này những nghiệm trải đọc sâu sắc hơn một số mặt hàng Walser-Wohmann-Wondratscheck (10). Chắc chắn thế: Một nền độc tài không tự động sinh ra những tác phẩm hay hơn; lịch sử văn chương từ Goethe (11) qua Mann (12) cho tới Pynchon (13) minh chứng điều đó. Nhưng trong trường hợp của CHDC Đức, thử gạt bỏ sang bên thứ rác rưởi tuyên truyền dung tục, người đọc không chỉ cảm nhận một tính nghiêm túc đặc biệt, gói ghém trong những hình thức động chạm đến sinh tồn cũng có thể phát huy tác động nghệ thuật của nó dưới những biểu hiệu chính trị khác. Có khi vết thương của CHDC Đức đã không liên tục sản sinh ra văn chương Đức hay hơn, nhưng lúc nào cũng sôi động hơn.

Những hiểm hóc đương nhiên rình rập khắp nơi trên một chuyến đi phát hiện lại. Bởi chưng một cái nhìn mới thực ra có ý nghĩa gì cơ chứ? Xét cho cùng thì trước 1989 Christa Wolf (14) và Heiner Müller đã là những đại trí thức Đức tầm cỡ Grass, Habermas (15), Enzensberger, được ngưỡng mộ tôn thờ và bị thù ghét dữ dội; ngay từ những thập kỷ trước đó họ đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ thế giới. Nếu cả như Elfriede Jelinek (16) và Dario Fo (17) được tưởng thưởng bằng giải Nôben, hẳn nhiên Heiner Müller cũng tương tự đáng phải nhận được giải đó; chỉ có điều ông ấy mất quá sớm, trước cả năm 1996. Rất lâu trước 1989, Jurek Becker (18), Wolf Biermann (19), Christoph Hein (20), Günter Kunert (21), Günter de Bruyn (22), Sarah Kirsch (23), Ulrich Plenzdorf (24), Monika Maron (25) và nhiều tác giả khác đã thuộc về điển tác văn chương Đức thế kỷ 20. Văn chương của họ nằm trên chương trình giảng dạy và trong sách giáo khoa; chúng luôn được in ra trong số lượng ấn bản cao hoặc thế đấy ít ra luôn gặt hái đầy rẫy giải thưởng. Nếu như nhãn quan hướng Đông đóng một vai trò trong nước Đức chia cắt, thì hẳn điều đó xảy ra trong sách in. Nếu như từng có một dân tộc văn hóa không sao chia cắt, thì hẳn may mắn sao, cái đó có trong văn chương Đức sau 1945.

„Và dẫu sao điều này thường thức dậy cảm tưởng rằng cái nguyên bản Đức, kể cả trong văn chương, là liên bang Đức, phía Đông là một di loài đặc biệt“. Diễn đạt nên điều phản kiến này không phải là một người hoài niệm phía Đông không sao cải tạo được, mà là một Monika Maron, người năm 1988 sang phía Tây và chưa bao giờ nhỏ theo một giọt lệ khóc thương nước CHDC Đức. Cảm giác của bà không đánh lừa, bởi vì sự quan tâm của CHLB Đức cũ dành cho một dị chủng phía Đông độc đáo này đã có một lý do chưa bao giờ làm biến đi hoàn toàn cái khoảng cách bên trong: Đó là một quan hệ phóng chiếu tạo nền tảng sức thu hút của vùng phía Đông. Những đường đá lát tảng và những đại lộ rợp bóng cây, những mùi bị quên lãng từ lâu và màu xám xịt hiện diện khắp nơi, sự chậm rãi và những ngôi nhà tàn tạ trong vẻ u buồn, sự nghiêm trọng mang tính sinh tồn, lối sống thị dân ấm êm an phận và ý thức truyền thống về nghệ thuật: đối với công dân được học hành tại CHLB Đức, CHDC Đức đã trở thành một phong cảnh của mộng mơ và an ủi đang thực sự hiện tồn, điều này nhà xã hội học Heinz Bude (26) ngay từ giữa những năm chín mươi đã lưu ý tới: „ Miền Đông trở thành bức tranh ao ước ngấm ngầm về một quê hương văn hóa mà chủ nghĩa Quốc Xã từng phá hủy“. Nơi đây miền Tây còn có thể lên đường tìm về chất nguyên bản cứ cho là đã mất của một thời Tiền hiện đại:“ Ở đó còn khả dĩ những câu chuyện mà người ta không còn có thể hình dung ra trong một hiệp hội tiêu thụ lớn“. Ở đó nỗi khát khao này nơi một số chí ít còn liên lụy đôi chút với cảm tình chính trị dành cho CHDC Đức, dẫu cho người ta thường cắt đi cảnh nhà tù của An ninh, để khỏi làm nhiễu đi cái mỹ miều lãng mạn của ảm đạm. Hơn vậy, những phong cảnh phía Đông giữa sông Elbe và sông Oder, cả những phong cảnh văn chương nữa, trước hết là một thiên đường hưởng thụ về mặt tâm hồn dành cho vùng phía Tây đã mỏi mệt vì chủ nghĩa hiện đại đã phân rã hết cỡ của riêng mình.

Kể cả sau 1989, sau kết thúc của CHDC Đức, mối quan hệ phóng tưởng này vẫn tiếp diễn. Không chỉ các tác giả vùng phía Đông thành danh vẫn còn được đọc nhiều: Trong một tốc độ nghẹt thở, những giọng nói miền Đông đã bỏ lại các đồng nghiệp vùng Tây Đức ở lại sau lưng mình, đi trước là Ingo Schulze (27) và Uwe Tellkamp. Heinz Bude đã chẩn đoán trước ra sao: „ Một số người trẻ hơn hoặc thông thái hơn từ miền Đông đã hiểu rằng bức tranh về miền Đông hoàn toàn có cơ may riêng của nó trong những bước đột biến không ngừng của nền văn hóa đại chúng vĩ đại của chúng ta“. Và trên đỉnh olympic của các thi hào Đức ngày nay đang ngự ngôi những nhà văn mà tác phẩm của họ được tạo hình hài theo khuôn thước từ kinh nghiệm của CHDC Đức, đã từ lâu rồi như thế: Trước 1989 Uwe Johnson vào năm 1971 (28), Reiner Kunze năm 1977 (29), Christa Wolf 1980 và Heiner Müller 1985; sau ngày thống nhất Wolf Biermann năm 1991, Grünbein 1995, Sarah Kirsch 1996, Volker Braun năm 2000 (30) và cuối cùng Wolfgang Hilbig 2002 (31) đã nhận giải Büchner của Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức tại Darmstadt, - không hề là chỉ tiêu tồi cho một miền đất có ít dân cư hơn bang Nordrhein-Westfalen.

 

Trong chừng mực đó nhìn trên phạm vi toàn Đức, phóng chiếu qua phóng chiếu lại, dị loài văn học phía Đông khá rực rỡ, chưa kể thêm rằng một trong những đại diện của nó lại đây mới đoạt Giải Sách Đức: nữ nhà văn Kathrin Schmidt (32) sinh năm 1958 tại Gotha vùng Thüringen với cuốn tiểu thuyết Mi không chết (Du stirbst nicht). Và ở điểm này còn có một ví dụ hoàn toàn ẩn chứa theo kiểu khác cho phép dẫn ra ở đây: Từ một vài năm nay, nhà thơ và nhà soạn kịch Peter Hacks (33) đã chứng nghiệm một thời phục hưng đáng ngạc nhiên, ở bản quán nơi đây tựu trung chỉ có thể so sánh được với sự phát hiện lại nhà văn Áo Heimito von Doderer (34) vào những năm 90. Mới đây còn có hẳn một nhà xuất bản riêng mang tên „Aurora“ rất mang tính chất Hacks sẽ chỉ chuyên phục vụ in ấn tác phẩm của ông. Nhìn vào thế lực diễn ngôn của miền Đông này, một tác giả xuất thân từ miền Tây Đức hoàn toàn có thể khó chịu. Và do đó Monika Maron có thể nhìn sự vật một cách điềm tĩnh hơn.

Nhưng sự thể không hề hoàn toàn đơn giản như thế. Bởi chưng dây mơ rễ má của nền văn chương thành công Đông Đức sau 1989, nghĩa là nguồn gốc của nó từ lịch sử trước đó, biến đi trong một quá khứ của CHDC Đức từng ngày từng giờ trở nên không thể bao quát được đối với những kẻ hậu sinh. Rằng nền văn học đó có được thành tựu nhờ phóng chiếu, tuy vậy sức thẩm mĩ lại có được nhờ một mối liên kết truyền thống của nền văn hóa ưu trội của ngôn từ, nơi vấn đề thường xuyên xoay quanh cái tổng thể và cái vĩnh cửu: Nhận thức này đột nhiên lại hiện diện, nếu như người ta một lần nữa tái hiện sự dữ dội ở mức văn chương trước 1989 đã vật vã với chính nó, với những thứ khác và với quyền lực.

Bởi rằng Peter Hacks, người di trú sang phía Đông vào năm 1955, đã viết cho chàng trai Tây Berlin trẻ Ronald M. Schernikau (35) ưu tư việc di trú sang CHDC Đức: „ Nếu như ông có ý định trở thành một nhà thơ lớn, ông phải sang CHDC Đức; đất nước này một mình nó, theo cái cách kinh khủng của mình, đặt ra những vấn đề của thế kỷ“. Ít khi trượt xuống dưới mức đó. Cả Heiner Müller - kẻ thù của Hacks („Chúng tôi khinh bỉ nhau với sự tôn trọng. Với sự tôn trọng lớn, chẳng phải bàn“, - vẫn lời Müller) về cơ bản nhìn nhận tương tự và cám ơn vì chất liệu CHDC Đức mang tới. Ngược với điều này, tình cảnh nghệ thuật ở phía Tây rắc rối hơn: Ở đó vấn đề không liên quan tới sự lâu bền, mà là sự có mặt chốc lát, sự đại diện. Và phần nào điều này là khai tử đối với nghệ thuật“. Thường kỳ, các tác giả phải ném tiểu thuyết ra thương trường, để hiện diện; sự sợ hãi do đó sinh ra văn chương đuối sức. Với câu nói đó, Müller đã điểm trúng huyệt tử sinh của hoạt động văn chương Đức miền liên bang.

Ở phía Đông nói chung, sự kiểm duyệt ngăn chặn tác phẩm và hủy hoại tác giả. Những vấn giải và khủng hoảng tồn tại khắp nơi: Sự thất bại bi đát là một chương chuyên biệt của lịch sử văn chương miền Đông Đức. Thí dụ Werner Brünig: Sinh năm 1934, năm 1953 vì tội buôn lậu bị xử 2 năm tù giam, làm thợ mỏ, cuối cùng là sinh viên ở Viện Văn học Leipzig, vào năm 1959 tại Hội nghị Bitterfeld (36) ông đã là người xướng lên lời hiệu triệu Cầm lấy bút bạn ơi! Nền văn hóa dân tộc xã hội chủ nghĩa đang cần bạn, thông qua đó những cái gọi là nhà văn công nhân cần được chiêu mộ nhằm „lao lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của văn hóa“ (theo lời Walter Ulbricht). Sau này tại hội nghị bất thường lần thứ 11 của Trung ương đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức năm 1965 ông đã bị phê bình gay gắt vì một chương xuất bản trước từ cuốn tiểu thuyết Rummelplatz (Quảng trường Rummel) vừa mới hoàn thành: Chỉ có Christa Wolf dũng cảm bảo vệ ông. Cuốn sách hiện thực, thô tháp và ngày hôm nay mang vẻ cổ hủ cũng nên về thế hệ trẻ sau 1945 đã không được phép xuất bản; năm 1976 Bräunig nghiện rượu chết đi. Trong cuốn tiểu thuyết của mình ông đã đưa ra lời mô tả hoàn toàn trúng đích của thế hệ CHDC Đức, trong sự thống nhất và riêng biệt: „ Tất cả chúng ta ngồi trong một con tàu và cùng thao diễn một động tác và tất cả đi theo cùng hướng. Mà tuy thế từng người muốn đi hướng khác và xuống nơi khác kia. Và từng người lại tới đây từ nơi nào khác.“

Thí dụ như Franz Führmann: Sinh năm 1922, một người theo chủ nghĩa Quốc Xã thành tín, trở thành nhà văn - cán bộ lãnh đạo của CHDC Đức sau khi mãn hạn tù chiến tranh của Xô-viết, để rồi trong tiến trình những năm 60, sau những cuộc khủng hoảng nặng nề và thôi nghiện rượu đã lột xác trở thành một tác giả phê phán. Các bài tiểu luận của ông là „tuyệt đối văn chương thế giới“, Uwe Tellkamp hào hứng, người trong cuốn tiểu thuyết Ngọn tháp (Turm) qua nhân vật nhà văn Georg Altberg, „lão nhân vùng núi“ đã làm cho tác giả bị vùi sâu vào quên lãng trở nên vĩnh cửu. Ngược lại, đối với nhà cộng sản cố cựu Peter Hacks, Führmann là kẻ phạm tội chính của “âm mưu trí thức phản cách mạng“ trong cái đám „viết văn xét lại“ ở nước CHDC Đức: ý nói sự chuyên tâm tích cực vào thời kỳ Lãng mạn Đức, trước hết được Christa Wolf, Günter de Bruyn và đương nhiên Fühmann khởi động trong những năm 70. Năm 1973 cùng với cuốn Hai mươi ngày hay một nửa cuộc đời người này đã đạt đến một loại hình văn học tập hợp những câu cách ngôn, những nhận xét ngắn mang tính tiểu luận và những quan sát cá nhân; ông ấy viết những cuốn sách cho thiếu nhi tuyệt vời và trở thành người khuyến khích không mệt mỏi cho những nhà thơ trẻ như Uwe Kolbe (37) hay Wolfgang Hilbig. Vậy mà dự án sách Bergwerk (Hầm than) được chuyên tâm theo dõi hàng năm trời còn lại là một bãi xỉ than trùng điệp. Khi ông mất vào năm 1984, sự tổng kết cuộc đời ông ra chiều phủ nhận: „Tôi mang nỗi đau man rợ. Nỗi đau lớn nhất là thất bại: trong văn chương và trong hy vọng vào một xã hội như chúng ta tất cả đã một lần từng mơ“. Führmann cấm những cấp cán bộ lãnh đạo hội nhà văn Hermann Kant (38) và Dieter Noll (39) tham dự lễ tang ông và thay vào đó ông để lại đời sau một di nguyện giành được bằng xương máu: „Tôi chào tất cả các đồng nghiệp trẻ đã lựa chọn cho mình sự thật như là giá trị cao cả nhất của sự viết.“

Hy vọng hằng mơ và sự thật chọn lựa: Tình thống thiết này vang lên xa lạ và bỡ ngỡ trong đôi tai hậu hiện đại của chúng ta. Nhưng mà dạo đó nó bức thiết thuộc về những cuộc tranh đấu về tinh thần. Trong đó phản ánh một nghiệm trải thế hệ đầy những rạn nứt, đấu tranh, tuyệt vọng và quẫy cựa. Chính trị và An ninh quốc gia thường luôn hiện hữu. Và thư thoảng buồn cười làm vậy như sự tranh biện nọ tại một cuộc gặp gỡ nghệ sĩ trong hội đồng nhà nước, khi luận bàn về Faust của Goethe trong chủ nghĩa xã hội. Anna Seghers (40), bà lớn của văn học Đông Đức, hỏi rằng: „ Nhưng mà chúng ta bắt đầu với Mephisto chứ?“. Kế đó Walter Ulbricht nghiêm khắc trong giọng riêng không sao trộn lẫn của ông ta: „ Nào các đồng nghiệp, câu hỏi của Mephisto chúng ta sẽ còn giải đáp“. Liệu rồi Hacks, người tôn thờ Goethe, đã tha thứ cho thần tượng chính trị Ulbricht của ông hay chăng? Hai mươi năm sau, chúng ta viết vào năm 1983, ủy viên dự khuyết bộ chính trị của đảng SED Inge Lange (41) còn luôn kinh hãi tên „phản bội nhân dân“ Heiner Müller thời gian qua đã nổi tiếng thế giới. Chính trị còn nguyên đó số phận của văn học, kể cả ở phía bên kia của mốc hoàn toàn tai tiếng của cuộc họp bất thường lần thứ 11 năm 1965 và sự tước đoạt quốc tịch của Wolf Biermann năm 1976.

Cũng tương tự phía Tây luôn hiện hữu ở đó. Xét về căn để, phong cảnh văn chương miền Đông Đức chỉ có thể đáng nghĩ tới trong lịch sử quan hệ Đông-Tây. Các nhà xuất bản Tây Đức giới thiệu những nhà văn CHDC Đức; thường xuyên giới phê bình văn học tại CHLB Đức theo dõi và chăm chú ở mức cao nhất, chuyện gì diễn ra tại CHDC Đức. Và cuối cùng nhiều tác giả phải đi con đường từ Đông sang Tây, khi mà họ không còn chịu được thêm ở CHDC Đức. Bên cạnh đó có nhiều mối liên hệ cá nhân không thể đếm hết: Vào cuối những năm 50 Grass, Bachmann và Enzensberger xuất hiện ở thính phòng huyền thoại số 40 ở Leipzig của Hans Mayer. Năm 1965, Grass và Bachmann đến từ phần bên kia của thành phố khi nhà thơ chết sớm Johannes Bobrowski (42) được đưa tới nghĩa trang ở Berlin-Friedrichshagen. Những bài thơ tuyệt vời ghi dấu ấn lên nhiều thế hệ của ông in trong hai hợp tuyển cung cấp cái nhìn tổng quan về thơ của nước CHDC Đức (Các nhà thơ của CHDC Đức và 100 bài thơ của CHDC Đức - Lyrik der DDR; Heinz Ludwig Arnold und Hermann Korte ấn hành; S. Fischer, Frankfurt/Main 2009; 448 trang., giá 24,95 €; 100 bài thơ của CHDC Đức; Christoph Buchwald und Klaus Wagenbach xuất bản, Berlin 2009; 169 trang., 16,90 €). Sau này trong những năm 70, Grass - người toàn Đức về mặt văn hóa không mệt mỏi nhất trong số các tác giả CHLB Đức - đã thường xuyên lui tới Đông Berlin. Trong những căn hộ phòng rưỡi bốn chục người kế đó chen chúc nhau bàn luận về văn bản của chính họ; trong số họ có mặt Sahra Kirsch, Adolf Endler và Hans Joachim Schädlich (Đông), bên Grass Hans có Christoph Buch, Peter Schneider và Friedrich Christian Delius (Tây).

Thuộc về phong cảnh văn chương CHDC Đức bao gồm sự đa dạng, những mâu thuẫn và những đồng biến mang tính nghịch lý, và một cuốn tự điển xuất bản gần đây cung cấp thông tin một cách rất chuyên môn về điều này (Metzler Lexikon DDR-Literatur. Autoren – Institutionen – Debatten; hrsg. v. Michael Opitz und Michael Hofmann; Verlag J. B. Metzler, Stuttgart/Weimar 2009; 405 S., 49,95 €). Hiện đại tồn tại bên chất Biedermeier, ngoài các vụ bắt giam và giám sát có những cuộc tranh luận mỹ học trong tạp chí và các viện hàn lâm rất thú vị và tự do nếu đem so sánh, cũng như một văn hóa đọc và tranh luận có đòi hỏi vô cùng cao, đã rời rất xa khỏi giáo điều của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Kiểm duyệt đe dọa tất cả - và thế đó, trước hết những nhà xuất bản ở tỉnh lẻ nhỏ hơn, có vẻ ít quan trọng hơn như Hinstorff ở Rostock hay nhà xuất bản miền Trung Đức ở Halle, nhờ vào những người xuất bản và biên tập, đã tìm thấy những khe để luồn lách, bởi vì xa Berlin chúng ít bị dòm ngó canh chừng như nhà xuất bản Aufbau tầm cỡ nằm tại nơi đó. Những mâu thuẫn vội vàng từ phía một bên là người nghệ sĩ của nhà nước tuyên truyền và mặt khác là những nhà viết văn thăng tiến từ cơ sở đã thế chỗ cho nhau: Stephan Hemmlin (43), người được Honecker tin cẩn và người cộng sản xuất thân từ gia đình tư sản tự nhìn bản thân mình là „nhà văn tư sản thời hậu kỳ“, vào năm 1976 đã gõ trống hối thúc giới tác giả cao trọng của CHDC Đức ký kiến nghị phản đối việc tước quốc tịch Biermann, trong khi mười năm sau Sascha Anderson (44) với tư cách là nội gián An ninh quốc gia đã tổ chức ra sinh hoạt văn chương ở Prenzlauer Berg và đánh phá nó tan tành. Một kẻ hành quyết thông minh của chính sách đảng SED như chủ tịch hội nhà văn Hermann Kant, vào năm 1977 đã báng bổ đuổi nhà thơ Reiner Kunze sang Tây Berlin bằng câu nói kinh tởm „Thêm thời gian, lụi cỏ hoang!“ và trong cùng năm ấy ông ta đã có thể trình làng cuốn tiểu thuyết Cư trú đáng chú ý, cuốn sách, trên nền tảng cá nhân ông, đã mô tả sự chuyển mình dần dần của một người lính Đức 18 tuổi trong trại giam Ba Lan vào năm 1945.

Với một số người, CHDC Đức cũng cấp cho một vùng an hòa của nội tâm được quyền lực nhà nước bảo trợ, nơi người ta đã theo đuổi những ý niệm thẩm mĩ trượt khỏi thời đại. Lao tâm của Peter Hacks với một nền „cổ điển xã hội chủ nghĩa“ là một dự án: Sự hướng về chuẩn mực câu thơ cổ điển, bởi vì hiện thực quá „nhỏ nhặt , quá khổ sở“ và chính thế ông kiến tạo „Weimar riêng tư“, như người đối cực Heiner Müller của ông dạo xưa cay độc bình luận. Vấn đề của Hack có chăng là, „thực ra ông ấy không đến từ thế giới này. CHDC Đức với ông ấy là một truyện cổ tích – Ông ấy sống trải và mô tả nó như một thế giới cổ tích.“

Trong những năm 80 thời tận thế đã ngự trị. Đã qua rồi khá lâu cái không khí Werner Bräunig xưa đã từng miêu tả cho mình và cho „những kẻ hậu sinh của đợt bán tống táng có phạm vi đại Đức: Họ „rà soát tìm bầu trời mất đi thần thánh và chân trời bị đánh cắp, tìm kiếm những cuộc phiêu lưu và làn gió mạnh, và tìm kiếm trong thực tế một tổ quốc“. Ngược lại, năm 1985 nhà thơ nữ Elke Erb (45) đã diễn đạt chương trình khước chối sáng tạo của thế hệ bà tại vùng Prenzlauer Berg phản kháng lại quyền lực giả danh của lịch sử bằng ngôn ngữ thử nghiệm: „Bà ấy không cho phép giám hộ nữa bởi những nội hàm không tưởng và phản đối những sự thỏa hiệp“. Tuy vậy sự thể cũng đã không tiến được lên phía trước, trước hết không thể: „ Anh, mình anh, cõng lịch sử trên lưng,/Tương lai là, nói quá nhiều rồi đấy“, Durs Grünbein đã viết như vậy vào năm 1988 trong tập thơ đầu của mình Vùng xám mỗi bình minh. Ít lâu sau đột nhiên tương lai đã khai mở.

Ngày hôm nay ai đắm mình vào văn chương Đông Đức, có thể hào hứng với sự đa dạng về chủng loại, nếu như ừ thế đã phát triển được một giác quan cho âm sắc hiện sinh làm nền cho tất cả. Và anh sẽ bắt gặp những điều kỳ diệu nhỏ và lớn thí dụ như bài thơ của một thợ đốt lò 21 tuổi, năm 1962, trong lúc những người khác đi đều bước trên con đường Bitterfelder, đã vơ lấy bút viết: „Trong những cuộc họp lớn/ của những người đàn ông vĩ đại/ họ sau bàn ngồi co và đồng thời ấp vỉ cá khô“, cái tôi trữ tình đã vơ lấy súng và lần lượt bắn hết thảy, theo rất nhiều câu thơ: „ Vào thất thanh, chạy vào tiếng hét la/ Những viên đạn của tôi lia quất “. Sau đó hắn dùng một cái rìu chém nát tất cả: „ Vâng thế giới tất cả của tôi nơi tôi đang sống/tôi đập tan thích nhất thế này/ để chẳng bao giờ nó cất cao đầu/Và tôi dựng xây một thế giới mới/ Thế đó tôi có niềm khao khát/Tôi đi đây và nốc một cốc bia“. Vào một lúc nào đó Bộ An ninh quốc gia đã thu giữ tờ nháp bài thơ này. Wolfgang Hilbig đã nhanh chóng lên đường để sát cánh với Müller và Johnson trở thành tác giả quan trọng nhất đi từ vùng nghiệm trải CHDC Đức. Người dìu dắt của ông là Führmann đã biết :“Đây là một Trakl (46) mới, cứ 20 năm mới có một người cỡ này.“ Năm 1969 sục sôi trong lòng Hilbig: „Sự có mặt của chúng ta còn được cam chịu đến bao lâu/ Không ai nhận ra, chúng ta chứa mới nhiều đen tối/ như chúng ta đây náu vào thân chui rúc/ vào tối đen/ không chúng ta không ai buồn nhớ.“ Những ai vẫn còn chưa đọc thơ và tiểu thuyết của Wolfgang Hilbig mất năm 2007, cần chóng vánh bỏ sang bên thứ văn xuôi tỉnh lẻ của giới trung lưu Tây Đức hoặc thứ thơ làm vẻ nổi loạn của Rolf Dieter Brinkmann (47) và đón đọc Hilbig. Năm 1985 ông ấy sang di cư sang phía Tây và lại tiếp tục đứng giữa các thế giới ray rứt ông trong tâm can. Với ông ấy người ta có thể học nhìn trong tăm tối: „ Trong nhà chảo nóng mịt mù, trong ánh sáng/ đèn ám muội đột nhiên trên núi than/ một con công xanh lục ngồi trên“, sau khi con công này bay đi, „ tôi không tin vào một cuộc chìm đắm/ của cảm nhận xảy ra trong tăm tối“. Một ấn bản gồm bảy tập của nhà thơ nhận giải thưởng Büchner mất năm 2007 in tại nhà in S. Fischer.

Điều chắc chắn: Văn học viết tiếng Đức đã không chinh phục được đỉnh cao của thời kỳ của những thập kỷ giữa 1880 và 1945 trước đó. Fontane, Kafka, Musil, Thomas Mann und Benn đã hắt xuống những bóng lớn quá tầm lên phía Đông và Tây. Nhưng nhìn lại tuy nhiên có thể là điều tốt, rằng đất nước CHDC Đức nhỏ bé dẫu hẹp đã tạo ra một tiếng vang vọng về lịch sử văn học sâu rộng hơn là nước CHLB Đức. Thường xuyên sự quên lãng được tiên đoán trước cho nền văn học của nó, bởi vì chủ thể là CHDC Đức đã lụi tàn. Mà thế đó ai đã đọc thơ của Inge Müller (48), người vợ của Heiner Müller tự sát vào năm 1966, ai đã đọc thơ của người bị quên lãng một cách bất công Uwe Greßmann (49), thơ của Sahra Kirsch, Karl Mickel (50) hay của Adolf Endler (51) mới mất và của Heinz Czechowski (52), sẽ phát hiện ra rằng, trong tác phẩm của họ ẩn giấu nhiều hơn và khác đi đất nước CHDC Đức hoặc là cái bình thường của CHLB Đức. Dần dà rồi sẽ thấy, cái thời kỳ mạo hiểm, có lẽ là ảm đạm đã để lại cho chúng ta những kho tàng văn học quí báu như thế nào. Chúng ta cần nhanh chóng bắt đầu lại với việc đọc.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Nguồn: ZEIT ONLINE

Chú thích của người dịch:

(1) Erich Honecker (1912-1994): Từ 1971 cho đến 1989: Tổng bí thư đảng SED (Công nhân xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức - đảng cộng sản) của CHDC Đức.
(2) Durs Grünbein (sinh năm 1962): Nhà thơ, nhà tiểu luận và dịch giả Đức.
(3) Heiner Müller (1929-1995); Nhà soạn kịch quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức hậu bán thế kỷ 20. Ông còn đạt tầm quan trọng với tư cách là nhà thơ, nhà văn và nhà tiểu luận.
(4) Werner Bräunnig (1934-1976): Nhà văn CHDC Đức.
(5) Franz Führmann (1922-1984): Nhà văn nhà thơ và nhà tiểu luận Đức. Thời trai trẻ đậm tinh thần Quốc Xã, sau này ông trở thành người cổ vũ cho CNXH. Cuối đời ông có thái độ phê phán mạnh mẽ sự phát triển và thực trạng DDR
(6) Uwe Tellkampf (sinh năm 1968): Nhà văn, bác sĩ người Đức.
(7) Günter Grass (sinh năm 1927): Nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa. Giải thưởng Nôben văn chương năm 1999.
(8) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47 – cuộc gặp gỡ nhà văn nhà thơ trong khoảng thời gian 1947-1967.
(9) Arno Schmidt (1914-1979): Nhà văn Đức.
(10) Walser-Wohmann-Wondratscheck: tên ba nhà văn Đức nổi tiếng: Martin Walser (sinh năm 1929), Gabriele Wohmann (Sinh năm 1932) và Wolf Wondratschek (sinh năm 1943)
(11) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.
(12) Thomas Mann (1875-1955): Nhà văn Đức, mang giải thưởng Nôben văn học.
(13) Thomas Pynchon (sinh năm 1937) Nhà văn Mỹ và đại diện quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học.
(14) Christa Wolf (1929-2011): Nữ nhà văn lớn của CHDC Đức, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.
(15) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Nhà triết học và xã hội học có tầm ảnh hưởng lớn với thế giới đương đại.
(16) Elfriede Jelinek (sinh năm 1946): Nữ nhà văn Áo, giải Nôben 2004.
(17) Dario Fo (sinh năm 1926): Nhà soạn kịch, đạo diễn, cây bút viết truyện, soạn nhạc, diễn viên người Ý. Giải Nôben 1997.
(18) Jurek Becker (1937-1997): Nhà văn và nhà viết kịch bản phim, người bất đồng chính kiến ở CHDC Đức.
(19) Wolf Biermann (sinh năm 1936): Ca sĩ sáng tác bài hát, nhà thơ. Nhận nhiều giải thưởng văn chương.
(20) Christoph Hein (sinh năm 1944): Nhà văn, dịch giả và nhà tiểu luận.
(21) Günter Kunert (sinh năm 1929): Nhà văn Đức.
(22) Günter de Bruyn (sinh năm 1926) Nhà văn sống qua các thời Cộng hòa Weimar, Quốc Xã, DDR và CHLB Đức.
(23) Sahra Kirsch (1935-2013): Nhà thơ, nhà văn Đức
(24) Ulrich Plenzdorf (1934-2007): Nhà văn, nhà soạn kịch và viết kịch bản phim.
(25) Monika Maron (sinh năm 1941): Nhà văn sinh ra ở miền Tây Đức. Từ 1951 cho tới khi bà bỏ CHDC Đức năm 1988 bà sống ở CHDC Đức. Mẹ của bà kết hôn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ của CHDC Đức.
(26) Heinz Bude (sinh năm 1954): Nhà xã hội học người Đức.
(27) Ingo Schulze (sinh năm 1962): Nhà văn Đức.
(28) Uwe Johnson (1934-1984): Nhà văn CHDC Đức, năm 1959 di trú sang Tây Đức.
(29) Reiner Kunze (sinh năm 1933): Nhà văn, nhà phê phán chế độ CHDC Đức.
(30) Volker Braun (sinh năm 1939): Nhà văn Đức.
(31) Wolfgang Hilbig (1941-2007): Nhà thơ và nhà văn Đức.
(32) Kathrin Schmidt sinh năm 1958): Nữ nhà văn Đức.
(33) Peter Hacks (1928-2003): Nhà soạn kịch, nhà thơ nhà văn và nhà tiểu luận, là người đặt nền móng cho „ nền cổ điển xã hội chủ nghĩa“.
(34) Heimito von Doderer (1896-1966): Nhà văn Áo.
(35) Ronald M. Schernikau (1960-1991): Nhà văn Đức. Mẹ ông di trú sang Tây Berlin năm 1966. Ông trở thành đảng viên cộng sản, sang học tập và nghiên cứu tại Viện Văn học Johannes Becher. Năm 1989 ông di trú sang CHDC Đức, coi những cuộc biểu tình dẫn đến đổ tường là phản cách mạng, và sống ở Đông Berlin cho đến khi mất vì AIDS.
(36) Hội nghị vào các năm 1959 và 1964 thảo luận con đường đi tới Văn hóa xã hội chủ nghĩa của dân tộc, nêu trọng tâm đào luyện ý thức xã hội chủ nghĩa và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
(37) Uwe Kolbe (sinh năm 1957 tại Đông Berlin): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả.
(38) Hermann Kant (sinh năm 1926): Nhà văn, cán bộ lãnh đạo văn hóa, bị cáo giác vì những hợp tác với An ninh quốc gia.
(39) Dieter Noll (1927-2008); Nhà văn, từng là Phó chủ tịch hội nhà văn Đông Berlin (40) Anna Seghers (1900-1983): Nữ nhà văn, tác giả của Cây thập tự thứ bảy, từng là Chủ tịch hội nhà văn CHDC Đức.
(41) Inge Lange (1927-2013): Chính trị gia, ủy viên Bộ Chính trị của CHDC Đức.
(42) Johannes Bobrowski (1917-1965): Nhà thơ nhà văn nổi tiếng của CHDC Đức.
(43) Stephan Hemmlin (1915-1997): Nhà thơ, nhà tiểu luận và nhà văn có tiếng của CHDC Đức.
(44) Sascha Anderson (sinh năm 1953): Nhà văn, nhà thơ đột nhập vào sinh hoạt của nhóm văn nghệ sĩ chống đối, từ 1990 được biết tới là cộng tác viên của An ninh quốc gia.
(45) Elke Erb (sinh năm 1938): Nữ nhà văn và dịch giả Đức.

(46) Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
(47) Rolf Dieter Brinkmann (1940-1975): Nhà thơ nhà văn, nhà xuất bản người Đức.
(48) Inge Müller (1925-1966): Nhà thơ, nhà văn, kết hôn với Heiner Müller.
(49) Uwe Greßmann (1933-1969): Nhà thơ Đức, Poète maudit của CHDC Đức
(50) Karl Mickel (1935-2000): Nhà văn Đức.
(51) Adolf Endler (1930-2009): Nhà văn Đức.
(52) Heinz Czechowski (1935-2009): Nhà thơ, nhà soạn kịch Đức.

Về tác giả:

Alexander Cammann (sinh năm 1973): Nhà báo, nhà trước tác, công tác viên của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung.

Bài đăng trên Văn Việt

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Mi - nỗi cô đơn thiêng liêng của ta

Rainer Maria Rilke (1875-1926)
    
Tranh của © Paul Cézanne (1839-1906) họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp
 

Mi, nỗi cô đơn thiêng liêng của ta
Mi tinh khiết, giàu sang và vời xa nhường vậy
Như một ngôi vườn thức dậy
Nỗi cô đơn thiêng liêng của ta, nào mi
hãy giữ khép những cánh cửa vàng ròng đi
ở trước đó những ước mong chờ đợi.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức 


Du meine heilige Einsamkeit

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Du meine heilige Einsamkeit,
du bist so reich und rein und weit
wie ein erwachender Garten.
Meine heilige Einsamkeit du -
halte die goldenen Türen zu,
vor denen die Wünsche warten.

Chú thích của người dịch:
 

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Ca và Hình của Johann Wolfgang von Goethe

Offset on paper
J.W.Goethe, tranh của © Horst Janssen (1929-1995), họa sĩ Đức
Joachim Sartorius

Goethe gần gụi với vùng Trung Đông hơn rất nhiều phần đông người đương thời. Tình yêu của ông với một người phụ nữ trẻ và sự vô biên của thơ ca Ba Tư gây cảm hứng cho ông sáng tác những bài thơ của „Đông-Tây thi tập“.

Nghệ thuật nhẹ nhàng và bay bổng của Goethe lúc về già mang dấu ấn thu nạp nhẹ như bỡn các nền văn chương xa lạ. Chúng ta biết điều đó: Goethe từ đầu chí cuối là một người công dân thế giới, ngao du rất nhiều và luôn thử thách cao độ trong giao tiếp với những điều khác lạ. Nhưng tuy nhiên, cái mỹ cảm nhẹ như đùa chơi nọ, hiểu cái khác lạ như một thuộc phần của tình lưu luyến, một cách đi về tân tạo, luôn làm ta khoan khóai. Minh chứng rạng rỡ nhất cho điều này chắc chắn là tác phẩm „Đông-Tây thi tập“ (1). Bài thơ „Ca và Hình“ nằm trong chương đọan giáo đầu thi tập ấy, trong phần:“ Moganni Nameh- Sách của người ca sĩ“. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính bản thân Goethe là người ca sĩ, và những bài thơ trong pho sách đề tài hóa cách thi sĩ tiếp cận thế giới Trung Đông, sự hào hứng của ông và rất nhiều nguồn liên tác.

Một cách giản lược, người ta có thể nói, sự xuất hiện của „Thi tập Đông-Tây“ có được nhờ vào hai xung tác mạnh mẽ, sự phát hiện ra nhà thơ Ba-Tư Hafis (2) trong năm 1814 qua bản dịch của Joseph von Heimmer, xuất bản năm 1814, và nghiệm trải tình yêu sau đó với Marianne - người đàn bà trẻ hừng hực sức sống, vợ của ông chủ nhà băng, bá tước Willemer - xảy ra trong mùa hè năm 1815. Dấu vết của hai chùm lửa hiệu thắp sáng này cũng lưu dấu trong bài thơ „ Ca và Hình“: „Đám cháy của tâm hồn“, đó là tình yêu không thỏa mãn với người phụ nữ trẻ, phải ngụy trang, và sớm phải chấm dứt vì giữ thể diện cho triều đình và người vợ của ông- bà Christiane von Goethe-, và cái tố chất „lỏng“, đó là thơ ca Trung Đông, một nền thi ca không bị giới hạn, chảy trôi, mang hình thức mở.

Cứ coi như bài thơ thành hình từ những dằn vặt nội tâm, nhưng bài thơ chế ngự nỗi dằn vặt này, „dập tắt“ đi và vuợt bỏ nó. Sự xuất hiện của „Thi tập“ đã tiếp nối vào cuộc khởi hành văn học của Goethe đi vào miền „phương Đông thuần khiết“, vào nơi chốn „quê hương nguyên thủy của con người“, như có lần ông nói. Ở đây Hafis trở thành tâm điểm giao tiếp cho những phản hồi riêng tư về thi pháp học, nhưng rồi trên một bình diện rộng, Goethe đã bận tâm với những nền văn hóa của vùng Tiền Trung Đông. Dạo ấy Goethe đọc tòan bộ những du ký xuất bản đương thời về vùng Cận Đông, Ba Tư và miền Trung Á. Chúng ta biết những cố công nghiêm túc của ông tìm học thư pháp Ả Rập. Sự hào hứng của ông hẳn phải lây truyền sang người khác, khiến cho Marianne von Willemer đã tặng cho ông một đôi hài nàng cho thêu lên chữ „Suleika“ bằng tiếng Ả Rập. Goethe đã biết, thi ca, như ông hiểu và như chúng ta hiểu nó ngày hôm nay, từng có sự khởi đầu bên bờ của hai dòng sông Euphrates và Tigris.

Bằng một bài hát dập tắt nỗi bồn chồn

Nhà văn Pháp Maurice Blanchot (3) đã tường thuật rằng người xứ Sumer cổ đã vạch dấu hiệu những giấc mơ của mình vào những cục đất sét và ném những thỏi đất này xuống sông. Những thỏi đất sét này, như lời Blanchot, đã đi trước làm pho sách, và nước tiền thân cho độc giả. Goethe tự đồng hóa mình với truyền thống nguyên thủy này. Tác giả nhấn mạnh khi liên kết với đất nước Lưỡng Hà, gọi tên dòng sông Euphrates trong bài thơ của mình. Với cái„Ta“ ông ngụ ý những nhà thơ của vùng Trung Đông, và bản thân tự xếp hàng vào cùng họ. Và họ được đặt đối mặt với „người Hy Lạp“. Nhưng trong khi Goethe biểu thị nghệ thuật điêu khắc của cổ đại Hy La không phải như thường thấy ở cách xử lý đá cẩm thạch, mà ở cách nặn và khuôn hình bằng đất vách trộn, thì mâu thuẫn với tố chất „chảy trôi“ của Trung Đông có vẻ như không lớn tới mức khiến chúng ta có thể nghi ngại rằng Goethe rẽ sang bước ngoặt „phản cổ điển“. Vượt qua phạm vi đó, bởi trước tiên là một người Hy Lạp trong thái độ cơ bản của mình phù hợp với viễn tượng được „Thi tập“ tựu trung lại đã tuyên báo, chính là viễn tượng của của một thế giới mà ở đó, Trung Đông và Tây Phương kết giao với nhau không gì tách biệt được, Goethe muốn kiến tạo sự gần gũi kể cả giữa những nhà điêu khắc của cổ điển Hy Lạp và những nhà thơ Ba Tư của thời Trung cổ.

Ngừời Hy Lạp khóai chí với tác phẩm do mình tạo nên, có lẽ dựa vào câu chuyện kể của Ovid (4) về chàng Pygmalion (5) phải lòng yêu pho tượng chàng ta điêu khắc từ ngà voi, hay dựa vào huyền thọai về thần Prômêtê nặn những hình người từ đất vách trộn được người Athen thổi vào sự sống. Cái sự „hoan lạc“ này được ông đối vị với sự „khóai họat“ của nhà thi sĩ Trung Đông lao tay xuống dòng Euphrates và dập tắt đi nỗi bồn chồn bằng một khúc hát.

Những dòng thơ cuối cùng tường thuật một điều kỳ diệu: Nước vồng lên một khúc hát, thành một hình „tròn“ hòan hảo trong „bàn tay thuần khiết của người thi sĩ. Hendrik Birus (6) đã lưu ý ta về một điều tương tự ở cách biểu đạt trong một văn bản của Jakob Grimm. Trong lời tựa tác phẩm „Armem Heinrich“ của Hartmann von Aue (8), vào năm 1815, Grimm viết:“ …ngòai thơ ca dân gian, chỉ các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại mới được ban cho khả năng bằng bàn tay thuần túy của mình (…) vồng nước lên những quả cầu mà những người khác muốn khuân đi, phải đổ rót vào vại, bình ở trên trần tục“. Tất thảy trong bài thơ này đều vận họat, trong một tiết tấu ngược xuôi lui tới, cho tới khi tất cả cùng kết sắp thành nuớc hình những quả cầu. Thế đấy, điều thật sự kỳ diệu là sự nhẹ nhõm thiên tài tuôn trào vào bài thơ chất nặng những đề tài lớn.

© Phạm Kỳ Đăng dịch


Nguồn: Một nghìn bài thơ Đức và bình giảng, Marcel Reich-Ranicki - 1000 Deutsche Gedichte und ihre Interpretationen, 1, Bd.1, Von Walther von der Vogelweide bis Matthias Claudius, Reich-Ranicki, Marcel.

Có thể xem bài tiếng Đức FAZ

Chú thích của người dịch:

Joachim Sartorius (sinh ngày 19.03.1946): nhà ngọai giao, luật gia, nhà thơ, dịch giả, giám đốc nghệ thuật nhà hát Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(1) West-östlicher Divan: Thi tuyển đồ sộ nhất của Johann Wolfgang von Goethe, gồm 12 quyển, sáng tác lấy từ cảm hứng từ tác phẩm của nhà thơ Ba Tư Hafiz gồm 12 quyền, một phần thơ có nguồn gốc từ thư từ trao đổi với Marianne von Willemer.
(1) Ḫāǧe Šams ad-Dīn Moḥammad Ḥāfeẓ-e Šīrāzī (1320-1389): Nhà thơ Ba Tư, sinh tại Schiraz, Iran, một trong nhửng nhà thơ Ba Tư nổi tiếng nhất.
(3) Maurice Blanchot (1907-2003): nhà văn, phóng viên và nhà lý thuyết văn học người Pháp.
(4) Publius Ovidius Naso (sinh năm 43 trước CN - mất năm 17 sau CN) nhà thơ La Mã.
(5) Pygmalion là vua xứ Chypre trong thần thọai Hy Lạp, đồng thời là một nhà điêu khắc tài ba, ghét đàn bà con gái xứ sở mình trụy lạc, chỉ chăm chú tạc tượng, và say mê pho tượng chàng tạc là một tượng phụ nữ bằng ngà, đặt tên là Galatée.
(6) Hendik Birus (sinh năm 1943): Giáo sư nghiên cứu Văn học Đại cương và So sánh, Đại học Tổng hợp Ludwig- Maximilians München.
(7) Jacob Grimm (1785-1863): nhà ngữ văn, nghiên cứu Ngôn ngữ và một trong những người sáng lập môn Ngữ văn, cùng với em trai Wilhelm Grimm sưu tầm, biên sọan Truyện cổ Grimm.
(8) Hartmann von Aue (sinh?- mất khỏang 1220): nhà thơ, tác giả của nhiều trường ca.

Ca và Hình

Cứ coi như người Hy Lạp
Nặn đất sét ra muôn hình
Bên đứa con từ tay mình
Tăng cao thêm niềm hoan lạc.

 

Nhưng ta thấy lòng khóai hoạt
Lao vào dòng Ơ-phơ-rát
Và trong tố chất chảy trôi
Khỏa tay vùng vẫy ngược xuôi.

 

Tôi dập đám cháy tâm hồn
Thế nên sẽ vang khúc hát
Thuần tay thi nhân tạo tác
Nước sẽ vồng lên quả cầu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Lied und Gebilde

Mag der Grieche seinen Ton
Zu Gestalten drücken,
An der eignen Hände Sohn
Steigern sein Entzücken;

 

Aber uns ist wonnereich
In den Euphrat greifen,
Und im flüßgen Element
Hin und wieder schweifen.

 

Löscht ich so der Seele Brand
Lied es wird erschallen;
Schöpft des Dichters reine Hand
Wasser wird sich ballen.


Bài đăng VHNA

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Khúc Đồng Quê

Phạm Kỳ Đăng   
Tranh của một Họa sĩ Cao đẳng mt Đông dương


I.

Ngả dài bóng cây bồ kết
Nước hiền sông lặng dòng xanh
Cô gái vịn sào khóc mãi
Mau rơi lệ gái nhà lành
Hoa đại bay hương ngào mây…
- Nơi đây gốc gác tôi đây
Tôi thường hào sảng chúm tay gọi người.


II.

Vù vù nắng thổi đồng bằng
Rần rật lá xác khô
Như bật nguồn cơn lòng đất
Ủ vỉa nhiệt ngàn năm chôn nhau
- Nắng lung lạc ước mai sau
Rưng rưng sim tím, hoa lau rũ cờ.

III.

Ngân nga sao chùm
Hành hương trong đêm
Trời sao bén đồng gió nổi
Rắc rây sương tạt triền miên
Đuôi sao chổi quét qua rặng nhãn
Mùa trăng cốm vã thượng huyền.

IV.

Vách đá móc sương tinh hạt
Đua nắng thức đợi giá lạnh
tinh mơ
Gió thu lỏng dây
Đìu hiu cặp nở hoa kim chuông
Lạ thay nỗi nhớ xa phương
Suốt từ đóa nắng vô thường óng soi.

V.

Nơi mắc cạn con đường
Oặt xe, bò già hổn hển
Người đánh xe nhẫn nại
bỏ nón, bón cỏ trộn lòng đào
vỗ về cầu khẩn
Chợt nghĩ thấy luân hồi kiếp thú
Đỡ bò, vực dốc xe lên.

VI.

Lan can tay leo
vin tầng nguyên thủy
tiếng khèn rút đường độc đạo
ngẩn ngơ hút dấu
chấm hài gót sen
Em về đâu, em về đâu em
Khèn len vách núi nhớ thương lầu
họa rớt dấu giầy
tựa cửa tìm
đắm mắt người mong
- Vạt loang nắng rút rèm đông
Đăm đăm hạt múa mưa hồng quan san
Gió say túy lúy hồng nhan
Hoa khôi đỏ mặt bên giàn tinh khôi.

VII.

Bước xăm xăm cô gái làng Chăm
Làn mi nhung mắt sáng nguyệt rằm
Thoáng nọc nả ánh kiêu kỳ thách thức
Như muôn kiếm sẩm sây hoa, lòng rạo rực
Hoa mắt người khách lịm suối Đa mê
Về sau lan
nở đêm hè
Loài duyên kỳ hẹn môi kề nửa môi
Sao băng rừng thẳm non Hời
Trăng lu thầm tỏa nụ cười đam mê.

VIII.

Chuồn chuồn lâng lâng cánh vút
Nâng tầng gió thoáng nhẹ mây
Nắng ngợp trong độ thu trong
Nghiêng mình mềm mại đóa hoa dong
Ghé cánh nghe
Đôi chiền chiện vít nhúm lưỡi
Như vĩ cầm hòa âm nối gọi nhau
Còn chi em còn chi
Từ khi trời bắc chim di
Miếu hoang khói tạnh mưa chì bấc sa
Chuông day nức tiếng sơn hà
Đọng trong đáy vực ác là siết bay.

IX.

Tu hú khát lưỡi kêu
Tan tuuổi trường
Phông đỏ hạ màn niên thiếu:
Tương tư người
Rỉ rắc phượng rơi
Phong phanh đoá phượng trên trời
Lửa run chùm vẫy nay người biệt ly
Cha tôi ngã bệnh chờ quy
Người tôi yêu dấu đã đi ở chùa.

X.

Đám ma,
Các bà già khuôn tay
Hạ huyệt
Bên cây gậy tầm xích
Hát bi thảm thánh thần động lụy
Đưa đò
Gọi hồn
Sang sông

Sau đám một cụ già
(chồng chết trận Cao Lạng đã năm mươi năm
bốn đứa trai cầm súng cũng đã yên phần đất)
mãn lòng đã dọn tươm tất cho mình cỗ áo
nhẩn nha nhai trầu thùa chỉ
vá áo chắt dưới gốc đa làng Mây
- Phải đây gốc gác tôi đây
Nghĩ ân xương tuỷ hao gầy thân xa.

1999/2000
© P.K.Đ – Ngả Muôn Ai

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Tình yêu lạnh

    Tranh của © Paul Klee (1879-1940) họa sĩ Đức
    Thomas Assheuer

    Một ngày nào đó người ta sẽ hỏi, trí thức thực sự đã ở đâu, khi châu Âu tan vỡ

    Đến một lúc nào đó, nếu những kẻ vô vọng của ngày mai gọi đích danh những người có lỗi ngày hôm nay, nếu như họ điểm mặt, ai đã trở nên lãnh đạm với tất cả châu Âu trước khi nó vỡ tan ra thành từng mảnh, nếu như họ đưa ngón tay chỉ vào các nhà kinh tế học điên rồ từng chơi trò“ đánh chìm các quốc gia“ tại thị trường chứng khoán, nếu như họ bàng hoàng chiêu niệm để cho tất cả các chính trị gia diễu hành ngược trở lại làm thành một mặt trận chống lại châu Âu – thì đến một lúc nào đó hoàn toàn ở màn kết thúc, trước khi người cuối cùng tắt đèn, tiếng nói cất lên sẽ hướng về một loài đặc biệt kỳ lạ: ấy là những người trí thức. Họ thực sự đã ở đâu, khi châu Âu kiệt quệ. Có người nào nhớ không? Tại sao họ chui nấp vào bụi, khi châu Âu nguy cấp? „Châu Âu ư, đời nào, giờ tôi phải đọc bản sắp chữ cuốn sách mới của tôi đã chứ“. Tại sao cái ngạch này như thường lệ không nảy sinh được chút sáng kiến gì với Châu Âu, và nếu như nảy ra điều gì, thì đó chỉ là những lời sáo rỗng đạt chuẩn với vẻ kiều diễm về phong cách của tờ chỉ dẫn kèm theo đóng gói – những khổ văn bản vô hồn, sinh ra dưới nỗi đớn đau ngữ pháp vĩ đại và được chôn vùi trong hầm mộ tăm tối của những tuyển tập dành cho vĩnh cửu?

    Không, châu Âu nơi các nhà trí thức không đưa lại một sự đam mê, một trí phóng tưởng chính trị bốc lửa, mà chỉ là một sự trì độn viên mãn ở trình độ trung bình. Bởi chưng có châu Âu „là cái chắc rồi“, đấy là bà cô già bên bàn cà-phê người ta dạ vâng cư xử, bởi vì người ta biết, trăm năm nữa bà cũng vẫn còn ngồi ở đó. Châu Âu là một thói quen, và về các thói quen người ta hoặc viết tồi hoặc là hoàn toàn không viết gì cả. Những người hành xử khác đi có thể đếm trên đầu đốt ngón tay: Jürgen Habermas (1), Klaus Harpprecht (2), Robert Menasse (3), Hauke Brunkhorst (4) hay là Ulrich Beck (5). Trong chiều hướng ngược lại, kể cả Hans Magnus Enzensberger(6) cũng không nhẹ tay hơn: ông chế nhạo những nghị định chi li quy định góc cong của dưa chuột, nhưng xét ở những vấn đề có thực, quả dưa chuột đạt chuẩn Liên minh châu Âu của Enzensberg chưa được là một củ cải đỏ.

    Tại sao sự thể như vậy? Tại sao châu Âu là đứa con ghẻ của lớp tinh hoa trí thức? Bởi vì sau khi đổ tường vào năm 1989, lớp tinh hoa này - nhà xã hội học Ulrich Beck viết trên tờ tạp chí Cicero - đã tái hồi tìm về bản ngã dân tộc, bởi vì họ, chậm trở về quê hương, muốn một lần nữa phát hiện ra đất nước bị chia cắt quá lâu của mình trước đã. Thoạt nhìn, Beck có lý. Nhiều nhà thơ và nhà tư duy đã nằm phơi nắng trong ánh vàng son nhớ về dĩ vãng của quyền tự chủ dân tộc vừa lấy lại được và thực hành việc tìm bản sắc dân tộc một cách ngặt nghèo. Người ta sẽ không thể, dù một lần, nói tới người đối thủ Günter Grass(7) rằng ông ấy đã không ngừng rung trống cổ vũ cho châu Âu. Với Arnulf Baring (8) người ta đã chôn cất CHLB Đức cũ và treo lên lá cờ của „Cộng hòa Berlin“, họ mơ tưởng về sự kết nối giữa Nghệ thuật và Quyền lực đang bắc cầu hoặc tranh đấu cho việc phục chế lâu đài thành phố Berlin hay chiếc bình trà xá tội. Còn những người khác cùng Martin Walser (9) rút thẻ dân tộc Đức ra và không hề ngượng ngập đòi hỏi một sự quyết toán mang tính giải thoát đối với Auschwitz. Với Friedrich Nietzsche (10), họ phát hiện ra mẫu người dòng chủ nhân Đức, với Stefan George(11) tinh thần Đức, với Botho Strauß (12) bi kịch Đức và với Peter Sloterdijk (13) người gánh vác trụ cột kiểu Đức.

    Ngay cả những tờ tạp chí ghi cái từ trang trí „châu Âu“ trong phần phụ đề, cũng đã để cho châu lục nằm ở bên cánh tả. Với sự cuồng nhiệt như người anh hùng, mà tuy nhiên buồn cười thế nào ấy họ chống lại sự suy đồi tự do, ấy những kẻ rối bù tóc tai thế hệ 68 và rác rưởi tinh thần của Cộng hòa Liên bang Đức. Đối với chuyện này có một cấm kỵ nhằm thay đổi không khí, chính là kinh tế. Kỳ lạ thay người ta không được nói về nó, bởi vì chủ nghĩa tư bản, vâng đúng thế, đã khuất phục chủ nghĩa cộng sản, nên nó là người chiến thắng tầm thế giới, nó đã nhận được huân chương hiệp sĩ của lịch sử và kết cục nó lại mang tới những khác biệt về đẳng cấp trong xã hội, là những thứ người ta đã thiếu thốn đến đớn đau như vậy trong địa ngục mang tính quân bình của CHLB Đức.

    Dự án tên là „nước Đức“, nó không mang tên „châu Âu“, bởi vì châu Âu là cái dớp tinh thần xui xẻo, một lý tưởng về người tốt và một mái ấm chuẩn mực về chính trị cho tất cả những người còn chưa đặt chân đến thực tế dữ dằn. So sánh với các phong cảnh của dân tộc tính đang nở hoa kết trái, Helmut Kohl (14) tuy nhiên là một nhà biện chứng thực thụ: „Nước Đức là tổ quốc, và châu Âu là tương lai của chúng ta.“

    Để không xuất hiện sự hiểu lầm: cho dù những phong trào tìm kiếm bản sắc dân tộc và những sự tự hòa giải gây mệt mỏi thế nào đi nữa - sau sự kiện lịch sử đổ tường tất chúng phải xảy ra, và chúng phải có, và không một ai sẽ cả quyết rằng mình đã không học được tí gì ở nơi ấy cả. Hơn thế, và điều này cũng cần được nói ra, không chỉ có sự thiên vị mang tính dân tộc mới mắc lầm lỗi khiến cho trái tim trí thức không ấm lên vì châu Âu: Tại nước CHLB Đức cũ, quyền lực chính trị đã có một địa chỉ cố định: cụ thể là Bonn, một tỉnh lẻ thập thành, và với một số lẽ phải người trí thức có thể suy tưởng rằng, lý lẽ của họ có thể gây ấn tượng với công luận.

    Nhưng mà châu Âu có địa chỉ nào cơ? Brüssel như một ảo tưởng tồn thế, một hộp đen vĩ đại, một phòng chết âm thanh, một quyền lực hoang vu thâu tóm không có một vẻ thu hút gì đáng kể dù là ít nhất. Brüssel là bê-tông quần hợp và bê tông nhụt nhuệ khí. Những tiếng nói cất lên từ đầu chí cuối vô tác dụng, và ngay kể cả khi - khác với lời đồn đại quả quyết - nếu như hoàn toàn có một công luận châu Âu trí thức, thí dụ như tờ tạp chí Lettre hoặc là mục tuần san của người thợ mò trai – thì những đề tài không xoáy được vào tâm điểm, chúng không tìm thấy sự lắng nghe, mà chỉ nguyên còn là một hỗn độn lao xao giọng nói. Những ai bất bình than „Ôi châu Âu!“ về Liên minh châu Âu, người đó có thể đứng trên các vì sao mà ca cẩm về thời tiết.

    Tại sao trí thức nói chung cần phải cùng tranh đấu

    Tất nhiên người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao đã lâu rồi mà trí thức các nước không liên hiệp lại? Tại sao trên cái thế cao ngạo bẩm sinh họ không gây áp lực lên các nhà chính trị dân tộc, để đẩy cái dự án châu Âu siêu dân tộc dai dẳng ấy tiến lên? Tại sao những người cái gọi là trí thức phê phán đã không nhân danh nền dân chủ đòi hỏi một chính phủ lái kinh tế của châu Âu và nhẹ nhõm chấp thuận việc bị các nhà chính trị thực tiễn cười là bọn nhảm nhí. Tại sao họ không tiếp thu những cuộc tranh luận trong những bộ môn khoa học châu Âu, phổ cập và phổ biến chúng trong nhân dân? Chắc chắn rồi, đó là một sai lầm, người ta đáng lẽ ra đã phải làm như thế. Nhưng mà những sáng kiến như thế thường tức khắc thức tỉnh sự hồ nghi, và điều này đã được nêu lý do xác đáng: Sự thiếu tin tưởng vào việc ở Brüssel tà ma được xua đi bởi con quỷ bay Beelzebub (15) – rằng mỗi một bước đi mới vào „liên minh chính trị“ không đẩy được nền dân chủ mà là nền quan liêu tiến lên phía trước; nói ngắn gọn: bất cứ một „sự đào sâu“ chỉ nuôi dưỡng con quái vật Brüssel hiền hòa, nền kỹ trị háu ăn của giới tinh hoa thuần tính công năng.

    Điều đó đã qua rồi, sự ma mãnh của trí tuệ đã hoàn thành công việc của nó. Giờ đây tất cả đều nói về châu Âu, công luận được xới tung lên, mỗi một công dân trong những ngày này đều làm lấy cho mình một trải nghiệm toàn châu Âu và hiểu câu nói tầm phào rằng tất cả đều phụ thuộc vào tất cả. Các phương tiện đại chúng đột nhiên chú trọng vào các đề tài cùng các lý thuyết gia mà mới ngày hôm qua họ còn muốn giam những người này vào bách thảo nuôi loài thú hiếm, và thậm chí cái từ „chủ nghĩa tư bản“ còn được nhắc tới trơn tru trên đầu lưỡi. „Không sợ hãi gì chúng tôi đã nói chuyện với các nhà băng“, bà Merkel tự hào nói, và bây giờ người ta biết: ngược lại thì hay hơn.

    Thời gian qua người nào chẳng thấy sờ sờ ngay trước mắt sự yếu ớt hành động khủng khiếp của nhà nước đa quốc gia, và tất cả đều cảm nhận: so sánh với những cường quốc về kinh tế, nhà nước này đã teo lại về tầm của một tiểu công quốc, một mình nhà nước đó không làm nên trò trống, chỉ có qua chung tay hành động của mọi người châu Âu nó mới vượt qua được mọi bĩ cực thái lai. Bởi chưng một mình là người Bồ Đào Nha, người Pháp hay là Đức, người ta không vượt qua những cơn bão tố nguy nan của thế giới toàn cầu hóa, mà chỉ có thể những người công dân của châu Âu.

    Điều này chua chát, nhưng nó là thế đó: Không phải một sự tỉnh ngộ của một giai tầng chính trị, không phải là người công dân đối kháng và càng không phải là người trí thức minh mẫn nghị luận, mà chỉ một mình thế lực đồng tiền, thế lực của nợ nần và sự lụn bại của công nghiệp tài chính làm nên lịch sử. Bởi vì cho đến ngày nay, như những nhà khoa học chính trị nói, Liên minh châu Âu biện hộ cho mình bởi sự hợp thức hóa của xuất thải, nó tự biện hộ qua hoạt động không tiếng động của các thiết chế, nó hiểu dân chủ như một sự xóa dẹp những trục trặc, và đánh giá sự làm thinh của công dân như một đồng thuận áp đảo. Cái đó đã qua. Cuối cùng thì - nhà xã hội học Hauke Brunkhorst viết - những nhà chính trị phải tỏ rõ ý kiến,“ họ phải nói chuyện với con người, không nói hướng con người nữa. Phông màn mở rất rộng và kịch xảy ra trên sân khấu ít khi vô định như vậy.“

    Có thể là một lỗi lầm, nếu trí thức để cho cuộc khủng hoảng này đi qua mà không tận dụng. Mặc dù họ biết được cũng không khá hơn, họ toàn quyền tham gia vào một dự án phức tạp bằng những ý kiến đơn giản mà không cần tham vấn. Một châu Âu liên bang không chỉ có Gerhard Schröder(16) lầm rầm mơ tưởng cần phải có hình thù ra sao? Người ta được phép hình dung như thế nào về sự tự quyết của cộng đồng công dân châu Âu? Hay là một nền dân chủ châu Âu không hạ bệ những nghị viện quốc gia? Những nền dân chủ quốc gia đứng trong mối quan hệ nào với Hiến pháp EU? Bằng một lời: Quyền nhà nước tối thượng có hình thù ra sao?

    Câu hỏi cuối cùng: Tại sao tất cả nên nông nỗi vậy? Tại sao trí thức nói chung cần phải đấu tranh và tranh luận công khai? Rõ ràng rồi, nhà thơ và nhà tư duy làm cái điều hay hơn, họ không là nhà chuyên môn, về kinh tế họ hiểu rất ít. Nhưng ta vừa thấy, sự chuyện không chỉ là chính trị thuần túy, nó liên quan đến sự đa dạng và tự quyết, liên quan đến một không gian chính trị và văn hóa, trong đó công dân không bị dồn đuổi bởi ma quỷ của tư bản. Tranh đấu cho không gian tự do này, nói theo cách có tự xa xưa, là một trách nhiệm cao quí nhất của người trí thức, bởi vì kinh tế là cái quan trọng nhất trong tất cả, nhưng mà nó lại cũng không quan trọng như thế.

    © Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
    Nguồn: http://www.zeit.de/2011/46/Europa-Intellektuelle

    Tác giả Thomas Assheuer: Sinh năm 1955, nhà báo Đức

    Chú thích của người dịch:

    (1) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia và nhà xã hội học người Đức có tầm ảnh hưởng lớn đương đại.
    (2) Klaus Harpprecht (sinh năm 1927): Nhà báo và nhà văn Đức.
    (3) Robert Menasse (sinh năm 1954): Nhà văn và nhà tiểu luận người Áo.
    (4) Hauke Brunkhorst (sinh năm 1945): Nhà khoa học giáo dục và nhà xã hội học người Đức.
    (5) Ulrich Beck (1944-2015): Nhà xã hội học. Năm 2012 ông cùng soạn thảo bản tuyên ngôn „Chúng ta là châu Âu“.
    (6) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà xuất bản, biên tập viên người Đức.
    (7) Günter Grass (sinh năm 1927): Nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa. Giải thưởng Nôben văn chương năm 1999.
    (8) Arnulf Baring (sinh năm 1932): Luật gia, nhà sử học, nhà trước tác, nhà khoa học chính trị. Trong tác phẩm viết năm 1997 ông đã phê phán sự thành lập Liên minh tiền tệ và sự kết nạp Hy Lạp vào Liên minh châu Âu.
    (9) Martin Walser (sinh năm 1927): Nhà văn Đức.
    (10) Friedrich Nietzsche (1844-1900): Triết gia, tác gia (sáng tác thơ, văn xuôi và nhạc)
    (11) Stefan George (1868-1933): Nhà thơ Đức.
    (12) Botho Strauß (sinh năm 1944): Nhà văn và kịch tác gia Đức.
    (13) Peter Sloterdijk (sinh năm 1947): Triết gia, nhà phê bình văn hóa và tác gia Đức, luôn gây tranh luận với tác phẩm của mình.
    (14) Helmut Kohl (sinh năm 1930): Chính trị gia của đảng CDU, từ 1982-1998 thủ tướng thứ 6 của CHLB Đức.
    (15) Beelzebub: Loài quỷ bay trong thần thoại Thiên chúa giáo.
    (16) Gerhard Schröder (sinh năm 1944): Luật gia và chính trị gia của đảng SPD. Thủ tướng Đức trong những năm từ 1998-2005.

    Ngôi nhà vàng- Tranh thuốc nước của Paul Klee (1879-1940), họa sĩ, nhà đồ họa người Đức.


    Bài đăng trên Văn Việt

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Em đã chót hôn môi anh nứt nẻ

Heinrich Heine (1797-1856)    

Tranh của © Édouard Manet (1832-1883) họa sĩ Pháp

Em đã chót hôn môi anh nứt nẻ
Thì hãy hôn lành lặn lại đi
Nếu đến tối em chưa xong được
Cũng chẳng cần vội vã mà chi.

Em còn có - người nhất đời yêu dấu -
Suốt một đêm cho tới sáng bình minh
Trong đêm đó người ta có thể
Mãi hôn nhau và hưởng thái bình.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Hast du die Lippen mir wund geküßt


Heinrich Heine (1797-1856)


Hast du die Lippen mir wund geküßt
So küsse sie wieder heil,
und wenn du bis Abend nicht fertig bist,
So hast du auch keine Eil.

Du hast ja noch die ganze Nacht,
Du Herzallerliebste mein!
Man kann in solch einer ganzen Nacht
Viel küssen und selig sein.


Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Đợi mong chi trước đại hội Đảng 11

    Phạm Kỳ Đăng

    E chẳng còn nhiều thời gian nghĩ cho chín điều gì trên mảnh đất nhiều thế hệ đổ máu thế chấp. Cho cuộc thử nghiệm tính người trên sinh mạng con người, cuộc rèn dập phi cá thể cho lợi ích tập đoàn cá thể, cuộc bức đọat tài sản nhân danh vô sản. Cho hành vi giết người giầu hiến vàng vì độc lập, cuộc đấu tố địa chủ, chia ruộng đất cho người nghèo, rồi đồng lọat hợp tác hóa, cũng như cướp cơ sở người sản xuất rồi cải tạo công thương nghiệp. Có thể kể ra nhiều bạo hành khác được kích động và biện hộ bởi hoàn cảnh của của vô sản cách đây gần 200 năm. Và cũng chính vì nhân danh lý tưởng giải phóng xích xiềng cho khối cần lao này, chắc chắn rằng nay mai, dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản, mọi vận động thời cuộc ở Việt Nam sẽ đưa khối nông dân mất đất đến một tương lai của vô sản thợ thuyền tệ như 200 năm trước. Chẳng mấy mà trông, trần truồng bị đẩy ra đường, tầng tầng lớp lớp họ sẽ tha hương lạc lối trên ruộng đồng quê quán.

    Nếu tiếp tục phó mặc và ủy nhiệm vào đảng độc quyền, đất nuớc ta – thơ ca chính thống ví như mẹ hiền tần tảo – coi như đã bị tên quản gia nham hiểm chọc cho mù mắt để sửa chữa khế tự, di chúc. Mới đây thôi, điều này một lần nữa hiển lộ qua chữ ký cửa quyền dành cho Vinashin và Bauxite Tây Nguyên.

    Càng suy ngẫm về cơ hội giao tiếp với dân chủ văn minh, hậu thế không khỏi ngạc nhiên vì sự trắng trợn, vô lễ của nhóm người tiếm quyền từ hầm hố, bưng biền và đầm lầy. Bên những chiến sĩ cộng sản trung thực buổi tiền thân, có biết bao người không cùng gốc gác, đội ngũ và lý tưởng, từng hy sinh và đóng góp chở che, ngay khi đó và sau này vỡ mộng và chịu trừng phạt bởi một Đảng từ bí mật, công khai đồng hóa mình với dân tộc, từ trên cao, ngạo ngược ban phát quyền người dân hoặc tước mọi quyền dân tùy tiện.

    Xuất thân vị cần lao, Đảng cộng sản thoát ly và mãi xổng pháp luật như thế đó. Ngạo mạn kiêm danh dân tộc, đảng kiêm mọi quyền lực, đứng trên nhà nước, đứng trên nhân dân. Vin vào tín giáo và sức mạnh quân đội, công an, nó cô lập, rút phép thông công hoặc tiêu diệt mọi tập hợp khác chính kiến. Đã đưa đất nước này vào cuộc miên trường thảm sát, ngưng tiếng súng, nó trở thành quái vật hút máu chính khối cộng đồng.

    Đảng đó không có quốc tịch.
    Không có luôn cả dân tịch.
    Trên chóp bu tráo trơ còn một băng đảng.

    Cuộc phá hủy ghê rợn mang di họa nặng nề nhất, xét mọi phương diện là cuộc hủy họai nhân tính. Những gì cao quý thấy được trong cốt cách bất khuất, tự trọng của danh gia vọng tộc, quan lại, sỹ phu ở triều đại phong kiến ngàn năm hun đúc, ở người tư sản dân tộc, ở người cộng sản lớp trước và người cộng sản ly khai quyền thế sau này, tất thẩy đều dần phôi phai tàn tạ, biến mất trong nhân tính người Việt lãnh đạo ngày nay. Tưng bừng kèn trống, chính tổ chức không chịu ràng buộc sẽ cơ cấu độc ác, trơ tráo và vô liêm sỉ vào quyền lực cao nhất, trên mọi chặng cá cược phiêu lưu. Được kẻ đi trước chỉ định, người đi sau sẽ là phiên bản mờ của tiền nhiệm, đậm nét hơn, có chăng ở sự thiển cận, tham lam và xảo trá.

    Chẳng lẽ có nhiều thập kỷ hưởng ựu ái, tính cam chịu và đức hy sinh lớn lao như thế của cộng đồng, cái đảng đó, từ khi công khai tuyên bố độc quyền, lại mãi bỏ qua phép lễ chính danh. Đã từ lâu đảng đó phải tự khép mình vào thể chế dân chủ như nó rao giảng, việc mà bây giờ trên báo chí người ta mới nói tới là thể chế hóa chức danh tổng bí thư hoặc ra luật đối với hoạt động của Đảng. Tránh đổ máu, tốt hơn hãy nhất loạt trao mọi chức vụ quan trọng của Nhà nước cho ban lãnh đạo Đảng, miễn người đứng đầu trong đại hội sắp tới tuyên bố công khai chối bỏ giáo điều và giải tán vai trò độc tôn cai trị. Như vậy sẽ có buớc đầu chuyển hóa Đảng vào Nhà nước, khác hẳn sự nghiệp Đảng ngự trị thôn tính Nhà nước và Dân tộc một cách toàn trị như từ trước tới nay, suốt 65 năm qua.

    Sẽ là ảo tưởng ngửa người ngã mộng nếu chỉ trông đợi cho dân ta một người lãnh đạo có tầm viễn kiến và có tâm huyêt với tiền đồ dân tộc. Mãi cứ đại hội kiểu từ trước tới nay, họ lại chỉ định nhau từ đám người, đơ nền nếp giáo dục, quen ê a tụng kinh lạ, dối gian bằng cấp, ham khoa trương, ham biểu dương kích động suốt từ các thế hệ AQ, AK cho tới A CÒNG. Chỉ còn lại và chỉ còn lại lớp quan trường lãnh đạo bộ máy, nói giọng lãnh tụ, ra tay thao túng mọi họat động xã hội, hành xử chuyên quyền, không cam kết gì với quá khứ cũng chẳng ràng buộc gì với tương lai.

    Nghĩ nỗi sau này mà kinh. Nếu như ở cái Đại hội sắp tới người ta không tuyên bố giải tán độc quyền, mọi sự đều vẫn đâu vào đấy như trước. Tôi rùng mình nhìn thấy cảnh bục vỡ băng tràn mọi lĩnh vực cộng sinh bằng chất độc và a xít. Tự trên mọi cao nguyên Việt Nam.

    © PKĐ 2010

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Trong bể khổ chơi vơi

Marcel Reich-Ranicki
http://theredlist.com/media/database/fine_arts/arthistory/painting/xix/impressionnistes/edgar-degas/005-edgar-degas-theredlist.jpg
Tranh © Edgar Degas (1834-1917) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Kẻ phá đám là Beethoven. Bởi qua sự phổ nhạc (phải nói thêm tuyệt vời), bài thơ bị kéo ra khỏi kho tàng thơ ca Đức hầu như không ai biết. Từ một khúc hát dịu dàng kín đáo của một cô gái đang yêu, ông đã làm ra một màn trình diễn đình đám của một vũ công chủ đạo. Chỉ có khúc dạo đầu là dung dị, nhưng chỉ ngay sau đó nhạc đệm của dàn hợp xướng khá rầm rộ - kể thêm khúc Crescendo (1) trước lời hát „ Hò reo ngất trời“ – đã đẩy toàn bộ lên cao trào kịch tính: Từ một bài hát của nàng Klärchen (2) bé bỏng suýt trở thành khúc aria (3) trong vở Fidelio (4). Mà thế đấy, cô nàng ứ ư giọng mũi và hát chẳng phải là nữ anh hùng, mà là báu vật ngây thơ trên giường của bá tước Egmont. Như vậy âm nhạc Beethoven đã che lấp mất văn bản của Goethe, dù rằng, phải thừa nhận, theo một cách thức vương giả.
 

Từ dạo đó đã thành ra thông lệ xử lý khúc hát này chỉ như một thuộc phần của vở bi kịch „Egmont“(5) và không hề là một bài thơ độc lập: Bài này không thuộc về điển tác của thơ ca Đức, như tôi thấy, nó hiếm khi có mặt trong các hợp tuyển thơ, thường xuyên bị các nhà xuất bản sách giáo khoa và sách luyện đọc cương quyết chối bỏ. Nhưng gì thì gì, bài thơ đối với tôi, là bài thơ hay nhất, hoàn hảo nhất, gợi tình nhất trong tiếng Đức.
 

Lời của Goethe – tổng cộng không hơn 23 chữ miêu tả trạng thái tâm hồn bất định khác thường. Những chao đảo cực đoan đặc tả tâm trạng đó – giữa „đầy hân hoan“ và „đầy khổ đau“ cho tới mâu thuẫn giữa cảm giác sống thăng hoa nhất và suy sụp xuống sâu nhất, nếu không nói là tuyệt vọng.
 

Thế còn điều diễn đạt „Hò reo ngất trời, u sầu đến chết“ có liên hệ tới ai đó, đang bị giày vò bởi chứng bệnh tâm lý hay không? Chẳng hay Goethe muốn phác họa hình ảnh của một người hưng - trầm cảm? Không nhất thiết. Tuy nhiên chúng ta dính dáng tới một trường hợp bệnh hoặc ít nhất tỏ dấu hiệu bệnh lý, khi những chao đảo gấp gáp và dữ dội giữa phấn khích và trầm cảm được nói tới ở đây, không có lý do hợp lý. Mà đồng thời, gây ra điều gì, nó được gọi ra rõ ràng, tuy rằng mãi với lời cuối của bài thơ: đây là chuyện tình yêu.

Giữa hai đối ngẫu – một cực khoan hòa suy ngẫm và cực kia dâng trào hết cỡ không còn có chỗ cho từ „đầy suy nghĩ“, Goethe chỉ dẫn ta về yếu tố chắc chắn đã góp phần vào những căng thẳng và chao đảo, vâng không chừng còn gây ra nó cũng nên: sự sợ hãi.
 

Trong khi đó bài thơ kết “Hạnh phúc riêng biết/ là tâm hồn đang yêu“. Hạnh phúc bất chấp nỗi đau khổ chơi vơi? Không, không phải bất chấp, mà chính bởi có được vì sự sợ hãi không sao tránh, cái độc đáo, cái hầu như không nắm bắt được có thể bất chợt đi đến kết thúc, như nó đã bắt đầu. Nhờ tình yêu ấy, cũng bị đe dọa, vậy tức là không chắc chắn, con người có được hạnh phúc cao nhất. Với điều đó sự sợ hãi xuất hiện không chỉ là hiện tượng đi kèm của tình yêu, mà còn là nền tảng và tiền đề của tình yêu nữa.
 

Nhưng mà nàng Klärchen tương tư ai đây. Trong những bài thơ gợi cảm thời xưa của Goethe, chúng ta luôn luôn nghe về một người bạn tình, về chủ thể của một mối cảm tình sâu sắc. Nhưng trái với điều ấy, Klärchen chỉ nói về riêng bản thân mình, về tình yêu của riêng mình. Vậy thực lòng tình cảm này, không nghi ngờ gì nữa chi phối tới khả năng tri giác của cá thể nhắm vào ai đây, câu hỏi này được bỏ qua một cách có ý thức: chúng ta thừa hiểu, đó là một câu hỏi vớ vẩn. Bởi vì Chúa Thánh, người ta đã có thể đọc được ở Plato (6), không ở bên người được yêu, mà ở bên người đang yêu. Có thể diễn đạt khác đi: Khả năng yêu đương, một cách bất đồng đều, lớn hơn và cao hơn so với ân huệ, hay là có nên nói: ơn phước được yêu. Bài thơ rõ nét này chỉ về hướng đó.
 

Goethe như chúng ta đọc được, đã muốn biết những gì gắn kết thế giới bên trong sâu thẳm nhất. Điều đó đã đúng rồi. Tuy nhiên còn nhiều hơn thế đấy, có vẻ như tình yêu đã thu hút tâm trí và thôi miên ông: Ông cảm nhận cuộc sống gợi tình. Chính thế ông cũng đã dám táo bạo tuyên bố: „ Đó đây, nơi ta yêu/ là tổ quốc.“

(1981)

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I


 Có thể xem trên trang FAZ

Đầy hân hoan và đầy khổ đau

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Đầy hân hoan
và đầy khổ đau
tồn sinh đầy suy nghĩ
phấp phỏng
và e sợ
trong khổ sở chơi vơi
Hò reo ngất trời
U sầu đến chết
Hạnh phúc lòng riêng biết
là tâm hồn đang yêu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Freudvoll und leidvoll

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Freudvoll
Und leidvoll,
Gedankenvoll sein,
Langen
Und bangen
in schwebender Pein,
Himmelhoch jauchzend,
zum Tode betrübt -
Glücklich allein
Ist die Seele, die liebt.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, có nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới trong sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

Ludwig van Beethoven (1770-1827): Nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại người Đức.

(1) Crescendo: Đoạn nhạc chơi to dần lên.
 

(2) Klärchen/Clärchen: Tên nhân vật nữ, người tình của bá tước Egmont.
 

(3) Aria: Tiếng Ý nguyên gốc có nghĩa là "khúc ca” hay “điệu ca”, “điệu nhạc”) là thuật ngữ chỉ một bài ca hoặc độc lập (như "Ah Perfido" của Beethoven và một số aria hòa nhạc của Mozart) hoặc là một phần của một tác phẩm lớn (opera, cantata, oratorio). Aria được thể hiện bằng một giọng solo có hoặc không có phần nhạc đệm và thường thể hiện cảm xúc mãnh liệt.
 

(4) Fidelio : Fidelio, Op.72 (tên cũ là Leonore): Vở opera nổi tiếng và duy nhất của Ludwig van Beethoven.
 

(5) Egmont - một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Beethoven. Vở bi kịch (Goethe viết năm 1787) dựa trên cơ sở những sự kiện lịch sử có thật vào thời kì Tây Ban Nha chiếm đóng nước Hà Lan. Egmont, bá tước Lemorale (1522 - 1568) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Tây Ban Nha và đã bị nhà cầm quyền Tây Ban Nha - công tước Alba, đàn áp tàn bạo.
 

(6) Platon (428/427 TCN – 348/347 TCN) Triết gia Hy Lạp cổ đại.

Bài đăng trên Văn Việt

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...