Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Dự cảm

Rainer Maria Rilke (1875-1926)
   
Tranh của Emil Nolde (1867-1956) họa sĩ Biểu hiện Đức
 

Tôi như một lá cờ bị những miền xa vây bủa
linh cảm những ngọn gió đang tới và phải trải qua
trong khi vạn vật còn chưa chuyển lay bên dưới
cửa còn nhẹ đóng, tĩnh lặng trong bếp lò
cửa sổ chưa run rẩy, và bụi còn nặng hạt.
 

Đó đây tôi đã biết những cơn bão và tôi rung như biển cả
tôi trải người và rơi thẳng vào trong tôi
và quăng mình đi, tôi hoàn toàn đơn côi
trong cơn bão lớn.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Vorgefühl

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Ich bin wie eine Fahne von Fernen umgeben.
Ich ahne die Winde, die kommen, und muss sie leben,
während die Dinge unten sich noch nicht rühren:
die Türen schließen noch sanft, und in den Kaminen ist Stille;
die Fenster zittern noch nicht, und der Staub ist noch schwer.

Da weiß ich die Stürme schon und bin erregt wie das Meer.
Und breite mich aus und falle in mich hinein
und werfe mich ab und bin ganz allein
in dem großen Sturm.

Chú thích của người dịch:
Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Những viên đá lăn lưu dấu

Tranh của © Georg Baselitz, sinh năm 1938, họa sĩ Đức
Phạm Kỳ Đăng

Với những hòn đá lăn Rolling Stones – đúng hơn những viên kim cương thô nhám - các ông trùm nhạy bén của nền công nghệ giải trí, sớm nhận ra một khoảng trống thiếu hụt, đã vận động cho một ban nhạc có giá trị biểu trưng khác hẳn ban nhạc The Beatles. Trái ngược với các chàng đẹp trai, hào hoa, quí phái và „đẹp“ của The Beatles, đặc điểm của The Rolling Stones được nhấn ở vẻ hoang dại, nghiện ngập, bê tha, ngầu và „xấu“. Đó là chưa nói đến việc vài thành viên tạm bị đi tù hoặc Brian Jones chết vì dùng heroine quá liều.

Đã lên sàn biểu diễn là gây hiệu ứng như thác đổ: một Mick Jagger hát, nhảy nhót thư thoảng chồm lên vỗ tay như động kinh, vài viên đá lăn theo gây sụt lở cả một rừng đá gai góc tiêm chích thẳng vào các tế bào cuồng điên, say mê, nổi loạn, phá phách của tuổi trẻ. Cả đám đông cuồng loạn trong thôi miên ngây ngất. „Ban nhạc dữ dằn nhất thế giới“, nhãn mác do giới bầu sô và báo chí đặt cho họ như thế, tuy nhiên chỉ động chạm đến vẻ ngoài, không đúng với ca khúc của họ. Khiêu khích và hung dữ trong cung cách xuất hiện và biểu diễn là thế, Rolling Stones trong bảng tổng phổ đa dạng của giọng điệu họ, ca những khúc có thể nói là óng ả nhất của trữ tình, của mộng mơ và, nếu không ngại từ này: lãng mạn.

Tôi yêu ban nhạc Rolling Stones hơn Beatles, hơn rất nhiều so với các ban nhạc lớn cùng thời: The Who, Led Zeppelin, Deep Purple, The King, Pink Floyd, hay Genesis v.v.

Nhạc của họ cám dỗ thanh thiếu niên. Sự cuồng say âm nhạc Rolling Stones ở giới trẻ khắp nơi, từ Matxcơva tới Washington, tại Bonn và Berlin, Paris và Warsawa, London và Praha, khiến cho nhiều bậc phụ huynh hoảng sợ. Nhiều chuẩn mực đức hạnh lỗi thời, thói đạo đức giả do người lớn đưa ra khăng khăng bảo vệ, bị đám „choai choai“, „quần loe tóc dài“ một mực xua đuổi. Các nhà đạo đức giả bên phương Tây thảng thốt giật mình. Và bên phía Đông của bức tường còn thêm các nhà khuyến đạo và giám sát đức hạnh nữa lên cơn sốc vì giận dữ. Ở CHHDC Đức, sau những phong trào vận động cấm nghe "đài địch" bất thành vào những năm 50, người ta dựng thêm nhà tù và vào năm 1961 bức tường ngăn chặn người tìm tự do trên mảnh đất vừa nhen nhóm những ban nhạc trẻ tự đặt tên rất phi xã hội chủ nghĩa đại loại: „ Ban nhạc quần đinh“ (Niethosen-Bande), „Ban nhạc Texas“ (Texas-Bande), "Hội khoác áo da"

(Lederjackenmeute) hay „Những kẻ ngưỡng mộ Elvis Presley“ (Elvis Presley-Verehrer). Stasi (An ninh quốc gia) gọi và truy bức những thành viên hay fan của những ban nhạc này là những tên „khiêu khích phát xít“. Không may cho họ , bức tường dựng nên không đủ cao để ngăn chặn sóng truyền thanh và vô tuyến mang những tín hiệu lạ của văn hóa đại chúng từ một nền siêu-văn-hóa-thanh-thiếu-niên mới.

„Họ hiện thân cho Tối và Sáng, chất Khoái lạc và Mê loàn của thời đại chúng ta. Lịch sử của họ kể lại cho biết, chúng ta trở thành, chúng ta là ai. Nói nhỏ mọn: như không gian kinh nghiệm của chiến tranh, thiếu và đói được thay thế bởi không gian nghiệm trải của tình yêu, vui thú và tiêu dùng. Nói to tát: như phương Tây ngự trị“(1).

Năm 1969 Rolling Stones đã nổi danh địa cầu, nhưng các chàng trai đều còn rất nghèo vì bị lừa trắng về bản quyền và hỏa hồng. Nhưng họ thây kệ, họ lăn tiếp, thế giới của họ khác, cũng như sao Hỏa khác.

Những viên đá lăn, nhìn lại mới thấy được tầm vóc lịch sử, đã góp phần đáng kể bồi đắp hệ hình cảm xúc, cho nhận thức của thế hệ 68 ở tinh thần tự do cá nhân và nhân quyền, sinh viên biểu tình, giải phóng nữ quyền, tự do tình dục, phong trào hòa bình, Hippie, chống chiến tranh (và nội chiến) Việt Nam, cổ vũ cho mùa xuân Praha 1968.

Ta không nên đánh giá quá cao tác động tưởng như lay chuyển hay vùi sập hệ thống của âm nhạc. Nhưng không thể đánh giá thấp thôi thúc tự do, tự quyết, tự chủ và vượt qua những ràng buộc nhất thời của cá nhân trong những dòng nhạc Blues, Jazz, Rock, Beat, Roc’n’ Roll. Sức mạnh „thấy ta là thác đổ“ của âm nhạc tôi nghĩ có lẽ còn lại và lâu bền hơn là sức chuyển dời đến những biên giới, có khi những thế giới khác, „vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia“ (2).

Chú thích của người viết:
(1) Những người cuối cùng của chủng loại- Die Letzten ihrer Art – Tạp chí Spiegel
(2) Ca từ Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn.

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cây sồi bị chém

Tranh của © Edvard Munch (1863-1944), họa sĩ Na Uy

Hermann Hesse (1877-1962)

Họ đã chém mi cây ơi nên nỗi
mi đứng lạ đời và kỳ cục sao
Nhường nào cây đã trăm bận đớn đau
tới nỗi trong mi không còn chi ngoài ý chí
và sự bất chấp. Tôi như cây đã không đoạn tuyệt
với cuộc đời tan nát và dập vùi,
mỗi ngày từ thô bạo đớn đau trải trong đời,
lại nhúng trán vào vùng ánh sáng.
Cho đến chết thế giới từng nhạo báng
những gì trong tôi yếu đuối mềm lòng
Thế đó bản thể tôi không thể diệt vong
Tôi đã hài lòng, đã cùng hòa giải,
Lòng kiên nhẫn nở thêm hoa trái
từ những cành bầm dập trăm miền,
Và mặc cho nỗi đớn đau nguyên vẫn
phải lòng yêu cái thế giới đảo điên.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Gestutzte Eiche

Hermann Hesse (1877-1962)

Wie haben sie dich, Baum, verschnitten
Wie stehst du fremd und sonderbar!
Wie hast du hundertmal gelitten,
Bis nichts in dir als Trotz und Wille war!
Ich bin wie du, mit dem verschnittnen,
Gequälten Leben brach ich nicht
Und tauche täglich aus durchlittnen
Roheiten neu die Stirn ins Licht.
Was in mir weich und zart gewesen,
Hat mir die Welt zu Tod gehöhnt,
Doch unzerstörbar ist mein Wesen,
Ich bin zufrieden, bin versöhnt,
Geduldig neue Blätter treib ich
Aus Ästen hundertmal zerspellt,
Und allem Weh zu Trotze bleib ich
Verliebt in die verrückte Welt.

Chú thích của người dịch:

Hermann Karl Hesse (1877-1962): Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Đức, nhận giải thưởng Nobel văn chương cho tác phẩm văn xuôi và thơ của mình.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Nỗi sợ của Stasi trước ban nhạc Rolling Stones

Một buổi biễu diễn nhạc trên nóc nhà xuất bản Axel-Springer bịa ra đã đưa hàng trăm thanh thiếu niên vào nhà tù.
 

Sven Felix Kellerhoff

Tranh của © A.R.Penck (sinh năm 1939) họa sĩ Đức

Hai mươi tư tháng tù là một hình phạt hà khắc. Đặc biệt đối với một chàng thiếu niên vừa tròn 16 tuổi. Eckard Mann ngồi 762 ngày trong trại giam điều tra Berlin-Mitte và trong nhà tù Dessau, vì cậu reo: „ Tự do! Tự do!“ và cứ coi như đã đánh một người công an nhân dân khi bị bắt. Thực ra, cậu bé sinh năm 1953 tại Đông Berlin, bị trừng phạt, bởi cậu muốn đến dự Concert đã không xảy ra và không bao giờ có thể xảy ra được. Mặc dầu vậy Concert này nguy hiểm trong con mắt Stasi (An ninh quốc gia CHDC Đức) tới nỗi buộc hàng trăm thanh thiếu niên phải ngồi tù vì ý muốn đến nghe.

 

Vào tháng Chín năm 1969, Kai Blömer, một người dẫn giải chương trình quen thuộc của đài Rias Tây Berlin đã tự cho mình đùa vui bên microphone: „Vào ngày 07.10, đúng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập CHDC Đức, ban nhạc Rolling Stones sẽ biểu diễn trên nóc nhà cao tầng của nhà xuất bản Axel-Springer (bên kia tường thuộc Tây Berlin - ND). Nhưng ngay trong chương trình phát thanh đó ông đã phải giải thích rằng, ông chỉ muốn đưa ra một lời tếu táo thôi. Không gỡ nổi: Lời đồn thổi tự lan truyền, trước hết trong những nhóm ngưỡng mộ Rolling Stones ở CHDC Đức. Ban đầu, sát nút trước buổi biểu diễn thực sự của Rolling Stones tại Berliner Waldbühne (nằm ở Tây Berlin – ND) vào ngày thứ ba kế đó, Stasi còn coi lời đùa vô vị này không đáng nghiêm trọng, như tư liệu trình ra công luận của cơ quan quản lý hồ sơ Stasi hôm nay cho biết.
 

Trước hết không có những báo cáo về câu đùa của Blömer. Một lời đồn thổi bị bác bỏ ngay sau đó có vẻ không nguy hại, ngay cả đối với Bộ An ninh quốc gia vốn luôn lo lắng cho quyền lực tuyệt đối của đảng SED. Thế nhưng điều đó thay đổi, khi những tờ truyền đơn bắt đầu phát tán, trong đó những Fan hâm mộ Rolling Stones từ CHDC Đức kêu gọi những bạn đồng trang đồng lứa đi đến Đông Berlin vào ngày 07.10.1969. „Điểm gặp: Ngôi nhà Axel Cäsar Springer“ đánh máy trên một tờ truyền đơn được cô bé Evelies Gerhardt 18 tuổi và các bạn cô mang theo phân phát chưa tới một chục bản. Họ bị một tên chỉ điểm vu hại. Trên đó, tờ truyền đơn chỉ yêu cầu „các bậc cao niên“ rằng :“Các ông nên để chúng tôi yên thân, để chúng tôi sống, như chúng tôi thích!“
 

Ở CHDC Đức không có tiền lệ đó. Ngày 05.10.1969, hai ngày trước buổi biểu diễn không có thật, Evelies lạc bước vào nhà tù. Sau những cuộc điều tra và hỏi cung cặn kẽ, cô được thả ra vào ngày 19.01.1970, bởi xét thấy gần đây không còn nguy cơ tái diễn và – thật là sự bỉ báng cho một công dân CHDC Đức - không có „nguy cơ chạy trốn“ nữa. Thậm chí Evelies Gerhardt còn gặp may trong rủi. Bởi đúng ngày 07.10.1969, tròn 20 năm chuyên chính của Walter Ulbricht (Tổng bí thư đảng cộng sản SED khét tiếng stalinit - ND), cô ngồi sau khóa và chấn song tù. Như vậy cô không thể phá bĩnh được chính quyền nhà nước đang bực bõ. Trong cuốn brochure có in lại trích đoạn 15 trang biên bản nhật trình của Stasi ghi chính xác từng phút xảy ra xung quanh buổi biểu diễn bịa đặt. Hồi 12 h, ở phía đông của bức tường đã có chừng 80-100 thanh thiếu niên tụ tập đối diện với ngôi nhà Springer. Ít giờ đồng hồ sau Stasi ghi nhận hàng trăm thanh thiếu niên khác tới, trong đó nhiều „bọn quần loe tóc dài“, nghĩa là nhiều cậu cô choai choai trái mắt, không chịu cho dập khuôn vào đoàn thể thanh niên quốc doanh FDJ.
 

Và còn nhiều thứ xảy ra nữa. Phố Leipziger Straße (thuộc Đông Berlin) bị người dàn hàng chặn. Trong đám thanh thiếu niên có Eckard Mann. Sự chật hẹp của nền chuyên chính lấy của cậu chàng yêu nhạc hết khí trời để thở. Cậu ta reo: „Tự do!“ và „Ulbricht cút đi!“. Vì tội được cho là „càn quấy“ chàng trai nhận án tù. Và mặc cho cậu phản đối, giữa tháng 10 năm 1971, cậu bị thả sang Tây Đức vì „cải tạo tốt“. Trong thực tế chính phủ CHLB Đức đã mua đổi lấy tự do cho cậu. Một cách gián tiếp, như vậy với Concert giả tưởng của Rolling Stones, thể chế SED lại còn kiếm ra ngoại tệ khan hiếm.
 

Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: Rolling Stone - Die Angst der Stasi vor den Rolling Stones

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Cuộc hành hương

Phạm Kỳ Đăng

Mùa đông, tranh của Alfred Sisley (1839-1899) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Mỗi khi sương giăng viễn xứ
Là đoàn hành khất mùa đông
Kéo qua, nao lòng lữ thứ
Vang rền chuông đại hồng chung


Ôi chuông của lòng son sắt
Ngân đi ánh ỏi tươi vui
Cho người đăm đăm ánh mắt
Lâu rồi héo hắt làn môi?


Không như những người mộ đạo
Cúi đầu an phận dặm trường
Anh: con hải âu rớt bão
Run niềm thảng thốt quê hương


Có nghe thưa dần mây xám
Người còn vài trạm lưu vong
Kiên gan đóng đanh vầng trán
U sầu tôi chí vô song


Có hay chuỗi ngày thao thức
Dư âm trong ước gắn liền
Như chuông liên hồi náo nức
Cố hương tha thiết, cuồng điên.


Chuông lanh gầm trời chuyển khắc
Gió bay giật áo tay người:
- Hãy nhìn cung đường lữ thứ
Hoàng mai nở sắc vàng tươi.


© PKĐ-Dez. 2013/ Dez. 2014

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Nhảy nhót điệu ương ca mãi quốc

Phóng viên Vỉa Hè lại kể chuyện vẹt nhà đồng chí Tổng Bí thư. 

1. Thứ bảy ngày 11.11.2013 Tổng Bí thư triệu tập các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương thân tín đến tư dinh họp đột xuất. Đã 3 giờ chiều bắt đầu khách tới, mà đồng chí, khư khư ôm chặt cái áo bông Trung quốc che thân hình ghẻ lở còn nằm bất động trên sập hé mắt nhìn qua tấm phướn to thêu 16 chữ vàng căng ra treo trước sập tránh gió. Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến từ sáng sớm, đang ngồi ngay đầu sập, giằng lấy thìa từ tay gia nhân bón thuốc bắc cho người thọ bệnh.


Vừa lúc đó Tân Hoa Xã điểm tin yêu cầu các tàu cá phải xin giấy phép thăm dò và đánh cá tại 2/3 biển Đông. Đồng chí bất bình nhỏm cổ, nhổ cả thìa ra ngoài, gắt lên:“ - Đã thống nhất với nhau ở đường dây nóng như thế rồi, mà ông Tập Cận Bình ấy lại cho cái con mặt phụ khoa Hoa Xuân Doanh oang oang lên thế kia, khác nào bôi tro vào 16 chữ. Thế là bội tín rồi, chứ còn gì nữa!“.

 

2. Gia súc trong nhà biết ngay có việc hệ trọng, bàn nhau cử con lừa dẫn đầu cả bọn ra đón khách. Con lừa nhà đồng chí Tổng Bí thư tên là Nguyễn Phú Vượng (cựu đại sứ Tôn Quốc Tường, khi bày tiệc tặng nó cho đồng chí Tổng bí thư đã đặt tên cho lừa như vậy, và việc này còn ghi trong sổ lưu niệm của Đại sứ quán Trung quốc tại Hà Nội) phấn khích kêu lên ba tiếng „Í a, í a, í a“, rồi quăng thân trồng cây chuối.

Cổng mở. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang ngồi trên xe limousine bọc thép, hú còi chạy thẳng vào dinh thự Tổng Bí thư, vừa gặp lúc con lừa động cỡn lên cơn tuyên giáo bạo dâm nhảy lên chịn đít vào tấm kính trước, khoang xe bên phải. Đồng chí Bộ trưởng tức chửi ầm lên: " Bịch tiền thằng Ngọ đưa, tao để ở đấy mà mày dám chổng đít vào à. Đúng là đồ con lừa Trung quốc!".


3. Thủ tướng đến ngay sau, bước ra từ xe bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tập tễnh đi chân thấp chân cao. Bộ trưởng Trần Đại Quang ôm hôn Thủ tướng, lạ quá mới hỏi Thủ tướng tại sao đồng chí không lấy xe mới mà đi, mà sao chân cẳng tập tễnh ra nông nỗi này. Thủ tướng phàn nàn, Tập Cận Bình tặng cho chiếc xe limousine Hồng Kỳ còn cử sang một ông thầy Trung hoa dạy đồng chí lái chiếc xe chế tạo không có động cơ. Lão thầy lái xe người Quảng Đông này thô lỗ, hay cáu, đang giờ dạy lái cứ rút cả dùi cui mini từ áo Thủ tướng quật liên hồi vào đầu gối đồng chí, miệng bảo: "Nị phải dùng cả hai chân đạp thắng (phanh) mới bảo toàn được tính mạng. Xe cần động cơ mà làm gì! Từ thời nị làm thủ tướng tới nay, Việt Nam chỉ có mà đi xuống dốc!".


4. Bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những bông hoa của Trung ương lom khom người chui ra khỏi chiếc xe Mercedes đến sau, cà nhắc kéo theo cái chân cứng đơ. Bà Doan chạy ra, xuýt xoa hỏi han bà Bộ trưởng, liền được người chị em sởi lởi giãi bày, bảo, chị ạ, có gì đâu, chuyện nó là thế này, hồi em sang Đại học Oxfort nhận hàm giáo sư thỉnh giảng danh dự, em hỏi tìm mua thuốc thần và được bà đồng nghiệp Anh tặng ngay cho vài chục viên thần dược. Bà người Anh này ghé tai dặn :" Vợ uống viên màu xanh, chồng uống viên màu vàng, thế này, thế này...sướng lắm! Ấy thế mà nào có sướng gì đâu, mới đêm hôm kia lúc luống cuống đọc thì làm sao hiểu, em uống viên vàng, chồng em nhầm viên xanh, bây giờ em liệt cứng một chân, còn nhà em ông ấy lắc lên bần bật thế nào mà vỡ cả xương chậu".

5. Ở đây nên nhắc lại chuyện có một cô gái trẻ, mắt mũi biến dạng tìm đến bà Bộ trưởng, hỏi cô ơi, trông mặt cô thật đáng tin cậy, phúc hậu nhường nào, cháu hỏi cô có nhiều người như cháu vào phẫu thuật thẩm mĩ, lợn lành thành lợn què thế này hay không?“ . Thím Tiến trả lời: “ Sơ suất ấy là chuyện thường tình, nhìn cô thì biết. Còn không tin cô, ra nghĩa địa mà hỏi!"


6. Còn có vị bác sĩ thảng thốt bên điện thọai :“ Bộ trưởng ơi, bệnh nhân vừa ở phòng khám của tôi bước ra ngã nhào chết ngay trước cửa, làm sao bây giờ.?“ Thím Tiến trấn an: „ Bình tĩnh nào, xoay đầu bệnh nhân lại, coi như đột tử trước lúc bước vào phòng khám, là yên“.


7. Trước phiên Quốc hội chất vấn trách nhiệm của ngành Y tế liên quan đến vụ Cát Tường, thím Tiến bị đau bụng dữ dội. Hai ông bác sĩ khám nghiệm ngay tại Quốc hội, không tìm ra nguyên nhân. Thím Tiến phàn nàn với các vị đại biểu: „Bác sĩ bệnh viện trung ương thời nay khác bác sĩ thời tôi nhiều lắm. Năm tôi 18 tuổi bị bất kể bệnh gì, vào bác sĩ cứ bắt phải cởi sạch áo quần, năm 40 tuổi chỉ còn phải tháo xu-chiêng, và bây giờ họ chỉ bắt tôi lè lưỡi ra xem thôi, là xong!“

8. Lại nói Bộ trưởng Trần Đại Quang bá vai Thủ tướng đi vào nhà. Đang đi điện thoại reo, số Hải Phòng, đồng chí Thủ tướng bốc máy. „Ca à?“. Ca nói“ Vâng, em đây, tình hình gay quá!“. Thủ tướng đứng né ra gốc cây, dõng dạc“ Haizzz…, như chú sau vụ Tiên Lãng anh còn đưa lên tướng, sợ cái đ…gì, anh làm việc, các chú cứ yên tâm!“
Một lát sau Đỗ Hữu Ca lại gọi, Thủ tướng nói: "Chúng nó chén chú chén anh với Năm Cam, Minh Phụng, mồm nói những là "bọ sâu" với chả là "chỉnh đốn", gan thua xa thằng Ủn (Kim Jong-un) em à!". Nói đoạn tắt máy, đi vào nhà.


9. Lát sau, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh dẫn Nguyễn Như Phong và một dư luận viên cùng tới. Bấm chuông. Vẹt Dân phòng bay ra hỏi:" Thằng cha nào đi cùng Huynh thế?". Huynh nói:" Đồng chí Nguyễn Như Phong, nhà báo công an văn võ toàn tài, từng hoạt động xông xáo ở Trung Đông". Vẹt Dân phòng quát:" A Tư mã Phong chứ gì! Huynh vào được, còn thằng kia chui cống mà vào!"

10. Nguyễn Như Phong có tiếng đểu và ác, giận quá, tay rút súng, tay cầm mảnh đít chai vừa lượm được ở hàng rào, từ đằng sau vòng lại, định bụng bắn hạ xong, cứa cổ.

Vẹt Quyết Tiến hét lên: „Cẩn thận đấy, thằng ấy ba trợn hơn cả đám quần chúng tự phát!" 

Vẹt Dân phòng nhảy phắt xuống nói:" Phải nước cống rửa mặt mới làm mày sáng mắt! Trông đây, mụ Doan còn sợ tao nữa là mày, thằng bồi bút!". Phong hoảng, vứt mảnh chai, ôm đầu men theo hàng rào chuồn thẳng.

11. Đinh Thế Huynh đứng nghiêm phổ biến nội dung cuộc họp đột xuất bằng đôi lời ngắn gọn: Đồng chí Tổng bí thư yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chúng ta, cho tới nay thi hành chính sách đi dây giữa Mỹ, Trung quốc, và Nga, phải tập cả bài đu dây trong trường hợp khẩn cấp. Hiến pháp mới quy định chỗ đứng trên Nhân dân, ngày càng thêm nhiều dân oan khiếu kiện khắp nơi giận dữ đổ về thủ đô, nên ta phải linh hoạt, uyển chuyển, nêu cao tinh thần tập thể, vừa biết cân bằng lại phải vừa đi tắt, đón đầu, gắng lên các đồng chí!

Đồng chí Tổng Bí thư thò đầu ra khỏi phướn, phều phào bổ sung: „Có thế mới đảm bảo khách quan và biện chứng!“

Trên sợi dây thừng đong đưa, đồng chí Thủ tướng tay hua chiếc dùi cui mini giữ thăng bằng, nghe huấn thị bèn vọt lên hàng, loay hoay thế nào dúi đầu ngay vào vai bà Doan, đã mùa đông vẫn quen mặc áo cộc tay trước cả chốn đền đài thò cả lông nách ra ngoài, chọc ngay vào mắt Thủ tướng. Đồng chí tối mày tối mặt, rớt xuống cái huỵch.

Gia súc nhà đồng chí Tổng bí thư trông thấy Thủ tướng ngã, xôn xao bình luận. Con chó Gác-xép bảo: " Ai bảo ranh, lại tham hơn tao!". Con lừa bảo: " Vì nó ngu hơn tao!".

Vẹt Dân phòng chõ mỏ vào kết luận:" Ổng xưa là y tá luồn rừng, đu dây giống hệt con hầu, ngã là phải". 


12. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng lúc rớt đất són ngay ra quần. Nguyễn Như Phong và Đông La, hai nhà văn nhà báo lỗi lạc được Trung ương cử tới viết bài, lúc ấy từ bên ngoài đã xé rào chui vào được vội chạy lại lau đít cho đồng chí. Đông La vác sọt giấy đem ra thùng rác, liền bị gia nhân nhà đồng chí Tổng bí thư ngăn lại, bảo không được vất đi, bất cứ thư từ, giấy má gì ở nhà đồng chí Tổng bí thư dính cái cứt gì cũng phải đem nộp cho Trung quốc.


13. Ngày 16.02.2014, thành ủy Hà Nội cho tổ chức liên hoan văn nghệ dưới tượng đài Lý Thái Tổ phá đám lễ tưởng niệm. Quyết Tiến rủ vẹt Dân phòng bảo cùng bay ra đó ra xem mấy bà mấy cô múa hát gì hay lắm.

- Múa cột hay hớm gì, mấy con tinh tinh già cùng câu lạc bộ múa của bà Doan! Vẹt Dân phòng bĩu mỏ.

- Quái lạ, nhạc bài Con bướm xuân của Trung hoa mà cứ quay loạn cào cào, cái lũ hình nhân trùm bao tải, chúng nó nhảy điệu xì-lô xì- liếc gì ấy chứ?- Quyết Tiến cự lại.

Thế rồi hai con cãi nhau om lên, ai cũng cho là mình đúng. Cuối cùng chúng đồng ý hỏi đồng chí Tổng bí thư. Bay về nhà, từ ngoài thi nhau hỏi đi hỏi lại mãi, không ai thưa, chỉ thấy hai cái mông đít nhấp nhổm trước chính điện. Ấy là đồng chí Tổng Bí thư và Đại sứ Trung quốc Khổng Huyễn Hựu đang sì sụp khấn vái trước ảnh Mao Chủ Tịch, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ treo trên bàn thờ. Hỏi to đến lần thứ mười, đột nhiên Bú Dù, nghiêm cẩn đứng dưới ảnh Hồ Chủ Tịch, có dễ hai năm nay không nói câu nào, bỗng cất lời rành rọt:

- Chúng nó nhẩy điệu ương ca mãi quốc, chứ còn gì nữa!

PVVH - 2014

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...