Phê bình

Một khúc hát vỗ về , một bài hát ru

Elisabeth Borchers

Tranh của © Egon Schiele (1890-1918) họa sĩ Áo
Rằng đó là bài hát của Kopecka, bà chủ của quán „Zum Kelch“ (1) ở Praha từ vở ca kịch „ Schweyk trong thế chiến thế giới thứ hai“. Cũng như cô cướp biển Jenny (2), khi cô này từng có giấc mơ nhỏ sôi sục đòi trả thù riêng, thì bà Kopecka hát „Bài ca về dòng sông Moldau“ (3) và dốc cạn chén của mình.

Như một bài hát ru, bài ca cất lên: giản phác, êm ả, thận trọng. Chảy trôi, chuyển động.



Cả sự vận động của đá cũng dung dị, êm ả và thận trọng. Chúng chuyển dời. Đây đó không có gì là vội vã, để mà phải cập bến thời gian. Như thể Brecht đã biết, rằng bằng không thì chẳng nơi nào khác trên thế giới đá sỏi có thể chuyển dời vậy đó như nơi đây, bằng không thì chẳng nơi nào như nơi đây cho tìm thấy một cái tên, sao mềm mại, sao quên lãng như cái âm Mol, cái âm dau này.

Cả hai, chảy và dừng của nước và của đá, được luồng vận tiếp đi, không kết thúc và đích đến và không có ý nghĩa cho lịch sử hàng ngàn vạn năm của một dòng sông. Thêm vào đấy nữa một thoáng rùng mình gây bất an, bởi nào có trông thấy những tảng đá, người ta phải tin vào điều rằng có đá. Chúng chuyển dời ở đó, nơi bóng tối sâu nhất. Và sâu trong bóng tối, cũng như những vị hoàng đế, chúng là thứ sót lại nằm chôn sâu trong tăm tối, đã từ nhiều thế kỷ nay chỉ còn là nắm sót lại của cái từng vĩ đại và uy quyền và rồi sau đã lụi tàn.

Như không một ai trong lịch sử của bài thơ – cứ cho là người ta lắng nghe ngôn ngữ nhân dân làm thơ và hát – Brecht đã nắm bắt các biến diễn với một sự dụng công ngôn ngữ hầu như không còn cho cảm thấy. Như ở đây hình ảnh biện chứng của lụi tàn đang triền miên tiếp diễn hoặc là của triền miên tàn lụi. Không thể chịu đựng là khoảnh khắc kéo dài đối với những gì lâm vào khốn khó và phải đợi chờ thay đổi, bởi vĩnh viễn đá đã chuyển dời, dòng sông chảy trôi, và các vị hoàng đế yên nghỉ.

Vậy mà sau đó trong câu thứ ba của khổ đầu, Brecht đã kết thúc ý tưởng vĩnh cửu và chỉ cho thấy: những tảng đá và các hoàng đế chính là bằng chứng cho điều chẳng có gì trường tồn cả. Cái lớn lưu đời không lớn. Như vậy là cái nhỏ còn lại đời cũng không nhỏ. Và, dưới tác động của lô-gich đó, như thể Brecht tính sổ với tính ngờ vực nhỏ nhen của người trong cuộc và với sự thiếu kiên nhẫn của họ, ông không chỉ đưa ra bằng chứng cho lời khẳng định đó, mà với một động thái nhỏ ngộp thở, ông còn vét cạn thời gian của tiến trình bất nhân này không một não trạng của con người nào có thể cản trở được, đó là tiến trình của một sự tàn lụi kéo dài chậm rãi vô bờ bến: „Đêm có 12 giờ, rồi ngày đã tới nơi“.

Như trong mọi tác phẩm của mình, ở đây Brecht cũng tư duy trong chiều kích lịch sử và nhấn mạnh „ khoảnh khắc của hình thành và lụi tàn“:“ Thời thế xoay vần“ . Với nhận định này, câu thơ của khổ thứ hai bắt đầu: „Các kế hoạch vĩ đại/ Của kẻ quyền uy kết cục đến nước dừng.“. Brecht trở nên mạch lạc hơn, mà tuy thế cũng không quá mạch lạc. Đó là chiến tranh, những toán quân Đức đã chiếm đóng Praha và không chỉ có Praha. Những kẻ đại diện cho vương quốc ngàn năm đến và đi trong quán „Zum Kelch“. Bà Kopecka nhìn và nghe thấy, những kẻ quyền uy bước sánh hàng „như những con gà trống tướp máu“, không có lý trí, như trong trạng thái đảo điên.

Nhưng chẳng có thứ gì giúp cả, bài ca đã phụ họa thêm „Thời thế vần xoay, vì không bạo lực nào giúp cho“. Lịch sử đã chứng minh, và lần này nó cũng lại chứng minh cho biết, bạo lực chẳng giúp gì cho ở đây, cứ cho còn bao thứ đắm chìm đi nữa, con người cũng như thành quách. Trước hết, đêm phải qua trước đã „rồi ngày kế tới nơi“. Và theo điệu thức của dân ca, bài hát lại trở lại ban đầu, lặp lại khổ đầu của ba khổ thơ.

„Bài ca về dòng sông Moldau“ trong đồng loại không có gì sánh nổi: nó làm mềm lòng như một bài hát ru, nó truyền can đảm như một bài ca vỗ về, nó dễ hiểu như những xúc cảm giản phác vĩ đại.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).


Bài ca về dòng sông Moldau


Bertolt Brecht (1898-1956)

Dưới đáy sông Moldau sỏi đá chuyển dời
Dưới thành Praha nằm chôn ba hoàng đế
Cái lớn lưu đời không lớn và nhỏ không là cái bé
Đêm có 12 giờ, rồi ngày đã tới nơi.

Thời thế xoay vần. Các kế hoạch vĩ đại
của những kẻ quyền uy kết cục đến nước dừng
cũng bước sánh hàng như gà trống tướp máu
Thời thế xoay vần, bạo lực nào giúp cho chăng.

Dưới đáy sông Moldau sỏi đá chuyển dời
Dưới thành Praha nằm chôn ba hoàng đế
Cái lớn lưu đời không lớn và nhỏ không là cái bé
Đêm có 12 giờ, rồi ngày đã tới nơi.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Das Lied von der Moldau

Am Grunde der Moldau wandern die Steine
Es liegen drei Kaiser begraben in Prag.
Das Große bleibt groß nicht und klein nicht das Kleine.
Die Nacht hat zwölf Stunden, dann kommt schon der Tag.

Es wechseln die Zeiten. Die riesigen Pläne
der Mächtigen kommen am Ende zum Halt.
Und gehn sie einher auch wie blutige Hähne
Es wechseln die Zeiten, da hilft kein Gewalt.

Am Grunde der Moldau wandern die Steine
es liegen drei Kaiser begraben in Prag.
Das Große bleibt groß nicht und klein nicht das Kleine.
Die Nacht hat zwölf Stunden, dann kommt schon der Tag.

Chú thích của người dịch:

Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, làm nên ba gương mặt sáng giá nhất trong văn chương Đức thế kỷ 20.

Elisabeth Borchers (1926-2013): Nữ thi sĩ, nhà văn và dịch giả văn học người Đức.

(1) Tên một tửu quán trong vở kịch „Schweyk trong thế chiến thế giới thứ hai“, Bertolt Brecht viết trong thời gian tỵ nạn tại Mỹ, dựa theo tiểu thuyết „ Người lính hiền Schwejk“ của nhà văn Tiệp Jaroslav Hasek. Ách ngoại xâm và cuộc kháng chiến của dân tộc Tiệp còn nguyên đó trong bối cảnh lịch sử, ở đó thay vào ách đô hộ của chế độ quân chủ Habsburg, là ách đô hộ của Quốc xã, và thay vào vị trí thế chiến thế giới nhất, là thế chiến 2.
(2) Cô điếm và là tình nhân của tên cướp bể Mackie Messer trong vở Ca kịch Ba đồng xu của Bertolt Brecht
(3) Dòng sông Vltava chảy qua đất Tiệp, tên tiếng Đức Moldau cũng được giữ nguyên trong lời hát tiếng Anh và Pháp. Bài hát về dòng sông Moldau được hát trên nền nhạc „Vltava/ Die Moldau“ của nhạc sĩ Tiệp Bedrich Smetana.

Lời bài hát tiếng Anh:

The Song of the Moldau

On the bed of the Moldau the pebbles are stirring
In Prague, three emperors lie dead.
The big will not stay big, the little won’t stay little.
The night has twelve hours, the dawn is ahead.

The times are changing. The enormous plans
of the mighty, when dawn comes, are through.
Now they run wild like hens with no heads on,
The world is always changing, there’s nothing they can do.

On the bed of the Moldau the pebbles are stirring
In Prague, three emperors lie dead.
The big will not stay big, the little won’t stay little.
The night has twelve hours, the dawn is ahead.

Lời hát tiếng Pháp:

LE CHANT DE LA MOLDAU

Au fond de la Moldau se promènent des pierres
À Prague, trois empereurs gisent sous terre
Le grand ne reste pas grand et le petit, petit.
La nuit a douze heures, puis vient alors le jour.

Les temps changent. Les titanesques plans
Des puissants finissent toujours en s'arrêtant.
Et même s'ils se pavanent comme des coqs sanguins
Les temps changent, aucune violence n'y peut rien.

Au fond de la Moldau se promènent des pierres
À Prague, trois empereurs gisent sous terre
Le grand ne reste pas grand et le petit, petit.
La nuit a douze heures, puis vient alors le jour.


Bài đăng VHNA


Không đồng bào, không tổ quốc

Reinhold Grimm

Cũng như Rilke (1) khi còn trẻ, mọi thứ vào tay ông đều thành tựu mau mắn, quá chóng vánh và trơn tru là đằng khác. Nếu như ông cầm lấy bút, những hình ảnh và vần, những câu và khổ thơ, như thể tự thân chúng phát sinh ra, tất cả trào ra, chảy trôi và cuộn sóng qua các trang viết, bất biết ông có mong và muốn điều đó. Vâng, nhìn trở lại, sự giảo hoạt và khéo lời, sự phồn thịnh của ngôn từ, sự khoa trương hùng biện về thơ ca, ông hoặc không có sức cũng như không có ý đồ hãm chúng lại, đôi khi gây tác động gần như vô thức, hay có đấy, thiếu cân nhắc thấu đáo, tựu trung lại thiếu kiểm soát và thiếu phản tư, trong ý nghĩa sâu sắc nhất...



                             Tranh của © Marc Chagall (1887-1985), họa sĩ Nga-Do thái

Hoặc là chúng ta phải luận ra trước, sự sáng tác của Franz Werfel không có gì khác là một sự vận hành quá nhanh nhảu và quá mức tham vọng. Ít ra thì Karl Kraus (2) đã từng cười cợt về chuyện này, khi ông ấy, độc địa thì vẫn xưa nay, vần vè thêm thắt, đã cho nhà văn đồng nghiệp trẻ tuổi mắn đẻ (và đầy thành công như vậy), có chí tiến thủ rạp thân rình rập như mèo của mình quảng cáo và cất tiếng hỏi :“ Tôi là nhà thơ Werfel, ông bà có nhu cầu làm quen? “ (3).

Bởi chưng trong hành động, kết cả Chúa và Thế giới vào thành một vần điệu, nhà thơ này chẳng đã chiều theo, vâng cả đón đầu nữa bất cứ một nhu cầu nào sao?. Khối lượng tác phẩm thơ trưng ra nhiều tới nỗi nghẹt thở, sự chóng vánh cung cấp thi ca đơn thuần gây sức áp đảo. Rất nhiều thứ trong đó, đích danh từ sự sản xuất theo phái Biểu hiện (4) của Werfel với những ngất ngây rơi lệ và những cảm kích xúc động lên bổng xuống trầm, những nụ hôn huynh đệ trơn tru và những cái ôm thắm tình nhân loại - theo thời gian trôi qua chỉ còn thấy khó bề thưởng thức. Từ những gì dạo đó tuôn ra ào ạt trong dòng chảy và ê hề vô tận, ngày hôm nay xem chừng ít đứng được với thời gian.

Và tuy vậy, giữa bộn bề của êm đềm cảm nhận và vui vầy tán dóc gây ra lo sợ, của sự bốc đồng và hưng phấn ồn ã nhiều lời, không ít phen chạm tới sáo mòn, chính Werfel đã lại viết một bài thơ nghe bên tai như một câu châm ngôn viết trên lịch hay như một bài dân ca. Sự dung dị và kiệm lời bất chợt, sự dè dặt một lần tới mức ngượng nghịu trước một sự thuyết trình, như bừng tỉnh rút lui về một cử chỉ thuần túy: ở cách thế làm cho vài khổ thơ lặng lẽ này đáng được tính về thứ gây rung động nhất ở thơ trữ tình Đức thời mới mà tôi biết tới. Ở nơi đâu ngôn từ cũng lên tiếng một cách dễ cảm hơn bên lề của câm lặng nhỉ? Và ai có thể nói thuyết phục hơn người hoạt ngôn nhất, khi với ông, lưỡi đang có cơ tê cứng.

Nhưng mà bài thơ của Werfel không đơn giản chỉ là biểu đạt kinh nghiệm lưu vong cụ thể của ông. Bài bi ca của người sinh ra tại Prague (Praha), sau đó sống tại Vienna, đã hình thành từ rất lâu trước khi „sát nhập“ Áo (5), bài thơ thậm chí còn hướng trỏ về Áo-Hung một thời. Một cách rõ rệt, ba khổ đầu tiên lượn vòng quanh những biên giới của đất nước đó; cứ kế tiếp nhau, chúng gợi lên trong trí nhớ cái tố chất mang vẻ Slav – Magyar, Đức và Latium của nhà nước đa dân tộc. Và tuy rằng thế nền quân chủ bên sông Danube chỉ phục vụ bài bi ca như là biểu trưng cho „các tộc người trên trái đất“.

Người ở đây ập trán vào lòng bàn tay một cách đau đớn vậy, ở muôn nơi đều „không đồng bào không tổ quốc“. Ông là nhà thơ và người Do thái, và vì lẽ đó - thực sự bị lưu đầy và xua đuổi - như cuối cùng ông nói, là „người lưu vong trên khắp hành tinh“.

Kinh nghiệm của Werfel lâu đời trước cả Hitler. Nhưng mặc dầu thế và có lẽ chính vì như thế bài thơ này cũng là bài thơ về cảnh lưu vong. Trong bài thơ chấn động nỗi đau thương cổ xưa của số phận Do thái và đồng thời sự mất mát và nỗi xa lạ phấp phỏng của con người tinh thần mà cuộc sống „thân thương“ „cảm kích“, bởi trong đó „điều còn mãi“ xúc động lòng người.

Ôi chao, điều còn mãi ấy cũng chẳng vậy trường tồn. Thay vì trông hướng Tác ta người ta chỉ cần nhìn về những rặng núi khổng lồ, thay vì trông miền Liguria, người ta chỉ cần nhìn về miền Levant (6), khoan chưa nói về những vùng miền khác. Sự xua đuổi và cuối cùng là hủy diệt, người quay bước đi về đâu cũng vậy thôi. Thực sự sẽ chỉ còn lại duy nhất đau thương, chìm trong đó ngay cả các nhà thơ câm tiếng.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Điều còn mãi

Franz Werfel (1890-1945)

Chừng nào gió vùng Tác ta vờn nhẹ 

Những bông hoa miền Slovakia,
Chừng đấy lúc các cô gái dệt hoa
Vào khăn thêu thân thương nhiều sắc.

Rừng Bavaria chừng nào vang vọng
Tiếng rìu trong mờ mịt ban mai,
Chừng đấy lúc kẻ cô đơn ngồi đẽo
Tượng thánh thiêng và Đức Chúa Trời.

Chừng nào trên hành trình, biển cả
Vùng Liguria che chở các ngư dân,
Chừng đấy lúc trên bãi biển, tần ngần
Những người vợ mắc đăng ten, dõi mắt.

Tôi cảm kích - các tộc người trên trái đất -
Điều các bạn hoàn công, còn mãi tháng ngày
Thân tôi đấy không đồng bào, tổ quốc
Vầng trán tôi giờ úp xuống lòng tay.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Das Bleibende

Franz Werfel (1890-1945)

Solang noch der Tatrawind leicht
slowakische Blumen bestreicht,
so lang wirken Mädchen sie ein
in trauliche Buntstickerei'n.

Solang noch im bayrischen Wald
die Axt im Morgengraun hallt,
so lang auch der Einsame sitzt,
der Gott und die Heiligen schnitzt.

Solang auf ligurischer Fahrt
das Meer seine Fischer gewahrt,
so lang wird am Strand es schaun
die spitzenklöppelnden Fraun.

Ihr Völker der Erde, mich rührt
das Bleibende, das ihr vollführt.
Ich selbst, ohne Volk, ohne Land,
stütz' nun meine Stirn in die Hand.

Chú thích của người dịch:

Franz Viktor Werfel (1890-1945): Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức-Tiệp, lưu vong trong thời Quốc Xã, và trở thành công dân Mỹ. Được biết tới nhiều hơn bởi các tác phẩm truyện ngắn, văn xuôi và kịch, bản thân ông đánh giá thơ của mình cao hơn.

Reinhold Grimm (sinh năm 1931): Giáo sư giảng dậy bộ môn Văn học Đức và Văn học So sánh tại University of California.

(1) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

(2) Karl Kraus (1874-1936): Một trong những nhà văn quan trọng nhất đầu thế kỷ 20. Ông là nhà trước tác, châm biếm, nhà thơ và nhà viết kịch, nhà phê bình ngôn ngữ và văn hóa, từng có mối tỵ hiềm với Franz Werfel.

(3) Nguyên văn câu chế nhạo:„ Ich bin der Dichter Werfel. Ham sie ein Bederfel?“. Chữ Bederfel không có trong mọi thứ tiếng, do Karl Kraus đặt vần với tên Werfel, lái sang câu hỏi: „Haben Sie einen Bedarf? - Ông có cần gì không?“

(4) Chủ nghĩa Biểu hiện hay trường phái biểu hiện (Expressionism): Khuynh hướng phong cách đầu thế kỷ 20 trong nghệ thuật Tạo hình và trong Văn chương châu Âu giai đoạn 1905 tới 1925, trong nhiều môn nghệ thuật Kiến trúc, Nhạc kịch và Điện ảnh.

(5): Chỉ sự kiện sát nhập Áo vào nước Đức bằng việc các lực lượng Quốc xã Áo cướp chính quyền, kế đó các đơn vị quân đội, SS và cảnh sát Đức tiến quân vào xâm chiếm Áo tháng Ba năm 1938.

(6) Levant: Khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải, nhưng từ này có thể được dùng như một thuật ngữ địa lý để biểu thị một khu vực rộng lớn ở Tây Á hình thành bởi các vùng đất giáp với bờ biển phía đông Địa Trung Hải, giáp ranh giới về phía bắc là dãy núi Taurus, về phía nam là sa mạc Ả Rập, và về phía tây là Địa Trung Hải, trong khi về phía đông đó mở rộng về phía dãy núi Zagros.

Bài đăng trên VHNA


Giấc mơ nguyện của một kẻ bất an

Hans-Ulrich Treichel

Ông là một kẻ trời hành, thường không chịu nổi sự dừng chân ở một nơi lâu hơn một vài tháng, đôi khi chỉ vài tuần hoặc vài ngày. Và trong trường hợp Rilke, ai nói về những „năm lữ hành“ hoặc cuộc „hành hương“ kéo dài suốt cuộc đời, như một số nhà viết tiểu sử thường làm như vậy, người đó sau này từ tâm trạng bất an bộc phát của tác giả có thể còn khai thác thêm một ý nghĩa và một phương hướng.
 

Tranh của ©Claude Monet (1840-1926) họa sĩ Ấn tượng Pháp
Cũng như vậy, vào tháng Mười một năm 1903, Rilke đã du hành tới Roma không với tư cách là tín đồ hành hương - chẳng những không trong nghĩa đen mà cả không trong nghĩa bóng của từ - mà là người tháp tùng vợ ông, nữ họa sĩ Clara Westhoff (1) tới lưu học ở thành phố Vĩnh Cửu. Tuy Rilke cư ngụ một xưởng họa trong vườn có một quang cảnh thuận lợi nằm trong biệt thự Strohl-Fern gần biệt thự Borghese, thành phố bên sông Tiber với ông không sao tiếp cận và nó „ mù như thứ ngụy trang“. Và ngay cả bầu trời thành Roma, vẫn còn xoa dịu được khách thăm thú của ngày hôm nay mệt mỏi vì tiếng ồn và ô nhiễm quên đi được nhiều sự trên đời, đã chỉ cấp cho tác giả những „ trò chơi màu rẻ tiền", „nông cạn và ngập cát“, như ông đã viết cho Lou Andreas-Salomé (2) vào ngày 12.05.1904. Một lời mời tới Thụy Điển cho phép nhà thơ lại có thể rời Roma ngay vào tháng Sáu, và không chần chừ, ông làm ngay việc đó.

Trên đường đi xuống vùng miền nam, Rilke không có bài thơ sonnet „Đài phun La mã“ trong hành lý, bởi mãi đến tháng Bảy năm 1906 bài thơ mới thành hình tại Paris. Nhưng hẳn ông phải phải canh cánh bên lòng hồi tưởng về khu vườn Borghese, đối với ông và người vợ của mình „ngay từ những ngày đầu trở thành một điểm nương náu thân thương“ (thư gửi Arthur Holitscher (3) viết ngày 05.11.1903). Sự tĩnh lặng của khu vườn nằm trên Hành lang bậc điện Tây Ban Nha hồi phản và nhân đôi đồng đều trong chuyển vận tĩnh mịch và mơ mộng của một trong những bồn phun của vườn. Không một tia nước phun lên, không có gì chảy và rơi như trong bài thơ „Giếng phun La mã“ của Conrad Ferdinand Meyer (4) cũng tương tự như vậy lấy cảm hứng từ bồn giếng phun Borghese.

Ở đây tất cả mọi nội động của rơi xuống và dâng lên đều hoàn toàn chừng mực, hoàn toàn nhẹ nhàng như lùi vào hướng nội. Gần như muốn ngụ ý rằng, giếng phun có nguy cơ trở thành một khe nước, Rilke đã phân định cho nó ít áp lực và ít động lực như thế đó. Và người ta thiên về việc cùng bài thơ „Giếng“ của Rilke viết vào năm 1885 xướng to lên một cách đầy hối tiếc: Mất sạch rồi nền cũ/ Thơ ca giếng vàng son/ Bởi từ khe miệng sò của Triton (5)/ một dòng suối trong veo líu lưỡi/ đã cho các ngõ cụt mượn lời. Mà tuy thế, ngay chính ở đây điều Rilke quan tâm không phải là chiếc giếng như hình tượng chẳng những không của sức thiên nhiên mà cũng chẳng của sức cường sinh trào dâng hay là được điều tiết. Hơn là thế, chiếc „Đài phun La mã“ của biệt thự Borghese trở thành địa điểm của u tịch, của những sắc thái biểu cảm được xoa dịu và của tự thân viên mãn phản chiếu.

Trong bài thơ sonnet lập từ một câu duy nhất, bức tranh của một cuộc gặp gỡ bản thân thầm kín không nỗi đớn đau chia sẻ với chúng ta. Tức là ở đây cũng có một sự cho và nhận, một sự mơ và tỉnh giấc, một sự nói và im lặng, một sự chỉ ra và nhìn thấy: mà thế đấy tất cả chỉ xảy ra nội trong một bồn nước phun; không có cái tôi trữ tình, khiến không một kẻ quan sát phải vươn người qua thành bể – và không có nỗi đau đớn của tàn phai thường mỗi ánh mắt nhìn vào trong gương dạy cho ta biết.

Đó tự thân là nước được vận động từ nước, và sự run rẩy của nó được Rilke biến đổi thành một nụ cười và cái đó thú vị sao thành tấm gương của bầu trời, nhưng hoàn toàn không có „nỗi nhớ nhà“ và chỉ tự tại bên nó mà thôi. Nhưng mà „tự lặng lẽ lan ra và không nỗi nhớ nhà“, điều đó cho ta đọc thấy như một giấc mơ nguyện của một kẻ bất an, tuy đã có nỗi nhớ nhà, nhưng không có nhà; kẻ chẳng những đã không muốn nhào ngã mà còn không muốn chôn chân, luôn tỏa vòng lan xa từ một trung tâm duy nhất của nó.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000)
.

Đài phun La mã

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Hai bồn nước, một song le cao vượt
trên một bể khuôn đá cẩm thạch cũ hình tròn
từ bồn trên nước nghiêng mình rót nhẹ
xuống dưới lòng nước sẵn đứng chờ luôn

im lặng mở lòng đón dòng thầm thì nói
và kín đáo, phân đều trong vốc rỗng bàn tay
chỉ cho thấy bầu trời sau tán xanh và tăm tối
thấy như là một vật thể chẳng ai hay

lặng lẽ lan ra trong đáy khuôn xinh đẹp
vòng loang vòng, không nỗi nhớ nhà
chỉ thư thoảng mộng mơ và đọng giọt nhỏ ra

hạ trú ở những cột rêu phong rủ xuống
tới tấm gương cuối, làm bể nước khẽ khàng
từ đáy mỉm cười tỏa những bước chuyển sang.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Römische Fontäne

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Zwei Becken, eins das andere übersteigend
aus einem alten runden Marmorrand,
und aus dem oberen Wasser leis sich neigend
zum Wasser, welches unten wartend stand,

dem leise redenden entgegenschweigend
und heimlich, gleichsam in der hohlen Hand,
ihm Himmel hinter Grün und Dunkel zeigend
wie einen unbekannten Gegenstand;

sich selber ruhig in der schönen Schale
verbreitend ohne Heimweh, Kreis aus Kreis,
nur manchmal träumerisch und tropfenweis

sich niederlassend an den Moosbehängen
zum letzten Spiegel, der sein Becken leis
von unten lächeln macht mit Übergängen.

Bản tiếng Anh

Roman Fountain

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Two basins, one above the other, soaring
Out of an old round marble fountain base.
And water gently from the top one pouring
Down to the nether water's waiting place.

Which, this soft speech with silence answering,
As if in its hand's hollow secretly
Behind the green and gloom shows it the sky.
As if the sky were some strange unknown thing;

And spreading meanwhile in the beautiful
Bowl, its calm circles no nostalgia know,
Yet drop by drop of it, as if in dreams,

Down-hanging mosses now and then will fall
To the last surface, where the basin seems
To smile up softly with each overflow.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức

Hans-Ulrich Treichel (sinh năm 1952): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn, nhận các giải thưởng có thể kể Giải thưởng Hermann Hesse, Giải thưởng Văn học Eichendorf và Giải thưởng phê bình Đức.

(1) Clara Westhoff (1878 – 1954): Nữ họa sĩ, nhà điêu khắc Đức, kết hôn với Rainer Maria Rilke vào năm 1901, cuộc hôn nhân với nhà thơ tan vỡ năm 1903.

(2) Lou Andreas-Salomé (1861-1936): Nữ nhà văn, nhà viết tiểu luận và nhà phân tâm học người Đức gốc Nga. Vào những năm 1989-1900 Rilke đã hai lần cùng bà du lịch nước Nga, nơi ông gặp Leo Tolstoi và Boris Pasternack.

(3) Arthur Holitscher (1869-1941): Nhà văn viết du ký, nhà tiểu luận, nhà tiểu thuyết và kịch tác gia.

(4) Conrad Ferdinand Meyer (1825-1898): Nhà thơ, tiểu thuyết gia, thuộc về những nhà văn người Thụy Sĩ quan trọng nhất viết tiếng Đức ở thế kỷ 19.

(5) Thần biển trong thần thoại Hy Lạp.

Bài đăng VHNA


Một chàng trai yêu một cô gái

Marcel Reich-Ranicki

Một tin điện tín của Heinrich Heine? Marcel Reich-Ranicki đọc bài thơ „ Một chàng trai yêu một cô gái“ như vậy và ngoài ra còn tìm thấy „ sự chiết giảm“. Trong những tuần tới, ở mục này chúng tôi sẽ phổ biến những bài viết chọn lựa từ ngòi bút của Marcel Reich-Ranicki (Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung).

Heine, kẻ cuồng dâm mục tử được người đời sau ưa tương truyền rằng, ông là nhà thơ cuồng loạn nhất, trong thực tế lại là nhà thơ dút dát nhất. Như thế, chúng ta biết dẫu nhiều lắm cũng coi như không biết gì về những nghiệm trải tình ái làm nền tảng cho những câu thơ của ông. Bài thơ „Một chàng trai yêu một cô gái“ trích từ tập „Khúc tình ca“ (1) thuộc về những ngoại lệ ít ỏi ấy.

Sự việc đã từ lâu được làm sáng tỏ: Chàng Heine trẻ tuổi yêu cô em họ tên là Amalie sống ở Hamburg, cô gái chẳng muốn biết một tí gì về chàng, bởi cô đã phải lòng một cậu trai khác, mà gã trai đó lại ưu ái tình cảm cho cô ả khác nữa, khiến cho nàng Amalie bực dọc vội vã cưới ngay một tay tên là John Friedländer người vùng Đông Phổ. Heine tan cuộc thế là tay trắng thất vọng và cay cú, như thế nào thì người ta có thể nghĩ ra rồi đấy. Rất nhiều lần Heine thổ lộ về chuyện này trong thư từ gửi cho bạn bè, tuy không thật cụ thể, nhưng hoàn toàn không sai lệch về sự chuyện này.

Một bài thơ phong cách điện tín

Bài thơ kể về một sự việc. Nhưng cách trình bày lại không quen thuộc. Bởi vì ở đây không có miêu tả hoặc trình bày, ở đây chỉ có những thông báo sắp đặt cạnh nhau, ở đây chỉ có tổng kết lại. Không thể ngắn gọn và sát thực tế hơn: Đối với một vụ lùm xùm tình ái dây dưa tới những năm người, Heine chỉ cần có hai khổ thơ với tổng cộng tám câu thơ ngắn. Ngữ vựng thơ, dạo đó vào năm 1822 ông từng khai thác khá đầy đủ, được tránh dùng. Chúng ta không thấy ở đây nào ánh trăng, nào trời đêm lộng lẫy, nào ánh bình minh, và không những chẳng có rừng, mà còn không có cả đồng nội, không có những đóa hoa yêu kiều và những hàng cây tỏa bóng. Chúng ta không hề biết một chút gì hết đại loại về đôi mắt, đôi má và đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô nàng.

Chỉ có từ ngữ thông dụng nhất được đem ra sử dụng, đó là những từ của thường nhật khô khan. Một cách lạnh lùng và lãnh đạm tác giả báo cáo, nhưng sao lạnh lùng một cách nổi bật và sát thực một cách nhấn nhá tới mức người ta ngay lập tức dò đoán, tác giả muốn che giấu điều gì đó. Những xác quyết ngắn gọn cho thấy một bút pháp sau này sẽ được người đời gọi là phong cách đánh điện tín. Còn chúng đi tới kết quả gì, thì tiếng Đức không cấp từ nào cho ta cả (một tình cảnh thật thú vị). Chúng ta phải dùng một từ lạ để hỗ trợ cho mình: Understatement (sự chiết giảm). Kết quả tổng kết đó mới làm cho rõ ràng hơn: Trong hai khổ thơ truyền tin, chúng ta phải liên lụy tới một „ sự chiết giảm“ gào thét.

Câu chuyện này cũ kỹ và tầm phào, tuy nhiên đồng thời rất mới cho kẻ nào phải trải nghiệm. Bởi vì đớn đau đẩy lùi đi mọi xúc động khác. Và thực chứng hàng triệu người đã từng khổ đau và đồng thời còn chịu khổ đau bởi điều tương tự, thì cái chuyện thật đó cũng không phải là sự an ủi. Nó gieo vào ai, đúng hơn là gieo trúng vào ai, thì người đó trái tim vỡ làm đôi (tới giờ mới có một ảnh hình thi vị như một hòa âm kết thúc. Theo sát những vần cứng rất nam tính, (erwählt – vermählt, Mann – dran), như lừa bày ra một trật tự, chỉ là một cước vận nằm trong khổ thơ thứ ba. Nếu như Heine chú tâm vào điều đó, chắc hẳn ông đã tìm ra một vần thuần túy hòa hợp với „neu“ (tinh khôi). Nhưng ở đây ông đã muốn có một vần không thuần âm, ấy chính là vần nửa thuận hòa. Từ vận mà ông chọn „entzwei“ (làm đôi) – vang lên như một tiếng kêu tuyệt vọng: cái từ này như chống lại sự hài hòa.

Có điều câu thơ đầu tiên ở khổ cuối lại là một lời trích dẫn bản thân: Trong một bức thư gửi người bạn viết về Amalie, ông đã miêu tả nàng ta là một „vách đá khiến lý trí của tôi tan tành ra mây khói“. Và rồi còn bổ sung: „ Ấy là một câu chuyện cũ“. Tan tành ư? Vâng, chính bởi tình yêu „ nhìn bằng tấm lòng chứ không nhìn bằng mắt. Và tấm lòng của nó là thứ không bao giờ đáng dùng để đưa ra lời phán xét“. Điều này từ cái ông đó mà ra, người có tác phẩm Heine gọi là „Phúc Âm trên trần thế“: chính là Shakespeare (2).

Trong nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thi ca Heine, Robert Schumann (3) là người đáng hưởng ngôi cao trọng. Tuy nhiên ông lại hiểu sai chính bài thơ „ Một chàng trai yêu một cô gái“ (khổ sao lại mỗi bài thơ duy nhất này). Ông đã không xác định được nhịp đi cho bài thơ, thế cho nên bài này luôn liền mạch được hát nhí nhảnh và rộn rã – và bài hát tất cũng không cho phép hát khác. Chúng ta ít nghe thấy cái nền âm hưởng đằng sau u ám, báo động cũng như tiếng gào thét của kẻ đang yêu. Schumann đã nhìn bỏ sót mất kịch tính ẩn giấu giữa những dòng viết. Cho nên cả cái khúc trì nhịp Ritardando (4) ở câu „Gieo phải ai người nấy chịu“ rồi cũng không cứu vãn được nào. Sau những lời hát cuối cùng, tiếng đệm ngay lập tức lại quay trở về tiết tấu ban đầu, gấp gáp và rộn rã. Schumann đã làm nhiều bài thơ của Heine trở nên đẹp và giàu hơn, tuy nhiên ông lại làm bài này nghèo đi. Nhưng bài thơ hoàn hảo, không cần nhạc.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I
Có thể xem: FAZ

Một chàng trai yêu một cô gái

Heinrich Heine (1797-1856)

Một chàng yêu một cô gái
Cô này chọn một anh kia
Anh kia lại yêu nàng khác
Đính hôn với cả người ta.

Cô gái bực mình liền cưới
Cái ông khá nhất đầu tiên
Trên đường mình gặp quàng xiên,
Chàng trai đắng lòng cay cú.

Ấy là một câu chuyện cũ
Giở ra vẫn mới tinh khôi
Gieo vào ai người nấy chịu
Trái tim y vỡ làm đôi.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Ein Jüngling liebt ein Mädchen

Heinrich Heine (1797-1856)

Ein Jüngling liebt ein Mädchen,
Die hat einen andern erwählt;
Der andre liebt eine andre,
Und hat sich mit dieser vermählt.

Das Mädchen heiratet aus Ärger
Den ersten besten Mann,
Der ihr in den Weg gelaufen;
Der Jüngling ist übel dran.

Es ist eine alte Geschichte,
Doch bleibt sie immer neu;
Und wem sie just passieret,
Dem bricht das Herz entzwei.

Bản tiếng Anh tham khảo

A boy loves a girl

A boy loves a girl,
Who chooses another;
He in turn loves another
And marries her.

The girl, out of pique,
Takes the very first man
To come her way;
The boy is badly hurt.

It is an old story,
Yet it remains ever new;
And he to whom it happens,
It breaks his heart in two.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh và Đào Xuân Quý.

(1) Lyrisches Intermezzo: gồm 67 bài, hình thành trong những năm 1822-1823, chiếm vị trí quan trọng trong Tập Tình Ca (Buch der Lieder). Intermezzo trong âm nhạc là khúc đệm giữa hai đoạn.
(2) William Shakespeare (1564 – 1616): Nhà soạn kịch, nhà thơ và diễn viên người Anh, tác gia thuộc hàng đầu của văn chương thế giới.
(3) Robert Schumann (1810-1856): Nhà soạn nhạc, danh cầm piano và nhà phê bình âm nhạc Đức của trào Lãng mạn.
(4) Ritardando: Trong âm nhạc chỉ khúc trì nhịp, chậm dần lại.

Bài đăng VHNA


Mùa thu của cảm xúc

Rainer Gruenter

Bài thơ khai mạc chùm thơ gồm mười một bài dẫn nhập chương „ Năm của tâm hồn“. Bài thơ mang hoa tự khai chương trọn gửi gắm vào mùa thu. Sự vật và tiến trình vẽ lên năm vào kỳ muộn. Với một từ ngữ của người trồng nho, „sau kỳ lựa hái“ mô tả trạng thái tâm tư của cảm xúc bắt đầu điệu vũ vòng của bốn mùa bằng một cuộc chia ly. Chia ly một người bạn tình, một người đàn bà, người tháp tùng của một mùa hè đã sống trọn qua.

Cuộc chia ly này là một lời mời vào trong „công viên đồn đã chết“. Nhà thơ không tìm kiếm thiên nhiên tự do, không tìm cảnh hoang sơ vắng những lối mòn thành vết và những biên giới kẻ hàng, mà là công viên. Công viên là thiên nhiên được xếp sắp và trang điểm. Những tố chất tự nhiên, cây, nước, đồi, hoa, được tin cậy gửi vào một chương trình chỉnh trang sắc đẹp nhằm biến đổi và tân tạo chúng. Chúng được sàng lọc, tinh lựa, phối trí. Công viên là paysage idéal – phong cảnh lý tưởng - của nghệ nhân trồng vườn, của người anh em sinh đôi cho người họa sĩ vẽ phong cảnh. Công viên là một tác phẩm nghệ thuật, là paradis artificiel – một thiên đường chế tác -.

Với người trần tục, „công viên đồn đã chết“ của nhà thơ nguyên còn đó giấu mình và khép kín. Công viên hàm nghĩa là nhà thơ và đồng thời là thi ca, sự khép kín nổi bật trước cái xấu, cái tàn tệ của thời đại, cái thông điệp tiền Raphael (1) của cái đẹp, cái ý hình mang chất Mallarmé (2) của sự tinh khiết. Lời mời vào công viên là một sự lựa chọn thử thách. Điều này phân biệt (sự mời) với một sự chèo kéo gợi dục đưa tình. Cậu khóa ấm của cái đẹp không là người bạn tình chóng vánh của đam mê.

Khổ thơ đầu được tính về những chứng chỉ đẹp nhất của lễ hội phong cảnh trong thơ trữ tình. Hoffmannsthal (3) đã hiến dâng cho nó một cuộc chuyện trò giả tưởng. Người ta luôn hỏi chất cổ điển đọng lại trong thơ Đức nơi đâu. Không chần chừ, tôi chỉ ngay vào khổ thơ này. Cái thể chất ngôn từ được gột rửa khỏi mọi hoa mĩ và tếu táo. Không có sự giải tỏa ngôn từ và khát thèm cái mới, không có màn ảo thuật mù mờ về ngôn ngữ, không có trấu cám màu mè của sự nhạy cảm đến tuyệt kỹ.

Những từ như triền nước, ao, lối mòn là những chuẩn mực - ngôn từ, chuẩn mực của cổ điển đối lại cái lệch chuẩn gây ngỡ ngàng của ngôn từ và đối lại sự mê cuồng ngôn ngữ của cái tôi trữ tình hiện đại. Những chuẩn mực đó cho phép thi sĩ làm hiện ra phong cảnh của mình trong những khuôn mẫu lớn của phong cảnh lý tưởng cổ điển, là vùng quê sông Ranh (Rhine), trải dài với những hòn đảo, thung lũng và bờ sông ở miền nam thị trấn Bingen.

„Những triền nước xa le lói ánh cười / Màu lam không chờ của nguyên chất mây trời“. Đây là phong cảnh của Poussin (4) mà biểu tượng mây trời, không gì sánh được, tương hợp với câu thơ về mây của thi sĩ. Công viên của thi sĩ tỏa soi trong ánh sáng của phong cảnh này. Nó chiếu sáng ao hồ và những lối mòn. „Công viên đồn đã chết“ đan luống vào chất cổ điển được lưu truyền lại.

Màu của phôi pha là màu của lịch lãm. Màu vàng sâu vợi, màu xám mềm là những tương phản màu sắc tinh tế của chừng mực. Của một sự chừng mực, thuộc tính nó là chia ly, của nỗi buồn khách quan nội sinh trong đó, của sự bất biến không những của nhãn quan, mà còn là của tình thế. Những bông hồng muộn màng, hình thể của sự nhợt nhạt cao quý, vẫn „còn chưa úa hết“. Người ta biết, cái „còn“ này mang những giờ sẽ điểm, và sau đó sẽ không còn ai sống vào giấc mơ của người khác. Nhưng xúc động thống thiết của ly biệt không cam chịu một sự phân tán. Ngay cả trong đau đớn nó cũng đòi tư thế chỉn chu, sự giữ mình và diễm lệ. Trong một vẻ trang trọng êm ru, vòng hoa đan của những hồi tưởng kết nối những ảo ảnh lừa mị đẹp đẽ với những lời hứa, có hương vị héo úa của những bông đồng tiền cuối, với tán lá tím hồng của những chùm nho dại, những lời thề thốt và những nụ hôn không đơm trái quả. Và những gì còn lại ở những cảm xúc, những hy vọng nhỏ nhoi không sao thỏa mãn nổi, ở đời xanh của mùa thu yêu đương, cho phép „gắng qua“ đan xen vào vòng hoa của thất bại không thể nào gỡ gạc do mùa thu của cảm xúc mang lại cho mùa hè.

Độc giả của bài thơ này, những công dân của một nền văn hóa gợi tình, từng quen với những thiết chế tháo gỡ của cách tránh né xung đột và sự biện hộ cho hành vi vứt bỏ, sẽ khó khăn tiếp cận với mười hai câu thơ này, kể cả khi họ chưa quên đi cách đọc và cách hiểu mang tính lịch sử của những thái độ xử trí như vậy. Thái độ ấy là nỗi buồn - con đẻ của nhận thức -, phải đi mất và phải gạt bỏ đi, nếu người ta muốn là người, nếu người ta muốn sống. Vậy đó, cả nỗi buồn cũng thuộc về quyền ưu đãi của tâm hồn, đã tàn tạ trong cú đổ ngã của những quyền ưu ái ở những năm về cuối. Công viên đồn đã chết thực đã chết.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki chọn lựa, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000)

Chú thích của người dịch:

Stefan George (1868-1933): Nhà thơ Đức, ban đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, sau chủ trường dòng thơ thuần mỹ “ nghệ thuật vị nghệ thuật” quảng bá trong Tờ Nghệ thuật và rồi dần xa lánh, cuối cùng bản thân ông trở thành tâm điểm của một nhóm thơ có quan niệm thẩm mĩ- triết học riêng mang tên mình, “Nhóm George”.

Rainer Gruenter (1929-1993): Giáo sư, tiến sĩ ngữ văn, nhà sử học Đức, từng giữ cương vị hiệu trưởng và giảng dạy ở những trường Đại học Tổng hợp Heidelberg, Köln, Berlin và Mannheim.

(1) Raffael (Raffaello Santi, Raffaello Sanzio, hay Raphael , *1483 – † 1520): Họa sĩ và kiến trúc sư người Ý thời đỉnh điểm Phục hưng.

(2) Stéphane Marllarmé (1842-1898): Nhà văn, nhà thơ Pháp. Những bài thơ của ông được coi là những tác phẩm chính của chủ nghĩa tượng trưng. Cùng với Rimbaud, Verlaine und Baudelaire, ông là một trong những người mở đường quan trọng nhất cho thơ hiện đại.

(3) Hugo Laurenz August Hofmann, Edler von Hofmannsthal (1874-1929): Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Áo, đại diện quan trọng của phái Suy đồi và Hiện đại Vienna.

(4) Nicolas Poussin (1594 – 1665): Họa sĩ Pháp thời Baroque- Cổ điển, tác phẩm trong sáng lý tính, có nhiều yếu tố cấp tiến gây sự chú tâm nghiên cứu ở các họa sĩ hiện đại từ Paul Cezane, Pablo Picasso tới Francis Bacon.

Hãy vào ngó công viên đồn đã chết

Stefan George (1868-1933)

Hãy vào ngó công viên đồn đã chết:

Những triền nước xa le lói ánh cười
Màu lam không chờ của nguyên chất mây trời
Chiếu sáng mặt ao và lối mòn nhiều sắc.

Nhận từ bạch dương và hòang dương nơi đó
Gam phớt vàng, màu non xám; gió mơn man
Nay hồng muộn vẫn còn chưa úa hết
Hãy tinh lựa, hôn lên và kết bó hoa đan.

Cũng đừng quên những bông đồng tiền cuối
Màu tím hồng quanh nho dại dây lan.
Và cũng chút gì ở đời xanh còn lại

Nhẹ gắng qua trên gương mặt thu tàn.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:


Komm in den totgesagten park und schau…

Stefan George (1868-1933)

Komm in den totgesagten park und schau:
Der schimmer ferner lächelnder gestade ·
Der reinen wolken unverhofftes blau
Erhellt die weiher und die bunten pfade.


Dort nimm das zarte gelb · das weiche grau
Von birken und von buchs · der wind ist lau ·
Die späten rosen welkten noch nicht ganz ·
Erlese, küsse sie und flicht den kranz ·


Vergiss auch diese letzten astern nicht ·
Den purpur um die ranken wilder reben ·
Und auch was übrig blieb von grünem leben
Verwinde leicht im herbstlichen gesicht.

Bản tiếng Anh tham khảo:

Come to the Park they said was dead

Stefan George (1868-1933)

Come to the park they said was dead. Pursue:
the shimmer of remote and shining harbors,
of purest clouds' quite unexpected blue
illuminating ponds and colored arbours.

Take here the yellow deep, the subtle grey
of birch and boxwood. Mild are winds today
and latest roses still your eye will find.
Select them, kiss them, and a garland wind:

Do not forget late asters, and embrace
the crimson round the tendrils of wild vine,
and what remains of verdant life, align
and twine to features of your autumn's face. 

© PKĐ – 2014 - Bài đăng VHNA


Người du kích giữa các phe đảng

Walter Hinck

Tại sao nhân vật thần thoại Icarus lôi cuốn sức tưởng tượng của chúng ta nhiều hơn so với người cha Daedalus (*), tại sao người con quả cảm, nhưng đã không tuân thủ lời khuyên của cha và nhào rơi lại hơn người phát minh ra đôi cánh nhân tạo đã thành công thí nghiệm và như vậy cả cuộc chạy trốn qua biển cả thoát khỏi mê cung đảo Crete.

Bởi người thành công tuy gợi lên lòng ngưỡng mộ, nhưng người thất bại lại gợi lên tình thương cảm của chúng ta. Bởi vì cái không hoàn hảo gây xúc động trong ta hơn là cái tuyệt hảo. Bởi vì, cũng hay chính vì trong một thời đại trái đất bao bọc bởi một mạng lưới dầy những tuyến bay, với sự bất an của cuộc tồn thế, chúng ta nhận ra chính mình trong thân phận Icarus hơn là Deadelus?

Trong một „Lời nói đầu“ của tập thơ-ca khúc „ Icarus nước Phổ“, Wolf Biermann cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự, và khúc ballad này là câu ông đáp lời. Dịp may xuất hiện ba khổ thơ cứ cho là rất ngoại cảnh, nhưng sự hòa đồng bản sắc của Biermann với thần Icarus không như vậy. Một người bạn, theo ông kể, đã phóng máy chụp bức ảnh ông trước con đại bàng nước Phổ đúc bằng sắt trên cầu Weidendammer ở Berlin đã sống qua ngày cuối cùng của nhà nước Phổ. Tấm ảnh, in trên trang phá của cuốn sách, trong một giây lát đánh thức cảm giác như đôi cánh rủ xuống đang mọc trên vai của Biermann. Ít ra cái màn dựng „nửa đùa giỡn“ cấp cảm hứng cho bài ballad này.

Thế còn ở đâu sự tương ứng với tình thế của vị thần Icarus bị giam cầm trong mê cung, chẳng còn có gì mà sinh nghi ngờ cả: như hòn đảo Crete, nước CHDC Đức một „đảo quốc“, tất nhiên rồi không có sóng cả dồn dập đập quanh, mà kềm cặp quanh bởi dây thép gai và những họng súng máy. Sự tồn tại trong o bế đã trở thành bản thể tự nhiên thứ hai của con người, hàng rào dây thép gai cắt một lát sâu vào tư duy con người. Ở đó thấy được một di sản của thứ tinh thần con đại bàng Phổ ở đây đại diện – một thứ di sản cũng được Bertolt Brecht (1) quan sát : „Những thói quen, luôn còn“, ông ấy (Brecht) đã khái quát một trong những „Bi ca Buckow“. Ông đã bình luận lời hiệu lệnh „Ăn đi“ :“ Con đại bàng Phổ/ Nó chặt cậu trai/ Tống thức ăn vào mồm“.

Biermann tiên cảm, có một lần nào đó cái con chim đáng ghét sẽ giơ vuốt quắp ông, cho ông trở thành một thần Icarus thứ hai. Cái kết của bài ballad là sự nhìn thấy trước sự nhào rơi. Nhưng kết cục này có khác đi sau sự tước quốc tịch Cộng hòa dân chủ Đức vào năm 1976. Ông đã nói về nỗi sợ hãi trước „sự nhào rơi một ngày nào“. „Một ngày tồi tệ nào đó ở phía Tây. Nếu như tôi phải sống ở phía Tây, điều này tôi đã biết, tôi sẽ không bao giờ lại viết thêm một dòng“. Nỗi sợ hãi này đã tỏ ra không có cơ sở.

Dẫu bị lưu đầy, thế đó kẻ trở về Hamburg, nói bằng một nghịch lý của Heinrich Böll (2), đã là một người bị xua-đuổi-về-chốn-quê-hương, và người làm bài hát đã không nghĩ đến chuyện câm tiếng ở phía Tây. Hoàn toàn ngược lại, với những cuộc phỏng vấn, với những bài ca và ballads ông đã dần đưa mình vào tình thế bị ghét bỏ. Người cộng sản không thể khá, con trai của một người thợ xưởng đóng tàu Do thái bị giết chết trong trại tập trung Auschwitz, đã không hề run sợ trước sự thóa mạ và dọa dẫm của những kẻ cực hữu và không để cho bất cứ nhóm nào của cánh tả chia rẽ biến mình thành thánh sống. Ông là người du kích giữa những đường lối của các phe phái và những học thuyết của họ.

Heinrich Heine, bên cạnh Francois Villon (3) và Bertolt Brecht, một trong những người cha tinh thần trong văn học của Biermann, đã tìm ra cho người ca hát tự do Georg Herwegh(4) một hình ảnh chua cay về con chim sơn ca bằng sắt, cất cánh vút lên trời cao, nhưng mà „mất trái đất trong gương mặt“. Người làm bài hát Biermann, cương nghị khẳng định tự do truyền khẩu của cá nhân đã như thần Icarus giữ được mặt đất trong con mắt mình, kể cả khả năng rơi nhào, và thất bại.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng). Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki. Insel Verlag 2000

Khúc ballad về thần Ikarus nước Phổ

1.
Nơi con phố Friedrich
soải bước trên dòng nước Spree
vắt trên sông kia cầu Weidendammer
anh khá thấy con đại bàng nước Phổ
mỗi lúc tôi bên lan can đứng đó.

Thì đứng đó thần Ikarus nước Phổ
với đôi cánh xám bằng gang đúc nặng nề
hai cánh tay làm nó nhức tê
không bay đi – không nhào xuống
không đập gió – không làm ra uể oải
trên lan can dòng nước Spree.

2.
Dây thép gai dần lớn đâm xuyên
sâu vào da, vào đùi vào ngực
vào sọ não, vào tế bào xám xịt
và xiết vòng dây thép ngang lưng
Đất nước chúng ta là một đảo quốc
đập cồn quanh bởi những đợt sóng chì.

Kia đứng đó thần Ikarus nước Phổ
với đôi cánh xám bằng gang đúc nặng nề
hai cánh tay làm nó nhức tê
không bay đi – không nhào xuống
không đập gió – không làm ra uể oải
trên lan can dòng nước Spree.

3.
Và nếu anh muốn bỏ đi, anh phải đi
Tôi đã thấy nhiều người trốn mất
từ đất nước của chúng ta nửa cắt
Tôi trụ chặt nơi đây, cho tới khi
con chim đáng ghét, xổ vuốt ra
và lạnh lùng kéo tôi qua biên ải.

Thì đứng đó tôi - thần Ikarus nước Phổ
với đôi cánh xám bằng gang đúc nặng nề
hai cánh tay làm tôi đó nhức tê
thì tôi bay cao – rồi sau tôi nhào xuống
đập ít gió – rồi làm thân uể oải
trên lan can dòng nước Spree.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Ballade vom preußischen Ikarus

1.
Da, wo die Friedrichstraße sacht
Den Schritt über das Wasser macht
da hängt über der Spree
Die Weidendammerbrücke. Schön
Kannst du da Preußens Adler sehn
wenn ich am Geländer steh

dann steht da der preußische Ikarus
mit grauen Flügeln aus Eisenguß
dem tun seine Arme so weh
er fliegt nicht weg - er stürzt nicht ab
macht keinen Wind - und macht nicht schlapp
am Geländer über der Spree

2.
Der Stacheldraht wächst langsam ein
Tief in die Haut, in Brust und Bein
ins Hirn, in graue Zellen
Umgegürtet mit dem Drahtverband
Ist unser Land ein Inselland
umbrandet von bleiernen Welln

da steht der preußische Ikarus
mit grauen Flügeln aus Eisenguß
dem tun seine Arme so weh
er fliegt nicht hoch - und er stürzt nicht ab
macht keinen Wind - und macht nicht schlapp
am Geländer über der Spree

3.
Und wenn du wegwillst, musst du gehen
Ich hab schon viele abhaun sehen
aus unserm halben Land
Ich halt mich fest hier; bis mich kalt
Dieser verhasste Vogel krallt
und zerrt mich übern Rand

dann bin ich der preußische Ikarus
mit grauen Flügeln aus Eisenguß
dann tun mir die Arme so weh
dann flieg ich hoch - dann stürz ich ab
mach bisschen Wind - dann mach ich schlapp
am Geländer über der Spree.

Chú thích của người dịch
:
Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người Do thái ủng hộ cộng sản chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble* 1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát *Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên* 1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ * 1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. * Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolfs Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức
phê phán chế độ, phản kháng chủ nghĩa toàn trị ở CHDCĐ.* 1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität * Nhận nhiều giải thưởng Văn chương* 2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.

Walter Hinck: Sinh năm 1922, nhà ngữ văn Đức giảng dậy tại Viện tiếng Đức và Văn học thuộc Tổng hợp Köln. Năm 1977 ông được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Nordhein-Westfalen.

(*): Icarus và Daedalus hai cha con trong thần thoại Hy lạp.
(1) Bertolt Brecht (1898-1956): Nhà thơ, kịch tác gia Đức.
(2) Heinrich Böll (1917-1985): Nhà văn Đức, nhận giải Nobel Văn chương năm 1972.
(3) Francois Villon (1431-1463): Nhà thơ Pháp, tác gia quan trọng thời hậu trung cổ.
(4) Georg Friedrich Rudolph Theodor Herwegh (1817-1875): Nhà thơ cách mạng-xã hội chủ nghĩa trước Tháng Ba 1848, đương thời gắn bó với tầng lớp thợ thuyền Đức.


Bài thơ Hạt đen của Sahra Kirsch

Marcel Reich-Ranicki 

Tôi đau khổ. Hay là: tôi bất hạnh. Hoặc là: tôi hoang mang. Đó là tất cả những gì Sahra Kirsch muốn nói với chúng ta trong bài thơ của mình. Có thật không nhiều hơn không? Không. Cũng để làm chi cơ chứ? Tôi biết mà, có rất nhiều trường ca triết học đồ sộ, những tụng thi chính trị và những thơ trào lộng giàu trí tuệ. Và vân vân. Nhưng ai muốn chia sẻ suy tư, người đó có thể viết bài báo hoặc cho phỏng vấn hoặc viết tiểu luận. Tôi tin tưởng rằng, ngược lại, bài thơ chỉ biểu đạt cái mà nó không cho phép biểu đạt theo một phương cách khác. Vậy là trước tiên và trước hết cứ phải là tình cảm, khí trạng, khổ đau, hy vọng, nhớ nhung và cay đắng. 


Tranh của © Edward Hopper (1882-1967) họa sĩ Mỹ

Sahra Kirsch không muốn biết một tý gì về thơ suy tư. Cái chất sư phạm cũng không phải là vụ việc của bà, cử chỉ của người tuyên truyền đối với bà xa lạ như tham vọng của người khai sáng. Thơ của bà là một sự tự thú và tự diễn, chủ đề chính của bà không khác gì hơn là tình yêu, là sự khốn cùng và nguyền rủa của tình yêu, là hạnh phúc và ân sủng của tình yêu. Bài thơ „Hạt đen“ trước tiên được in vào năm 1968 tại CHDC Đức, và ngay năm sau đó tại Đại hội nhà văn ở Đông Berlin, nữ tác giả (sống tại CHDC Đức cho tới năm 1977) đã bị phê phán cay nghiệt. Người ta nói là quá bi quan, quá ảm đạm. Rõ ràng bài thơ được nâng lên quan điểm về chính trị. Người ta có hiểu sai đi hay không? Không nhất thiết. Từng người một có thể cảm nhận thơ ca lớn - ở đây chúng ta dính dáng tới nó – theo cung cách riêng của mình.

Tôi đọc mười một câu thơ như một bài thơ tình. Hẳn nhiên là hoàn toàn không thể nói về tình yêu ở đây rồi – và tuy nhiên không thể nói về điều khác hơn. Một người đàn bà cô đơn. Cô ấy bất an, không kiên nhẫn. Cô nâng lấy một quyển sách lên tay, nhưng cô không thể tập trung được. Cô lại cất quyển sách đi. Cô ấy nhớ ra rằng, không chỉ cô có nỗi lo lắng, không chỉ riêng cô đau khổ, rằng đâu đó có chiến tranh. Nhưng mà cô không thể nghĩ về điều đó, bởi chưng cô không thôi bận tâm với chính mình.

Cô pha cà phê, cho anh ấy và cho bản thân mình. Anh ấy không tới, một mình cô đâu cần cà phê. Sự thiếu kiên nhẫn trở nên tồi tệ hơn, việc gì cô làm, không còn ý nghĩa, điều gì cô muốn, đều không thể, hạt cà phê xay không còn cho phép đóng hạt lại, bánh xe của lịch sử không cho phép quay ngược trở lại. Cô cởi áo xiêm ra, hẳn cho anh ấy người không tới, cô không chịu được sự cô đơn. Cô lại mặc áo quần vào. Cô trang điểm, chắc chắn cho anh. Cô lại rửa phấn son đi. Cô thử hát lên. Chẳng có gì giúp cho cô cả. Cô ở lại một mình, trống trải, cô đơn, cô còn lại„câm tiếng“. Cứ như thế một tiếng trống kết thúc bài thơ này lại.

Tất cả ở đây đều ngắn gọn và không hoa lá. Không có từ nào là không quen, không một chữ nào thừa. Chỉ miêu tả cái thường nhật. Tuy vậy đó là một bài thơ giàu kịch tính đây buồn bã và trầm tư, đầy nhiệt tâm. Chỉ có điều tất thảy những thứ đó ẩn giấu giữa các dòng, giữa những con chữ. Sahra Kirsch đã viết nên một cảnh nên thơ, tối và chua chát. Mà tuy thế những nhà làm chính sách văn hóa của đảng SED không hài lòng với bài thơ „Hạt đen“ chẳng hề là những cái đầu ngu.

Họ ngờ vực nữ tác giả. Họ đánh hơi ra rất đúng: Ai khao khát tình yêu như vậy, ai ca hát nỗi buồn như vậy, ai ca than vãn sự cô đơn như thế, sẽ không phù hợp với công cuộc xây dựng cái gọi là „chủ nghĩa xã hội“, chưa nói gây nguy hiểm. Họ có lý đấy, những cán bộ chức trách cảnh giác: Trong thế giới của họ khúc hát về tình yêu cũng là một bài thơ phản kháng, một bài thơ chính trị.

Bài tụng thi này thuộc về những đỉnh cao của thơ Đức sau 1945. Tôi hàm ơn và kính cẩn nghiêng mình trước Sahra Kirsch.

Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ


Hạt đen

Sahra Kirsch

Chiều chiều tôi nâng lên tay cuốn sách
Chiều chiều tôi buông sách rời tay
Chiều chiều tôi nhớ ra, có chiến tranh
Chiều chiều tôi quên đi từng cuộc chiến
Chiều chiều tôi xay cà phê
Chiều chiều tôi vo trộn cà phê xay 

đảo về những hạt đen đẹp
Chiều chiều tôi cởi ra và mặc vào
mới đầu tôi trang điểm sau đó rửa đi,
hát lên 

tôi câm tiếng.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Schwarze Bohnen

Sahra Kirsch

Nachmittags nehme ich ein Buch in die Hand
Nachmittags lege ich ein Buch aus der Hand
Nachmittags fällt mir ein es gibt Krieg
Nachmittags vergesse ich jedweden Krieg
Nachmittags mahle ich Kaffee
Nachmittags setze ich den zermahlenen Kaffee
Rückwärts zusammen schöne
Schwarze Bohnen
Nachmittags ziehe ich mich aus mich an
Erst schminke dann wasche ich mich
Singe bin stumm.

Chú thích của người dịch :

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Sahra Kirsch (1935-2013): Nữ nhà văn và nhà thơ Đức. Năm 1973 được bầu vào Ban thường vụ hội nhà văn CHDC Đức. Là một trong những người đầu tiên ký tuyên bố phản đối việc tước quốc tịch của nhà thơ và ca sĩ Wolfs Biermann, bà bị khai trừ khỏi đảng SED (Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức – đảng cộng sản). 1976 bà nhận giấy phép cho sang sống ở Tây Berlin. Năm 1992 khi được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, bà từ chối, bởi Viện Hàn lâm này mời chỗ ẩn náu cho văn nghệ sĩ từng là cộng tác viên của An ninh CHDC Đức cũ.

Lịch sử là nhà trưng bày

Eva Zeller 

Có gì đáng xem ở Budapest? Tất nhiên bức toàn cảnh thành phố đẹp nhất châu Âu, ở đó, nơi Buda và Pest hội nhất về hai bờ của dòng sông Danube. Sau nữa thật đáng để chiêm ngưỡng tám cây cầu, thành Lũy Vạn Chài, Nhà thờ thánh Matthias, Vương miện thiêng liêng của triều đại Stephan. Tuy nhiên „sự tham quan thành phố“ của Enzensberger đi ngược lại sự trông chờ phổ biến đó. Sự tính đếm buồn như tụng kinh của những thứ được coi là đáng thăm thú, gợi nhớ đến bài thơ sống vượt tình cảnh - bài thơ „Kiểm kê“ của Günter Eich (1) - : „Đây là chiếc mũ mềm của tôi/ Này là chiếc áo bành tô của tôi/ Đây là đồ cạo râu của tôi...“. Ba câu trong bài thơ của Enzensberger bắt đầu với „đây là“, ba câu bắt đầu với « ở đây ». Không, Enzensberger không dựa dẫm vào Eich (1); sự trình xuất tầm phào không sử dụng hình thức và sự vắng mặt của các tính từ chỉ tạo ra một sự tinh giản tương tự như của Eich, và „Chuyến du quanh thành phố“ cũng là bài thơ sống vượt tình cảnh vậy.
Xuyên suốt qua ba mươi ba câu thơ, tác giả giữ được sự thăng bằng hiểm nghèo giữa bất ngờ và điểm xuyết. Dần dà và từng bước ông đẩy người đọc vào điều không trù liệu được, nhưng cú sốc ngôn ngữ không được nâng lên thành nguyên tắc định ra phong cách. Enzensberger đã quyết nghiêng về chừng mực. Người tham gia chuyến du quanh này không được giải trí bằng những cái nhìn thoáng lướt, nhiều hơn vậy, cái nghịch lý gây choáng ngợp nói lên trong một hơi thở cái điều rất cách xa nhau về không gian và thời gian.
Những gì ở đây được chỉ ra giữa những hậu trường tuyệt tác, mang tính lịch sử, và tàn phế chính là cái sân khấu vô lý của lịch sử, dung tục, không ảo vọng, đối với sân khấu đó thực ra người ta thiếu ngôn từ để nói: “ Cái lưỡi ngập ngừng giữa những chiếc răng trẹo trọ“ như trong một bài thơ của Zbigniew Herbert (2) từng viết. Enzensberger ngờ vực từ ngữ, và thế đó đặt cược vào thụ cảm và cường độ của hình ảnh: đây...đó...kia... mà không được nhìn lướt qua, không được quên cái này: những nhà thơ nghèo, những nhà thơ không mua chuộc được, xưa ngồi trong các quán cà phê bên cạnh những viên mật vụ uống máu từ những tách nhỏ; đường phố nơi hoàng đế thường dạo xe long mã...đại lộ Gorki...Ban chấp hành trung ương; những nhà thơ giầu có, lầm bầm chửi; anh bạn Sandór, trước thế chiến thế giới thứ 2 đã chào đời tại đó. (Sandór: có phải một từ đồng nghĩa gọi những nhà thơ bị truy lùng ở đây cũng như nơi khác, những nhà trí thức vĩnh viễn khó ưa, những người giữ một khoảng cách với quyền lực?).
Nhanh như chớp người đọc phải bổ sung rằng, vậy thì mình đã bị đẩy vào tình cảnh nào. Như những tấm gương đặt sát lồng vào nhau trong pha lê soi thấu lẫn nhau, hồi phản những ảnh hình sang chấn ở một thành phố, và mặc cho số liệu nêu ra chuẩn xác về địa danh, thành phố này cũng hứng chịu cho những kinh nghiệm nếm trải của người đời trong những thành phố khác, ở Warsaw, Prague hay Santiago, ở Berlin trong những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỷ. Khói bốc lên, từ những xưởng đóng tầu, từ những lò sát sinh, „Bạn có nhìn thấy khói không?“, hai lần câu hỏi dồn dập.“ khói cũ trên trời Budapest?“. Cuộc du quanh thành phố như không có hồi kết. Người dự cuộc cảm thấy mình được hiệu triệu tiếp diễn bài thơ một cách thầm lặng.
Bằng ấy chất liệu đặt trong ít khổ dễ dẫn tới sính chất liệu, nếu như tất cả không được nói trong khi đi ngang qua, nói xen lề: trong khi đọc to lên người ta không cần phải nâng cao giọng. Sự khổ công viết như không trông thấy; tiềm năng nghệ thuật không bị phung phí qua việc quá nhấn nhá vào những ý định chính trị. Không có gì trượt xuống vở khuôn mẫu cả. Nhưng không thể tránh là cú đổ bất thình lình xuống thực tế hiển nhiên: lịch sử là nhà trưng bầy.

©Phạm Kỳ Đăng dịch

Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Chuyến du quanh thành phố

Hans Magnus Enzensberger

Chỗ đó bên kia, người đánh giầy
ngồi cúm rúm, không còn cần giầy nữa
bởi lẽ hai đùi ông thối rữa,
trong vùng Viễn Đông, trước đó đã lâu.

Đó khói lên từ những xưởng đóng tàu.

Quán cà phê này xưa kia đen đúa
những người bán hàng rong và thi sĩ nghèo.
Mật vụ như muỗi, họ ngồi đó
Uống máu từ những chén bé teo.

Ở đây có gái nuột nà đổi
bằng ngoại tệ, kim tiền.
Đá lát đường bật xới tung lên
Nơi dạo đó xe tăng đứng gác.

Ở đó cứ vào mùa hạ
Hoàng đế thường ngồi dạo xe đi
Đường Lâm Thành, nay đại lộ Gorki
Ban chấp hành trung ương ở đó

Đấy là khói từ những lò mổ.

Nơi đây trước thế chiến đệ Nhị
Anh bạn tôi Sandór sinh ra
ở trên lầu gác phồn hoa,
nơi đêm lẫn ngày tăm tối.

Bạn có nhìn thấy khói ?

Cây cầu này hoàn toàn bị phá hủy
Nơi đây các nhà thơ giầu có uống chè,
họ chửi lè nhè
và khách sạn mới Hilton đang xây ở đó.

Trên ghế băng công viên đây vẹo vọ
đôi khi ngồi đó một cụ già,
Điều chí lý cụ thư thoảng nói ra
Hôm nay cụ không còn lui tới.

Nhưng mà khói. Bạn có nhìn thấy khói,

Trên trời Budapest khói xưa ?

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Stadtrundfahrt

Hans Magnus Enzensberger

Da drüben kauert der Schuhputzer,
der keine Schuhe mehr braucht;
denn seine Beine sind verfault
im Fernen Osten vor langer Zeit

Das ist der Rauch von den Werften.

Dieses Café war früher ganz schwarz
von Hausierern und armen Dichtern.
Spitzel wie Mücken saßen dort
und tranken aus kleinen Tassen Blut.

Hier gibt es weiche Mädchen
gegen harte Devisen.
Das Pflaster ist aufgerissen
Dort standen damals die Panzer.

Da ist im Sommer immer
der Kaiser spazierengefahren
Stadtwäldchenallee, heute Gorkij fasor
Das ist das Zentralkomittee.

Das ist der Rauch von den Schlachthöfen.

Hier ist mein Freud Sandór geboren
vor dem Zweiten Weltkrieg,
in der Beletage,
wo es Tag und Nacht dunkel war.

Siehst du den Rauch?

Diese Brücke war ganz zerstört.
Hier trinken die reichen Dichter Tee
und schimpfen leise,
und dort wird das neue Hilton gebaut.

Auf dieser wackligen Parkbank
sitzt manchmal ein alter Mann,
der manchmal die Wahrheit sagt
Heute ist er nicht da.

Aber der Rauch. Siehst du den Rauch,

den alten Rauch über Budapest?

Chú thích của người dịch:

Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

Eva Zeller (sinh năm 1923): Nữ nhà văn và nhà thơ, bà là viện sĩ, từng là Phó chủ tịch Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức.

(1) Günter Eich (1907-1972): Nhà thơ và nhà viết kịch truyền thanh Đức, được coi là đại diện của nền « văn học hoang tàn » sau chiến tranh, và người sáng tạo ra kịch truyền thanh trữ tình.

(2) Zbigniew Herbert (1924-1998): Nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu luận Ba lan.


Nguồn: VHNA


Giọng đọc

Phạm Kỳ Đăng

Ánh trăng - Paul Klee (1879-1940) họa sĩ, nhà đồ họa Đức

Tôi biết mình thuộc số ít không thích nghe ngâm thơ. Ngâm thơ gây cảm giác nghe một điệu thức phái sinh, sau này càng phổ biến thành tiết mục sinh hoạt đại chúng, đặc biệt ở những lễ hội thơ phát động. Cứ như là ngoài kia có nhu cầu trú mưa, ngâm thơ kéo tuột nhà thơ và bạn yêu thơ vào dưới một mái bạt nơi tiếng thơ mọi nhà đều có thể trú dưới đó. Người nghe đã thuộc điệu ngâm trong đầu, thơ ai cho vào ngâm mà chả thế. 

Thế còn phổ nhạc? Huy động chính sức mạnh của nhạc để phổ thơ khả dĩ hơn. Trong những ca phối hợp thành công, nhạc quyến hồn thơ bay cao, hoặc nhạc dựa vào thơ làm nên một tác phẩm khác. Nhiều người cho rằng Phạm Duy phổ bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận thật hay. Ít ra không dở, song tôi biết bài thơ trước bài nhạc phổ, tôi muốn giữ bài thơ trong tâm tưởng như buổi ban đầu trước khi nghe bài hát phổ thơ. Trong rất nhiều trường hợp mau mắn phổ nhạc người ta đã làm việc phục chế vụng về một bức tranh cũ dưới lớp bụi thời gian, kết cấu của sắc mầu tranh vẫn nguyên còn và sức sáng vẫn hoàn toàn chói lọi.
 

Lan man như vậy để thú thực, tôi thích nghe đọc thơ hơn, hơn nữa là thơ qua chính giọng đọc của tác giả. Hẳn phải có bàn tay của bà mụ sắp xếp, mỗi nhà thơ sinh ra có một cơ quan phát thanh âm riêng. Họ ca tiết điệu riêng của họ. Tư chất tác giả và giọng thơ hiện nguyên trong giọng đọc, tôi đinh ninh như vậy.
Tôi không quên giọng đọc Hoàng Cầm. Nói lên nguyện vọng muốn nghe ông đọc, người hát rong về già cất tiếng có âm sắc sáng rõ, hơi ngân một chút, tiếng nói não nùng và tha thiết ấy từ đâu?


 ...„ Trên núi Thiên Thai
trong chùa Bút Tháp
giữa huyện Lang Tài...“
 
 
Câu thơ không ý nghĩa kết nối những địa danh thôi. Nhưng mấy ai trên đời nghe ra cái cấu trúc âm thanh nao lòng vang chuông sắp sửa hồi gióng giả.
 

Có khi vì bị lôi cuốn bởi vần điệu, người ta phổ cái giọng điệu nông cạn của riêng mình vào. Các nhà thơ thông tấn sản xuất ra hò vè, những nhà thơ phản thông tấn không khác mấy chế tác ra những mớ xủng xoảng hỗn độn, mau tắt đi chỉ để lại một âm rè yếu ớt.
 

Tức là thơ có cái gì đó quyến rũ bởi nhạc riêng của nó. Vần mới chỉ là một thành tố trong dòng âm thanh. Nhiều nhà thơ hiện đại viết thơ không vần thậm chí phản vận thì đúng rồi. Lắng nghe kỹ ở những cây bút bản lĩnh nhất, độc đáo nhất đều có dòng nhạc nội sinh riêng vận dòng tuôn chảy. Nhạc tự tại trong lòng thơ.
 

Ta hãy cùng đọc bằng giọng mộc bài thơ Gái buồn.
 

 “Bờ sau hang núi” là một câu ước lệ về không gian, rất bình thường và tự nhiên như thốt lên từ miệng người sơn nữ vừa được hỏi đường. Nhưng mạch thơ tự nhiên chững lại ở từ “núi” vị trí thứ tư, như có luồng gió thổi đến đây, tan biến vào một cảnh giới hiển lộ. Phong cảnh ước lệ „ lá xanh lá đỏ „, bình thường ra hai màu nguyên tố đối nhau trong tiếng Việt gợi những ngữ nghĩa thô và sống, bỗng chốc lan chuyển vì “cánh chim trời vòi või” xa xăm và cô liêu chợt sát sạt gần buông „cánh mỏng theo ngày“. Cánh chim pha loãng màu nguyên tố. Đấy là nghệ thuật pha màu của bút pháp thuốc nước, nghệ thuật phôi pha: chỉ một cánh chim vòi või của nhớ nhung pha trộn sắc vào một không gian mênh mông chẳng mấy chốc điệp trùng quan ải. Vẫn trên nền phong cảnh trung du gió vời vợi thổi ở miền Trung Phước quê hương ông. Từ cái ngày đó cho đến mùa sau dài bao lâu chẳng biết. Ở đấy vẫn chảy dòng Nguyên Tuyền có trước tạo vật, thời Hữu Thể còn chưa tha hóa, nghe rạc rời một nỗi đi qua đã mất, xiết bao nỗi nhớ nhung: “ Ngày sẽ về, sẽ nhìn Xuân Tinh Hoa thắm lại. Ngày sẽ về bên dòng bất tuyệt sơn tuyền sẽ theo dõi bóng trời đi”. (1)
 

Trong nao nao tiếng nhạc, cảnh giới đã thêm phần siêu hiện ban ngày trộn với trăng sương của màn đêm, và còn quyến rũ nữa. Quyến rũ sự trở về. Nhưng sự trở về này trong vẫy gọi của hoàng hôn Cố Quán nơi người lữ, là ông chăng, từng ra đi sương đồng ngậm bóng. Cùng với đó cái tôi trữ tình, rất kín tiếng thể hiện qua “ em về”, nhắn nhủ Tinh Thể tự xa xưa ra đời từ giòng khe (2), bước ra, một lần ra đi và đã từng lạc bước.
 

"Ngày sau chỗ ấy", đến đó dài lâu hơn cả "mùa sau" là ngày mai hậu, và phong cảnh cuối cùng ở khổ thứ ba là một tâm cảnh buồn mông lung trong hoàng hôn nhớ thương Cố Quận. Bài thơ “Gái buồn” kết dựng trong không gian và thời gian bàng bạc màu triết hiện sinh, xứng đáng là một kiệt tác mênh mang âm hưởng bất tận nhạc điệu của mưa nguồn chớp bể.
 
© P.K.Đ - Bài đăng VHNA

Gái buồn

Bùi Giáng (1926-1998)
 

Bờ sau hang núi
Lá xanh lá đỏ chiều nay
Chim trời vòi või
Để rơi cánh mỏng theo ngày
 
 
Mùa sau thu xế
Hang rừng gió thổi giòng khe
Em về đây để
Rạc rời tiếng cũ còn nghe
 

Ngày sau chỗ ấy
Mây mù quyến rũ trăng sương
Em về sẽ thấy
Mông lung sầu mộng gái buồn.
 
 
(Mưa Nguồn, xuất bản tại Sài gòn, 1963)
 

Chú thích của tác giả:
 
 
(1) Bùi Giáng - Martin Heidegger Tư tưởng và Hiện đại – Nhà xuất bản Văn học 2001, tr. 74.    
(2) Đặng Tiến – Bùi Giáng, Nguồn Xuân: Trong thơ Bùi Giáng, Xuân đồng nghĩa với Nguồn, như trong tiếng Anh. Nó là cõi uyên nguyên có trước Trời Đất, là ''cái cửa khe huyền diệu'' - ''huyền tẫn chi môn'' theo lời Lão Tử.

 

Một chuyện vặt tuyệt vời

Marcel Reich-Ranicki

Bài thơ không cần tới sự giải thích nào dù ở mức ít nhất. Nó kể về một khúc hát mùa xụân đặng ngân vang ra tới nơi xa, cho tới một ngôi nhà nào đó, „nơi hoa lá nở bông“; và nếu như có một bông hoa hồng ở đó, hãy chào đóa hoa – giùm một người đã gửi lời chào đó lên đường. Đó là tất cả. Trong tám câu thơ, Heine sử dụng tới ba lần động từ „ngân“. Và điều đó chính là bức tiểu họa đầy chất thơ kết hợp giữa âm thanh, tiết tấu và nhạc điệu, cái làm nên „tiếng ngân nga thân thương“. Chỉ có tiếng ngân nga thân thương, bay lượn, không đòi hỏi gì và có chút hòai cổ? Tóm lại một chuyện vặt vãnh dễ thương và ngoài ra không có gì hơn?

Những câu thơ xuất hiện trong năm 1831 - một năm quan trọng, giầu kết quả trong cuộc đời của Heine. Dạo đó Heine đã quyết di cư sang Pháp và định cư tại Paris. Thật là khó khăn khi phải ra quyết định chia ly đất nước cho ông tiếng nằm nôi, nhưng tuy nhiên chưa bao giờ ông hối tiếc điều đó. Đương nhiên, ở đây cũng như nơi đó ông bị xem như người ngòai cuộc, một kẻ xa lạ. Nhưng bên người Đức ông là người Do thái, và bên người Pháp ông là người Đức. Hay nói một cách khác: tại Đức, ông thuộc về những kẻ bị ruồng rẫy, ở nước Pháp ông thuộc về dân ngọai kiều.

Ở „Tập Tình Ca“ của Heine, xuất bản bốn năm trước khi ra đời bài thơ „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“, tình yêu đứng trong tâm điểm, gần như luôn luôn là một tình yêu bất hạnh. Phải chăng ở giữa và đằng sau những câu thơ của thi tập nổi tiếng ẩn giấu nỗi đau khổ của một con người trẻ tuổi, đầu thai vào thế giới Đức, mong muốn được thế giới ấy dung nạp. Chúng ta nghe tiếng lòng của một kẻ vừa đến trong xã hội người đời từ chối quyền bình đẳng, bị chế riễu, bị gạt trở lại, sống đơn chiếc và ở vậy đơn côi. Tình cảnh đặc biệt này của người Do thái Heine mang lại cho thơ trữ tình gợi cảm thuở ban đầu của ông nỗi buồn và những âm hưởng chua chát, nỗi bực dọc và muộn phiền. Cũng bời hòan cảnh đó thơ trữ tình của ông có được sự độc đáo và vẻ quyến rũ.

Tương tự như vậy, khúc ca „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“ xử lý tới mô-típ trung tâm của „Tập Tình Ca“, tuy nhiên lúc này theo một cung cách khác. Hoa thuộc về những biểu tượng cổ xưa nhất của văn học thế giới, hoa hồng thuộc về những biểu tượng ưa thích nhất: nếu như trong thơ nói về chúng, thì tác giả (tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thường thì vậy) đang lởn vởn phụ nữ và tình yêu trong đầu. Điều này cũng vận vào bài thơ của chúng ta. Bởi vì sao bỗng dưng con người nọ, đang nói ở đây lại tha thiết để tâm tới một bông hồng, khiến anh chàng muốn gửi khúc hát đi như một cánh bồ câu mang thư.

Khúc hát mùa xuân hẳn vậy chính là hai trong một: sứ giả đưa tin tình yêu (Postilolon d’ Amour) và một sứ điệp rất mực dịu dàng, cần trao chuyển tới. Điều giống như vậy đã có thể đọc được trong „Tập Tình Ca“. Nhưng mà cái cảm giác sống hiển lộ lên ở đây, ở mức độ không đồng đều, êm ái và nhẹ nhàng hơn so với dạo xưa; cay đắng, bực dọc hay giận dữ đều không có dấu vết trong bài thơ“ Êm ả kéo qua lòng tôi đó“. Điều này, tôi nghĩ, có liên quan đến quyết định của Heine vào năm 1831.

Nhưng rồi liệu những câu thơ vẻ như vô hại xuất hiện ngay trước khi ông di cư sang Pháp, hay chỉ thời gian ngắn sau đó, đằng nào thì chúng ta cũng không còn cảm nhận giọng điệu của một người bất hạnh la to lên và còn có lúc gắt gỏng ca thán, mình đã tìm tình yêu một cách vô vọng và vô vọng giang tay ra đón chờ mà câu trả lời đáp lại thường chỉ là thù hận. Liệu người đẹp nọ, trong mắt ông bên mọi bông hoa hiện ra đóa hoa hồng, bên mọi đàn bà hiện ra người đẹp nhất, lại phẩy tay xua ông chăng? Ông không còn muốn đặt cược vào việc đó, ông không muốn đứng trước cửa nhà cô hoặc ngước nhìn lên vòm cửa sổ. Ông thấy thế là đủ, nếu như khúc ca mùa xuân của ông đến tai cô. Còn lại, cái gì tới sẽ tới - hay là không cũng vậy. Riêng có điều: lời chào của ông rồi có được đáp lại hay chăng, ông có thể yên lòng chờ đợi.

Cứ như thế, bài thơ chứng cho một đọan trường khác đi và mới mẻ trong cuộc đời Heinrich Heine, cho sự tự tin và tự chủ đạt được sau nhiều thất bại, cho sự tự do của ông cuối cùng giành được. Có nhất thiết phải biết lý do tiềm ẩn vể tiểu sử, để sảng khóai với bài thơ hay không. Không, nhưng điều này cũng không gây tai hại gì cả. Sự nổi tiếng vô song của những câu thơ này tất nhiên là trước hết đi liền với sự hòan vẹn về ngôn ngữ, với vẻ quyến rũ, diễm lệ và có thể nói thêm là với sự phổ nhạc từ ngòi bút của Felix Mendelssohn Bartholdy (1). Bài thơ là một chuyện vặt vãnh, vâng đúng vậy, nhưng đó là một đỏan khúc (2) tuyệt vời.

1999

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I


Êm ả kéo qua lòng tôi đó

Heinrich Heine (1797-1856)

Êm ả kéo qua lòng tôi đó
Thương mến tiếng ngân nga
Nào ngân đi, khúc mùa xuân nhỏ
Reo ngòai kia ngân tới muôn xa.

Ngân thật xa vang tới ngôi nhà
Nơi hoa lá nở bông
Hãy nói, tôi nhắn lời chào gửi,
Nếu có trông thấy một đóa hồng.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên bản tiếng Đức

 Heinrich Heine (1797-1856)

Leise zieht durch mein Gemüt

Leise zieht durch mein Gemüt
Liebliches Geläute.
Klinge, kleines Frühlingslied.
Kling hinaus ins Weite.

Kling hinaus, bis an das Haus,
Wo die Blumen sprießen.
Wenn du eine Rose schaust,
Sag, ich laß sie grüßen.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

(1) Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847): Nhà sọan nhạc, danh cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức gốc Do thái, một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất của trào lưu Lãng mạn.
(2)  Bagatelle có nghĩa là chuyện vặt vãnh. Trong âm nhạc còn chỉ một thể lọai Bagatelle là một khúc nhạc ngắn, điển hình là cho piano và thường có tính nhẹ nhàng, êm dịu. 

- Bài đăng VHNA-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...