Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Ra đi

Tranh của Dương Bích Liên (1924-1988)
Phạm Kỳ Đăng

Da trời nổi gió 
sinh ra em nhan sắc trung du 
va đập
trên những ván đời
vô thừa nhận

Phải em
dáng đi thanh tú
gái má đào,
tưởng không nỡ ai bắt chẹt
trong phiên chợ xóm liều huyên náo cám dỗ.

Không còn đường nào khác
Mồ hôi cáu vạt mền
vách đứng ngày thông thống gió mùa đông bắc,
đêm về trên sân sau khạc nhổ
em im như hạt bụi thui thân liếp vách
lọt thỏm giữa chồng bát đĩa lanh canh rãnh cống.
Chuỗi ngày ngược đãi
theo thao tác bàn tay rửa bát mướn luẩn quẩn khép kín vòng.

Qua tay bao chúa chủ đấm đạp, em chẳng nói
còn lặng lẽ vỗ về và an ủi họ
Biết đâu trong vòm họng sâu của độc ác
ẩn náu một cái lưỡi không ngừng chì chiết khốn khổ.

Còn nhiều cô gái quê em
nón mê men lối hướng thị thành, không còn đường nào khác
Cứ thế em đi qua rào gai bao cạm bẫy
của định kiến bức tử nhiều nhan sắc,
nơi tình thương loay hoay không cập bến
và lòng tin thê thảm
chịu cúi đầu.

©PKĐ - Ngả Muôn Ai – 2000

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Những bức ký họa gợi cảm và các bức nghiên cứu khỏa thân của Gustav Klimt

Ký họa chì than của © Gustav Klimt (1862-1918) họa sĩ Áo

Những bức nghiên cứu khỏa thân trình ra ở đây bao quanh khoảng thời gian 1888 tới 1912 và không thể qui thuộc về một bức tranh cụ thể. Sự trác tuyệt về kỹ thuật của ký họa bằng bút chì hay bằng phấn, thường có đỏ tương giao với những nét lam và đen, hút hồn ta tương tự như sự tinh tế của tư thế. Chúng gợi nhớ về những thứ tương tự như những tranh vẽ khỏa thân của Bouchers hoặc Watteau; và Klimt hầu như không thua kém gì các bậc thầy của thế kỷ 19: và cả những ký họa khỏa thân của Bouchers vượt xa chất lượng của tranh của chính bản thân ông.

Kế tiếp tác phẩm chính „Trinh nữ“ 1913, được chuẩn bị bằng vô số bức nghiên cứu, Klimt lại dồn tâm trí vào cuộc sống linh hồn và xúc cảm của nữ giới. Trong những bức nghiên cứu người mẫu nữ ông đã phát huy một cung bực bao trùm gồm những kiểu người, tố chất, trạng thái và những giai đoạn của ý thức gợi cảm – từ mộng mơ cho tới hưng phấn tột độ. Vận động tổng thể mang tính tuần hoàn của những hình người nữ trong bức tranh „Trinh nữ“ đã được kế tiếp trong một loạt thử nghiệm với các tư thế phức tạp. Ở cách thức như vậy Klimt đã cho người mẫu lộ diện trong những tư thế nghiêng hoặc cuộn người, cũng như trong cả thế dích-dắc, như hình dáng người đàn bà mơ mộng đang an nhàn trong những bức nghiên cứu dưới đây chỉ ra. Như trong nhiều tờ tranh của thời kỳ này, ta thấy ở đây vòng mông cũng như đùi vế trần, phủ che, đặc biệt nổi lên phía trước. Nét đặc trưng thêm vào đó là tương tác căng thẳng giữa không gian trống vắng ở phần dưới và „kiến trúc“ dày đặc, tổng thể về viễn cảnh của hình thể sắp đặt ở hoàn toàn phía trên, hiện ra đang bay lơ lửng hơn là nằm. Ngay cả trong trường hợp này của chúng ta, tư thế và động tác của người mẫu quy thuận một trật tự liên đới không gian. Tuy nhiên người trình bày tỏa ra một sự buông lỏng tự nhiên. Trong thời kỳ sau này người mẫu được tái hiện chẳng những không được duy mĩ hóa, mà còn không chịu sự phong cách hóa một cách lý tưởng, như trong thời kỳ Ly gián hoặc thời Phong cách Hoàng kim. Xét tới sự đa dạng chuẩn mẫu, cung cách trình bày liên đới thực tế cũng như các tư thế tổng hợp của những hình thể đàn bà, thì với khả năng xác thực cao nhất, như gần đây phát hiện ra, Klimt đã lấy cảm hứng từ những ảnh khỏa thân đương thời.

Cuộc đời và Nghệ thuật hồ như lập nên sự hợp nhất, Con người và Tác phẩm tương tác cho nhau với Klimt, cũng như với rất ít nghệ sĩ của thời đại mình. Trong con người Klimt, há ý tưởng của tác phẩm nghệ thuật tổng thể đã chẳng hiện thân theo cách hoàn hảo nhất sao, như tại Vienna nó được đại diện một cách sinh động bởi các nhà Ly gián và tạp chí „Ver Sacrum“ của họ, bởi các nhà thơ như Hermann Bahr và Hugo von Hofmannsthal và các nghệ sĩ của xưởng vẽ thành Vienna?

Một nền nghệ thuật gợi cảm tột độ lẽ nào không tương ứng với một tính cách hoàn toàn mang dấu ấn gợi cảm hay sao? Phải chăng chất gợi dục mở phơi của những loạt tượng hình nữ giới, của những chân dung phụ nữ và những ký họa khỏa thân, và – như một số nhà phê bình hàm ý, cả những bức phong cảnh của ông nữa – là biểu đạt chính xác của cảm giác sống gợi dục, thứ cũng xác định lối làm việc và không khí xưởng vẽ của ông.

Nhà thơ và họa sĩ Albert Paris Gütersloh (1887-1973) đặc tả ông là một người đàn ông“ với những nét bí ẩn của mục đồng dưới chòm râu tóc của thánh Petrus khi về già“. Và Alfred Lichtwark (1852 – 1914), vị giám đốc viện bảo tàng Hamburg, miêu tả Klimt như một chàng lực sĩ, những thích „đọ tài với Hodler“. Ông ta „có những cử chỉ của gã choai choai nhắng nhít, thô thiển, nước da nâu của một chàng thủy thủ...Nếu ông ấy nói, nghe oang oang, đậm âm sắc phương ngữ. Ông thích trêu tròng quá thể...“

Nhà văn Franz Servaes (1862-1947) ghi lại một cuộc viếng thăm trong xưởng vẽ của ông:“ Ở đây vây quanh , trong khi ông ấy đứng lặng thinh trước giá vẽ, là những sinh thể đàn bà trần truồng bí hiểm dập dờn đứng lên nằm xuống, ườn người, uể oải và nở bung vào độ nhật, -luôn sẵn theo cái vẫy của bậc thầy ngoan ngoãn đứng lặng, mỗi lúc người này chộp lấy được một tư thế, một động tác thoáng qua, vẽ lại rất nhanh cái kích thích giác quan thẩm mỹ của mình.“

Friederike Maria Beer (1891 – 1980), được Egon Schiele và Klimt vẽ chân dung vào năm 1916, kể rằng Klimt đã làm việc miệt mài và rất lâu ở bức chân dung bà, ông luôn mời bà ngồi mẫu, ba lần trong tuần, từ 3 giờ cho tới 6 giờ chiều. Giữa lúc vẽ ông nghỉ khá lâu, để giải tỏa căng thẳng bằng cách chuyện trò với các người mẫu thường có mặt trong phòng bên- và việc đó kéo dài suốt hơn nửa năm. Một mùi cơ thể giống thú vật kích thích tỏa ra từ Klimt. Là đàn bà người ta thực phải canh dè ông ta.

Có âm điệu tương tự vậy là những hồi tưởng của Alma Mahler-Werfel (1896 – 1946). Ông ấy đã theo bà đến tận Vơnêdơ và giữa đám đông trên quảng trường Markusplatz, ông ta thú nhận yêu bà. Cách thức như một cuộc đính hôn bí mật. Klimt luôn hối thúc, luôn dụ dẫn bà vào xưởng họa của ông. Hiển nhiên bà hàm ý biết rất rõ, điều gì chờ bà ở đó. Nhưng dạo ấy bà còn quá trẻ và thiếu tự tin, để theo lời mời của ông- chính là điều trong những năm sau này bà nhiều lời hối tiếc.“ Sự giáo dục gọi là gia giáo đã phá hủy mối tình đầu kỳ diệu của tôi.“


©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Art Galerie Nolden/H – Paris (xem tiếp phụ lục kèm theo)

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Nắng của loài linh lan

Phạm Kỳ Đăng

Nông thôn yên bình, tranh của Lưu Văn Sìn (1910-1991?)

Người xem như đứng trong nắng chóa từ đâu tới. Thứ nắng óng ả có thể từ trên cao, có thể từ mảng mây côban-phớt trắng dưới lòng ao, mang lại cho ta bao ngỡ ngàng về nguồn chiếu. Cây chuối, rặng tre, lùm khoai, bèo tấm, cỏ lác đều được vẽ rất chìm trong nắng mới. Trên con đường lặng, chỉ mặt đường đất thịt hơi vờn nét vẽ - gợi chút xíu rất ít đến lối vẽ của phái Ấn tượng – có lẽ là chuyển động duy nhất mơ hồ ghi dấu vết chân đi.

Nhưng tranh phong cảnh đặc trưng của chủ nghĩa Ấn tượng (1) trước đó thường phân giải và „gói ghém“ sự vật vào trong ánh sáng. Ở bức tranh Nông Thôn Yên Bình này, vật thể hầu như được „bóc ra“ bởi muôn lát ánh sáng đa diện, không bị phân gián trong hình tan của vật thể ở thời điểm thóang qua như khỏanh khắc các nhà Ấn tượng hay lựa chọn. Màu, hình thành trên nhiều lớp đắp, vật chất hóa đến tối đa, choán diện hình thể, láy đi láy lại, và lan tỏa. Trong nhiều lớp ánh sáng mở soi khí hậu làng quê vùng nhiệt đới, ta cảm thấy vẻ lãng đãng của hơi nước bốc, cả độ ẩm ngưng tụ trong không gian.

Có nhiều lớp cắt lan tỏa từ những tầu lá tạo nhiều lớp ánh sáng mở soi, cộng hưởng bởi nhiều cung mầu êm đềm như một hòa âm điền dã. Vàng son kết tụ tàu lá chuối mang sắc kỳ ảo như màu hoa linh lan. Thứ nắng ấy rung trong không gian rạo rực. Nhớ nắng hoa linh lan ở ngày lễ Phục sinh băng giá, tôi bồi hồi ngắm mãi bức tranh quý này.

Ông Lưu Văn Sìn có bút pháp vẽ sơn dầu quả vô cùng thâm hậu. Họa sĩ người Minh Hương sống như ẩn mình, để lại tranh vẽ không nhiều, tài ba có thể nói là đứng vào số hàng đầu trong các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ trước. Phong cảnh ông vẽ, mang hồn cốt đồng quê Việt Nam sâu nặng như người đồng hương Hồ Dzếnh, sẽ còn nhiều nắng tỏa, hồ như đến từ những câu thơ tuyệt vời „Ngựa gầy bóng gió mênh mang/Cờ đen lối cũ mây vàng nẻo xa“; rồi „Đáy hồ mấy mắt sao lu/Và trên nón dạ sương mù quệt ngang“, hay „Gió xuân ý nhị vít bông cười“ ở thuở ban đầu lưu luyến ấy.


PKĐ - 29.03.2013

(1) Impressionismus : Chủ nghĩa Ấn tượng với các đại diện tiêu biểu Claude Monet, Auguste Renoir, Camille Pissarro, Alfred Sisley, Edgar Degas, Paul Cézanne.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Sự vụ của sếp và lao động

Rainer Kirch         

Ai nói nhỉ? Thi sĩ? Nói với ai? Với Chúa. Ai là người ấy. Cách đó 3 năm và 1 ngày Rilke đã bắt đầu phân định cho Thượng đế những vai trò đáng để ý: Chúa là một ngọn tháp tiền sử mà chủ thể trữ tình là con chim ưng hay khúc ca lớn (1) lượn vòng quanh, chẳng mấy chốc thành người hàng xóm, đạo luật, lễ hội, người ám muội khói nói thì thào trên chiếc lò sưởi Nga và cứ thế liên hồi thô bạo bị đập nhỏ ra, cho tới khi chẳng còn gì nữa và đến mùa thu năm 1901 còn nói dối kia nữa và thành hòn đá vứt đi treo choàng quanh cổ người nói. Giờ đây, vào ngày 21 tháng Chín năm 1902, mất suất học bổng gia đình chu cấp và được ủy quyền viết một chuyên khảo về Rodin (2), kẻ vô thần Rilke ngồi tại đất Paris và quả tình đã làm lành với Chúa – ông có thể gần lại Chúa theo cung cách cổ điển: lịch thiệp một cách tự tin và trong ý thức công nhận trật tự thế giới.


                                      Tranh sơn dầu của © Paul Cézanne (1839-1906), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp

Điều này có ở đâu? Trong câu thơ thứ nhất. Xưng hô với Cha (nhấn mạnh vào âm tiết không nhấn, Rilke đã học được phép chơi với nhịp thơ, và như một cách nói, đã ấn cái mũ nhà thơ chuyên nghiệp lên đầu. Cho đến bây giờ Chúa đã có tên là Chúa, mi Chúa, mi Tông phụ, v.v., một lần, láo và theo tính cách người Pháp, như thể một vũ khúc nhỏ, Cha tôi ơi). Kế tiếp vào xưng hô kính cẩn ngắn gọn là sự nhắc nhở thực đã đến thì: họ gặp nhau trong công vụ, và kẻ nói có quyền trình bày, mà thế đó, né tránh đi ngay vào tâm điểm. Những người phú quý thiết lời ngợi khen như một người trong số chúng ta cần món ăn, không có thứ đó họ không làm bất cứ thứ gì hoặc sinh cáu bẳn; sáo ngữ ngợi khen ghê gớm Mùa hạ vô cùng rộng lớn chỉ ra hiểu biết thế giới của người nói, định nghĩa Chúa, khiến cho câu thơ ăn khớp vào tiết điệu iamb cổ điển, đồng thời nó khai mạc một địa điểm hành động, một phong cảnh. Ai là Chúa? Chúa tác động, hiển lộ, ở thời tiết và các mùa trong năm. Bây giờ việc làm ra thời tiết là công vụ tự cổ xưa của mọi vị thánh thần thực sự vĩ đại, từ Anton, Yahweh và Zeus tới Wotan (3); trong tinh thần ấy Chúa hệ trọng, và chương trình nghị sự của sáu câu thơ tiếp là sự vụ của sếp.
 

Thế thì tất cả những gì còn không phải xoay chuyển nữa! Trải bóng chiếu lên những đồng hồ mặt trời – Hãy huy động hết những khối mây trời! Thả gió bay đi – nhưng như thế, sao cho chúng chẳng những không triệt hủy lẫn nhau mà còn không cấu kết thành những cơn bão áp thấp nhiệt đới! Chắt vị ngọt cuối cùng vào rượu vang nồng nã - phép nhiệm mầu tinh tế của sinh hóa trong những địa hình bậc thang khác nhau nhất! Chúa như vậy được hình dung ra như nhà đại điền chủ ngự trị ở vùng Bắc Địa Trung Hải có vùng thống trị vươn qua khí quyển và từ quyển cho tới mặt trời; kẻ nói là vị Tổng quản lo sao cho cái hợp lý vào trong đầu đúng lúc, và cần những câu thơ đẹp sát thực – một Đức Chúa hòa nhã là Đức Chúa tốt hơn.
 

Chúng ta đọc câu thơ thứ 8, và ngộp thở. Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa – gửi gắm vào ai đó? Chúa ư, việc này có làm ông bận tâm tới nỗi, phải chi Chúa biết, ông sẽ vui lòng sinh tồn bằng làm việc. Còn không thì chẳng một ai có mặt, vị Tổng quản nói chuyện một mình. Có kêu ca gì không? Không một mảy may. Hơn là thế, sau công vụ đã hoàn thành ông còn lại niềm đam mê để suy nghĩ về sự riêng tây. Ông làm ra một dự án cuộc đời. Gia tài của Rilke ở Westerwede đã giải tán, khoản trữ nghèo nàn, tiền hỏa hồng chưa thấy tăm hơi; sống thế nào đây? Trở thành người giúp việc ư? Treo cổ lên ư? Thảo một bản tuyên ngôn của Hiện đại, như Hoffmannsthal (4) theo truyền tụng cùng năm ấy đã làm với bức thư của Lord Chandos gửi đi. Chẳng có gì giống thế cả. Kẻ nói sẽ tỉnh giấc, đọc, viết thư dài – sẽ giới hạn cho mình, tìm kiếm những Mạnh Thường Quân và làm thơ. Cách đó 16 ngày Rilke đã biết tới công thức sống cơ bản của Rodin Il faut travailler, rien que travailler. Et il faut avoir patience(5), như chúng ta đọc được, giữa chừng trở thành phương châm sống của chính ông. Sự hướng tìm cuối cùng tới đường cây rợp bóng, trên đó lá cuốn, khuyên bài thơ tròn lại và kéo thời gian trình bày vào tương lai tiếp sau, ấy là mùa thu muộn; Rilke còn tuân thủ theo phương châm sống của Rodin tròn 23 năm nữa cho tới khi chết, cái chết ông miêu tả như là cái chi? Công việc.

Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Ngày thu

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Kính Cha: thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn.
Hãy che bóng lên đồng hồ mặt trời
Và trên nội ngàn thả gió bay đi khắp.

Lệnh cho trái quả cuối mùa căng mọng!
Cho chúng thêm đôi ngày nắng phương nam!
Dồn thúc chúng đến kỳ hoàn tất,
và chắt vị ngọt cuối cùng
vào rượu vang nồng nã.

Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa
Ai đơn thân, sẽ bóng chiếc dài lâu
Sẽ thao thức, viết thư dài, đọc sách
Và đi đi lại lại trên những đường rợp bóng,
dạo bước bồn chồn, mỗi khi lá cuốn qua.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:

Herbsttag

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Herr: es ist Zeit. Der Sommer war sehr groß.
Leg deinen Schatten auf die Sonnenuhren,
Und auf den Fluren lass die Winde los.

Befiehl den letzten Früchten voll zu sein;
Gib ihnen noch zwei südlichere Tage,
Dränge sie zur Vollendung hin und jage
Die letzte Süße in den schweren Wein.

Wer jetzt kein Haus hat, baut sich keines mehr.
Wer jetzt allein ist, wird es lange bleiben,
Wird wachen, lesen, lange Briefe schreiben
Und wird in den Alleen hin und her
Unruhig wandern, wenn die Blätter treiben.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Rainer Kirch (sinh năm 1934): Nhà văn, nhà thơ và dịch giả văn học, đại diện của trường thơ Sachsen. Năm 1973 bị khai trừ khỏi đảng SED sau vụ tranh cãi xung quanh một vở hài kịch của ông. Năm 1990 ông được bầu làm chủ tịch Hội nhà văn CHDC Đức và cùng năm đó viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật.

(1) Các chữ và dòng in nghiêng trích từ thơ Rainer Maria Rilke.

(2) François-Auguste-René Rodin (1840-1917) Nhà điêu khắc và ký họa người Pháp, cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật hiện đại trong việc phá bỏ khuôn thước đã trở thành cứng nhắc của hàn lâm, tạo ra ngôn ngữ mới cho điêu khắc và tạc tượng.
 

Bài viết của Rainer Kirch khai thác rất nhiều chi tiết trong quãng đời của Rilke ở những năm đầu thế kỷ. Mùa hè năm 1902 Rilke bỏ căn hộ của mình, đi sang Paris, để viết một chuyên khảo về Rodin. Đó cũng là thời gian cuộc hôn nhân với người vợ ông cưới năm 1901, nữ điêu khắc gia Clara Westhoff, bắt đầu rạn nứt, bởi ông là người không thích hợp với cuộc sống gia đình của thị dân. Thời gian đầu ở Paris rất khó khăn đối với ông. Bên cạnh đó là những mối lo về tài chính, ít tiền thù lao. Nhưng đồng thời cuộc gặp gỡ chủ nghĩa Hiện đại mang lại nhiều ý tường cho sáng tác. Ông nghiên cứu tượng của Auguste Rodin và tranh của Paul Cézanne. Auguste Rodin đã bổ nhiệm ông làm thư ký riêng cho mình từ 1905 đến 1906.

(3) Tên các vị thần: Aton (tên vị thần của Ai Cập cổ đại), Yahweh (Chúa của Do Thái giáo) , Zeus (thần Dớt – vị thần đứng cao nhất trên đỉnh Olympe trong thần thoại Hy Lạp), Wotan (Thần Chiến tranh và thần Chết, chính là vị thần cao nhất trong thần thoại các dân tộc German).

(4) Hugo Laurenz August Hofmann, Edler von Hofmannsthal (1874-1929): Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Áo, đại diện quan trọng của phái Suy đồi và Hiện đại Vienna. Bức thư giả tưởng ông viết dưới cái tên người gửi Lord Chandos là một tác phẩm văn xuôi, mang chủ đề phê phán ngôn ngữ với tư cách phương tiện biểu đạt và sự tìm kiếm một lối thơ mới.

(5) Phải làm việc, chỉ làm việc. Và kiên nhẫn.

Tranh sơn dầu của
© Paul Cézanne (1839-1906), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp, một trong những người mở đường cho nhiều trường phái của hội họa Hiện đại.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Lâu đài trắng trong nỗi cô đơn trắng


Tranh © Wassily Kandinsky (1866-1944) họa sĩ Nga
Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Lâu đài trắng trong nỗi cô đơn trắng
Trong sảnh choáng bong len lỏi nỗi bàng hoàng 

Ốm như sắp chết, dây leo bấu chặt lấy tường
Và mọi con đường xuống thế ngập chìm trong tuyết.

Bầu trời cô liêu và mở treo trên cao hết 

Lâu đài chói sáng. Và dọc theo những bờ tường trắng mịt mùng 
Nỗi nhớ vịn men đi với những bàn tay lạ lùng 
Đồng hồ dừng trong lâu đài: thời gian đã chết.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ein weißes Schloß in weißer Einsamkeit


Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Ein weißes Schloß in weißer Einsamkeit.
In blanken Sälen schleichen leise Schauer.
Todkrank krallt das Gerank sich an die Mauer,
und alle Wege weltwärts sind verschneit.

 

Darüber hängt der Himmel brach und breit.
Es blinkt das Schloß. Und längs den weißen Wänden
hilft sich die Sehnsucht fort mit irren Händen ...
Die Uhren stehn im Schloß: es starb die Zeit.

Tranh của Wassily Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ, nhà lý thuyết nghệ thuật người Nga.

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bài thơ "Như bầy chim" của Rainer Maria Rilke

Jochen Jung
 

Không nhà thơ nào thời hậu Baroque đã phục hồi chất điêu luyện tuyệt kỹ cho thơ trữ tình Đức như ông. Thậm chí trong bài thơ “ Như bầy chim” Rainer Maria Rilke còn đi trước nghiệm trải của chúng ta trong điện ảnh. 


Tranh của ©Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức

Với Rilke người ta có được phép nghĩ tới Alfred Hitchcock(1) không? Được chứ. Bởi vì đó là một phần làm nên sức diệu kỳ của những bài thơ sống bằng tự do liên tưởng và bằng ngôn từ chúng ta bảo quản trong kho báu chứa những hồi ức mà chỉ cần khẽ ngoắc tay gọi lên và gọi ra, đặng như giáng trần, chúng cũng sẽ luôn tác động lên những người khác. Nếu như từ đó nói về những lầu chuông và nếu như người ta đọc những câu thơ “ lao bắn lên trời mai”, thì chính vì vậy có thể xảy ra chuyện một kẻ hậu thế trong trí bất giác hiện lên lầu chuông nổi tiếng nhất của lịch sử điện ảnh cùng với James Stewart (2) và Kim Novack (3), và câu chuyện này hạ màn rơi xuống, anh ta dướn người ra phía trước, và thấy nó nằm dưới đất, và những quả chuông đổ hồi, cứ như thể chúng tự gây ra cho mình hỏang hốt.

Tự cổ chí kim, những quả chuông vốn có trên đời gợi nhớ về điều gì đó. Về đứa bé lỡ làng, Goethe đã viết một trong những ballade thiết tha nhất, và Schiller, như chúng ta biết, có thể nói là hẳn cả một cuốn tiểu thuyết. Với chúng ta, những quả chuông trực thuộc nhà thờ, tuy mỗi ngày thường một ít đi thuộc về chúng ta, nhưng chúng luôn còn đếm những thời khắc, và trước kia cũng như sau này, thời gian trôi, đều có thể là tác động cho nghiệm trải mang tính tôn giáo. Rainer Maria Rilke - không một thi sĩ nào xưa nay mang một cái tên hàm ý vô song như vậy- đã cật vấn một cách khám phá với nhóm chia sẻ suy tư của mình như với cộng đồng Thiên Chúa giáo. Người ta ưa thích nghĩ rằng, chưa một tiếng chuông nào không đi lọt qua tai ông.

Không nhà thơ nào sau thời Baroque đã phục hồi chất điêu luyện tuyệt kỹ cho thơ trữ tình Đức như ông. Không một ai đã có thể chế xử cái giục giã của những thanh âm, những chuyển tiết và phá cách một cách uyển chuyển như ông, vâng với không với ai khác, ngôn từ thành hoa mỹ điểm trang như với ông. Hơn thế nữa, ông còn là bậc thầy của thanh nhạc, ở đó từng âm tiết là thuộc phần của một phức âm, người ta chỉ cần để ý vào những câu đầu của bài thơ những âm tiết o-, ö- và ü- hiện thân cho một ý niệm về chuông. Chúng mang lại âm thanh biểu hình từ vựng „chuông“ ở đầu và ở gần cuối câu thơ thứ hai, như sự hòa âm từ một dây đàn này sang dây kia.

Rilke viết bài thơ này trong những tuần đầu quan hệ với người nữ họa sĩ trẻ Loulou Albert-Lazart (4) ông đã làm quen trong đợt nghỉ dưỡng phục hồi ở Ischenhausen vùng Isartal. Vài thập niên sau, bà đã viết một cuốn sách „ Những nẻo đường cùng Rilke“, và nêu ngày 01.10.1914 là ngày xuất xứ. Vậy chăng cũng đúng là những tuần đầu tiên của Đại chiến thế giới lần thứ nhất, và đó là quãng thời gian Rilke chuyên chú tìm hiểu sâu Friedrich Hölderlin (5), thế nên đó không phải là câu chuyện ngẫu nhiên, nếu phác đề này tương tự nổi lên, như thời đại của một thi nhân phá hủy, „Như chim trời chậm rãi kéo qua“ hay „ Như những bờ đại dương“.

Bài thơ của Rilke tạo hình đường cong vút của bầy chim sống trên tháp giật mình vì tiếng ầm ầm của những quả chuông bất chợt gióng hồi, trong đường bay thảng thốt lao đi vẽ vòng cung như ký tự. Và đó không phải là một thứ chữ nào đó, mà là những dòng chữ ký tên người, như thể trong sự thảng thốt đẹp đẽ, chính những con chim là những dòng ký thác. Hoặc giả như chúng viết tên ta? Tựu trung không có gì đáng ngạc nhiên, nếu điều đó khiến chúng ta, nghe tiếng chuông và nhìn thấy bầy chim, thảng thốt sững sờ - đi đâu (những gạch nối nghĩ suy còn để ngỏ) thì cũng vậy. Ngay cả khi điều đó làm ta chóng mặt.

©Phạm Kỳ Đăng dịch

Nguồn: Một nghìn bài thơ Đức và bình giảng, Marcel Reich-Ranicki - 1000 Deutsche Gedichte und ihre Interpretationen, 1, Bd.1, Von Walther von der Vogelweide bis Matthias Claudius, Reich-Ranicki, Marcel.

Nguyên bài tiếng Đức : http://www.faz.net/aktuell/feuilleton/bilder-und-zeiten/frankfurter-anthologie/gedicht-interpretation-lesung-wie-die-voegel-von-rainer-maria-rilke-12185111.html

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Jochen Jung (bút danh Gottlieb Amsel, sinh ngày 05.01.1942 tại Frankfurt am Main): Nhà trước tác, in ấn và nhà văn nguời Áo.

(1) Alfred Hitchcock (1899-1980): Nhà đạo diễn và sản xuất phim người Anh, tác giả của những phim rùng rợn Thriller trở thành kinh điển.

(2) James Steward (1908-1997): Nam tài tử điện ảnh Mỹ.

(3) Kim Novack ( sinh ngày 13.02.1933): Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ, gốc Tiệp.

(4) Loulou Albert-Lazart ( 1885-1969): Nữ họa sĩ Đức-Pháp của trường phái Hiện đại. Trong thời kỳ khủng hỏang hôn nhân với chồng , bà yêu và sống với Rainer Maria Rilke tới năm 1916, giao lưu với các nhà văn nghệ sĩ đương thời như Romain Rolland, Stefan Zweig, Paul Klee und Oskar Kokoschka.

(5) Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

Như bầy chim

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Như bầy chim, sống bên những quả chuông lớn
trên những lầu chuông
bất chợt động rùng rùng cảm xúc
chúng lao bắn lên trời ban mai
và đùn vào đường bay
dòng chữ ký nối dài
của nỗi thảng thốt đẹp đẽ,
xung quanh tháp viết dòng:

Trong âm rung chuyển ấy, sao ta
không thể ở lại trong tim nhau
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Wie die Vögel

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Wie die Vögel, welche an den großen
Glocken wohnen in den Glockenstühlen,
plötzlich von erdröhnenden Gefühlen
in die Morgenluft gestoßen
und verdrängt in ihre Flüge
Namenszüge
ihrer schönen
Schrecken um die Türme schreiben:

können wir bei diesem Tönen
nicht in unsern Herzen bleiben
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bài đăng VHNA

Tranh của © Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Anh mơ thấy cảnh trong mộng trước

Heinrich Heine (1797-1856)  

© Tranh Auguste Renoir (1841-1919), họa sĩ Ấn tượng Pháp

...Anh mơ thấy cảnh trong mộng trước:
Đêm tháng Năm bóng mát đây nơi
Đôi ta dưới gốc đoan ngồi,
Thuỷ chung nêu chuyện thề bồi trăm năm.

Cứ thề thốt liên chi hồi điệp
Cười nhăn răng, hôn hít, vuốt ve;
- Để anh ghi nhớ lời thề
Nhè tay em cắn anh tê điếng người.

Ôi cô gái trong veo đôi mắt
Hỡi người yêu nanh nả, xinh tươi!
Thề thốt thì hợp lẽ đời,
Cắn người ta thật thừa ơi là thừa.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Mir träumte wieder der alte Traum

Heinrich Heine (1797-1856)

…Mir träumte wieder der alte Traum:
Es war eine Nacht im Maie,
Wir saßen unter dem Lindenbaum,
Und schwuren uns ewige Treue.

Das war ein Schwören und Schwören aufs neu,
Ein Kichern, ein Kosen, ein Küssen;
Daß ich gedenk des Schwures sei,
Hast du in die Hand mich gebissen.

O Liebchen mit den Äuglein klar!
O Liebchen schön und bissig!
Das Schwören in der Ordnung war,
Das Beißen war überflüssig.

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Hành hương sau tháng Chín

Phạm Kỳ Đăng

Châu Âu nơi ta đang sống đây, từ biên ải mỗi ngày một lùi sâu, vừa độ thu, gió suốt đêm chuyển mùa hoành hành vô độ. Trong góc nép một rùng mình báo trưỡc, ta ứng cảm thân thể ta kín bưng phân rã - trong một lạc lõng không còn cho gói trọn -, và, trong tâm trí bải hoải, nhiều vết truyền đời sắp tuột chỉ bung băng. Đơn giản chỉ đòn gió xé, cào cấu mặt này, vẫn nếp quen thường, nào có gì, hàng mùa, hàng mùa ta thường nhẫn chịu. Những tiếng đấm thình thình ngoài cửa mới đêm rồi, quả như dấy từ sốt ruột hay bức bối mới thực làm ta bồn chồn đi lại. Ta khoác áo ra tìm giữa đêm thu, ngỡ có người ráo riết tìm đưa thư tối hậu.

Tối hậu lay chuyển tồn tại riêng ta, như vậy hẳn có chuyện ra điều kiện. Sự ra điều kiện sống còn với ta, ta át gió đập nói to lên, hẳn phải dựa trên cam kết, hay ít nhất chịu một phó thác nguyền lòng nào đấy tựa như cam kết. Hay thôi, đúng có một ngày quá cũ, ta từng nguyền lòng với những người yêu thân trông chờ ta tha thiết, với tất thảy từng bao gồm quanh ta - giờ đây còn nguyên trong hồi niệm - tạo nên quãng đời ta niên thiếu.

Ta chẳng còn hăm hở mỗi độ thu sang, ngày ấy tựu trường, mỗi độ ta líu ríu bàn chân bé nhỏ sóng đều hàng trên nẻo đường làng mảnh muốt.

Quá hồi hộp nắn bước theo dập dồn trống ếch, ta lãng nghe hồi chuông lảnh ngân, tiếng mõ cấp tập trong tiếng kinh nguyện cầu. Không chỉ vào thời đó ta không hiểu những ý sâu ẩn ngụ trong lời kệ, theo nếp nghĩ quen của trường ốc, ta mãi bây giờ còn thờ ơ ngỡ đó là huấn truyền nhắc nhở tưởng nhớ hay tuyên xưng đạo hạnh.

Đền miếu đổ nát đã nhiều, ta đi qua ngó đi ngó lại những hàng chữ dọc lạ lẫm trên văn miếu, thấy ngồ ngộ như là ký hiệu. Nào, có quá quắt cũng làm sao nói khác, quả ta bạc bẽo quê hương trên chính quê hương.

Giá lặp lại niên thời, ta muốn học tiếng và chữ cổ để ít nhất còn đọc được văn bia. Ta ước ta thấu Kinh Bát Nhã, thuộc Kinh Hoa Nam hiểu ý nội truyền lời kinh, hiểu triết ý trong lời khấn niệm. Điều đó hẳn thuộc về ngôn ngữ.

Về ngôi trường từng học, nay bọn nhỏ con cháu, như trước ba thập kỷ xưa vẫn ngoan nếp học gượng, hành gạo. Dưới sức ép của thi cử, chúng vẫn phải thuộc lòng khẩu hiệu, đồng ca lên điều mị đạo. Trong khía cạnh nhân văn, tinh thần, quan hệ giữa giảng và học ở đất nước này, có thể hết cả đời ta nữa, vẫn nhập nhèm trong ràng buộc giữa chân lý ra điều kiện và tuyệt đối thực hành thỏa đáp. Chốn học đường biến thành đàn cầu đảo cho những chế dụ siêu phàm sức hô phong hoán vũ.

Với thời gian và nghiệm trải, giờ ta đã hiểu rộng hơn ý niệm về con đường, và nếu phải phân tích những cấu trúc đường, ta e rằng đó sớm là điều bất hạnh mà ta chưa muốn kể. Lớp trẻ sẽ vẫn giậm chân đều bước trên lối ta đi chăng, không khác. Chúng sẽ ngây thơ phí hoài tuổi trẻ như đời người cầm bút Việt, rời khỏi nhà trường rèn kiểu đó, mất chừng 15 năm lưu lạc gì đấy trong quãng đời nhận thức tốt nhất, bên cái việc cứu tế người thân, và 30 năm giãi ơn mưa móc. Ôi trên cái đất này, người ta chỉ sẵn quen dỏng tai nghe phàn nàn chuyện “con cái làm buồn lòng cha mẹ“, chứ đâu dám giật mình nghe điều ngược lại. Vì chúng, cũng như con cái mình, ráng chịu một lần mang tiếng bạc, để nói toạc ra điều con cháu ta, tự nhiều đời như ta, rất có đấy nỗi hổ nhục bởi bậc phụ huynh tiền bối. Xét những thế đứng thuộc về thế hệ, ta nào dám hy vọng lợi thế gì hòng gỡ gạc, rằng từ nay ta cũng phải can đảm không ngần ngại phơi ta ra cho con trẻ công bình phê phán. Người trí thức Việt Nam, thông minh chẳng kém, bền bỉ vô cùng, trí lực song toàn, có điều hành trang sơ sài, vướng nhiều ràng rợ, căn cơ ý thức lạc hậu và kém cỏi bậc nhất thế gian.

Cuộc đổi thay bị động mới đầu bén gót, kết cục bị đuổi ra khỏi „đặc khu“ văn hoá – tư tưởng rào kín cổng cao tường nội trong lãnh thổ. Ba dòng thác cách mạng diễn nghĩa đã cạn nguồn trôi chảy. Từ nhiều điểm trên trái đất một dòng thô lậu phun lên cuốn phăng mọi không gian, địa lý, chiếm lấn được nơi nào đi qua, sẵn bỏ quên, sẵn bỏ ngỏ và thậm chí dung thứ những cồn đảo lẻ. Quê hương ta, trên nhiều phương diện, vẫn là hoang đảo lỗ đỗ đọng lại trong toàn cầu hoá: dưới tầng tầng ban bệ toàn trị, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện lớp cai đội hoặc giám mã tư tưởng vung roi chiều ý lãnh đạo liếc nhìn ra hiệu. Và cái đám không tiếc thân trâu ngựa, túi bụi chơi khăm và hành hạ nhau trong tầu đến tối mặt, trớ trêu thay ở thời hậu kim khí và internet, từ lâu quên phản xạ tự nhiên như lộn đàn quay ngược hoặc ngửng đầu bao quát, theo tiếng còi phát lệnh sổ ra lập tức cắm đầu, cố chạy nhanh kiểu nào chăng nữa cũng chỉ rối rít phi trên đường ray cấm trật. Cuộc đua trò mua vui lãnh đạo diễn ra vẫn vậy.

Lãnh tụ ở nhà nước toàn trị không cần biết văn hóa, chỉ có nhu cầu cai quản văn hoá, thâu tóm quyền lực để dồn hết sinh lực cuộc đời ra thi thố. Ngay từ thời kỳ toàn trị đen tối, khi còn trong vai lãnh tụ gần gũi nhân dân, họ từng ăn mặc giản dị, chia cơm sẻ áo, nhưng chưa khi nào sẻ san quyền, dù chỉ là ít chút. Họ ráo riết bám chặt vào quyền như ngoé ôm măng trong nồi nước nóng. Và nếu nước không sôi lửa không bỏng, họ phải dựng lên nhiều vụ phá hoại chống đối nội từ giới người cầm bút. Chừng nào còn chuyên chế, ta không mơ màng gì về một cảnh sum vầy trà thất thời bình mà ở đó nhà chính trị và nhà văn, nghệ sĩ thân thiện như người đồng sự chia sẻ chí, lắng nghe nhau từng ý. Cái cảnh hoà nước sông chén rượu ngọt ngào đó chỉ xẩy ra trong thời loạn trước khi hoàn tất toàn quyền.

Còn người dân phận vốn eo hẹp như làng xã ruộng đồng của họ, từ xưa chỉ được ra ngoài lũy tre làng vì cuộc binh đao. Kết thúc những cuộc chiến thế kỷ vừa rồi, họ lại về vườn yên cảnh súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa. Hiền và vô hại. Họ đáng thương với số phận, với cuộc sống tinh thần nghèo nàn vô kể.

Một thế kỷ ba cuộc chiến kéo dài hơn ba mươi năm chưa bao giờ cho nhà văn nghệ sĩ ở đất nước này được nhiều thời gian yên thân và an cư lạc nghiệp. Một nghề nghiệp luôn bị quấy quả. Có lẽ chưa có nghề, chỉ mới có nghiệp có phận, đúng hơn phận tôi đòi con ở. Vì một ngày mai độc lập và tự chủ tri thức, ta hãy chia tay và đoạn tuyệt với thân phận đó.

Riêng ý niệm con đường đến bây giờ vẫn ám ảnh ta nhiều lúc.

Ta nghĩ đến điều này lúc níu người leo vịn dốc ghập ghềnh hang Đầu Gỗ. Chóng mặt quay cuồng ta chỉ còn nhớ những phiến đá nhỏ, nhiều góc để một bát hương khấn nguyện. Trên triền dựng ngược ấy ta biết mở cho ta lối nào. Ngược lại với điều ngộ nhận cho rằng các văn nhân nghệ sĩ có tiếng nói riêng gây ảnh hưởng cho hậu thế, ta thấy những bậc xuất chúng ấy đều để lại một cõi hoang vu. Các bậc đại tài có tiếng nói, phong cách, dấu ấn, và gương mặt riêng ai cũng muốn sáng tác của mình gây ảnh hưởng trường tồn vĩnh cửu. Họ đâu dè ai theo họ sẽ lại bị «ma dẫn lối quỷ đưa đường» lẩn quẩn mãi, biết bao giờ mới đạt thành công quả. Họ đâu ngờ tác phẩm của mình làm nghèo năng lực kẻ kế tục, họ phá hoại tinh anh của người đi sau là đằng khác. Họ đi qua và bịt mất lối và thậm chí còn nhiều ngả. Đường họ đi là những đường sạn đạo[1] chẳng còn tro tích, ta chớ mảy may mò tìm đường ấy mà mất hết thời gian.

Biết đâu trong bối cảnh này, hoạt động chuẩn bị cho diễn ngôn từ mọi miền trí thức, quan trọng hơn, và tìm tắc nghẽn khơi ra rãnh nhỏ trong kiến trúc đồ sộ của ngôn ngữ đa tầng - đa dân tộc ấy chẳng lại quan trọng hơn việc tìm một con đường hiển hiện. Ngôn ngữ chung hẳn mong manh, tuy nhiên khó dùng dao súng triệt hạ sự kháng cự phi-vật thể là nó. Cái ngôn ngữ ta dùng trong ngữ vựng bị ém nhẹm, bị pha phôi dụng ý, cắt tỉa, xuyên tạc hay thất thoát cũng còn im hơi lặng tiếng, do người sử dụng chưa dám mường tượng về kích thước quá hạn. Như có lần đứng bên bờ Gran Canyon sâu khiếp đảm, theo ngón tay hướng dẫn viên du lịch ta nhìn mãi mới thấy dòng sông lấp loáng chảy dưới đó chỉ lớn bằng vệt nước thằng cu đái. Nơi đó thực ghềnh thác tung lên hất xuống những con thuyền độc mộc của dân chài da đỏ lưng trần chèo chống. Gọi nơi đó là gì nhỉ, ta suýt cười khi biết người bản xứ gọi nó là cái lỗ, cái hố, dù bề thiên tạo. Tiếng Việt bất quá gợi ta liên tưởng đến vũng trâu đầm hay hố bom thời chiến. Sau nghĩ lại ta thôi bất lực vì thấy gọi là hố, vực cũng chẳng sai, nếu thêm là hố chôn trời. Sự tình hiển nhiên rành rọt vậy, chỉ có ta vẫn chưa mở mang hết kích thước chăng?

Phải cái quá vãng của ta, ta không sao khép lại được, tốt hơn, do khách quan, chủ quan không sao phục hiện, nên được khắc phục lại bằng đánh giá không kiềm toả, đối chiếu tự do trong suy nghiệm.

Ta vốn sinh trên nền què quặt do cưỡng lạm. Dị ứng với quá nhiều „chân lý cách mạng“ di căn bội phát, nên khi bị bẻ ta hỏi thử lại xem ai chỉ cho ta trong mớ ổ ta sinh đâu là gốc rễ và nguồn cội.

Sức người dụng ngôn ấy luôn là sức của người giẫy trói, ta đâu dám „bôi đen“. Trên phông nền cho trước trắng đen kia máu đổ thành sông suối, sức vóc của nhiệt tâm và ý chí ta cũng như hồng cầu của từng cá nhân có hạn, chính vì thế chẳng còn gì khiến ta khiếp sợ.

Nhưng ta đâu dựng xong nơi trú tại. Đâu đó cần sự sắp đặt xây cất lại trong ta. Căn nhà ta, căn phần ta chưa thu vén xong, trong khi nhiều nơi trên đời người ta đang tháo bỏ biên giới. Những nhà nước nào còn bế quan toả cảng, còn ghẻ lạnh người công dân lưu lạc của mình như tôi tớ sẽ còn áp đặt lên họ nhiều nhiều ranh - biên giới. Yên tâm rào xong biên ải, cả nhóm người sẽ tha hồ uốn mình quỳ gối, vụ lợi ô trọc, bán đất làm giàu không thương tiếc, không cần tính toán thua thiệt mai sau. Nơi đâu hắc ám tham vọng bá quyền, nhân danh quốc gia, người ta sẽ dựng mỗi ngày mỗi cao thêm cả những hàng rào ly tán. Căn cứ vào ngụy tín, họ soạn thảo huý kị thành luật trừng phạt.

Cái gã độc hành kia là ta hãy nín đi điệu thở dài cảm khái, hơi thở não nề từ những tấm thân nghìn năm ấm ức chọn anh quân minh chúa thờ phụng bất thành, nên gắng tập lòng yêu những quê hương mới lạ. Có công nhiên yêu thương mảnh đất lạ mới thực sự có căn cơ khiến thiên hạ tin được vào tình yêu xứ sở sinh thành. Chả lẽ ta lại ghét nơi nương náu, những đất nước dung nạp ta, cho ta hưởng quyền chì trích tính cách, thói tục cũng như tiếu ngạo cái thể chế chính trị hiện thời và những người đứng đầu các đảng phái, chính phủ. Bất giác ta muốn hỏi những người làm văn viết báo trong nước chỉ mong được đến những đất nước xa xôi này để đăng đàn diễn thuyết tham gia hội thảo, cơn cớ gì ngậm tăm điều cấm kị. Lại có nhà văn sống nơi đây, hừng hực trong lòng một chủ nghĩa yêu nước đến phát khiếp, mỗi khi nói về cuộc sống nước này chỉ thấy xứ người lạnh lùng, vắng bóng kẻ thù, tìm mãi chẳng ra, lòng sinh hiềm tị. Ta muốn hỏi người ấy còn mưu cầu kiếm chác chi ở đất nước „thù“.

Ở gian tham gia của Việt Nam trong triển lãm nhiều nước Đông Nam Á tại Berlin-Dahlem ta xem hôm qua, dưới tranh của nữ hoạ sĩ Phần Lan sống 11 năm nay ở Hà Nội ta thấy chị ghi: „Ngôn ngữ: Hội hoạ/ Quê hương lựa chọn: Việt Nam“. Ta thấy điều đó quá đầy đủ, nên cùng mọi người quây quần chụp ảnh với người chị đáng yêu đại diện cho nước ta, không hỏi gì thêm.

Mùa thu đổi lá ta cứ nhận suông là mùa thu của đời ta, của đất Việt Nam ta, có thể, nào có sự phát triển nào đó lan khép kín vòng không kéo theo những thời tàn úa.

Ta xưng Ta, biết rõ rằng chính trị phiếm xưng tập thể vẽ nên cái Chúng Ta rỗng, vô hồn nhưng đối đầu với Kẻ Địch luôn đại diện cho chính nghĩa, toàn thắng. Đâu đó hẳn còn cái Ngã, hay ít nhất một cái tôi đang tự ý thức. Nó là cái Riêng ta đó chăng, quá lâu rồi im hơi trong đồng phục. Ở đây ta chỉ định ngôi thứ ấy, ta lôi cổ cái tôi bị xiềng xích kia ra. Cái tiếng van lơn khẩn cầu dựa khuôn lấp mặt đó, ta hãy nên nhiều lần vặn hỏi, trước khi vào đối thoại tìm và khai triển tương thanh tương thức.

Người đặt câu hỏi ít nhiều có tâm lý chắc mẩm nắm vững ngọn nguồn, cao kiến hơn kẻ thưa lời. Bíêt đâu từ cái vị thế ngất ngưởng ấy hắn sẽ dọn sẵn những bậc đổ ngã.

Nên chăng ta hãy gồm mình vào vai cả người hỏi lẫn kẻ thưa ấy, ta vấn cật ta toàn thể, lẽ nào ta không thuộc về tự nhiên, chịu lẽ thường hằng.

Trong ta là hỗn độn của những giằng xé và tan rã. Của những cảnh băng thân máu đổ, biển cả vùi xương, của những cảnh chia cắt địa giới - ý hệ, sự quay đầu ngậm miệng của kẻ ở người đi, của chia rẽ khôn bề hàn gắn. Nên tự cật vấn bất chấp lẽ lời thiếu nhất quán biết đâu như hiện tồn thiết yếu mãi chẳng bao giờ thôi quá mức.

Ta chưa mất quê hương nhiều cho lắm. Còn nhiều mối tương quan, ràng buộc liên hệ vào thế giới xung quanh cần tìm hiểu hơn sự mất, cho nên mất mát kia chẳng tới nông nỗi nào mà rên rỉ.

Xét cho cùng chẳng bằng hành hương, kiến thiết lưu vong trong tâm tư như thiết yếu sinh tồn nghệ sĩ. Đi như người kéo thuyền trên nền cát ngậm tăm sương bóng, diễu hành bóng chiếc lẻ loi. Chỉ đôi khi ta dừng bước tự hỏi, không gian trong veo thế, có lúc nào luôn dọn đủ chỗ cho sự vọng van

Nhưng rồi một thứ luật sống mới hình thành như một trí tuệ dân gian phổ quát, khi ai người trong số ta quen ở nhà cũng vỗ vai thân mật: „ Anh có thể buôn bán làm giàu, múa võ viết văn tha hồ khoái cảm, nhưng đừng có đả động đến chính trị!„. Môt nhà văn bốc danh thuộc hạ đắc thắng bổ sung: „Và đừng dại lập ngôn trong văn thơ, như ông X bà Y kia thì chết là phải!“. Ta chịu không hiểu. Cái nết thói khôn lỏi giúp cho bao người sống qua, trong biến đổi toàn cầu giờ sao thảm hại kệch cỡm. Ồ nếu vậy thì ta chỉ nên thở khí lồng kính, uống nước cất, ăn cơm không muối và đọc giấy trắng mà thôi.

Ta là chi? Ta còn chi để mất khi suốt đời vấp đầu mọi thứ biên ải khu biệt chia rẽ, chẳng quá cảnh bơ vơ trên nước non nhà.

PKĐ © 2004


Nguồn talawas

[1] Đường cầu bắc qua địa hình hiểm trở. Bái Công (Hán Vương) làm đường này, đi qua đến đâu đốt đi đến đấy, tỏ ý cho Hạng Vũ (Sở Bá Vương) biết mình không quay lại tranh hùng ( Sử ký Tư Mã Thiên).

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...