Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Bài thơ "Anh đã thấy trong đồng hồ cát" của Heinrich Heine

Sandra Kerschbaumer (1)


 Heinrich Heine (1797-1956)

Với chất Hài con người ta cũng có thể làm thơ về những sự vật tối hậu. Heinrich Heine, đã bị trói tay vào "mồ chăn đệm", minh chứng đầy ấn tượng điều này với bài thơ về tình yêu, cái chết và buồn thương.

Trông có vẻ dễ dàng và giản đơn: bốn khổ bốn câu bốn âm vận, chéo vần và lời thường nhật. Ở đây liên quan tới sự sống, tình yêu và cái chết, tới thân thể và linh hồn. Từ sự căng thẳng giữa âm sắc và chủ đề phát sinh ra một chất hài dịu dàng, láo đối với sự chờ đợi rằng chỉ có thể nói về những sự tối hậu một cách nghiêm túc, cũng láo ngay cả với người phát ngôn mà thế tự phô bày hoàn toàn trần truồng và trơ trụi: trong buồn đau tình yêu kết cục và trong nỗi sợ hãi cái chết. Nhà thơ đang chậm rãi tàn tạ vì bại liệt trên giường hấp hối được ông gọi là „mồ chăn đệm“: Người Do thái Đức này tự nhìn nhận mình là một chiến binh bại trận trong cuộc chiến dân chủ vì tự do, chạy trốn sang Paris, trở nên gắn bó bản quán với một nền văn hóa ít có giá tại quê nhà, và nhiều năm trời đã gắng công môi giới giữa hai nền văn hóa đó: ông đã viết những vần thơ cuối cùng về người ông yêu và về Đức Chúa.

Vâng, cũng về Đức Chúa. Bởi như một đức thánh hộ mệnh, Lazarus (2) trong Kinh thánh thành tựa đề „ Đi tới thánh Lazarus“ cho những bài thơ cuối cùng, như lời chú thích của Heine. Trong đó hai nhân vật đan chảy vào nhau: Người bị tàn phế trong cuộc đời, sau cái chết sẽ nằm trong lòng đấng Abraham, và kẻ được Chúa Giêsu phục sinh. Và với Kinh Thánh, nhất là những ảnh hình xưa cũ sống lại cuộc đời mới: đồng hồ cát, căn nhà trống, trò chơi thần bí của linh hồn và cái chết. Ngay cả những nỗi nhớ nhung của chất lãng mạn bị cười nhạo cũng trở lại, trong mô thức của chế giễu. Làm sao người ta có thể làm thơ ở thành Paris hiện đại về linh hồn hoảng loạn đang cập quạng? Bằng cách người ta, hài và táo tợn, so sánh nó với con rệp giãy giụa tứ tung trong vợt.

Từ thiên thần đáng thương thành ra cái gì?

Chỗ nào Heine pha trò, ở đó tiềm ẩn một nỗi đớn đau. Sự trào lộng khả thi sự chân thành: trong điểm nhấn diễn đạt tình thống thiết. Cũng như vậy trong một bài thơ xuất hiện gần như đồng thời ông lưu ý rằng, trong trường hợp hệ trọng của lâm chung không có chỗ cho những màn trò diễm lệ của những con cừu. Mà thế đó bằng cách ông phủ nhận, bản thân ông đã trình diễn chúng ra một lần nữa, khi con cừu hấp hối ưu lo về con chiên của mình: „ Ôi chiên ơi, anh sinh ra làm mục tử/ Để chăn em trên cõi đời này“. Nó ngân lên như một lời kinh cầu nguyện. Con chiên bé nhỏ của Chúa: đó là Malthilde (3). Điều này báng bổ thần thánh, nếu như người ta muốn hiểu vậy. Nhưng mà tình yêu, với nó người đang hấp hối còn đang lo âu cho con chiên nhỏ của mình, thì đó không là tình yêu. Giả thêm nếu như ông vẽ ra trước mắt cô, chẳng mấy lúc sẽ đứng bên nấm mồ của ông, ông nhắc nhở, vâng đi đoạn đường về hãy chỉ dùng cỗ xe ngựa kéo; người ta chẳng còn dễ dàng bay nhảy như thuở xưa kia.

Cũng dí dỏm và buồn rầu như vậy ở đây ông nói về thể xác và tình yêu, linh hồn và thiên thần, về Malthilde và Lazarus. Cái thiêng liêng và cái trần tục xoắn quyện vào nhau, một bó hoa kết thanh tú và một bó hoa rối lòng, cho đến câu thơ trước câu kết là một bài đố. Bởi vì cả hai cặp đối ngẫu sẽ xử sự với nhau ra sao? „Chồng và vợ, hồn và xác“. Một cái đứng ra đỡ cho cái kia, như trong các tranh hoành tráng thời cổ, hay là chúng đứng bên cạnh nhau như hai đôi cặp? Cả điều đó cũng thuộc về ma lực quyến rũ của bài thơ, khi nó để cho cả hai lơ lửng.

Như sự quyến rũ này có thể trở nên ghê hồn, như sự chiết ngôn của Heine đã tránh qua sự ảm đạm mà không ai nhận biết, mãi tới lúc này nhìn vào thể thơ mới trông ra điều ấy: ấy là nghệ thuật điều tiết âm điệu của ông. Bởi vì một vấn đề là bài thơ nói cái gì – và vấn đề khác: cái gì đã hoàn tất trong bài thơ đó. Bài thơ bắt đầu trong những câu thơ Iambơ lên xuống mực thước, trong sự hoán đổi đều đặn của những âm tiết nhấn và không nhấn. Sau đó trà trộn vào những nhịp thơ Đactin ba âm tiết, trong tình yêu „thiên thần dịu ngọt“ và trong sự hoảng sợ „ giật anh khỏi“. Có thể nghe thấy sự run rẩy và cập quạng của linh hồn đáng thương chính trong nhịp điệu của câu thơ này diễn đạt điều đó. Và cuối cùng trong khổ thứ tư cái cưỡng lại, cái vẫy vùng hoàn toàn hòa nhập vào âm điệu, cũng như trong câu thơ cuối cùng sự dâng hiến vào cái không thể tránh khỏi. Cái bắt đầu như một bài vũ khúc, trong nhịp điệu và cú pháp, dần hiện ra là một sự miêu tả một cuộc chiến đấu. Thể xác thua cuộc chiến này, đúng như chờ đợi. Nhưng mà thành ra cái gì từ linh hồn, từ thiên thần đáng thương ở lại, còn lại gì từ tình yêu không thể cản ngăn?

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn:
FAZ- Frankfurter Anthologie
 

Anh đã thấy trong đồng hồ cát

Heinrich Heine (1797-1856)

Anh thấy còn lèo tèo cát
Trong đồng hồ cát thoát nhanh
Vợ ơi - thiên thần dịu ngọt!
Cái chết giằng giật lấy anh        

Giật anh khỏi tay em đó
Cưỡng lại nào đâu ích gì
Cái chết kéo hồn lìa xác-
Linh hồn sợ muốn tan đi

Cái chết đuổi linh hồn khỏi
Nhà cũ, hồn thích ở trong
Đi đâu?- Hồn run như thể
Rệp trong vợt giãy tứ tung

Anh chống cũng không sao khác
Cố công vùng vẫy vậy thôi
Vợ và chồng, hồn và xác
Cuối cùng cũng phải chia phôi.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ich seh im Stundenglase schon

Heinrich Heine (1797-1856)

Ich seh im Stundenglase schon     
Den kargen Sand zerrinnen.          
Mein Weib, du engelsüße Person! 
Mich reißt der Tod von hinnen.           

Er reißt mich aus deinem Arm, mein Weib, 
Da hilft kein Widerstehen                             
Er reißt die Seele aus dem Leib –                
Sie will vor Angst vergehen.                        

Er jagt sie aus dem alten Haus,                    
Wo sie so gerne bliebe.                                
Sie zittert und flattert – wo soll ich hinaus? 
Ihr ist wie dem Floh im Siebe.                      

Das kann ich nicht ändern, wie sehr ich mich sträub’, 
Wie sehr ich mich winde und wende;                           
Der Mann und das Weib, die Seel’ und der Leib,        
Sie müssen sich trennen am Ende.                                

Chú thích của người dịch:

 
(1) Sandra Kerschbaumer (sinh năm 1971): Nữ nhà báo và phê bình văn học. Bà nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học. Làm luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu về Heinrich Heine và trào Lãng mạn. Từ 1999 bà làm cho Đài truyền thanh và viết bài cho báo Frankfurter Allgemeine Zeitung". Trong những năm 2007-2009 bà làm cộng tác viên và giảng dậy tại Tổng hợp Universität des Saarlandes.
(2) Thánh Lazarus: Thánh nữ Martha cùng sống với em gái là Maria và em trai là Lazarus tại làng Bethany, gần Jerusalem. Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến Bethany, nơi Lazarus đã chết, người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết.
(3): Augustine Crescence Mirat (1815-1883): Cô gái bình dân bán giầy người Pháp, vợ Heinrich Heine, được ông thân yêu gọi là Mathilde.

Tranh ký họa chân dung Heinrich Heine, lấy từ bài trên trang FAZ
.

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Tôi sống đời tôi trong những vòng lan tỏa

Tranh của © Gustav Klimt (1862-1918), họa sĩ Áo

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Tôi sống đời tôi trong những vòng lan tỏa,
ở trên bề mọi sự vật trào dâng.
Có thể sẽ không hoàn tất vòng cuối cùng,
nhưng mà tôi muốn mình gắng thử.

Tôi bay quanh Chúa, quanh ngọn tháp tiền sử
và lượn bay tự bấy ngàn năm
và tôi còn chưa biết: tôi là một cơn giông
là chim ưng hay một khúc ca lớn.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Ich lebe mein Leben in wachsenden Ringen


Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Ich lebe mein Leben in wachsenden Ringen,
die sich über die Dinge ziehn.
Ich werde den letzten vielleicht nicht vollbringen,
aber versuchen will ich ihn.

Ich kreise um Gott, um den uralten Turm,
und ich kreise jahrtausendelang;
und ich weiß noch nicht: bin ich ein Falke, ein Sturm
oder ein großer Gesang.


Chú thích của người dịch:
Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Cây đời - Tranh của Gustav Klimt (1862-1918), họa sĩ Áo, đại diện quan trọng của họa phái Phong cách trẻ Vienna (Wiener Jugendstil)

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Cuộc tận thiêu đã biến tôi thành người Do Thái

Imre Kertész
Tranh  © Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức

Imre Kertész sinh năm 1929 tại Budapest. Tháng Bảy năm 1944 ông bị áp chở đi Auschwitz, kế đó vào trại tập trung Buchenwald. Sau khi được giải thoát ông làm báo, từ 1953 hoạt đông với tư cách nhà văn và dịch giả. 1960 ông bắt tay viết Tiểu thuyết người không số phận, xuất bản 1975 ở Hungary. Một bản dịch mới sang tiếng Đức năm 1995 khiến ông nổi tiếng thế giới. Năm 2002 Kertész nhận giải Nobel văn chương. Phóng viên Peter von Becker tiến hành cuộc phỏng vấn này trên nhật báo Tagesspiegel, số ra ngày 27.01.2005.

talawas
 

Thưa ông Kertész, là người nhận giải Nobel văn chương và tác giả của „Tiểu thuyết người không số phận“, cùng với Elie Wiesel - người được trao giải Nobel hòa bình - hẳn ông là nhân chứng sống nổi tiếng nhất của Auschwitz. Ông ăn mừng ngày 27.01 ra sao?

Tôi miệt mài viết cuốn sách mới, một cuốn tự truyện. Với tôi đó không phải ngày lễ, vì tôi không mấy quan tâm đến nghi lễ hoặc những ngày trọng thể. Trong hồi nghiệm về Auschwitz,ngày nào cũng đều quan trọng.

 

Ông coi Auschwitz không chỉ là sự kiện trọng tâm của thế kỷ 20, mà còn là chuyện lúc nào người ta cũng phải kể lại.
 

Đối với tôi đó là huyền thoại trọng tâm mang tính tiêu cực. Tuy hàng ngày không muốn dành nhiều thời giờ bận tâm tới Tận thiêu (Holocaust), nhưng tôi chú ý xem điều gì sẽ là hệ quả về mặt đạo đức toát ra từ Auschwitz. Xét về mặt tự thân, nghiệm trải của từng người và kể cả kinh nghiệm của tôi nữa cũng chỉ mang ý nghĩa giai thoại. Auschwitz đạt tầm ý nghĩa như kinh nghiệm của nhân loại, nơi mọi giá trị nhân văn đều đi đến hủy hoại. Sau bước chuyển đổi, sau sự chấm dứt chế độ độc tài toàn trị lớn thứ hai sau đó, có một thời gian ngắn, tôi đã từng nghĩ rằng Auschwitz sẽ không thể tái diễn trong một trật tự thế giới mới. Một trật tự thế giới gieo tình yêu và tự do thay vào chốn hận thù.
 

Một không tưởng đẹp.
 

Một không tưởng, sau những bùng nổ bạo lực và cuồng tín mới đây, đã lại biến đi.
 

Nếu có, nó phải được tiền định bởi „con người mới“, và chính vậy điều này trở nên nguy hiểm. „Con người mới” là ý tưởng của thi nhân và triết gia, nhưng cũng của các nhà độc tài: từ „người anh Cả“ của Orwell [1] cho tới Stalin [2] và Mao [3] , từ Hobbes [4] cho tới Hitler [5] .
 

Một tuyến truyền thống thật là hay ho! (cười) Đúng vậy, ngay kể cả khi bốc đồng phấn khích về một sự đồng thuận mới trên thế giới đã tan biến đi, trong Âu châu lồng vào nhau lớn mạnh, sẽ có sự đồng thuận về nhân quyền, và lúc đó Tận thiêu sẽ thuộc lịch sử của chính nó, không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Đức. Điều này đã bị bưng bít trong các nền độc tài chuyên chế Đông Âu, như ngày hôm nay nhiều người ở Hungary vẫn sẽ còn lấp liếm. Nhưng ở Liên minh Âu châu người ta không thể trốn thoát khỏi lịch sử này một cách dễ dàng như vậy. Dù sao chăng nữa, đánh giá của tôi lưỡng lự đôi đường. Thế giới cũng vẫn tiếp tục xoay chuyển như chẳng bao giờ có Auschwitz trên đời.
 

Thật thế chứ? Ý tưởng đặt nhân quyền toàn năng lên cao hơn quyền tự chủ quốc gia, trước 1945, cứ như là chưa bao giờ trở nên có tác dụng về mặt chính trị?
Mà tuy vậy tôi tự hỏi rằng, Tận thiêu như một huyền thoại tiêu cực liệu rồi đây không dần dần mờ nhạt, bất chấp những đài tưởng niệm và những lễ nghi tưởng nhớ.

 

Các nhân chứng chết hết. Bản thân ông nhấn mạnh ý nghĩa của „huyền thoại tiêu cực“ như một sự nhắc nhở và cảnh tỉnh. Những huyền thoại có giá trị như trí nhớ tập thể của nhân loại. Nhưng trong huyền thoại cũng tiềm ẩn khái niệm thần thoại, cái không thật. Và thực ra Auschwitz có nghĩa là điều không sao hiểu, không sao tưởng tượng nổi. Ngày nay trại tập trung này gây tác động như một viện bảo tàng về sự khủng khiếp không sao tri nhận nổi bởi năng lực cảm nhận của con người.
 

Vâng, chính vì thế, bên cạnh tài liệu nó cần đến huyền thoại. Với những ai chấp nhận tính tiêu cực tuyệt đối của Auschwitz như kinh nghiệm hoặc sự lưu truyền có thể xoay chuyển điều này thành một nhận thức tích cực. Điều đó công hiệu không chỉ cho nền đạo đức hoặc chính trị, không nhất thiết người ta cứ phải khăng khăng vin cớ Tận thiêu. Tác phẩm của Beckett, trong đó ông ta cho hành động xoá sổ biến thành nguyên ảnh của tồn tại, không thể thành nếu như không có kinh nghiệm Auschwitz.
 

Ông từng viết rằng „sức tưởng tượng thẩm mĩ„ có thể đưa ra „một biểu tượng từ điều không sao mường tượng nổi“.
 

Vấn đề ở chỗ, càng nhìn ra bức tranh thực hơn từ những điều man rợ ở Tận thiêu, thì cảm nhận rằng bản thân mình không dính dáng gì tới chuyện đó, sẽ càng mạnh mẽ hơn. Chính tài liệu khẳng định khoảng cách giữa thực tại của chúng ta với cái đã xảy ra ở Auschwitz. Những hình ảnh hoặc hình video được Steven Spielberg [6] thu thập mô tả những hành vi kinh tởm của những người sống sót đã xác chứng sự phi nhân tính hoàn toàn xa lạ khi ta bắt gặp. Và như vậy những cắt nghĩa này, về cơ bản, còn làm cho lịch sử muôn bề thêm khó hiểu.
 

Vậy với ông, xác chứng hẳn mạnh mẽ hơn trong việc chưng cất tinh chế bằng văn chương chăng?
 

Kinh nghiệm chiết xuất của tôi về Auschwitz và Buchenwald là con người nơi đó, thủ phạm và nạn nhân, đều là con người như chúng ta cả. Tôi đã viết „Tiểu thuyết người không số phận“ để người ta nhận thấy những con người hoàn toàn bình thường bị đẩy vào hoàn cảnh bất thường ra sao, và rồi hoàn cảnh bất thường đó đã biến thành một sự thường nhật không sao tránh khỏi. Đương nhiên kể cả người đọc cũng sẽ bị bắt buộc can dự vào đó, không một lời giải thích, không một lời xin lỗi, không lời cáo buộc.
 

Như vậy không phải điều „tầm phào của độc ác“ [7] mà là sự „thường tình của độc ác“. Trại tập trung như một chuyện thường tình là sự khiêu khích tầy trời do cuốn sách ông gây ra, bởi con người ta khó tạo khoảng cách đối với điều bình thường.
 

Vâng chỉ như vậy chúng ta mới ít chút hiểu được về cái đã xảy ra. Không quỷ dữ nào cả, mà chỉ những người thường mới sa vào tình cảnh huyễn tưởng tới khi đó không sao hình dung nổi, và họ đã thay đổi mình trong đó. Trách nhiệm cá nhân bị hủy bỏ, các tù nhân trở thành ác nhân và trách nhiệm về những hành vi tội phạm được quy kết cho kẻ khác. Trong chế độ chuyên chính tuyệt đối, kết cục chỉ nhà độc tài chịu trách nhiệm. Vì thế xuất hiện những chặng tiểu sử mà người sống sót sau này sẽ không hồi tưởng như cuộc đời có thực do tự thân họ chịu trách nhiệm. Mà cứ như là cuộc đời của một ai đó xa lạ vậy.
 

Những kẻ thủ phạm sau 1945 trở về với vai trò của những người đương thời bình thường hay sử dụng sự vong thân như lời cáo lỗi. Nhưng ông là người gợi nhớ. Một cuốn sách của ông tên là „Tôi - một kẻ khác“. Trong ông còn có con người từng ở Auschwitz và Buchenwald, hay cậu bé nọ hẳn đã là người lạ đối với ông?
Đúng và không. Là nhà văn tôi xử lý những kinh nghiệm của mình, và như thế tôi là chất liệu riêng cho tôi. Chất liệu này thay đổi qua việc làm, vậy tôi cũng đổi thay theo. Khi tiếp cận tôi xa lạ với chính mình và trong xa cách tôi tiến gần tới mình hơn.

 

Nói theo ngôn ngữ phân tâm học, ông dường như đang khắc phục tang tóc ở chính bản thân mình.
 

Vâng, đấy là cuộc giải thoát mang tính sinh tồn của tôi. Chính vì thế tôi không thích đi đến những đài tưởng niệm. Trong khi mô tả tôi đã xếp cái được mô tả đó sau lưng mình, nhưng không vì vậy mà cắt xén đi hồi ức.
Vậy mà có một lần ông đã quay trở lại Auschwitz.

 

Cách đây vài năm Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Darmstadt họp mặt ở Kraków, từ nơi đó chúng tôi đi tham quan Auschwitz. Năm 1962 tôi đã đi Buchenwald rồi, khi đang viết „Tiểu thuyết người không số phận“. Tôi đã hy vọng ở ngay hiện trường đó có thể hòa mình vào cậu bé chính là tôi dạo 1944, 1945. Nhưng rồi trò chơi hoán đổi không gian và thời gian đó đã không thành công, vì trại tập trung đã bị giật đổ và bản thân tôi đã thành con người khác. Dẫu có cố công nhớ lại những hình ảnh và mùi vị nào đó đi chăng nữa, trong bộ quần áo ấm tôi vẫn khó lòng làm được việc lay gọi cái hình hài trơ xương rét cóng trong chiếc áo tù phong phanh của trại tập trung chính là tôi xưa thức dậy.
Không có hương vị Madeleine [8] của Proust cho Auschwitz và Buchenwald.

Hương vị „Madeleine – Auschwitz“ của tôi là chế độ độc tài cộng sản. Ngay cả khi người ta không thể ví nó với một trại tập trung của tử thần: tôi vẫn nguyên vị một kẻ bị cầm tù.

 

Thư thoảng ông còn mơ thấy trại tập trung?
 

Không.
 

Có những người sống sót đau khổ đến mức hoảng loạn bởi cảm giác tội lỗi, bởi vì họ đã sống sót – mà mẹ cha và anh chị em thì không.
 

Thuộc về chấn thương tâm lý nơi người sống sót còn có sự hạ nhục toàn tận. Nhiều năm sau đó, các tác giả như Jean Améry [9] hoặc Primo Levi [10] còn tự sát. Điều đã cứu tôi tránh khỏi bi kịch đó là thực tế rằng từ nền độc tài này tôi lại rơi vào nền độc tài kế tiếp. Tôi đã không thể nuôi hy vọng được thả vào tự do, môi trường khiến Jean Améry cảm thấy xa lạ về mặt sinh tồn. Tuy nhiên cảm giác tội lỗi thực sự không xuất hiện vì chuyện bản thân mình còn sống còn người khác thì đã chết, thực tế cho thấy rằng con người ta không thể sống sót qua trại tập trung mà không thích nghi với guồng máy trại một cách triệt để nhất. Nạn nhân phải a dua vào sự chà đạp nhân phẩm của chính mình. Để sống sót, tôi phải tuân theo lôgich của nền độc tài, cho dù lôgich đó chống lại tôi. Lý tính này là điều điên cuồng. Bởi vì tôi tuân theo nó, nên cả với tư cách nạn nhân tôi vẫn thành kẻ có tội. Như thế có một giằng xé kinh khủng ở nội tâm, mà nhiều người chỉ bằng con đường tự sát mới giải thoát nổi cho mình.
 

Điều còn lại đối với thủ phạm là sự nhục nhã và đối với nạn nhân là cảm giác ngượng?
 

Ngượng là một từ hay.
 

Ngượng là một cảm giác thầm kín nhất. Còn trả thù là xung tác mạnh nhất hướng ra bên ngoài. Có bao giờ ông thấy khoái được trả thù hay không?
 

Không, chưa bao giờ. Đó không phải là đức hạnh, mà đơn giản chỉ là thực tế. Trả thù về thể chất không phải là cách giải quyết. Người ta cũng có thể viết một cuốn sách diễn tả lại cái đã qua. Biết đâu đó lại là một sự trả thù tinh vi hơn.
 

Ông lập một toà án.
 

Nhưng tôi không phán xử, tôi chỉ diễn tả.
 

Peter Weiss [11] gọi giáo trường ca Auschwitz (Auschwitz-Oratorium) của mình là “Cuộc điều tra”.
 

Trong sách viết, cuộc điều tra chỉ phục vụ sự thực, nếu như tôi cũng tự điều tra về chính tôi.
 

Ông không phải là người theo tôn giáo?
 

Có một kiểu người Do Thái mới ở châu Âu: những người Do Thái trở thành Do Thái trải qua đạo luật chủng tộc Nürnberg và qua Tận thiêu. Mà tôi không là người Do Thái theo tín ngưỡng. Tôi không biết văn hoá Do Thái và tôi không là môn đệ của chủ nghĩa Đại Do Thái. Tôi là người Do Thái chỉ qua việc tôi từng ở Auschwitz. Mà tôi cũng không còn những mối qui thuộc khác. Luôn luôn tôi đã sống ở đó, ở những nơi kín chốn. Nơi không có quê hương.
 

George Tabori - người đồng bào Hungary của ông - xưa mất đi người cha ở Auschwitz, có nói rằng quê hương còn lại của ông ta không phải là một quốc gia nào đó, mà là sân khấu, là văn chương.
 

Điều đó cũng đúng với tôi. Tôi sống ở Berlin và Budapest, sau Tận thiêu và 40 năm độc tài chuyên chế ở Hungary tôi không thuộc về dân tộc nào cả. Chính vì vậy Cộng đồng Âu châu như được phát minh ra cho tôi vậy. Tuy cũng yêu Mỹ, song châu Âu này là không gian duy nhất của tôi. Không phải là bản sắc, nhưng là một khuôn khổ.
 

Cuốn “Tiểu thuyết người không số phận” của ông được dựng thành phim theo một kịch bản của ông. Kể cả với Auschwitz như một hậu trường điện ảnh người ta vẫn còn phải rùng mình.
 

Cả tôi cũng rùng mình. Từ khi có “Shoah” của Claude Lanzmann tôi cũng đã như ông ta tin rằng không nên dựng lên một bức tranh nhân tạo về trại tập trung. “Schindler’s List” đã xác chứng cho tôi điều đó. Mặt khác thì bộ phim “Cuộc đời đẹp chứ” của Benigni từ giác độ những câu truyện con trẻ kể làm tôi vô cùng thích thú. Bây giờ còn có bộ phim Hungary “Không số phận” của Lajos Koltai nữa – trong mắt tôi là bộ phim chân xác, không ồn ào chuyển thể tiểu thuyết tôi viết. Bộ phim xoay quanh nghiệm trải của cậu bé 15 tuổi, không hề sao chụp bề ngoài cuộc Tận thiêu.
 

“Không số phận” được bàn luận đưa vào Liên hoan phim Berlin năm nay.
 

Vâng, và cách đây mấy hôm bộ phim bị gạt bỏ. Kế đó người ta dự kiến đưa nó vào chiếu trong một chương trình phụ ở một rạp phim nhỏ, đạo diễn phim đã bác bỏ việc này là chí lý. Giờ đây có thể bộ phim đi Cannes hoặc Venézia, ngày 08.02. có buổi trình chiếu đặc biệt ở Budapest. Với riêng tôi đây là điều thất vọng lớn, vì Berlin những tưởng phải là địa điểm thích đáng cho buổi chiếu ra mắt khán giả.  

©Phạm Kỳ Đăng dịch và chú thích từ nguyên tác tiếng Đức
 

© 2005 talawas
[1]George Orwell (1903-1950): Nhà văn Anh, tác giả của “Trại súc vật” và “1984” giới thiệu trên talawas
 
[2]Jossif W. Stalin (1879-1953): Nhà cách mạng, lãnh tụ của nhà nước LBCHXHCN Xô Viết.  
[3]Mao Trạch Đông (1983-1976): Chủ tịch Đảng Cộng sản, lãnh tụ của nước CHND Trung Hoa  
[4]Thomas Hobbes (1588-1679): Triết gia, lý thuyết gia về nhà nước người Anh
[5]Adolf Hitler (1889-1945): Thủ tướng Đức (1933-1945), lãnh tụ của Đảng Quốc Xã Đức NSPD  
[6]Steven Spielberg (sinh năm 1947): Đạo diễn bộ phim về Holocaust „Schindler’s List“ („Danh sách Schindler“) 
[7]Nguyên bản „Die Banaliät des Bösen“, một khái niệm nổi tiếng của nữ triết gia gốc Do Thái Hannah Ahrendt (1906-1975)  
[8]Hương vị bánh Madeleine thôi thúc cuộc „Đi tìm thời gian đã mất„ của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922)  
[9]Jean Améry (1912- 1978): Nhà văn Áo
[10]Primo Levi (1919-1987): Nhà văn, nhà tiểu luận người Italia gốc Do thái, nổi tiếng với những trang viết về Holocaust  
[11]Peter Weiss (1916-1982): Nhà văn, hoạ sĩ, nhà làm phim người Đức

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Buổi chiều đã làm tôi mỏi mệt

Rainer Maria Rilke (1875-1926)



©Tranh Wassily Kandinsky (1866-1944) họa sĩ người Nga

Buổi chiều đã làm tôi mỏi mệt
và trong các giác quan của tôi râm ran
những ước vọng nhỏ cùng lũ dế đàn.

Nơi miền đất nhạt nhòa trải rộng,
những tòa biệt thự toàn màu trắng
nằm sau áng hoa hồng rực đỏ

Nằm như trên điếm canh im ắng
những ngôi biệt thự trắng
bên mé bờ tĩnh lặng của đêm xuân.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Abend hat mich müd gemacht

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Abend hat mich müd gemacht,
und in meinen Sinnen schrillen
kleine Wünsche mit den Grillen.

Wo das blasse Land verflacht,
liegen lauter weiße Villen
hinter roter Rosenpracht.

Liegen wie auf leiser Wacht
weiße Villen an dem stillen
Uferrand der Frühlingsnacht.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Tranh Wassily Kandinsky (Василий Васильевич Кандинский/Wassili Wassiljewitsch Kandinski), họa sĩ, lý thuyết gia nghệ thuật người Nga (1866-1944).

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Bài thơ tình biện chứng

Marcel Reich-Ranicki

Tranh của Fritz Overbeck (1869-1909), họa sĩ Đức

Nếu như người ta có thể tin vào một dòng chú trong sổ ghi chép của ông, ông đã viết bài thơ này trên chuyến đi Berlin trong một toa tàu hỏa, vào thời điểm ít lâu sau Đại chiến thế giới thứ nhất, khi ông gần 22 tuổi. Dạo đó ông tìm tòi những con đường mới cho kịch, trái lại trong thơ ông vẫn ràng buộc với truyền thống. Thường xuyên ở đây, một cách chu đáo và lão luyện, ông tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của thơ cổ điển. Nhà thơ trẻ rót đầy các ống dẫn cũ và đắc nghiệm bằng thứ rượu vang mới.

Bài thơ „Hồi tưởng Marie A“ bao gồm 3 khuông hoặc 3 khổ, mỗi một trong số 24 câu thơ có 10 hoặc 11 âm tiết (một ngoại lệ duy nhất: khổ 3, câu 6) và điệu năm nhịp thể thơ jambơ, trong mỗi một khổ cứ câu thơ thứ hai kết vần với câu thứ tư, và câu thứ 6 với câu thứ tám, tất cả các đôi cặp vần đều "nam tính" cả.

Nhưng hình thức cổ điển vậy, thế mà khổ đầu tiên lại mang vẻ lãng mạn - dân ca. Nhà thơ hồi tưởng một cách đa cảm khoa trương bằng những tính từ trước hết giản phác và nhấn mạnh tình cảm. Chuyện gì đã xảy ra trong ánh trăng xanh tháng Chín và điều gì chàng ta rõ ràng là không phải không thích nghĩ tới, rất tươi trẻ và diễm lệ, yên ả và nhòa nhạt. Mà thế đó trong ba câu cuối cùng của khổ thơ, đột nhiên Brecht từ bỏ tính từ, hơn thế ba lần ông lặp lại từ chỉ thời gian „war“ ngắn vang âm tăm tối. Kết cục của khổ thơ cũng ở mức như vậy cảnh báo trước nội dung của khổ thơ thứ hai: Khổ thơ tiếp vào khổ thứ nhất như phản đề nối vào chính đề.

Thời gian qua không chỉ nhiều mùa trăng qua đi, cả tình yêu cũng lặng lẽ rụng xuống và trôi qua, „ những cây mận non" năm nào không còn nữa, nhà thơ không còn nhớ gì cả, thậm chí cả gương mặt người yêu. Liệu điều đó có chút chi như chế diễu, rằng chàng ôm cô trong tay như một „giấc mơ diễm lệ“.

Câu thơ cuối cùng của khổ thứ hai đã tương đối hóa mẫu xét nghiệm xám xịt: Dẫu sao nhà thơ không thể quên được rằng mình đã hôn lên gương mặt ấy. Và với điều đó ta lại được lưu ý tới khổ thơ tiếp nối và cuối cùng: trung thành với phép biện chứng của Hegel, sau chính đề và phản đề bây giờ đây đưa ra hợp đề.

Ngay cả nụ hôn, nhà thơ ngờ vực thú nhận, những tưởng đã quên lãng từ lâu, nếu như không có đám mây trên trời, mà mây lại còn rất trắng nữa. Nhưng trong cuộc đời của mình, nhà thơ đã ngàn vạn lần trông thấy rất nhiều mây. Thế mà tại sao bây giờ chàng ta lại nhớ tới đám mây này chỉ „nở bông“ trong giây lát? Thế đó, chính bởi vì dạo đó chàng ôm „mối tình lặng lẽ nhợt nhạt“ trong tay và đã ghé môi hôn.

Bằng sự sát thực tô nhấn, những gì chàng ta quả quyết trong khổ thơ thứ hai, rằng“ tôi không nhớ“, đã bị phản bác một cách gián tiếp trong khổ thứ ba. Trong lúc trước đó còn dự đoán một cách phấp phỏng, nào là những cây mận vừa qua hẳn bị đốn đi, thì giờ đây chàng hy vọng, chúng vẫn còn luôn nở bông. Brecht đã hủy bỏ nhan đề ban đầu của bài thơ có chút gì hơi điệu đàng (Khúc hát đa cảm số 1004).

Trong bài thơ này, nếu như đám mây „ trắng làm sao và xuống tự trời cao“ cần phải tượng trưng cho tình yêu, cùng sự trong trắng và đồng thời sự qua đi? Nếu thế thì ngay cả đến tình yêu, như một thời được hát trong một vở ca kịch, cũng lại là một quyền lực của trời cao sao? „ Nhưng tôi còn và sẽ luôn còn biết“ – khi nói về đám mây này. Và điều này hẳn có nghĩa: Cứ cho là tình yêu luôn phai tàn đi, giờ đây tình yêu thế đấy không hoàn toàn tan biến. Bởi vì hồi tưởng còn ở lại và cũng như thế có thể cả sự biết ơn nữa. Trong nhan đề của bài thơ, vâng, không thấy nói gì đến một cây mận và tương tự, chính vậy đâu có nói gì đến đám mây, mà là về một người đàn bà. Chàng đã không quên cô gái, cô và sự kiện tháng Chín sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Những dòng này ông viết dâng tặng cô.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Ein Liebling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001

ISBN 3-458-06655-1

Hồi tưởng Marie A.

Bertolt Brecht (1898-1956)

1. Ngày đó ánh trăng xanh tháng Chín

Lặng thinh bên một gốc mận non, 
Tôi ôm mối tình nhợt nhạt, lặng lẽ còn
Trong tay tôi một giấc mơ diễm lệ
Trên đầu ta, trong trời hè đẹp đẽ
Có đám mây kỳ vĩ ở trên cao
Tôi nhìn lâu làn mây trắng xiết bao
Và khi tôi ngẩng đầu, đám mây đâu còn nữa.

2. Từ ngày đó rất nhiều vầng trăng đã
Xuống dập dìu và lặng lẽ trôi qua
Những cây mận hẳn thế đốn dời đi
Và bạn hỏi tôi, rồi sao tình yêu đó?
Thưa bạn ơi, thực tôi không thể nhớ
Mà biết rồi, tôi đoán ý bạn luôn:
- Cả gương mặt nàng thật tình tôi chẳng nhớ
Giờ đây tôi chỉ nhớ, xưa tôi ghé môi hôn.

3. Và cả chiếc hôn, lẽ từ lâu tôi quên
Nếu đám mây không qua nơi đó
Nhưng tôi biết, điều này tôi biết rõ
Mây trắng tinh và xuống tự trên không
Có thể cây mận mãi nở bông
Thiếu phụ nay dễ bảy con bên nách
Nhưng đám mây nở thoáng trong giây lát
Và khi tôi ngước nhìn, trong gió cuốn mây tan.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Erinnerung an die Marie A

Bertolt Brecht (1898-1956)

1. An jenem Tag im blauen Mond September
Still unter einem jungen Pflaumenbaum
Da hielt ich sie, die stille bleiche Liebe
In meinem Arm wie einen holden Traum.
Und über uns im schönen Sommerhimmel
War eine Wolke, die ich lange sah
Sie war sehr weiß und ungeheuer oben
Und als ich aufsah, war sie nimmer da.

2. Seit jenem Tag sind viele, viele Monde
Geschwommen still hinunter und vorbei.
Die Pflaumenbäume sind wohl abgehauen
Und fragst du mich, was mit der Liebe sei? 

So sag ich dir: Ich kann mich nicht erinnern 
Und doch, gewiß, ich weiß schon, was du meinst
Doch ihr Gesicht, das weiß ich wirklich nimmer
Ich weiß nur mehr: ich küßte es dereinst.

3. Und auch den Kuß, ich hätt ihn längst vergessen
Wenn nicht die Wolke dagewesen wär
Die weiß ich noch und werd ich immer wissen
Sie war sehr weiß und kam von oben her.
Die Pflaumenbäume blühn vielleicht noch immer
Und jene Frau hat jetzt vielleicht das siebte Kind
Doch jene Wolke blühte nur Minuten
Und als ich aufsah, schwand sie schon im Wind.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, được tôn vinh như Giáo hoàng văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Tôi thường nghĩ trên chuyến đi thường nhật

Rainer Maria Rilke (1875-1926)


Đêm sao - Tranh của Vincent van Gogh

Tôi thường nghĩ trên chuyến đi thường nhật,
Một giấc mơ cứu giúp, trong đêm, 

Tới hôn lên vừng trán tôi bức bối 
Với đôi môi mát lạnh và êm.

Rồi sau nữa tôi khát khao nhìn thấy

Sao lung linh. – Ngày nhỏ và trụi trơ,
Đêm xa tắp, có biên giới bằng bạc
Có thể như một huyền thoại đến giờ.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Oft denk ich auf der Alltagsreise

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Oft denk ich auf der Alltagsreise
der Nacht, und daß ein Traum mir frommt,
der mir mit Lippen, kühl und leise,
die schwüle Stirne küssen kommt.

Dann sehn ich mich, die Sterne glänzen
zu sehn. - Der Tag ist karg und klein,
die Nacht ist weit, hat Silbergrenzen
und könnte eine Sage sein.

Chú thích của người dịch:

 
Rainer Maria Rilke ( 1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Đêm sao - Tranh của Vincent van Gogh (1850-1893) họa sĩ Hà Lan

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Được như thần thánh

Bild: Michelangelo (Buonarroti) - Idealgesicht

 © Michelangelo Buonarroti (1475-1564), họa sĩ, nhà điêu khắc người Ý
Marcel Reich-Ranicki

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.
Người dịch  



Chắc chắn trong thời sinh viên của mình, ông không dửng dưng với chính trị. Tất nhiên kể cả với ông cũng như phần nhiều bạn đồng môn, cuộc Cách mạng Pháp đã gây niềm hào hứng hoặc ít nhất làm cho họ rối trí. Thế mà rồi chẳng bao lâu ông đã rời xa khỏi hiện tại: Hiện tại ấy đã không còn là thời đại của ông. Cũng như thần Hyperion (1), ông ở lại mãi „trên trái đất này một người xa lạ“, ông coi những „người đương thời“ là „mọi rợ từ cái thủa nào ấy xa xưa“.

Với năm tháng, cái tương lai ông ước mong và mơ tưởng, đã trở thành thời đại của mình. Trong những nhà cổ điển của văn chương Đức, ông là nhà tiên đóan, người vĩ đại nhất, có lẽ chăng, người duy nhất. Ông là một nhà thơ, và đồng thời, nhà tiên tri. Và quá khứ lại còn rất cổ đại Hy-La, hiện ra chẳng từng là thế giới ông luôn luôn cầu nguyện như vậy hay chăng? Trong thực tế, thế giới ấy không là đề tài cho ông. Hơn nữa kia, nó phục vụ ông như một báu vật, ông thu lời rất nhiều từ đó, như một kho báu, từ đó ông lấy ra những nguyên tố ông cần cho viễn ảnh tương lai của ông: các nhân vật, các khán trường, các mô-típ và đạo cụ.

Về các thánh thần, ông nói, rằng họ có sống đấy, nhưng „ trên đầu ở thế giới khác cao tít trên kia“. Cả ông cũng sống trong một thế giới khác, tức là trên mặt đất, có đấy trên những tầng mây. Trước tiên, khi bệnh tật đưa ông rời xa khỏi thực tại và sau đó vĩnh viễn giải thóat ông, thì ông vẫn còn ở bên dòng sông Neckar và ngay là nơi đó, nơi không ai có thể theo được gót ông, người tư duy điều sâu sắc nhất, yêu cái sinh động nhất và viết nên thi ca tăm tối nhất.

Nhưng chưa bao giờ ông là „người giữ đền cho ngọn lửa thiêng“, như người ta thảng hoặc sau này tôn vinh ông. Ông chẳng trông coi chút gì cả, có chăng đó là vận số của ông: Rút cục ông không muốn biểu đạt điều gì khác, không ca hát điều gì khác hơn là cuộc tồn sinh của ông, phác thảo cuộc đời ông. Cũng những gì ông thi ca, ông nói lên trong cái nghiệp riêng, về tình yêu, họan nạn, về hạnh phúc và khổ đau của mình. Trong tác phẩm của ông, những bức tường đứng câm lặng, những lá cờ lất phất, những lá cờ đuôi nheo báo thời tiết, và cùng với chúng leng keng những xích xiềng ông giật và lê kéo mà chưa bao giờ thóat thân ra khỏi. Một cách thảm thiết, tất cả với ông đều bất đạt, chỉ riêng thi ca là không.

Thơ, nghệ thuật thi ca là nghề nghiệp và thiên chức của ông. Ông coi thi ca là nhiệm vụ duy nhất của mình, trong thơ ông thấy chốn „lưu vong vui tươi“, là ý nghĩa và nội dung của cuộc đời. Chỉ duy có thi ca, ông nói, biện hộ cho sự hiện tồn. Ông tin vào sự giải thóat thông qua thơ ca. Đó chính là định đề trải suốt dài lâu, một chương trình bùng lên ngọn lửa của mình.

Câu hỏi nổi tiếng:“ Nhà thơ làm gì ở thời khốn khó?“ cần phải lay động và khiêu khích độc giả, vốn dĩ ông đương nhiên hầu như không có mấy người. Đó chỉ là câu hỏi, có thể tự hiểu, thuần túy mang tính hùng biện. Bởi vì thi sĩ chính trong thời khốn khó luôn được cần tới, ông chưa hề ngờ vực điều này, rằng họ chính là thế, những người gieo góp cái trường tồn, đó là đức tin của ông, vâng là sứ điệp cứu thế của ông. Vào khi ông không còn làm thơ được nữa, ông kết luận một cách sát thực rằng „Tôi không còn là gì nữa cả, tôi chẳng còn muốn sống nữa đâu“. Như vậy chính thơ ca tự thân nó thuộc về những chủ đề quan trọng nhất ở thơ ca của ông.

Bài tụng ca „Gửi các thần số mệnh“, viết vào năm 1798 tại Frankfurt am Main, như rất nhiều bài thơ của ông, là một khúc kinh cầu. Người nói lên điều khấn, hướng tìm những vị nữ thần số mệnh phúc quyết tuổi thọ của từng con người một. Ông chỉ có một nguyện ước, sao cho các nữ thần số mệnh đầy uy vũ hãy cho ông chút thời gian không thể nào bỏ đi dược, để tiếng hát của ông thêm chín muồi.

Giống như suy nghĩ của ông về Tình yêu luôn luôn nhuốm màu của tối hậu và được quyết định bởi vậy, thì ý tưởng của ông về người thi sĩ cũng kiến thiết trên ý thức về những Sự Vật Tối Hậu. Ba khổ của bài thi tụng này tòan nói đến cái chết. Ai đạt được sự tấu chơi ngọt ngào, tức là khúc hát này, trái tim người đó nguyện sẵn lòng chết hơn: Người đó có thể yên bề với nghiệm trải đã qua. Thậm chí anh ta có thể chào mừng sự không hiện hữu của mình – sự tĩnh lặng của địa tầng bóng tối.

Dẫu cho khúc tấu đàn dây của ông không dẫn ông đi xuống tầng hạ ngục, mặc dù ở đó nghệ thuật của ông không tồn tại, hoặc ít nhất không thể tri cảm được đối với ông, người nghệ sĩ, thì đúng thế, ông có thể „mãn lòng“. Bởi chưng ít nhất đã một lần ông từng sống như thần thánh. Điều này ta không nên hiểu như là mẫu xét nghiệm, mà là nguyện vọng: Ông, nhà thơ người đã hòan tất điều „thần linh“ - bài thơ hòan hảo - nên ông đã làm nên tất cả những gì một con người có thể đạt được; và như vậy ông ngang bằng thần thánh. Hay nói một cách khác: Linh hồn, chỉ nhờ có nghệ thuật mới có sự tồn tại linh thiêng. Hoặc cũng có thể nói: Nghệ thuật là thứ khiến cho cuộc hiện sinh trần thế của ta trở nên chịu đựng được. Trong lời khấn nguyện của thi sĩ hàm ẩn một hình tượng của khao khát và ngưỡng vọng nơi con người.

Bài tụng ca „Gửi thần số mệnh“ thuộc về những kỳ thư trong tiếng Đức. Từ bài thơ, kiêu hãnh, tự ý thức cất lên tiếng nói, tuy nhiên không kênh kiệu và đắc thắng. Mạnh mẽ ở năng lực biểu đạt và tuy vậy xa lạ mọi ngạo mạn. Nhiệt tình sôi sục không có gì vượt được, mà thế đấy, không to tiếng mà cũng chẳng hề thúc ép. Cảm giác và suy nghĩ ở đây lập nên sự thống nhất tòan vẹn. Sự hài hòa không tỳ vết của âm điệu và hình ảnh - ở đây trở thành hiện thực.

Thực không hề đơn giản để yêu người thi sĩ cao vọng này. Nhưng không thể không ngưỡng mộ ông, khó lòng không tôn thờ ông, ông, Friedrich Hölderlin.

1994

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Marcel Reich-Ranicki, Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Inselverlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001; ISBN 3-458-06655-I

Gửi thần số mệnh

Friedrich Hölderlin (1770-1843)

Ban cho tôi duy một mùa hạ thôi, hỡi thần uy vũ (2)
Và một mùa thu, cho tiếng hát chín muồi,
No nê khúc đàn ngọt ngào tấu chơi,
Tim tôi sẵn nguyện chết vì, sau đó.

Linh hồn, trong cuộc đời không thấu quyền thánh thần
Cũng chẳng an tọa nào dưới địa tầng âm phủ
Điều thánh linh xưa, tôi trong tim hằng ấp ủ
Thế đấy cho tôi, bài thơ đã tựu thành.

Đây chào mừng, ôi tĩnh lặng của địa tầng bóng tối
Tôi mãn lòng, cả khi tôi tấu khúc đàn dây
Không dẫn tôi trượt xuống đây. Đã một lần
Tôi sống như thánh thần, và không cần gì hơn nữa.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

An die Parzen

Friedrich Hölderlin (1770-1843)

Nur Einen Sommer gönnt, ihr Gewaltigen!
Und einen Herbst zu reifem Gesange mir,
Daß williger mein Herz, vom süßen
Spiele gesättiget, dann mir sterbe.

Die Seele, der im Leben ihr göttlich Recht
Nicht ward, sie ruht auch drunten im Orkus nicht;
Doch ist mir einst das Heilge, das am
Herzen mir liegt, das Gedicht, gelungen,

Willkommen dann, o Stille der Schattenwelt!
Zufrieden bin ich, wenn auch mein Saitenspiel
Mich nicht hinab geleitet; Einmal
Lebt ich, wie Götter, und mehr bedarfs nicht.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

Đôi nét tiểu sử: Friedrich Hölderlin sinh ngày 20.03.1770 tại Lauffen am Neckar, cha là lao công tu viện, mẹ là con gái linh mục. Năm ông lên hai cha mất, mẹ gửi ông vào một trường dạy tiếng Latinh ở Nürtingen, sau vào một trường học dòng tin lành của tu viện, đào tạo ông thành mục sư tin lành. *Từ 1788 – 1793 Hölderlin nghiên cứu Thần học tại trường Tổng hợp Tübingen. Thời gian này ông kết bạn với Friedrich Hegel và Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (hai triết gia đại diện của chủ nghĩa Duy tâm Đức). * Năm 1796 làm gia sư trong gia đình chủ nhà băng Gontard, đem lòng yêu người vợ chủ nhân là Susette, và đuợc bà đáp lại. Mối tính chấm dứt vì Gontard đuổi việc ông.* Năm 1797 có cuộc gặp gỡ Johann Wolfgang von Goethe* Trên đường rong ruổi làm gia sư ở nhiều nơi tới 1802, ông trở về nhà được mẹ nuôi dưỡng* Hai năm sau được chẩn đóan bệnh điên (y học ngày nay chẩn đóan sang chấn thần kinh và tâm thần phân liệt), năm 1806 người ta đưa ông vào viện điều trị tâm thần Tübing. *Sau nhiều lần trốn ra không thành, 1807 ông được một đôi vợ chồng thợ mộc nhận về nhà nuôi dưỡng, nơi ông tiếp tục 36 năm sống trong trạng thái mộng du thần trí, tiếp tục sáng tác. Friedrich Hölderlin mất ngày 07.06.1843.

(1) Hyperion: Một trong 12 vị thần khổng lồ trong thần thọai Hy Lạp, con của thần Uranus (bầu trời) và nữ thần Gaia (đất mẹ).

(2) Die Parzen (tiếng Latinh: Parcae): Ba nữ thần số mệnh Nona, Decima và Morta của thần thọai La Mã, tương thích với nhóm nữ thần số mệnh Moirei của thần thọai Hy Lạp (Klotho, Lachesis và Atropos).

Bản tiếng Anh tham khảo:

To The Fates

Grant me just one summer, powerful ones,
And just one autumn for ripe songs,
That my heart, filled with that sweet
Music, may more willingly die within me.

The soul, denied its divine heritage in life,
Won't find rest down in Hades either.
But if what is holy to me, the poem
That rests in my heart, succeeds —

Then welcome, silent world of shadows!
I'll be content, even though it's not my own lyre
That leads me downwards. Once I'll have
Lived like the gods, and more isn't necessary. 


Bài đăng VHNA

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Trên chuyến tàu xa

Phạm Kỳ Đăng
 
Tranh của Auguste Renoir (1841-1919) họa sĩ Pháp

Dưới trời mông lung buốt giá
Xuân phân vân. Suốt rừng xa
Tàu đi. Mưa tầm tã lá
Buồn trông, trẻ trọ xa nhà

Nhớ hiên gạch nung hồng tía
Hiện lên như đóa triêu nhan
Vào xuân mây giong biến hóa
Long lanh dưới nắng chuyển làn

Đã xa hình như chớp mắt
Hội kéo quân dưới đèn chong
Diễu qua ngựa, voi, mặt nạ
Trộn xen thích thú, hãi hùng

Múa lên hàng tay non trẻ,
Hàng cau sà bóng xuống sân
Mở ra báu châu trong đó
Giàu sang màn múa kỳ lân

Và cuộc chia tay mùa hạ
Tuổi thơ và những trò chơi
Dưới trăng, bồi hồi gió thổi
Từ sông lấp láy sao vui

Cô bé dụi mi còn thấy
Đèn lồng xoắn xuýt giấc mơ
- Sáng hơn trong đêm cùng tận
Mái hiên dáng mẹ đứng chờ.

©PKĐ-2015

Tranh Chân dung cô gái của Pierre-Auguste Renoir (1841-1919) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...