Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Cái mới đe dọa, cái cũ không còn bảo vệ

Hilde Spiel   

Tranh sơn dầu của © Max Ernst (1891-1976): Họa sĩ Đức

Tôi yêu bài thơ làm tiêu đề cho tập thơ „ Thời đáo nợ“ (1), bởi nó chứa đựng những gì hiện hữu trong những bài thơ khác của Ingeborg Bachmann, và do đó thông qua sự đủ đầy và đậm đặc còn nhiều hơn là thế. Vậy điều gì xoáy sâu vào lòng ta ở một tác phẩm thơ trữ tình nhỉ?. Sự đa dạng của những liên kết có thể gợi ra, sự cấp bách của những lời hiệu triệu ban tới chúng ta kêu gọi cùng nhìn, cùng nghĩ suy, cùng cảm nhận, cùng gọi lên những sự trải nghiệm thuộc loại họ hàng, cho tới lúc cả tấm dệt bằng ngôn từ này đã trở thành một phần của chúng ta.

Hai mươi tư dòng thơ thậm phồn ở ảnh hình, ý nghĩ, cảm xúc và thể tương đồng. Một cách không thương tiếc, ngay từ ban đầu ta bị đẩy ngay vào một tình cảnh tồn sinh bị ruồng rẫy, của mối nguy cơ không ngừng lớn dậy. Thời gian tồn tại của chúng ta có hạn, cái kết cục đã sờ sờ vẽ ra trước mắt. Mặc dù thế chúng ta vẫn phải đi tiếp, vẫn còn phải hớt hải đón đầu cái điều không thể tránh, mà đáng ra nên chờ đợi nó trong một môi trường tin cậy hơn mới phải. Cái mới đe dọa, nhưng cái cũ không còn bảo vệ được ta nữa.


Và ngay bây giờ hình ảnh của chàng Odysseus (2) tha phương: những con chó nọ chào đón người chủ trở về nhà mệt rã rời, ở đây bị chàng xua đuổi trở về trang trại. Quả không hề là chuyến hành trình chinh phục mà chàng đã dấn thân ra đi. Chàng Odysseus này sẽ không quay trở lại. Dưới vòm trời nặng trĩu, trong sương mù và trong gió, đi qua những đống cá khô quắt queo – tôi trông thấy chúng treo trên những dây căng giữa những cánh cổng, phơi cả lòng ruột từ đó cái Ác được tiên đoán, trong những vò gỗ lớn bày trên trái đất – và thôi thúc bởi màu xanh lam phai nhạt của những cây hoa đậu sói, chàng lên đường hành trình đi đến cắt đứt với quãng thời gian của mình.


Nhưng bây giờ là quang cảnh cho phép chàng nhận ra cái điều không thể tránh, không thể cứu vãn của tiền định. Những gì chàng dấu yêu, đã bắt đầu trượt rơi xuống trước con mắt nhìn, và chàng không thể làm được điều gì cưỡng lại, chàng phải nhẫn lòng cam chịu, không được phép tránh né khỏi lệnh hành quân này. Trong viễn tượng này, phong cảnh cổ đại nhường chỗ cho một sa mạc hoang vu trong tranh Dalí (3), xung quanh toàn cát, một vùng hoang vu vàng vọt xạc xào, nơi vị ngọt ngào của cuộc đời, như bà Minie (4) trong „Những ngày hạnh phúc“ của Becketts (5) dần dần chìm xuống.
 

Cuối cùng một lần nữa, như những nhát búa, giáng xuống những câu mang sứ mệnh ủy thác cho chàng. Những lời hướng tới chàng, người lữ hành và người cam chịu, với câu thứ tư của bài thơ mang tính đại diện đang gánh lấy số phận của tất cả chúng ta lên mình. Không còn chút gì được phép ở lại, những thứ nào còn gợi nhớ đến cuộc tồn sinh tới ngày nay. Và lần này không còn hy vọng. Không có ngôi sao nào cả. Chỉ có dần tối mờ nhân ảnh và con đường đi tới ranh giới. Một ngụ ngôn sinh tồn, xuất hiện trong cái năm của „Godot“ (6) và gây chấn động không ít chạm vào căn cốt hơn tất cả những gì sau này người ta đọc được thấy ở Beckett và Thomas Bernhard (7).

Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Thời đáo nợ

Ingeborg Bachmann (1926-1973)

Rồi những ngày khốc liệt hơn sẽ tới
Thời đại sẵn hủy kỳ đáo nợ
sẽ hiện cuối chân trời
Chẳng mấy chốc đâu anh phải thắt chặt dây giầy
và đuổi lũ chó về trang trại hoang biển cả.
Bởi lòng ruột cá
đã lạnh tanh trong gió
Leo lét ánh sáng của hoa đậu sói
Ánh mắt anh vằn lên trong sương mù:
sẽ hiện rõ cuối chân trời
Thời đại sẵn hủy kỳ đáo nợ.

Bên kia người yêu anh chìm trong cát lụn
cát dâng lên quanh làn tóc cô bay lòa xòa
tóc chen ngang vào lời cô
lệnh cho cô câm lặng
coi cô rồi cũng chết
và thuận lòng từ biệt
sau mỗi cái ôm.

Đừng quanh quất nhìn
thắt chặt dây giầy
Đuổi đàn chó quay trở lại
Ném cá xuống biển
Dập tắt đi hoa đậu sói!

Những ngày khốc liệt hơn sẽ tới.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Die gestundete Zeit


Ingeborg Bachmann (1926-1973)

Es kommen härtere Tage.
Die auf Widerruf gestundete Zeit
wird sichtbar am Horizont.
Bald mußt du den Schuh schnüren
und die Hunde zurückjagen in die Marschhöfe.
Denn die Eingeweide der Fische
sind kalt geworden im Wind.
Ärmlich brennt das Licht der Lupinen.
Dein Blick spurt im Nebel:
die auf Widerruf gestundete Zeit
wird sichtbar am Horizont.

Drüben versinkt dir die Geliebte im Sand,
er steigt um ihr wehendes Haar,
er fällt ihr ins Wort,
er befiehlt ihr zu schweigen,
er findet sie sterblich
und willig dem Abschied
nach jeder Umarmung.

Sieh dich nicht um.
Schnür deinen Schuh.
Jag die Hunde zurück.
Wirf die Fische ins Meer.
Lösch die Lupinen!

Es kommen härtere Tage.

Bản tiếng Anh tham khảo:

The deferred time

Harder days are coming.
The time deferred to cancellation
becomes visible at the horizon.
Soon you must lace your shoe
and hunt the dogs back in the march farms.
For the fish innards
have gone cold in the wind.
The lupines' light burns miserably.
Your gaze sprints in the fog:
the time deferred to cancellation
becomes visible at the horizon.

Over there your beloved sinks into the sand,
he climbs around her streaming hair,
he falls into her words,
he orders her to remain silent,
he finds her mortal
and ready to say goodbye
after each embrace.

Don’t look around yourself.
Lace your shoe.
Hunt back the dogs.
Throw the fish into the sea.
Turn out the lupines!

Harder days are coming.


Bài đăng trên VHNA
Chú thích của người dịch:

Ingeborg Bachmann : Nữ thi sĩ Áo sinh năm 1926 tại Klagenfurt - mất trong một tai nạn ở Roma, Ý năm 1973 * Ingeborg Bachmann lấy bằng tiến sĩ về Triết học, làm việc tại đài phát thanh Áo. Bà nổi tiếng trong văn chương Đức ngữ như một nhà thơ, tiểu thuyết gia, và nhà viết tiểu luận* Năm 1952, bà đã đọc những bài thơ đầu tay trước "Nhóm 47“ * Sau sự kiện đó bà chỉ chuyên chú vào văn chương, viết nhiều tập thơ, kịch truyền thanh, truyện ngắn, rồi mười năm sau, cuốn tiểu thuyết rất đẹp tựa là Malina, được trình bày như "một tác phẩm tiểu thuyết về nhiều cách chết khác nhau" ra đời * Những cuốn truyện khác của bà là Franza và Kinh cầu hồn cho Fanny Goldmann gây tiếng vang. Bà còn là tác giả tập tiểu luận Những bài giảng ở Frankfurt: Những vấn đề của thơ hiện thời và tập „Berlin, một nơi may rủi“ (với 13 hình vẽ của Günter Grass). * Ghi dấu ấn lên cuộc đời thực, cũng như trong thơ và truyện (Malina) là mối tình của Ingeborg Bachmann với nhà thơ Paul Celan ( tác giả của bài thơ Tẩu khúc Tử thần), người bà đã gặp trong quãng thời gian từ 1948 cho tới năm 1957.

Hilde Spiel (1911-1990): Nhà văn nữ, nhà sử học và nhà báo người Áo.

(1) Tên tập thơ mang lại giải thưởng Văn chương do „Nhóm 47“- nhóm nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhất của Đức sau chiến tranh, gồm những thành viên tham gia các cuộc gặp gỡ của các nhà văn viết tiếng Đức, do nhà văn Hans Werner Richter mời thường xuyên gặp gỡ hàng năm từ 1947 tới 1967- trao cho Ingeborg Bachmann vào năm 1953.

(2) Odysseus (Uylixơ): Theo thần thoại Hy Lạp, là nhân vật thần thoại trong sử thi của Homer. Bài thơ không vần „Thời đáo hạn“ của Ingeborg Bachmann lấy bối cảnh cuộc trở về quê hương sau 20 năm hành trình chinh chiến và lưu lạc.

(3) Salvador Dalí (1904-1989): Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà đồ họa, nhà văn người Tây Ban Nha. Là đại diện chính của phái siêu thực, ông được xếp vào hàng những họa sĩ lớn nhất thế kỷ 20.

(4) Bà Winie tóc vàng, ở hồi đầu xuất hiện trong tư thế bị một mỏm cát, choán nửa sân khấu, chôn ngập ngang lưng trong vở kịch hai hồi "Những ngày hạnh phúc" của Samuel Beckett.

(5) Samuel Barclay Beckett (1906-1989) nhà văn người Ireland, một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20, nhận giải Nobel văn học năm 1966. Tác phẩm của ông đề cập nhiều tới sự tồn tại của con người như một hoàn cảnh cập bờ giữa cái sống và cái chết.

(6) Nhân vật trong Chờ đợi Godot của Samuel Beckett – một vở kịch tiêu biểu của kịch phi lý.

(7) Nicolas Thomas Bernhard: (1931-1989): Nhà văn nhà viết kịch người Áo, thuộc về các tác giả viết tiếng Đức quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Tranh sơn dầu của Max Ernst (1891-1976): Họa sĩ nhà điêu khắc và đồ họa Đức. Từng tham gia nhóm Dada, trở thành một trong những đại diện chính của Phái Siêu thực (Surrealism).

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Ngôi làng tuyết phủ

Klaus Johann Groth (1819-1899) 

Tranh của ©Claude Monet (1840-1926), họa sĩ Ấn tượng Pháp

Lặng lẽ như dưới mái ấm
Ngôi làng phủ tuyết bọc trong 

Nơi khóm trăn con suối ngủ
Dưới lớp băng tuyết trắng bong

Hàng liễu đứng rủ tóc trắng
Soi mình triều nước cứng băng
Tĩnh, lạnh, sáng trong, tất cả
Như chết an nghỉ ngàn năm.

Xa như mắt nhìn thấy được
Tai không nghe một âm thanh
Khói tuyết một màu lam kết
Kéo lên hối hả trời xanh

Như cây kia tôi muốn ngủ
Không lạc thú, không xót xa
làn khói như trong mộng
Lặng cuốn tim tôi về nhà.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Das Dorf im Schnee

Klaus Johann Groth (1819-1899)

Still, wie unterm warmen Dach,
Liegt das Dorf im weißen Schnee;
In den Erlen schläft der Bach,
Unterm Eis der blanke Schnee.

Weiden steh'n im weißen Haar,
Spiegeln sich in starrer Flut;
Alles ruhig, kalt und klar
Wie der Tod der ewig ruht.

Weit, so weit das Auge sieht,
keinen Ton vernimmt das Ohr,
Blau zum blauen Himmel zieht
Sacht der Rauch vom Schnee empor.

Möchte schlafen wie der Baum,
Ohne Lust und ohne Schmerz;
Doch der Rauch zieht wie im Traum
Still nach Haus mein Herz.

Chú thích của người dịch:

Klaus Johann Groth (1819-1899): Nhà thơ Đức.


Tranh của Claude Monet (1840-1926), họa sĩ Pháp, gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa Ấn tượng (Impressionism).

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Kỳ vọng và nghi ngại

Phạm Kỳ Đăng


Tranh © Robert Rauschenberg (1925-2008):

Theo một định kiến hay thói quen, nhiều người nói chính sách của nhà nước Mỹ thực dụng, với một hàm ý xấu gán vào. Phải nói là thực tiễn mới đúng. Đúng nghĩa thực dụng trước hết phải kể đến hai nhà nước lớn chuyên chế - phản dân chủ là Nga và Trung quốc thời nay. Ở những cao trào khủng hoảng, hai nước này sửa đổi cả học thuyết tôn làm quốc giáo và xoành xoạch thay đổi luôn cả bạn thù, đồng minh, đối tác. Hãy xem quan điểm nước Nga độc tài thời Putin hôm nay đối với cuộc lấn chiếm biển Đông của Trung quốc và cung cách giải quyết xung đột thì rõ.

Có nhà nước nào không vì lợi ích dân tộc, nhưng chỉ biết hành động thực dụng ư, kết luận này không đúng đối với cường quốc Hoa Kỳ. Hoa Kỳ lập quan hệ với nhiều nhà nước độc tài, có thể từng làm đồng minh ngắn hạn, chưa bao giờ xét về dài hạn Hoa Kỳ đặt tầm quan trọng vào các đồng minh chuyên chế - phi dân chủ. Đó cũng là nguyên nhân Hoa Kỳ phát động chiến tranh lạnh đối với cựu đồng minh Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết lập tức thôn tính Đông Âu, ngay sau kết thúc chiến tranh thế giới hai. Và cuối thế kỷ trước, có thể nói nước Mỹ, trên phạm vi toàn cầu đã giải phóng nhân loại khỏi hai quái vật toàn trị tham vọng nô lệ toàn thế giới. Đó là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản.

Mỹ còn thiết lập nên các nhà nước đồng minh nữa, tuy nhiên không áp đặt dập khuôn thể chế của họ vào các quốc gia này. Hiến pháp Mỹ với nhiều tu chính, mô hình tổ chức nhà nước và xã hội của Mỹ khác các nước Anh, Pháp và các nước châu Âu v.v. Hai nhà nước dân chủ do Mỹ đỡ đầu bằng những cú hích ra điều kiện như Đức và Nhật, về cơ bản được kiến lập và hoàn thiện theo ý chí người dân nước họ. Đương nhiên, các nước này chia sẻ lâu dài với Mỹ những giá trị cơ bản, mà ta thấy trong số đó các giá trị làm nên nội dung nhân quyền.

Sai lầm của chính quyền Mỹ cũng nhiều không kể. Điều đặc sắc là bất kỳ một người dân nào ở đất nước đó cũng có quyền chỉ trích tổng thống và chính phủ trong từng biến diễn thời sự. Do đó suy tư và hành động của Mỹ trong truyền thống đều sát thực tiễn, tức là xuất phát từ những thôi thúc của thực tiễn hướng tới khắc phục và cải thiện hiện trạng.

Trong nỗ lực chống khủng bố, tương lai không loại trừ cả khủng bố bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học; chống bá quyền và bành trướng nhằm đảm bảo một nền an ninh và tự do hàng hải toàn cầu, có nhà nước nào đôn đáo ngược xuôi như nước Mỹ. Nghiêm túc đối chiếu với các cường quốc khác có thể nhận ra rằng, nhà nước Mỹ hành động thực tiễn chính là cường quốc lãng mạn lớn nhất hiện nay. Lãng mạn bởi vì theo đuổi mục tiêu thiêng liêng như lý tưởng.

Trước cuộc hội kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama tại Nhà trắng năm ngoái, bộ trưởng bộ ngoại giao Hillary Clinton đã phát đi tín hiệu, Hoa Kỳ không có ý định lật đổ chế độ chính trị của Việt Nam.

Sai sót có lẽ bắt đầu từ tín hiệu đó. Chính vì thế chính phủ CHXHCN Việt Nam đã có một sự tự đắc quá thái kiểu như „Mình phải là cái gì thì người ta mới mời chứ“. Yên chí và tự đắc phát sinh tâm lý trông chờ và kỳ vọng. Trước cuộc viếng thăm của Tổng thống vào ngày mai, báo chí và truyền thông nhà nước phát đi bài phỏng vấn „Người dân Việt Nam chờ đợi gì ở hành động của Tổng thống Mỹ“.

Thật đáng ngạc nhiên vì các nhà phân tích nói đến cơ hội triển vọng hợp tác và nhiều kỳ vọng. Những trông chờ này là có thật, hiển nhiên được ấp ủ bởi một nhóm quyền lực yên chí và tự đắc, tuy nhiên xét cho cùng rất nhỏ bé so với ước vọng của người dân Việt Nam. Cảm giác chưng hửng còn lại, không một ai đề cập tới vấn đề cốt lõi bao hàm việc cải cách và xây dựng thể chế để tận dụng cơ hội xúc tiến các quá trình hợp tác đó.

Cho đến hôm nay Việt Nam, với chính sách chú trọng quan hệ đối ngoại đa phương, không liên minh với một nước nào chống một nước thứ ba, trên trường quốc tế vẫn là quốc gia tự cô lập, càng bị ghẻ lạnh hơn bởi những thành tích bất hảo về nhân quyền và tự do ngôn luận. Không cải cách cơ bản về thể chế, Việt Nam vẫn đứng đó trên biển Đông một xuồng một mái, đôi khi được sự ủng hộ bằng lời nói của các nước ASEAN, và bi đát thay, tồn tại được nhờ sự hà hơi của chính nhà nước ăn cướp Trung hoa.

Chia sẻ những giá trị chung trong quan hệ nhà nước mới chỉ là những thỏa thuận về nguyên tắc, thích ứng thiết chế mới đảm bảo được phối tác trong thực tiễn. Làm sao Mỹ có thể ngồi chung một con tàu với Việt Nam nếu người lãnh đạo luôn „định hướng“ về phương Bắc. Làm sao Mỹ có thể bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ngay, nếu không có bảo đảm nào tránh trường hợp ngay ngày hôm sau vũ khí này bày ra trên bàn các nhà chế tạo vũ khí Trung quốc và bản hướng dẫn sử dụng và sơ đồ bố trí tác chiến lọt vào tay các ông chủ Trung Nam Hải.

Và làm thế nào để thực hiện hiệp định TPP nếu Việt Nam như từ trước tới nay vẫn hoạt động tự tung tự tác so với đạo luật, thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đầu tư và trao đổi theo kiểu nào, nếu vẫn không có sự thay đổi về cơ bản ở các chế độ và hình thức sở hữu tập thể, vẫn lấy kinh tế nhà nước làm thành phần chủ đạo để nhóm lợi ích không nương tay tham nhũng. Người ta cần Việt Nam có những cơ quan, thiết chế tương ứng để điều phối và giám sát cũng như chịu trách nhiệm. Làm sao có thể cộng tác được với những người nắm quyền lực từ cái tập thể đồng chí con hoang của Trung quốc, rất nhiều quyền lực, nhưng không có sự cố vấn chuyên môn và quan trọng hơn không chịu trách nhiệm.

Hậu quả chiến tranh với những phế nhân và nạn nhân chất độc da cam, môi trường nhiễm độc dioxin, như một người trả lời phỏng vấn nêu, cũng chỉ cấp bách bằng sự tàn phá môi trường hàng ngày hàng giờ của Formosa, Bauxite Tây Nguyên v.v, chưa là gì so với sự đầu độc giống nòi trường kỳ xúc tiến bởi bàn tay Trung quốc.

„Sự nghi kỵ của chúng ta vẫn còn đối với nước Mỹ“, người nữ trả lời phỏng vấn nói tiếp. Chúng ta ở đây là ai cơ ạ. Nước Mỹ đáng ra còn có nhiều nguyên do để nghi ngại nhiều hơn đất nước cựu thù không vì lợi ích của cái „chúng ta“ ấy, đất nước vô chính chủ, được cai trị và điều hành bởi một nhóm gần 20 người, soạn ra hiến pháp và đứng đầu một đảng hoạt động trên hiến pháp.

Việt Nam đã bỏ qua cơ hội sửa đổi về căn bản Hiến pháp năm 2013 nhằm kịp thời chuyển đổi sang mô hình nhà nước dân chủ - pháp trị, dân sự và đa đảng. Việt Nam đã thả nhỏ giọt tù nhân lương tâm, đồng thời không ngừng bắt bớ và sách nhiễu gia tăng những nhà bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh dân chủ. Việt Nam đã làm gì trong vụ Philippines kiện Trung quốc, đã có những cử chỉ gì đứng hẳn về phía Mỹ trong những cuộc tập trận và hoạt động tuần tra thường kỳ do Mỹ tiến hành trên biển Đông. Nhưng ở khía cạnh song phương, nhà nước CHXHCN đi đêm với người đồng chí Bốn tốt và Mười sáu chữ vàng luôn phiên như đi chợ.

Như vậy tổng thống Obama, có cơ sở nghi kỵ nhiều hơn, cũng có quyền chờ đợi ở Việt Nam chứ; và sự chờ đợi chính đáng này cũng không chỉ đặt vào chính quyền mà thôi, sự chờ đợi này hướng đến mỗi người dân Việt Nam trước bạo quyền còn dửng dưng hay sợ hãi.

Tổng thống Obama sẽ mang đến nhiều món quà, rất quí giá, nhưng rất có cơ nhanh chóng tiêu tán bởi những đứa con hoang đàng, phá gia chi tử. Nước Mỹ đáng giành cho nhân dân Việt Nam một lộ trình lớn lao hơn hẳn, với những phương tiện để gắng công ra sức đi tới thịnh vượng, trong chừng mực Việt Nam ngày càng xa khỏi cái đích nó đang trôi giạt tới, tức là một thuộc địa của Trung quốc, một nhà nước không chính chủ với một quốc hội lạ cũng không do dân bầu nên, như hôm qua chứng kiến.

Sẽ thêm ngộ nhận ấu trĩ, nếu nói rằng các thế hệ trước ở Việt Nam đã đặt ra nền móng. Chắc chắn nhà nước Hợp chủng quốc không có nhu cầu lập quan hệ đối tác chiến lược và ký hiệp ước liên minh quân sự với những nhà nước không chia sẻ mục đích và lý tưởng của họ.

Hai nhiệm kỳ ở Nhà trắng không bỏ rơi Việt Nam đã là một hành trình kiên nhẫn. Có quá nhiều cơ hội bị bỏ lỡ đã có thể tác động về mặt nền tảng tốt đẹp hơn lên bang giao hai nước.

Cho nên chuyến thăm viếng cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama tựu trung lại chỉ là một sự đáp lễ khiêm nhượng cho những nỗ lực cầu cứu và đeo bám của Hà Nội sau một chuỗi thất vọng trường kỳ gây ra cho Mỹ và thế giới văn minh - dân chủ, nhiều hơn chút xíu là nỗ lực duy trì một cửa lách rất hẹp đi tiếp cho các đời tổng thống tiếp theo.

© ® P.K.Đ


i đăng Bauxite Việt Nam

Tranh của Robert Rauschenberg (1925-2008): Họa sĩ Mỹ, một trong những người mở đường cho nền nghệ thuật Pop Art.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Tất cả đã là một trò chơi

Ferdinand Conrad Meyer (1825-1898)

Tranh của © Friedensreich Hundertwasser (1928-2000), họa sĩ Áo

Đừng tìm kiếm trong các bài ca ấy
Mục đích nào nghiêm trọng bạn ơi
Một chút đớn đau một chút khoái lạc
Và tất cả đã là một trò chơi.

Đặc biệt hãy đừng soi xét kiếm
Gương mặt nào đã vừa ý lòng tôi
Nhiều con mắt khá long lanh trong đó
Tất cả là, thế đó, một trò chơi.

Kể cả khi bén vào trang giấy
Cũng lén thầm một giọt lệ rơi
Giọt nước mắt đã từ lâu khô cạn
Và tất cả đã là một trò chơi.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Alles war ein Spiel

Ferdinand Conrad Meyer (1825-1898)

In diesen Liedern suche du
Nach keinem ernsten Ziel!
Ein wenig Schmerz, ein wenig Lust,
Und alles war ein Spiel.

Besonders forsche nicht danach,
Welch Antlitz mir gefiel,
Wohl leuchten Augen viele drin,
Doch alles war ein Spiel.

Und ob verstohlen auf ein Blatt
Auch eine Träne fiel,
Getrocknet ist die Träne längst,
Und alles war ein Spiel.

Ferdinand Conrad Meyer (1825-1898): Nhà thơ (viết cả truyện ngắn và tiểu thuyết) người Thụy sĩ , thuộc hàng tác gia viết tiếng Đức quan trọng nhất thế kỷ 19.

Tranh của Friedensreich Hundertwasser (1928-2000), họa sĩ Áo.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Tấm gương chiếu hồn ta

Marcel Reich-Ranicki

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/0a/Max_Slevogt_-_Portrait_of_the_dancer_Marietta_di_Rigardo_-_Google_Art_Project.jpg
Tranh của © Max Slevogt (1868-1932), họa sĩ Ấn tượng Đức

Từ nhiều ngôn từ nhỏ và chỉ một tính từ, Theodor Storm tạo ra lực lớn. Trong Bài ca của cô gái chơi đàn thụ cầm chúng ta bắt gặp lại mình, nhờ một phép mầu chuyên biệt.

Ông đã thuộc về những nghiệm trải văn chương của tôi trong thời còn trai trẻ. Tôi ngưỡng mộ nghệ thuật truyện ngắn của ông, và (khi đó tôi mười bốn tuổi) ngay lập tức đã phải lòng một số bài thơ của ông. Fontane(1) nói ông, Theodor Storm, đúng không là nhà thơ lớn rồi, nhưng là một nhà thơ đáng yêu từ trong ra ngoài vậy, và nếu biểu đạt này cho phép dùng, là nhà thơ rất nên thơ. Diễn đạt như vậy có thể là cẩu thả, nhưng nó trúng vào cốt lõi vấn đề.

Ông không viết trường ca, không viết những tụng thi mạnh mẽ, không viết những tụng ca dữ dội. Những câu thơ của ông lặng lẽ và nhút nhát, thô ráp và nồng nàn. Trong đó không có những âm thanh khó chịu, không có những giọng điệu nghịch nhĩ: Thơ trữ tình này (hãy bỏ qua cho tôi những lời hay bị lạm dùng) rất sâu lắng và kín đáo, u sầu nhưng tuy nhiên không bi lụy, tựa như những khúc dân ca Đức êm ái và đẹp nhất.

Vâng thuận tồn sinh không phải là mối bận tâm của Storm, ông chưa bao giờ hát ca niềm vui và hạnh phúc, thành công và chiến thắng. Trong thế giới nhỏ của ông xuất hiện mặt trời, vầng trăng và các vì sao, chắc hẳn thế, chỉ ánh sáng của chúng mãi còn hiu hắt. Bởi vì hiện tượng tự nhiên làm ông hào hứng hơn cả là sương mù mờ mịt và ngang nhiên, sương mù thực tế và sương mù biểu tượng. Những bài bi ca phương Bắc của ông không xấu hổ gì về chất tỉnh lẻ, chủ đề của những bài bi ca đó là số phận đắng cay của con người, nghĩa là gắng công dã tràng xe cát vĩ đại.

Tôi đã bắt đầu bài tập đọc Storm với một cảnh điền dã âm u nhưng sao dịu ngọt, đây đó gần gụi với chất đa cảm – với câu truyện ngắn „Immensee“ (2) viết năm 1850. Truyện làm tôi xúc động, nhưng điều khiến tôi bàng hoàng không phải là câu chuyện tình này, trên thế nữa là một bài ca trong truyện ngắn đó, hát lên bởi „một cô gái chơi đàn luýt có nét mặt Di-gan“. Sau này, khi Storm đưa bài này vào tập thơ đầu, ông đã cấp cho bài thơ một tiêu đề ít nhiều biến cái nhạc cụ thành ra vương giả“ Bài ca của cô gái chơi đàn thụ cầm“.

Tôi không ngần ngại tính bài thơ này vào những hình tượng thơ đẹp nhất trong tiếng Đức. Tác động của bài thơ trước hết phụ thuộc vào điều những gì nó tiết kiệm lại, những gì không hàm chứa trong bản thân nó. Chỉ gồm có 26 từ, bài thơ cấp cho chúng ta bốn đánh giá cực ngắn và, để nói ngay điều này, không một ý nghĩ mới hoặc ý nghĩ độc lập. Sức mạnh dịu dàng của bài thơ này từ đâu ra nhỉ? Tất nhiên từ phong cách.

Trong những câu thơ này tránh né đi tất cả, những gì dù chỉ xa xôi nhất gợi về một cảm nhận tinh tế, trong đó không có một ảnh hình duy nhất và không có một biểu đạt người đọc có thể cảm nhận được là nên thơ. Và Storm cũng bỏ những tính từ phần nhiều được các nhà thơ trữ tình yêu mến (trừ một ngoại lệ duy nhất „đẹp xinh“), ông tuyệt đối sử dụng những từ thông dụng nhất của tiếng Đức thường nhật.

Và như thế chúng ta tiếp xúc với một sự tự hạn chế tối đa. Nhưng trong thơ ca, những sự cắt giảm kiểu đó thường ăn hại vào sự tự nhiên của ngôn ngữ và nhạc điệu của câu thơ. Nhưng ở Storm không thế nói được về điều đó: bức tranh tiểu họa về thơ không biết tới sự gia công. Ngược lại: tiếng Đức không cho dụng công nhẹ nhàng và thoải mái hơn thế nữa, và âm giai trong tám câu thơ này thật không tỳ vết như là hoàn hảo.

Tác giả có điều gì nói cho ta nhỉ? Vâng, cuộc đời của con người trôi qua, và chúng ta sợ hãi cái chết, nhất là cái chết cô đơn. Đó là tất cả, và chúng ta đã biết điều ấy từ lâu rồi. Thế cho nên có những bài thơ mà làm gì, những thứ không thông báo cho chúng ta một điều gì hơn? Ta cần chúng, cốt để chúng làm cho cảm nhận, khổ đau, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của chúng ta trở nên nhận biết được. Chúng ta cần những bài thơ ta nhận lại ra chính mình trong đó, những bài thơ, mạo hiểm với một từ đao to búa lớn, cho phép sử dụng như tấm gương soi tâm hồn ta.

„Hôm nay“, “ngày mai“ và „chết“: Ba từ lập nên cái trục quay của bài ca, và chúng đủ để bày ra trước mắt những gì Storm muốn trực hiện. Ông ám chỉ vai trò trung tâm của chúng bằng phương tiện giản đơn và đồng thời đắc dụng nhất: ông nhắc lại từng từ then chốt, lần lượt chỉ đặt vào một âm tiết tách ra giữa chúng. Hơn thế nữa, cả ba câu thơ kế tiếp theo mẫu giống nhau: „ Ngày nay, chỉ hôm nay...Ngày mai, ôi mai ngày...Chết, ôi (chao là) chết“. Liệu trong sự lặp lại sơ đồ này có thể chăng tàng ẩn bí mật của phép mầu toát ra từ bài ca ấy? Tựu trung lại tôi không biết trong tiếng Đức có bài thơ nào dung dị hơn. Tuy nhiên, ở mức độ cao nhất, bài thơ mang chất bản nguyên. Tuy nhiên ư? Không, „Khúc ca của cô gái chơi đàn thụ cầm“ có được chất bản nguyên bởi sự dung dị độc sáng vậy.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-1 

Khúc ca của cô gái chơi đàn thụ cầm
 
Theodor Storm (1817-1888)
 
Chỉ ngày nay, hôm nay

Em đẹp xinh vậy thay;
Tất thảy phải tàn tạ
Ngày mai, ôi mai ngày!

Anh chỉ trong giờ này
Còn của em, hỡi anh;
Chết, ôi chao là chết
Em cần phải một mình.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức - Bài đăng trên VHNA


Lied des Harfenmädchens

Theodor Storm (1817-1888)
 
Heute, nur heute
Bin ich so schön;
Morgen, ach morgen
Muß Alles vergehn!

Nur diese Stunde
Bist du noch mein;
Sterben, ach sterben
Soll ich allein.

Chú thích của người dịch :

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Theodor Storm (1817-1888): Nhà văn, nhà thơ, tác giả văn xuôi và những truyện ngắn thuộc chủ nghĩa hiện thực mang dấu ấn miền bắc Đức.

(1) Theodor Fontane (1819-1898): Nhà văn Đức, đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực nên thơ.

(2) Tiêu đề một truyện ngắn của Theodor Storm viết về một người đàn ông về già hồi tưởng về mối tình tuổi trẻ.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Trong gió chiều chúng ta cười khẽ

Rainer Maria Rilke (1875-1926)        


Rainer Maria Rilke - Tranh  của © Helmut Westhoff 

Trong gió chiều chúng ta cười khẽ
Khi những bông hôn nhau nghiêng đóa
Và nếu như những cánh chim rã rời
Vì ta không phải cùng với mặt trời
Loang rộng trên những sông đêm bằng phẳng
Rịn từ những thung lũng cỏ của ta.

Ta ở lại và ta nhìn đêm tối
Rộng rãi lớn và trở nên diệu kỳ
Nhìn thấy núi, ảnh hình và cử chỉ
Lớn hơn nhiều ta từng đã nghĩ suy
Nhìn thấy gì hoa không chịu đựng
Những gì chim sau mãi chặng bay dài
May chăng đạt được, đang xích lại
Và những gì đông cứng sáng ban mai
Trong tĩnh lặng và thời hiện nay
Ta đã biết, khi sự đà xảy sự...

®© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Wir lächeln leis im Abendwind

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Wir lächeln leis im Abendwind,
Wenn sich die Blumen schwankend küssen
Und wenn die Vögel müde sind.
Weil wir nicht mit der Sonne müssen,
Die breit auf flachen Abendflüssen
Aus unsern Wiesentalen rinnt.

Wir bleiben und wir sehn die Nacht
Aufwachsen weit und Wunder werden,
Sehn Berge Bilder und Gebärden
Viel größer als wir je gedacht.
Sehn was die Blüten nicht ertrügen,
Was Vögel erst nach langen Flügen
Erreichen würden stellt sich nah
Und was am Morgen schon erstarrt
In Stille ist und Gegenwart,
Wir kannten es, als es geschah...

Chú thích:

Rainer Maria Rilke (tên đầy đủ: René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke; 4 tháng 12 năm 1875 – 29 tháng 12 năm 1926) là một nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ 20. (Nguồn: Wikipedia tiếng Việt).

Xem thêm: Thơ Rainer Maria Rilke trên Văn Việt

Tranh chân dung Rainer Maria Rilke của © Helmut Westhoff, họa sĩ Đức (1891-1977).

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Trầm tư mang hai ý nghĩa

Peter von Matt
    
Tranh của © Claude Monet (1840-1916): Họa sĩ Ấn tượng Pháp.

Nguyên do hẳn tại dòng đầu! Phần còn lại bao gồm những thành ngữ nhàm tai, thương cảm và cả có chút gì đó điệu bộ. Hẳn phải do cái dòng đầu, có ma lực biến hóa mọi sự tầm phào và cho cái tổng thể trở thành một loan báo, ở đó trăm ngàn người được nghe thấy cảm xúc sâu lắng nhất diễn đạt thành lời. Còn có một bài thơ nào trong thế kỷ này tìm ra sự đồng cảm mật thiết hơn thế nữa?

Có một lần, khi Jakob Burckhardt (1) đưa ra những suy xét xem văn chương thực ra đã làm nên sự tích gì, ông cho rằng : “Thơ có đỉnh cao của nó, nếu như thơ tiết lộ cho con người những bí mật nằm bên trong mà con người ta, thiếu vắng thơ, chỉ có một cảm giác mịt mùng về nó”. Chính xác điều này hẳn đã xảy ra với bài thơ của Hesse sống trong lòng bao độc giả nam nữ không sao kể xiết. Không thể nghĩ đến thành công của bốn khổ thơ, nếu không có khoảnh khắc khải huyền(2) gần như gây sốc :” Vâng, là thế đó! Rồi kết cục có một người nói lên điều đó!...”. Cái cảm giác mịt mùng của sự bỏ rơi, của tồn tại đơn côi và của nỗi lòng không được hiểu cho, ở đây bất chợt trở thành lời trong sáng. Ở đây có một vị thần mớm lời cho một nhà thơ nói lên điều khiến tất cả mọi người cùng đau khổ. Một bài thơ của toàn thế giới. Thực tình và trong ý nghĩa gây chóang ngợp nhất của ngôn từ.

Và tuy nhiên có thể có chút gì không ổn lắm. Burckhardt nói về những “bí mật”. Liệu lời nói này thật có cho phép áp dụng vào những câu như “ Sống là cô đơn” và “Từng người tồn tại lẻ loi”? Đó mà là những điều khải huyền ư? Nếu vậy thì tất cả đều là những khải huyền, kể cả những “ Cuộc đời là ngắn ngủi” và “ Vạn sự khởi đầu nan”. Và nếu vậy, trên đời không có lời sáo rỗng nào mà lại không có thể là khải huyền được.

Đó là trong thực tế. Số chân lý cơ bản trong kho tàng ít hơn rất nhiều so với số lượng các nhà triết gia đang sống. Và đã từ lâu những chân lý cơ bản này trở thành quen thuộc. Chỉ có điều là, điều gì được biết không có nghĩa là cũng được trải nghiệm. Có thể hàng chục năm trời người ta có thể ủ ấp một chân lý đơn giản và bản thân tâm niệm điều đó có tới trăm lần, trước khi chỉ có một lần đầu chân lý này ra đòn ngấm vào xương tủy.

Bài thơ của Hesse lập nên kỳ tích không khác. Nó biến hóa một thành ngữ nhàm tai thành một nghiệm trải gay cấn. Bài thơ đạt, ấy bởi tại dòng đầu. Nó là một sự kiện mang tính trữ tình, duy nhất trong tất cả mười sáu câu thơ. Trò chơi ngôn ngữ sương mù/cuộc đời, trong khổ cuối cùng được đẩy lên cho chúng ta hơi cấp tập, ở đây vẫn còn tiềm ẩn trong câu. Chúng ta cùng nghe thấy điều đó mà không ý thức được về nó. Ý nghĩ cũ kỹ, rằng cuộc đời là một cuộc lữ hành, thông qua liên kết của từ “dạo bước” với từ “sương mù”- từ phản hồi của “cuộc đời“- xuất hiện trong căn phòng vọng âm của dòng thơ. Vâng, chỉ thông qua liên kết đó, cái phòng vọng âm này sau rồi mới xuất hiện. Nó phù phép nhiệm màu cho năm chữ này và gây tác động khiến người ta không quên câu thơ nữa.

Tình cảnh của sự ruồng bỏ, của tồn tại cô đơn, của sự không được hiểu cho nỗi lòng thuộc về những hồi tưởng sớm nhất của chúng ta trong đời. Những điều đó là một thành tố cơ bản của mỗi một tuổi thơ. Là người cha hay người mẹ, người ta sốt sắng tìm cách tránh chúng đi cho con cái. Bởi chưng các nhà tâm lý nói rằng, trẻ con qua trải nghiệm bị tổn thương, sẽ trở thành những người lớn bất hạnh và chỉ còn tưởng niệm về cha mẹ với nỗi niềm cay đắng. Đây là điều vô nghĩa. Có lẽ chẳng có gì khủng khiếp hơn, nếu như luôn được hiểu tuốt tuồn tuột. Không có sự tìm ra mình, sự vững tâm của cái tôi riêng mà lại không qua cảm giác từng nếm trải tồn sinh cô đơn một cách đau đớn. Trong những khoảnh khắc này người ta mới nhận biết ra trung tâm của mình, một bối cảnh lạ lùng không bao giờ tìm ra được một lời chí lý. Goethe gọi là “trái tim tôi”. Chính vì thế, tất thảy mọi giai đoạn khốn khó trong đời đều dẫn tới một sự gia tăng và kết tụ những tình cảnh như vậy. Chính bởi lẽ đó, tất cả mọi giai đoạn khốn khó của cuộc đời cũng phải kết thúc với một cuộc tìm lại mình mới mẻ. Gây đớn đau nhưng đồng thời điều này cũng chắp cánh.

Thuộc về cái mẹo ngây thơ của bài thơ Hesse là cách xử lý để cho cảm giác toàn thắng của sự duy nhất đạt được mạnh mẽ xuất hiện sau trạng thái trầm tư ngự trị ban đầu. “ Quả tình không ai thông thái...”, điều đó âu cũng có nghĩa là “Tôi tồn thế, và như thế nào ấy chứ!” Và bởi vì sự tình xoay quanh một bài thơ toàn thế giới trong ý nghĩa choáng ngợp nhất của ngôn từ, bài thơ còn tặng cho từng người đọc một sự vững tâm, rằng mình là một người thông thái. Một món quà hoàn toàn không tồi.


®© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức - Bài đăng trên VHNA
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Hermann Hesse: (Hermann Karl Hesse, cũng dưới bút danh Emil Sinclair, 1877 - † 1962) nhà văn, nhà thơ và họa sĩ. Ông nổi tiếng thế giới với những tác phẩm văn xuôi Siddhartha hoặc Steppenwolf (Sói đồng hoang) cũng như với những bài thơ như bài Stufen (Những bậc thang). Năm 1946 Hesse nhận giải thưởng Nobel văn chương và Huân chương Pour le mérite của Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

Peter von Matt (sinh năm 1937): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn người Thụy Sĩ. Là giáo sư ngành Văn chương Đức thời mới, ông giảng dậy từ 1976-2002 tại trường Tổng hợp Zürich. Năm 1980 ông làm giáo sư thỉnh giảng tại Stanfort University, 1992/ 1993 được bầu làm thành viên của Viện nghiên cứu liên ngành Berlin (Wissenschaftskolleg Berlin). Peter von Matt là viện sĩ của ba viện hàn lâm.

Trong sương mù

Hermann Hesse (1877-1962)

Lạ lùng, trong sương dạo bước

Mỗi lùm cây, từng tảng đá lẻ loi
Không cây nào nhìn ra cây khác
Từng cây đơn côi.

Thế giới với tôi từng đầy bè bạn
Khi đời tôi còn sáng tươi
Bây giờ, có vì sương đổ
Không còn thấy bóng một ai.

Quả tình, không ai thông thái,
Kẻ không biết tới tối đen
không đằng nào tránh, lẹ êm
chia lìa anh xa tất cả.

Lạ lùng, trong sương dạo bước
Sống là tồn tại đơn côi
Không người nào biết người khác
Từng người bóng chiếc lẻ loi.

©  Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Im Nebel

Herrmann Hesse (1877-1962)

Seltsam, im Nebel zu wandern!
Einsam ist jeder Busch und Stein,
Kein Baum sieht den anderen,
Jeder ist allein.

Voll von Freunden war mir die Welt,
Als noch mein Leben Licht war,
Nun, da der Nebel fällt,
Ist keiner mehr sichtbar.

Wahrlich, keiner ist weise,
Der nicht das Dunkle kennt,
Das unentrinnbar und leise
Von allen ihn trennt.

Seltsam, im Nebel zu wandern!
Leben ist einsam sein.
Kein Mensch kennt den anderen,
Jeder ist allein.

Bản tiếng Anh tham khảo:

In the Fog

Herrmann Hesse (1877-1962)

Strange, to wander in the fog!
Alone each bush and stone,
No tree does see the other,
Each is alone.

Full of friends was my world
When still my life was light;
Now the fog descends
None is to be seen.

Verily, no one is wise
Who does not know the dark
Which inescapably and quietly
From everyone him separates.

Strange, to wander in the fog!
Life is loneliness.
No man knows the other,
Each is alone.

(Bản tiếng Anh của Scott Horton)

Chú thích của dịch giả:

(1) Jacob Christoph Burckhardt (1818- 1897): Nhà sử học văn hóa với trọng tâm nghiên cứu Lịch sử Nghệ thuật người Thụy Sĩ.

(2) Khai mở, vén màn các bí mật. Cuốn sách cuối cùng của Kinh Tân Ước được gọi một cách dung dị là Khải Huyền.


Tranh của © Claude Monet (1840-1916): Họa sĩ Ấn tượng Pháp.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Đám rước khác

Đám rước-Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)

Phạm Kỳ  Đăng

Như một mớ kéo qua đồng oi ả
Xơ xác xanh, xanh rớt mặt mày
Mang liềm, cuốc, họ gầy như cọng
Nép vào nhau lặng lẽ như cây


Hiện ra dưới gầm trời vá chiếu
Tất tả người rách rưới áo khăn
Cử động chẳng thoát ngoài đồng loạt
Của bộn đời dư chấn tháng năm


Xô lang bạt những gia tài kiết xác
Lạnh tàn tro tế tự không che
Gió lùa kiệu bay dư váng vất
Luống bạc mầu, bạc bẽo tứ bề

Đời trơ bãi kiệt cằn sóng xói
Tới tầng đen quờ giấc người điên
Chi duyên cớ, tội tình trào dãi
Uất ức trào lên bậc cửa thiền.

Người thờ thẫn chấp tay khấn vái
Nỗi can qua ngột ngạt lọng, tàn
Bày ra dưới cờ tứ linh, bát quái
Lầm lụi đời chen chúc lầm than.

Đó đám khác: rước lên tuyệt vọng
Kéo đi đâu tồn tại bần cùng
Đổ một chiều lán chợ hãi hùng
Bóng tận tuyệt ngả đường sinh tử

Dội kinh hãi tiếng kêu bắt lửa
Khác chi vừa độc địa ra tay
Vòng bi thảm quay không chừa vận
Bé què lê chìa vé cầu may.

Ngồi bưng mặt bên thềm bóng xế
Người đàn bà khóc mất ruộng đồng
Biệt quê hương ai oán bến không chồng
Với nỗi sợ của người không giá thú


Và thịnh nộ đùn mây vần vụ
Khác nào đâu dưới mái đền thôn
Oan ức bủa thân người bầm dập
Sầu thương đi dưới bóng hoành môn.

Thời khắc chết. Ải đời tuyệt lộ
Họ đưa chân hành xác đền thiêng
Và nhắm mắt. Đêm đêm điểm gác
Chốt đinh tai ghê tiếng xích xiềng.

© ® P.K.Đ - 2016

Đám rước - Tranh lụa của © Nguyễn Phan Chánh ( 1892-1984)

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...