Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Cô nương bên bờ biển...

Heinrich Heine (1797-1856)

Cô nương bên bờ biển 

Tranh của©Henri de Toulose-Lautrec (1864-1901) họa sĩ Pháp
Rầu rĩ đứng thở dài:
Mặt trời lặn mất rồi
Lòng cô bao xúc động.

„Vui lên nào, cô bạn!
Vẫn vở cũ mà thôi!
Mặt trời lặn đầu trước
Trở lại từ đằng đuôi “.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:


Das Fräulein stand am Meere...

Das Fräulein stand am Meere
Und seufzte lang und bang,
Es rührte sie so sehre
Der Sonnenuntergang.

"Mein Fräulein! sein Sie munter,
Das ist ein altes Stück;
Hier vorne geht sie unter
Und kehrt von hinten zurück."

Bản tiếng Anh:

The lady standing by the sea…

The lady standing by the sea
is sighing long and anxiously
Being utterly moved
looking at the sunset. 


My lady! come alive
This is only an old play
Here in front it disappears
returns tomorrow from the rears.

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Thông điệp gửi lại từ cuộc sống

Phạm Kỳ Đăng

Tin tức từ đại án tham nhũng chỉ xác nhận lại những gì bàn dân nói đến một hiện trạng sống của quan chức đem công quỹ đánh bạc, đút lót tới hàng triệu US-Dollar. Hiện trạng xì ra tại một phiên tòa xử, đến nhanh hơn mọi lời đồn thổi từ nhiều năm nay, rất trần trụi, trắng trợn, thực ra với những người suy ngẫm nhiều về đất nước này, ngán ngẩm tới nỗi chẳng còn gì để nói. Nhưng với số tín đồ ngước mắt nhìn lên bục giảng, tin công bố đánh thức họ lờ mờ vỡ vạc ra điều gì về sự sa đọa của nhóm người ở tầng cao hơn mình không sao tiếp cận nổi đang hùa nhau ăn theo, ở tầng cao nhất phát động ngày càng nhiều đợt giáo dục quần chúng “ sống, chiến đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.

Một hiệu ứng domino đổ theo hướng về bất lương, và táng tận.

Ngay lập tức trên báo chính thống có những bài viết lập luận về „lý“ và „tình“. Người viết viện dẫn bình luận của Khổng Tử trong sách Tứ Thư. Căn cứ vào những hàm ý gửi gắm, ta sẽ có hình ảnh ông Dương Tự Trọng sa vào vòng lao lý vì trọng chữ „nghĩa“ và bởi sống rất có „tình“, mà „pháp luật vốn rất vô tình“. Các bình luận ở dưới bài báo, dĩ nhiên qua sàng lọc, thật ngạc nhiên, đồng thanh bày tỏ tình cảm chí thiết với con người „bổn phận với nước nhà anh luôn làm xuất sắc (...) vì tình riêng anh sẵn sàng chịu thiệt thân để cứu anh. Người như vậy tuy phạm tội nhưng đầy nhân cách“.

Tờ Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong cho đăng bài của tác giả Hoàng Chiến Thắng, còn dành những lời có cánh cho con người „ vẹn tài vẹn tâm (...) tính cách có phần nghệ sĩ, sống phóng khoáng (...) Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an. „ Ông Trọng, còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ, theo diễn giải trên, chỉ là người sa ngã vì quá trọng chữ „tình“. Chả hiểu sao bài báo này đã khiến độc giả lã chã nước mắt bày tỏ lòng cảm phục kính trọng đối với ông Dương Tự Trọng. Người đọc được bày tỏ ý kiến trong trang coi ông làm tấm gương sẵn sàng làm như vậy trong hoàn cảnh của ông, như thể đều dập chân vẫy chào ông hẹn người có nụ cười anh hùng hào sảng sớm quay trở về. Họ cảm phục tác giả thấm đẫm nhân văn, đầy tình cảm và tinh thần vị tha.

Về con người ông Dương Tự Trọng, tôi không phản bác các ứng xử vị tình của ông nếu như ông chỉ một mình đưa anh đi chạy trốn và chịu đựng hậu quả. Vượt ra phạm vi đó, huy động cả bộ máy công quyền thừa hành vào việc giúp đào thoát là sự lạm dụng quyền lực, do đó là hành vi phạm pháp, ở nhà nước văn minh nào cũng bị truy tố vậy thôi. Hơn nữa điều hành người xã hội đen vào cuộc, càng không thể chấp nhận nổi, bởi ở các quốc gia thực sự là nhà nước pháp quyền, các cơ quan điều tra cấm chỉ nhân viên quan hệ chén chú chén anh với xã hội đen thảy gồm các loại đầu gấu. Người ta đã cười về sự vị tình vô nguyên tắc, từ tình „anh em“, tình „đồng chí“, không một rào cản lụy ngay vào tình „đồng bọn“ và „đồng đảng“. Những hành động vượt rào của viên sĩ quan công an, tự nó bôi xóa lên, màu gì thì khỏi phải nói, cái „vẹn đức vẹn tài“ mà tác giả Hoàng Chiến Thắng và độc giả Petrotimes ca ngợi.


Lẽ nào có sự mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tình và lý. Hay đặt vấn đề theo một cách khác: sự tận tâm đối với pháp luật sẽ bắt buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ đều phải hy sinh nhiều hoặc tất cả những gì thuộc về đạo đức?

Chúng ta nên nhớ đạo lý làm người ở Tứ Thư, các bộ luật và bộ máy tư pháp của nhà nước phong kiến thời Hồng Đức, cũng như của nước CHXHCN Việt Nam đều không đáp ứng được chuẩn mực của một nhà nước dân sự- pháp quyền. Tùy mức độ thân thế và huyết thống, chuẩn mực đạo lý nó tùy nghi cho cách diễn giải và đánh giá khác nhau. Tùy vị trí quyền lực và tiền tài, các điều luật ở các nhà nước quân chủ chuyên chế và chuyên chính vô sản, hay cộng sản chỉ là một tên gọi khác, được áp dụng tùy tiện một cách hà khắc hoặc nương nhẹ khác nhau. Giống nhau là ở chỗ các nhà nước ấy chối từ quyền bình đẳng cho mọi người dân. Chỉ có vua quan hay lãnh đạo, công chức bên trên và đám đông bên dưới còn lại là thần dân, không hơn, không kém. Bộ luật và bộ máy thi hành pháp luật ở hai thể chế luôn có bản song trùng đi kèm, mang tính nước đôi, giống nhau trong bản chất ở tính độc đoán. Cho nên ta không ngạc nhiên những ngày tiếp sau đây, bộ máy tư pháp, công an hóa đến tận chân răng, sẽ còn loay hoay với việc khởi tố vị Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ, bởi hàng năm nay Đảng vẫn còn chưa tìm ra danh tính, diện mạo đồng chí X. Bộ Chính trị từ khi ra đời đóng thay vai trò Tòa án Hiến pháp, ngay sau Hội nghị trung ương VI, đã thống thiết đề nghị một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mãi mà vẫn không được Ban chấp hành trung ương chuẩn thuận.

Các bài báo trên với cách dẫn giải và các ý kiến bình luận được đăng tải, rất thiếu lý lẽ thuyết phục. Nội dung dẫn giải và cả bình luận của độc giả trên báo chính thống cùng loại trừ hai yếu tố pháp quyền và công dân, hơn nữa đều tố giác một sự thực đau đớn: Nhà nước Việt Nam hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền, ý thức người dân Việt Nam về quyền và trách nhiệm công dân của mình chưa chín độ, và người dân Việt Nam chưa trưởng thành, bởi dưới chính quyền 65 năm nay từ chối nhân quyền phổ quát, người dân ta chưa bao giờ được làm công dân thực thụ.

Nhưng nhiều người duy cảm hãy nhớ rằng cái bộ luật Hồng Đức đòi hỏi xử nặng những kẻ tố giác người thân của mình nào có đảm bảo tính nhân văn? Cũng như không thể bừa bãi gọi cách bao che cho nhau vì tình đồng chí là nhân văn được. Xét trong tương quan với một hệ thống khác, pháp luật ở một nhà nước dân chủ - pháp quyền theo mô hình văn minh phương Tây, không triệt tiêu những giá trị thuộc về đạo đức. Một nghi can bị điều tra có quyền từ chối không khai báo gì về thân nhân của mình ở cấp thân quyến nhất (cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng). Điều tra viên hay công an có trách nhiệm phổ biến cho họ về quyền đó, vì điều tra là việc của công an hay cơ quan điều tra. Gặp những trường hợp như vậy, công an/điều tra viên còn khuyên nghi can không nên khai báo về thân nhân của mình. Nếu so sánh như vậy, nền tư pháp của CHXHCN Việt Nam với thực tế xúi giục con tố cha, vợ tố chồng từ hồi Cải cách ruộng đất vẫn chà đạp quyền công dân tới ngày hôm nay, và trong công tác điều tra, chưa kể bức cung bạo hành, với sự chia rẽ và vùi dập quan hệ gia đình gây nhiều oan khuất, còn phải làm rất nhiều điều hệ trọng mới đảm bảo được tính chính đáng cho một đòi hỏi về đạo đức. Nhưng xét thật sâu xa, khía cạnh đạo đức chỉ được đề cập, nếu như nó đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho mọi thành viên xã hội thuộc mọi thành phần và sắc tộc. Vì lẽ đó, nhiều nhà nước dân chủ phân chia các nhánh quyền lực, cạnh bên Hành pháp và Lập pháp (cũng như truyền thông, báo chí) dành một chỗ đứng độc lập cho ngành Tư pháp, nơi công an, với một trong các chức năng là cơ quan điều tra, được phân bổ vị trí thừa hành rất rõ ràng. Viện Công tố chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc từ khâu điều tra khi phát hiện tình tiết cấu thành tội phạm, tới khởi tố, xét xử và thi hành án. Nhất là trong khâu điều tra, Viện công tố (là Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay) có chức năng yêu cầu mọi cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin, huy động toàn bộ các cơ quan điều tra như công an, hải quan, cơ quan truy thuế vụ v.v. vào cuộc. Như vậy, với tư cách là cơ quan điều tra, công an, còn có nhiều chức năng rất cần thiết cho xã hội xin miễn bàn tới ở đây, chỉ được phép hoạt động dưới sự điều hành của Công tố viện. Riêng phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng ở Việt Nam cho ta thấy một bộ máy tư pháp công an hóa đến mức quái gở: tòa xử một sĩ quan công an với đại diện bên công tố (Viện kiểm sát) đeo hàm sĩ quan công an. Nhân chứng tại tòa khai ra một viên chức cấp cao của Bộ công an, và sự đưa hối lộ nghi còn dính dáng tới Bộ trưởng Bộ công an. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán ngồi ghế chủ tọa đã kết án Dương Tự Trọng bằng một bản án nghiêm khắc nghiêng theo một "quyết tâm chính trị" hơn là luật pháp, và, căn cứ vào tình tiết mới xuất hiện đã làm đơn chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu truy tố bởi nghi vấn (ông thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ) nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước.

Động đến cấp lãnh đạo Bộ Công an, "quyết tâm chính trị" sẽ phải chùng xuống vì ở thể chế này, việc truy cứu trách nhiệm ông Ngọ sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đơn giản vì người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, hai ông Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đều là tướng cấp cao của ngành công an đưa sang cả. Khả năng công an cao cấp sẽ được hưởng quy chế miễn trừ là rất cao, như thể họ là một „lực lượng lạ“ trong lòng dân tộc, vì công an đã có lời thề trung với Đảng, công khai diễn phớ ra phương châm „còn Đảng còn mình“.

Đáng lẽ có thể dân sự hóa ngành tư pháp được đảng hóa và công an hóa toàn thể, và hoàn thiện luật pháp phù hợp với trào lưu văn minh, Hiến pháp sửa đổi vào năm 2013 đã duy trì điều 4, như vậy từ chối nhân quyền và bóp nghẹt những ý kiến đóng góp của nhân sĩ và trí thức mang tính bùng nổ từ cuộc vận động góp ý sửa Hiến pháp 1992, rất quan trọng cho cải cách tư pháp.

Những vòng xoáy từ trước PMU đã tạo lên vòng xoáy to và mạnh mẽ Vinashin và Vinalines tệ hơn ở sức phá hoại. Ông Tổng bí thư, sau khi giật lại quyền chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương, lại tiếp tục vận động chỉnh đốn quay vòng và kêu gọi sống theo làm theo. Sự thuyết pháp giả hay thật của ông rồi đó sẽ phù phép ra một vòng xoáy lốc tàn hại khác của tham nhũng. Đằng sau hậu trường bưng bít đang bung xung vì những cuộc đấu đá ở tầng cao nhất, hé từ màn xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, người ta ngửi thấy sặc sụa hơn khí vị của sòng bài và nhà thổ.

Thiếu vắng một bước đột phá từ hành động chứ không phải từ lời nói, thực tế thảm hại của nền chính trị Việt Nam sụp đổ không có lý do gì trì hoãn. Bắc Hàn còn có thể trưng mẽ một thủ đô hoành tráng và bom nguyên tử. Trung quốc có thể phô trương thành tựu kinh tế trong 30 năm qua, và ý đảng của họ còn chiêu mộ được lòng dân dưới tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc hung hãn đến mức phát xít. Việt Nam bốn mươi năm sau cuộc chiến vỗ ngực thắng cuộc không có gì để an ủi nhân dân. Bên một lăng xây, chưa chắc làm mát lòng người nằm trong linh cữu, ngổn ngang một đống những công trình dở dang từ trung ương đến địa phương là sản phẩm của một nền kinh tế vòng vo định hướng giữ manh mối làm giàu bất chính, đang đến hồi vỡ nợ và sạt nghiệp.

Nhiều người nhận định, chính quyền Việt Nam đang tiếp tục chính sách đi dây mạo hiểm giữa Mỹ, Nga, Trung quốc và phương Tây. Xét thực tế thi hành chính sách phi dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, tôi cho rằng, nhà nước này còn đi dây với Nhân dân nữa, chừng nào người dân bị tước bỏ quyền chủ sở hữu không có chỗ đứng trên ruộng vườn và không có quyền làm công dân tự do biểu lộ ý kiến khác trong ngôi nhà tổ quốc của mình. Họ, những người chưa làm chủ ruộng vườn, xuống đường đòi lại lãnh thổ cha ông bị cướp đoạt, ngày 19.01.2014, thêm một lần bị chính những người đồng bào tiếp tay cho ngoại bang, chính là công an kết hợp với côn đồ, lẽ ra phải bảo vệ cho cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tốt đẹp, xúm vào quây hành hung và đánh đập.

Thế thì ông Thủ tướng ra cái thông điệp đầu năm với những kêu gọi „đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân“ mà làm gì. Thông điệp chỉ đại diện cho lợi ích một nhóm, chà đạp quyền lợi toàn dân, không khác gì các nghị quyết, dứt khoát không bao giờ đi vào cuộc sống. Mặc nhiên đối lại, từ những mối lở loét trên cơ thể của một thể chế phi nhân xì ra nhiều bức bối, cứ như từ những thúc hối, muốn hay không, cuộc sống còn gửi trả lại rất nhiều thông điệp.

© P.K.Đ - Bài đăng BVN

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Không đồng bào, không tổ quốc

Reinhold Grimm

Cũng như Rilke (1) khi còn trẻ, mọi thứ vào tay ông đều thành tựu mau mắn, quá chóng vánh và trơn tru là đằng khác. Nếu như ông cầm lấy bút, những hình ảnh và vần, những câu và khổ thơ, như thể tự thân chúng phát sinh ra, tất cả trào ra, chảy trôi và cuộn sóng qua các trang viết, bất biết ông có mong và muốn điều đó. Vâng, nhìn trở lại, sự giảo hoạt và khéo lời, sự phồn thịnh của ngôn từ, sự khoa trương hùng biện về thơ ca, ông hoặc không có sức cũng như không có ý đồ hãm chúng lại, đôi khi gây tác động gần như vô thức, hay có đấy, thiếu cân nhắc thấu đáo, tựu trung lại thiếu kiểm soát và thiếu phản tư, trong ý nghĩa sâu sắc nhất...


  
Tranh của © Marc Chagall (1887-1985), họa sĩ Nga-Do thái

Hoặc là chúng ta phải luận ra trước, sự sáng tác của Franz Werfel không có gì khác là một sự vận hành quá nhanh nhảu và quá mức tham vọng. Ít ra thì Karl Kraus (2) đã từng cười cợt về chuyện này, khi ông ấy, độc địa thì vẫn xưa nay, vần vè thêm thắt, đã cho nhà văn đồng nghiệp trẻ tuổi mắn đẻ (và đầy thành công như vậy), có chí tiến thủ rạp thân rình rập như mèo của mình quảng cáo và cất tiếng hỏi :“ Tôi là nhà thơ Werfel, ông bà có nhu cầu làm quen? “ (3).

Bởi chưng trong hành động, kết cả Chúa và Thế giới vào thành một vần điệu, nhà thơ này chẳng đã chiều theo, vâng cả đón đầu nữa bất cứ một nhu cầu nào sao?. Khối lượng tác phẩm thơ trưng ra nhiều tới nỗi nghẹt thở, sự chóng vánh cung cấp thi ca đơn thuần gây sức áp đảo. Rất nhiều thứ trong đó, đích danh từ sự sản xuất theo phái Biểu hiện (4) của Werfel với những ngất ngây rơi lệ và những cảm kích xúc động lên bổng xuống trầm, những nụ hôn huynh đệ trơn tru và những cái ôm thắm tình nhân loại - theo thời gian trôi qua chỉ còn thấy khó bề thưởng thức. Từ những gì dạo đó tuôn ra ào ạt trong dòng chảy và ê hề vô tận, ngày hôm nay xem chừng ít đứng được với thời gian.

Và tuy vậy, giữa bộn bề của êm đềm cảm nhận và vui vầy tán dóc gây ra lo sợ, của sự bốc đồng và hưng phấn ồn ã nhiều lời, không ít phen chạm tới sáo mòn, chính Werfel đã lại viết một bài thơ nghe bên tai như một câu châm ngôn viết trên lịch hay như một bài dân ca. Sự dung dị và kiệm lời bất chợt, sự dè dặt một lần tới mức ngượng nghịu trước một sự thuyết trình, như bừng tỉnh rút lui về một cử chỉ thuần túy: ở cách thế làm cho vài khổ thơ lặng lẽ này đáng được tính về thứ gây rung động nhất ở thơ trữ tình Đức thời mới mà tôi biết tới. Ở nơi đâu ngôn từ cũng lên tiếng một cách dễ cảm hơn bên lề của câm lặng nhỉ? Và ai có thể nói thuyết phục hơn người hoạt ngôn nhất, khi với ông, lưỡi đang có cơ tê cứng.

Nhưng mà bài thơ của Werfel không đơn giản chỉ là biểu đạt kinh nghiệm lưu vong cụ thể của ông. Bài bi ca của người sinh ra tại Prague (Praha), sau đó sống tại Vienna, đã hình thành từ rất lâu trước khi „sát nhập“ Áo (5), bài thơ thậm chí còn hướng trỏ về Áo-Hung một thời. Một cách rõ rệt, ba khổ đầu tiên lượn vòng quanh những biên giới của đất nước đó; cứ kế tiếp nhau, chúng gợi lên trong trí nhớ cái tố chất mang vẻ Slav – Magyar, Đức và Latium của nhà nước đa dân tộc. Và tuy rằng thế nền quân chủ bên sông Danube chỉ phục vụ bài bi ca như là biểu trưng cho „các tộc người trên trái đất“.

Người ở đây ập trán vào lòng bàn tay một cách đau đớn vậy, ở muôn nơi đều „không đồng bào không tổ quốc“. Ông là nhà thơ và người Do thái, và vì lẽ đó - thực sự bị lưu đầy và xua đuổi - như cuối cùng ông nói, là „người lưu vong trên khắp hành tinh“.

Kinh nghiệm của Werfel lâu đời trước cả Hitler. Nhưng mặc dầu thế và có lẽ chính vì như thế bài thơ này cũng là bài thơ về cảnh lưu vong. Trong bài thơ chấn động nỗi đau thương cổ xưa của số phận Do thái và đồng thời sự mất mát và nỗi xa lạ phấp phỏng của con người tinh thần mà cuộc sống „thân thương“ „cảm kích“, bởi trong đó „điều còn mãi“ xúc động lòng người.

Ôi chao, điều còn mãi ấy cũng chẳng vậy trường tồn. Thay vì trông hướng Tác ta người ta chỉ cần nhìn về những rặng núi khổng lồ, thay vì trông miền Liguria, người ta chỉ cần nhìn về miền Levant (6), khoan chưa nói về những vùng miền khác. Sự xua đuổi và cuối cùng là hủy diệt, người quay bước đi về đâu cũng vậy thôi. Thực sự sẽ chỉ còn lại duy nhất đau thương, chìm trong đó ngay cả các nhà thơ câm tiếng.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).


Điều còn mãi

Franz Werfel (1890-1945)

Chừng nào gió vùng Tác ta vờn nhẹ 

Những bông hoa miền Slovakia,
Chừng đấy lúc các cô gái dệt hoa
Vào khăn thêu thân thương nhiều sắc.

Rừng Bavaria chừng nào vang vọng
Tiếng rìu trong mờ mịt ban mai,
Chừng đấy lúc kẻ cô đơn ngồi đẽo
Tượng thánh thiêng và Đức Chúa Trời.

Chừng nào trên hành trình, biển cả
Vùng Liguria che chở các ngư dân,
Chừng đấy lúc trên bãi biển, tần ngần
Những người vợ mắc đăng ten, dõi mắt.

Tôi cảm kích - các tộc người trên trái đất -
Điều các bạn hoàn công, còn mãi tháng ngày
Thân tôi đấy không đồng bào, tổ quốc
Vầng trán tôi giờ úp xuống lòng tay.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Das Bleibende

Franz Werfel (1890-1945)

Solang noch der Tatrawind leicht
slowakische Blumen bestreicht,
so lang wirken Mädchen sie ein
in trauliche Buntstickerei'n.

Solang noch im bayrischen Wald
die Axt im Morgengraun hallt,
so lang auch der Einsame sitzt,
der Gott und die Heiligen schnitzt.

Solang auf ligurischer Fahrt
das Meer seine Fischer gewahrt,
so lang wird am Strand es schaun
die spitzenklöppelnden Fraun.

Ihr Völker der Erde, mich rührt
das Bleibende, das ihr vollführt.
Ich selbst, ohne Volk, ohne Land,
stütz' nun meine Stirn in die Hand.

Chú thích của người dịch:

Franz Viktor Werfel (1890-1945): Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức-Tiệp, lưu vong trong thời Quốc Xã, và trở thành công dân Mỹ. Được biết tới nhiều hơn bởi các tác phẩm truyện ngắn, văn xuôi và kịch, bản thân ông đánh giá thơ của mình cao hơn.

Reinhold Grimm (sinh năm 1931): Giáo sư giảng dậy bộ môn Văn học Đức và Văn học So sánh tại University of California.

(1) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

(2) Karl Kraus (1874-1936): Một trong những nhà văn quan trọng nhất đầu thế kỷ 20. Ông là nhà trước tác, châm biếm, nhà thơ và nhà viết kịch, nhà phê bình ngôn ngữ và văn hóa, từng có mối tỵ hiềm với Franz Werfel.

(3) Nguyên văn câu chế nhạo:„ Ich bin der Dichter Werfel. Ham sie ein Bederfel?“. Chữ Bederfel không có trong mọi thứ tiếng, do Karl Kraus đặt vần với tên Werfel, lái sang câu hỏi: „Haben Sie einen Bedarf? - Ông có cần gì không?“

(4) Chủ nghĩa Biểu hiện hay trường phái biểu hiện (Expressionism): Khuynh hướng phong cách đầu thế kỷ 20 trong nghệ thuật Tạo hình và trong Văn chương châu Âu giai đoạn 1905 tới 1925, trong nhiều môn nghệ thuật Kiến trúc, Nhạc kịch và Điện ảnh.

(5): Chỉ sự kiện sát nhập Áo vào nước Đức bằng việc các lực lượng Quốc xã Áo cướp chính quyền, kế đó các đơn vị quân đội, SS và cảnh sát Đức tiến quân vào xâm chiếm Áo tháng Ba năm 1938.

(6) Levant: Khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải, nhưng từ này có thể được dùng như một thuật ngữ địa lý để biểu thị một khu vực rộng lớn ở Tây Á hình thành bởi các vùng đất giáp với bờ biển phía đông Địa Trung Hải, giáp ranh giới về phía bắc là dãy núi Taurus, về phía nam là sa mạc Ả Rập, và về phía tây là Địa Trung Hải, trong khi về phía đông đó mở rộng về phía dãy núi Zagros.

Bài đăng trên VHNA

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Lữ khách

Phạm Kỳ Đăng
Tranh của © Edvard Munch (1863-1944), họa sĩ Na Uy

Tặng Chị Võ Thị Hảo

Nhìn biển rừng trong ưu uất
Khói dâng mờ mịt sơn khê
Mặt đất giầy hung tàn đạp
Thây người không tấm mền che

Cảm thông chảy chung mạch máu
Ôm người xiết nỗi thịt da
Xá gì tha hương cố quốc
Mời ta chia sẻ ngôi nhà

Khóc sâu dưới tầng nước mắt
Cười vang trên những thác cười
Cuộc vui, thâm tâm lẻ bóng,
Liên hoan ở chốn không người

Nghĩ qua nhiều vùng cấm kỵ
Hết mình như khối băng tâm:
Gió qua những mồ liệt sĩ
Cuốn theo quằn quại khói trầm

Giận trỏ ngón tay thịnh nộ
Đứng lên thân tựa hàng mồ
Căm kẻ đục bia vùi dập
Oan hồn gào khóc hư vô

Những người ăn sầu uống lệ
Quặn lòng cố quán đêm đêm
Nhìn sương mai như giọt bể
Mở phơi những lụy tang điền.

©PKĐ - 2014

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Các nhà độc tài không tránh cho hỗn loạn, họ khơi dậy tình trạng đó

Raniah Salloum

Đối với một số người những thể chế quyền uy được coi như cái nôi của ổn định. Điều ngược lại mới đúng. Bởi các nền độc tài không thể giải quyết xung đột bằng hòa bình, nên tất yếu những nền độc tài ấy dẫn đến bạo lực và vô chính phủ.

Những gì còn lại ở Mùa xuân Ả Rập thật khủng khiếp. Bạo lực và cùng quẫn đe dọa xác quyết cuộc sống của con người bên lề châu Âu tới hàng nhiều thập kỷ. Phong trào cực đoan „Nhà nước Hồi giáo“ lan rộng. "Thập kỷ vừa qua đã chỉ ra rằng, có thể còn có sự tàn tệ hơn là chuyên chế: Nội chiến và Hỗn loạn“, nữ đồng nghiệp Christiane Hoffmann viết như vậy trên tờ SPIEGEL và trang SPIEGEL ONLINE. Cứ như ổn định là một giá trị tự thân, và phải chăng nó được đảm bảo bởi những „nền chuyên chế có khả năng hoạt động“vậy?

Suy nghĩ này lảng tránh một vấn đề cơ bản: Đối với một giai đoạn nào đó, những nền độc tài chỉ bảo đảm cho một thứ ổn định – dựa trên xương máu của nhiều mạng người. Luôn rồi đến một lúc nào đó chúng sụp đổ. Thường chúng kết thúc trong tình trạng hỗn loạn mà chúng vốn hứa hẹn bảo toàn cho người ta tránh được.

Hỗn loạn và chiến tranh là hậu quả của các nền độc tài

Bởi vì trong các nền độc tài không có những cơ chế để giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hòa bình. Vấn nạn bị đè nén thật lâu cho tới khi hệ thống sụp đổ bởi sự thể ấy. Chỉ một xung đột nhỏ có thể đưa một nền độc tài đi tới bờ vực thẳm. Nhiều người trẻ tuổi đổ xô ra thị trường lao động không có đủ công ăn việc làm cho họ, thế là đủ. Quá sức các nhà độc tài.

Không thể biểu quyết bãi những kẻ áp bức. Nếu nhân dân chán ghét họ, sẽ chẳng còn gì nhiều ở những người không hài lòng. Nếu họ kéo ra đường, đạn bắn vào họ. Những nhà độc tài dạy cho dân họ rằng: Chỉ có bạo lực mới giải quyết xung đột. Đó là một tài sản gây độc đối với thời gian sau độc tài.

Nhà độc tài biến đi, thường nhà nước biến theo

Nơi đâu quyền lực không phải giải trình, nơi đó sự cám dỗ lạm quyền đặc biệt lớn. Thế vào chỗ đứng của nhà nước là những cơ cấu giống như Mafia. Tham nhũng khoét rỗng những thiết chế, cho tới lúc hầu như không còn gì để lại cả. Nhà độc tài biến đi, do đó cũng biến đi cả nhà nước nữa. Những nhà nước đình trệ luôn là kết quả của nền thống trị độc tài – và bây giờ chăng hẳn chúng phải phục vụ cho sự bao biện?

Vẻ như Christiane Hoffman tin tưởng rằng, hoặc con người vốn sinh ra đã là những người theo dân chủ hoặc là không. Đây là một sự nhầm lẫn. Phần nào ở nước Đức họ cũng vẫn là những con người ấy trong những năm ba mươi (của thế kỷ trước) từng để cho cuộc thử nghiệm dân chủ thất bại và sau này trong những năm năm mươi đã giúp thử nghiệm này đi đến thành công. Giữa hai khoảng thời gian đó là nền độc tài tàn tệ nhất của lịch sử loài người.

Rất khó gây dựng nên một nền dân chủ trên đống hoang tàn của sự thống trị quyền uy. Thế mà lịch sử dạy cho rằng điều này khả thể. Cho đến vài ba thập kỷ gần đây toàn bộ Đông Âu và phần rộng lớn của Nam Mỹ gồm nhan nhản những nền độc tài. Giờ đây là những nền dân chủ vận hành khá hơn hay tệ hơn, nhưng ít nhất còn xa mới đến tình trạng vô chính phủ được cho là đáng khiếp sợ.


©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: SPIEGEL : Dikatatoren schützen nicht vor Chaos - sie schüren es.


Về tác giả: Raniah Salloum, sinh năm 1984, nghiên cứu Chính trị và Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Sciences Po Pháp và Cornell University, New York, Mỹ. Từ 2012 là Biên tập viên mục Chính trị của Spiegel Online.

Nền chuyên chế có thể dễ chịu hơn vô chính phủ

Christiane Hoffmann

Saddam Hussein, Gaddafi và chẳng mấy chốc đến lượt Assad? Vẻ như có lý do ăn mừng, nếu các nhà chuyên chế gục đổ. Tuy nhiên cái gì kéo tới sau chế độ chuyên chế, thường còn tồi tệ hơn.

Sự lật đổ các nhà độc tài mang lại khá nhiều lý do vui mừng. Bởi vì một kẻ gây tội ác không còn cầm quyền nữa. Bởi vì kế tiếp nền chuyên chế có thể là một trật tự dân chủ. Hoặc bởi vì người ta đơn giản tin tưởng rằng, tất cả đều tốt hơn là một nền chuyên chế. Tuy nhiên điều này sai. Cầu vồng khủng hoảng của những nhà nước thất bại trải dài từ Pakistan cho tới Mali chỉ ra rằng, có thể còn có những điều tồi tệ hơn là độc tài, tồi tệ hơn cả bất tự do và áp bức: nội chiến và vô chính phủ. Trong tương lai, nền chính trị thế giới có thể ít bị xác quyết bởi mâu thuẫn giữa các nhà nước dân chủ và nhà nước độc tài hơn là mâu thuẫn giữa những nhà nước vận hành và những nhà nước đình trệ.

Những cuộc cách mạng hòa bình ở Đông Âu đã đánh thức cảm tưởng, đại loại nền dân chủ sẽ tự động kế tiếp vào sự kết thúc của nền thống trị độc tài. Nhưng ngay Nam Tư đã cho thấy rõ, lật đổ các nhà độc tài dễ hơn việc dựng xây một trật tự có hơi hướng dân chủ vận hành được. Một vài tuần sau khi ném bom đã đủ làm cho thể chế của một Milosevic, Saddam, Gaddafi oder Mullah Omar chao đảo. Ngược lại tự chính nơi Bosnesien hay Kosevo, cuộc can thiệp kéo dài hàng năm khó khăn lắm mới tạo dựng được những quan hệ dân chủ nửa vời.

Sự ổn định chính trị đánh thức khao khát về trật tự, đôi khi một trật tự bằng mọi giá. Chính vì thế nó tạo ra đất sống cho những kẻ cực đoan. Chủ nghĩa xã hội dân tộc (Quốc Xã) chủ nghĩa Stalinit, Taliban và bây giờ là Nhà nước Hồi giáo có những giai đoạn bất ổn định đi trước. Thế chẳng hay ổn định là một giá trị tự thân sao? Ai đồng ý điều này, dễ bị coi là kẻ chua cay dửng dưng với tự do và quyền làm người. Lý lẽ của sự ổn định không gây thiện cảm. Nó nói giọng chính trị thực tiễn ti tiện. Nó là sự thú nhận khả năng bị thu hẹp của phương Tây trong việc xuất khẩu những giá trị và mô hình sinh sống của mình. Thường ra nó bị lạm dụng, để biện hộ cho việc làm ăn với các nhà độc tài. Và nó phục vụ cho ý đồ của các bạo chúa bao biện cho chính sách áp bức của họ. Mặc dầu vậy điều đó không sai. Chuyên chính có thể dễ chịu đựng hơn là vô chính phủ. Nếu như con người ta phải đứng trước sự lựa chọn giữa một nền độc tài vận hoạt và một sự rối loạn của một nhà nước thất bại, thì nền chuyên chính là sự tồi tệ nhỏ bé hơn.

Câu hỏi tìm lựa chọn thay thế

Dân chủ chỉ có thể hoạt động được nội trong một môi trường tối thiểu của trật tự nhà nước. Và nó không thể tạo ra trật tự này một cách vô điều kiện. Nếu như thiếu đi quá trình học hỏi về văn hóa mà châu Âu đã trải qua từng bước từ những cuộc chiến về đức tin tôn giáo kèm theo Khai sáng và Phát triển của chế độ phân chia quyền lực và dân chủ. Chính vì lẽ đó, trong tương lai, nền chính trị Tây Âu cần phải giành cho sự vận hành của một nhà nước ý nghĩa lớn hơn. Nếu như Phương Tây muốn quỷ tha ma bắt đi những nhà độc tài cai trị, thì vấn đề tìm lựa chọn sẽ phải đóng góp một vai trò. Và nếu lần sau cần có một cuộc can thiệp – bằng quân sự hay bằng cấm vận - thì trước đó cần phải được xét hỏi - cái gì sẽ đến kế vị độc tài.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn SPIEGEL ONLINE

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Lưu vong

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của© Salvador Dali (1904-1989) họa sĩ Tây Ban Nha

Tôi từng thức nhiều đêm gối chiếc
Đối nhìn trăng đến sáng có gì đâu
Người nào bảo ngày rời đi hối tiếc

Kệ, không mong một sáng lại từ đầu

Nào còn sáng dưới hành lang u tối
Đứng ở đây thềm cổ, phút huy hoàng
Người chào đón. Và có người quỳ gối
Làm sao khuân kiếp lầm lạc, đò sang


Có gì mới, dưới vòm trời cũ rích
Khói, bụi, sương bay thôn Đông thôn Đoài
Sao chiếu mệnh trỏ gầm nằm đơn độc
Bao nhiêu người kéo chẳng ra ngoài


Nhưng thật đấy tôi yêu người thiếu phụ
Dạo ngồi bên trong lớp, rất dịu hiền
Trêu tới lúc nàng chau mày giận dữ
Qua lâu rồi tôi vẫn thích gọi tên.


Hương của sắc nắng mùa thu choáng ngợp
Tới từng năm cánh bướm vẽ vòng
Vui, buồn, giận, nhớ trong lòng khép kín
Đầy đủ cho cuộc sống lưu vong.


© PKĐ -2014

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Giấc mơ nguyện của một kẻ bất an

Hans-Ulrich Treichel

Ông là một kẻ trời hành, thường không chịu nổi sự dừng chân ở một nơi lâu hơn một vài tháng, đôi khi chỉ vài tuần hoặc vài ngày. Và trong trường hợp Rilke, ai nói về những „năm lữ hành“ hoặc cuộc „hành hương“ kéo dài suốt cuộc đời, như một số nhà viết tiểu sử thường làm như vậy, người đó sau này từ tâm trạng bất an bộc phát của tác giả có thể còn khai thác thêm một ý nghĩa và một phương hướng.



Tranh của ©Claude Monet (1840-1926) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Cũng như vậy, vào tháng Mười một năm 1903, Rilke đã du hành tới Roma không với tư cách là tín đồ hành hương - chẳng những không trong nghĩa đen mà cả không trong nghĩa bóng của từ - mà là người tháp tùng vợ ông, nữ họa sĩ Clara Westhoff (1) tới lưu học ở thành phố Vĩnh Cửu. Tuy Rilke cư ngụ một xưởng họa trong vườn có một quang cảnh thuận lợi nằm trong biệt thự Strohl-Fern gần biệt thự Borghese, thành phố bên sông Tiber với ông không sao tiếp cận và nó „ mù như thứ ngụy trang“. Và ngay cả bầu trời thành Roma, vẫn còn xoa dịu được khách thăm thú của ngày hôm nay mệt mỏi vì tiếng ồn và ô nhiễm quên đi được nhiều sự trên đời, đã chỉ cấp cho tác giả những „ trò chơi màu rẻ tiền", „nông cạn và ngập cát“, như ông đã viết cho Lou Andreas-Salomé (2) vào ngày 12.05.1904. Một lời mời tới Thụy Điển cho phép nhà thơ lại có thể rời Roma ngay vào tháng Sáu, và không chần chừ, ông làm ngay việc đó.

Trên đường đi xuống vùng miền nam, Rilke không có bài thơ sonnet „Đài phun La mã“ trong hành lý, bởi mãi đến tháng Bảy năm 1906 bài thơ mới thành hình tại Paris. Nhưng hẳn ông phải phải canh cánh bên lòng hồi tưởng về khu vườn Borghese, đối với ông và người vợ của mình „ngay từ những ngày đầu trở thành một điểm nương náu thân thương“ (thư gửi Arthur Holitscher (3) viết ngày 05.11.1903). Sự tĩnh lặng của khu vườn nằm trên Hành lang bậc điện Tây Ban Nha hồi phản và nhân đôi đồng đều trong chuyển vận tĩnh mịch và mơ mộng của một trong những bồn phun của vườn. Không một tia nước phun lên, không có gì chảy và rơi như trong bài thơ „Giếng phun La mã“ của Conrad Ferdinand Meyer (4) cũng tương tự như vậy lấy cảm hứng từ bồn giếng phun Borghese.
 

Ở đây tất cả mọi nội động của rơi xuống và dâng lên đều hoàn toàn chừng mực, hoàn toàn nhẹ nhàng như lùi vào hướng nội. Gần như muốn ngụ ý rằng, giếng phun có nguy cơ trở thành một khe nước, Rilke đã phân định cho nó ít áp lực và ít động lực như thế đó. Và người ta thiên về việc cùng bài thơ „Giếng“ của Rilke viết vào năm 1885 xướng to lên một cách đầy hối tiếc: Mất sạch rồi nền cũ/ Thơ ca giếng vàng son/ Bởi từ khe miệng sò của Triton (5)/ một dòng suối trong veo líu lưỡi/ đã cho các ngõ cụt mượn lời. Mà tuy thế, ngay chính ở đây điều Rilke quan tâm không phải là chiếc giếng như hình tượng chẳng những không của sức thiên nhiên mà cũng chẳng của sức cường sinh trào dâng hay là được điều tiết. Hơn là thế, chiếc „Đài phun La mã“ của biệt thự Borghese trở thành địa điểm của u tịch, của những sắc thái biểu cảm được xoa dịu và của tự thân viên mãn phản chiếu.

Trong bài thơ sonnet lập từ một câu duy nhất, bức tranh của một cuộc gặp gỡ bản thân thầm kín không nỗi đớn đau chia sẻ với chúng ta. Tức là ở đây cũng có một sự cho và nhận, một sự mơ và tỉnh giấc, một sự nói và im lặng, một sự chỉ ra và nhìn thấy: mà thế đấy tất cả chỉ xảy ra nội trong một bồn nước phun; không có cái tôi trữ tình, khiến không một kẻ quan sát phải vươn người qua thành bể – và không có nỗi đau đớn của tàn phai thường mỗi ánh mắt nhìn vào trong gương dạy cho ta biết.

Đó tự thân là nước được vận động từ nước, và sự run rẩy của nó được Rilke biến đổi thành một nụ cười và cái đó thú vị sao thành tấm gương của bầu trời, nhưng hoàn toàn không có „nỗi nhớ nhà“ và chỉ tự tại bên nó mà thôi. Nhưng mà „tự lặng lẽ lan ra và không nỗi nhớ nhà“, điều đó cho ta đọc thấy như một giấc mơ nguyện của một kẻ bất an, tuy đã có nỗi nhớ nhà, nhưng không có nhà; kẻ chẳng những đã không muốn nhào ngã mà còn không muốn chôn chân, luôn tỏa vòng lan xa từ một trung tâm duy nhất của nó.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Đài phun La mã

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Hai bồn nước, một song le cao vượt
trên một bể khuôn đá cẩm thạch cũ hình tròn
từ bồn trên nước nghiêng mình rót nhẹ
xuống dưới lòng nước sẵn đứng chờ luôn

im lặng mở lòng đón dòng thầm thì nói
và kín đáo, phân đều trong vốc rỗng bàn tay
chỉ cho thấy bầu trời sau tán xanh và tăm tối
thấy như là một vật thể chẳng ai hay

lặng lẽ lan ra trong đáy khuôn xinh đẹp
vòng loang vòng, không nỗi nhớ nhà
chỉ thư thoảng mộng mơ và đọng giọt nhỏ ra

hạ trú ở những cột rêu phong rủ xuống
tới tấm gương cuối, làm bể nước khẽ khàng
từ đáy mỉm cười tỏa những bước chuyển sang.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Römische Fontäne

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Zwei Becken, eins das andere übersteigend
aus einem alten runden Marmorrand,
und aus dem oberen Wasser leis sich neigend
zum Wasser, welches unten wartend stand,

dem leise redenden entgegenschweigend
und heimlich, gleichsam in der hohlen Hand,
ihm Himmel hinter Grün und Dunkel zeigend
wie einen unbekannten Gegenstand;

sich selber ruhig in der schönen Schale
verbreitend ohne Heimweh, Kreis aus Kreis,
nur manchmal träumerisch und tropfenweis

sich niederlassend an den Moosbehängen
zum letzten Spiegel, der sein Becken leis
von unten lächeln macht mit Übergängen.

Bản tiếng Anh

Roman Fountain

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Two basins, one above the other, soaring
Out of an old round marble fountain base.
And water gently from the top one pouring
Down to the nether water's waiting place.

Which, this soft speech with silence answering,
As if in its hand's hollow secretly
Behind the green and gloom shows it the sky.
As if the sky were some strange unknown thing;

And spreading meanwhile in the beautiful
Bowl, its calm circles no nostalgia know,
Yet drop by drop of it, as if in dreams,

Down-hanging mosses now and then will fall
To the last surface, where the basin seems
To smile up softly with each overflow.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức

Hans-Ulrich Treichel (sinh năm 1952): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn, nhận các giải thưởng có thể kể Giải thưởng Hermann Hesse, Giải thưởng Văn học Eichendorf và Giải thưởng phê bình Đức.

(1) Clara Westhoff (1878 – 1954): Nữ họa sĩ, nhà điêu khắc Đức, kết hôn với Rainer Maria Rilke vào năm 1901, cuộc hôn nhân với nhà thơ tan vỡ năm 1903.

(2) Lou Andreas-Salomé (1861-1936): Nữ nhà văn, nhà viết tiểu luận và nhà phân tâm học người Đức gốc Nga. Vào những năm 1989-1900 Rilke đã hai lần cùng bà du lịch nước Nga, nơi ông gặp Leo Tolstoi và Boris Pasternack.

(3) Arthur Holitscher (1869-1941): Nhà văn viết du ký, nhà tiểu luận, nhà tiểu thuyết và kịch tác gia.

(4) Conrad Ferdinand Meyer (1825-1898): Nhà thơ, tiểu thuyết gia, thuộc về những nhà văn người Thụy Sĩ quan trọng nhất viết tiếng Đức ở thế kỷ 19.

(5) Thần biển trong thần thoại Hy Lạp.


Bài đăng VHNA
 

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...