Tạp bút

Nhớ Trịnh Công Sơn

Phạm Kỳ Đăng

Thấp thoáng bóng Trịnh Công Sơn tới trụ sở hội nghệ thuật tạo hình thành phố HCM, đám cô gái bán giải khát và chia sẻ cả mặn mà, nói: „Ðó anh Trịnh Công Sơn đó. Ảnh rất thương tụi em.“ Cô gái bình dân nói chân thật, chẳng có ý khác.

Ngày hôm sau tôi may mắn lọt được vào nhà ông ở phố Phạm Ngọc Thạch, vì gia đình thường phải chế ngự phẩm và lượng của khách vãng lai. Xung quanh bàn lớn trên lầu hai, như một sàn sân ban công không khép, bao bọc giữa cây và hoa cảnh, Trịnh Công Sơn ngồi cùng bốn năm vị khách, trện bàn còn chai uýtki mở mới uống, đã có ai vặn bung nút chai khác rồi. Tôi không dám xin, mà ngỏ ý mượn ông một băng nhạc cátxét cũ để thu lại thôi, vì tới hơn ba mươi tuổi, do đi du học từ 1977, tôi mới lần đầu nghe nhạc Trịnh Công Sơn khoảng năm 1991, 1992 gì đó. Rất nhẹ nhàng, ông nói: “Anh đâu còn băng nào. Dạo giải phóng, mấy anh ấy (chắc là mấy nhạc sỹ ngoài Bắc) vào mượn nghe và lấy đi đâu hết cả“. Ngắm cảnh trí hiên thoáng gió trời, hoa đất, trình bày vô cùng nhã, sang trọng, tôi nghĩ bụng, cũng không sai như lời ông tự nhận, đây chính là người rong ca chẳng thiết sở hữu gì. Trịnh Công Sơn ra đường vẻ như không mang theo tiền bạc. Các chế độ về thù lao bản quyền đều do các em hay người nhà ông lo hộ.

 

Một đôi vợ chồng người bạn, hiện chị Hằng Nga tổng biên tập tờ Người Lao Ðộng, tổ chức cho cả mấy anh em gặp mặt ăn uống tại nhà. Ông đến với hoạ sĩ Trịnh Cung, ăn mặc giản, vóc mảnh, ngồi như ngại chiếm chỗ người khác bên cỗ đàn piano của gia chủ. Thấy chị chủ nhà hồ hởi nói mong anh dạy nhạc dạy đàn cho cháu bé, ông cười khích lệ, nên tôi, trong không khí xuề xòa như vậy, thú thực với ông, rằng trong chuyến bay về Sài gòn cuối năm 1992 đó, suốt mười mấy tiếng đồng hồ, trong đầu tôi mang mang mãi khúc Nguyệt Ca. Khi tôi nhắc lại một câu, sai lời, ông nhỏ nhẹ sửa lại. Nghe tôi than thở, đại ý tiếc nay băng tape nhạc gốc của anh, do Khánh Ly hát, chính anh cũng chẳng còn, Trịnh Công Sơn với lấy cây đàn ghi-ta dựng góc hát bài Nguyệt Ca. Với tôi, dạo đó, ở nước ngoài về, ngay làm lê dân cũng đã khó, ông đã ban món quà vô giá. Ở con người ông, một người tăm tiếng thế, không hề có một chút mặc cảm sợ ảnh hưởng tới danh tiếng nào cả. Phải đáp lễ sang trọng, nghĩ vậy, tôi đọc cho hai anh nghe mấy bài thơ của mình. Ông lắng nghe, và sau, cũng trọng thị như vậy, ông nói đưa ông cầm văn bản đọc lại. Ðọc rất chăm chú. Tối khuya chia tay nhau, chúng tôi ra chiếc xe Volkswagen con bọ của anh Trịnh Cung chụp ảnh.
Về lời và nhạc của ông, trước hết xin nêu một nghịch lý do chủ quan mình mơ hồ cảm nhận:  Nhiều khi, nghe một bài hát phổ thơ, tức tác phẩm của hai tác giả, người ta cảm thấy nhạc hay, nhưng thơ, qua giai điệu và tiết tấu, qua cảm thức nghe của mình, bị lạ hóa hẳn đi. Thường là thơ, ta đọc lại, nhất là khi trong đầu vẫn lởn vởn bị quấy rầy vì điệu nhạc đã nghe, kết cục bị lạc mất diện mạo, có khi biến dạng, đến nỗi không còn là thơ nữa. Nên người ta phân biệt câu thơ và câu nhạc. Cái bẫy này rất oái oăm, nó khiến trong thực tế, có bài thơ hay phổ nhạc vào lại dở, bao bài thơ xoàng lại nương náu mình sống tiếp được trong bài nhạc phổ khá hơn.
 

Lại có bài hát hay cũng không bị câu thúc bởi lời, tức là không bắt buộc lời phải bật nghĩa hoặc mô tả một ẩn nghĩa như thơ. Và ở những thành tựu hiếm như các bài hát của Schubert, Schumann phổ thơ Heinrich Heine lại xảy ra biến diễn khác. Nghe, nhưng muốn truy cập về hình hài nguyên thủy của tác phẩm ở dạng thơ và bài hát, đều vô vọng kết quả, đã khiến bao lần tôi băn khoăn tấm tiếc nghĩ, thà tôi nghe bản nhạc đó và đừng phải đọc bài thơ, hoặc chỉ đọc bài thơ, song không biết đến âm điệu nhạc, thì hay hơn. Ở đó, ngoài tài năng cùng nhiều may mắn tụ lại, thơ và nhạc tồn tại song đồng giá trị và nâng nhau lên tầng cao hơn nữa.
 

Ca khúc của Trịnh Công Sơn, phần lời và nhạc đều từ một con tim khối óc.
Ông bắt đầu từ gợi ý thuần về thơ hay thuần về nhạc, hay từ khi nó manh nha chưa hiện dạng, có trời mà biết nổi? Không nhận ảnh hưởng của nhạc cổ điển tây phương hay dân ca chất phác, ông ca thơ của ông, theo cách thế riêng, kết quả đã vinh danh ngôn ngữ. Khó là cung cách. Xây dựng từ chất liệu ấy, thơ của ngôn ngữ đơn âm, chuyện cũ cả thôi, nào đáng kể đâu. Ðiều quan trọng: ông tạo tác nên một chỉnh thể nhất phiến gắn quyện. Như giấy bản sẽ quyện với mật chẳng hạn.

 

Kể cả khi những lời đó không có ý nghĩa gì lớn lắm, kể cả nhiều phi thơ, sáo ngữ, nếu chúng đứng lẻ loi trên giấy.
Ðôi khi ta lắng nghe ta / Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá / Hồn ta gió cát phù du bay về
Hoặc:
Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn. Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm.

Từ ngữ, bình thường vô nghĩa, láy lặp bay, xoắn xuýt, xô vào nhau thành giải nhạc. Qua cách xử lý chất liệu thơ và âm, những bài hát Trịnh Công Sơn thành những hạt sống, lóng lánh bay đi không tàn sắc, không có các đốm chân hương, để người ăn theo so nùn rơm thổi lửa. Tức không tiền khoáng hậu.
 

Hãy thử hình dung, nhạc ông không lời, được chơi trên một chiếc vĩ cầm hay piano từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ rằng đều không thể hay như mức hằng có. Chắc phải phối bằng nhiều nhạc cụ, việc đó vượt quá xa tầm hiểu biết của tôi. Cứ nên giả ước, rằng nhạc ông soạn bằng một nhạc cụ là tiếng Việt Nam cho một giọng hát mộc, có thể chưa thấu đáo kĩ thuật thanh nhạc, như ca sĩ Khánh Ly. Bằng chứng hôm nay, qua băng video nhạc Trịnh Công Sơn, tôi nghe ca sĩ Thanh Lam hát Cát bụi. Có thở, có thổi, có gào, có hú, nhưng tiếng hát quả có non và có phần ngô nghê nữa. Vì thiếu hẳn ý thức và cảm thức về văn hóa và thời đại, thế hệ đã thổi hồn cho nó đó chăng?
 

Nghệ thuật Trịnh Công Sơn ươm ắp (chứ không thuần túy phản ảnh) thần thái thời đại, thế hệ, trong những giờ hân hoan bi thiết của dân tộc ông cả hai bên bờ vĩ tuyến.
 

Trong cuộc tang biến chưa từng thấy, không chỉ có Tình Sầu, Tình Xa, Phôi pha, Gọi tên bốn mùa, Phúc Âm buồn, Như cánh vạc bay, Tưởng rằng đã quên. Ai đã nghe thúc giục:
Một ngày còn sống góp tiếng mong manh / Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm / Một ngày cầu xin, hai tay quy hàng / Giọng người buồn tênh, cơn đau nung hồng / Thèm tuổi hồn nhiên, ngồi nhìn trời xanh... mà thấy mình nhớ thân kẻ sĩ ở mọi điều kiện và hoàn cảnh bồn chồn đứng dậy, tuốt kiếm qua sông Ðịch.
 

Không chỉ tiếng thở dài hoặc giãn những khoảng lắng khoảng câm. Có cả những chùng, khựng, giằng, xé, quăng, quật trong tình thiết tha, chán nản.

©Tranh của Bùi Xuân Phái (1920-1988)
 Ðánh giá về con người và loại hình nhạc Trịnh Công Sơn bao nhiêu người đã có ý kiến bằng lời nghiêm túc, đùa cợt hoặc dè dặt. Là người rong ca, du ca, chantre vv..., và cách tự nhận vai trò mình thoáng vẻ tránh né của ông. Có biết tránh né mới chung sống cùng với thực tại.
 

Lạ thật, trong tác phẩm ông để lại, nhiều cảnh trí, thời gian, không gian lớn lao, lay thống lại thuận tung hoành biến hóa dưới cây quyền trượng của người nhạc sĩ sáng tác bài hát có dáng người nhỏ nhắn nhường kia. Không thể hiểu do đâu ông có được thế những phương diện, kích thước kì lạ như vậy trong bối cảnh thơ ca đất nước, ở phần khá đông tác giả tác phẩm, cứ ghé mắt lại chán, vì sau rào chắn của hô từ hoán ngữ, không gian thời gian của tinh thần, cảm xúc lại lè tè chắp vá, manh mún đến như vậy. Ta hãy nghe: Khi tình đã vội quên / Tim lăn trên đường mòn / Trên giọt máu cuồng điên / Con chim đứng lặng câm / Khi về trong mùa đông / Tay rong rêu muộn màng / Xin chờ những rạng đông...
Phải có nhiều tự do mới tạo ra nhiều kích thước hút hồn đến thế.

 

Hỏi: - Làm sao có được tự do khinh khoái như vậy?
Trả lời: Là nghệ sĩ, tự do phải lấy...
- Tức là phải đoạt lấy? (tò mò muốn hỏi tiếp riêng Trịnh Công Sơn câu này)

.... Sẽ không nói, không tiếng nói, vì sau cặp kính là hai con mắt dịu như nhung của người nghệ sĩ nổi tiếng cả về khiêm cung, khiêm nhượng ấy, một hé thoáng ánh trối trăng cười.


© P.K.Đ - 2001 / Nguồn:  talawas

Hành hương sau tháng Chín

Châu Âu nơi ta đang sống đây, từ biên ải mỗi ngày một lùi sâu, vừa độ thu, gió suốt đêm chuyển mùa hoành hành vô độ. Trong góc nép một rùng mình báo trưỡc, ta ứng cảm thân thể ta kín bưng phân rã - trong một  lạc lõng không còn cho gói trọn -, và, trong tâm trí bải hoải, nhiều vết truyền đời sắp tuột chỉ bung băng. Đơn giản chỉ đòn gió xé, cào cấu mặt này, vẫn nếp quen thường, nào có gì, hàng mùa, hàng mùa ta thường nhẫn chịu. Những tiếng đấm thình thình ngoài cửa mới đêm rồi, quả như dấy từ sốt ruột hay bức bối mới thực làm ta bồn chồn đi lại. Ta khoác áo ra tìm giữa đêm thu, ngỡ có người ráo riết tìm đưa thư tối hậu.

Tối hậu lay chuyển tồn tại riêng ta, như vậy hẳn có chuyện ra điều kiện. Sự ra điều kiện sống còn với ta, ta át gió đập nói to lên, hẳn phải dựa trên cam kết, hay ít nhất chịu một phó thác nguyền lòng nào đấy tựa như cam kết. Hay thôi, đúng có một ngày quá cũ, ta từng nguyền lòng với những người yêu thân trông chờ ta tha thiết, với tất thảy từng bao gồm quanh ta - giờ đây còn nguyên trong hồi niệm - tạo nên quãng đời ta niên thiếu.

Ta chẳng còn hăm hở mỗi độ thu sang, ngày ấy tựu trường, mỗi độ ta líu ríu bàn chân bé nhỏ sóng đều hàng trên nẻo đường làng mảnh muốt.

Quá hồi hộp nắn bước theo dập dồn trống ếch, ta lãng nghe hồi chuông lảnh ngân, tiếng mõ cấp tập trong tiếng kinh nguyện cầu. Không chỉ vào thời đó ta không hiểu những ý sâu ẩn ngụ trong lời kệ, theo nếp nghĩ quen của trường ốc, ta mãi bây giờ còn thờ ơ ngỡ đó là huấn truyền nhắc nhở tưởng nhớ hay tuyên xưng đạo hạnh.

Đền miếu đổ nát đã nhiều, ta đi qua ngó đi ngó lại những hàng chữ dọc lạ lẫm trên văn miếu, thấy ngồ ngộ như là ký hiệu. Nào, có quá quắt cũng làm sao nói khác, quả ta bạc bẽo quê hương trên chính quê hương.

Giá lặp lại niên thời, ta muốn học tiếng và chữ cổ để ít nhất còn đọc được văn bia. Ta ước ta thấu Kinh Bát Nhã, thuộc Kinh Hoa Nam hiểu ý nội truyền lời kinh, hiểu triết ý trong lời khấn niệm. Điều đó hẳn thuộc về ngôn ngữ. 
                                        
Về ngôi trường từng học, nay bọn nhỏ con cháu, như trước ba thập kỷ xưa vẫn ngoan nếp học gượng, hành gạo. Dưới sức ép của thi cử, chúng vẫn phải thuộc lòng khẩu hiệu, đồng ca lên điều mị đạo. Trong khía cạnh nhân văn, tinh thần, quan hệ giữa giảng và học ở đất nước này, có thể hết cả đời ta nữa, vẫn nhập nhèm trong ràng buộc giữa chân lý ra điều kiện và tuyệt đối thực hành thỏa đáp. Chốn học đường biến thành đàn cầu đảo cho những chế dụ siêu phàm sức hô phong hoán vũ.

Với thời gian và nghiệm trải, giờ ta đã hiểu rộng hơn ý niệm về con đường, và nếu phải phân tích những cấu trúc đường, ta e rằng đó sớm là điều bất hạnh mà ta chưa muốn kể. Lớp trẻ sẽ vẫn giậm chân đều bước trên lối ta đi chăng, không khác. Chúng sẽ ngây thơ phí hoài tuổi trẻ như đời người cầm bút Việt, rời khỏi nhà trường rèn kiểu đó, mất chừng 15 năm lưu lạc gì đấy trong quãng đời nhận thức tốt nhất, bên cái việc cứu tế người thân, và 30 năm giãi ơn mưa móc. Ôi trên cái đất này, người ta chỉ sẵn quen dỏng tai nghe phàn nàn chuyện “con cái làm buồn lòng cha mẹ“, chứ đâu dám giật mình nghe điều ngược lại. Vì chúng, cũng như con cái mình, ráng chịu một lần mang tiếng bạc, để nói toạc ra điều con cháu ta, tự nhiều đời như ta, rất có đấy nỗi hổ nhục bởi bậc phụ huynh tiền bối. Xét những thế đứng thuộc về thế hệ, ta nào dám hy vọng lợi thế gì hòng gỡ gạc, rằng từ nay ta cũng phải can đảm không ngần ngại phơi ta ra cho con trẻ công bình phê phán. Người trí thức Việt Nam, thông minh chẳng kém, bền bỉ vô cùng, trí lực song toàn, có điều hành trang sơ sài, vướng nhiều ràng rợ, căn cơ ý thức lạc hậu và kém cỏi bậc nhất thế gian.

Cuộc đổi thay bị động mới đầu bén gót, kết cục bị đuổi ra khỏi „đặc khu“ văn hoá – tư tưởng rào kín cổng cao tường nội trong lãnh thổ. Ba dòng thác cách mạng diễn nghĩa đã cạn nguồn trôi chảy. Từ nhiều điểm trên trái đất một dòng thô lậu phun lên cuốn phăng mọi không gian, địa lý, chiếm lấn được nơi nào đi qua, sẵn bỏ quên, sẵn bỏ ngỏ và thậm chí dung thứ những cồn đảo lẻ. Quê hương ta, trên nhiều phương diện, vẫn là hoang đảo lỗ đỗ đọng lại trong toàn cầu hoá: dưới tầng tầng ban bệ toàn trị, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện lớp cai đội hoặc giám mã tư tưởng vung roi chiều ý lãnh đạo liếc nhìn ra hiệu. Và cái đám không tiếc thân trâu ngựa, túi bụi chơi khăm và hành hạ nhau trong tầu đến tối mặt, trớ trêu thay ở thời hậu kim khí và internet, từ lâu quên phản xạ tự nhiên như lộn đàn quay ngược hoặc ngửng đầu bao quát, theo tiếng còi phát lệnh sổ ra lập tức cắm đầu, cố chạy nhanh kiểu nào chăng nữa cũng chỉ rối rít phi trên đường ray cấm trật. Cuộc đua trò mua vui lãnh đạo diễn ra vẫn vậy.

Lãnh tụ ở nhà nước toàn trị không cần biết văn hóa, chỉ có nhu cầu cai quản văn hoá, thâu tóm quyền lực để dồn hết sinh lực cuộc đời ra thi thố. Ngay từ thời kỳ toàn trị đen tối, khi còn trong vai lãnh tụ gần gũi nhân dân, họ từng ăn mặc giản dị, chia cơm sẻ áo, nhưng chưa khi nào sẻ san quyền, dù chỉ là ít chút. Họ ráo riết bám chặt vào quyền như ngoé ôm măng trong nồi nước nóng. Và nếu nước không sôi lửa không bỏng, họ phải dựng lên nhiều vụ phá hoại chống đối nội từ giới người cầm bút. Chừng nào còn chuyên chế, ta không mơ màng gì về một cảnh sum vầy trà thất thời bình mà ở đó nhà chính trị và nhà văn, nghệ sĩ thân thiện như người đồng sự chia sẻ chí, lắng nghe nhau từng ý. Cái cảnh hoà nước sông chén rượu ngọt ngào đó chỉ xẩy ra trong thời loạn trước khi hoàn tất toàn quyền. 

Còn người dân phận vốn eo hẹp như làng xã ruộng đồng của họ, từ xưa chỉ được ra ngoài lũy tre làng vì cuộc binh đao. Kết thúc những cuộc chiến thế kỷ vừa rồi, họ lại về vườn yên cảnh súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa. Hiền và vô hại. Họ đáng thương với số phận, với cuộc sống tinh thần nghèo nàn vô kể.  

Một thế kỷ ba cuộc chiến kéo dài hơn ba mươi năm chưa bao giờ cho nhà văn nghệ sĩ ở đất nước này được nhiều thời gian yên thân và an cư lạc nghiệp. Một nghề nghiệp luôn bị quấy quả. Có lẽ chưa có nghề, chỉ mới có nghiệp có phận, đúng hơn phận tôi đòi con ở. Vì một ngày mai độc lập và tự chủ tri thức, ta hãy chia tay và đoạn tuyệt với thân phận đó. 

Riêng ý niệm con đường đến bây giờ vẫn ám ảnh ta nhiều lúc.

Ta nghĩ đến điều này lúc níu người leo vịn dốc ghập ghềnh hang Đầu Gỗ. Chóng mặt quay cuồng ta chỉ còn nhớ những phiến đá nhỏ, nhiều góc để một bát hương khấn nguyện. Trên triền dựng ngược ấy ta biết mở cho ta lối nào. Ngược lại với điều ngộ nhận cho rằng các văn nhân nghệ sĩ có tiếng nói riêng gây ảnh hưởng cho hậu thế, ta thấy những bậc xuất chúng ấy đều để lại một cõi hoang vu. Các bậc đại tài có tiếng nói, phong cách, dấu ấn, và gương  mặt riêng ai cũng muốn sáng tác của mình gây ảnh hưởng trường tồn vĩnh cửu. Họ đâu dè ai theo họ sẽ lại bị «ma dẫn lối quỷ đưa đường» lẩn quẩn mãi, biết bao giờ mới đạt thành công quả. Họ đâu ngờ tác phẩm của mình làm nghèo năng lực kẻ kế tục, họ phá hoại tinh anh của người đi sau là đằng khác. Họ đi qua và bịt mất lối và thậm chí còn nhiều ngả. Đường họ đi là những đường sạn đạo[1] chẳng còn tro tích, ta chớ mảy may mò tìm đường ấy mà mất hết thời gian.

Biết đâu trong bối cảnh này, hoạt động chuẩn bị cho diễn ngôn từ mọi miền trí thức, quan trọng hơn, và tìm tắc nghẽn khơi ra rãnh nhỏ trong kiến trúc đồ sộ của ngôn ngữ đa tầng - đa dân tộc ấy chẳng lại quan trọng hơn việc tìm một con đường hiển hiện. Ngôn ngữ chung hẳn mong manh, tuy nhiên khó dùng dao súng triệt hạ sự kháng cự phi-vật thể là nó. Cái ngôn ngữ ta dùng trong ngữ vựng bị ém nhẹm, bị pha phôi dụng ý, cắt tỉa, xuyên tạc hay thất thoát cũng còn im hơi lặng tiếng, do người sử dụng chưa dám mường tượng về kích thước quá hạn. Như có lần đứng bên bờ Gran Canyon sâu khiếp đảm, theo ngón tay hướng dẫn viên du lịch ta nhìn mãi mới thấy dòng sông lấp loáng chảy dưới đó chỉ lớn bằng vệt nước thằng cu đái. Nơi đó thực ghềnh thác tung lên hất xuống những con thuyền độc mộc của dân chài da đỏ lưng trần chèo chống. Gọi nơi đó là gì nhỉ, ta suýt cười khi biết người bản xứ gọi nó là cái lỗ, cái hố, dù bề thiên tạo. Tiếng Việt bất quá gợi ta liên tưởng đến vũng trâu đầm hay hố bom thời chiến. Sau nghĩ lại ta thôi bất lực vì thấy gọi là hố, vực cũng chẳng sai, nếu thêm là hố chôn trời. Sự tình hiển nhiên rành rọt vậy, chỉ có ta vẫn chưa mở mang hết kích thước chăng?  

Phải cái quá vãng của ta, ta không sao khép lại được, tốt hơn, do khách quan, chủ quan không sao phục hiện, nên được khắc phục lại bằng đánh giá không kiềm toả, đối chiếu tự do trong suy nghiệm.

Ta vốn sinh trên nền què quặt do cưỡng lạm. Dị ứng với quá nhiều „chân lý cách mạng“ di căn bội phát, nên khi bị bẻ ta hỏi thử lại xem ai chỉ cho ta trong mớ ổ ta sinh đâu là gốc rễ và nguồn cội.

Sức người dụng ngôn ấy luôn là sức của người giẫy trói, ta đâu dám „bôi đen“. Trên phông nền cho trước trắng đen kia máu đổ thành sông suối, sức vóc của nhiệt tâm và ý chí ta cũng như hồng cầu của từng cá nhân có hạn, chính vì thế chẳng còn gì khiến ta khiếp sợ.

Nhưng ta đâu dựng xong nơi trú tại. Đâu đó cần sự sắp đặt xây cất lại trong ta. Căn nhà ta, căn phần ta chưa thu vén xong, trong khi nhiều nơi trên đời người ta đang tháo bỏ biên giới. Những nhà nước nào còn bế quan toả cảng, còn ghẻ lạnh người công dân lưu lạc của mình như tôi tớ sẽ còn áp đặt lên họ nhiều nhiều ranh - biên giới. Yên tâm rào xong biên ải, cả nhóm người sẽ tha hồ uốn mình quỳ gối, vụ lợi ô trọc, bán đất làm giàu không thương tiếc, không cần tính toán thua thiệt mai sau. Nơi đâu hắc ám tham vọng bá quyền, nhân danh quốc gia, người ta sẽ dựng mỗi ngày mỗi cao thêm cả những hàng rào ly tán. Căn cứ vào ngụy tín, họ soạn thảo huý kị thành luật trừng phạt.

Cái gã độc hành kia là ta hãy nín đi điệu thở dài cảm khái, hơi thở não nề từ những tấm thân nghìn năm ấm ức chọn anh quân minh chúa thờ phụng bất thành, nên gắng tập lòng yêu những quê hương mới lạ. Có công nhiên yêu thương mảnh đất lạ mới thực sự có căn cơ khiến thiên hạ tin được vào tình yêu xứ sở sinh thành. Chả lẽ ta lại ghét nơi nương náu, những đất nước dung nạp ta, cho ta hưởng quyền chì trích tính cách, thói tục cũng như tiếu ngạo cái thể chế chính trị hiện thời và những người đứng đầu các đảng phái, chính phủ. Bất giác ta muốn hỏi những người làm văn viết báo trong nước chỉ mong được đến những đất nước xa xôi này để đăng đàn diễn thuyết tham gia hội thảo, cơn cớ gì ngậm tăm điều cấm kị. Lại có nhà văn sống nơi đây, hừng hực trong lòng một chủ nghĩa yêu nước đến phát khiếp, mỗi khi nói về cuộc sống nước này chỉ thấy xứ người lạnh lùng, vắng bóng kẻ thù, tìm mãi chẳng ra, lòng sinh hiềm tị. Ta muốn hỏi người ấy còn mưu cầu kiếm chác chi ở đất nước „thù“.

Ở gian tham gia của Việt Nam trong triển lãm nhiều nước Đông Nam Á tại Berlin-Dahlem ta xem hôm qua, dưới tranh của nữ hoạ sĩ Phần Lan sống 11 năm nay ở Hà Nội ta thấy chị ghi: „Ngôn ngữ: Hội hoạ/ Quê hương lựa chọn: Việt Nam“. Ta thấy điều đó quá đầy đủ, nên cùng mọi người quây quần chụp ảnh với người chị đáng yêu đại diện cho nước ta, không hỏi gì thêm. 

Mùa thu đổi lá ta cứ nhận suông là mùa thu của đời ta, của đất Việt Nam ta, có thể, nào có sự phát triển nào đó lan khép kín vòng không kéo theo những thời tàn úa. 

Ta xưng Ta, biết rõ rằng chính trị phiếm xưng tập thể vẽ nên cái Chúng Ta rỗng, vô hồn nhưng đối đầu với Kẻ Địch luôn đại diện cho chính nghĩa, toàn thắng. Đâu đó hẳn còn cái Ngã, hay ít nhất một cái tôi đang tự ý thức. Nó là cái Riêng ta đó chăng, quá lâu rồi im hơi trong đồng phục. Ở đây ta chỉ định ngôi thứ ấy, ta lôi cổ cái tôi bị xiềng xích kia ra. Cái tiếng van lơn khẩn cầu dựa khuôn lấp mặt đó, ta hãy nên nhiều lần vặn hỏi, trước khi vào đối thoại tìm và khai triển tương thanh tương thức.

Người đặt câu hỏi ít nhiều có tâm lý chắc mẩm nắm vững ngọn nguồn, cao kiến hơn kẻ thưa lời. Bíêt đâu từ cái vị thế ngất ngưởng ấy hắn sẽ dọn sẵn những bậc đổ ngã.

Nên chăng ta hãy gồm mình vào vai cả người hỏi lẫn kẻ thưa ấy, ta vấn cật ta toàn thể, lẽ nào ta không thuộc về tự nhiên, chịu lẽ thường hằng.

Trong ta là hỗn độn của những giằng xé và tan rã. Của những cảnh băng thân máu đổ, biển cả vùi xương, của những cảnh chia cắt địa giới - ý hệ, sự quay đầu ngậm miệng của kẻ ở người đi, của chia rẽ khôn bề hàn gắn. Nên tự cật vấn bất chấp lẽ lời thiếu nhất quán biết đâu như hiện tồn thiết yếu mãi chẳng bao giờ thôi quá mức.

Ta chưa mất quê hương nhiều cho lắm. Còn nhiều mối tương quan, ràng buộc liên hệ vào thế giới xung quanh cần tìm hiểu hơn sự mất, cho nên mất mát kia chẳng tới nông nỗi nào mà rên rỉ.

Xét cho cùng chẳng bằng hành hương, kiến thiết lưu vong trong tâm tư như thiết yếu sinh tồn nghệ sĩ. Đi như người kéo thuyền trên nền cát ngậm tăm sương bóng, diễu hành bóng chiếc lẻ loi. Chỉ đôi khi ta dừng bước tự hỏi, không gian trong veo thế, có lúc nào luôn dọn đủ chỗ cho sự vọng vang.

Nhưng rồi một thứ luật sống mới hình thành như một trí tuệ dân gian phổ quát, khi ai người trong số ta quen ở nhà cũng vỗ vai thân mật: „ Anh có thể buôn bán làm giàu, múa võ viết văn tha hồ khoái cảm, nhưng đừng có đả động đến chính trị!„. Môt nhà văn bốc danh thuộc hạ đắc thắng bổ sung: „Và đừng dại lập ngôn trong văn thơ, như ông X bà Y kia thì chết là phải!“. Ta chịu không hiểu. Cái nết thói khôn lỏi giúp cho bao người sống qua, trong biến đổi toàn cầu giờ sao thảm hại kệch cỡm. Ồ nếu vậy thì ta chỉ nên thở khí lồng kính, uống nước cất, ăn cơm không muối và đọc giấy trắng mà thôi.

Ta là chi? Ta còn chi để mất khi suốt đời vấp đầu mọi thứ biên ải khu biệt chia rẽ, chẳng quá cảnh bơ vơ trên nước non nhà.

Phạm Kỳ Đăng
© 2004 talawas
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=3145&rb=09



[1] Đường cầu bắc qua địa hình hiểm trở. Bái Công (Hán Vương) làm đường này, đi qua đến đâu đốt đi đến đấy, tỏ ý cho Hạng Vũ (Sở Bá Vương) biết mình không quay lại tranh hùng ( Sử ký Tư Mã Thiên). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...