Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Bài thơ "Trong một trạm xe điện ngầm" của Ezra Pound

Kurt Drawert   
        
Tranh của © August Macke (1887-1914), họa sĩ Đức

Là một trong những bài thơ ngắn nhất của văn chương thế giới. Nhưng mà hai câu thơ của Ezra Pound có thực sự là một bài thơ? Câu trả lời không khó nghĩ ra, nó động chạm tới nguyên tắc cơ bản của thơ trữ tình.

Khi nào thì một bài thơ là một bài thơ? Câu hỏi, ở đây bật ra một cách nhẹ nhõm và gợi lên vẻ dễ bề cũng chóng vánh như vậy có thể trả lời bởi chưng nó cũng ngắn, dẫn tới một diễn ngôn không hồi kết. Bởi vì trong thơ, ít nhất từ thời Klopstock (1) và sự cách tân Tụng thi cũng như khai phá câu thơ tự do, không còn chuẩn tắc nào của thơ ca nữa. Nói chung không còn chuẩn tắc nào cũng không có thể bị hủy bỏ ngay sau lúc ra đời. Mà tuy thế, nếu như thơ mang tính quy phạm đã trở nên phập phù như vậy tức là không có thể sử dụng được nữa, tất phải có thứ gì đó bước vào chỗ thay thế nó. Càng đặc biệt, bởi mỗi một phá lệ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ chỉ thông qua việc nó để lại một vết tích cung cấp một chỉ dẫn về thông lệ đã bị phá hoặc bị bước qua.

Ở thời đại của một sự giải tán, có thể theo dõi được theo chiều lịch sử, của tất cả những yếu tố cơ bản của thi ca này cũng xuất hiện một trong những bài thơ ngắn nhất trong văn chương thế giới: „In a Station of the Metro“ của Ezra Pound, nhà thơ sau này cũng nổi tiếng với những Thi Khúc soạn ra bằng những câu thơ dài. Ông viết bài thơ này vào năm 1912 tại Paris, và bài thơ ra đời lần đầu tiên năm 1913 trong tạp chí thơ „Poetry“ ấn hành tại Chicago. Nhưng mà câu hỏi đầu tiên chính đáng, nếu như người ta nhìn vào hai dòng không ăn nhập với nhau về mặt ngữ nghĩa, được kết nối bằng dấu chấm đôi (2) và cho ta một câu không thể đoán định được một cách trọn ý, liệu rằng đây thực sự có phải là một bài thơ không. Bởi vì trước hết là thế đã, nếu như chúng ta đọc dòng đầu của hai câu này, thì không có hơi hướng gì cho thấy quan sát được ghi lại bằng phong cách văn xuôi lại có thể khả dĩ trở thành một bài thơ cả. Nhưng mà rồi dòng thứ hai mở ra một bức tranh hoàn toàn đáng ngạc nhiên tự ứng vào một phúng dụ tự tại, qua việc bị tước đi cái „như thế nào“ so sánh, đã lắng sâu thành một ẩn dụ. Chính xác cái dấu hai chấm này là thứ đã cho phép địa hạt liên tưởng được hô gọi „nhảy ra“, hay là như Roman Jacobson (3) nói, được xoay chuyển từ so sánh (Syntagma: cùng kết nối) chuyển sang khách thể mới (Paradigma: Hệ biến hóa).

Nguyên tắc tác động của lối đồng hiện

Những „cánh hoa trên một cành đen nhòe ướt“ như vậy nhiều hơn là một xô dạt hình ảnh „của những gương mặt này trong đám đông“. Đó là những ảnh tượng, một sản phẩm của trí tưởng, và chúng ta nhìn thấy chúng cũng riêng biệt, với hoặc không có sự nảy nở ý nghĩa. Tính chất đan nối nhiều bình diện của thực tại khác biệt và không đồng điệu với nhau sao cho những không gian mới của nhìn và nghĩ xuất hiện, được gọi là đồng hiện, nơi sau đó một lần nữa còn được so sánh các cấp độ đồng hiện thuộc về ngữ nghĩa, cú pháp và tổng hợp. Roman Jacobson cũng chính là người, với tư cách kẻ sáng lập ra gọi là „trường phái Praha““ ngay từ những năm 30 của thế kỷ đã khảo sát thơ trữ tình ở những mối quan hệ giống nhau và tương phản, và đã nhận định rằng, nguyên tắc tác động của thơ luôn luôn tương hợp với một sự đồng hiện.

Tất nhiên không giây phút nào Pound đã nghĩ tới chuyện sử dụng một lối đồng hiện thơ, cũng như một con chim không nghĩ tới việc chuyển động đôi cánh ra sao, nếu như nó đang trên đường bay. Nhưng cũng giống như vậy, qua đó nó để lại một bài thơ tuyệt phẩm trước hết trình diễn điều mà qua đó đại để chúng ta chỉ hiểu chút ít: cụ thể thông qua mối tương quan của một hình ngữ nói với hình ngữ thứ hai giải minh điều đó. Trong trường hợp này, và điều này làm hai câu trở thành một bài thơ, không xảy ra sự cắt nghĩa cho nhau về những bộ phận câu, mà một chút gì thường vắng mặt đã được đưa ra trình diễn, thứ xuất hiện ở chỗ cắt, trong dấu câu. Điều này đương nhiên sẵn đòi hỏi sẵn người đọc sáng tạo, trở thành tác giả ở chỗ , tác giả bỏ qua sự mô tả mang tính diễn ngôn thế giới, và trọn tin vào cái mà Jakobson gọi là „hiểu biết về vô thức“. Với một lời: Bài thơ gợi liên tưởng một cách tối ưu. Nhưng để làm điều đó nó cần người đọc sáng tạo có khả năng tưởng tượng – hoặc là bài thơ ở lại trống không.

©®Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức, cảm ơn anh L.T.P về những chỉ dẫn - Nguồn: Frankfurter Anthologie - Hợp tuyển Frankfurt

Trong một trạm xe điện ngầm

Ezra Pound (1885-1972)

Sự xuất hiện của những gương mặt này trong đám đông;
Những cánh hoa trên một cành đen nhòe ướt.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ bản tiếng Đức của Eva Hesse

In einer Station der Metro

Ezra Pound (1885-1972)

Das Erscheinen dieser Gesichter in der Menge:
Blütenblätter auf einem nassen, schwarzen Ast.

Bản dịch sang tiếng Đức của Eva Hesse (sinh năm 1925, tác giả viết tiểu luận và dịch giả, bà đã giới thiệu và dịch Ezra Pound đến với độc giả Đức) từ nguyên tác tiếng Anh.

In a Station of the Metro

Ezra Pound (1885-1972)

The apparition of these faces in the crowd;
Petals on a wet, black bough.

Trong một trạm xe điện ngầm

Ezra Pound (1885-1972)

Bóng ẩn dị thường của những gương mặt này trong đám đông;
Những cánh hoa rụng vương trên một cành cây ướt đen sì.

© Bản dịch của Trịnh Lữ từ nguyên tác tiếng Anh (Trích từ cuốn 15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX- Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2004)

Chú thích của người dịch:

Ezra Pound: ( Ezra Weston Loomis Pound ; 1885-1972): Nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh- Mỹ hiện đại nửa đầu thế kỉ XX.

Kurt Drawert (sinh năm 1956): Nhà văn và nhà viết tiểu luận người Đức

(1) Roman Jakobson (1896-1984) nhà ngữ học, nhà thi pháp học, nhà văn hóa người Nga.

(2) Ở bản tiếng Anh, và bản dịch tiếng Việt, hai câu được kết nối bằng dấu chấm phẩy, bản tiếng Đức ở vị trí này là dấu hai chấm.
(3) Friedrich Gottlieb Klopstock (1724-1803): Nhà thơ Đức.

Hiệu hàng mốt - Tranh của August Macke (1887-1914): Một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức.

1 nhận xét:

  1. Bảo ơi, cứ làm nghiêm túc thế này nhé! Không có người thứ hai làm được trong lúc này đâu.

    Trả lờiXóa

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...