Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Những bông hồng

Gottfried Benn (1886-1956)



Mỗi khi hoa hồng tàn tạ 
Từ cành hay những lọ hoa
Và hoa bắt đầu trút cánh, 
Cũng rơi những giọt lệ nhòa.
 

Mơ về dài lâu giờ khắc
Đổi thay và tái khởi đầu,
Mơ trước vực sâu buồn thảm:
Hồng buông cánh rớt về đâu.
 

Điên vì sự dâng thời khắc
Cả và lên cõi phục sinh.
Điên trước rơi rụng, lặng thinh:
Khi những đóa hồng tàn úa.
 

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
 

Rosen
 

Gottfried Benn (1886-1956)
 

Wenn erst die Rosen verrinnen
aus Vasen oder vom Strauch
und ihr Entblättern beginnen,
fallen die Tränen auch.
 

Traum von der Stunden Dauer,
Wechsel und Wiederbeginn,
Traum - vor der Tiefe der Trauer:
blättern die Rosen hin.
 

Wahn von der Stunden Steigen
aller ins Auferstehn,
Wahn - vor dem Fallen, dem Schweigen:
wenn die Rosen vergehn.
 

Chú thích của người dịch:
 

Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20. Như nhiều trí thức nghệ sĩ trong chế độ toàn trị (ở cương vị và mức độ biểu hiện khác nhau như Martin Heidegger, Herbert von Karajan, Emil Nolde...), ông mắc một số ngộ nhận, sai lầm trong nhận thức chính trị. Ông đã từng bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Nationalsozialismus) hy vọng trong đó sự tái sinh của dân tộc Đức, ông xiển dương Friedrich Nietzsche trong thơ và kêu gọi tầm vóc nam nhi - anh hùng, chủ trương một „Vương quốc của tinh thần“ đối đầu lại „Vương quốc của quyền lực“ Quốc xã. Tuy nhiên ông bị khai trừ khỏi Viện điển thư quốc gia (Reichsschrifttumskammer) do Goebbels thành lập, bị công kích và cấm viết dưới chế độ phát xít. Ông lặng lẽ sống, như ông nói, trong cảnh lưu đầy nội tâm. Thế hệ nhà văn sau chiến tranh thông cảm và ngưỡng mộ ông bởi phong cách hiện đại. Năm 1951 Gottfried Benn nhận giải thưởng văn học Georg-Büchner.

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Mặc áo nào thì cũng đến thế mà thôi

Phóng viên Vỉa Hè phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Hội nghị Trung ương 8

Phóng viên: Thưa thủ tướng, bài phát biểu của Thủ tướng tại Paris, nhân dịp hai nước thiết lập đối tác chiến lược, đặc biệt bài Diễn văn của đồng chí đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York được báo chí cách mạng ca ngợi như „một điểm sáng của hiện tại ,… đã đem đến nguồn cảm hứng mới trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, thời cuộc diễn biến phức tạp, khó lường“. Đồng chí có thể cho biết dư luận thế giới đánh giá thế nào về ý kiến của đồng chí?


Nguyễn Tấn Dũng: Bài phát biểu của tôi tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 (27/9) tại New York đã gây tiếng vang rộng lớn trên hòan cầu. Trước diễn đàn các quốc gia thảo luận Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tôi kêu gọi các nước giầu có phải tham gia nhiều hơn nữa vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Câu chuyện chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia. Và trong những nỗ lực chung đó, Việt Nam luôn sẵn sàng với tư cách một quốc gia xây dựng và trách nhiệm. Trong bài phát biểu, tôi còn nhấn mạnh khía cạnh xóa đói giảm nghèo, một thành tích nổi bật dưới bàn tay điều hành của người đứng đầu Chính phủ. Về mặt đối ngọai, tôi thay mặt Đảng ta ra thông điệp rất rõ cho Mỹ và phương Tây: nếu không ngay tức khắc chấm dứt những ràng buộc về tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, và nhân quyền theo ý họ hiểu, nhằm cản trở Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPT và ứng cử viên sáng giá của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, thì sớm muộn họ cũng bị lịch sử trừng phạt. Đồng chí có thể thấy, ngay ngày hôm đó, tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ tôi đã đề nghị phía Mỹ hủy điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam, trong đó có 4 vụ điều tra cả trợ cấp và chống bán phá giá, nhất là đối với tôm và cá tra. Hay những lo ngại về Luật Nông trại năm 2013 của Mỹ đòi giám sát từ nuôi trồng cho tới chế biến cá tra của Việt Nam. Đương nhiên để có thể an tâm săn bắt hải sản và nuôi cá tra, chúng ta cần một biển Đông ổn định. Trong bài phát biểu, tôi bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột, đồng thời kêu gọi tạo dựng hành lang pháp lý để giải quyết xung đột thông qua xây dựng một bộ Quy tắc về ứng xử ở khu vực này. Ngay sau đó tôi nhận được phản hồi rất tích cực của lãnh đạo tối cao Trung quốc. Đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình vừa phấn khởi thông báo cho tôi biết, phía bạn sẽ sẵn sàng đàm phán mắc lại cho ta ống nói trên đường dây nóng về biển Đông. Cùng một lúc tôi nhận được điện chúc mừng của Đại tướng Kim Jong-Un với tuyên bố long trọng của trường đại học Kim Nhật Thành muốn trao cho tôi bằng tiến sĩ danh dự, nhân tiện đây tôi xin bố cáo để đồng bào cả nước vui chung.

Phóng viên: Có lẽ đồng chí chưa sâu sát đời sống thực tế của nhân dân. Sau đại hội Đảng lần thứ 11, số 20 triệu dân Việt Nam thóat khỏi cảnh nghèo đói, nay bỗng rơi vào trở lại bần hàn hơn xưa. Nhiều người dân quê Việt Nam, cứ cho là có chỉ số hạnh phúc nhất nhì thế giới như báo chí cách mạng chỉ ra, nay phải tự tử vì không còn kế sinh nhai. Trên lưng họ phè phỡn một đàn sâu tham nhũng ngày càng hung ác, đồng chí có cho rằng tham nhũng mới chính là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ?

Nguyễn Tấn Dũng: Về thực tế đời sống khó khăn, tôi được đồng chí Vương Đình Huệ báo cáo, nhân dân còn vụng trộm tích trữ vàng nhiều lắm. Còn về chuyện tham nhũng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bắt đầu nhìn nhận tệ nạn xã hội này một cách nghiêm túc hơn. Đồng chí Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới đây chẳng đã lên án cái đám „người ta ăn của dân không từ một cái gì“. Đồng chí Tổng bí thư, sau nhiều lần tổ chức chỉnh đốn phê và tự phê, cũng rất sốt ruột về việc này, gọi đích danh tham nhũng như ngứa ghẻ!

Phóng viên: Cơ thể mang bệnh nặng nề, được cho là si-đa mưng mủ, hay ung thư vào giai đọan cuối, như một người tiền nhiệm thừa nhận, mà đồng chí Tổng Bí thư cứ coi nhẹ như ngứa ghẻ ngòai da, lại còn mang ra gãi sồn sột trước bàn dân thiên hạ như vậy thì làm sao còn có thể coi là khó chịu, đồng chí có thấy tởm không?

Nguyễn Tấn Dũng: Tôi yêu cầu đồng chí uốn nắn lại nhìn nhận thiên lệch đầy dụng ý xấu do các trang báo mạng phản động phát tán, nhằm bôi đen hiện thực cách mạng và bộ máy lãnh đạo của đất nước. Trong bối cảnh bị Mỹ và Phương Tây cô lập, bao vây tứ bề, các thế lực thù địch trong và ngòai nước lợi dụng tình thế đó không ngừng chống phá. Thế cho nên, tôi hòan tòan ủng hộ nhận định khách quan của đồng chí Tỗng Bí thư cho rằng tình hình của chúng ta hiện nay là rất tốt. Thật tự hào cho Đảng ta có đồng chí Nguyễn Phú Trọng kế thừa những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thừa kế nơi Người tinh thần nhân văn cách mạng, và với đầu óc lý luận mác-xít kiệt xuất đồng chí luôn nhìn thấy trước tương lai của nhân lọai. Trước Hội nghị Trung ương 8 lần này, đồng chí ấy đã tài tình tổng kết giai đọan phát triển của cách mạng Việt Nam hiện đã vượt qua cách mạng dân tộc dân chủ, đang bước vào giai đọan xây dựng thành công CNXH. Ngày hôm qua chúng ta còn đối diện bờ vực thẳm, ngày hôm nay chúng ta đã tiến thêm một bước. Ta cần nhìn nhận tích cực như vậy thì mới thống nhất đòan kết được mọi tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, đảm đương nghĩa vụ quốc tế. Nếu coi cơ chế của chúng ta như một cơ thể thống nhất cần chữa trị bệnh da liễu, thì ta phải theo y học Trung quốc, chứ không thể căn theo y lý Tây phương mà hồ đồ cắt bỏ, dù chỉ một phần trên cơ thể mình. Đồng chí Tổng Bí thư đã hồ hởi thông báo cho đồng bào biết, sắp tới đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang thăm nước ta.

Phóng viên: Theo thủ tướng, đâu là những vấn đề then chốt cần giải quyết trước mắt và bằng những biện pháp nào đồng chí có thể tạo đuợc sự ổn định chính trị và sự đồng lòng nhất trí của nhân dân với đường lối của Đảng trong hòan cảnh hiện tại?

Nguyễn Tấn Dũng: Vấn đề then chốt nhất của tòan Đảng tòan Dân là giữ nguyên điều 4 của Hiến pháp, không để cho các thế lực phản động thay đổi tên nước và thành lập đảng phái chính trị mà không có sự đồng ý của Bộ Chính trị. Và còn nhiều vấn đề lớn khác nữa trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp – “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”, trong đó, về thành phần kinh tế thì đa số đang tán thành phương án có nêu “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”…

Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào mà đồng chí Tổng bí thư dám khẳng định rằng qua đợt lấy ý kiến, đa số nhân dân ủng hộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo nghị quyết của Quốc hội số 38/2012/QH3?

Nguyễn Tấn Dũng: Đi đôi với việc thực hiện các biện pháp trấn áp phòng ngừa bắt trước ký sau, các đồng chí bên An ninh và Công an còn làm công tác tư tưởng đả thông cho Nhân dân. Cứ Dân phòng và Công an, An ninh đến từng nhà lấy chữ ký tán thành Dự thảo, ta sẽ đạt được sự ủng hộ như ý muốn. Đồng chí Trần Đại Quang vừa thông báo cho tôi biết, riêng đợt thăm hỏi ý kiến sơ bộ nhân dân vừa qua về Dự thảo của Quốc hội trình ra từng nhà, số chữ ký tán thành lên tới 120%.

Phóng viên: Trở lại vấn đề nhân quyền còn gây khó dễ cho Việt Nam trên đường hội nhập, tôi vẫn băn khoăn không hiểu nổi quan điểm của Đảng ta sao lại khác biệt với quan điểm của phần lớn thế giới còn lại về nhân quyền như vậy. Con người sinh ra cần quyền được làm người của nó, bất kể khác biệt màu da sắc tộc, sao lại tự tiện tước đi như vậy?

Nguyễn Tấn Dũng: Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc tôi có trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ 1776:“ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Về mặt lý thuyết thì thế, nhưng đồng chí nên nhớ rằng Đảng ta đã xây dựng nên con người mới XHCN từ 60 năm nay, chính vì thế quốc hội và nền pháp chế dân chủ, cũng như luật pháp của Việt Nam chúng ta mang tính đặc thù dành riêng cho con người mới XHCN. Vả lại con người của nhân lọai trong thế kỷ 21 cũng không tránh được những điều kiện sống rất khác biệt, cho nên nhân quyền khắp nơi nơi cũng như áo khoác trên người, các bậc cao niên dậy là „phục đắc y kỳ sự“, tùy điều kiện thời tiết thế nào ta mặc cho nó như thế.

Phóng viên: Tức theo ý đồng chí Thủ tướng, nhân quyền mà phương Tây tranh đấu và thụ hưởng chính là cái áo, và nhân quyền xã hội chủ nghĩa dành cho dân ta hưởng là cái áo quan?


Nguyễn Tấn Dũng: Đúng dzậy, áo nào mặc vào thì cũng đến thế mà thôi. Nhưng Đại hội Trung ương 8 còn đang họp triển khai những chủ trương lớn cho Quốc hội thông qua, tôi cấm đồng chí nói lộ điều này ra báo giới!

Phóng viên: Xin ghi nhớ lời đồng chí Thủ tướng!

PVVH- 2013

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Phòng các cô gái không khóa cửa

Marcel Reich-Ranicki

Sự tàn lụi của cuộc đời không phải là gánh nặng. Bài thơ  Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn đê mê trong hạnh phúc trần gian (Frankfurter Allgemeine Zeitung).

 
Tranh của © Edvard Munch (1863-1944) họa sĩ Na Uy
 

Cuối thế kỷ 19, Hebbel đã được xem như tác giả cổ điển Đức cuối cùng, trẻ nhất. Nhiều tác phẩm từ ngòi bút của ông được xem trọng, rất nhiều thứ là khác, ngay cả nhật ký cũng được ngưỡng mộ. Nhưng ông có được yêu mến không? Như người đời truyền tụng, tác phẩm của ông tư biện, lạnh và dàn dựng. Chất gợi cảm và trực quan không ngự trị nơi ông, mà là cái chất nghĩ suy và thế giới quan, thường người ta nói tới mức giày vò. Điều này thì đúng rồi, và tôi khó có thể tin vào một thời phục hưng của Hebbel. Người ta chỉ không nên quên rằng ông thuộc vào những tác giả nguyên mẫu nhất của thế kỷ 19.

Đã cam kết với truyền thống, không đời nào ông là người cũ mốt. Kịch của ông thừa kế nhiều từ các tác giả cổ điển Đức, nhưng đồng thời cũng trỏ hướng tương lai trước cả Ibsen (1). Ở ông có những bài thơ gợi nhớ về Mörike (tất nhiên không có sự dịu dàng tuyệt vời của người này) và Heine (tất nhiên không có sự tếu táo của ông ấy), và những tác giả khác cho ta nghĩ về đầu thế kỷ 20, trong đó người ta còn ngạc nhiên thấy những âm giọng của Rilke(2). Điều chắc chắn là: có điều bất công xảy ra đối với thơ trữ tình của ông. Cách đây 100 năm thơ ông đã bị đánh giá thấp dưới tầm và cho đến ngày hôm nay thì mới quả là như vậy. Chắc chắn trong những hợp tuyển lớn cũng luôn có chỗ dành cho ông, hầu như luôn cho cũng vẫn thế 4 hay 5 bài thơ (rất hay), bài thơ „Hình ảnh thu“ và bài „ Hình ảnh mùa hạ.“, „Khúc ca ban đêm“ và „Cảm xúc ban chiều“.

Ở đây tôi muốn giơ đầu chịu báng bênh vực thơ của Hebbel và làm điều đó cho một bài thơ không được biết tới mà người ta hoài công tìm kiếm trong ấn bản „toàn tập“ gồm 5 cuốn sách của ông. Nhưng mà đồng thời tôi muốn thú nhận rằng trong trường hợp này, tôi thiên vị. Chuyện là thế này: Khi đó tôi 15 tuổi, bài thơ „Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn“ ở một tập sách Hebbel của ông đập vào mắt tôi. Từ dạo đó tôi đã không quên bài thơ này trong hơn 60 năm trôi qua. Điều gì dạo xưa ấy đã gây ấn tượng cho tôi như vậy? Quả tình trước hết các đặc tính mà thơ trữ tình không bị chi phối và những nhà tiên tri trong số các nhà thơ Đức lại không muốn biết một chút gì về chúng: sự trong sáng, tôi muốn nói, sự lô-gich.

Luận chứng đơn giản của bài thơ nghĩa là: Bởi cuộc đời tàn phai, các cô gái không đắn đo cho các cậu trai vào phòng. Còn Hebbel có cho rằng điều này là đáng tiếc hay đáng khuyến khích, ông không thổ lộ với chúng ta. Ông ấy chỉ nói: Nó là thế đấy. Ta bắt gặp ý nghĩ này trong vô số các câu thơ, thời trung cổ cũng như thời cổ đại. Cái mô-tip biểu thị sự trôi qua – sự tàn phai của lá hoa - kể cũng là già cỗi. Một bài thơ tầm phào chăng? Bọt váng đáng quên ư?

Phần nhiều các bài thơ biểu đạt cái chất gốc thô tục về ý tưởng. Nhưng nếu trong số đó còn một số bài sau hàng trăm năm, vâng sau hàng ngàn năm vẫn cảm kích lòng ta, hẳn chúng phải dính dáng tới một nét quyến rũ của thơ, một vẻ quyến rũ phân biệt thơ khác văn xuôi mà suy cho cùng vượt thoát ra khỏi một định nghĩa có thể thuyết phục. Nên chăng: Ai muốn biểu đạt bằng thơ một điều hoàn toàn dung dị, được lời khuyên tốt, nếu sử dụng một ngôn ngữ kín đáo càng dung dị càng hay và cũng lựa chọn một hình thức thật dung dị như có thể được.

Mọi ngôn từ của những vần thơ này bắt nguồn từ thường nhật, không thành ngữ nào được gia công, không vần nào khiên cưỡng. Bài thơ bao hàm những nhận định rõ ràng, và những thông báo đơn giản. Hebbel đã kế thừa hình thức, của Eichendorf (3), Heine (4), Mörike(5) và rất nhiều nhà thơ khác, tất nhiên không loại trừ cả Goethe (6): bài thơ là bài dân ca Đức 4 dòng, đặc biệt khổ thơ được ưa thích mang vần chéo, tức là a-b-a-b trong khổ đầu và c-d-c-d trong khổ thứ hai.

Nghệ thuật của Hebbel trước hết biểu lộ trong không khí bao trùm bài thơ: bi thương và buồn rầu, giai điệu chứng cho tuyệt vọng. Con người ta, như Thi thiên (7) nói tới, chỉ là „một người khách trên địa đàng“ – chúng ta phải an phận với điều đó. Nhưng mà chúng ta không được phép để cho bất cứ một ai, một thiết chế nào ngăn cản ta rút ra kết luận từ nhận thức đắng cay này. Bởi chưng chúng ta muốn hạnh phúc, ở trên cõi hạ giới này và không chờ mãi tới khi lên thiên đàng. Chính vì thế các phòng riêng của các cô gái thích được mở ngỏ, nếu đêm đêm các cậu trai gõ gọi.

Rằng chúng ta đây chỉ một lần sống trên địa đàng, bài thơ nhỏ có dáng vẻ như một bài dân ca giúp cho nhận thức này và những gì phát sinh hoặc còn phát sinh ra từ điều đó đi tới tác động thức tỉnh và soi sáng.

1999

©Phạm Kỳ Đăng dịch

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen – Một chàng trai yêu một cô gái – Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I
Có thể xem bài này ở mục Frankfurter Anthologie (Hợp tuyển Frankfurt) trên trang Frankfurter Allgemeine Zeitung, với hai ba phụ đề phân đoạn.

Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn

Friedrich Hebbel ( 1813-1863)

Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn
Người ta không ngắt khóm bông,
Các cô nàng phòng thân tránh 

Đêm đêm các cậu gõ phòng.

Nhưng vì cơn giông phá hủy 

Vết gì in ngón tay ai
Các nàng không thấy bắt buộc
Phòng riêng cửa đóng then cài.

 
©Phạm Kỳ Đăng dịch 

từ nguyên tác tiếng Đức

Wenn die Rosen ewig blühten

Friedrich Hebbel ( 1813-1863):

Wenn die Rosen ewig blühten,
Die man nicht vom Stock gebrochen,
Würden sich die Mädchen hüten,
Wenn die Burschen nächtlich pochen.

Aber, da der Sturm vernichtet,
Was die Finger übrigließen,
Fühlen sie sich nicht verpflichtet, 

Ihre Kammern zu verschließen.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Friedrich Hebbel ( 1813-1863): Nhà thơ, kịch tác gia Đức.

(1) Henrik Johan Ibsen (1828-1906): Nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy.

(2) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

(3) Joseph Karl Benedikt Freiherr von Eichendorff (1788-1857): Nhà thơ, nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.

(4) Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn.

(5) Eduard Friedrich Mörike (1804-1875): Nhà thơ nhà viết truyện ngắn và dịch giả người Đức

(6) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức, cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(7) Sách Thi thiên/Thánh thi: Gồm 150 khúc ca và kinh cầu trong Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa giáo và Kinh thánh Hebrew của Do thái giáo.

P.K.Đ – 2014 / Bài đã đăng trên VHNA

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Môi hở răng lạnh

Toàn văn bài phát biểu chúc mừng năm mới 2014 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Phóng viên Vỉa Hè ghi lại)

Thưa các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam!

Thưa các cụ phụ lão, bà con cô bác, các cháu nhi đồng, đồng bào tiến bộ trong cả nước, cùng kiều bào yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội ở nước ngoài!

Hôm nay, trong không khí phấn khởi đón xuân Giáp Ngọ, kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chào mừng những thành tựu vĩ đại mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được trong năm 2013, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin gửi tới các đồng chí và đồng bào lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.

Thưa đồng chí, thưa đồng bào

Đất nước ta vừa đi qua năm 2013 - năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, đương đầu với sự phá hoại của các bè lũ phản động và các thế lực thù địch trong và ngoài nước, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tích vang dội khắp năm châu khiến nhân dân nức lòng tin tưởng và bạn bè quốc tế hồ hởi khâm phục.

Thắng lợi to lớn nhất về chính trị mà chúng ta đạt được là việc thông qua văn kiện quan trọng thứ hai sau Cương lĩnh Đảng, cụ thể là sửa đổi Hiến pháp 1992 thành Hiến pháp 2013 tái hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với dân tộc Việt Nam từ lâu thuộc về lợi ích cốt lõi, là chủ quyền không thể tranh cãi. Có vài ba sự việc chưa được như tôi mong muốn, tức là số đại biểu bấm nút chưa đạt 120%, nhưng 100% đại biểu Quốc hội ta đã bỏ phiếu tán thành bản Hiến pháp nhân văn, cách mạng vào bậc nhất trên thế giới ngày nay. Bản Hiến pháp 2013 đã khẳng định ý Đảng hợp với lòng dân, đã được dày công uốn nắn từ thời tôi còn làm Chủ tịch Quốc hội. Như vậy bản Hiến pháp 2013 từ nay trở thành ý nguyện của nhân dân, trong nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản.

Trong lĩnh vực kinh tế- xã hội, nước ta đã có những chuyển biến tích cực đúng hướng. Kết quả nổi bật là giữ được ổn định kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khai triển thành công đề án kinh tế, thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, mở rộng được quy mô khai thác khoáng sản, bauxit, dầu mỏ, khai triển từng bước đề án điện hạt nhân hỗ trợ cho công nghiệp, tiếp tục phát triển ổn định sản xuất nông nghiệp. Nhằm tăng cường ổn định vĩ mô, Bộ Chính trị, song song với việc cổ phần hóa một số công ty nhà nước nay mai, còn đẩy mạnh công tác bố trí cán bộ chủ chốt, trong sạch vào lãnh đạo những công ty đó. Phát huy tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương VI, chúng ta đã khống chế được tham nhũng. Còn nhiều vụ đại án trong năm 2014 sẽ được trên chỉ đạo với quyết tâm chính trị, vạch mặt cán bộ cao cấp thoái hóa ăn hối lộ quyết liệt hơn nữa, bà con cứ chờ xem. Con sâu to nhất nên nhớ rằng, Đảng chiếu cố vì đã có lý lịch 40 năm, 50 năm đứng trong hàng ngũ. Bầy sâu nói chung sống được cũng nhờ cậy vin vào Đảng, chứ lưới Đảng lồng lộng, cho sống ngày nào biết ngày ấy, có mà chạy đằng trời. Có điều nếu ta thẳng tay trừng trị, Đảng lấy ra đâu người lãnh đạo quản lý đất nước. Cho nên trong cách xử lý, kiểm điểm, ta phải đảm bảo tính nhân văn, tránh ân óan giang hồ, nhằm tạo ra cơ hội để các đồng chí lãnh đạo mắc sai lầm ăn năn hối cải.

Nhờ những quyết định sáng suốt đó, trong năm qua Đảng lại thống nhất được đội ngũ lãnh đạo. Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường vượt bậc trong năm qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội Nhân dân Việt Nam lớn mạnh hơn bao giờ hết. Kế tiếp truyền thống anh hùng, nhờ sự chỉ huy thao lược của các tướng lĩnh mới vững vàng lập trường chính trị, quân đội ta sẽ gìn giữ bảo vệ „Mười sáu chữ vàng“ không hề sứt mẻ. Các đồng chí công an, an ninh có nghiệp vụ rất cao ngày đêm phối hợp chặt chẽ với dân phòng, tự vệ, và quần chúng tự phát, săn lùng đến tận hang cùng ngõ hẻm, hơn cả mức đủ, nhiều thành phần bất đồng chính kiến, kẻ xấu lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng và đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, kẻ lấy cớ biểu tình đòi biển đảo phá rối trật tự công cộng, những tên vô gia cư giả làm như mất đất khiếu kiện lung tung làm ảnh hưởng đến bộ mặt của thủ đô văn hiến.

Về các mặt khác của đời sống, trong năm 2013 chúng ta đã thu được những kết quả thật đáng tự hào. Trước hết tôi có lời biểu dương Ban tuyên giáo Trung ương đã sát sao chỉ đạo, kiểm duyệt ngành báo chí và ấn loát tốt hơn trong năm qua. Hoan nghênh nền báo chí cách mạng của ta gồm 800 tờ báo và 17 ngàn phóng viên chuyên nghiệp luôn hàng ngày tuân theo chỉ đạo giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo làm rất tốt công tác tuyên truyền đường lối và bên cạnh đó tưng bừng đưa tin tức động trời tới tận bản làng xa lánh phục vụ nhân dân. Trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, vinh dự thay, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội sân khấu, Hội nhạc sĩ từng ngày từng giờ quán triệt tư tưởng và định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ. Đảng luôn coi văn hóa văn nghệ là một mặt trân, nên cuộc đấu tranh tư tưởng luôn gay go quyết liệt nhất. Cán bộ lãnh đạo thoái hóa làm thất thoát hàng 40 – 50 tỷ Dollar, nhân dân ta còn có ngày làm ra gỡ lại. Chứ để lệch lạc về mặt tư tưởng, mơ hồ lập trường thì mất xã hội chủ nghĩa như chơi. Thưa các nhà văn, nhà thơ đã được bầu làm hội viên chính thức trong biên chế, cách mạng là nguồn cảm hứng vô tận cho tâm hồn các đồng chí. Hy vọng văn nghệ sĩ nước ta sẽ không phụ sự tin cậy của tôi, quán triệt tính đảng, tính giai cấp, tính dân tộc sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa xứng ngang tầm thời đại Hồ Chí Minh.

Trong năm qua, ngành giáo dục và y tế của chúng ta, chưa báo cáo nhưng theo tôi biết, cũng đang có những khởi sắc đáng kể.

Và còn điều tâm huyết nhất trong lòng bây giờ tôi mới nói. Chúng ta có được thành tựu vẻ vang, chính nhờ tình hữu nghị son sắt với Đảng Cộng sản Trung quốc. Sự nhất trí quan điểm giữ gìn đại cục, sự ủng hộ đường lối Đảng cộng sản Trung quốc thuộc về nguyên tắc, là kim chỉ nam cho chúng ta hành động. Sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa cộng sản của Việt nam ta có thành công hay không, tương lai của dân tộc Việt Nam có vẻ vang hay không, chính nhờ vào sự giúp đỡ to lớn của Đảng và nhân dân Trung quốc. Với Trung quốc, tôi yêu cầu dứt khoát, ta không ăn ở hai lòng. „Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

Trải qua nhiều thử thách gian nan, sợi dây gắn bó Đảng ta với Đảng cộng sản Trung quốc anh em, ngày càng keo sơn, chính vì thế ta phải coi đó là thành tựu vĩ đại nhất. Sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung quốc đối với Đảng Cộng sản Việt nam tiếp tục động viên cổ vũ cho Đảng ta tiếp tục đi trên con đường thắng lợi. Chính vì thế trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh dịp hè-thu năm 2012 về vấn đề lập đường dây nóng ở Biển Đông, nhân lúc đồng chí Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào nhắc nhở hai mươi năm tái ngộ Thành Đô, tôi đã đọc bài thơ ứng tác khi nâng ly chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào: „20 năm qua lại trở về/ Với người cộng sản nặng thề năm xưa/ Dưới cờ hai Đảng cùng đưa/ Con tàu cách mạng đến bờ vinh quang“. Thật là uống nước nhớ nguồn. Cũng như tôi, các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung quốc vui mừng khôn tả. Chào xuân mới tôi xin nâng cốc chúc mừng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc về những thành tựu trong cải cách, phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Đảng và chính quyền liêm chính trong năm qua, chúc mừng nhân dân Trung Quốc nhân dịp Năm mới Giáp Ngọ và chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Thưa đồng chí, thưa đồng bào

Những thành tựu đạt được trong khó khăn, thách thức của năm qua là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Đảng, của đồng bào, đồng chí cả nước, là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó đang tạo ra tiền đề và điều kiện thuận lợi để đất nước ta bước vào năm 2014 với niềm phấn khởi và tự tin cao hơn. Nhân dịp này, chúng ta bày tỏ tình cảm ruột rà với kiều bào yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đang sống ở nước ngoài vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong những năm qua và năm 2013. Chúng ta kiên quyết không hòa hợp hòa giải với Việt kiều đi biểu tình chống đường lối của Đảng chỉ vì mấy đồng thu nhập thêm, như đồng chí Thứ trưởng bộ ngoại giao, một cán bộ trẻ vẹn tâm vẹn tài, vừa hồng vừa chuyên, gần đây vạch mặt. Chúng ta cảm ơn chân thành các nước, bạn bè cùng phe đã hết lòng ủng hộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

Thưa đồng chí, thưa đồng bào

Năm 2014, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, dự báo tình hình thế giới cũng như trong nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Sự nghiệp xây dựng CNXH có thể còn kéo dài đến cuối thế kỷ này chưa biết ra sao. Nhưng với lòng quyết tâm, với sự giúp đỡ của Trung quốc, ta cùng „ba kiên trì“ xây dựng. Mượn cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi muốn khẳng định với đồng bào rằng, Việt Nam có thể mất thêm vài hòn đảo, vài thành phố, và nhiều tỉnh miền tan hoang vì đói kém; vài chục triệu nữa bỏ ra nước ngoài, nhưng chúng ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.

Trong tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy vững một niềm tin, đồng lòng nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục những bước phát triển vững chắc. Mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam có một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công.

Với tinh thần đó, tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng nâng cốc rượu mừng Xuân, mừng Đảng ta, mừng cho dân tộc. Chúc sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta giành thắng lợi to lớn hơn nữa, chúc Đảng ta ngày càng trưởng thành, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển, cường thịnh; nhân dân ta ngày càng ấm no, nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn./.


PVVH- 2014

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Miền đất xám

Tranh thuốc nước © Emil Nolde, họa sĩ Biểu hiện Đức
Stefan Zweig (1881-1942)
 

Những đám mây hừng lên ráng đỏ
Vần vụ trên cánh đồng cô đơn
Như một người mang cây sáo buồn
Mùa thu đi ngang qua thế giới.

 

Vẻ gần gũi, anh không sao chạm tới
Sao lắng nghe được điệu nhạc ngân?
Trong khoảnh khắc anh cảm thu, thế đấy
Khi đồng xa thoáng vẻ phai dần.

 

©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:


Graues Land

 

Stefan Zweig (1881-1942)
 

Wolken in dämmernder Röte
droh'n über dem einsamen Feld.
Wie ein Mann mit trauriger Flöte
geht der Herbst durch die Welt.

 

Du kannst seine Nähe nicht fassen,
nicht lauschen der Melodie.
Und doch: in dem fahlen Verblassen
der Felder fühlst du sie.

 

Chú thích của người dịch:
 

Stefan Zweig (1881 - 1942): Nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà viết tiểu sử bậc thầy người Áo. Độc giả Việt Nam biết ông qua những truyện ngắn với thủ pháp phân tích tâm lý tinh tế, đặc biệt truyện dài Bức thư của người đàn bà không quen, qua bản Việt ngữ của dịch giả Dương Tường.

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Thôi là yếu tố rủi ro

Phạm Kỳ Đăng

Cùng một lúc hiện đại hóa quân đội, thời gian qua Trung quốc liên tục đe dọa và xâm lấn lãnh hải và địa phận lân bang. Lời nói và hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh tiền hậu bất nhất, dựa trên lối hành xử biến báo, như kế sách có giời biết đường nào mà lần của họ đã trở thành một thứ nguyên tắc, tựu trung đều phục vụ một dã tâm tham lam về của cải và quyền lực. Các nước Asean, dường như đuối sức đương đầu, cơ bản nhất, phân rã trong nỗ lực tìm tiếng nói chung ngăn cản cỗ máy càn Trung quốc, đã hướng về người đồng minh đàn anh cách đó vài thập kỷ từng tung hòanh ngang dọc ở Biển Đông.

Biến diễn mới đã khiến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đang trong tình thế sa sút về kinh tế so với siêu cường đang lên kia, bằng một nước đi chậm rãi nhưng trên qui mô rộng khắp đã quay trở lại châu Á–Thái Bình Dương. Sau chiến tranh Việt Nam, từ khi tháo xích cho Trung quốc lao vào thị trường tự do cho đến hôm nay, hẳn Mỹ hẳn không chờ và không ngờ một Trung hoa cộng sản với tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế vượt xa khỏi tầm kiểm sóat, có một thị trường đầy sản phẩm hàng nhái gây ô nhiễm, lại hòan thiện một thể chế chính trị độc tài với nền đối ngọai cướp bóc như vậy. Từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Richard Nixon năm 1972, Mỹ luôn có phần rộng rãi và cả nể với Trung quốc, bởi hy vọng tới lúc nào đó sẽ thuần phục được nhà nước này, đưa siêu cường mới non nớt vào quỹ đạo cùng Mỹ chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giải quyết những vấn nạn cấp bách trên hoàn cầu. Đối nghịch lại sự trông chờ đó, những cuộc xâm lấn gần đây của Trung hoa, cướp bãi đá Gạc Ma, cắt cáp tàu Bình Minh, đưa phi cơ vào quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) v.v., khiến cho Mỹ và cả thế giới tự do không khó dự cảm thấy mục tiêu thực dân – bá quyền của nhà nước Trung hoa. Chiến lược và chiến thuật của Trung quốc sau hàng ngàn năm vẫn tỏ ra khó đoán định như chính sách Tiên Tần. Duy có điều, mục đích theo đuổi vẫn chẳng khác xưa hòan tòan vị lợi ích hẹp hòi của quốc gia, lại rất xa lạ với mục tiêu của cộng đồng xã hội dân sự, với văn minh nhân lọai. Sự hiếu chiến ngang ngược của Trung quốc đã dọn đường, và như vậy, vô hình chung hợp thức hóa sự đi lại của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Có thể nói thái độ bạo liệt của Trung Nam Hải đã biện hộ cho sự tái xuất giang hồ của Mỹ, quốc gia tự rút khỏi vai trò cầm chịch ở khu vực này sau chiến tranh Việt Nam, vừa trở lại êm thấm và khéo thích nghi những liên kết đồng minh từ sau chiến tranh lạnh với những thách thức mới.

Sự thiếu vắng đồng minh, sự hụt hẫng về quyền lực, ảnh hưởng và uy tín, mục tiêu theo đuổi đê mạt đến lúc nào đó sẽ đẩy Trung quốc vào một gọng kìm vô hình sẳn sàng khép lại, một mai đây khi Trung hoa manh động gây chiến tranh trong khu vực. Quốc gia hung hăng này sẽ quẫy cựa, sẽ áp sát mặt Mỹ trong thời gian vài thập kỷ. Tuy nhiên xét về trung hạn, Trung quốc khó qua được mặt Mỹ, không thay thế được Mỹ ở vai trò siêu cường lãnh đạo, ở phạm vi thế giới và phạm vi khu vực.

Không có nhà nước nào tuyệt đối chí công vô tư vì quyền lợi nước khác, Hoa Kỳ không là một ngọai lệ. Nhưng hiện nay không có một siêu cường nào giành được thiện cảm nhiều hơn Mỹ. Mỹ, quốc gia, sau đại chiến đã vực nhiều kẻ thù của mình đứng dậy, giúp đỡ phát triển tột bậc, nay cũng như vậy không hề có nhu cầu gì về lãnh thổ lãnh hải của các nước khác. Mỹ có đóng quân đất lạ, cũng thuê mướn đàng hòang.

Chính sách gây ảnh hưởng và giành ảnh hưởng của Mỹ luôn đạt được bởi đồng thuận, sự thuyết phục và sự phối hiệp. Đó là điểm khác biệt rất lớn, nếu so sánh với một chính sách tham vọng về quyền lực và của cải, tài nguyên của Trung hoa. Để thỏa mãn tham vọng và quyền lực, Trung quốc sẽ thực thi một lọat những đe dọa, lấn áp, cưỡng ép, ăn vạ và bức hiếp.

Hiện nay biển Đông sục sôi như nồi nước nóng và Châu Á đang lên xét rộng ra tựa một bãi mìn. Bên các thế lực kinh tế cũ, với sự xuất hiện của nhiều thế lực kinh tế mới như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Singapore, rõ ràng trong thế kỷ 21 châu Á đóng vai trò đầu tầu kéo nền kinh tế thế giới mới, nếu sự phát triển đó mang tính hòa bình và bền vững.

Nhưng hẳn nhiên hòa bình, ổn định và công lý không tự nhiên mà có. Những giá trị này chỉ có thể đạt được bởi sự cố gắng của mọi nước trong khu vực. Vậy vai trò Việt Nam sẽ ra sao?

Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam đã từng là bãi sa trường thuê mướn cho cuộc chiến tranh của hai phe hình thành sau chiến tranh lạnh xung đột vì ý thức hệ, và cuộc chiến tranh này là cuộc chiến ủy thác của hai siêu cường. Mẫn cán trong vị trí người lính tiền đồn, miền Bắc Việt Nam đã huy động sức người sức của thực hiện sứ mạng „cũng vì ba ngàn triệu trên đời“ nhưng thực tế đánh nhau cho Liên Xô và Trung quốc. Ở vào thời điểm lịch sử nào đó, khi chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý thuyết xã hội và thực thể tồn tại còn mê hoặc nhiều lực lượng cánh tả ở phương Tây, cuộc chiến tranh Việt Nam - ở đây có sự đồng lòng đánh đuổi xâm lược của người Việt trên hai miền đất nước - đã gây ra bức xúc trong dư luận thế giới. Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc thu hút được sự ủng hộ của nhiều lực lượng ở nhiều nước cộng với sự phản chiến chống Mỹ quyết liệt ngay trong lòng nước Mỹ.

Các nước Đông Nam châu Á, ít nhiều đều đắc lợi bởi cuộc chiến này. Nhiều nước xung quanh chiến trường Việt Nam tạo ra được xuất phát điểm cho kinh tế cất cánh. Xã hội dân sự và chế độ đại nghị khai sinh ở nhiều nuớc có cùng xuất phát điểm kém như miền Bắc Việt Nam, và tại các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên giá trị về nhân quyền được khai sáng. Trước thái độ ngày một hiếu chiến của Trung hoa, giả sử không có Việt Nam, các nước đó sẽ tìm được tiếng nói chung trong các xung đột Biển Đông.

Ở đây cũng cần nhắc lại rằng, trên đà tiến công, miền Bắc Việt Nam với vị thế tự phong vì nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhiều lần đã lấn lướt trong cư xử với các nước thuộc mô hình Liên bang Đông Dương, từng làm cao đòi kẻ thù là Mỹ phải bồi thường chiến tranh, từng hung hăng với vài nước trong khu vực. Nhưng không chỉ có thế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều thập kỷ chịu đớn đau nỗi uất ức của người bị bán rẻ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quân tốt trong ván bài của Trung quốc trên hội nghị Géneve và Hòa đàm Paris. Sau chiến tranh, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đói rét xích xiềng bị cô lập khắp nơi khi người dân phải dựng ván đóng thuyền vùi thân biển cả. Người nữ ca sĩ nổi tiếng Joan Baez, hồ hởi hát bên mâm pháo cho các chiến sĩ Bắc Việt Nam mùa xuân năm nào, năm 1979 đốt nến dẫn đầu cuộc biểu tình gồm 12.000 người tới Nhà Trắng, đã viết thư ngỏ gửi chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tố cáo sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá con người, đăng trên năm nhật báo lớn của Mỹ.

Khi Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ, cơ hội hòa nhập vào thế giới dân chủ lần nữa lại đến với Việt Nam. Trung quốc đưa xe tăng tắm máu Thiên An Môn mang bộ mặt gớm ghiếc. Chính lúc đó, các lãnh đạo Việt Nam, vừa lấy được chút sinh khí Đổi Mới lại tìm đến Thành Đô cầu hòa. Con tốt tưởng đã sang sông quay đầu về xin đắc tội lầm đường lạc lối.

Như vậy ở thời điểm hiện tại, nhìn từ giác độ đồng minh xung quanh Mỹ, Trung quốc như một hư số khó đóan thì Việt Nam, khu xử kỳ cục với Trung hoa như vậy, là một ẩn số khó lường. Dẫu sao chủ sòng điên Trung quốc, dù lấy bất lường làm quy luật, luôn đi những nước cờ chủ động, bài bản. Còn Việt Nam, nói đúng ra là nhà cầm quyền Việt Nam hành xử bị động và lệ thuộc luôn ngẩn ngơ như một con tốt lú.

Thời thế của ưu lực tuyệt đối dành riêng cho Mỹ và phương Tây đã qua ở châu Á. Nhưng với sự trỗi dậy phá họai hòa bình của Trung hoa cộng sản, sự có mặt và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong đồng minh ngăn cản chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa bá quyền Trung quốc, trong bối cảnh hiện thời, có thể vãn phải coi là phương sách thiết yếu duy nhất. Đương nhiên trong biến diễn thay đổi quyền lực ở châu Á, các nước chia nhau Biển Đông không thể bỏ qua Việt Nam. Ngay cựu kẻ thù của nhà nước Việt Nam hiện tại, thận trọng trong giao tiếp dần có những bước xúc tiến cùng Việt Nam tập trận, đặc biệt qua việc viếng thăm Hà Nội của nữ ngọai trưởng Hillary Clinton trong vai trò thuyết khách xin ghé qua hội kiến TBT Nguyễn Phú Trọng, đã gửi thông điệp nào đó đến chính quyền Hà Nội.

Một nước Mỹ, hậu thuẫn bởi Ấn Độ, Úc và nhiều quốc gia Asean v.v, tíêp tục dấn thân vì dân chủ, ổn định và hòa bình, tuy nhiên sẽ không chấp nhận một nhà nước độc đảng cai trị, đàn áp nhân quyền, tù đày những người con ưu tú của đất nước này (Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Trần Hùynh Duy Thức, Linh mục Nguyễn Văn Lý …) vì phúc họa của xứ sở này đã một lần lên tiếng.

Gần đây nhất chính vị Tổng Bí thư bảo thủ và giáo điều này đã lên đường thăm Liên Minh Châu Âu.

Mọi việc sẽ không trôi chảy, nếu Việt Nam của TBT Nguyễn Phú Trọng, từ lâu sập bẫy Trung quốc và luôn bị đòn roi Trung quốc, không trả lời cho rõ về vấn đề nhân quyền. Đến lúc nào đó chính quyền Hà Nội không thể coi việc cản trở cũng như tước đọat nhân quyền là giá để mà cả trong thương lượng theo chiều hướng: chà đạp càng nhiều lên nhân quyền thì giá mặc cả càng cao. Mỹ và Phương Tây còn có thể đợi gì khác hơn ngòai những giá trị như vậy nhằm xác lập điều ước đồng minh với các nước còn cố khước từ dân chủ. Nếu một lần nữa, nếu không bỏ qua chứng kiêu ngạo cộng sản luôn bề làm cao, Hà Nội sẽ lại đứng đường lơ ngơ như mất sổ gạo. Thật đáng lo khi gần đây Trung quốc thẳng thừng tuyên bố chuẩn bị chiến tranh và đã tiến hành diễn tập thâm nhập trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Vân Nam nhằm tăng cường kỹ năng chiến đấu. Cuộc diễn tập này có đích là Việt Nam chứ không là nơi nào khác, chiến tranh sẽ bắt đầu bằng xâm lược Việt Nam.

Những tội ác gây đau khổ, đến một lúc nào đó không thể được biện hộ là sai phạm do giáo điều, chủ quan và ấu trĩ, nếu bên thắng cuộc không nhìn nhận lại hằng số sai phạm trong lịch sử để tổ chức hiện tại. Chỉ có quyết bước mạnh dạn vào thế giới dân chủ, và chỉ qua bước đó Việt Nam mới trở thành đối tác quan trọng tiềm năng.

Bởi thể chế đại nghị tôn trọng nhân quyền sẽ chế ngự tham nhũng, sẽ không bao giờ phải dồn tiền của quá mức chi phí cho an ninh trấn áp, vào việc sắm vũ khí dư thừa và điều này mới là quan trọng, không bắt nhân dân phải tiêu tốn sức lực cùng chống kẻ thù chiến lược. Trong thế bị o ép, xa lánh, việc xác định kẻ thù và đồng minh chiến lược sẽ là một hạ sách. Với cách xác định kẻ thù như vậy, chính quyền chỉ có thể chĩa ánh mắt tìm kẻ thù hướng vào nhân dân. Họach định kẻ thù và đồng minh chiến lược, xét cho cùng, hòan tòan thừa vì quốc sách này gây tai hại trong thế giới văn minh, nhất là khi Việt Nam, như các lãnh đạo Đảng tuyên bố, muốn làm bạn với mọi người. Quá khứ cách mạng đã cho biết ai là đồng chí, khi đánh nhau cho Trung quốc, Liên Xô, khi nuôi nấng lãnh đạo Khơ Me đỏ. Loay hoay xác định bạn thù đã đẩy Việt Nam vào thế bị cô lập, suy kiệt tới mức rất dễ tổn thương. Rủi ro là vì thế. Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ không thể là nhân tố ổn định, mà còn là yếu tố rủi ro cho hòa bình và bền vững Đông Nam châu Á. Một nhà nước kiến thiết theo hướng dân chủ sẽ tự điều chỉnh và hòan thiện chiến lựợc phát triển cho mình trong giao lưu với các quốc gia văn minh và thịnh vượng. Có nên để cho một mini-thiểu số kém về dân trí, khi dân, ghét trí thức đưa tiền đồ của dân tộc vào đánh cược cho những toan tính thiển cận, tù mù và ích kỷ . Lời tuyên bố của ông TBT trả lời phỏng vấn mới đây „Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn“, minh chứng cho não trạng đặt Đảng trên Dân tộc.

Sao ông Tổng Bí thư không chịu hiểu rằng sự tồn vong của Đảng không có nghĩa lý gì khi so sánh với sự tồn vong của Dân tộc. Sao ông không hiểu những Điều 4 và Điều 17-18 của Hiến pháp, và điều 88 của Bộ luật Hình sự, mới là mối đe dọa sự tồn vong của Đảng. Có thảo luận góp ý về Hiến pháp, cứ cho là không có điều gì cấm như ông Phan Trung Lý giảng giải, cũng nên theo hướng hủy bỏ những điều này sao cho tránh đổ vỡ, để hướng nội tạo cơ hội đề ra chế định đảm bảo cho sự tồn tại của Đảng bên các tổ chức đảng phái khác, và bảo vệ sinh mạng công dân, trong đó có các đảng viên nữa.

Để Việt Nam hướng ngọai thóat thế cô, đáng tin cậy trong một liên minh bảo tòan nền độc lập.

Và thôi là một yếu tố rủi ro cho nhân dân và cho các nước ở khu vực quanh mình.

©P.K.Đ
Nguồn: BVN

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đầu xuân ra sức đuổi sâu

Phóng viên Vỉa Hè trò chuyện cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Phóng viên: Cuộc chiến chống bầy sâu sau Nghị quyết 4 và Hội nghị Trung ương Đảng VI vẫn đang hồi triển khai như hơn chục năm về trước. Hơn nửa tháng đóng cửa soi đuốc, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương hơn đã tìm ra mặt kẻ cầm đầu tham nhũng hay chưa, thưa Chủ tịch?

Trương Tấn Sang: Tìm ngay ra chớ, cứ để tôi gọi kẻ đó là đồng chí X thôi. Ban chấp hành trung ương giữ kín không muốn kỷ luật đồng chí này mà. Nói ra mất uy tín cho Bộ Chính trị lắm. Với lại nêu đích danh dễ tai bay vạ gió, lọt vào tai mắt Công an và An ninh có ngày. Đồng chí đâu biết, thứ hai tuần qua, đứa cháu tôi 11 tuổi hớt hải về nhà khoe bài kiểm tra cháu viết về chế độ XHCN của ta ưu việt, vừa trả bài cháu được 4 điểm. Tôi mắng cháu viết thế là quá kém, rồi hỏi cháu, thế còn các bạn viết bài được mấy điểm. Cháu nói có trời mà biết, bài cháu viết khá nhất lớp nên họ mới thả cháu về. Bè bạn khác còn bị giam cả nút trong đồn, giờ này An ninh còn đang tra khảo. Cô giáo cháu đến cầu cứu tôi, nhờ tôi nói hộ một tiếng để họ thả các em ra, mà tôi cũng đành bó tay xin chịu. Cái đồng chí X này nó ghê gớm lắm, ngay cả tôi bọn nó cũng chẳng tha.

Phóng viên: Trong cuộc gặp gỡ cử tri, Chủ tịch có kêu gọi: „Bà con làm ơn làm phước mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra kẻ tham nhũng, kẻ suy thoái, biến chất trong một bộ phận lớn có chức có quyền… Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này!”. Thưa Chủ tịch, rất nhiều người đã vạch mặt kẻ tham nhũng, và hậu quả, họ phải gánh chịu hãm hại, tù đầy. Ngay bây giờ đồng chí vẫn chưa dám nêu tên kẻ cầm đầu tham nhũng, hỏi báo chí chính thống nào dám ho he. Hàng ngày có bao nhiêu dân oan gửi thư, kiến nghị lên đồng chí, mòn mỏi mãi mà tịnh không thấy đồng chí trả lời. Thế thì nhân dân nào còn dám mạnh dạn, thưa Chủ tịch?

Trương Tấn Sang: Trước đây quả tôi không biết có việc Nhân dân gửi thư kêu oan, hay đơn kiện, đơn kháng nghị nhờ tôi can thiệp, vì thư ký chúng nó chẳng đứa nào đưa cho tôi xem cả. Cách đây ba tháng tôi ra lệnh lắp hẳn một băng chuyền hàng ngày chở thư tín, đơn kiện, và kiến nghị gửi tới Văn phòng Chủ tịch nước để chính tay tôi xem xét. Nhưng mới đây xảy ra chuyện thế này: vừa mới lắp xong băng chuyền chuyển thư, thì đồng chí X, sau khi đi Nam Ninh về, cho mắc lại dây cua-roa kéo mọi thư từ, đơn kiện, kiến nghị gửi tôi chạy thẳng tuột xuống tầng hầm dưới Văn phòng của đồng chí ấy. 


Phóng viên: Tôi nghe đồng chí Thủ tướng đi Nam Ninh được Tập Cận Bình tặng cho một chiếc xe limousine Hồng Kỳ bọc thép. Mang về nhà đập hộp ra thấy chiếc xe quà tặng không có động cơ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dùng máy điện thọai của Cục Tình báo Hoa Nam gặng hỏi mãi, Tập Cận Bình bèn trả lời ráo hoảnh, với đồ nhà mi từ nay trở đi Việt Nam chỉ có mà xuống dốc, xe cần động cơ mà làm cái quái gì. „Thế ngộ nhỡ nó lại đi lên thì sao?“- Nguyễn Tấn Dũng cãi lại. Tập Cận Bình thủng thẳng:“ Tới lúc nào đó đi lên thì nhà mi cũng chẳng còn mạng sống mà ngồi cầm lái“. Thủ tướng giấu nhẹm chuyện này, bên ngòai cứ làm như được Tập Cận Bình chống lưng toàn diện, đi khắp nơi đăng đàn ba hoa về nhân cách và lòng tự trọng, về lòng tự hào dân tộc, chẳng những không chịu từ chức lại còn xây thêm vây cánh, đùn đẩy trách nhiệm nào là ai bảo Đảng đã chọn mặt gửi vàng mà giao trọng trách…

Trương Tấn Sang: Trước sau thì Đảng cũng sẽ nói cho Nhân dân biết đồng chí X này là ai. Có điều là cuộc chiến chống tham nhũng cam go hơn cả cuộc kháng chiến trường kỳ đòi hỏi Nhân dân nâng cao cảnh giác và rèn luyện tính kiên trì bền bỉ. Như ý tôi, Đảng ta cần nhiều hơn nữa những cuộc chấn chỉnh phê bình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết 4. Nên có thêm chín mười Hội nghị Ban chấp hành trung ương VI thành công như vừa rồi thì mới đẩy lùi được tham nhũng. Qua đợt chỉnh đốn vừa rồi nhiều anh sâu cũng đã sợ, thấy co vòi rồi. Còn tiêu diệt chúng ngay thì cũng không được đâu. Kỷ luật mạnh bỏ qua tư tưởng nhân văn, dễ gây ra ân oán giang hồ, chia rẽ, mất đòan kết nội bộ Đảng ta. Mà mình tôi đâu có nói nổi, cá nhân tôi cũng mới chỉ là một Chủ tịch nước chưa có quyền hành gì huy động các lực lượng võ trang!

Phóng viên: Hẳn vì Chủ tịch lo hiểm họa ngọai xâm đang đến gần phải không? Trước những động thái ăn cướp biển Đông, đồng chí – với tư cách là Chủ tịch nước và là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền- có những dự định gì nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam?

Trương Tấn Sang: Hành động cắt cáp trên lãnh hải và bắt bớ ngư dân ta của chính quyền địa phương Hải Nam không gây tác động xấu gì đến đại cục, vì ta và bạn đã có 16 chữ vàng bảo đảm cho tình hữu nghị son sắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dầy công vun đắp từ hơn 60 năm trước. Mọi rắc rối trên biển Đông sẽ được tháo gỡ trên đường dây nóng lập cách đây một năm. Cho nên đồng thuận với bạn về lý tưởng sẽ mang lại cho Việt Nam ta hòa bình và ổn định lâu dài. Theo tôi, mối đe dọa sự ổn định chính trị của ta chỉ duy nhất đến từ phía các lực lượng phản động và thù nghịch trong và ngòai nước. Nếu thâu tóm được quân đội và các lực lượng vũ trang trong tay, việc đầu tiên tôi làm là giới nghiêm đời sống dân sự, đưa đất nước vào tình trạng báo động khẩn cấp. Quân đội, công an, các lực lượng vũ trang cùng dân quân, dân phòng đều phải ngày đêm thao diễn đội hình, phối hợp binh chủng sẵn sàng trấn áp những phần tử phản động và các thế lực thù nghịch trong Nhân dân ngày càng lợi dụng dân chủ quá khích, đang rục rịch xuống đường dưới hình thức ôn hòa và bất bạo động. Vậy là một bộ phận không nhỏ trong Nhân dân đã lơ là lập trường, sa sút ý chí cách mạng, nên mới thóai hóa ra nông nỗi ấy. Tôi cũng mong muốn tất cả mọi người nhìn nhận đúng đắn một thực tế đáng buồn là, phải chăng sau khi đã trở nên khá giả hơn, một bộ phận lớn người Việt Nam trở nên ít khát vọng trong sáng, thậm chí trở nên sa đọa về đạo đức lối sống. Cũng hơi chạnh lòng là cô bác, anh chị chưa tin Trung ương lắm. Niềm tin bị lung lay, tôi thấy thật xấu hổ. Bà con cô bác cứ tin Đảng đi, rồi ta sẽ khắc có cách giải quyết, chứ đừng có nghe phần tử xúi dục nay biểu tình đòi đảo, mai biểu tình đòi đất. Mít tinh do các cấp ủy Đảng tổ chức có tác dụng định hướng dư luận thì đáng hoan nghênh. Chứ biểu tình kiểu nào đi nữa thì đã là khác ý, bất mãn, là bất đồng ý kiến, quấy rối trật tự công cộng và nếp sống văn minh, tức ảnh hưởng sự tồn vong của chế độ, gây an nguy cho chính quyền rồi, chứ còn gì nữa.

Phóng viên: Vậy có nghĩa là Chủ tịch không bận tâm tới mối họa ngọai xâm. Trở lại vấn đề khiến Chủ tịch thực sự bất an là sự hòanh hành của bầy sâu tham nhũng. Giống sâu này thường leo rất cao, nhắm vào chốn quyền cao chức trọng và nhóm lợi ích này, là ai thì như Chủ tịch nói, ngay đến trẻ con cấp 1 cũng trả lời được, hiện chúng bò cả lên bàn thờ linh thiêng của rường cột. Bắt sâu mà không trừ tận gốc kể ra cũng khó. Cố duy trì điều 4 của Hiến pháp và các điều 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự để thủ tiêu các tiếng nói phê phán ngay từ trong trứng nước, chẳng khác nào tạo điều kiện khung cho việc dựng lò nuôi sâu theo kiểu công nghịệp. Cứ bác bỏ tam quyền phân lập, khăng khăng độc quyền cai trị, quanh đi quẩn lại với đồng chí Tổng Bí thư say sưa niệm chú như thầy cúng, Đảng chỉ còn lại cách phê bình, chỉnh đốn, hô hào quần chúng gõ thanh la não bạt xua đuổi sâu như kiểu trừ tà, trấn yểm mà thôi. Hay là cùng phối hiệp với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch xem có cách nào dồn bầy sâu leo ráo cả nên nóc nhà để chúng hết đường chui xuống đất?

Trương Tấn Sang: Đề cập của đồng chí gợi cho tôi một kế sách mới thật là hay, sao bấy lâu nay tôi nghĩ mãi không ra nhỉ. Đuổi lên nóc rồi rút thang đi! Phải rồi, ngay đầu năm mới tôi khẩn thiết kêu gọi nhân dân cả nước mỗi người một tay xúm vào giúp Đảng bắc thang lùa bầy sâu lũ lĩ lên thang cả lượt. Đợi chúng leo hết lên trên nóc, chính tôi sẽ rút thang để đàn sâu không còn đường xuống đất. Thế thì chúng chạy đằng trời à! Thật là một kế đuổi sâu sáng suốt cứu nguy cho dân tộc cần được triển khai ngay ngày đầu xuân! Ta quyết lôi bầy sâu ra ánh sáng! Nhân dịp năm mới chúc Đảng ta trong sạch, vững mạnh đội ngũ hơn mười năm xưa. Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong Nhân dân. Bà con cô bác hãy tin tôi, chẳng còn lâu nữa đâu là đến ngày Đảng và Nhân dân ta sẽ lại sum họp về chung một nhà. Chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiếu bào sống ở nước ngòai năm mới hoàn thành nhiệm vụ, giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa muôn đời ấm no, hạnh phúc.

Phóng viên: Cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dịp cuối năm đã dành thời gian trò chuyện!


2012 - PVVH

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Còn lại gì nơi Isaak Babel

Marcel Reich-Ranicki

(Tác giả Nga thế kỷ 19 như Tolstoi, Dostojewskij, Turgenjew, Gogol hay Tschechow là những Đức Tổ Nghề. Đánh giá thế nào đây về Isaak Babel, nhà văn viết trong thế kỷ 20? Chúng ta thử hỏi Marcel Reich-Ranicki – FAZ)

Ông đánh giá thế nào về văn chương Nga thế kỷ 20, về Bulgakow, về Pasternak hoặc Babel?

Reich-Ranicki: Tôi ngưỡng mộ văn chương Nga thế kỷ 19, tựu trung các tác giả văn xuôi như Tolstoi, Dostojewskij, Turgeniew, Gogol hoặc Tschechow. Đối với thơ có tăm tiếng lẫy lừng, mặc dù không được đọc nhiều ở ngoài nước Nga, tôi phải lệ thuộc vào các dịch giả Đức. Bản dịch của họ tốt, trung bình hoặc là dở. Nhưng thực sự, theo tôi nhìn nhận, chúng chưa bao giờ sánh ngang giá trị.
 

Với văn chương Nga của thế kỷ 20 cũng như vậy mà thôi. Một ví dụ cho nhiều người: ngoại trừ những nhà nghiên cứu văn hóa Slavơ, tại nước Đức người ta hoàn toàn không biết tới cái tên Pasternak. Ông ấy đạt được ngôi vị nhờ thơ. Mãi tới khi tiểu thuyết „Doctor Zhivago“ xuất bản, đùng một cái ông mới nổi tiếng. Trong số nhiều nhà viết văn xuôi khả kính, tôi đánh giá cao ngoài Bulgakow đặc biệt Isaak Babel, sinh năm 1894 tại Odessa và bị người ta bắn chết năm 1940 tại Matxcơva (trong ngục và tương truyền theo lệnh riêng của Stalin).
 

Babel viết nhiều và công bố ít. Những tác phẩm bậc thầy của ông thường không dài hơn 3 đến 5 trang sách. Có điều chúng là kết quả của một núi công việc. Ông ấy xuất thân từ dòng dõi phải chặt đi cả cánh rừng, để làm ra que diêm. Khi ông bị bắt vào tháng Năm năm 1939, hình như ông ấy có nói:“ Họ không còn cho tôi thời gian để xong nốt nữa cơ chứ.“
 

Ông tuy là người cộng sản, nhưng không phải nhà văn chính trị. Sự giáo dục Do thái nghiêm khắc in dấu vết lên ông, thế giới của Thora và Talmuds (*), môi trường ghetto cực khổ nhưng dĩ nhiên cũng mang chất phương xa của Odessa. Khi còn học bậc tú tài ông đã nổi loạn chống lại lối sống khổ luyện và thông thái sách vở, và đồng thời chống lại sự tôn sùng trí thức một chiều phát sinh từ tình cảnh của người Do thái. Chẳng mấy chốc, ông tìm thấy lý tưởng bên ngoài cái thế giới ông ra đời: khi những người Bôn-sê-vích thắng thế, ông mới tròn 23 tuổi.
 

Mối quan hệ của Babel với chủ nghĩa cộng sản nghiêm chỉnh và chân thành. Mà thế trong mối quan hệ này, cái tình cảm và lòng tin tưởng vượt trội. Như vậy Babel trước hết thuộc về những nhà làm cách mạng hơn là những nhà cộng sản, hơn hết ông là một người đàn ông của phiêu lưu gay cấn hơn là của cuộc sống thường nhật đơn tẻ. Những biến diễn mặt trận làm ông say mê, chứ công tác ở ban tham mưu thì không. Trong đạo kỵ binh xô-viết, vào năm 1920, ông đã tham gia cuộc hành quân tiến đánh Balan.
 

Trong cuộc tàn sát loạn xạ ở cuộc chiến Balan này, kết cục rồi Babel cũng vỡ lẽ về vị trí nan nguy của mình. Phải chăng không thể chấp nhận được cái mới, mà không phải tách ra khỏi cái cũ. Đó là câu hỏi trọng tâm của ông. Luôn luôn tái hồi, ông tìm sự tổng hợp giữa truyền thống và cách mạng, giữa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa cộng sản. Cũng như vậy những truyện kể của ông bất chấp những mâu thuẫn, những tương phản dữ dằn và những phản đề đơn giản.
 

Nhân vật trọng tâm của Babel là một người đàn ông Do thái bán đồ cổ, than thở rằng, ông ta không tài nào phân biệt được cách mạng và phản cách mạng, bởi cả hai đều giết chóc. Tiếng kêu của ông ta“ Đâu rồi cách mạng ngọt ngào“ có ý không khác cái nhiều năm sau cái chết của Babel được người ta đúc kết lại trong từ chữ ngượng ngịu „chủ nghĩa xã hội mang tính con người“.
 

Mối liên kết của sự nghi ngờ Do thái với lòng tin cộng sản cho chúng ta hiểu được việc người ta thường thích dùng từ „lãng mạn“ khái quát tác phẩm của Babel. Tác phẩm ông đứng trên một bình diện thi ca bên ngoài hệ tư tưởng. Chưa bao giờ nghệ thuật của ông thiếu đi cơ sở vững chãi về thủ pháp. Những gì ông viết, luôn xuất hiện những hình ảnh nắm bắt nên thơ mà vẻ quang hình của nó sắc nét một cách phi thường. Ta có thể nói, đó là những phác họa tỉ mỉ chấm nét sắc cạnh.
 

Thứ văn xuôi này sống bằng những nghịch âm chói chang, cái đồng thời tạo ra hòa âm mới. Trong những tường trình biên bản lạnh lẽo, khô khan, hiện ra những so sánh mang ý vị Trung Cận Đông, những hoán dụ barock viên mãn và những ẩn dụ ấn tượng, nếu không nói là biểu hiện.
 

Tác phẩm của ông sẽ trường tồn. Và còn lại ở đời là huyền thoại về cậu học trò sách giáo lý Talmud lao vào đám người Cô dắc, về người lính đã không học cách giết người, về nhà thơ không muốn nói dối – huyền thoại về cuộc đời và cái chết của người Do thái Isaak Emmanuilowitsch Babel từ Odessa trên bờ biển Hắc Hải.
 

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ, nguyên văn: „Ông đánh giá thế nào về Isaak Babel“, đầu đề do người dịch đặt lại.
 

Chú thích của người dịch: Isaak Emmanuilowitsch Babel ( Исаак Эммануилович Бабель; * 1894 - 1941) Nhà văn Nga gốc Do thái, nạn nhân của đợt Thanh trừng do Stalin tổ chức, bị bắn chết trong nhà tù vào năm 1941, được phục hồi năm 1954.

(*) Thora và Talmud: Sách Răn Dạy của Kinh thánh Hebrew Do Thái.

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

 

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Trong mùa thu

Georg Trakl (1887 - 1914)

Hoa hướng dương óng sắc bên rào
Người ốm lặng ngồi co ro trong nắng
Đàn bà trên đồng, hát quên việc nặng
Giàn chuông ngân gióng giả vào đây.

Chim nói ta hay chuyện cổ xa xăm
Chuông tu viện ngân vào đây gióng giả
Từ sân vọng tiếng vĩ cầm rộn rã
Hôm nay làng cất rượu vang nâu.

Con người tỏ ra dịu dàng, hồ hởi
Hôm nay làng cất rượu vang nâu,
Những hầm mộ rộng toang lối mở,
Có nắng thu thêm tô đẹp sắc mầu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên bản tiếng Đức
:

Im Herbst

Die Sonnenblumen leuchten am Zaun,
Still sitzen Kranke im Sonnenschein.
Im Acker müh'n sich singend die Frau'n,
Die Klosterglocken läuten darein.

Die Vögel sagen dir ferne Mär,
Die Klosterglocken läuten darein.
Vom Hof tönt sanft die Geige her.
Heut keltern sie den braunen Wein.

Da zeigt der Mensch sich froh und lind.
Heut keltern sie den braunen Wein.
Weit offen die Totenkammern sind
Und schön bemalt vom Sonnenschein.

Bản tiếng Anh

In Autumn

Sunflowers shine near the fence,
Silently the sick sit in the sunshine.
Women toil singing in the acre
Where monastery bells chime.

Birds tell you a far away tale
Where monastery bells chime.
From the courtyard the violin sounds softly.
Today they press the brown wine.

Now man appears cheerful and melodious.
Today they press the brown wine.
The chambers of the dead are open wide
And beautifully painted with sunshine.

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism), được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.


Tranh thuốc nước của © Emil Nolde, họa sĩ Biểu hiện Đức

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Chúng tôi luôn sống trong lòng nhân dân

Phóng viên Vỉa Hè - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn về Công văn số 7169 /VPCP-NC Xử lý các trang mạng đăng tải thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước

Phóng viên: Hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sự lên tiếng của đồng chí nhân dịp đầu năm mới, kịp thời phê phán nội dung giáo dục thiên về lý thuyết, nặng về “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người”, đã cho thấy một thủ tướng quyết đoán lại đi đầu trong việc phát ngôn về mọi lĩnh vực của đời sống. Có phải sau những trải nghiệm trong đời họat động và làm thủ tướng bước sang nhiệm kỳ 2, đồng chí bất chợt lưu ý xã hội chú trọng hơn nhân cách của con em mình?

Nguyễn Tấn Dũng (trầm ngâm): Đồng chí đã đề cập đúng vào tâm tư sâu lắng của cá nhân tôi, bởi suốt đời tôi luôn quan niệm rằng việc làm còn phải được lời nói quý như vàng ròng phù trợ, một cách nôm na, dám ăn và phải dám nói nữa. Trưởng thành từ những môi trường khác nhau của thực tế cách mạng, tôi không có điều kiện học hành luận lý cho ra môn ra khoai, chưa kịp trui rèn con mắt nhìn biện chứng và khách quan như đồng chí Tổng Bí thư. Nhưng chính những lúc cách mạng gặp khó khăn, nước sôi lửa bỏng, tôi luôn có tiếng nói đột phá khẩu giải tỏa bức xúc xã hội và động viên quần chúng tiến tới. Sau sự kiện Trung quốc lỡ cắt cáp tàu Bình Minh 02, đồng chí còn nhớ, tại Hà Nội năm 2011 bung ra hơn chục cuộc biểu tình lớn nhỏ. Một mặt tôi chỉ huy công an bắt bớ và triệt hại những phần tử chống đối hoặc gây rối, kịp thời chỉ đạo Bộ Công an dự thảo Luật biểu tình, mặt khác, khi mọi người còn dụi mắt ngỡ ngàng trước màn hình, tôi dõng dạc tuyên bố về chủ quyền rằng lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Tùy tình thế điều chỉnh lại lập trường, ngày 20.09.2012 trong cuộc gặp gỡ đồng chí Phó Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa, khẳng định tình hữu nghị anh em do hai lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông dày công vun đắp, tôi đã báo cáo lên đồng chí Tập Cận Bình rằng nỗ lực không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Coi như bỏ quá vài ba động thái khiêu khích sai lệch đường lối với Việt Nam ngay sau tuyên bố đáp lời của đồng chí Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, ngày 21.09.2012, phía bạn đã rất phấn khởi cho Tân Hoa Xã loan báo tin vui cho nhân dân hai nước biết rằng Việt Nam – Trung Quốc đồng ý nhiều thỏa hiệp quan trọng về biển. Trong tương lai gần đây, vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ được giải quyết êm thấm, để chỉ trong môi trường hòa bình hữu nghị, con em chúng ta mới phát triển được thành người xây dựng non sông vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn đòi hỏi rất cao về đạo đức cách mạng, đã từng thiết tha nhắn nhủ. Ta chưa hoàn thiện được sự nghiệp trồng người cũng vì sự nghiệp giáo dục còn dở dang, bất cập. Cải cách giáo dục, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ, vẫn đang tiến triển chưa thu được kết quả tích cực. Nhận ra khiếm khuyết đó về mặt con người, trong chuyến thăm trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tôi nhấn mạnh vấn đề nhân cách là vì thế. Nhân cách- sự nghiệp cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội cần nhân cách hơn bao giờ hết- phải biểu lộ sự mạnh mẽ, tính quyết đóan trong hành động và lời nói.

Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào đồng chí Thủ tướng luôn có những tuyên bố đột phá khẩu như vậy?

Nguyễn Tấn Dũng: Lời nói được củng cố bằng quyền lực. Được sự hậu thuẫn của Đảng, tôi nắm quyền chỉ đạo các cơ quan an ninh, võ trang bảo vệ quyền lực đó. Bản lĩnh cách mạng rèn giũa tính kiên cường con người chiến sĩ trong chiến tranh giúp cho tôi nhận thức vai trò lãnh đạo mạnh và quyết đóan trong thời bình, khi bộ phận không nhỏ trong nhân dân thóai hóa về phẩm chất cách mạng. Kinh nghiệm lãnh đạo độc trị của Đảng ta cùng với Đảng cộng sản Trung quốc, Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Nhân dân Hành động Singapore, có thể coi là những giá trị Châu Á, đã giúp tôi đạt những kết quả đáng tự hào trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Phóng viên: Ở chỗ này đồng chí hơi vơ vào vì lãnh đạo nhà nước Singapor phi cộng sản có chính sách rất minh bạch và đảng độc tôn cũng chịu sự chì trích của các đảng đối lập trong chế độ đại nghị có sự họat động của nhiều đảng phái…

Nguyễn Tấn Dũng: Tôi cho rằng Đảng ta hơn các đảng độc tài đó nhiều vì Đảng ta từ nhân dân mà ra và vì nhân dân quên mình phục vụ. Chính vì có sức mạnh đó tôi đã dẹp bỏ mọi tiếng nói phê phán chỉ trích của các thế lực phản động và thù nghịch trong và ngòai nước. Tôi cho dẹp Viện nghiên cứu Độc lập IDS, bỏ tù Cù Huy Hà Vũ dám kiện cả Thủ tướng, bỏ tù nhóm ngôn luận Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông, tước tự do Nguyễn Xuân Đài, Lê Thị Công Nhân, tống giam Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, và 17 thanh niên Thiên chúa giáo. Đúng ngày hôm nay, như đồng chí thấy, dưới sự chỉ đạo sát sao của tôi, các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đã nhận những bản án đích đáng. Đây là một tín hiệu cảnh cáo mọi blogger cổ vũ cho tự do, dân quyền, dân chủ, rằng các anh có thể bị bắt giam, bắt cóc bất cứ lúc nào. Trong chuyến đi Nam Ninh vừa qua, Bộ Công an đề nghị tôi chở thêm một xe tải bao cao su Trung quốc về dùng, nhưng tôi thấy thứ đó hiện thời không còn cần thiết nữa, bắt cóc tiện hơn. Khi tất cả phần tử phản động và các thế lực thù địch im tiếng, nhân dân chỉ còn nghe tiếng nói của tôi vang vọng khắp đất trời, tôi tập trung tòan tâm tòan ý triển khai thành công những biện pháp điều hành kinh tế kinh tế vĩ mô song song với những vụ bắt bớ và kiểm điểm nội bộ.

Phóng viên: Có phải vì chỉ nghe thấy tiếng nói của mình phát ra từ yết hầu quyền thế khiến đồng chí bỏ ngòai tai không nghe lời khuyên nhóm giáo sư Harvard đã cảnh báo trước hậu quả từ sự trục lợi của các nhóm đặc quyền có ảnh hưởng chính trị lớn đang biến của công thành của riêng. Hậu quả quản lý kinh tế vĩ mô của đồng chí đứng đầu nhóm lợi ích ưu tiên các công ty dựa vào các mối quan hệ chính trị hơn là kết quả thành công trong kinh doanh và sản xuất để lại cho đất nước lâm vào khủng hỏang, lạm phát, là Vinalines, Vinashin với món nợ hàng nhiều tỷ cùng bao quả đấm thép bị rút ruột chẳng khác gì bê tông bị rút lõi thép còn trơ lại vữa?

Nguyễn Tấn Dũng: Khi tôi cho xây dựng những tập đòan công ty nhà nước đủ mạnh làm trụ cột đỡ cho nền kinh tế nước ta cất cánh, tình hình kinh tế thế giới rất nhiều biến động bất lợi với những cuộc khủng hỏang về tài chính, chứng khóan liên miên xảy ra từ Mỹ sang Tây Âu. Quản lý còn yếu kém bất cập còn có nguyên do thiếu hiểu biết về tài chính, tiền tệ. Hồi làm y tá, sống trong rừng, có khi nhiều năm trời tôi chẳng biết gì đến tiền ấy chứ, nói gì đến đến chuyện phải tiêu tiền ra sao. Ra tay điều hành vừa làm vừa nói, tôi mới hiểu biết thấu đáo về tiền tệ và nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Hẳn sau cuộc chỉnh đốn và phê bình trong Đảng lần này tôi sẽ cơ cấu lại nền kinh tế và bọc lại những quả đấm vữa bằng sắt thép bên ngoài!

Phóng viên: Chưa quen tiêu tiền ở một nền kinh tế thị trường sao đồng chí lại có nhu cầu tích cóp cho gia đình một tài khỏan khổng lồ như vậy. Con cái của đồng chí nắm giữ những vị trí then chốt trong hệ thống ngân hàng, tài chính và xây dựng. Đồng chí nói một đằng, làm một nẻo, hứa trước quên sau, đánh trống bỏ dùi, trừ việc khủng bố người phê phán mình là đến nơi đến chốn. Khoan nói sâu thêm về những việc đồng chí làm. Khi tái nhậm chức thủ tướng đồng chí tuyên bố, nếu không trừ được tệ nạn tham nhũng, tôi xin từ chức hoặc khi đồng chí cả quyết „tôi chưa làm điều gì sai…tôi không có lỗi gì cả“, thì liệu rằng những lời nói bừa có cho nhân dân đang trông chờ nhân cách, thấy lấp ló một thủ tướng cuội, gian và lại tham nữa hay chăng, thưa đồng chí?

Nguyễn Tấn Dũng (trợn mắt): Tôi cấm đồng chí dùng những điều tiêu cực phát tán trên các trang phản động đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo, kích động chống Ðảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Về vấn đề nổi cộm này, tôi vừa ra công văn xử lý các trang mạng Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông để răn đe bắt bớ kẻ nào thích tự do suy nghĩ. Yêu cầu đồng chí hãy lấy thông tin về tôi, về gia đình tôi trên 700 tờ báo của nhà nước. Nền báo chí cách mạng của ta với những nhà báo vĩ đại như Nguyễn Như Phong, Hữu Ước, Vũ Duy Thông… luôn tiến công các lực lượng phản động, xây dựng hình ảnh đẹp về lãnh đạo cách mạng Việt Nam khiến Saddam Hussein hay Gaddafi sinh thời còn nể phục. Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh và các nhà lãnh đạo khác đã kịp thời uốn nắn tư tưởng, định hướng dư luận để nền báo chí nước ta đạt những thành tựu rực rỡ hơn nữa.

Phóng viên: Công cuộc cải cách chính trị, có thể khởi xướng trong tầm tay của lãnh đạo đảng cộng sản họat động trên luật pháp, chỉ có thể có kết quả thực như lời họ hứa khi nó không tránh né những vấn đề hệ trọng về sở hữu và quyền lực. Từ 1945 đến nay, sở hữu toàn dân đích thực chỉ là sở hữu tài sản quyền lợi và tất cả những gì thuộc về toàn dân. Vài tờ báo tự do ngòai luồng bị liệt vào danh sách đen hé lộ xung đột của các nhóm lợi ích đang xâu xé nhau, không nhóm nào ra thông điệp chịu trả lại quyền lực cho nhân dân dù một ly một tý. Theo đồng chí có hay không tình trạng bè cánh tranh giành quyền lợi như vậy đang lục đục trong Bộ Chính trị?

Nguyễn Tấn Dũng (rút dùi cui): Việc phê bình hoặc đặt vấn đề đưa họat động của Đảng vào luật pháp là vi phạm Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Nếu có sai trái gì chúng tôi đã đóng cửa bảo nhau. Tuy nhiên, sát cánh cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, tôi thống nhất với các đồng chí đó ở quan điểm rằng, quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản với nhân dân Việt Nam, độc quyền định đọat tiền đồ, tài sản dân tộc Việt Nam thuộc về lợi ích cốt lõi, là chủ quyền không thể tranh cãi!

Phóng viên: Các nhà quân vương xưa còn nuôi hề rồi khóai trá nghe lời cợt nhả. Vài vị độc tài thời hiện đại còn thích thú nghe lời văn nhân báng nhạo, tại sao đồng chí lại hẹp hòi với người chỉ trích? Vì đồng chí tự mãn ngạo ngược nên khó giấu tin đồn thổi. Rất nhiều người đang kể chuyện đàm tiếu về đồng chí và gia tộc, đồng chí chống đỡ sao đây?

Nguyễn Tấn Dũng (nheo mắt): Đồng chí thử nghĩ xem, có người lãnh đạo nào trong phe XHCN chúng ta, bận lòng vì tương lai nhân lọai, lại thèm bận tâm về những điều không nghiêm túc. Ai đàm tiếu, ai sưu tầm những chuyện tiếu lâm về tôi, mặc họ. Về phần mình tôi huy động công an thu gom cho bằng hết những kẻ đàm tiếu về tôi.

Phóng viên: Người biểu tình vì chủ quyền lãnh thổ, kẻ thiết tha vì vận mệnh quê hương giống nòi đều bị đồng chí đưa vào diện tù nhân dự khuyết cả. Nếu thu gom hết, đất nước sẽ chẳng còn. Có ngày nào đồng chí nghĩ tới việc phải rời bỏ mảnh đất này mà đi?

Nguyẽn Tấn Dũng (đứng dậy múa): Đã từng ăn nhiều cao lương mĩ vị của Trung quốc, sâm nhung Bắc Triều tiên nhưng thật tình tôi chỉ thích ở Việt Nam ta thôi. Thời trai trẻ ăn tay gấu, óc hầu, lúc xế chiều uống rượu đánh cờ, nghe đàn cò, nhạc tài tử và xem trẻ em múa hát, đầu xuân thăm lại ngôi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã từng đến huấn thị năm xưa, lúc rảnh rỗi cùng các đàn em chiến hữu xưa kia đi hát karaoke nhạc đỏ, tôi thấy cuộc đời xế bóng mở ra lối sống giản dị mà thanh cao không kém cuộc đời trong sáng của nhiều vị lãnh tụ tiền bối.

Phóng viên: Cũng chính tại ngôi trường trên, đồng chí đến thăm rồi lại đi, đoàn nhà báo chúng tôi có hỏi han sự tình các em. Chúng tôi nhấn mạnh ý đồng chí căn dặn Đảng là Mẹ, Bác là Cha, và nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thực là Chú của các em, hỏi vậy mai sau các em phấn đấu thành người nào. Sau một hồi im lặng, các em cùng thổ lộ, nếu vậy chỉ muốn mồ côi toàn tòng thì mới nên người được. Đồng chí có nghĩ rằng sự tùy tiện tác quyền trong hành động và vô trách nhiệm trong lời nói, không hề giải tỏa bức xúc, trái lại gây thêm căng thẳng bất ổn trong xã hội - và đến lúc nào đó căng thẳng này chất lên chính xác thân các nhà độc tài cai trị bằng bàn tay thép - ép họ phải nhọc nhằn khôn lê qua được cửa cống hay chăng?

Nguyễn Tấn Dũng: Biến động, nếu có xảy ra ở đất nước này chỉ có thể là phản cách mạng mà tôi tin rằng, đứng đằng sau cuộc phản cách mạng đó là các phần tử tay sai đế quốc, các thế lực phản động và thủ nghịch. Tôi và gia đình tôi luôn được nhân dân yêu mến, chúng tôi xin tỵ nạn trong lòng nhân dân!

09.2012- PVVH

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Tôi sẽ đánh theo kiểu Chí Phèo

Phóng viên Vỉa Hè phỏng vấn đồng chí Nguyễn Chí Vịnh –Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng

Phóng viên: Trên trang Tuổi Trẻ online, ngày 20.01.2012 đồng chí Thượng tướng đã tuyên bố quan điểm: „Phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Viêt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Có thể nói được phát triển theo đúng đối tác chiến lược toàn diện mà hai đảng, hai nhà nước đã cam kết!“. Từ đó đến nay sự hợp tác với hải quân với Trung quốc đã mang lại hòa bình ổn định và biển Đông ta dần vắng bóng kẻ thù hay chưa, thưa đồng chí?

Nguyễn Chí Vịnh: Hai Đảng và Quân đội hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Trung hoa trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã giành được những thành tựu cách mạng vô cùng vĩ đại. Thành tựu to lớn nhất mà hai Đảng và Quân đội đạt được chính là tình hữu nghị gắn bó keo sơn cùng tinh thần Bốn tốt được trang trọng đúc kết trong Mười sáu chữ vàng. Hơn nữa tôi còn thay mặt mặt Nhân dân ta khẳng định rằng: „Nếu Việt Nam cần sự đồng cảm, hợp tác phát triển, thì còn ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng!”. Điều này thuộc về lập trường bất di bất dịch của Đảng ta, được các nhà lãnh đạo hai nuớc thống nhất và đồng lòng cam kết như vậy. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản, Nhân dân ta có thể an tâm rằng, Trung quốc mãi là người anh cả nhường cơm sẻ áo, bảo vệ sự ổn định chính trị, không còn là mối họa xâm lược nuớc ta. Chỉ còn lại phần tử phản động cũng như các thế lực thù địch mới là kẻ thù trực tiếp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Phóng viên: Ngày 20.05.2013, con tàu mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên đó. Đám người ngồi trong các tàu lạ vây cướp tàu cá, đánh đập ngư dân, ngỗ ngược cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2 cũng như quấy rối các dàn khoan thăm dò dầu khí trên biển Việt Nam không thể nào là các phần tử phản động hay thế lực thù địch trong nhân dân được. Chẳng lẽ các thế lực phản động tòan là dân mất đất, hoặc người biểu tình vì chủ quyền lãnh thổ ư? Tôi thấy họ đi tay không, hòan tòan không có phương tiện gì, lại bị cấm lập ra tổ chức nữa. Hiện nay dư luận không tài nào thể hiểu được họ nguy hiểm ở cái nỗi gì, thưa đồng chí?

Nguyễn Chí Vịnh: Họ xuống đường biểu tình như vậy rất gây ra lo ngại cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền hai nước. Về vấn đề này tôi đã cam kết với nhà nước bạn:“ Kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam, với tinh thần không để sự việc tái diễn!”. Các cơ quan báo chí truyền thông cần tích cực hơn nữa trong công tác giáo dục và định hướng dư luận. Đồng chí thủ tướng đã ban hành Công văn số 7169/VPCP-NC Xử lý các trang mạng đăng tải thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo. Còn về hiện tượng tàu lạ tràn vào bờ biển của ta như đồng chí nói, tôi cam đoan với đồng chí, đó chỉ là những tàu hải giám của địa phương quân hay hải tặc thổ phỉ gì đó. Không đời nào các đồng chí lãnh đạo Trung quốc lại chỉ thị cho Hải quân Trung hoa làm những việc sai bậy như vậy.

Phóng viên: Nhưng tàu chiến và tàu hải giám Trung quốc hòanh hành sâu trong lãnh hải, từng bắn ngư dân ta, đều trang bị vũ khí rất hiện đại. Cấp chỉ huy quân sự của Bộ Quốc phòng thi hành những biện pháp nào tăng cường sức mạnh của Quân đội, đặc biệt của Hải quân Việt Nam?

Nguyễn Chí Vịnh: Chúng tôi kịp thời mua sắm nhiều tàu ngầm, máy bay, các thiết bị vũ khí hiện đại của Nga trang bị cho quốc phòng.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về sức chiến đấu của quân đội, khi Trung quốc cũng mua nhiều của Nga, xem chừng tòan vũ khí hiện đại hơn ta?

Nguyễn Chí Vịnh: Nghệ thuật quân sự cho ta nhiều phép dùng binh bất ngờ. Nhiều tướng tài trưởng thành trong Chiến tranh nhân dân. Yếu tố con người bao giờ cũng quyết định cuộc chiến. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thân phụ tôi - đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao hẳn cho Quân giải phóng Nhân dân Trung hoa sơ đồ tác chiến pháo binh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời nghiên cứu địch vạch ra chiến thuật bám lấy thắt lưng địch mà đánh. Ngày hôm nay, sau nhiều nỗ lực hiện đại hóa, tập dượt đội hình, quốc phòng Việt Nam còn tiếp thu ý kiến quý báu của đồng chí Đỗ Hữu Ca đề xuất kiểu đánh đẹp phối binh cưỡng chế để một ngày không xa thu hồi hải đảo. Mà chiếm được lãnh thổ không chắc gì đã giữ được mãi mãi, vì còn nhiều đòn bất ngờ lắm. Kể cả khi kẻ thù nào chiếm được nóc nhà Tây Nguyên, chỉ cần cắt cầu dao điện, là chúng phải lọ mọ trong bóng tối, hết đường tháo thân.

Phóng viên: Thượng tướng luôn tự hào về sự nghiệp trưởng thành từ người „binh bét“ của mình. Kể ra xưa nay thiếu gì người trong màn trướng quyết thắng ngoài ngàn dặm, cần gì xông pha hòn tên mũi đạn. Trong đời binh nghiệp lẫy lừng, lần nào gần đây nhất đồng chí đã lại cầm lấy súng?

Nguyễn Chí Vịnh (đăm chiêu): Trong chuyến đi tháp tùng đồng chí Tổng Bí thư sang Bắc Kinh để lập đường dây nóng, phái đòan chúng tôi được đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung quốc, thượng tướng Mã Hiểu Thiên giới thiệu xem mẫu súng tiểu liên do Trung quốc chế tạo. Khi đồng chí ấy đưa súng tôi thử, tôi chưa kịp kéo quy lát, súng đã cướp cò, bắn sượt qua mông đít đồng chí Hồ Cẩm Đào…

Phóng viên: Trời! Có ai bị sao không hở đồng chí?

Nguyễn Chí Vịnh: Đạn bắn sượt qua mông đít đồng chí Hồ Cẩm Đào, rất may chỉ rách đũng quần, nhưng hớt mất đầu lưỡi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang lom khom ngồi dưới.

Phóng viên: Với thực tế hôm nay nhân dân điêu đứng vì lạm phát, thất nghiệp, nợ công do tham nhũng; người lãnh đạo bịt miệng dân nói trước quên sau, còn bỏ tù tuổi trẻ lên tiếng chống Trung quốc xâm lược, nên rất khó động viên thanh niên tòng quân cứu nước. Nếu một ngày không xa, cứ cho là địa phương quân và thổ phỉ Trung hoa tràn lên lấn đảo, Việt Nam sẽ tự vệ ra sao. Nhân dân xuống đường biểu tình chống Trung quốc bây giờ đều bị trừng trị khốn đốn. Chiến tranh nhân dân hiện thời không thể thực hiện, vậy quân đội Việt Nam sẽ đánh trận theo binh pháp nào của hai tướng quân họ Nguyễn lừng danh là Chí Thanh hay Chí Vịnh?

Nguyễn Chí Vịnh (hăng hái): Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Tôi sẽ cầm quân đánh theo kiểu Chí Phèo!

2013 - PVVH

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Lịch sử là nhà trưng bày

Eva Zeller

Có gì đáng xem ở Budapest? Tất nhiên bức toàn cảnh thành phố đẹp nhất châu Âu, ở đó, nơi Buda và Pest hội nhất về hai bờ của dòng sông Danube. Sau nữa thật đáng để chiêm ngưỡng tám cây cầu, thành Lũy Vạn Chài, Nhà thờ thánh Matthias, Vương miện thiêng liêng của triều đại Stephan. Tuy nhiên „sự tham quan thành phố“ của Enzensberger đi ngược lại sự trông chờ phổ biến đó. Sự tính đếm buồn như tụng kinh của những thứ được coi là đáng thăm thú, gợi nhớ đến bài thơ sống vượt tình cảnh - bài thơ „Kiểm kê“ của Günter Eich (1) - : „Đây là chiếc mũ mềm của tôi/ Này là chiếc áo bành tô của tôi/ Đây là đồ cạo râu của tôi...“. Ba câu trong bài thơ của Enzensberger bắt đầu với „đây là“, ba câu bắt đầu với « ở đây ». Không, Enzensberger không dựa dẫm vào Eich (1); sự trình xuất tầm phào không sử dụng hình thức và sự vắng mặt của các tính từ chỉ tạo ra một sự tinh giản tương tự như của Eich, và „Chuyến du quanh thành phố“ cũng là bài thơ sống vượt tình cảnh vậy.

Xuyên suốt qua ba mươi ba câu thơ, tác giả giữ được sự thăng bằng hiểm nghèo giữa bất ngờ và điểm xuyết. Dần dà và từng bước ông đẩy người đọc vào điều không trù liệu được, nhưng cú sốc ngôn ngữ không được nâng lên thành nguyên tắc định ra phong cách. Enzensberger đã quyết nghiêng về chừng mực. Người tham gia chuyến du quanh này không được giải trí bằng những cái nhìn thoáng lướt, nhiều hơn vậy, cái nghịch lý gây choáng ngợp nói lên trong một hơi thở cái điều rất cách xa nhau về không gian và thời gian.

Những gì ở đây được chỉ ra giữa những hậu trường tuyệt tác, mang tính lịch sử, và tàn phế chính là cái sân khấu vô lý của lịch sử, dung tục, không ảo vọng, đối với sân khấu đó thực ra người ta thiếu ngôn từ để nói: “ Cái lưỡi ngập ngừng giữa những chiếc răng trẹo trọ“ như trong một bài thơ của Zbigniew Herbert (2) từng viết. Enzensberger ngờ vực từ ngữ, và thế đó đặt cược vào thụ cảm và cường độ của hình ảnh: đây...đó...kia... mà không được nhìn lướt qua, không được quên cái này: những nhà thơ nghèo, những nhà thơ không mua chuộc được, xưa ngồi trong các quán cà phê bên cạnh những viên mật vụ uống máu từ những tách nhỏ; đường phố nơi hoàng đế thường dạo xe long mã...đại lộ Gorki...Ban chấp hành trung ương; những nhà thơ giầu có, lầm bầm chửi; anh bạn Sandór, trước thế chiến thế giới thứ 2 đã chào đời tại đó. (Sandór: có phải một từ đồng nghĩa gọi những nhà thơ bị truy lùng ở đây cũng như nơi khác, những nhà trí thức vĩnh viễn khó ưa, những người giữ một khoảng cách với quyền lực?).

Nhanh như chớp người đọc phải bổ sung rằng, vậy thì mình đã bị đẩy vào tình cảnh nào. Như những tấm gương đặt sát lồng vào nhau trong pha lê soi thấu lẫn nhau, hồi phản những ảnh hình sang chấn ở một thành phố, và mặc cho số liệu nêu ra chuẩn xác về địa danh, thành phố này cũng hứng chịu cho những kinh nghiệm nếm trải của người đời trong những thành phố khác, ở Warsaw, Prague hay Santiago, ở Berlin trong những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỷ. Khói bốc lên, từ những xưởng đóng tầu, từ những lò sát sinh, „Bạn có nhìn thấy khói không?“, hai lần câu hỏi dồn dập.“ khói cũ trên trời Budapest?“. Cuộc du quanh thành phố như không có hồi kết. Người dự cuộc cảm thấy mình được hiệu triệu tiếp diễn bài thơ một cách thầm lặng.

Bằng ấy chất liệu đặt trong ít khổ dễ dẫn tới sính chất liệu, nếu như tất cả không được nói trong khi đi ngang qua, nói xen lề: trong khi đọc to lên người ta không cần phải nâng cao giọng. Sự khổ công viết như không trông thấy; tiềm năng nghệ thuật không bị phung phí qua việc quá nhấn nhá vào những ý định chính trị. Không có gì trượt xuống vở khuôn mẫu cả. Nhưng không thể tránh là cú đổ bất thình lình xuống thực tế hiển nhiên: lịch sử là nhà trưng bầy.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

      
Chuyến du quanh thành phố 

Hans Magnus Enzensberger

Chỗ đó bên kia, người đánh giầy
ngồi cúm rúm, không còn cần giầy nữa 

bởi lẽ hai đùi ông thối rữa, 
trong vùng Viễn Đông, trước đó đã lâu.

Đó khói lên từ những xưởng đóng tàu.

Quán cà phê này xưa kia đen đúa 

những người bán hàng rong và thi sĩ nghèo.
Mật vụ như muỗi, họ ngồi đó 

Uống máu từ những chén bé teo.

Ở đây có gái nuột nà đổi 

bằng ngoại tệ, kim tiền. 
Đá lát đường bật xới tung lên
Nơi dạo đó xe tăng đứng gác.

Ở đó cứ vào mùa hạ
Hoàng đế thường ngồi dạo xe đi
Đường Lâm Thành, nay đại lộ Gorki
Ban chấp hành trung ương ở đó

Đấy là khói từ những lò mổ.

Nơi đây trước thế chiến đệ Nhị
Anh bạn tôi Sandór sinh ra 

ở trên lầu gác phồn hoa,
nơi đêm lẫn ngày tăm tối.
Bạn có nhìn thấy khói ?


Cây cầu này hoàn toàn bị phá hủy
Nơi đây các nhà thơ giầu có uống chè,
họ chửi lè nhè 

và khách sạn mới Hilton đang xây ở đó.

Trên ghế băng công viên đây vẹo vọ
đôi khi ngồi đó một cụ già, 

Điều chí lý cụ thư thoảng nói ra
Hôm nay cụ không còn lui tới.
Nhưng mà khói. Bạn có nhìn thấy khói,

Trên trời Budapest khói xưa ?

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:

Stadtrundfahrt

Hans Magnus Enzensberger

Da drüben kauert der Schuhputzer, 

der keine Schuhe mehr braucht;
denn seine Beine sind verfault 

im Fernen Osten vor langer Zeit

Das ist der Rauch von den Werften.

Dieses Café war früher ganz schwarz
von Hausierern und armen Dichtern. 

Spitzel wie Mücken saßen dort
und tranken aus kleinen Tassen Blut.

Hier gibt es weiche Mädchen
gegen harte Devisen.
Das Pflaster ist aufgerissen
Dort standen damals die Panzer.

Da ist im Sommer immer 

der Kaiser spazierengefahren
Stadtwäldchenallee, heute Gorkij fasor 

Das ist das Zentralkomittee.
Das ist der Rauch von den Schlachthöfen.

Hier ist mein Freud Sandór geboren
vor dem Zweiten Weltkrieg,
in der Beletage, 

wo es Tag und Nacht dunkel war.

Siehst du den Rauch?

Diese Brücke war ganz zerstört. 

Hier trinken die reichen Dichter Tee
und schimpfen leise,

und dort wird das neue Hilton gebaut.

Auf dieser wackligen Parkbank 

sitzt manchmal ein alter Mann, 
der manchmal die Wahrheit sagt 
Heute ist er nicht da. 
Aber der Rauch. Siehst du den Rauch,

den alten Rauch über Budapest?


Chú thích của người dịch :

Hans Magnus Enzensberger
(sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

Eva Zeller (sinh năm 1923): Nữ nhà văn và nhà thơ, bà là viện sĩ, từng là Phó chủ tịch Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức.

(1) Günter Eich (1907-1972): Nhà thơ và nhà viết kịch truyền thanh Đức, được coi là đại diện của nền « văn học hoang tàn » sau chiến tranh, và người sáng tạo ra kịch truyền thanh trữ tình.

(2) Zbigniew Herbert (1924-1998): Nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu luận Ba lan.
Nguồn: VHNA

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...