Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Như anh...

Heinrich Heine (1797-1856)   

  
Tranh © Sinaida J. Serebrjakowa


Như anh rên rẩm, cười và ấp ủ 

Như anh đang quay cuồng mệt lử
Như anh không yêu được lấy mình
Mà tuy nhiên cảm thấy ghen tình

Thì bông hồng rực đỏ thơm ngát
Anh không muốn hôn và ngửi hoa
Không! Anh hít hà ở những gai sắc
Cho đến khi mũi rách toác ra.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Heinrich Heine (1797-1856)

Wie du knurrst und lachst und brütest,
Wie du dich verdrießlich windest,
Wenn du ohne selbst zu lieben
Dennoch Eifersucht empfindest!

Nicht die duftig rote Rose
Willst du riechen oder küssen
Nein, du schnüffelst an den Dornen,
Bis die Nase dir zerrissen.

Chú thích của người dịch:

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm nhiều bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

Đầu đề bài thơ do người dịch đặt.

Tranh tự họa (Bên bàn trang điểm) của Sinaida Jewgenjewna Serebrjakowa - Зинаи́да Евге́ньевна Серебряко́ва (1884-1967): Nữ họa sĩ, đại diện của phái Ấn tượng Nga, từ 1924 bà lưu vong tại Pháp.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Bài thơ "Ba hồ cảnh ở Hellbrunn" của Georg Trakl

Gerhard Stadelmeier (1)
  
Tranh của © Paul Cézanne (1839-1906): Họa sĩ Hậu n tượng Pháp

Ma quỉ ướt đầm trêu ngươi ngoi lên từ quá khứ: bài thơ này được miệt mài gọt giũa trong 5 năm trời, kể về cuộc chiến với đời của một nhà thơ trẻ, trong âm hưởng vượt qua sống còn. (FAZ)

Năm năm ròng, từ 1909 tới 1914, người đàn ông trẻ luôn luôn rời khỏi thành phố, như thể ông muốn tóm cái lâu đài và ngọn đồi, hồ, ao, những cây trắc bá và những tượng thần cùng với những màu sắc và thanh âm như một lớp da thắm sắc cuộc đời trùm lên thân thể vậy. Cho tới gần lúc chết, chiều chiều từ Salzburg ông thường đến đấy, – khi đó vừa mới 27 tuổi và sau trận đánh Grodek rùng rợn vượt quá sức chịu đựng, ông đã tự sát bằng cocain quá liều. Quả tình ông nghiện Hellbrunn nơi xưa kia vị Giám mục vương quyền Marcus Sitticus đã xây nên ngôi nhà lạc thú mang kiến trúc barock với những bồn phun nước, hang động, những lối đi bí hiểm, những hồ cảnh thanh tao, những bức tượng tráng lệ. Bỗng chốc từ những ống dẫn và bơm nước lẩn khuất, từ những cái miệng há ra vì sung sướng của thánh thần và tiên cá bất chợt nảy những cú hắt và dội vào người khách viếng thăm. Những con ma ướt nhèm trêu chọc. Hiện lên từ quá khứ.

Trong góc đẹp nhất, bên một bức tường ngoài phía ao cảnh chính điện, của tòa Nhạc lâu, ngày hôm nay trên một tấm bảng lớn, người ta có thể đọc truy tầm lại lớp da của âm thanh và màu sắc cấu tạo ra sao khiến người đàn ông trẻ, một thi sĩ lớn (có lẽ nhà thơ lớn nhất và giàu kết quả gây ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20) đã từng mơ tưởng tới. Và ra sao khi tấm da diệu kỳ này đàn hồi và trải rộng, cho tới khi nó vừa với cái Tôi trữ tình, ở đây nhưng mà cũng như ở trong tất cả các bài thơ của ông không bao giờ nói „Tôi“ cả. Và cũng hoàn toàn không nhất thiết phải làm điều đó. Bởi vì người đọc, bị quyến rũ ngay lập tức, cảm nhận nhà thi sĩ này là cái Tôi cuồng điên và nhẫn nhục nhất, cảm thông nhất và được tìm tới nhiều nhất trong thế kỷ của những đám người ích kỷ.

Bộ tranh tam bản của cách nhìn màu

Mới 22 tuổi đầu hoàn toàn đương trẻ, cậu con trai gia đình tư sản theo đạo Tin Lành vùng Salzburg, vốn học trò tú tài dang dở và dược sĩ học nghề, được Karl Kraus (2), Alfred Loos (3) và Oskar Kokoschka (4) khích lệ trở thành một thi sĩ, trong bản viết đầu tiên đã để cho một trong ba hồ cảnh ở Hellbrunn bừng lên trong ánh sáng ghê tởm của một Rimbaud (5) và Verlaine (6): „ Quanh những bông hoa lảng vảng bầy ruồi/ Quanh hoa nhợt trên làn sóng gối/ Đi đi! Đi đi! Bầu không khí cháy/ Trong thẳm sâu của thối rữa cháy bùng“. Và trên „mặt nước réo sôi hơi oi ả“, một địa điểm dành „cho hang ổ những con cóc đen kinh tởm“. Nhưng ngược lại ông xưng tụng hồ cảnh thứ hai trong âm hưởng tụng thi của Hölderlin (7): „ Cái xa trở nên gần gụi! Ôi vầng dương, mi, người phấn chấn/Trời mây hoa và những con người/ Hãy hít thở đi bình an của Chúa Trời“. Và trong hồ thứ ba ông đã thấy sẵn „chiều sâu khôn lường“, phản chiếu trong „ ánh hồi quang của sóng/ Một gương mặt bí ẩn của con nhân sư“.

Trong bản viết mới đầu sự bộn bề của cảm nhận vẫn còn nằm trong những ngăn kéo đựng trích dẫn hơi lộn xộn. Địa danh chỉ ra cho thi sĩ thấy: không có gì là cái mặt dị dạng. Như ông cũng đã gọi hồn trong bài thơ Giấc mơ của cái Ác: „Một chỗ lịm đi tối tăm và ảm đạm/ Trên đảo ban chiều dậy lên tiếng thì thào/ Đọc ám hiệu của đàn chim di trú/ Những người hủi thối rữa đêm đêm, có thể/ Trong công viên anh em nhà run rẩy nhìn nhau“. Sau 5 năm không ngừng mài giũa, những bài thơ về Hellbrun Trakl giải độc vùng đất đó. Người thi sĩ chỉ có thể chịu đựng được trong cuồng say sắc mầu khát thèm cái chết và đớn đau từ suy tàn, thối rữa, đen (thường khi), lam (thường xuyên hơn cả), nâu (rất thường xuyên), lục (hầu như luôn luôn), bạc (nếu như rắn chạm vào đanh rắn) luôn thiêu đốt ông trong trí óc, con mắt và tâm hồn, bằng các chất chloroform, morphine, cocaine, rượu, thuốc phiện và veronal, thì ở đây ông đã từ sự nhẫn nhục cảm xúc làm nên một khúc nhạc chiều vĩ đại như một bộ tam bản của cách nhìn mầu. Một bản xô-nát ban chiều. Như một cuộc vật vã giành sự sống, trong những âm hưởng vượt qua sống còn.

Trong nhịp điệu trang trọng thanh thoát vang lên tiếng đàn dây kithara chói lói ánh bạc của thần Orpheus, của vị cha đẻ ra những thần thoại cổ xưa của mọi nhạc công „thả bước tới“ (một từ dùng yêu thích của Trakl) „ ở những bức tường đen của đêm tối“, nối vào đó cơn mưa giông mùa xuân trong gió đêm, kể cả sau bước xuống dòng đã kết vần vào đó trong bè chính rung lanh tanh khí lạnh đòi láy lại. Đó mới là khúc dạo đầu. Thế thì để làm chi những giọng bè trung mảnh mai và tối màu của „những người đàn bà từ lâu đã chết“, qua chiếc hồ thứ hai, cấp cho cái ngày tan biến trong màu xanh một điểm tựa hài hòa. Những gì vang âm, tuy từ rất xa đến tới đây từ những nấm mộ, ở tiếng thầm thào của những người đàn bà trong cây sậy, nơi con chích chòe đùa cợt với họ, lại có một truyện tiếu của hiện tại: có thể mường tượng ra được giữa chừng xen vào một khúc độc tấu sáo hoặc kèn
basset horn (clarinet trầm) trong điệu thức Glissando (8) rền rĩ suốt chặng. Điều đó cho phép hiểu được là sự tiến hành. Trong khi không khí ban chiều phủ vòm lên hồ thứ ba cấp cho sự suy tàn, đang rỉ rắc thấm qua tường, một khúc apergio buồn bã ở màu xanh cung la trưởng êm đềm „khôn lường“ cộng với toàn bộ các nửa cung trắng và xanh lục. Điệp khúc đã hoàn tất như vậy. Cuối cùng chỉ còn ngự trị sự an bình sâu lắng, dẫu mang vẻ lừa mị, được kẹp chặt lại bằng những vần thơ sát sạt đến phát sợ, nơi chỉ „sóng“ trào qua „tường thành“ và „mạng che“ lại chảy tuôn chỉ vào trong „sóng“.

„Và thế đó nói lên nhiều điều, cái nói lên Trakl vậy“ – giễu nhại lại một câu thơ nổi tiếng của Hugo von Hoffmannsthal (9) mang tên “Ballade của cuộc sống bên ngoài“. Câu này ai cũng biết nguyên văn là “ Và thế đó nói lên nhiều điều, kẻ nói tới ban chiều vậy“. Dạo xưa nhà phê bình sân khấu, nhà tiểu thuyết gia, nhà viết bỉnh báo và truyện Friedrich Torberg (10) tương truyền đã phát hiện ra trong điểm sáng của nhận thức: Nơi đâu Hofmannsthal ca tụng cuộc đời, thi ca của Trakl sống ở đó. Và chết bên trong và sống với nó. Nhưng ngoài kia ở vùng Hellbrunn đã chỉ một lần cuộc đời và thơ ca của Georg Trakl trở thành một âm nhạc tuyệt vời duy nhất.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Ba hồ cảnh ở Hellbrunn

Georg Trakl (1887 - 1914)

Thả bước tới bên bức tường đen tối
Của ban đêm, đàn lia láy tiếp vang âm
Của Orpheus trong ao nước tối tăm
Nhưng mùa xuân nhỏ xuống trong giông tố
Từ cành nhánh trong cơn giông hoang dã
Của gió đêm, đàn lia láy tiếp vang âm
Của Orpheus trong ao nước tối tăm
Chết về cõi những bức tường xanh lá

Lâu đài và ngọn đồi xa rực chiếu
Tiếng những đàn bà - ấy những bức dệt thêu
Từ lâu đã chết, màu tối và mảnh mai
Trên mặt gương của tiên nữ, màu trắng -
Than vãn số kiếp của mình trôi lãng
Và rũa tan trong xanh lá ngày đi
Tiếng thầm thào trong ống sậy và bay về -
Một con chích chòe giỡn đùa với họ.

Giòng nước lấp loáng màu lam lục
Và những cây trắc bá thở hít êm đềm
Và sự đau buồn của chúng khôn lường
Chảy trôi vào trời xanh đêm tối
Những thần biển nhô lên từ lớp sóng
Sự suy tàn rỉ rắc thấm tường thành
Trăng che mặt trong tấm mạng lục xanh
Và chậm rãi nhởn nhơ trên sóng.

© PKĐ dịch - Juli/2016

Die drei Teiche in Hellbrunn

Georg Trakl (1887 - 1914)

Hinwandelnd an den schwarzen Mauern
Des Abends, silbern tönt die Leier
Des Orpheus fort im dunklen Weiher
Der Frühling aber tropft in Schauern
Aus dem Gezweig in wilden Schauern
Des Nachtwinds silbern tönt die Leier
Des Orpheus fort im dunklen Weiher
Hinsterbend an ergrünten Mauern.

Ferne leuchten Schloß und Hügel.
Stimmen von Frauen, die längst verstarben
Weben zärtlich und dunkelfarben
Über dem weißen nymphischen Spiegel.
Klagen ihr vergänglich Geschicke
Und der Tag zerfließt im Grünen
Flüstern im Rohr und schweben zurücke –
Eine Drossel scherzt mit ihnen.

Die Wasser schimmern grünlichblau
Und ruhig atmen die Zypressen
Und ihre Schwermut unermessen
Fließt über in das Abendblau.
Tritonen tauchen aus der Flut,
Verfall durchrieselt das Gemäuer
Der Mond hüllt sich in grüne Schleier
Und wandelt langsam auf der Flut.

Bản tiếng Anh


The Three Ponds in Hellbrunn

 
Georg Trakl (1887 - 1914)

Wandering along the black walls
Of evening, silverly the lyre
Of Orpheus sounds forth in the dark pond
But spring drips in showers
From the branches in wild showers
Of the night wind silverly the lyre
Of Orpheus sounds forth in the dark pond
Dying away at greening walls.

Far away palace and hill shine.
Voices of women, who long ago passed away,
Weave tenderly and darkly colored
Over the white nymphish mirror.
Lament their fleeting fate
And the day dissolves in the green
Whispers in the reeds and hover back -
A thrush frolics with them.

The waters shimmer greenish-blue
And calmly the cypresses breathe
And their gloom immeasurable
Flows over into the evening-blue.
Tritons emerge from the flood,
Decay trickles through the walls
The moon wraps itself in green veils
And wanders slowly on the flood.

Về tác giả: Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

Chú thích của người dịch:

(1) Gerhard Stadelmeier (sinh năm 1950): Nhà báo, nhà phê bình sân khấu, viết feuilleton cho tờ FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung).
(2) Karl Kraus (1874-1936): Nhà văn Áo, đồng thời là nhà thơ, nhà trước tác, cây bút châm biếm, cách ngôn, và cũng nổi tiếng như vậy là nhà phê bình văn học.
(3) Alfred Loos (1870-1933): Kiến trúc sư, nhà báo người Áo.
(4) Oskar Kokoschka (1886-1980): Họa sĩ, nhà văn Áo của chủ nghĩa Biểu hiện và phái Hiện đại Vienna.
(5) Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891): Thi hào Pháp, một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng lớn nhất.
(6) Paul Marie Verlaine (1844-1896): Nhà thơ lớn người Pháp phái Tượng trưng.
(7) Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770-1843): Một trong những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Đức.
(8) Lối hát lướt, Glissando là một chuỗi note liên tiếp cách nhau nữa note trên một làn hơi.
(9) Hugo von Hoffmannsthal (1874-1929): Nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia người Áo.
(10) Friedrich Torberg (1908-1979): Nhà văn, nhà báo nhà viết kịch bản, tự cho mình là ngưới Áo gốc Tiệp và người Do thái.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Thấy bên dòng thác

Phạm Kỳ Đăng

© Tranh Pierre Bonnard (1867 - 1947), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp

Lũy cây xanh reo hằng phước
Tốt tươi. Dưới thế bình an
Thi thiên cõi tràn mơ ước
Đá vàng men kết trời lam.

Nước hồ chùng xanh áo liễu
Những thanh nữ hé môi tươi
Nâng xiêm nhón đùa dưới thác
Làn bay đồng lóa hoa cười.

Hãy buông miên man trời lộng
Gió miền nấn ná bao lâu?
Qua môi ta trong ác mộng
Thầm thì: men đá, ngày sau.

©® P.K.Đ 2016

Tranh của Pierre Bonnard (1867 - 1947), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp, thành viên nhóm họa Nabis.

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...