Sven Felix Kellerhoff
Tranh của © A.R.Penck (sinh năm 1939) họa sĩ Đức |
Hai mươi tư tháng tù là một hình phạt hà khắc. Đặc biệt đối với một chàng thiếu niên vừa tròn 16 tuổi. Eckard Mann ngồi 762 ngày trong trại giam điều tra Berlin-Mitte và trong nhà tù Dessau, vì cậu reo: „ Tự do! Tự do!“ và cứ coi như đã đánh một người công an nhân dân khi bị bắt. Thực ra, cậu bé sinh năm 1953 tại Đông Berlin, bị trừng phạt, bởi cậu muốn đến dự Concert đã không xảy ra và không bao giờ có thể xảy ra được. Mặc dầu vậy Concert này nguy hiểm trong con mắt Stasi (An ninh quốc gia CHDC Đức) tới nỗi buộc hàng trăm thanh thiếu niên phải ngồi tù vì ý muốn đến nghe.
Vào tháng Chín năm 1969, Kai Blömer, một người dẫn giải chương trình quen thuộc của đài Rias Tây Berlin đã tự cho mình đùa vui bên microphone: „Vào ngày 07.10, đúng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập CHDC Đức, ban nhạc Rolling Stones sẽ biểu diễn trên nóc nhà cao tầng của nhà xuất bản Axel-Springer (bên kia tường thuộc Tây Berlin - ND). Nhưng ngay trong chương trình phát thanh đó ông đã phải giải thích rằng, ông chỉ muốn đưa ra một lời tếu táo thôi. Không gỡ nổi: Lời đồn thổi tự lan truyền, trước hết trong những nhóm ngưỡng mộ Rolling Stones ở CHDC Đức. Ban đầu, sát nút trước buổi biểu diễn thực sự của Rolling Stones tại Berliner Waldbühne (nằm ở Tây Berlin – ND) vào ngày thứ ba kế đó, Stasi còn coi lời đùa vô vị này không đáng nghiêm trọng, như tư liệu trình ra công luận của cơ quan quản lý hồ sơ Stasi hôm nay cho biết.
Trước hết không có những báo cáo về câu đùa của Blömer. Một lời đồn thổi bị bác bỏ ngay sau đó có vẻ không nguy hại, ngay cả đối với Bộ An ninh quốc gia vốn luôn lo lắng cho quyền lực tuyệt đối của đảng SED. Thế nhưng điều đó thay đổi, khi những tờ truyền đơn bắt đầu phát tán, trong đó những Fan hâm mộ Rolling Stones từ CHDC Đức kêu gọi những bạn đồng trang đồng lứa đi đến Đông Berlin vào ngày 07.10.1969. „Điểm gặp: Ngôi nhà Axel Cäsar Springer“ đánh máy trên một tờ truyền đơn được cô bé Evelies Gerhardt 18 tuổi và các bạn cô mang theo phân phát chưa tới một chục bản. Họ bị một tên chỉ điểm vu hại. Trên đó, tờ truyền đơn chỉ yêu cầu „các bậc cao niên“ rằng :“Các ông nên để chúng tôi yên thân, để chúng tôi sống, như chúng tôi thích!“
Ở CHDC Đức không có tiền lệ đó. Ngày 05.10.1969, hai ngày trước buổi biểu diễn không có thật, Evelies lạc bước vào nhà tù. Sau những cuộc điều tra và hỏi cung cặn kẽ, cô được thả ra vào ngày 19.01.1970, bởi xét thấy gần đây không còn nguy cơ tái diễn và – thật là sự bỉ báng cho một công dân CHDC Đức - không có „nguy cơ chạy trốn“ nữa. Thậm chí Evelies Gerhardt còn gặp may trong rủi. Bởi đúng ngày 07.10.1969, tròn 20 năm chuyên chính của Walter Ulbricht (Tổng bí thư đảng cộng sản SED khét tiếng stalinit - ND), cô ngồi sau khóa và chấn song tù. Như vậy cô không thể phá bĩnh được chính quyền nhà nước đang bực bõ. Trong cuốn brochure có in lại trích đoạn 15 trang biên bản nhật trình của Stasi ghi chính xác từng phút xảy ra xung quanh buổi biểu diễn bịa đặt. Hồi 12 h, ở phía đông của bức tường đã có chừng 80-100 thanh thiếu niên tụ tập đối diện với ngôi nhà Springer. Ít giờ đồng hồ sau Stasi ghi nhận hàng trăm thanh thiếu niên khác tới, trong đó nhiều „bọn quần loe tóc dài“, nghĩa là nhiều cậu cô choai choai trái mắt, không chịu cho dập khuôn vào đoàn thể thanh niên quốc doanh FDJ.
Và còn nhiều thứ xảy ra nữa. Phố Leipziger Straße (thuộc Đông Berlin) bị người dàn hàng chặn. Trong đám thanh thiếu niên có Eckard Mann. Sự chật hẹp của nền chuyên chính lấy của cậu chàng yêu nhạc hết khí trời để thở. Cậu ta reo: „Tự do!“ và „Ulbricht cút đi!“. Vì tội được cho là „càn quấy“ chàng trai nhận án tù. Và mặc cho cậu phản đối, giữa tháng 10 năm 1971, cậu bị thả sang Tây Đức vì „cải tạo tốt“. Trong thực tế chính phủ CHLB Đức đã mua đổi lấy tự do cho cậu. Một cách gián tiếp, như vậy với Concert giả tưởng của Rolling Stones, thể chế SED lại còn kiếm ra ngoại tệ khan hiếm.
Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: Rolling Stone - Die Angst der Stasi vor den Rolling Stones
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét