Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Vây bủa bởi sự tuyên truyền

Gero von Randow
    
© Tranh của Salvador Dalí (1904-1989)

Trong thời đại của Thông tin đại chúng, kẻ thống trị sử dụng Tuyên truyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết, kể cả trong những nền dân chủ (Die Zeit).

Tuyên truyền có nghĩa là xâm lấn. Nó nhỏ giọt vào trong câu chuyện, trong suy nghĩ của chúng ta và tàn phá sự sáng trong của nó.

 

Tất nhiên những gì chúng ta nghĩ không chịu ảnh hưởng của Tuyên truyền cũng không là tấm gương sáng bong của hiện thực. Những lầm lẫn, ngu tối, sở thích – tư duy của chúng ta có nhiều mô-tip, kể cả điều chưa suy xét cũng hùa vào, tỉ dụ như tình cảm, thêm vào đó những lề thói khi phát ngôn, ảnh hưởng tới hướng đi của chúng. Đại thể tuyên truyền gây tác động theo cung cách đặc biệt, bởi vì câu cú của nó khác. Những câu này nhắm mục đích khuất phục, chúng lợi dụng điểm yếu kém của ta. Ngoài ra các vị tổ sư của tuyên truyền không chú trọng xem những câu cú đó thực hay xằng bậy: chúng chỉ phải gây tác động. Và cuối cùng chúng được sản sinh một cách hệ thống, trong dạng thức của các cuộc vận động (Kampagne - cái từ này khởi thủy có nghĩa là cuộc chinh chiến).
 

Chúng ta bị vây bủa bởi tuyên truyền. Thỉnh thoảng nó lộ diện cho ta dễ thấy: Thí dụ cách đây chưa lâu, chính thể quân phiệt Ai Cập đã mở hai trang quảng cáo cho chính sách của họ trên tờ FAZ. Phần lớn sự tuyên truyền len lỏi vào, không bị nhận ra. Ta đặc biệt khó nhận ra, nếu chúng từ những mảnh rời rạc được những cá thể hăng hái tin vào những thứ đó chuyển tiếp đi. Như một virut, tuyên truyền sử dụng những kẻ thành tín này như là những cái máy sao chép.

Tuyên truyền cần làm cho con người ta tin vào điều gì đấy. Thường thì nó là một truyện kể cấp ý nghĩa cho sự việc hiển nhiên. Con người ta khá hay lồng cảm nhận vào trong một câu chuyện, giảm bớt đi cho bản thân việc đưa cái toàn thể vào nghi vấn mà không cần thách thức. Nếu như không có định kiến và những lề thói lặp lại trong suy nghĩ, thì không một ai nhúc nhích trước sự hoài nghi trầm trọng.

 

Hai trong số lề thói lặp đi lặp lại đặc biệt có tác dụng: Qui tắc nghiệm trải và Đức tin. Cả hai dạng thức chinh phục thế giới đều tồn tại song hành trong tất cả mọi nền văn minh, Thần ngôn và Thần thoại; con người ta đóng thuyền độc mộc hay chế tạo máy bay theo những quy tắc trải nghiệm, nhưng mà nếu như họ không biết rằng mình phải giải quyết thách đố ra sao, họ gọi lên các Thần thoại. Thần thoại này cũng lấp đi những lỗ hổng định hướng trong thế giới tư tưởng chính trị. Dạo đó với những cân nhắc này, triết gia Ernst Cassierer (2), ông mất năm 1945, đã giải thích bệnh dịch của những Thần thoại giết người trong thế kỷ 20.
 

Cassier còn bổ sung thêm chút nữa: kể cả Thần thoại cũng đòi hỏi nỗ lực không ngơi nghỉ. Bởi vì Thần thoại bị bào mòn nơi thực tại, cho nên nó luôn phải được gia cố, chống đỡ và tu chỉnh lại – thí dụ như chủ nghĩa Mác-Lênin từng sản sinh ra hàng dãy thư viện đã phải nhọc nhằn cố sức ở mâu thuẫn giữa Thần thoại mang tầm vóc lịch sử và Thực tế.
 

Sự ổn định ngôi nhà bằng cách tuyên truyền này là công việc của Sisyphus, nó không thể là công nghiệp của từng người, mà chỉ có thể là của những tập thể. Của các nhà nước vậy chăng, các đảng, các hãng, các Thinktanks, các nhóm lợi ích, các tổ chức vô chính phủ, hiệp hội, những cộng đoàn tín hữu. Tuyên truyền đòi hỏi tổ chức đi trước.
 

Cái chứng tích sắt đá của thiết chế lập nên nền tảng lần đầu tiên mang cái từ Tuyên truyền đi vào danh nghĩa nằm ở Rom: công sở Palazzo di Propaganda Fide được thành lập vào thế kỷ 17, chính là Cung điện truyền bá Đức tin, quê hương của Học viện Dòng Tên. Mà thế đó nhà thờ chỉ phát minh ra từ ngữ, chứ bản thân không phát minh ra Tuyên truyền. Cái này lâu đời hơn, cổ xưa như nhà nước vậy. Cũng trong thành Roma đó, chỉ cách trước đó có hai thời đại lịch sử thôi, Tuyên truyền của nhà nước đã được khắc vào đá cẩm thạch: Những hoàng đế La mã nhận được những danh xưng thần thánh hóa, thí dụ như dòng chữ tạc vào bia đá đã vinh danh hoàng đế Caracalla sinh năm 1988 là „hoàng đế vĩ đại nhất, bách chiến bách thắng nhất, đẹp lòng thần thánh, dũng cảm nhất, được các chúa thánh sủng ái nhiều nhất, vượt lên trên mọi hoàng đế bởi ân lộc trời ban“ – bất giác người ta phải nghĩ đến Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên.
 

Trong chiến tranh các nhà nước mới tiến hành tuyên truyền đúng nghĩa. Ở thế kỷ 20, sự tiến hành chiến tranh tâm lý đã đạt được những chiều kích không thể tưởng: Cả hai cuộc chiến tranh thế giới cũng là những trận chiến tuyên truyền. Đối với chiến tranh lạnh, điều đó không hề giảm ý nghĩa, tại miền Đông và Tây được dựng nên các thiết chế nhà nước và nửa nhà nước đứng ra quảng cáo cho những hệ thống thù địch với nhau. Chúng tận dụng những phương tiện truyền thông mới như đài và vô tuyến; sau khi chiến tranh lạnh kết thúc một triều đại tiếp đã đến theo cùng Internet.

Chủ nghĩa đa nguyên truyền thông nâng đỡ nền dân chủ.

 

Những xung đột khởi sự, tính cả những xung đột chiến tranh vào đó. Không thể quên sự tuyên truyền lừa đảo của Mỹ trong cuộc chiến Trung Đông lần thứ ba, và không có chút gì thua kém nó là sự bóp méo thông tin từ nước Nga – cả hai đều là những hoạt động tổ chức mang tính nhà nước, nhằm dẫn dụ hàng triệu khán thính giả vào u mê với sự tiếp tay của thông tin đại chúng nắm giữ trong tay. Mới đây tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giai đoạn này đã được nhìn nhận lại một cách phê phán, chí ít bởi một phần công luận đã muốn biết rằng tại sao những nhà báo khả kính đã lặp lại tất cả những điều lừa mị này.

Báo chí bị qui kết rằng, đã kề vai sát cánh với những người nắm quyền lực chính trị lập nên một tập đoàn cấu kết. Mới gần đây thôi, Jürgen Habermas (3) đã chẳng cay độc nói trên tờ Süddeutsche Zeitung rằng „ Sự biến hóa của báo chí cũng góp phần gây mê công luận hậu dân chủ trở thành một thứ làm báo săn sóc, tay trong tay cùng với giai cấp chính trị chăm lo cho sự dễ chịu của khách hàng“. Ít ra người ta có thể đọc cái câu phê phán này trong một tờ báo, kế đó báo chí tiếp tục trích dẫn câu này. Nhìn chung qua đó câu này không bị sai nghĩa.

 

Nguy cơ của sự dàn xếp kín đáo giữa phương tiện truyền thông và quyền lực tồn tại không có gì phải bàn cãi. Chẳng hạn như các nhà báo phụ thuộc vào việc đón nhận tin tức từ các nhà chính trị, điều đặt tiền đề cho một quan hệ tin cậy đi trước: Từ đây cho tới quan hệ bằng hữu chén chú chén anh chỉ còn là một bước nhỏ nhưng rất hệ trọng.
 

Đó không phải là điều nhà ngữ học và nhà phê bình truyền thông Noam Chomsky (4) ngụ ý với „mô thức tuyên truyền“ của ông, được đưa ra thảo luận từ một phần tư thế kỷ.
 

Cùng với nhà kinh tế truyền thông Edward S. Herman, Chomsky dựa vào mô hình Mỹ phân tích phương tiện truyền thông như là „những công xưởng đồng thuận“ thể theo lợi ích của những kẻ có quyền lực xã hội. Theo lý thuyết của ông, tin tức đã được lọc trước khi công bố, vẻ như không có một âm mưu nào đứng sau đó; sự lựa chọn thông tin dung hòa quyền lực thực ra vận hành bản năng hơn. Thí dụ không có một phương tiện truyền thông nào, dạo đó Chomsky viết, có thể lâu dài dàn trận cưỡng lại sở thích và thế giới tư tưởng của người chủ sở hữu nó. Ngoài ra sự lựa chọn nhân sự của những ban biên tập cũng đã dàn xếp cho một sự dung hòa cơ bản ít hay nhiều ở tầm rộng khắp, mà nội trong phạm vi đó công việc của họ vận động.
 

Như vậy đó. Nếu giả như đó là tất cả sự thực, sự thực sẽ không đánh sập xuống. Tuy nhiên cũng được tính về sự thực - ít nhất trong các nền dân chủ- việc nhiều phương tiện truyền thông cạnh tranh nhau giành người đọc. Những phương tiện đại chúng này cuối cùng khác biệt nhau, xét cho cùng, bởi độ dàn trải ý kiến công luận và sự lựa chọn nhân sự. Chính vì vậy trong những phương tiện đại chúng đó, những người như Chomsky thường xuyên lên tiếng.
 

Chắc chắn rồi, những phương tiện truyền thông cạnh tranh nhau không luôn luôn gây ảnh hưởng bằng nhau, và đằng sau chúng không luôn có lực lượng tư bản như nhau hậu thuẫn, và sự đa nguyên phương tiện truyền thông ở từng nước rất khác nhau; và cũng phải luôn luôn tranh giành lại nó, ngay cả trong nội bộ các Ban Biên tập. Nhưng nó vẫn nguyên còn là một sự chuyện hiển nhiên mang tính chính trị. Về danh nghĩa tại nước Đức, mỗi một luận điểm đều đến tai công luận. Càng đúng lúc, từ khi có Internet.
 

Có rất nhiều chiến lược khác nhau nhằm khẳng định mình trong thế giới truyền thông đa giọng này. Đối với một số chào mời, sự đàng hoàng ra đầu ra đũa không thuộc về lời hứa nhằm bán hàng, nhưng những chào mời khác trái lại bằng mọi giá không được đánh mất sự đáng tin cậy. Tuy nhiên kết cục cuối cùng chính độc giả, khán giả hay là người sử dụng sẽ định đoạt về sự tiếp tục tồn tại của một phương tiện truyền thông. Ở trong đó một lần nữa hiện ra sự khác biệt của Làm báo với Tuyên truyền. Về sự tồn tại của nó chỉ một mình những người có quyền lực định đoạt.
 

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức 
Nguyên văn tên bài: Tuyên truyền: Chúng ta bị bao vây, đầu đề do người dịch đặt lại
Nguồn: ZEIT ONLINE

Chú thích của người dịch:


(1) Gero von Randow (sinh năm 1953): Nhà trước tác, biên tập viên của tờ Die Zeit (Thời đại) 
(2) Ernst Cassierer (1874-1945): Triết gia Đức
(3) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia và nhà xã hội học người Đức
(4) Noam Chomsky (sinh năm 1928) là nhà Ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận chính trị, và nhà hoạt động người Mỹ.

 

Tranh của Salvador Dalí (1904-1989): Họa sĩ, nhà đồ họa và điêu khắc người Tây Ban Nha.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Một tối mùa đông

Georg Trakl (1887-1914)

 
 Tranh màu nước của © Emil Nolde (1867-1956), họa sĩ Biểu hiện Đức

Mỗi khi tuyết chạm rơi khung cửa
Và chuông chiều rền rã hồi ngân
Nhiều người sẵn bàn ăn bày biện
Và cả nhà xúm xít quây quần.

Còn vài người vẫn đang hành khất
Nẻo tối tăm về tới cổng nhà
Cây Ơn Phước nở vàng ròng sắc
Từ phù sa lạnh đất ra hoa.

Người lữ khách bước vào im ắng
Bậu cửa trơ thành đá đớn đau
Trên bàn óng rượu vang và bánh
Vẻ long lanh tinh khiết sáng màu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Ein Winterabend

Georg Trakl (1887-1914)

Wenn der Schnee ans Fenster fällt,
lang die Abendglocke läutet,
vielen ist der Tisch bereitet
und das Haus ist wohlbestellt.

Mancher auf der Wanderschaft
kommt ans Tor auf dunklen Pfaden.
Golden blüht der Baum der Gnaden
aus der Erde kühlem Saft.

Wanderer tritt still herein;
Schmerz versteinerte die Schwelle.
Da erglänzt in reiner Helle
auf dem Tische Brot und Wein.

Bản tiếng Anh

A Winter Evening

Georg Trakl (1887-1914)

When the snow falls against the window,
The evening bell rings long,
The table is prepared for many,
And the house is well cultivated.

Some in their wanderings
Come to the gate on dark paths.
The tree of grace blooms golden
From the earth's cool sap.

Wanderer, step silently inside;
Pain has petrified the threshold.
There in pure radiance
Bread and wine glow upon the table.

© Translated by Jim Doss & Werner Schmitt

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng Latinh, Hy Lạp và Tóan), không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakau sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh thuốc nước của họa sĩ biểu hiện Đức Emil Nolde (1867-1956).

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Điều tệ nhất là giám hộ

Wolf Bierman

„Có bao nhiêu người tuyệt vời ở CHDC Đức“, Wolf Biermann gần đây mới biết điều này từ hồ sơ Stasi (An ninh quốc gia - ND) của mình: Một nữ mật vụ cần phải nhử ông lên giường, đã chỉ còn là cái đinh gỉ đối với An ninh quốc gia. Cô ta đã phải lòng ông, như nhà thơ và ca sĩ kể lại trong cuộc phỏng vấn của SPIEGEL ONLINE.


© Marc Chagall (1887-1985) họa sĩ Pháp gốc Nga

SPIEGEL ONLINE : Ông không tin vào Chúa, nhưng Chúa kính yêu đóng một vai trò lớn trong những bài thơ mới của ông. Thậm chí ông còn viết một cuốn Nhập môn tôn giáo tuổi thiếu nhi cho con gái năm tuổi của ông: Đầu đuôi câu chuyện thế nào nhỉ?

Biermann: Tôi được mẹ tôi – một người nữ cộng sản giáo dục cho tính kiêu căng đối với những người tin vào Thượng đế. Bất luận ngạch nào, Tin lành, Công giáo, Do thái giáo. Nhưng mà qua việc tôi sa vào CHDC Đức, tôi đã có lợi thế sống trong một đất nước ở đó tín đồ Thiên chúa giáo bị theo dõi. Điều đó tự động dẫn đến hệ luận rằng những người thuần túy theo thống kê kiên định theo Thiên chúa giáo là những người đứng đắn và không là lũ lợn. Nhưng mà tỉ lệ này cuối cùng lại sai lệch đến một phần ba, bởi vì Nhà thờ Tin lành chứa đầy mật vụ của Stasi, trước hết ở tầng chóp bu.

SPIEGEL ONLINE: Mặc dù vậy CHDC Đức đã sụp đổ.

Biermann: Vâng, vì những con người nhỏ bé đã không hùa theo nữa. Thường xuyên tôi tiếp xúc với những tín đồ Thiên Chúa bình thường đã gặp rắc rối trong nghề nghiệp của mình hoặc không được phép học hành nghiên cứu. Đối với cha mẹ họ, đó là một áp lực nặng nề. Con họ đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tú tài, và lại không được phép học đại học. Hoặc thậm chí còn không được phép làm tú tài toàn phần. Thế thì, con cái sẽ ra gì? Một người thợ sắt. Tốt, một người thợ sắt cũng là chút gì đó quan trọng. Trong Kinh thánh, Thánh Cả Giuse vốn là người thợ mộc. Nhưng đối với những người này, điều đó là một gánh nặng tồi tệ, và vì thế tôi học hỏi được rằng, sự kiêu căng đối với những người theo tín ngưỡng là một sự ngu xuẩn. Quan trọng ở việc họ ứng xử can đảm và đứng đắn trong xã hội hay là không. Và nếu như đức tin, tin vào cái gì cũng thế, khích lệ họ, cấp cho họ sức lực, thì hóa ra việc tranh cãi với họ về những điều tối hậu của đức tin chẳng độc địa hay sao. Chính vì thế, tất nhiên ta nháy mắt nói với nhau, trong một cuốn sách mới rồi cũng có một bài thơ „Người ta phải tin“, bởi vì nếu như thực lòng, tôi có thể thú nhận rằng, mình là một con người theo tín ngưỡng. Chỉ có điều đức tin của tôi nó tầm phào hơn, tôi tin vào Con người. Ông đừng xoáy hỏi tôi sâu hơn về điều đó, bởi vì chỉ hai câu sau đó ông đã phát hiện ra, đức tin này phi lý hơn là đức tin đặt vào Chúa.

SPIEGEL ONLINE: Mặc dù thế chúng tôi vẫn vặn hỏi, làm sao sau khi đọc chục ngàn trang báo cáo của mật vụ trong hồ sơ Stasi, ông còn tin vào điều tốt lành trong con người?

Biermann: Đời là thế, thế nên người ta không được phép hình dung về những bài học hồ sơ An ninh như thể Heinrich Heine dòm vào chiếc bô của nữ thần Harmonia – hoạt cảnh nổi tiếng vào hồi kết của Truyện cổ tích mùa đông. Nơi ông ấy chỉ mô tả mình ngửi thấy tất thảy những gì và giấu đi những gì ông nhìn ra tất cả khi ông muốn hướng mắt vào tương lai. Khi đọc hồ sơ an ninh của tôi, tôi đã không ngó vào cái bô hay là ngửi, mà tôi chỉ ngạc nhiên thấy ở CHDC Đức đã có bao nhiêu con người can đảm thông minh và tuyệt vời làm sao, nhiều hơn là tôi nghĩ. Bởi chăng trong một hệ thống toàn trị như thế, theo lô-gic, những người thông thái, can đảm đã phải che giấu những hành động của mình mà không phải khoe mẽ công khai như trong một nền dân chủ.

SPIEGEL ONLINE: Ông hàm ý điều gì vậy?

Biermann: Thí dụ An ninh Stasi đã suỵt một nữ diễn viên trẻ xinh đẹp nhắm vào tôi. Cô ấy cần phải lên giường tôi và thám thính. Bốn lần tôi đã mời cô ấy đi. Nhưng mà lần thứ năm, vâng rồi là thế đấy. Và trước đó, sát lúc tôi đọc hồ sơ An ninh sau Bước ngoặt (1), người đàn bà ấy đã viết cho tôi:“ Wolf yêu quí, rồi anh sẽ cũng tìm thấy tên em“. Và tôi đã tìm ra cái gì vậy: Với An ninh cô ấy hoàn toàn vô tác dụng. Bởi vì cô ấy đã nói với người sĩ quan chỉ đạo của mình rằng: tôi đã phải lòng cái ông Biermann này. Và như vậy vai trò của cô là cộng tác viên không chính thức đã đi tong. An ninh (Stasi) có số mật vụ phụ trách theo đầu người nhiều gấp 20 lần so với Quốc xã. Liệu như vậy CHDC Đức tồi tệ gấp 20 lần so với chế độ Quốc xã? Tất nhiên không. Bộ máy mật vụ khổng lồ với rất nhiều những thằng đểu được trả lương cao không thể tin nổi, bất kể là sĩ quan chuyên trách, hay là cộng tác viên không chính thức là một bằng chứng hùng hồn chỉ ra việc đã từng có rất nhiều người khiến họ phải do thám và áp bức. Vâng và điều đó cũng thuận tình nói giùm cho con người vùng CHDC Đức. Nếu như người ta đọc thấy điều này trong hồ sơ An ninh, người ta sẽ không bị lay chuyển trong niềm tin vào con người. Như thế ta có một bài học mang tính xây dựng theo một cung cách đau đớn và quái gở.

SPIEGEL ONLINE: Ông có thấy rằng thực trạng tái thiết miền Đông chính ra cũng mang tính xây dựng? Hay là bị ta thán quá nhiều?

Biermann: Có và không. Nếu như người ta suy xét thấy sự khổ đau của riêng mình luôn là những đau thương lớn nhất. Nếu như tôi đứt cụt mất ngón tay khi hái táo (Biermann giơ bàn tay phải cụt mất đốt móng ngón út).

SPIEGEL ONLINE: Chuyện này xảy ra bao giờ vậy?

Biermann: Cách đây chừng một năm. Lần đầu tiên trong cú sốc con người ta trải nghiệm qua điều ấy tồi tệ hơn so với việc 8000 người Hồi giáo bị tàn sát hoặc tên lửa từ bên Lebanon bắn sang Israel nhắm vào người sống qua cuộc Tận thiêu (Holocaust). Trong phép tính kinh tế tâm hồn, những đau khổ riêng tư luôn là những đau thương lớn nhất.

SPIEGEL ONLINE: Chơi guitar không ngón út, ông thấy thế nào?

Biermann: Thì thế đấy, bây giờ khá rồi, không là gì cả. Chỉ để mà cười. Nhưng mà nếu phải ngón út bàn tay trái, hẳn tôi đã suy sụp rồi bởi như thế thì tôi không thể chơi guitar được nữa, không thể biểu diễn concert được, trong khi ngón út tay phải không bao giờ được cùng chơi và với năm tháng đơn giản là nó bị xúc phạm. Ông hãy thử hình dung trong tâm tưởng xem, đối với ngón út bàn tay phải, vâng, cũng phải đứng ra trong ánh sáng chiếu rọi trên sân khấu. Gã Biermann hát theo đàn, người nghe vỗ tay theo, trả tiền vào cửa, từ tiền hỏa hồng mua bánh mì cho trẻ con và, nào có ai không có phần ở đó. Ngón út bàn tay phải, tên này thực ra phải đi bác sĩ tâm thần, phải nằm xuống ghế bành. Nhưng không được, bởi vì nó gắn chặt vào tôi, và đến lúc nào đó nó mất hết cả kiên nhẫn và nói: „Tôi đi trước đây“.

SPIEGEL ONLINE: Nó có lại lên tiếng gì không chứ?

Biermann: Nó lên tiếng từng ngày, bởi vì đau nếu tôi nắm tay lại. Nó không mau lành như bác sĩ phẫu thuật nói với tôi. Nói thêm về bác sĩ phẫu thuật: Ở Wandsbek, nơi sự cố xảy ra, thì cái mẩu lìa ngón tôi, giờ đây chẳng còn, đã treo lơ lửng ở một đám bầy nhầy da, nhưng mà nó không bị cắt rời, mà chỉ là cắt dập, vì lý do này ông ấy cũng không thể nào khâu nối vào được. Trong khi làm phẫu thuật, ông ấy liên tục nói với tôi, và vì tôi không nên nhìn vào đó, họ đã căng một tấm vải xanh ở giữa. Bởi thực sự tôi muốn biết ông ấy làm cái gì. Ông ấy nói:“ Này ông Biermann ơi, bây giờ tôi lấy cái kìm gắp xương đây!“.

SPIEGEL ONLIE: Nghe chuyên nghiệp đấy chứ.

Biermann: Kế đó ông nói:“ Thế nhé ông Biermann, cuối cùng thì bây giờ tôi cắt đi, sau đó thì rời ra hẳn“. Và bởi ông ấy không nghĩ ra cái gì riêng biệt hơn là hỏi:“ Thế thì bây giờ bỏ cái ngón tay này đi đâu?“. Liền cô y tá nhỏ nhắn xinh đẹp Stefanie – ông thấy đấy, đối với sự kiện tôi vẫn còn cân não đặng để ý thấy cô ấy xinh đẹp nhỏ nhắn, tóc màu đen và có tên là Stefanie, hẳn rằng tôi hãy còn khá khỏe. Sau đó Stefanie đã nói một câu búa bổ trong thổ âm Hamburg giọng êm mát, dễ chịu : „Bỏ nó vào một thùng rác đặc biệt“. Đương nhiên là thế đó, người dân phía Đông ở CHDC Đức đau đớn nhiều hơn vì cái ngón tay đứt mất, hơn là hàng triệu người bị chặt đầu ở những nơi khác còn lại của thế giới.

SPIEGEL ONLINE: Hay là ở Ba Lan cách đây vài cây số đi tiếp, nơi mọi người rõ ràng sống khổ hơn, nhưng mặc dù vậy ở đó có ít lời than vãn hơn.

Biermann: Nếu như người ta hiểu ra rằng, người ta không chỉ thuộc về một bầy mà bên cạnh đó còn thuộc về nhân loại, thì người ta nhìn nhận nhiều thứ sẽ khác. Tôi không biết hàng bao nhiêu nghìn tỉ được bơm vào vùng phía Đông này.

SPIEGEL ONLINE: Cho đến nay chừng 1500 tỉ Euro.

Biermann: Kế hoạch Marchall(2) sau Đại chiến thế giới thứ II giá chỉ đáng một phần nhỏ tí tẹo so với tổng số này và tuy thế đã là một cú hích cho sự đột biến kinh tế ở Đức, Anh, Ý và Pháp. Tất nhiên trong chừng mực đó những quốc gia thuộc khối hiệp ước phía Đông tan rã gồm Ba Lan, România, Bulgaria và Tiệp ghen tị với người Đông Đức vì có người anh giàu có thể cung ứng cho họ. Nhưng đồng thời người Ba Lan sướng hơn người Đông Đức bởi vì họ không bị dúi từ tình trạng chịu giám hộ này sang tình trạng chịu giám hộ kia. Thiệt hại lớn nhất do chính thể toàn trị phía Đông đã gây ra cho con người không phải là nghèo đói, bởi vì cái này, vâng, chỉ là tương đối. Trên chính thế giới này, các dân tộc khác hẳn thích được nghèo như Ba Lan. Nếu được vậy phải chăng họ là những người giàu có. Thiệt hại tàn tệ nhất, chính là con người bị giám hộ và không được đứng ra đảm trách cho chính mình. Các dân tộc có thể khắc phục sự thiệt hại này ở mức khá hơn, nếu như họ chẳng có ai cung ứng cho hai ngàn tỉ Mark hay Euro hay Dollar. Điều này củng cố nỗi khổ đau chính.

SPIEGEL ONLINE: Trong nền chính trị Đức, với những sự thật nêu trên họ không có cơ may gì...

Biermann: Không, may là thế. Vâng, chính vì lẽ đó tôi cũng có thể nói lên, phải nói lên điều ấy bởi vì tôi không ở trong tình thế kinh khủng là muốn được người ta bầu ra. Điều này phải có một ích lợi chứ. Sự thật ở chỗ này: Nếu tôi là nhà chính khách và muốn được vào quốc hội, tôi không nói điều như thế, bởi nếu vậy, phải chăng tôi là người chất phác. Nhưng vì tôi không phải vào chốn đó, phải chăng tôi là thằng đểu, nếu như tôi không nói như tôi làm. Mà thế chứ, như mỗi con người, ở một cách thức nào đó tôi muốn mình hữu ích cho người khác, điều này thế đó là một trong những thú đam mê lớn nhất của chúng tôi.

SPIEGEL ONLINE: Là người vùng Hamburg ông đã đi sang Đông Berlin, sau đó với tư cách là công dân CHDC Đức ông di cư sang phía Tây. Thời gian gần đây ông thường xuyên ở Israel, nơi ngày một nhiều hơn ông coi là tổ quốc và miêu tả nơi đó „thân thương xa lạ“. Tại sao vậy?

Biermann: Bởi vì ở đó có là nơi sinh sống của rất nhiều người mà tôi chia sẻ đời mình với họ, so với người Đức là những người dính dáng nhiều hơn tới câu chuyện gia đình nhỏ riêng tư mà tôi đầu thai vào đó. Phần đông người Đức từng là người quốc xã, và do sự tình cờ của đầu thai nên tôi xuất thân từ hai thiểu số: Cộng sản và Do thái. Điều đó không những không là công trạng mà cũng chẳng là một tội tình, vâng cũng tương tự không thể là công trạng hay tội tình, nếu như con người ta được một đại úy SS thụ thai và lớn lên trong gia đình đó. Bởi lẽ không một ai lựa chọn được điều đó. Nhưng điều này có kèm theo hệ lụy. Ở Israel có nhiều người Do thái sinh sống, xưa họ từng chạy trốn khỏi nước Đức, không phải vì họ, một cách vô điều kiện muốn sang đất nước của người Ả Rập và lạc đà, mà bởi vì họ muốn ở lại cõi đời. Họ đã kinh hoàng khi họ nhìn thấy những cây cọ và cảm cái nắng oi bức, và họ bị những người Do thái sống lâu đời ở đó đón tiếp rất không thương xót. Người ta nói với họ:“ Ông từ nước Đức hay từ Đại Do thái tới đây“. Một câu ngắn này tuy thế soi sáng được vấn đề. Nhưng mà sau đó như thời thế di cư vào theo năm tháng, thế đó người ta ở lại đất nước của người Ả Rập và lạc đà, lấy vợ, sinh con, chúng lớn lên bằng tiếng Hebrew, không còn nói từ tiếng Đức nào nữa và như thế có cơ man người tại Israel sống một cuộc đời đáng ra cha tôi đã sống, nếu như ông ấy kịp thời di cư sang nước ngoài thay vì việc ở lại đây trên bến cảng Hamburg phản kháng lại ông Hitler.

SPIEGEL ONLINE: Ở đó ông hát tiếng Đức, người ta có hiểu lời hát không?

Biermann: Ôi chao, có chứ. Tôi hát, chơi đàn, -ít mất đi một ngón tay- piano và guitar và mọi người chăm chú nghe. Thế ông hiểu gì? Người ta hiểu gì chứ nếu Bob Dylan (Biermann hát): „"Hey! Mr. Tambourine Man, play a song for me/ In the jingle jangle morning I'll come followin' you."

SPIEGEL ONLINE: Từ đất Israel ông đã trách cứ tờ SPIEGEL và Stern, bằng những phóng sự đã tăng cường những khuynh hướng bài Do thái. Ở đây ông không cường điệu lên chứ?


Biermann: Ông hít thở không khí chung ở Đức như tất cả chúng tôi. Đó không phải là sự bất lực cá nhân, ấy chưa nói đến ý đồ ác, sự đểu cáng. Ông Goethe đã nhìn thấu vấn đề. Ông ấy nói, không người nào thoát hẳn khỏi những điều xuẩn ngốc của thời đại. Đó là một lời thông thái và mặc dù vậy đúng đắn, tôi muốn nói, lời nói đó không có sự thông thái quán thế là thứ xét về căn bản không nói lên điều gì cả. Nó dạy cho chúng ta biết rằng tất cả chúng ta, ở những mức độ khác nhau thoát ra những điều ngu xuẩn của thời đại, và nếu như bây giờ tôi đối đầu chống lại, thì tôi biết rất rõ tôi không thể nào đi con đường trung đạo vàng son được. Tôi phải cường điệu sang hướng khác, và vì lý do vệ sinh tôi phải biết, rằng sự đời là thế, nếu không thì chẳng hóa ra tôi đóng vai Thượng đế vốn tôi không thể là. Tất cả chúng ta đều nằm lệch chỗ, chừng nào chúng ta còn sống. Người chết biết tất cả thấu đáo hơn, vâng nhưng người ta không bao giờ vào hội đàm được với họ.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên bản tiếng Đức
Nguồn: SPIEGEL ONLINE
 

Chú thích của người dịch:

Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế - Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDC Đức cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.


Cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Andreas Borcholte (39 tuổi) und Claus Christian Malzahn (51 tuổi), phóng viên chuyên trách các mảng Chính trị và Văn hóa của tờ Spiegel và FAZ.

(1) Bước ngoặt (Wende): Chỉ quá trình thay đổi trong giai đoạn 1989/1990 chấm dứt sự thống trị độc tài của đảng cộng sản SED của CHDC Đức và hình thành nền dân chủ nghị viện, tạo cơ sở cho sự thống nhất hai miền nước Đức.

(2) Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ dưới hình thức viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật có tổng giá 17 tỷ đô la Mỹ, nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai.

(3) Trong nguyên tác không dịch: Này anh chàng Tambourine ơi, hãy tấu lên cho tôi khúc nhạc/ Trong thanh âm leng reng của buổi sáng/ Tôi sẽ theo anh.
 

Tranh của Marc Chagall (1887-1985) họa sĩ Pháp gốc Nga-Do thái, sống lưu vong tại Pháp.

Bài đăng Văn Việt

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Trong mùa đông

Georg Trakl (1887-1914) 

Tranh của © Emil Nolde (1867-1956), họa sĩ Đức

Cánh đồng sáng trắng lên và lạnh
Trời cô đơn và đầy vẻ âm u
Quạ gáy xám vòng lượn trên ao tù
Từ cánh rừng đám thợ săn bước xuống.

Một khoảnh lặng ngự chòm đen tán lá
Một ánh lửa từ mái lều hắt ra
Thư thoảng leng reng một cỗ trượt băng xa
Và trăng xám mọc lên chậm chạp.

Một con thú rỏ máu trên lối dốc
Lũ quạ toé tung dầm cống rãnh huyết pha
Cây sậy rung lên vàng sắc và mở ra
Giá băng, khói, một bước đi trong lùm vắng.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Im Winter
 
Georg Trakl (1887-1914)
 
Der Acker leuchtet weiß und kalt.
Der Himmel ist einsam und ungeheuer.
Dohlen kreisen über dem Weiher
Und Jäger steigen nieder vom Wald.

Ein Schweigen in schwarzen Wipfeln wohnt.
Ein Feuerschein huscht aus den Hütten.
Bisweilen schellt sehr fern ein Schlitten
Und langsam steigt der graue Mond.

Ein Wild verblutet sanft am Rain
Und Raben plätschern in blutigen Gossen.
Das Rohr bebt gelb und aufgeschossen.
Frost, Rauch, ein Schritt im leeren Hain.

Bản tiếng Anh

In Winter


Georg Trakl (1887-1914)

The acre shines white and cold.
The sky is lonely and immense.
Jackdaws circle over the pond
And hunters climb down from the forest.

A silence dwells in black treetops.
Firelight flits from the huts.
Sometimes a sleigh rings far away
And slowly the gray moon rises.

A deer bleeds to death softly at the field's edge
And ravens splash in bloody gutters.
The reeds tremble yellow and upraised.
Frost, smoke, a step in the empty grove.

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém, không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakau sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh thuốc nước của họa sĩ biểu hiện Đức Emil Nolde (1867-1956)

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Nghĩ lại chút về "Trò chơi nước lớn"

Phạm Kỳ Đăng  

Tranh của © Joan Miró (1893-1983), họa sĩ Tây Ban Nha

„Trò chơi nước lớn“ - gần đây được nhắc đến dày đặc hơn trên mặt báo, có nội hàm được lập luận trên hai sự kiện chính. Sự kiện thứ nhất đề cập tới Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức phát xít và Liên bang CHXHCN Xô Viết ký vào ngày 17.09.1939 (Hiệp ước Molotow- Ribbentrop). Kết quả Ba Lan bị chia đôi, 22 ngàn sĩ quan ưu tú bất ngờ bị Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) tàn sát trong rừng Katyn. Hơn thế, Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva), Bessarabia và Bắc Bukovina, và một phần của Phần Lan vào lãnh thổ của mình.

Sự kiện thứ hai bao hàm việc Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 và sau cuộc gặp Nixon - Chu Ân Lai - Mao Trạch Đông, hai bên ra thỏa thuận được ký kết trong Thông cáo chung Thượng Hải làm tiền đề cho chiến dịch ném bom do máy bay chiến lược B52 thực hiện nhằm hủy diệt Hà Nội. Các nước nạn nhân ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn có Việt Nam Cộng hòa, và cả Đài Loan, khi Hoa Kỳ thỏa hiệp công nhận chỉ một Trung Hoa đại lục thống nhất.

Dĩ nhiên, đây không chỉ là những cuộc thỏa hiệp duy nhất của các nước lớn trong lịch sử hiện đại bỏ qua lợi ích nước nhỏ. Hiệp ước đi đêm giữa Stalin và Hitler cốt chia chác lợi ích, ký bởi Molotow- Ribbentrop, dĩ nhiên được CHXHCN Việt Nam và các nước anh em nhiều thập niên giấu kín trong chính sử, nhằm bảo vệ uy tín nhà nước đàn anh Xô Viết trước những tội ác họ gây ra trước hết đối với dân tộc Ba Lan.

Chủ cuộc chơi năm 1939 là Đức Quốc xã và Liên Xô, là những nhà nước đối đầu của hai hình thái độc tài toàn trị trên lục địa già cùng có tham vọng bành trướng và ăn cướp. Nhiều nhà nước lớn khác khi đó còn là những ông chủ thực dân đã đứng ngoài làm ngơ và dung túng. Hậu quả không chỉ có các nước nạn nhân hứng chịu. Chính Liên bang CHXHCN Xô Viết cũng bị lật lọng. Năm 1941, khi quân phát xít Đức bất ngờ tràn qua biên giới, những chuyến tàu chở ngũ cốc của Nga vẫn còn đương trên đường vận tải sang Đức.

Ở sự kiện thứ hai, trò chơi của các nước lớn Mỹ - Trung - Liên Xô, ta nên phân biệt vai trò, mục tiêu và lợi ích của một nhà nước khác xuất hiện đứng đầu dân chủ phương Tây và đối đầu với hai nhà nước cộng sản toàn trị: Đó là Hoa Kỳ.

Với những cuộc mặc cả, và nhìn chung, đành rằng Hoa Kỳ và những đồng minh phương Tây (gồm cả Canada, Úc và Nhật bản) đã liên tiếp mắc những sai lầm. Hoa Kỳ còn mắc nhiều sai lầm và tội lỗi như trong quá khứ. Nhưng chúng ta không nên quên, đó là một siêu cường có khả năng liên minh mang trong mình một thiết chế sửa chữa và khắc phục. Và vai trò lãnh đạo và cảnh sát của Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu càng bức thiết hơn trong bối cảnh sau Chiến tranh lạnh khôn lường nguy cơ kết trục ma quỷ giữa các nhà nước toàn trị và toàn thống và khủng bố, trong đó có các nước lớn như Trung Hoa và Nga. Càng phải ghi nhận, Hoa Kỳ không ăn cướp lãnh thổ, không bần cùng hóa đối tác. Một Hoa Kỳ mang lại (thậm chí cả áp đặt) nền dân chủ cho nhiều quốc gia, trái lại, trợ giúp cho các đồng minh vững mạnh và tự chủ. Trong cả những trường hợp vì lợi ích kinh tế, các công ty dầu hỏa của Mỹ thao túng ngoài nước, thí dụ thế, các công ty này cũng phải chịu sự giám sát của luật pháp và công luận nước Mỹ. Và kết cục, thế kỷ 20 Hoa Kỳ đã khuất phục được hai hệ thống toàn trị: đó là phát xít với sự tồn tại của phe Trục và cộng sản với sự tồn tại của phe XHCN. Dẫu bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và bán rẻ Đài Loan với Thông cáo chung Thượng Hải, bằng nước đi này, Hoa Kỳ đã bao vây toàn diện Liên Xô và các nhà nước vệ tinh, xóa bỏ thế đối đầu hạt nhân và chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Nhìn nhận thiên về nhấn mạnh sự bất lường và nguy hiểm trò chơi nước lớn và do vậy tính toán so đo về số phận càng cho thấy sự thiếu vắng ý thức phản tư. Nếu chiêm nghiệm nghiêm túc, có thể nhận thức, số phận chịu nhìn người ta đi đêm trên lưng mình của Việt Nam từ 1945 cho tới nay, chính là số phận tự rước vào. Việt Nam trong quá khứ luôn theo hai nước cộng sản bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Ở vào thời điểm nào đó trước Đổi Mới, Hội đồng bảo an LHQ có năm uỷ viên thường trực thì Việt Nam nổ súng đánh bốn, còn một tức Liên Xô thì chửi họ đủ điều nhục nhã. Ngày hôm nay vị thế của Việt Nam còn cô lập hơn bao giờ hết. Chế độ toàn trị độc đảng bác bỏ tự do bầu cử và nhân quyền phổ quát đã loại trừ một nền tảng thiết lập nên vị thế khả dĩ liên minh, đó là nhân dân của mình. Cho nên sự kiện Nhà nước Việt Nam khẳng định không liên minh với ai để chống nước thứ ba, được các nhà phản biện từ giới trí thức khẳng định là sự không tưởng trong tư duy chiến lược, và hơn nữa, vô vọng trong thực tiễn.

Việt Nam có gì là nhỏ? Nhiều đất nước ít dân, hẹp đất hơn nhiều vẫn đạt được thịnh vượng bằng phát huy quyền tự do và sức sáng tạo của công dân và hơn hết qua đó giữ nguyên được vẹn toàn lãnh thổ.

Bài báo viết tiếp: “Việt Nam bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước“. Điều trấn an này tốt thôi, nhưng không có gì đảm bảo. Cũng như ta không thể trông chờ được vào lòng yêu nước viển vông. Lòng yêu nước đảm bảo được những gì ở 90 triệu con người phần đông an phận, dửng dưng và ơ hờ để một thiểu số chưa bao giờ yêu nước ngồi trên đầu mình rắp tâm vì một đảng, vì lợi ích phe nhóm, như ở Thành Đô dám lắm chăng, bán đứng dân tộc.

Nước lớn có gì là xấu? Nó chỉ xấu khi lợi dụng toàn diện uy lực của mình để cướp bóc hà hiếp lân bang, như Trung Quốc hiện nay. Với một dân số 90 triệu người, nếu Việt Nam trở thành một quốc gia giàu có dân chủ, thì há chẳng tất cả người dân đều mong mỏi và cả đảng độc quyền cũng hô hào vì những tiêu chí đó sao?

Phân tích tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và thiếu sự đối chiếu triệt để chủ thể tham gia sẽ dẫn đến ngộ nhận hời hợt. Ngộ nhận này như thể một lời hù dọa mới, đối với các lực lượng ủng hộ nhân quyền và dân chủ, vốn còn sợ hãi, và là một tiếp lực cho bàn tay sắt máu của những nhà lãnh đạo vốn giáo điều, thiển cận và đầy lòng ngờ vực. Và là một cảnh báo sai trong một cơ chế thiếu vắng phản biện và loại trừ các cảnh báo giả. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nạn nhân của những tính toán nông cạn, ngay cả sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảnh báo sai càng đẩy Việt Nam vào ngõ cụt và sự tự cô lập.

Lập luận thiếu tường tận về trò chơi nước lớn cản trở suy nghĩ về tương quan lực lượng cùng viễn tượng về liên minh có thể của Việt Nam. Trong thực tế các cường quốc dân chủ chỉ có thể liên minh, ký kết với nhà nước chính chủ tức gồm những người lãnh đạo do nhân dân, chứ không phải là một đảng phái bầu nên.

Đánh đồng nước lớn trong bối cảnh hiện thời nào khác đổ đồng tất cả vào trong một rọ bảo đều là dây, không có sự phân biệt giữa dây phơi và dây treo cổ.


©P.K.Đ

Xiếc, tranh của Joan Miró (1893-1983), họa sĩ Tây Ban Nha.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Đôi khi nàng cảm thấy cuộc đời lớn

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Tranh của ©Gustav Klimt (1862-1918), họa sĩ Áo

Đôi khi nàng cảm thấy cuộc đời lớn
hoang dã hơn, như dòng sông sủi sóng
hoang dã hơn, như cơn bão trong cây
và lặng lẽ thả băng những phút giây
hiến tâm hồn cho những giấc mộng.

Sau nàng thức giấc. Kìa đó một ngôi sao
im lìm đứng trên miền êm ắng,
Ngôi nhà nàng có những tường vẹn trắng -
Nàng nghiệm ra: cuộc đời lạ và xa
và nàng chắp hai bàn tay về già.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Manchmal fühlt sie: Das Leben ist groß

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Manchmal fühlt sie: Das Leben ist groß,
wilder, wie Ströme, die schäumen,
wilder, wie Sturm in den Bäumen.
Und leise läßt sie die Stunden los
und schenkt ihre Seele den Träumen.

Dann erwacht sie. Da steht ein Stern
still überm leisen Gelände,
und ihr Haus hat ganz weiße Wände -
Da weiß sie: Das Leben ist fremd und fern -
und faltet die alternden Hände.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Tranh của Gustav Klimt (1862-1918), họa sĩ Áo, đại diện quan trọng nhất của Wiener Jugendstil (Phong cách trẻ Vienna).

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Sẽ lập đường dây nóng về biển Đông

Phóng viên Vỉa Hè phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Phóng viên: Hành động gây hấn của Trung quốc ở biển Đông, không những không giảm mà có phần gia tăng theo hướng leo thang, thưa đồng chí Tổng bí thư, lãnh đạo Đảng đã lên tiếng nói chính thức gì hay chưa?

Nguyễn Phú Trọng: Kết quả như đồng chí thấy, cuộc ra mắt và hội kiến của đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn với đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Chí Quân đã mang lại kết quả có trong mơ cũng không sao thấy được. Trước hết, ta nhận lại được Mười sáu chữ vàng nguyên vẹn không hề sứt mẻ. Từ sau lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung quốc tinh thần Bốn tốt không ngừng được nâng cao, sắp tới đây, nếu có thêm đến Năm tốt, thì chúng ta hẳn không lấy gì làm lạ, thực là thêm một khuyên son cho tình hữu nghị đoàn kết giữa hai Đảng anh em.

Phóng viên: Nhưng tình hình bên ngoài không dịu đi chút nào. Một mặt, tướng lĩnh như ngài Mã Hiểu Thiên phát ngôn sực mùi răn đe dạy dỗ Nhân dân Việt Nam, lãnh đạo Trung quốc tuyên bố Việt Nam “không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng” (!). Mặt khác họ lại tìm cách lần thứ ba cắt cáp tàu Việt Nam. Đồng chí có cho rằng biến diễn ngược với tuyên bố chung của hai nước, và sắp tới chúng ta cần có biện pháp gì đối phó?

Nguyễn Phú Trọng: Trung ương nói chung đời nào chỉ đạo thế. Lại rắc rối từ phía địa phương gây ra rồi. Sắp tới tôi đề nghị với đồng chí tổng bí thư Hồ Cẩm Đào lập đường dây nóng trực tiếp trao đổi về tình hình biển Đông.

Phóng viên: Nghiên cứu quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh từ hồi trước Cải cách ruộng đất cho tới nay, trong dư luận có người trách cứ rằng đường dây viễn liên đó không có gì thay đổi cả, tức là đầu dây mắc về Hà Nội chỉ có ống nghe chứ không có ống nói…

 
Nguyễn Phú Trọng: Vấn đề này chỉ có người kinh qua lý luận Mác-Lê lâu năm như tôi mới hiểu nổi. Về đại thể ta phải xét những yếu tố tương đồng: đó là chế độ chính trị cộng với truyền thống hữu nghị lâu bền với Đảng Cộng sản Trung quốc. Hơn nữa Việt Nam ta và Trung hoa vinh dự thuộc về số ít các quốc gia trên hoàn cầu bỏ qua chế độ dân chủ, sớm tiến thẳng lên chế độ đảng chủ. Vả lại phong trào cộng sản quốc tế hôm nay luôn cần có sự chỉ đạo. Nếu tôi thay mặt Đảng chỉ dùng máy có mỗi ống nghe và Đảng ta tuyệt đối tuân theo chỉ thị của Đảng cộng sản Trung quốc thì cũng là hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ chứ sao. Lại nói thêm: Dân chủ nhưng phải tập trung, dân chủ còn lâu mới ưu việt bằng đảng chủ.

Phóng viên: Điểm qua báo chí công khai của hai nước, ta thấy hai bên cam kết „ tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc”; „phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn”. Thưa đồng chí Tổng bí thư, đồng chí có thể nói rõ hơn về công tác định hướng dư luận?

Nguyễn Phú Trọng: Công tác đảng phải đặt trọng trách lên việc hướng dẫn dư luận, cụ thể là tuyên truyền, nói thẳng ra là phải giáo dục quần chúng. Như đồng chí thấy, Nhân dân thành phần hỗn tạp, dân trí thấp kém, lập trường mơ hồ, hiểu biết chính trị non yếu và bao gồm rất nhiều phần tử phản động. Trong lịch sử cách mạng, Nhân dân nhiều lần làm cho Đảng ta há miệng mắc quai với Đảng cộng sản Trung quốc. Thử hỏi đồng chí, nếu không có Đảng, Nhân dân ta sẽ lạc lối, xa rời phong trào quốc tế cộng sản, sẽ bơ vơ khốn khổ biết chừng nào. Đảng sẽ mở rộng vòng tay đón Nhân dân quay lại. Nhân dân ta phải đời đời biết ơn Đảng, gìn giữ Đảng như con ngươi mắt mình và chính lúc này đây, Nhân dân phải biến lòng biết ơn đó thành hiện thực cách mạng. Trung quốc có bành trướng đến đâu thì cũng vẫn là nước xã hội chủ nghĩa, đồng minh vô địch của Đảng ta. Trải bao thập kỷ gian nan, gần hai chục năm trước lại thực sự hồi sinh từ Thành Đô, Đảng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, thành lực lượng hùng hậu cho Nhân dân Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Trên con đường đó, ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là bí mật đàm phán song phương. Gọi là liên hoành gì đó cũng được đi. Liên hoành nữa, liên hoành mãi với Bắc Kinh xây dựng Đông Phương Hồng.

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí Tổng bí thư đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

04.2012 - PVVH

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Mùa thu vắng

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của © Paul Gauguin (1848-1903), họa sĩ Hậu Ấn Tượng Pháp

Mùa thu đó cắt về hoang vắng
Cánh hải âu, phố thị cô liêu
Mái sát mái, tường nhòa trong nắng
Rã sắc vàng như ánh diêm tiêu

Hòa màu pha lòng sông sắt son
Đỏ rực màu lá táp trong muôn
Gương thu sáng thoáng trong trần khiết
Rồi chìm trong màn sương u buồn

Khay nến cháy trên tay, người bõ
Bước cúi đầu men lối nghĩa trang
Nhà nguyện vắng, khi chiều nổi gió
Cuốn vòng hoa. Người viếng vội vàng.

Cơn gió vuốt móng trên dầm gỗ
Tiếng âm u trào ngập khinh thanh
Trên bến vắng tựa niềm u uẩn
Của chia ly, hệ lụy, độc hành.

© PKĐ / Alt-Stralau 2015

Tranh của Paul Gauguin (1848-1903): Họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp, tác phẩm ảnh hưởng nhiều mặt lên sự phát triển của Hội họa châu Âu hiện đại.

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...