© Tranh của Salvador Dalí (1904-1989) |
Trong thời đại của Thông tin đại chúng, kẻ thống trị sử dụng Tuyên truyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết, kể cả trong những nền dân chủ (Die Zeit).
Tuyên truyền có nghĩa là xâm lấn. Nó nhỏ giọt vào trong câu chuyện, trong suy nghĩ của chúng ta và tàn phá sự sáng trong của nó.
Tất nhiên những gì chúng ta nghĩ không chịu ảnh hưởng của Tuyên truyền cũng không là tấm gương sáng bong của hiện thực. Những lầm lẫn, ngu tối, sở thích – tư duy của chúng ta có nhiều mô-tip, kể cả điều chưa suy xét cũng hùa vào, tỉ dụ như tình cảm, thêm vào đó những lề thói khi phát ngôn, ảnh hưởng tới hướng đi của chúng. Đại thể tuyên truyền gây tác động theo cung cách đặc biệt, bởi vì câu cú của nó khác. Những câu này nhắm mục đích khuất phục, chúng lợi dụng điểm yếu kém của ta. Ngoài ra các vị tổ sư của tuyên truyền không chú trọng xem những câu cú đó thực hay xằng bậy: chúng chỉ phải gây tác động. Và cuối cùng chúng được sản sinh một cách hệ thống, trong dạng thức của các cuộc vận động (Kampagne - cái từ này khởi thủy có nghĩa là cuộc chinh chiến).
Chúng ta bị vây bủa bởi tuyên truyền. Thỉnh thoảng nó lộ diện cho ta dễ thấy: Thí dụ cách đây chưa lâu, chính thể quân phiệt Ai Cập đã mở hai trang quảng cáo cho chính sách của họ trên tờ FAZ. Phần lớn sự tuyên truyền len lỏi vào, không bị nhận ra. Ta đặc biệt khó nhận ra, nếu chúng từ những mảnh rời rạc được những cá thể hăng hái tin vào những thứ đó chuyển tiếp đi. Như một virut, tuyên truyền sử dụng những kẻ thành tín này như là những cái máy sao chép.
Tuyên truyền cần làm cho con người ta tin vào điều gì đấy. Thường thì nó là một truyện kể cấp ý nghĩa cho sự việc hiển nhiên. Con người ta khá hay lồng cảm nhận vào trong một câu chuyện, giảm bớt đi cho bản thân việc đưa cái toàn thể vào nghi vấn mà không cần thách thức. Nếu như không có định kiến và những lề thói lặp lại trong suy nghĩ, thì không một ai nhúc nhích trước sự hoài nghi trầm trọng.
Hai trong số lề thói lặp đi lặp lại đặc biệt có tác dụng: Qui tắc nghiệm trải và Đức tin. Cả hai dạng thức chinh phục thế giới đều tồn tại song hành trong tất cả mọi nền văn minh, Thần ngôn và Thần thoại; con người ta đóng thuyền độc mộc hay chế tạo máy bay theo những quy tắc trải nghiệm, nhưng mà nếu như họ không biết rằng mình phải giải quyết thách đố ra sao, họ gọi lên các Thần thoại. Thần thoại này cũng lấp đi những lỗ hổng định hướng trong thế giới tư tưởng chính trị. Dạo đó với những cân nhắc này, triết gia Ernst Cassierer (2), ông mất năm 1945, đã giải thích bệnh dịch của những Thần thoại giết người trong thế kỷ 20.
Cassier còn bổ sung thêm chút nữa: kể cả Thần thoại cũng đòi hỏi nỗ lực không ngơi nghỉ. Bởi vì Thần thoại bị bào mòn nơi thực tại, cho nên nó luôn phải được gia cố, chống đỡ và tu chỉnh lại – thí dụ như chủ nghĩa Mác-Lênin từng sản sinh ra hàng dãy thư viện đã phải nhọc nhằn cố sức ở mâu thuẫn giữa Thần thoại mang tầm vóc lịch sử và Thực tế.
Sự ổn định ngôi nhà bằng cách tuyên truyền này là công việc của Sisyphus, nó không thể là công nghiệp của từng người, mà chỉ có thể là của những tập thể. Của các nhà nước vậy chăng, các đảng, các hãng, các Thinktanks, các nhóm lợi ích, các tổ chức vô chính phủ, hiệp hội, những cộng đoàn tín hữu. Tuyên truyền đòi hỏi tổ chức đi trước.
Cái chứng tích sắt đá của thiết chế lập nên nền tảng lần đầu tiên mang cái từ Tuyên truyền đi vào danh nghĩa nằm ở Rom: công sở Palazzo di Propaganda Fide được thành lập vào thế kỷ 17, chính là Cung điện truyền bá Đức tin, quê hương của Học viện Dòng Tên. Mà thế đó nhà thờ chỉ phát minh ra từ ngữ, chứ bản thân không phát minh ra Tuyên truyền. Cái này lâu đời hơn, cổ xưa như nhà nước vậy. Cũng trong thành Roma đó, chỉ cách trước đó có hai thời đại lịch sử thôi, Tuyên truyền của nhà nước đã được khắc vào đá cẩm thạch: Những hoàng đế La mã nhận được những danh xưng thần thánh hóa, thí dụ như dòng chữ tạc vào bia đá đã vinh danh hoàng đế Caracalla sinh năm 1988 là „hoàng đế vĩ đại nhất, bách chiến bách thắng nhất, đẹp lòng thần thánh, dũng cảm nhất, được các chúa thánh sủng ái nhiều nhất, vượt lên trên mọi hoàng đế bởi ân lộc trời ban“ – bất giác người ta phải nghĩ đến Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên.
Trong chiến tranh các nhà nước mới tiến hành tuyên truyền đúng nghĩa. Ở thế kỷ 20, sự tiến hành chiến tranh tâm lý đã đạt được những chiều kích không thể tưởng: Cả hai cuộc chiến tranh thế giới cũng là những trận chiến tuyên truyền. Đối với chiến tranh lạnh, điều đó không hề giảm ý nghĩa, tại miền Đông và Tây được dựng nên các thiết chế nhà nước và nửa nhà nước đứng ra quảng cáo cho những hệ thống thù địch với nhau. Chúng tận dụng những phương tiện truyền thông mới như đài và vô tuyến; sau khi chiến tranh lạnh kết thúc một triều đại tiếp đã đến theo cùng Internet.
Chủ nghĩa đa nguyên truyền thông nâng đỡ nền dân chủ.
Những xung đột khởi sự, tính cả những xung đột chiến tranh vào đó. Không thể quên sự tuyên truyền lừa đảo của Mỹ trong cuộc chiến Trung Đông lần thứ ba, và không có chút gì thua kém nó là sự bóp méo thông tin từ nước Nga – cả hai đều là những hoạt động tổ chức mang tính nhà nước, nhằm dẫn dụ hàng triệu khán thính giả vào u mê với sự tiếp tay của thông tin đại chúng nắm giữ trong tay. Mới đây tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giai đoạn này đã được nhìn nhận lại một cách phê phán, chí ít bởi một phần công luận đã muốn biết rằng tại sao những nhà báo khả kính đã lặp lại tất cả những điều lừa mị này.
Báo chí bị qui kết rằng, đã kề vai sát cánh với những người nắm quyền lực chính trị lập nên một tập đoàn cấu kết. Mới gần đây thôi, Jürgen Habermas (3) đã chẳng cay độc nói trên tờ Süddeutsche Zeitung rằng „ Sự biến hóa của báo chí cũng góp phần gây mê công luận hậu dân chủ trở thành một thứ làm báo săn sóc, tay trong tay cùng với giai cấp chính trị chăm lo cho sự dễ chịu của khách hàng“. Ít ra người ta có thể đọc cái câu phê phán này trong một tờ báo, kế đó báo chí tiếp tục trích dẫn câu này. Nhìn chung qua đó câu này không bị sai nghĩa.
Nguy cơ của sự dàn xếp kín đáo giữa phương tiện truyền thông và quyền lực tồn tại không có gì phải bàn cãi. Chẳng hạn như các nhà báo phụ thuộc vào việc đón nhận tin tức từ các nhà chính trị, điều đặt tiền đề cho một quan hệ tin cậy đi trước: Từ đây cho tới quan hệ bằng hữu chén chú chén anh chỉ còn là một bước nhỏ nhưng rất hệ trọng.
Đó không phải là điều nhà ngữ học và nhà phê bình truyền thông Noam Chomsky (4) ngụ ý với „mô thức tuyên truyền“ của ông, được đưa ra thảo luận từ một phần tư thế kỷ.
Cùng với nhà kinh tế truyền thông Edward S. Herman, Chomsky dựa vào mô hình Mỹ phân tích phương tiện truyền thông như là „những công xưởng đồng thuận“ thể theo lợi ích của những kẻ có quyền lực xã hội. Theo lý thuyết của ông, tin tức đã được lọc trước khi công bố, vẻ như không có một âm mưu nào đứng sau đó; sự lựa chọn thông tin dung hòa quyền lực thực ra vận hành bản năng hơn. Thí dụ không có một phương tiện truyền thông nào, dạo đó Chomsky viết, có thể lâu dài dàn trận cưỡng lại sở thích và thế giới tư tưởng của người chủ sở hữu nó. Ngoài ra sự lựa chọn nhân sự của những ban biên tập cũng đã dàn xếp cho một sự dung hòa cơ bản ít hay nhiều ở tầm rộng khắp, mà nội trong phạm vi đó công việc của họ vận động.
Như vậy đó. Nếu giả như đó là tất cả sự thực, sự thực sẽ không đánh sập xuống. Tuy nhiên cũng được tính về sự thực - ít nhất trong các nền dân chủ- việc nhiều phương tiện truyền thông cạnh tranh nhau giành người đọc. Những phương tiện đại chúng này cuối cùng khác biệt nhau, xét cho cùng, bởi độ dàn trải ý kiến công luận và sự lựa chọn nhân sự. Chính vì vậy trong những phương tiện đại chúng đó, những người như Chomsky thường xuyên lên tiếng.
Chắc chắn rồi, những phương tiện truyền thông cạnh tranh nhau không luôn luôn gây ảnh hưởng bằng nhau, và đằng sau chúng không luôn có lực lượng tư bản như nhau hậu thuẫn, và sự đa nguyên phương tiện truyền thông ở từng nước rất khác nhau; và cũng phải luôn luôn tranh giành lại nó, ngay cả trong nội bộ các Ban Biên tập. Nhưng nó vẫn nguyên còn là một sự chuyện hiển nhiên mang tính chính trị. Về danh nghĩa tại nước Đức, mỗi một luận điểm đều đến tai công luận. Càng đúng lúc, từ khi có Internet.
Có rất nhiều chiến lược khác nhau nhằm khẳng định mình trong thế giới truyền thông đa giọng này. Đối với một số chào mời, sự đàng hoàng ra đầu ra đũa không thuộc về lời hứa nhằm bán hàng, nhưng những chào mời khác trái lại bằng mọi giá không được đánh mất sự đáng tin cậy. Tuy nhiên kết cục cuối cùng chính độc giả, khán giả hay là người sử dụng sẽ định đoạt về sự tiếp tục tồn tại của một phương tiện truyền thông. Ở trong đó một lần nữa hiện ra sự khác biệt của Làm báo với Tuyên truyền. Về sự tồn tại của nó chỉ một mình những người có quyền lực định đoạt.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguyên văn tên bài: Tuyên truyền: Chúng ta bị bao vây, đầu đề do người dịch đặt lại
Nguồn: ZEIT ONLINE
Chú thích của người dịch:
(1) Gero von Randow (sinh năm 1953): Nhà trước tác, biên tập viên của tờ Die Zeit (Thời đại)
(2) Ernst Cassierer (1874-1945): Triết gia Đức
(3) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia và nhà xã hội học người Đức
(4) Noam Chomsky (sinh năm 1928) là nhà Ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận chính trị, và nhà hoạt động người Mỹ.
Tranh của Salvador Dalí (1904-1989): Họa sĩ, nhà đồ họa và điêu khắc người Tây Ban Nha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét