Tranh của Osman Hamdi Bey (1842-1910) |
Sau chuyến nghỉ bên bờ biển Alanya vùng nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, mình nhớ nhất chàng thanh niên khôi ngô, cười phô răng trắng đứng phục vụ đồ uống ở sảnh ăn. Còn ba bốn người nữa mới đến lượt mà thấy mình từ xa cậu ta chắp tay trước ngực và cúi đầu chào bằng tiếng Thái „sawadee khab“, xong lại rót khay cốc cho người xếp hàng. Biết mình là gia đình người Việt Nam, có lẽ không bao giờ lai vãng nơi đây, lần sau đó cậu cung kính hơn hẳn, gập người chắp tay búp sen lên ngực, chào 3, 4 lần, rồi khá bất ngờ soãi ngang hai tay làm khẩu súng trường, hô lớn „Peng! Peng !Peng“. Khách du lịch Việt lần đầu rời nhà ra đi thấy thế thì dễ bực, mình quen lại khoái cậu chàng gọi ra hồn vía đất nước quê hương rồi, còn sai gì nữa. Mình xua tay, yên bình rồi, đất nước tao không còn thế - và áp hai tay vào má nghiêng đầu ra hiệu ngủ ngon -, chỉ có bọn nhà các cậu mới „Peng peng peng“ nhau ở Istanbul. Cậu ta sáng mắt, phá lên cười.
Như vậy là hòa chứ gì, mà có dễ mình là người „thắng cuộc“.
Trên sàn rộng giáp biển đang ngồi uống bia chuyện vãn với vài gia đình Thổ Nhĩ Kỳ từ Düsseldorf qua, cậu ta ghé vào chỗ mình. Cậu lớn tiếng khâm phục người Việt Nam hào hùng vì độc lập, tự do và chủ quyền của một dân tộc. Mình không bày tỏ gì, bởi đang há hốc mồm nghe câu chuyện khác. Cái điều khiến mình sửng sốt nhất trước đối tượng đàm luận là ba bốn người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi, sống từ bé và có công ăn việc làm hẳn hoi bên Đức (có thế thì mới dư dả chút tiền đi nghỉ dưỡng) đều đứng ra bênh ông Tổng thống Erdogan chằm chằm. Trái lại, mình dứt khoát, Erdogan đã đào huyệt chôn những thành tựu thế tục hóa và dân chủ, giờ đây đang lăm lăm đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xuống đó. Nên lúc này thoạt nghe không tin vào tai họ thuyết, nào là hãy nghe chúng tôi đi, bản lĩnh là Erdogan, viễn kiến là ông ấy, chưa một vị chính khách nào ở châu Âu có tầm tư duy dân chủ như Erdogan, ông ấy những là người dân chủ nhất. Bốn năm người tranh luận khuỳnh tay khuyên tôi đừng làm nạn nhân cho ý kiến công luận phổ quát của phương Tây và Mỹ đang gây dựng và lèo lái. Phương Tây và Mỹ, như họ biện luận, chỉ muốn kìm hãm sức mạnh của đế chế Ottoman từng làm mưa làm gió từ Đông sang Tây, đã bị phương Tây trăm năm trước khuất phục sau hòa ước Sèvres.
Chắc nhiều người chưa biết, những ngày mình đang nghỉ ở đây, tổng thống tổ chức miễn vé cho dân tình đi lại tàu xe để lên Istanbul xuống đường cổ vũ ông. Cổ động viên hô hào tên ông được uống (rượu cồn chắc hẳn) miễn phí nữa. Tại Cologne (Köln) của CHLB Đức, người Thổ Nhĩ Kỳ từ mọi quốc gia tới vẫn tiếp tục biểu tình ủng hộ vị tổng thống, dù đóng vai trò Thượng phụ, Trưởng lão hay Chủ tế, Giáo chủ gì chăng nữa, theo mình cũng đang cuồng xưng hùng xưng bá. Ông ta gửi sang Đức đội quân giáo sĩ giảng giáo phù trợ ông. Và còn đòi sang cả đất nước Đức diễn thuyết trước các cuộc biểu tình tán dương. Nhà cầm quyền Đức từ chối lý do bất chính, cũng như trong thực tế bỏ qua yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, từng từ chối truy nã các nhà bất đồng chính kiến và đối thủ chính trị của ông đang nương náu, trong số đó gồm cả nhiều người bị điệp viên Thổ phái đến ám sát trên đất nước mình.
Ngạc nhiên hơn, dân cư vùng Antalya và Alanya, gần trăm phần trăm đều là những kẻ cuồng Erdogan. Họ cho rằng, với Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn tới vị trí đế quốc vĩ đại xưa kia. Erdogan giúp đất nước họ giờ đây cất tiếng nói mạnh mẽ của mình trên trường quốc tế. Mỹ và Tây Phương có bực mình cũng chỉ bởi tổng thống đã đàm phán thành công xóa sổ mọi nợ nần, và khá nguy, điều này có thể thành tiền lệ cho nhiều nước khác còn vay nợ tổ chức Ngân hàng thế giới.
Nghe họ nói, nào là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hùng mạnh trên trục xoay cán cân quyền lực thế giới, nào là đồng Lira đang lên giá, dù không muốn kể lại đây, mình có cảm giác nhàm tai đâu đây đang nghe lại những luận cứ ói màu dân túy. Hay là ở đây cũng có Hồng Vệ Binh hay Dư Luận Viên?
Khẳng định rằng không dễ tin quan điểm phổ cập do châu Âu hay Mỹ đưa ra, mình phản bác lại họ. Chính nền truyền thông phương Tây trong khung pháp lý tạo dựng đang dung nạp và thậm chí tạo ra một đội ngũ những nhà phê bình truyền thông gay gắt đòi hỏi nhìn nhận các diễn biến sự kiện dưới nhiều giác độ. Chỉ một điểm này thôi đã tạo khác biệt so với lối hành xử của Erdogan với truyền thông và báo chí Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đảo chính, kết luận do bàn tay thao túng của Fethullah Gülen (vị giáo sĩ đứng đầu tổ chức FETÖ đối lập, tạm gọi là Thổ Tân), ông cho bắt bớ và nhân tiện thải hồi một loạt chuyên viên, công chức, thẩm phán, ... được cho là tay chân của đối thủ chính trị, song song đó dẹp luôn nhiều nhà xuất bản, đóng cửa một loạt các tòa báo.
Lên xe ra về, mình biết rõ mình hiểu biết rất hạn chế về đất nước đứng như tường thành thép bảo hộ Âu Châu. Cũng với tư cách của người du lịch, mình chỉ mới ngắm một pháo lũy trên đỉnh non kia.
Đến Thổ Nhĩ Kỳ ba lần rồi, người vãng du là mình không thể nêu ra với người dân nước này nhiều sự thật đáng nói. Rằng đất nước mình, được ngưỡng mộ bởi tinh thần quật cường và gan dạ đã đánh đuổi ngoại xâm, qua bốn năm cuộc chiến, giờ đây lại oằn mình cõng chịu trên vai một lớp chủ nô cũng mũi tẹt da vàng từ đồng bào mình, ác độc tham tàn và ngu muội hơn những ông chủ xưa khi kích động dẹp đuổi họ kêu là thực dân, đế quốc. Hệ thống toàn trị của một đảng hơn 70 năm xây dựng lên đáng ghê tởm hơn nhiều thiết chế độc trị của Erdogan, bởi dù sao ông ta cũng được một thể thức dân chủ bầu nên, và nền nếp của dân chủ vẫn còn đó, đập phá đi được từng công đoạn bên ngoài vẫn còn lại bên trong ý thức người dân không dễ sớm một sáng chiều dỡ bỏ. Hơn nữa ông ta đại diện cho mẫu người thực dụng và ích kỷ. Thế giới, mình nghĩ, vẫn còn khả năng ứng xử với những kẻ ích kỷ trần trụi hơn bọn tham tàn dựng một giáo điều che chắn, biện hộ.
Nhìn vào một sự thật của bốn cuộc đảo chính ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn nên thừa nhận một thực tế, các tướng lĩnh can dự mới đây đều tuyên bố muốn xóa sổ Erdogan vì một nền dân chủ. Nếu chính biến diễn ra khác đi mình vẫn ưu tiên họ hơn Erdogan. Và nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng nên trong một quá trình thế tục hóa, thực tế vốn dĩ được khai sinh ra bởi Mustafa Kemal Atatürk - một vị tướng khai quốc công thần chủ trương cải cách Thổ Nhĩ Kỳ theo mô hình các nhà nước Tây phương thời hiện đại.
Nói như thế không có nghĩa mình đánh đồng đảo chính với bạo loạn. Trong bối cảnh hiện tại, mình không chào đón bất kỳ một cuộc đảo chính tại quê nhà. Chỉ muốn thêm vài tiền đề khác để so sánh. Các bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ đảng toàn trị, hiện thời, chỉ là những xung đột phát sinh từ tranh giành quyền và tiền. Mình đâu thấy lý lẽ gì biện hộ một sự yên bình và ổn định rao giảng trên truyền thông chính thống của nhà nước toàn trị. Mình bác bỏ mọi biện hộ về sự „ổn định chính trị“, tuy thế hoàn toàn không đặt hy vọng gì vào một cuộc đảo chính tại Việt Nam. Tướng lĩnh Việt Nam, rèn giũa trong đoàn thể duy nhất cũng chỉ là quân cờ được nhấc lên nhấc xuống. Tướng tá hay lãnh đạo cao cấp điều phối họ đều từ một cái chuồng tư tưởng, ý hệ. Nếu kẻ đứng đầu một nhóm gây chính biến tức là cùng lúc họ hô hào người dân, từ nhiều thập kỷ vốn bị cách ly ngặt nghèo và miễn nhiễm với dân chủ và các giá trị đi kèm can dự vào cuộc đổ máu tranh chấp vô trách nhiệm mịt mùng vô định. Không một ai trong số họ có một nhận thức, viễn kiến và dự án chính trị vượt ra khỏi bãi xới họ đấu đá. Cung cách họ giành giật, gùn ghè nhau cho ta dự cảm cái lốt tranh giành chẳng hề mang tính „đồng chí“, chưa tận mắt đã nghe tiếng rú rít của loài linh cẩu. Những ngày qua nghe như thế súng nổ Yên Bái, mình mới biết con đường Việt Nam hiện thời đi đến một Thổ Nhĩ Kỳ đang khủng hoảng còn rất vời xa và gập ghềnh trăm nẻo.
Trên chuyến về, không phải là ăn gian hay muốn giấu nhẹm nhiều điều đâu, mình biết, với hiểu biết hạn chế về một đất nước, tranh luận vãng lai cũng đến đó mà thôi. Trên núi cao có thành lũy mình chưa hề thăm viếng. Bên bờ biển biếc màu lam ngọc còn đó rì rào cây cọ đứng vút cao với nửa vạt xém bất động như thể lặng câm.
©® P.K.Đ
Tranh của Osman Hamdi Bey (1842-1910): Họa sĩ, nhà khảo cổ người Thổ Nhĩ Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét