Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Bài thơ "Tháng Chín" của Hermann Hesse

Gerhard Stadelmaier 

Tranh của Paul Gauguin (1848-1903): Họa sĩ Pháp

Dưới giác độ trữ tình, tháng Chín đang lại gần là thời điểm lý tưởng để chết. Và bài thơ này là một đồng thuận tuyệt vời bình thản với kết thúc, nơi Hermann Hesse thế đấy vẫn còn nấn ná lại một hồi.

Hãy hôn vào cánh tay già héo đi! Thần chết là một hiệp sĩ hoa hồng. Với một nhành hoa chết nở điều kỳ diệu trong lẵng an ủi của người mang hoa dành cho đôi mắt „thấm mỏi mệt“ và tựu trung cho tất cả những ai khát khao an nghỉ cuối cùng muốn thu xếp việc này với một gout thẩm mỹ tinh tế và phong thái trầm tĩnh. Và như thế, vào ngày 23.09.1927, Hermann Hesse, khi đó là người đàn ông „ trạc ngũ tuần“, trên những chân thơ ba bốn nhịp lên nhẹ nhàng và lả lướt, đã để cho mùa hè trở thành một ngữ hình rất có nhân tính, vượt qua tầng đời rạng chiếu, nóng hổi - chín muồi, và „ngỡ ngàng và thâm u“, sao mà như sẵn đợi, kiêu hãnh buồn thương trong không khí lạnh rùng mình của tuổi già chầm chậm bước những dốc xuống đi về vĩnh biệt.

Tháng Chín - nhìn ở khía cạnh thơ ca là thời điểm thuận nhất để chết, nếu như hoa vẫn còn hiện diện. Mưa rỏ xuống lòng hoa và hàng ngàn bông phấn bụi nhỏ sắc vàng nhỏ xuống từ cây keo hoang dại với những cành xoáy khá vút lên cao ngỡ hồ dâng tặng đất mồ nghĩa trang trong một cơn cuồng phong mưa vàng cuối cùng những chiếc lá xếp dẻ quạt đối hàng trút xuống.

Người ta không chết trong tháng Tám

Nhưng mà trước đó còn một chương trình đối lại rõ rệt. Sự điên cuồng. Có thể nói như thế trong tháng Tám của đời ông, cũng trong năm 1927, Hesse, hợp với thiên chất, đã đưa Krisis (1) thành thi tập vào tâm điểm cuộc đời và với 56 bài thơ ông lăn lộn trong đất vô cơ của khu vườn đời hoang dã và nghịch ngợm và một lần nữa, một cách cay đắng và trào lộng (và cả một chút gì đó tự thương cảm) buông ra sự bực tức và đớn đau cũng như tiếng reo vui đã trở nên mong manh: “Họ buông xuôi, họ chán đời/ họ bị bỏ rơi, họ lỡ dở/ Và quỉ ơi mái tóc rụng đi”, nhưng rồi những tưởng ” trước khi kết cuộc” một cô gái sà vào cánh tay, ông cởi “áo và quần cô ra/ Và sau đó nhân danh Đức Chúa/ Thần chết đón ta đi. Amen”. Nhưng mà không trong tháng Tám. Trong một thứ kiểu như lên cơn sám hối cuồng nộ trước khi sập cửa ông đã đeo lên mặt chiếc mặt nạ phóng đãng trước giá treo cổ của Villon (2): „A mà tôi nốc và ngấu nghiến/ Không còn tên là gã Hesse/ Nằm bên những mụ đàn bà/ Chà thân mình vào cơ thể họ/ Không thỏa độ bóp cho chết nghẹt/ Rồi sau đó gã đao phủ tới/ và mang tôi đến nơi yên nghỉ“, bởi vì: „Gã Hesse nổi tiếng ấy biến rồi/ Duy ông chủ nhà in nhờ khách hàng mà sống“ (Điều ai cũng biết sau cái chết thực của Hesse vào năm 1962, nhà xuất bản Siegfried Unselds Suhrkamp tiếp tục thoải mái làm và vớ bẫm cho tới hôm nay...). Và „ Tới tai Đức thánh Gioan Rửa tội, gã Herrmann Say khướt cất tiếng“ về tinh cồn của sự tiêu thụ cô-nhắc cấp cao: „Ai biết hoan lạc của cuộc đời/ Hẳn liếm vào mõm mình/ Ngoài ra chúng tôi đáng hưởng/ chết đi thê thảm ngày mai“. Nhưng không trong tháng Tám. Ngày mai là „Tháng Chín“.

Nhưng trong khi những bài thơ tập Krisis bướng bỉnh thứ nhạc mèo kêu lảnh lói, bài thơ Tháng Chín với những bộ kèn sáo bằng gỗ (sáo, kèn, oboe) vút cao như cây keo, với âm sắc của đàn celesta, của những biến đổi âm run rẩy của bộ dây và xúc cảm từ tạ mãnh liệt của giọng soprano đã gióng lên một thanh âm giao hưởng khác: tương tự thế, cũng như Richard Strauss (3) trong phần hai của „Bốn bài hát cuối“ đã phổ nhạc „giấc mơ vườn hấp hối“. Và mặc dầu Hesse không thích thú nghệ thuật âm nhạc của Strauss, coi là thứ „điêu luyện, tinh vi, đầy vẻ đẹp thủ công nhưng mà không có trung tâm, chỉ là mục đích tự thân“, thì trong những điệu hò đơn âm và những bước đong đưa giai điệu nhúng hoa vào đó, nơi cơn mưa cung thứ thương cảm ngọt ngào hắt xuống cũng như hát lên ở đây, thì Strauss đã hoàn toàn tuyệt vời bắt trúng vào âm hưởng của từ trần, của cái chết và sự an ủi của bài thơ này: như một sự đồng cảm tuyệt vời và bình thản với kết thúc. Của một ngữ hình quan trọng. Nó có thể nói về bản thân mình:“Kính Cha, thực đã đến thì/ Mùa hạ vô cùng rộng lớn“(4). Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Tháng Chín

Hermann Hesse (1877-1962)

Khu vườn buồn tưởng
Mưa đổ xuống lạnh lòng hoa
Mùa hè đương đầu hồi kết
im lặng nổi phong ba

Từ cây keo cao
Rỏ xuống vàng ròng, lá theo lá
Ngỡ ngàng và thâm u, mùa hạ
Mỉm cười vào giấc mơ vườn hấp hối

Khát khao yên nghỉ, bên những đóa hồng
Lâu chút nữa mùa hạ dừng chân.
Rồi khép lại chậm dần
Đôi mắt lớn thấm màu mỏi mệt.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

September

Hermann Hesse (1877-1962)

Der Garten trauert,
Kühl sinkt in die Blumen der Regen.
Der Sommer schauert
Still seinem Ende entgegen.

Golden tropft Blatt um Blatt
Nieder vom hohen Akazienbaum.
Sommer lächelt erstaunt und matt
In den sterbenden Gartentraum.

Lange noch bei den Rosen
Bleibt er stehen, sehnt sich nach Ruh.
Langsam tut er die großen
Müdgewordenen Augen zu.

Chú thích của người dịch:

Hermann Karl Hesse (1877-1962): Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Đức, nhận giải thưởng Nobel văn chương cho tác phẩm văn xuôi và thơ của mình.

Gerhard Stadelmaier: (sinh năm 1950): Nhà báo, nhà phê bình sân khấu Đức.

(1) Krisis: Tác phẩm nhật ký thơ xuất bản năm 1928 sáng tác trong thời gian Hermann Hesse viết Sói đồng hoang.
(2) François Villon ( 1431-1463): Nhà thơ Pháp, tác giả quan trọng nhất của thời Trung cổ hậu kỳ.
(3) Richard Georg Strauss (1864-1949): Nhạc sĩ Đức, được tính về trào Lãng mạn, con trai của nhạc sĩ Franz Strauss, ông nổi tiếng vì nhạc opera, phổ thơ và sáng tác bài hát.
(4) Câu mở đầu bài thơ Mùa thu của Rainer Maria Rilke, thi sĩ Đức.

Tranh của Paul Gauguin (1848-1903): Họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp, tác phẩm ảnh hưởng nhiều mặt lên sự phát triển của Hội họa châu Âu hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...