Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Nghĩ về biểu tình bạo động

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của Marcel Duchamp (1887-1968), họa sĩ Pháp-Mỹ

Công nhân xuống đường chống Trung quốc manh động đập phá, đánh người ở các khu chế xuất công nghiệp Bình Dương, Vũng Áng, tôi cầu mong rằng đó chỉ là thiểu số. Tác hại của phá phách, đánh đập, cướp mạng người như thế nào mọi người đều đã rõ. Ngay hôm sau, „đốt công xưởng“, „phá nhà máy“ là những cụm từ được nhắc tới trên báo chí ngoài nước truyền tin Trung quốc kéo giàn khoan xâm chiếm lãnh hải, gây phản cảm nơi công luận quốc tế. Không thể nói chính quyền, từ những quan sát động thái công nhân Trung quốc trong những cuộc biểu tình kích động chống Nhật bản trước đó, không thể lường trước được ít nhiều hành vi quá khích sẽ xảy ra.

Cho nên phải nói trước là việc chính quyền bật đèn xanh cho biểu tình ngày hôm 13.05 là bước đi bị động và thiếu thận trọng. Trước sự thật Trung quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải một cách có hệ thống sờ sờ ra trước mắt, đáng lẽ phải có sự khuyến khích và tập dượt biểu tình từ lâu. Nhà nước cấm biểu tình, đồng nghĩa biểu tình với „tụ tập đông người quấy rối“. Từ nhiều năm trước, rất nhiều nhân sĩ trí thức ưu tư vì tiền đồ đất nước ra lời kêu gọi mọi người chống Trung quốc xâm lược xuống đường biểu tình dưới hình thức bất bạo động. Họ ký kiến nghị, chủ trương tranh đấu bằng hình thức, biện pháp ôn hòa. Bước xuống đường tuần hành về, họ đều nhận được những sự bỉ báng vu khống từ các cơ quan truyền thông chính thống và sự đối xử du côn của đám người ma quỷ do an ninh cài vào được gọi là „quần chúng tự phát“. Đám quần chúng tự phát này chính là côn đồ, lưu manh được huy động hỗ trợ cho nhảy đầm, cưa đá, những biện pháp của chính sách bất minh.

Người quan sát bên ngoài có thể hiểu được nỗi lo sợ cố hữu của nhà nước cai trị bởi một nhóm chia nhau lợi ích. Thiểu số đó không do nhân dân trực tiếp cầm lá phiếu phổ thông bầu ra, nên không có tính chính danh. Và bởi nhà nước độc tài không có giá trị gì để chia sẻ với thế giới dân chủ - dân sự nên bên ngoài hoàn toàn bị cô lập. Qua nhiều chục năm cai trị, nhà cầm quyền cai trị càng lo sợ hơn nữa, bởi thực tế bên trong càng đi xa, càng mâu thuẫn với những điều hứa hẹn tương lai cho người cần lao của Đảng độc tài tôn xưng trong Cương lĩnh là „đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc“.
Nhưng ta cũng phải hiểu tình cảnh những người ở bước đường cùng, trong số họ nhiều người mất trắng ruộng đồng, hẳn phải đớn đau nhỏ lệ khi nhắm mắt đưa chân vào công xưởng nhà máy sống cuộc đời thêm lần nữa bị bỏ rơi. Họ sống trong tâm thế bức xúc dễ bị kích động. Nhân dân phần đông ở dưới mức sống tối thiểu, bị kiềm chế lâu năm, chỉ cần được nhà nước ngầm khuyến khích dễ đương nhiên coi sự đồng tình ngầm của nhà nước quen cai trị bằng ý chí và những nghị quyết trên cả luật là cơ sở chính đáng để hợp thức hóa hành vi bạo động của mình.

Dù là hò hét đập phá, đánh người đốt kho, đều là những hành vi man rợ không có lý do gì để đưa ra biện hộ, càng không thể ủng hộ sự kích động lôi kéo mang hậu ý của Trung quốc. Công nhân Trung quốc cũng mang số phận khốn khổ cầu bơ cầu bất chẳng kém người mình, và trong số chủ việc hẳn cũng có người bất đồng với chính sách ăn cướp của Trung Nam Hải. Song, lên án bạo động, chúng ta phải tự hồi tâm nghĩ lại. Bên thắng cuộc đã vào thu chiến lợi phẩm, cướp của Sài gòn, tịch biên tài sản mại bản, đuổi người Hoa yêu nước Việt, cướp trắng tài sản của những người Việt tha hương tỵ nạn. Khả năng bạo lực bùng phát phải tính đến cho một đảng độc chiếm quyền lực, độc tôn chân lý, cấm công đoàn độc lập và định hướng tư tưởng theo tinh thần Bốn tốt và Mười sáu chữ vàng. 

Tính chính danh, không đổi khác làm nên tư cách của một quốc gia. Sau sự kiện kéo giàn khoan xâm phạm lãnh hải, Việt Nam hôm nay lẻ loi đứng trơ ra với bao điều tiếng trên trường công luận quốc tế, không một tiếng nói bênh vực từ những người đồng chí, và chịu sự xa lánh của thế giới văn minh đang nhìn về Việt Nam với lòng thương cảm nhân dân và chút ít thương hại người dân tự phát. Và người ôm quyền lực cao nhất đang cố công tìm cách gặp gỡ thương lượng. Chúng ta phải kiên quyết phản đối mọi sự đi đêm tiếp diễn. So với những cuộc đi đêm giữa các nước lớn xung quanh số phận Việt Nam, sự đi đêm giữa lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung quốc gây ra tổn hại tàn khốc nhất cho dân tộc Việt Nam, trong quy mô nhỏ hơn cho người dân Trung quốc. Mật ước Thành Đô mới chỉ là một điểm đóng cọc đầu tiên cho giàn khoan hạ thổ.

Đến giờ phút này nhà cầm quyền không chịu thả người tù nhân chống Trung quốc xâm lược, từ chối nhân quyền, dùng mọi thủ đoạn cản trở những quyền cơ bản trong đó có quyền biểu tình, quyền lập đảng phái hiệp hội, quyền tự do báo chí và ngôn luận. Các quyền cơ bản đó, việc luật hóa bị bỏ lỡ ở một kỳ họp Quốc hội năm ngoái, phải được khai phóng và thực hiện song song với nhau. Hệ quả xã hội toàn trị từ chối nhân quyền mang lại là con số không. Nhà nước nói nhiều về „bản sắc văn hóa", nhưng không xây dựng văn hóa tranh luận, văn hóa truyền thông - đối thoại, và liên hệ với những vụ biểu tình đi liền với bạo hành vừa qua ở Bình dương, Vũng Áng quả thật đất nước chúng ta không có văn hóa biểu tình.

Công điện của ông Thủ tướng chính phủ về đảm bảo đảm trật tự an ninh trật tự về nội dung cần được ủng hộ trong những ngày này, chừng nào Luật biểu tình còn bị trì hoãn. Nhưng chừng nào một cải cách chế độ còn bị các nhóm lợi ích trì hoãn, công điện này về lâu dài thiếu thuyết phục, bởi vẫn chỉ là một thứ lệnh ban xuống từ bộ máy cai trị tùy tiện „cho“ và „cấm“ không hơn.

©® P.K.Đ - 14.05.2014

Nguồn: Dân Luận

Tranh của Marcel Duchamp (1887-1968), họa sĩ Pháp-Mỹ, thuộc về những họa sĩ mở đường cho Chủ nghĩa Đa đa và Siêu thực trong Hội họa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...