Tranh của ©®Gerdhard Richter (sinh năm 1932) họa sĩ Đức |
Bây giờ tôi biết, họ đã tha thứ cho chúng tôi tất cả những gì họ gây ra cho chúng tôi (trang 440 – 454)
Cuộc chiến xung quanh di sản Mielke – (Phần II)
“ Tôi muốn có hồ sơ về tôi!”- đó là yêu sách phổ cập. Chúng tôi những người chiếm cứ muốn rằng, không một ai khác ngoài những người bị canh gác và theo dõi bản thân có quyền định đoạt hồ sơ An ninh của mình. Chúng tôi quan niệm rằng một người công dân đầy đủ năng lực có thể xử lý một cách đầy trách nhiệm quá khứ của mình. Ngoài ra chúng tôi đòi hỏi Hồ sơ An ninh không được phép rơi vào sự quản lý của những kẻ quan liêu viên chức ất ơ nào đấy, mà chính những nhà hoạt động của Ủy ban công dân phải được bổ nhiệm làm việc này. Chúng tôi đòi hỏi rằng trong tương lai bản thân các nhà quản lý hồ sơ cũng phải đứng dưới sự giám sát của Quốc hội. Hồ sơ các loại phải được bảo toàn như tư liệu lịch sử phục vụ cho việc nghiên cứu. Chúng tôi kiên trì đòi truy nã hình sự những thủ phạm của Bộ An ninh cũng như sự thải hồi ngay lập tức tất cả - dĩ nhiên là tất cả- những cộng tác viên thời đó của Bộ An ninh ra khỏi bộ máy công quyền.
Các chính trị gia phía Tây mang lòng ưu tư đã có ác mộng rằng những người dân CHDC Đức sẽ cắn nát mũi nhau, nếu như một ngày hồ sơ được đem ra ánh sáng. Sau này đã không xảy ra điều gì giống như vậy. Những tập hồ sơ này không những là tài liệu lý tưởng cho khoa học lịch sử, mà còn có ý nghĩa sinh tồn đối với các nạn nhân của nền chuyên chính. Nào ai ở miền Tây đã biết, các tù nhân chính trị sau khi được thả khỏi trại tạm giam hay nhà tù hoặc là khi được CHLB Đức bỏ tiền chuộc lấy tự do không hề được dúi vào tay một giấy tờ tùy thân nào cả. Không một ai nhận được dù chỉ là một mảnh chùi đít có quốc hiệu quốc huy, con dấu và chữ ký của CHDC Đức trên đó ít nhất chứng chỉ đây là ai, tại sao và ngồi bao lâu trong cái “Xí nghiệp quốc doanh Nhà tù" rồi. Vì đó là nguyên tắc của tư pháp của CHDC Đức, không trao một thứ gì thành văn cho kẻ thù giai cấp. Và cả không thứ gì thuộc về truyền khẩu nữa. Thậm chí những thân nhân gần gũi nhất phải rời khỏi phòng xử, khi thẩm phán nghị luận cụ thể bản án vừa mới tuyên đối với một bị cáo. Về mặt chính thức không hề có một tù nhân chính trị nào trong nước CHDC Đức. Đối với nhiều người bị truy nã, hồ sơ An ninh không hề là cái cọng hút nước, mà thậm chí là cái dầm để họ bấu víu vào. Vấn đề không chỉ liên quan đến sự thật này hay sự thật nọ, mà một cách tầm phào nó dính dáng tới chế độ lương hưu, tới sự đền bù. Và cốt lõi xoay quanh vấn đề danh dự.
Hồ sơ không được sắp xếp theo thứ tự ABC, chỉ có thể tìm thấy chúng qua một phích mật mã. Vì chiều ý một chiến hữu cũ, một người nhân viên an ninh mới được mua chuộc chỉ cần đánh cắp đi một chiếc phiếu phích duy nhất thôi, thì ngay lập tức hồ sơ cần tìm đã biến đi như một giọt nước mắt trong biển cả. Những bản chụp bảo mật của những phích F-16 (phích ghi tên người - ND) đã bị tiêu hủy. Thế còn những phương tiện tìm kiếm bằng điện tử, những băng từ máy tính dày cộp thì sao kia?Vào tháng Ba năm đó, trước vô tuyến truyền hình chúng tôi đã kinh hoàng và giận dữ mà trông những thứ này đã bị băm vằm nát bét một cách chuyên nghiệp và an toàn trước phương tiện đại chúng. Một sự chua chát đáng buồn: Trong tháng Giêng đó, bản thân những người giải tán An ninh nhẹ dạ cả tin ngồi trong những Uỷ ban công dân và trong Hội nghị Bàn tròn còn đồng ý việc băm nghiền những băng từ máy tính IBM to gộc. Họ đã để cho người ta làm cho nhụt chí bởi sự đe dọa rằng, phải tìm cách ngăn cản việc Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp của CHLB Đức sau bầu cử sẽ tiếp cận ngon lành khối tài liệu này. Nhưng sự việc này đã chứng tỏ là đỉnh điểm của sự thiển cận: Theo thỏa thuận nội bộ, cho tới ngày 30.06 trong năm, Cục tình báo được phép phá hủy đi bất cứ một phích phiếu. Lý do nêu ra cho ưu đãi này: Những tình báo trung thành và vong thân nhất của CHDC Đức đang hoạt động ở USA cần phải được bảo vệ mạng sống trước ghế điện... Được cứu sống sinh mạng tuy nhiên lại là tất cả những gã chó lợn nặng đô nhất!
Các đồng chí đã lường gạt chúng tôi, và đúng là trên mọi bình diện. Nhưng mặc dù vậy, đất nước này đã biến đổi tận gốc rễ. Cuộc tuyệt thực của chúng tôi đã là một bữa tiệc đánh chén ê hề không hồi kết, thay vì xúc xích kẹp bánh mỳ tôi đã ngấu nghiến ăn những câu chuyện của bạn bè mình kể. Một số thứ hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Hầu như tất cả những người chiếm cứ trẻ hơn tôi và họ tới từ Prenzlauer Berg, vùng đất còn đang ngủ, khi tôi bị tước quốc tịch vào năm 1976. Những người đối lập đứng dưới mái qui tụ của nhà thờ, cùng với Chúa hoặc không có Chúa kính yêu - với tôi điều đó không quan trọng.
Mỗi ngày vài trăm người biểu tình trước khu vực khóa trái. đó là những người Berlin đã gia nhập vào yêu sách của chúng tôi. Những cuộc phản đối và tuyệt thực nổ ra cả trong những thành phố khác. Cho tới ngày 20.09 người ta đã thu thập được trên 50.000 chữ ký dành cho lời hiệu triệu của Diễn Đàn Mới. Các ký giả đã thăm chúng tôi và thu thập cho họ tư liệu phỏng vấn. Những nhóm quay phim từ khắp nơi trên thế giới. Cứ như thế chúng tôi những người chiếm cứ thế đó đã ép buộc một lần nữa công khai phải mở ra gói Hiệp ước Thống nhất đã bị niêm phong lại. Quốc hội đã phân xử lại từ đầu những yêu sách của chúng tôi. Một thỏa thuận bổ sung đã được ghi dưới Hiệp ước thống nhất. Theo đó không chậm trễ lập tức sau ngày 03.10 phải tiến hành bàn thảo một sự ban hành luật pháp tối hậu và Điều luật của Quốc hội Nhân dân phải được “chú trọng toàn diện”. Thông qua một Đạo luật còn phải quyết định cần tạo ra những tiền đề cho sự khắc phục về lâu dài mang tính chính trị, lịch sử và tư pháp đối với hoạt động của Bộ An ninh Quốc gia.
Vào ngày 28.09.1990 chúng tôi kết thúc cuộc chiếm đóng Trung tâm An ninh quốc gia. Với điều tu bổ, chúng tôi đã đạt được những mục tiêu cơ bản của mình. Nhưng điều chúng tôi không đạt được là việc thực sự ghi rõ, làm gì với hồ sơ theo dõi cá nhân và liệu người dính dáng có được phép xem hồ sơ của mình hay không và có thì như thế nào. Chính vì thế một số người chúng tôi không mãn nguyện. Chúng tôi cũng không đạt được mục đích làm sao cho từng người đơn giản nhận được hồ sơ về tay. Và đó là điều, ngày hôm nay tôi nghĩ, như vậy có lẽ cũng tốt hơn.
***
Cuộc cách mạng hòa bình đã không đẩy ra cánh cửa tới thiên đường, nhưng mà nó đã mở ra cánh cổng đi tới thế giới. Người phía Đông phần lớn mang nho khô tư bản trong đầu và những hy vọng bốc đồng trong tim. Sự đánh đổ thể chế bạo quyền cũ là một chiến công của công bằng nơi trần thế. Những quan viên của Đảng bị tước quyền run sợ, nhưng mà nỗi sợ sinh tồn của họ đã tỏ ra là rên la quá mức. Đáng tiếc ! Bất chấp tất cả tôi - kẻ từ lâu vốn bi quan vì mục đích – vẫn mang lòng can đảm tốt lành. Bài hát “Melancholie” (Trầm tư) dạo đầu năm 1989 đã không còn thích hợp với cuối năm đó nữa. Vì sao ư “Vì tôi tôi không còn nhìn ra đất nước nào, trong cái không còn là một đất nước!”.
Trường Đại học Tổng hợp Humboldt nhờ tôi biểu diễn một concert riêng tại Audiamax Unter den Linden nhân dịp nước Đức thống nhất. Chúng tôi ăn mừng cho tới hết ngày 03.10 với những cảm xúc pha trộn. Chủ nghĩa tư bản đã thắng, và nó đã có một cái tên gọi nữ tính: Tự do. Trong nền chuyên chế quen thuộc, những gì đã bị qui định bởi đặc quyền ưu đãi, nay bị cái bái vật đồng tiền qui định. Tư bản đã khuất phục “Tư bản” của anh chàng Marx, thị trường ra thế mạnh mẽ hơn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tôi bỗng nhớ tới chiết ngôn cay độc của Orwell (16) “Đức tin, Hy vọng, Tiền, trong ba thứ này Tiền là to nhất”.
Đồng tiền phương Tây đưa các quan hệ đi đến nhảy múa. Vì những toan tính chính trị, tỷ giá hối đoái đặt ra cho đồng tiền Đông Đức và đồng tiền Tây Đức định giá giá trị của đồng Mark Đông Đức quá cao. Công nhân bắt đầu tính toán. Kể cả những xí nghiệp quốc doanh lành mạnh hơn cũng là quá yếu ớt đối với cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các hợp tác xã nông nghiệp phân rã, và với sự hỗ trợ của viên chức của bộ máy nhà nước cũ, một số bí thư hợp tác xã đã mau lẹ biến mình thành địa chủ hợp pháp. Những cán bộ nhanh trí hơn ngay lập tức đã lập ra nhiều hãng các loại. Một sự sao mà báng nhạo: Trừ cả ra, chính họ là người đầu tiên kiếm lời từ cái chết của CHDC Đức. Chỉ có khá đông trí thức, nghệ sĩ và nhà văn của CHDC Đức vẫn còn mơ tiếc sự khốn khổ thân quen, và một số kẻ đã tâm niệm nó thành những thứ “giá trị lưu tồn”. Nhìn gần hơn người ta có thể nói một cách xoa dịu những thứ đó là những “đặc ân”.
Giờ đây tôi không sao có thể một lần tranh cãi với những người cánh tả miền Tây mang tư tưởng dân chủ xã hội về cái chết của CHDC Đức. Bất chợt, nhiều người liên minh cũ thân thiện vùng phía Tây hiện lên đối với tôi như những kẻ góa bụa của nhà nước CHDC Đức. Những nhà chính khách phía Đông của đảng SPD, trong quá trình giáp gần lại các đồng chí của đảng (cộng sản) SED đã biến hóa theo hướng gợi dục chính trị tới mức không hề kín đáo lên giường với lực lượng đối lập của CHDC Đức, đang chạy rông như gia quyến còn sót lại của một người đồng chí đáng quí. Đằng sau cái lưng chính mình, nhiều người cánh tả sung sướng như điên rằng, không tưởng của mình đã nguyên còn là một giấc mộng mà họ không phải sống qua. Ngoài ra còn hiển lộ một sự thật bẽ bàng: Quá nhiều người phía Tây đã không muốn nhìn và muốn biết chút gì về sự đàn áp toàn diện ở CHDC Đức. Từ giác độ nhìn nhận ngày hôm nay, đối với một người trong số chúng ta, điều này trở nên gần như quái gở khi ở những năm 80 nhiều người cánh tả đã lạc quyên tiền của hoặc lao động tại chỗ để đoàn kết với những nước như Nigaragua, khởi động những dự án giúp đỡ, đào giếng và xây dựng trường học, nhưng lại không muốn nhìn nhận sự cùng khổ trong đất nước kề bên nằm sau bức tường.
VỀ NƯỚC ĐỨC TÔI CHẲNG CÒN LO SỢ
Về nước Đức tôi chẳng còn lo sợ
Đường đến thống nhất đã khởi đầu
Dưới cơn mưa tiền tỷ
Chúng ta rồi ướt áo khá khác nhau
Tự do làm đau lòng và gây thích thú
là ân huệ, là một lời nguyền rủa
Tôi chẳng còn nỗi nhớ nhà xưa
Không nhớ gì những muộn phiền đã cũ
Nước Đức, ôi nước Đức lại chung về một mối
mà chỉ tôi còn day dứt nỗi lòng
Về nước Đức tôi chẳng hề lo sợ
Giữa đời này tôi đứa con thế giới
Dẫu ra sao, hiểu biết và đức tin
Bạn hay thù, đàn bà hay đàn ông
Tiếng mẹ đẻ, không ai sao cướp được
của tôi đi tổ quốc sinh ra
Tôi chẳng còn nỗi nhớ nhà xưa
không nhớ gì những muộn phiền đã cũ
Nước Đức, ôi nước Đức lại chung về một mối
mà chỉ tôi còn day dứt nỗi lòng.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch
Chú thích của người dịch:
Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người Do thái ủng hộ cộng sản chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble* 1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát *Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên* 1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ * 1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. * Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức phê phán chế độ, phản kháng chủ nghĩa toàn trị ở CHDCĐ.* 1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität * Nhận nhiều giải thưởng Văn chương* 2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 2007 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.
Nguồn: Warte nicht auf bessere Zeiten! - Wolf Biermann - Die Autobiographie- Propyläen- Verlag; 536 Seiten; ISBN: 978-3-549- 07473-2.
Chương đoạn trên đề cập tới một giai đoạn lịch sử từ 09.11.1899 ngày nhân dân đạp đổ bức tường ngăn các Đông Tây cho tới ngày thống nhất nước Đức 03.10.1990. Đảng cộng sản SED cầm quyền cải cách và lần đầu tiên Quốc hội Nhân dân tiến hành bầu cử với sự tham gia của các đảng phái và các tổ chức chính trị đối lập.
(16) George Orwell (1903-1950): Nhà văn, nhà tiểu luận và nhà báo người Anh, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng, ở Việt Nam biết đến như "Trại Súc Vật” và “1984”.
Tranh của Gerhard Richter (sinh năm 1932 tại Dresden): Họa sĩ nhà điêu khắc đương đại của Đức.