Tranh của Jean-Michael Basquiat(1960-1988): Họa sĩ Mỹ |
Muốn tìm bài để bám sát nội dung, nên quay lại trang Facebook của nhà hàng xóm, đáng tiếc tôi không còn thấy cái status của một nhà thơ nữ viết khá hào hứng về ông Bí thư thành ủy Đinh La Thăng vừa bị phế truất. Người viết hâm mộ sự năng nổ, nhiệt huyết của Đinh La Thăng và lấy làm tiếc cho sự xử lý không công bằng, thiếu minh bạch với ông, một người cán bộ cao cấp của đảng cộng sản trong mắt nhiều người nữa có thể là nhân tố mới tiềm năng đem lại sự thay đổi, phát triển xã hội một ngày gần đây.
Tôi hơi lấy làm lạ. Chỉ cần suy nghiệm một chút, đúc kết về thế hệ lãnh đạo cộng sản khai sinh ra các loại phong trào rằng ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại, thì câu này, ở cấp độ cao hơn nữa có thể nói ngu dốt cộng nhiệt tình và tham nhũng bằng hủy hoại toàn diện, sẽ ứng nghiệm với lớp trưởng thành từ những phong trào đó. Lớp phát động và lớp thi hành, cứ mỗi khi một phong trào vận động, thì họ đẩy cả xã hội vào tình trạng điêu đứng, đói khổ và man rợ.
Với những công trình ở hai ngành giao thông và dầu khí Đinh La Thăng là minh chứng điển hình cho tác nhân hủy hoại đất nước Việt Nam hôm nay.
Tôi không gay gắt với nhà thơ nữ viết status bởi chị không thuộc nhóm văn nghệ sĩ cận thần. Hơn nữa lại biết chị là người cương trực biểu thị thái độ phản đối Trung quốc chiếm giữ Hoàng Sa - Trường Sa, bênh vực người dân oan mất đất, chống chính quyền cướp đất, thực thi những dự án Bauxite, Formosa chết người v.v. Nhưng làm sao mà tôi có thể cắt nghĩa được nhận thức đầy phần cảm tính và ấu trĩ nơi chị về ông Bí thư tỉnh ủy nắm quyền hành không do người dân, trong đó có cả chị ủy thác. Hay thiện cảm hiển nhiên bộc phát nơi chị chỉ là thứ tình cảm thoáng qua trong sự gần gũi với giới quan chức hàng ngày, có thể gặp nhau ở một hội nghị hội thảo, ở một nhà người quen chung mâm chung bàn thành ra ai cũng dễ thành thân quen cả (1). Hay chỉ là một hành vi ứng xử từ tập quán của sĩ phu thời trước luôn đứng ra bênh vực người cùng khổ và cả người sa cơ, ngã ngựa.
Nhưng tôi cho rằng, với những hiểu biết lờ mờ về cấu trúc của xã hội mình đang sống và những người tổ chức ra nó, và với một hành trang tinh thần sơ sài, nhà thơ liệu có được nhiều điều đáng nói ngay cả với thời đại của mình?
Vấn đề ở phương Tây, các nhà chính khách cũng thích kết thân và lôi kéo, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn nổi danh cho bản thân và cho đảng phái của họ. Chính các nhà thơ nhà văn này về phần mình lại không dựa dẫm tiến thân bằng các quan hệ gần gũi với giới quyền lực. Ngược lại họ luôn là những người phản biện chính sách, chì trích chế độ và cung cấp ý tưởng. Và các chính khách biết tâm tính họ và còn cần điều này hơn là một sự tham vấn.
Trong nửa thập kỷ, thế giới đứng trước nhiều vấn nạn đột biến: khủng bố toàn cầu, di dân, chủ nghĩa dân túy, chia rẽ sắc tộc. Những biến động trong lòng các xã hội dân chủ phương Tây gần đây khiến đông đảo nhiều bộ phận người dân ngờ vực sâu sắc những đảng phái nắm quyền bính nhiều năm, ở nhiều điểm lỳ lợm không thay đổi nghị sự. Và theo đó vai trò người trí thức can gián, tham mưu cũng sẽ phải thay đổi mô thức. Xã hội không chấp nhận nữa người trí thức suốt đời đóng vai làm cố vấn về chính sự hay tới lúc chết làm thái thượng hoàng về đạo đức. Dẫu họ kề vai sát cánh bên nhiều những chính trị gia có phẩm cách.
Tại nhà nước độc tài - toàn trị, ngược lại, đại đa số chính trị gia đều vô lại. Suốt cuộc đời, kẻ vô lại chỉ tận hưởng vô độ những bổng lộc mà chế độ ăn cướp mang tới, trước khi thất thế có bao giờ những kẻ này một lần phản tư hay hối cải?
Và những nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, nhà nghệ sĩ phù tá quyền thế chưa bao giờ thuộc về trí thức. Ở đây tôi quan niệm trí thức là những người ảnh hưởng tới công luận và xã hội, trong mọi biến diễn, sự kiện luôn đóng góp tiếng nói phê phán và phản biện. Và sự phản biện chỉ nảy nở từ vị thế độc lập, từ khoảng cách, không thể có đất sống ở sự gần gũi hay nương tựa quyền lực.
Vấn đề then chốt là quyền lực và sự giải tán độc quyền. Trong chế độ độc tài - toàn trị không có ai dễ bị mù lòa và bị cám dỗ, mê hoặc như trí thức, bởi vì họ thực sự không có và không thể có quyền lực.
P.K.Đ
Tranh của Jean-Michel Basquiat (1960-1988): Họa sĩ Mỹ
(1) Hiện tượng này được gọi là hội chứng Stockholm (?)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét