Marcel Reich-Ranicki
Có thể đúng đấy, thơ Đức đang chết. Nhưng mà chưa chết hẳn. Vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu viết nên những bài thơ. Thế trên những miền đất Đức hỏi còn có những người có nhu cầu đọc thơ không?
Vẫn còn có đấy những tờ báo và tạp chí năm thì mười họa tiện thể (mà thế đó ngày càng hiếm hơn) in ấn những câu thơ. Nếu như vào thời biến đổi nảy sinh một khoảng trống cần phải lấp đi chóng vánh, các nhà biên tập Đức mới nhớ ra còn có nữa nghệ thuật thơ ca cao trọng.
Vẫn còn có những nhà xuất bản thi thoảng tiện tay đưa một cuốn thơ mỏng ra thị trường. Thế cũng có người mua những tập thơ này chứ? Người xuất bản sẽ chối cãi điều này một cách buồn rầu cũng như cương quyết. Nhưng mà biết rồi đấy, họ không phải là những bậc tổ sư cao siêu của nghệ thuật này, mà chỉ là những nhà thương lái khô khan. Tức là họ đã phải có lý do của họ, và nói thẳng ra là thương mại. Chẳng lẽ lại muốn cột chặt anh nhà thơ vào nhà xuất bản của họ (hay là giữ chặt hắn trong nhà ư), bởi vì họ hứa hẹn cho bản thân mình chút gì đem bán chác được từ phía anh ta – một cuốn tiểu thuyết, một cuốn sách chuyên đề hoặc là một vở kịch?
Vẫn còn có những cuốn thơ Đức trong một khoảng thời gian ngắn tìm thấy hàng ngàn người mua khiến cho bàn dân thiên hạ há hốc mồm kinh ngạc. Đó là hiện trạng năm 1965, khi cuốn “Thụ cầm dây thép” của Wolf Biermann được công bố, cũng như thế vào năm 1969 tập thơ của Peter Handke (1) “Thế giới bên trong của thế giới bên ngoài của thế giới bên trong” ra mắt. Đương nhiên tiếng vang mạnh mẽ khác thường ở hai trường hợp đều dính dáng nhiều tới hoàn cảnh ngoài văn chương. Mà thế đó dẫu những thành tựu kiểu như vậy dấy nên sự chú ý, thì chúng ít càng có thể bác bỏ được đi cái chẩn đoán buồn: một thời đại tồi tệ cho thơ. Hôm nay mới thế ư?
“Thời đại tồi tệ cho thơ trữ tình” là tiêu đề của một bài thơ không thuộc thời chúng ta sống. Bài thơ từ ngòi bút Brecht được viết cuối những năm 30. Người ta sẽ nói: không xác đáng nữa. Bởi vì đó là những thời kỳ đen tối, đặc biệt cho Brecht, kẻ khá có nguyên do bị săn lùng đã phải thay đổi các quốc gia thường xuyên hơn thay giày, và với ông ấy một cuộc trò chuyện với cây cối đã gần như một trọng tội.
Tất nhiên trong nước Cộng hòa Weimar tình hình có khác, bởi nơi đó thơ ca đã có giờ khắc vĩ đại. Năm 1927 tác phẩm Tông huấn tại gia (Hauspostille) được xuất bản, Tucholsky (2) ca ngợi tập thơ trên tờ Weltbühne và cuối cùng bày tỏ: “Đối với tôi, ông ấy và Gottfried Benn (3) là những tài năng lớn nhất của thi ca hôm nay còn đang sống trên nước Đức.” Đó là những thời thế khác mà ở đó thi sĩ còn được công nhận một cách xứng đáng. Có thật thế không?
Năm 1926 Benn viết: ”Khi lần đầu công bố tác phẩm, tôi 25 tuổi, trong tháng này tôi tròn 40, tức là liên quan tới 15 năm, và tôi đã đếm hoàn toàn chính xác tất cả những gì tôi thu nhập được xưa nay từ tiền hỏa hồng in sách, bao gồm cả bút ký lượm lặt, bỉnh báo (feuilleton), sách in lại và tác phẩm in chung vào các hợp tuyển, nói một lời là dựa vào công nghiệp giấy và ngành xuất bản: tổng cộng 975 mark… Với 975 đồng mark tôi được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Ba Lan và đưa vào các hợp tuyển thơ của Mỹ, Pháp và Anh.” Tức là dạo đó cũng không khác: thời tồi tệ dành cho thơ.
Trong nước Đức thời Wilhelm, vào thời kỳ Rilke, George và Hofmannsthal làm thơ và Heym và Trakl bắt đầu viết lách thì sao? Đó là thời đại tốt đẹp của thơ ca chứ? Năm 1910 Hermann Hesse (4) tuyên bố, ông đã “ngừng làm việc cho những thứ chẳng ai hỏi tới và thơ thuộc về số đó. Họa hoằn ba hay bốn nhà thơ hay nhất thực tình độc đáo tìm thấy bạn đọc, và hàng tá không đếm xuể những tài năng khác chỉ viết cho đồng nghiệp! Điều đó thật đáng tiếc, bởi vì nhiều điều đẹp đẽ xuất hiện trong những câu thơ, nhưng tôi càng ít để làm hỏng mất của mình niềm cao hứng đọc thơ và làm thơ, thì cũng ít ỏi như vậy ở trong câu chuyện này tôi thêm hứng thú và can đảm thuyết giảng những người tai điếc. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, đối với người đọc tốt của mức trung bình khá, nhu cầu đọc thơ được thỏa mãn đầy đủ qua những hợp tuyển.”
Như người ta thấy, cũng vào thời đó các nhà thơ Đức đã không dễ sống gì. Nhưng có điều chắc chắn, thơ ca luôn đã là sự nghiệp của một thiểu số nhỏ mà thôi. Đương nhiên, cái thiểu số đó ngày hôm nay nhỏ bé hơn một cách đáng kể so với trước đây năm mươi hay thậm chí một trăm năm.
Nguyên nhân có thể nằm ở đâu nhỉ? Ở chỗ kiểu như là hôm nay người ta tìm không ra nhà thơ tầm cỡ của một Benn hay Brecht? Hay là có thể điều đó liên quan tới thực tế thơ hiện đại thường rất khó đến mức nhiều câu thơ của Paul Celan – nhưng mà cũng có một số câu của Peter Huchel hay Günter Grass (5), có vẻ như thoạt tiên không làm sao hiểu được? Trường học cũng góp phần tạo ra lầm lỗi, một dạo họ từng làm rất nhiều để cho thơ tiếp cận được cho giới trẻ, trong khi ngày hôm nay người ta hăng hái cố công bằng mọi cách tống cổ văn chương ra khỏi giờ học? E chúng ta sống trong một thời đại phi nghệ thuật ư? Hay là thậm chí sẽ đi đến cái mức trong những ngày chúng ta sống, cái nhu cầu thụ hưởng thơ xưa kia sẵn có thường xuyên được âm nhạc bù đắp lại khiến cho một số người nào đó thay vì đọc Rilke hay Trakl sẽ nghe nhạc của Mahler hay Bartók (6)?
Dẫu lý do gì đi chăng nữa – và rằng chúng không hề loại trừ lẫn nhau, điều đó hiển nhiên rành rành ra vậy – thì tình huống xuất hiện không thể chối bỏ, cái từ “khủng hoảng” ưa thích lại thôi thúc. Tuy nhiên, vâng, chính vì thế hôm nay chúng ta bắt đầu bằng một mục mới – với “Hợp tuyển Frankfurt” của chúng ta. Hợp tuyển này dành cho thơ Đức, và nó hướng tới một phần của giới độc giả – tuy cũng chỉ là một thiểu số – nhưng với họ nghệ thuật thơ ca vẫn chưa đáng chịu sự ghẻ lạnh. Trước hết cứ coi hợp tuyển là những giấy mời thân thiện tới bài đọc và những lời thú nhận với văn chương thường rất đỗi nồng nhiệt và mang dấu ấn cá nhân. Những điều này tự xác chứng như lời chào hàng mang tính cá nhân và lời biện hộ mang tính chủ quan trong một. Những người làm hợp tuyển muốn gợi ý và mua vui, cung cấp tin tức và cũng khích bác một chút. Họ cầu sự để tâm dành cho những kẻ cần được che chở, ấy những nhà thơ.
Ít nhất ở đây Hợp tuyển mời chào người đọc một tuyển thơ mà người đọc có lẽ hầu như không sẵn sàng ghi nhận toàn bộ.
Một nhà thơ, một nhà phê bình hay là một nhà biên soạn văn học sử tùy theo đề nghị nêu lý do quyết định trong một bình luận ngắn đề xuất những câu thơ chúng tôi in đây. Người đọc cần nghiệm trải, tại sao người lựa chọn bài thơ nọ cho đó là hay. Theo cung cách như vậy, sau sản phẩm thơ kế tiếp một bài diễn giải, kể cả một lối diễn giải mang dấu ấn cá nhân. Nhưng mà người ta có cần bới tung câu thơ lên không, người ta được phép làm thế chứ? Về chuyện này Brecht viết: “Ai cho rằng một bài thơ không thể gần, thì thực tế không tiếp cận được nó. Trong việc sử dụng những tiêu chuẩn đưa ra tiềm ẩn phần chính của hưởng thụ. Hãy bứt tung cánh một bông hồng, và từng cánh đều đẹp.”
Những gì Hợp tuyển Frankfurt của chúng tôi muốn đạt được, cứ cho là nghe lỗi mốt và mang âm hưởng thống thiết hoặc có vẻ Đông-Ki-sốt nữa đi, thì điều này hàm ý sát thực và tỉnh táo. Cái mục đích có tên: cấp cho thi ca một ngõ hẹp.
Nguồn: Frankfurter Anthologie, Bd. 1, Frankfurt 1976, Neunte Auflage 1995. S. 13-17.
Chú thích của người dịch:
(1) Peter Handke (sinh năm 1942): Nhà văn và dịch giả người Áo.
(2) Kurt Tucholsky (1890-1935): Nhà văn, nhà thơ, nhà báo người Đức.
(3) Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ và nhà viết tiểu luận, năm lần được đề cử Nobel văn chương; Bertolt Brecht (1898-1956): Nhà thơ, kịch tác gia gây ảnh hưởng lớn tới văn chương Đức thế kỷ 20.
(4) Các nhà thơ lớn của văn chương Đức ngữ: Rainer Maria Rilke (1875-1926), Stefan Georg (1868-1933), Hugo von Hoffmannsthal (1874-1929), Georg Heym (1887-1912), Georg Trakl (1887-1914), Hermann Hesse (1877-1962).
(5) Peter Huchel (1903-1981): Nhà thơ và biên tập viên; Günter Grass (1927-2015): Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ.
(6) Gustav Mahler (1860-1911): Nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc người Áo; và Béla Bartók (1881-1945): Nhà soạn nhạc người Hung, một gương mặt tiêu biểu phái Hiện đại.
Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hoàng văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.
Tranh của Paul Klee (1879-1940) : Họa sĩ, nhà đồ họa Đức, tác phẩm tiền phong, đa dạng có thể xếp vào nhiều trường phái Biểu hiện (Expressionism), Kết dựng (Construktivism), Lập thể (Cubism) Hoang dại (Primitivism) và Siêu thực (Surrealism).