Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Cái chết trong lồng lưới thép gai

Walter Hinck     




Nước Đan Mạch của Hamlet trong kịch của Shakespeare xưa đã không hề là một vương quốc có phép màu vô hiệu hóa thứ vũ khí mang tới cái chết. Thân phụ Ophelia chết bởi lưỡi kiếm của người yêu nàng, và còn cây liễu đó bên dòng nước nơi người đàn bà loạn trí bị những „giai điệu của lòng nàng“ kéo xuống „cái chết lầy bùn“ bên dưới.

Nhưng mà cái cốt lõi thơ ca này của vở kịch, sự tường trình của Hoàng hậu về kết thúc cuộc đời của Ophelia (IV,7), một cách thần kỳ, đã chắp cánh cho trí tưởng của những nhà thơ đời sau. Những bày tỏ nỗi buồn thương của một thiên nhiên đồng cảm chan chứa trong bài thơ „Ophelie“ của Rimbaud (1) viết năm 1870; bản thân Ophelia đã trở thành một phần thân thể của thiên nhiên: tự hơn ngàn năm nay, bóng dáng nhợt nhòa băng tuyết bồng bềnh trên sông nước gợi nhớ tới vẻ yêu kiều và nhân tính quá đỗi mong manh.

Vẻ đẹp ngọc ngà của hình thể trong thơ Rimbaud đã tan biến trong bài thơ về Ophelia của Georg Heym (2) („Trong tóc nàng lũ chuột con một ổ“). Nhưng mà cũng ở đây dòng sông dập dềnh đẩy đưa thân thể „đi qua vĩnh cửu“. Chỉ có chuyến đi xuyên qua thời gian của lịch sử, đi ngang qua những bến bờ gầm gào tiếng máy. Ophelia thu nạp quanh mình cái từ trường của đau thương và sự tiên cảm của thế giới hiện đại, nàng gánh vác nỗi „đớn đau u mặc“ của thời đại cơ giới đi tới một chân trời cháy lửa, một sự đắm chìm.

Bài thơ „Tuổi xuân tươi đẹp“ của Gottfried Benn (3) từ tập „Nhà xác“ tận dụng hiệu ứng gây sốc của motiv thuộc về Heym: trong thân thể của cô gái người ta kéo lên từ đám sậy, người bác sĩ mổ xẻ tìm thấy một tổ chuột. Đã trở thành khuyết danh, Ophelia là chủ thể của một trí phóng tưởng cay độc và phá tan mộng tưởng, trong khi bài thơ „Về cô gái chết đuối“ của Brecht (4) còn một lần gọi hồn đá „opal vạn hoa của bầu trời“, thứ có thể „trấn an“ lấy một cách“ thần diệu“ , kể cả khi viên đá ấy không thể dừng chặn được sự lãng quên và sự lụi tàn.

Nơi bài thơ Ophelia của Peter Huchel (lần cuối cùng vào năm 1972 xuất bản trong tập „Những ngày đếm được“) không còn xảy ra điều thần diệu nào nữa. Vào lúc trời âm u hửng sáng, một đội truy tìm, trang bị bằng những cọc sào, đã mò mẫm dò soát dòng nước; một cách vô cảm những người đàn ông tuân theo công việc như lệnh ban hành. Ở đây không có dòng sông nào ra tay che chở, không có thiên nhiên nào trợ giúp phân bổ dòng nước tới một hang động bảo vệ. Trong thế giới của bài thơ này chỉ có bắn hạ, một viên đạn đã bắn trúng và hạ sát Ophelia. „Lồng lưới dây thép gai“ là từ khóa của bài thơ này.

Trong thơ của Huchel đến tận tuổi già, phong cảnh miền Mark vẫn thường khi hiện diện, nơi ông sống qua tuổi thơ và tuổi thanh xuân. Những ảnh hình của miền sông Havel, của những ao hồ vùng Mark và những hồi tưởng của ông thôi thúc gần như áp đảo. Và luôn luôn đi về, những bài thơ của ông nói về những ngư chài và những công cụ đánh bắt, những lưới lồng bắt cá. „Chiếc lưới lồng sáng lên dưới cọc dầm,/ Con cá măng quẫy mạnh và té tát“ („Chuyến đi cuối“).

Bài thơ Ophelia nói tới một cái lưới lồng khác (và còn „Lồng lưới sao“, một dạng hoàn toàn khác nữa làm nên tiêu đề của tập thơ), tức là một lưới lồng phục vụ việc tóm bắt con người. Trong những „lưới lồng dây thép gai“ những kẻ trốn chạy giãy chết. Đã từ lâu chúng ta hiểu „dây thép gai“ như là chỉ dấu của cầm tù và sự giam cầm bất công những con người đau khổ. Như vậy cái chữ đó tích tụ bên trong tất cả những nghiệm trải phổ quát của một thời đại đã làm tất cả, để trở thành không chỉ là thế kỷ của những nhà chọc trời, mà còn của những trại tập trung rào kín, của những thành phố nhà tù. Nhưng mà bài thơ này, viết ra trong khoảng giữa 1963 và 1972 thu nạp trong cái từ trung tâm của nó cả kinh nghiệm đặc thù của thời kỳ sau chiến tranh, tức là giữa hai nhà nước Đức có đặt một chiếc lồng lưới bằng dây thép gai, kết thúc trong đó nhiều cuộc chạy trốn. Và như thế, còn cương quyết hơn trong thơ của Georg Heym, Ophelia được dẫn từ toàn cảnh thơ ca của vở kịch Hamlet đi vào thời đại lịch sử, tức là vào một thế giới đối nghịch lại không thương xót.

Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức 
Nguồn: Vom Tod in der Stacheldrahtreuse - Frankfurter Anthologie, Insel Verlag Frankfurt am Main 1982, Zweite Auflage, Fünfter Band.

Ophelia

Peter Huchel (1903-1981)

Kế đó, lúc ban mai,
đằng đẵng nhá nhem bạch nhật
bước bì bõm của những chiếc ủng
trong nước nông,
sự phóng găm những chiếc cọc đâm ,
một hiệu lệnh khô khốc,
họ bứng lên đầy bùn
chiếc lưới lồng gai thép.

Không vương quốc
Ophelia, nơi một tiếng gào
khoáy sâu vào nước,
một phép lạ,
viên đạn đồng
cho tan nát ở nơi lá liễu.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ophelia

Peter Huchel (1903-1981)

Später, am Morgen,
gegen die weiße Dämmerung hin,
das Waten von Stiefeln
im seichten Gewässer,
das Stoßen von Stangen,
ein rauhes Kommando,
sie heben die schlammige
Stacheldrahtreuse.

Kein Königreich,
Ophelia, wo ein Schrei
das Wasser höhlt,
ein Zauber
die Kugel
am Weidenblatt zersplittern läßt.

Chú thích của người dịch:
(1) Arthur Rimbaud (1854-1891): Nhà thơ người Pháp, có ảnh hưởng lớn tới văn chương châu Âu
(2) Georg Heym (1887,1912): Nhà thơ Đức, là người mở đường cho Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionismus/Expressionism) trong văn chương.
(3) Gottfried Benn(1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20
(4) Bertolt Brecht (1898-1956): Nhà thơ, kịch tác gia gây ảnh hưởng lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.

Walter Hinck (1922 - 2015): Nhà ngữ văn Đức, giảng dậy tại Viện Ngôn ngữ Đức và Văn học, đại học Tổng hợp Köln; chuyên trách về Kịch Đức thế kỷ 18-20 và Thơ trữ tình thời Mới tới Hiện tại. Từ 1974 ông là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Nordrhein-Westfallen.
Peter Huchel (1903-1981): Nhà thơ và Biên tập viên.
Tiểu sử: 1903: Sinh tại Lichterfelde gần Berlin
1923-1926: Nghiên cứu Văn chương và Triết học tại Berlin và Vienna
1930-1936: In thơ và văn xuôi trên những tạp chí văn chương quen thuộc: "Die literarische Welt", "Das Innere Reich", "Die Kolonne" và "Vossische Zeitung".
1932: Giải thưởng thơ của tạp chí „Kolone“ cho tập thơ "Der Knabenteich" (Hồ của những cậu trai)
1934: Lập gia đình với Dora Lassel. Chia tay nhau năm 1946. 1953 Lập gia đình với Monica Rosenthal.
1934-1940: Viết kịch tương thanh cho đài truyền thanh Berlin và Làn sóng ngắn Đức.
1941-1945: Nghĩa vụ quân sự, phục dịch trong ngành không quân, cho đến khi bị bắt vào trại giam Soviet.
1945-1948: Làm ở đài truyền thanh Đông Berlin, ban đầu với tư cách đạo diễn và từ 1947 giám đốc Đài phát thanh và Giám đốc nghệ thuật.
1948: In các sáng tác từ 1925 thành tập „Những bài thơ“.
1949-1962: Tổng biên tập của tờ tạp chí danh tiếng „Sinn und Form“ (Ý nghĩa và Hình thức) của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin.
1951: Giải thưởng quốc gia của DDR. Từ 1956 đại diện DDR tại Biennale thơ ca quốc tế.
1953: Bị o ép từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“. Nhờ sự can thiệp của Bertolt Brecht, chính quyền phải làm ngơ.
1961: Sau khi dựng bức tường Huchel bị tấn công vì quan điểm nghệ thuật động chạm đến hệ thống.
1962: Từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“.
1963: Tập thơ „Chausseen, Chausseen“ xuất bản ở Tây Đức, ông được trao giải thưởng Theodor-Fontane-Preis của Tây Berlin.
1963-1971: Sau khi ông từ chối sự cưỡng bức phải chối bỏ giải thưởng Theodor Fotane, ông bị Stasi (An ninh quốc gia) theo dõi và cô lập. Ông bị cấm xuất bản và cấm ra nước ngoài, từ 1968 bị tịch thu thư tín.
1965: Không được rời DDR nhận chức thỉnh giảng về thơ ca tại trường Tổng hợp Frankfurt/Main cũng như nhận Giải thưởng lớn của bang Nordrhein Westfalen.
1971: Nhờ có sự can thiệp của Viện hàn lâm Nghệ thuật Tây Berlin và Chủ tịch trung tâm Văn bút quốc tế của Đức Heinrich Böll ông được rời DDR. Ông định cư tại Staufen bei Freiburg, xuất bản tập thơ „Những ngày tính đếm“.
1976 – 1979: Nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá (Jacob-Burckhardt-Preis und dem Eichendorff-Preis).
1979: Được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Bavaria và Viện hàn lâm thơ ca và Ngôn ngữ Darmstadt. Từ 1984 công bố giải thưởng văn chương mang tên ông.
Peter Huchel mất năm 1981.

"Ophelia," 1851 - Tranh của John Everett Millais (1829-1896): Họa sĩ Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...