Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

Nhật thực của tâm hồn

Renate Schostack    



Bài thơ vắng mặt trong phần lớn các hợp tuyển, không thuộc về những cảnh tượng hoàn hảo nhất của thơ trữ tình. Ở đó chẳng cò gì tròn trịa cả; một thứ vừa mới manh nha bằng một cử chỉ lớn lao, đã khựng lại; lỗi về hình thức (thiếu đi một „lúc“), chữ dùng dở („rón rén“, „phốt pho“) lộ ra nét vụng về. Mặc dù thế đây vẫn là một trong những bài thơ thú vị nhất của Goethe, bởi nó lưu giữ lại khoảnh khắc khi một tượng đài tự nó trật nhào ra khỏi đế, nhà thi sĩ rũ đi cái áo choàng của bậc thầy mang sắc thái Phương Đông.

„Dư âm“, được viết vào tháng Mười một năm 1815 cho tập hợp „Đông Tây thi tập“, là một tiếng hát chiêu niệm cái đã qua. Lần cuối cùng vào hai tháng trước đó, tại Heidelberg Goethe đã gặp Marianne von Willemer (1). Người ta chẳng cần đi sâu vào những chi tiết mang tính tiểu sử. Tuy nhiên dấy lên ở đây sự so sánh với bài thơ „Gửi vầng trăng“, trong đó cái từ tiêu đề đã được tiên liệu trước. Dạo xưa Goethe đã gửi bài thơ này cho Charlotte von Stein (2). Cũng chất bi thương ở đó: „Tim anh cảm nhận dư âm/Thời vui phấn chấn hay u trầm.“ Ba mươi năm cách nhau giữa hai bài thơ, và khẩu khí đã thay đổi. Nơi đó nỗi nhớ nhung man mác; ở đây nỗi đớn đau trần trụi.

Mà thế trước hết ra mắt cái người nói về mình trong vai trò kẻ thứ ba như một ông hoàng của thi ca. Cái màn rạp hoàn toàn phù hợp với thi tập bay phất phới. Ông ấy tự trích dẫn bản thân „Helios ơi người vĩ đại“, như ông tự gọi mình trong bài thơ ra đời sát ngay trước đó („Hình ảnh cao sang“); ở đó đầy rẫy lời xưng tụng về nào là „cộng đoàn đế vương “ „báu vật vương giả“, „dấu ấn đế vương của sự tồn sinh“. Bây giờ người ta đọc thấy điều đó khác đi. Sự tồn sinh được tụng ca cao độ tiềm ẩn nỗi khổ đau được giấu che một cách tinh tế.

Nhưng rồi cái mặt nạ rơi xuống. Gần như im hơi lặng tiếng nhà thi sĩ rời ra khỏi thế giới của Thi tập, nơi„chiếc mạng của tình yêu trần tục“, cứ cho rằng thế, còn che giấu những „mối quan hệ cao hơn“. (Điều này Goethe đã viết về cuốn sách „Suleika“ trong tờ „Báo ban sáng dành cho tầng lớp được đào tạo). Tức là cái tình cảnh của tâm hồn phản chiếu, tiên liệu trước về thơ ca sau này va tuy hãy còn giữ khoảng cách trong dự báo thời tiết; mà thế sự thú nhận chỉ có thể được đưa ra bởi người xưng ngôi thứ nhất.

Toàn bộ khổ thơ thứ hai này đòi hỏi ta phải nhớ về lý thuyết màu, nơi màu xanh dương – một trong hai màu chính thuần khiết – hàm nghĩa bóng tối được rạng tỏ lên dần qua ánh sáng. Trong khi đó sự thể không xoay quanh chất triết lý trong bài thơ này, không xoay quanh cuộc giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối thông qua đó người khách trần gian sấu muộn phải phát huy bản thân thành ra một nhân cách. Chỉ có ánh sáng của tình yêu mới có thể vượt bỏ được đêm tối này.

Khóc lóc, nhợt nhạt, hốc hác, một bức tranh của kêu rên, đúng như thế kẻ hóa trang ban đầu rất uy nghi phong độ đã tìm đến người yêu. Đó là một tiếng kêu cứu, như chưa bao giờ ông ấy từng thở hắt ra một cách không che đậy trong toàn bộ tác phẩm thơ của mình. Bên cạnh đó „Khúc hát ban đêm“ cũng nhạt nhòa đi thành một sự nhún nhẩy trần trụi. („Ôi hãy mộng mơ, xin hãy rủ tai nghe/ Từ nơi gối êm trướng rủ màn che.“) (3) và chỉ trong lời cầu nguyện của Gretchen („ Ôi Đức Mẹ đau thương giàu ơn phước, hãy nghiêng gương mặt Người xuống đời con cùng cực“) (4), tất nhiên hướng tới một thế lực siêu phàm, mới giãi bày được ở đó một trạng thái tâm hồn tương tự như thế. Những mối tương quan đã đảo ngược. Mặt trời không còn là thi nhân nữa, mà chính là người yêu. Nàng ta xuất hiện trong mọi cường độ của ánh sáng, chiếu tỏa êm dịu và bình lặng, tự phát sáng quyến rũ, chói lọi ánh hào quang.

Còn không thì người viết những vần thơ này gửi cô nàng ba mươi mốt tuổi đã sáu mươi sáu xuân xanh. Và ông ấy không bao giờ gặp lại Marianne von Willemer nữa.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Verfinsterung der Seele - Frankfurter Anthologie, Insel Verlag Frankfurt am Main 1982, Zweite Auflage, Fünfter Band.

Dư âm

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Nghe mới kỳ vĩ sao, nếu người thi sĩ
So mình với hoàng đế, lúc với vầng dương;
Ấy thế y giấu đi những bộ mặt buồn bã
Khi rón rén trong những đêm tối thê lương.

Bị ám bởi những hàng mây phủ
Trời xanh tinh khiết đổ xuống, đêm đêm
Đôi má tôi nhợt nhạt hốc hác thêm
Và những giọt lệ của tim tôi u ám.

Đừng buông tôi vậy cho đêm, cho đau đớn
Người yêu nhất, em, mặt trăng của tôi!
Ôi, phôt pho của tôi, của tôi những ngọn nến
Ánh sáng của tôi, của tôi hỡi mặt trời!

Nguyên tác tiếng Đức:

Nachklang

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Es klingt so prächtig, wenn der Dichter
Der Sonne bald, dem Kaiser sich vergleicht;
Doch er verbirgt die traurigen Gesichter,
Wenn er in düstern Nächten schleicht.

Von Wolken streifenhaft befangen,
Versank zu Nacht des Himmels reinstes Blau;
Vermagert bleich sind meine Wangen
Und meine Herzenstränen grau.

Laß mich nicht so der Nacht, dem Schmerze,
Du Allerliebstes, du mein Mondgesicht!
Oh, du mein Phosphor, meine Kerze,
Du meine Sonne, du mein Licht!

Chú thích của người dịch:

(1) Marianne von Willemer: (1784-1860): Diễn viên, ca sĩ, vũ nữ, gặp gỡ Goethe trong hai năm 1814-1815. Là nàng thơ và đồng tác giả của một số bài trong Thi tập Đông Tây của thi hào.

(2) Charlotte von Stein (1742-1827): Nữ hầu tước, bạn gái và người tình của Goethe.

(3) O gib, vom weichen Pfühler,/ Träumend, ein halb Gehör – Thơ Goethe.

(4) Ach, neige,/Du Schmerzenreiche/ Dein Anlitz gnädig meiner Not- (Faust – Am Zwinger / Faust – Chân tường thành)

Renate Schostack (1938-2016): Nhà báo và nhà văn nữ người Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

Tranh của William Turner (1775-1851): Họa sĩ Anh, dại diện quan trọng của trào Lãng mạn trong hội họa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...