Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Kẻ thù chung của độc tài

Phạm Kỳ Đăng  



Suy luận theo logic, các nhà nước độc tài hay chuyên chế kết cục tất quay ra cắn xé nhau mới phải. Trớ trêu thay, nhiều thập kỷ hay thế kỷ nữa chẳng biết, chúng cố kết và liên minh được với nhau bởi một hằn học chung và một kẻ thù chung tha hồ trút tội và gột tội. Đó là Mỹ, đại diện cho cả Tây Âu.

Nhiều lần răn đe hạt nhân, bộ máy tuyên truyền (không chỉ ở) Nga viện cớ Hoa Kỳ ném bom nguyên tử lên nước Nhật.

Bị lún sâu hơn vào cô lập và cấm vận, họ quay sang đổ thừa cho Hoa Kỳ gây chia rẽ và âm mưu duy trì trật tự thuộc địa.

Hãy bình tâm suy xét hai luận điệu này. Vụ thả bom nguyên tử không đáng được ca ngợi trong lịch sử nhân loại, đương nhiên, nhưng hãy xét các cứ liệu thực tế, vào thời điểm đó Hoa Kỳ không còn một phương án khả thi ép được Nhật đầu hàng. Để chiếm được quần đảo với những người lính quân đội Thiên Hoàng trung quân mù quáng mang trong máu huyết tinh thần cảm tử bất chiến bại, quân đội Hoa Kỳ dự tính sẽ phải mất hơn 2 triệu lính thiệt mạng. Và phía Nhật cũng phải tổn thất bằng ấy nhân mạng.

Còn đổ tội cho Hoa Kỳ âm mưu duy trì trật tự thuộc địa ư? Điều này không thuyết phục mấy nếu nhìn về chính sách của Hoa Kỳ sau 1945. Thực tế chính quyền Hoa Kỳ đã từng phản đối và thuyết phục Pháp, một đồng minh trên mặt trận chống phát xít, nên từ bỏ chế độ thuộc địa.

Bộ máy tuyên truyền có thừa và càng ngày càng nhiều những luận điệu mị dân trong kho đụn của họ. Mọi lúc và trong mọi tình huống, nhà nước độc tài sẵn sàng cấp cho nhân dân, vốn bị giam cầm hoặc bắt cóc làm con tin, những ngụy cứ, ngụy lý bao biện. Trắng trợn nhất nền độc tài trang bị lý luận, dám tuyên xưng mang sứ mạng lịch sử. Cả lịch sử cũng bị cắt xén và xuyên tạc và trưng dụng tùy tiện nốt. Kẻ làm luật xưa nay có ngán nỗi gì.

Những ngụy biện bao giờ cũng thành công khi đưa ra tắp lự câu trả lời thỏa mãn đa số người dân bị nhồi sọ hoặc tránh xa chính trị.

Bới đã dám gây hấn, xâm lược, cướp giết, trí trá, lật lọng vô độ, thì còn gì không ớn mà không dám phá hoại và ăn vạ quốc tế.

Ai, kẻ nào tổ chức đánh thuốc nổ gây rò rỉ đường ống dẫn gas Nord Stream, phá hoại dây cáp điện đường sắt khiến toàn bộ giao thông miền bắc Đức nửa ngày bị đình trệ, các sự cố trục trặc giao thông công cộng hàng ngày, và hôm nay phóng hỏa trại tỵ nạn đón nhận người Ucraine? Điều ngẫm nghĩ cho phép ta khẳng định:

Mọi hành vi phá hoại ở quy mô châu lục có chung một địa chỉ đổ về điện Kremlin.

PKĐ

Tranh của Willem de Kooning (1904 – 1997): Họa sĩ Mỹ gốc Hà Lan, đại diện phái Biểu hiện trừu tượng, người mở đường cho phái họa Action Painting.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...