Nhiều tác gia lỗi lạc hành nghề chính là bác sĩ, sao ngày nay không còn như xưa vậy? Nữ thi sĩ Ingeborg Bachmann có gì mà cuốn hút đàn ông lắm phải không? Văn chương Đức thiếu chất hài có phải? Tại sao mấy nhà văn thiên tài đời thường là những người nhàm chán? Thế liệu Strinberg có cải thiện được cuộc sống hôn nhân của các thị dân? Quan thanh tra của Gogol có làm giảm đi thói đút lót, hối lộ trong nước Nga Sa hòang? Liệu Borges có biết dạo đó ông ấy đeo một chiếc caravat xanh lơ cực đẹp không? Khi trả lời những câu hỏi từ ý vị tới vụn vặt, bực mình, ngớ ngẩn và thậm chí trơ trẽn nhất của độc giả trong chuyên mục ưa thích „Cứ hỏi Marcel Reich-Ranicki“ trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung số chủ nhật, vị Giáo hoàng văn học còn tán gẫu với họ, và một cách cuốn hút, ông kể về những cuộc gặp gỡ với các tác gia, đề xuất những trợ giúp diễn giảng, và nguyền rủa những đánh giá sai sót về văn học cũng như hoạt nghiệp văn chương. Nhiều câu trả lời từ một cách nhìn gián cách khôi hài, độc đáo ở cách điểm xuyết, đã không ngừng gợi hứng, cợt nhả và cả chọc giận người đọc. Và 99 bài hỏi và trả lời được thu thập lại trong một cuốn sách.
Vì khá nhiều đánh giá nghiêm khắc, sự dấn thân nặng cảm tính trong phê bình, do đó không tránh khỏi thiên kiến, sự thúc đẩy khai sáng không chỉ đụng chạm đến tác phẩm mà cả các tác giả, nên cũng nhiều phen, đặc biệt ở mục „Tứ tấu văn chương“ ông bị các nhà văn nổi tiếng „tuyên án tử“, không làm thế được, đánh đập cho xuống ruộng lên bờ.
Nhưng riêng ở chuyên mục này, cũng như chuyên mục Hợp tuyển Frankfurt, khơi dậy tình yêu văn chương và duy trì sự gắn bó mật thiết hơn với văn học, ông được yêu quí như một pop star trong trái tim bao người. - PKĐ
Ngưỡng mộ, ca tụng, và giấu im thư thóc
Marcel Reich-Ranicki
Có phải một cách bất công, Percy B. Shelley bị quên lãng? Hay chỉ ở Đức người ta xem nhẹ vai trò ông ấy? Độc giả Hartmut Regitz từ Berlin hỏi.
Marcel Reich-Ranicki: Chưa bao giờ tôi nghe thi hào Anh nổi tiếng Schelley bị lãng quên hay bị xem nhẹ tại nước Đức. Ông sống từ năm 1792 tới 1822, bị chết đuối gần Rome khi lướt thuyền và thậm chí được tôn thờ như một thần tượng. Ở Đức ông ấy ít được biết đến. Lý do? Đa phần các nhà thơ Anh không thể dịch nổi. Họ được trọng vọng, ngưỡng mộ và giấu im như thóc. Các nhà văn xuôi Anh luôn được người ta thích thú đọc, thí dụ như Dickens.
Nhưng độc giả Đức đặc biệt coi trọng những nhà tiểu thuyết lớn người Nga. Tolstoi, Dostojewskij, Gogol và Turgenjew được người đọc trên toàn thế giới ngưỡng mộ. Cũng như Tschechow, đứng vào hàng các nhà viết kịch và truyện ngắn quan trọng nhất của Nga.
Và ra sao nhỉ xung quanh các nhà thơ thiên tài, các nhà thơ trữ tình? Môt cách công bằng, Puschkin - người Nga hiển hách luôn luôn được ca tụng. Truyện thơ „Eugen Onegin“ thuộc về những thành tựu rực rỡ nhất của ông. Mà thế tôi sợ, thành công của Puschkin (tại nước Đức – ND) không nhất thiết đạt được nhờ truyện thơ này. Truy về gốc gác, phần nhiều hơn do vở opera "Eugen Onegin" của Tschaikowsky mang lại. Danh tiếng trên trường quốc tế của nhà thơ tuyệt vời Puschkin không so sánh được với thành công trên toàn thế giới của Tolstoi và Dostojewskij nhờ các tiểu thuyết.
Xin ông đừng quên, nhiều nhà thơ trong quá khứ thường không được các độc giả Đức biết đến, và mãi vô danh như vậy. Tình cảnh ấy ra sao với các tác giả Đức. Không ít người biết vở opera „Faust“ của Gounod tường tận hơn cả Goethe (không phải chuyện đùa đâu). Không ít người biết Rilke, nhưng họ không biết gì tới cái tên Hölderlin và không muốn dính dáng gì tới cái tên này.
Và ra sao với Schiller đây? Tại nước Anh, không ít danh tác cổ điển Đức mãi tới ngày hôm nay mới được trình diễn. Người ta nên thận trọng khi vội vàng đánh giá về chất lượng biên dịch các tác phẩm văn chương. Schelley không bị quên lãng một cách bất công. Nhưng mà ông là tác giả của một thời kỳ đã lâu lắm trôi qua.
Có điểm gì chung giữa Thomas Mann, Günter Grass và Thomas Bernhard? Có chăng chỉ là quyền lực của ngôn ngữ? Tiến sĩ Renate Zuckmantel từ Seeheim-Jugenheim hỏi.
Marcel Reich-Ranicki: Cái từ „chỉ“ gợn lên với tôi không mấy dễ chịu. Tôi không muốn nói gì thêm.
Phạm Kỳ Đăng giới thiệu và dịch từ nguyên tác tiếng Đức,
Tranh của Isaak Iljitsch Lewitan (1860-1900): Họa sĩ Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét