Chưa bao giờ Heine là đồng chí của một đảng, nhưng còn lại ông một người đương thời đã đứng về một phía: ông vẫn luôn được yêu mến và căm ghét – và thường trong cả hai xúc cảm bởi những người ra hồn. Luôn luôn đọc ông với nhãn quan mới đã và đang thú vị hơn so với sự tranh cãi về ông. Ở đây có thần dược thi ca dành cho những người Đức mắc chứng ca cẩm kinh niên:
Rên rỉ
Hạnh phúc là em điếm lẳng lơ
Tranh của © Lyonel Feininger (1872-1956) họa sĩ Đức-Mỹ |
Nàng vuốt ve tóc anh xòa trên trán
Thoắt hôn anh và rồi lại nhởn nhơ đi
Bà Bất hạnh thì ngược đời thật
Yêu dấu ôm anh ghì vào ngực nồng nàn
Bà nói, bà không có gì phải vội
Ghé sát giường anh, bà ngồi đan.
Lamentationen
Das Glück ist eine leichte Dirne
Und weilt nicht gern am selben Ort;
Sie streicht das Haar dir von der Stirne
Und küsst dich rasch und flattert fort.
Frau Unglück hat im Gegenteile
Dich liebefest ans Herz gedrückt;
Sie sagt, sie habe keine Eile,
Setzt sich zu dir ans Bett und strickt.
Vâng cuộc đời khô khan thường mai phục tấn công chúng ta bằng những xung đột cá nhân và chính trị: hòa bình mất đi ở Irak, cuộc chiến huynh đệ vĩnh hằng ở Palestine, chủ nghĩa tư bản kiểu trại tập trung của Trung quốc, cuộc diệt chủng được dung thứ của nước Nga tiến hành tại Tschechien, sự lây lan nhanh như phi ngựa của việc mở rộng biên giới EU, cuộc hôn nhân nguy khốn giữa Merkel(1) và Münterfering(2), sự quay trở lại hỗn hào của cán bộ CHDCĐ từng bị lật đổ, giá dầu tăng một cách cuồng nộ, những cuộc truy hoan đêm hành quyết Do thái của những ngụy tín đồ Hồi giáo trong cơn cuồng nộ dân tộc được tổ chức một cách toàn thống phản đối những bức đúng là hí họa thánh Muhammad. Nếu như những trận võ mồm tới lui đôi phen làm tôi rối trí, thì sau đó tôi thích thú giở tập“ Giai điệu Hebrew“ (3) của Heinrich Heine đọc bản tường thuật viết bằng thơ về cuộc tranh luận tôn giáo thời trung cổ. Ở đó, trong dạng thức một bản tình ca, nhà thơ tường thuật về cuộc cãi vã ói ra mật về đức tin của một nhà giáo sĩ Rabbi (4) Tây Ban Nha với một Tu sĩ đạo Thiên Chúa. Và thi sĩ cung cấp cho chúng ta như một điểm nhấn nhá cái khoảng cách chua chát song song đối những đảng này và đảng nọ đang cãi nhau. Có nghĩa là Heine kết cục để cho hoàng hậu xinh đẹp ở trên lô khán giả nói với vị hôn phu buồn tẻ của mình rằng:
Kẻ nào có lý, tôi không biết
Tôi lờ mờ thế đó ngộ ra
ông Rabbi hay nhà Tu sĩ
Rằng cả hai ông đó thối tha.
Welcher recht hat, weiß ich nicht -
Doch es will mich schier bedünken,
Dass der Rabbi und der Mönch,
Dass sie alle beide stinken.
Tôi bị choáng bởi một cái điều mới mẻ đình đám vốn bản thân tôi không hề tính tới. Năm 2005, tạp chí SPIEGEL đã công bố kết quả thăm dò ý kiến công luận Đức. Mười lăm năm sau khi thống nhất, người ta đưa ra thử một cái câu hàm ý được diễn đạt một cách tinh vi:“ Chủ nghĩa xã hội là một ý tưởng tốt, cho đến hôm nay chỉ được thực hiện tồi.“
Điều đó có nghĩa, hỏi một cách ít khéo léo hơn: người ta liệu có nên lặp lại thí nghiệm súc vật ở phạm vi toàn trị, thất bại toàn diện, đem đưa sang người thử nữa không và, nếu cần thiết làm đi làm lại nhiều lần, cho tới lúc nó hoạt động được. Kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến: 56% người Đức ở phía Tây và 66% người dân vùng CHDC Đức dạo xưa đã đồng tình với câu nói búa liềm này. Có thể những nhà nghiên cứu ý kiến công luận, đáng lý ra chuẩn xác hơn, thay vào khái niệm „Chủ nghĩa xã hội“ há chẳng nên dùng khái niệm „Chủ nghĩa cộng sản“ cho bài thử ý kiến của mình. Nhưng mà thôi, căn cứ vào nghiệm trải lịch sử và từ nhãn quan mác-xít thì điều đó không mấy làm ra khác biệt.
Thế thì điều này dính dáng gì đến Heine? Tôi nghĩ: tất cả đấy. Heine đứng ở cái nôi thế giới của chủ nghĩa cộng sản, chúng ta đứng bên nấm mồ.
Vâng Heine đã biểu đạt cho chúng ta tố chất của những hy vọng vào chủ nghĩa cộng sản. Vào năm 1844, chỉ 4 năm sau „Tuyên ngôn“, thi phẩm Nước Đức, một truyện cổ tích mùa Đông đã được ấn hành bởi nhà xuất bản Campe vùng Hamburg. Trong bản du ký chính trị- thơ thiên tài này, ngay chương đầu tiên có khổ thơ bốn dòng:
Một khúc mới đẹp hơn thế nữa
Các bạn ơi tôi muốn viết nên
Trên trần thế ta đây đã muốn
Dựng xây vương quốc của triều thiên.
Ein neues Lied, ein besseres Lied,
O Freunde, will ich euch dichten!
Wir wollen hier auf Erden schon
Das Himmelreich errichten.
Hai dòng cuối biểu đạt tố chất của toàn bộ bản Tuyên ngôn của đảng cộng sản ở dạng tóm tắt ngang mức chiết ngôn: Vương quốc triều thiên trên trần thế. Chính là sự hy vọng sai lầm cách đây 150 năm đã chắp cánh cho những cái đầu khá nhất. Heinrich Heine trình bày câu châm ngôn hành động của những trái tim khai sáng trong thời đại khổng lồ hung bạo của chủ nghĩa tư bản non trẻ. Sự khốn cùng của quần chúng quần quật trong lao động trả lương tự do dạo đó tai tiếng đến nỗi khiến những người trí thức đại tư sản thí dụ như Friedrich Engels hay tiểu tư sản như Karl Marx đã không có thể hình dung ra cái gì khác hơn là đối thể máy móc như một lựa chọn chống lại địa ngục hiện đại của thời đại công nghiệp: một thiên đường xã hội trên trái đất.
Chấm dứt sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất, từ chuồng lợn cho tới nhà máy. Cần đấu tranh lấy một triều thiên tồn tại trong thực tế, nơi tất cả mọi người kết cục có thể là anh chị em với nhau, nơi tình yêu và lý trí toàn thắng, nơi niềm hân hoan, ánh thiên thần đẹp đẽ! - tất cả chúng ta say sưa niềm hân hoan theo tinh thần Schiller (5) sẽ hát cùng nhau trong dàn đồng ca, trong khi „mặt trời không nghỉ“ sẽ soi vào sọ ta gần như nắng thiêu – tai họa ập xuống.
Khái niệm chủ nghĩa cộng sản ngay từ đầu là một từ mốt hấp dẫn ở Pháp, sau đó nhanh chóng đi vào ngữ vựng của người châu Âu: một từ khóa có sức ma thuật dành cho tất cả mọi người hướng tới một xã hội không có thống trị thông qua sự ngự trị của sở hữu toàn thể. Vế vấn đề này, dạo tháng Chạp năm 1841, với tư cách là thông tấn viên của tờ báo Allgemeine Zeitung vùng Augsburg, Heinrich Heine đã viết: „ Sự tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản hàm chứa một ngôn ngữ bất cứ dân tộc nào cũng hiểu: Những nguyên tố của ngôn ngữ hoàn vũ này giản phác như cái đói, như tị hiềm, như cái chết“ – ấy một lời phán truyền nhiều nghĩa.
Marx và Engels – về cơ bản cả họ nữa cũng chỉ cấp cho một không tưởng tô vẽ bằng triết học lịch sử của Hegel (6) về một thiên đường người điên của một cảnh thơ mộng về xã hội: chính là một ảo tưởng phản cách mạng về kết cục của lịch sử.
Heine khác, thi sĩ ngờ vực - chưa bao giờ ông bốc đồng một cách mù quáng, kể cả khi với chút gượng gạo ông hy vọng vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Một cách thông thái ông dự cảm, sự bình quân xã hội cho mọi người hồ như sẽ chỉ đẻ ra một dạng thức mới của bất bình đẳng tinh vi. Ông đã tiên cảm thấy, vương quốc triều thiên cộng sản đâu đó có thể lộ nguyên hình là một vòng xoáy còn tồi tệ hơn của địa ngục trần gian.
1855, một năm trước khi chết, trong hố chăn mền ở Paris (7), Heine đã viết một lời nói đầu cho cuốn sách „Lutetia“ - ấn bản tiếng Pháp gồm những bài báo sưu tập lại của ông trên tờ Augsburger Allgemeiner Zeitung (Báo Phổ Thông vùng Augsburg). Ông than phiền về những người xông lên phá tượng đập chuông của chủ nghĩa cộng sản đắc thắng đang tràn tới. „Chỉ với sự kinh hoàng và hoảng hốt tôi nghĩ về thời đại những người đập phá đền chùa miếu mạo sẽ đi đến thống trị - Ôi chao! Tôi nhìn thấy trước những thứ đó, và một nỗi u buồn không sao nói lên được xâm chiếm lấy tôi, nếu như tôi nghĩ đến sự suy tàn, với đó những bài thơ của tôi và cả trật tự của thế giới cũ bị đe dọa bởi chủ nghĩa cộng sản.“
Nhưng đến sau đó màn ngựa chạy vòng của nhục hình roi vọt làm các vị tai to mặt lớn stalinit của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và CHDC Đức đã yêu nó với lòng ngờ vực.
„Và tuy nhiên, tôi phải khảng khái thú nhận, mặc cho nó thù nghịch đối với sở thích và chí hướng của tôi, chính cái chủ nghĩa cộng sản này đã gây ra một niềm hứng thú tâm hồn tôi không sao dứt ra khỏi... Được ban phước lành hỡi người buôn hàng đồng nát, xưa đã từng ghém những bài thơ vào gói nhỏ, đổ cà phê và sợi thuốc lá đổ vung ban cho những bà mẹ già nghèo khó, trong thế giới của chúng ta bất công có thể phải chịu thiếu thốn một món quà mát lòng như vậy, fiat justitia, pereat mundus!" (Hãy để cho công lý thực thi!).
Vậy đó lời nói cuối cùng của nhà thơ trong âm hưởng của một lời ủy thác đen. Trong 150 năm từ đó trôi qua, trên thế giới không chỉ Pháp lý mà con cả Công lý chưa bao giờ thực thi dưới nhãn hiệu của hãng „Chủ nghĩa cộng sản“ cả. Tuy nhiên điều đó những chẳng ngăn được tôi đứa con sinh ra của người cộng sản, trung thành với đức tín, bất chấp tất cả ở lại trong nhà thờ cộng sản. Vâng những tín đồ Thiên Chúa cũng đâu có chối bỏ bất chấp tòa án dị giáo thời trung cổ và các nhà đạo đức giả trong đám nhân sự thay mặt Chúa ở trên mặt đất này. Mondieu! (Lạy Chúa tôi) Rằng chúng ta những người cộng sản không thể nào cưỡng bức vương quốc triều thiên xuống trái đất được, thì còn lâu tôi mới để cho bản thân mình trở thành kẻ phản đạo.
Nhưng mà tất cả đã đến một cách tồi tệ hơn nhiều, và nó tất phải đến như vậy. Sự nghiệm trải lay động tôi đến xương tủy, rõ ràng mỗi thử nghiệm hòng kiến tạo bất cứ một vương quốc triều thiên nào, thiên chúa giáo hay đấng cứu thế hay cộng sản đều cưỡng bức chúng ta vào những vòng xoáy chỉ có hiện đại hơn của địa ngục. Chúng ta - những đứa con quả cảm của con người - phải cải thiện thế giới của chúng ta không kèm theo một đức tin con trẻ kiểu này hay kiểu nọ.
Heinrich Heine đã ngửi ra mùi xác chết toàn trị, trước khi nó bốc mùi. Về chiến thắng tương lai của chủ nghĩa cộng sản, ông ấy đã viết: „ Có lẽ kết cục sẽ chỉ có một con chiên và một bầy đàn, một con chiên tự do với một cây gậy chăn bằng sắt và một bầy người xén trụi lủi như nhau đồng thanh kêu be be!...Tương lai ngửi thấy vị da ngâm, mùi máu, mùi vô đạo và rất nhiều vị đòn roi. Tôi khuyên các cháu của chúng ta hãy ra đời với tấm da lưng thật dầy“.
Lời phỏng đoán tăm tối của Heine, từ mặt giấy của „Tập Tình Ca“ kế đó trong chủ nghĩa cộng sản được cuốn thành những gói giấy, để kết cục gói ghém vào đó gia vị hoặc dăm lạng cà phê cho một bà cụ nghèo. Sự e sợ này đã được xác chứng là một lời mỹ miều. Bà cụ già nghèo và các con của bà đơn giản bị đập chết. Trong chế độ cộng sản tồn tại thực tế không kẻ nô tỳ nào còn cần gia vị, bởi vì đằng sau hàng rào dây thép gai dành cho hàng triệu người không có cả đến gà trong nồi cần nêm gia vị. Những tù nhân trong những trại cải tạo không uống cà phê, mà uống băng tan chảy, họ mua vỏ cây, và một số người trong cơn điên vì đói đã kín đáo giết người cùng khổ như mình đang giãy giụa để ăn thịt họ.
Trí phóng tưởng của người chế nhạo thiên tài đã không đủ mức. Người mang tầm nhìn xa Heinrich Heine nào có thể hình dung ra một thứ quần đảo ngục tù (8) dù chỉ một lần thôi: một đất nước 200 triệu người đứng dưới lá cờ đỏ và những lời khoa trương xã hội chủ nghĩa đã ngốn tuyên truyền lừa bịp như một thứ bánh trời ban và đã trí trá vì sợ chết.
Thậm chí những người đương thời nổi tiếng của chủ nghĩa cộng sản thực tế tồn tại ở triều đại Stalin đã bị quáng mắt về ý hệ và nghèo trí tưởng tượng đến mức thảm hại: Brecht (9), Bloch (10), Gerhart (11) và Hanns Eisler (12), Feuchtwanger(13), Heinrich Mann (14) – tất thảy đều những trí tuệ thiên tài và kinh lịch thế giới, mà thật cũng may mắn sao cho chúng ta, đã thành công trong việc chạy sang Mỹ - vốn kẻ thù giai cấp bị họ cao ngạo khinh bỉ nhìn xuống - , tốt nhất là vùng California xinh đẹp, để tránh nanh vuốt của hai đồng chí Hitler và Stalin.
Đêm hôm nay tôi đã có một giấc mơ hoảng loạn về Heinrich Heine. Từ khi tôi viết tiểu luận này, tất cả những gì vây thúc tôi như điên dại xô trong đầu lộn xộn. Tôi mơ thấy Heine là một tù nhân trên hòn đảo Cuba. Nhưng mà tôi gặp nhà thơ không trong một nơi sạch sẽ đến mức dã man kiểu như trại tù Mỹ đặc quản ở Guantanamo. Là người đi thăm, tôi lọt vào trong một nhà giam bẩn thỉu của chế độ Castro, ban tù „Các nhà thơ thù địch nhà nước“. Tù nhân Heine được dẫn vào buồng gặp thân thăm. Người tù giới thiệu danh tính với tôi, tuy nhiên với cái tên lừng danh của người nô lệ da đen vượt ngục Esteban Montejo(15), còn gọi là „El Cimarrón“, vốn xuất thân từ một đồn điền trồng mía ở Cuba. Heine nói nửa bằng tiếng Tây Ban Nha, nửa tiếng Đức và cuối câu chuyện thậm chí còn chen vào tiếng Pháp. Sau đó Heine thầm thì: „Ở đây còn Raul Rivero Castaneda(16) ngồi tù nữa. Ông này đã từng là cộng sản, là một nhà thơ, đang ngắc ngoải trong địa ngục này. Ông ta không thể xơi những con gián trong buồng giam của mình!“. Tôi nói: „Thưa ngài Heine yêu thương và kính mến. Ngài là tác giả của những câu thơ về vương quốc triều thiên trên địa đàng, tôi muốn được trình cho Ngài nghe một câu của những nhà tìm hiểu ý kiến công luận Đức về tương lai của chủ nghĩa xã hội và xin hỏi, chẳng hay Ngài còn hy vọng vào một chủ nghĩa cộng sản với những hạt đậu đường cho mỗi người?“. Nhưng rồi người tù nhân thều thào còn nhỏ hơn nữa: „El sueño de la razón produce monstruos (Giấc ngủ của lý trí đẻ ra quái vật – ND). Câu nói nhiều ngụ ý của Goya(17) dội vào tôi như tin nhắn từ mật ngục. Tôi, bây giờ cũng nhỏ nhẹ, nói lại: „Thế nào cơ, tôn ông Heine, ông ngụ ý gì với điều đó?. El sueño, tiếng Tây Ban nha trong ngôn ngữ của chúng ta gồm cả hai nghĩa: Giấc mơ, nhưng cũng là giấc ngủ. Có dễ ông ngụ ý khai minh rằng: Giấc ngủ của lý trí đẻ ra những con quái vật, hay là điều ngược lại: Giấc mơ của lý trí, vậy là sự không tưởng cuồng vọng tương lai của thiên đường cộng sản đẻ ra quái vật?“. Người đàn ông kế đó khò khè lời nói hoảng loạn - sinh tồn của Rimbaud(18):“ Je est un autre „ (Tôi là một kẻ khác). Sau đó người tù bị dẫn đi. Giấc mơ của tôi là như thế.
Trong tập thơ „Romanzero“ xuất bản 5 năm trước khi Heine chết, có một trong số ít những bài thơ tự thú đa cảm của ông. Bài thơ bắt đầu thế này:
Đứa con lầm lạc
Mất vị thế ở trong cuộc chiến vì tự do
Từ ba chục năm lòng trung trinh ráng chịu
Tôi đấu tranh không hy vọng vượt qua
Tôi biết không bao giờ khỏe mạnh trở về nhà
Enfant Perdu
Verlorner Posten in dem Freiheitskriege,
Hielt ich seit dreißig Jahren treulich aus.
Ich kämpfe ohne Hoffnung, dass ich siege,
Ich wusste, nie komm ich gesund nach Haus.
Vâng, cuộc chiến vì tự do này cũ xưa như nhân loại. Chúng ta đây sống ở Tây Âu trong tự do và phồn thịnh. Phải chăng chúng ta chẳng cần chi một bài thơ chiến đấu như thế này? Ô có đấy. Kể cả quyền tự do non trẻ xét về mặt lịch sử mà chúng ta đang hưởng, có những thủ đoạn xấu xí của nó, có những cái bẫy kinh tế và tinh thần, có những vấn đề mang tính toàn cầu và những kẻ thù toàn trị không đội trời chung. Cái mà Heine hung hăng gọi là cuộc chiến tranh vì tự do, sẽ còn trường tồn trong ẩn dụ, chừng nào chúng ta còn tồn sinh. Và nếu ai đào ngũ trong cuộc chiến tranh này, tỉ dụ như trong bộ điệu của một khẩu hiệu giữ khoảng cách đồng đều tiện dụng „ Saddam Hussein và George W.Busch, ấy cả hai ông đều thối tha“- thì người đó, nói một cách ẩn dụ, không thuộc về đảng của Heinrich Heine.
Vâng tôi yêu thái độ của Heine: sự sùng tín tà nghịch của ông. Chúng ta những người Đức có tâm hồn than vãn, chừng nào còn được, cần phải học lấy sự ngờ vực vâng thuận cuộc đời ở nhà thơ - có thể mang tính cách Đức nhất - của ông, sự trầm tư diễu cợt can trường của ông.
©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức, HEINE UND LE COMMUNISME
Nguồn: Der Spiegel
Chú thích của người dịch:
Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.
Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vượt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.
(1) Angela Merkel: sinh năm 1954, Chủ tịch đảng CDU - Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo từ năm 2000, và từ năm 2005 thủ tướng Đức ở nhiệm kỳ thứ 3.
(2) Franz Müntefering: sinh năm 1940, Phó thủ tướng Đức (2005-2007), Bộ trưởng bộ Lao động và Xã hội, Chủ tịch khối nghị sĩ Dân chủ Xã hội (2004-2005 và 2008-2009).
(3) Chỉ tiếng Hebrew hay người Hebrew, đặc biệt đề cập đến người Do Thái, sử dụng tiếng Hebrew làm ngôn ngữ nói ở Israel, hoặc làm ngôn ngữ cầu nguyện và học thuật trong cộng đồng dân tộc hay cả hai.
(4) Giáo sĩ Do Thái Giáo.
(5) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1802): Thi hào Đức trong tầm vóc nhà thơ, kịch tác gia, nhà triết học và sử học. Cùng với Goethe, Herder và Wieland ông thuộc về bộ tứ trụ của trào Cổ điển Weimar.
(6) Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): Triết gia, đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa duy tâm Đức.
(7) Sau cuộc cách mạng 1848, Heine bị suy sụp, 8 năm cuối đời ông nằm giường trong tình trạng liệt toàn thân, như ông nói, trong hố chăn mền của mình.
(8) Tên tác phẩm The GULAG Archipelago viết về chế độ nhà tù - lao cải của Liên Xô dưới thời Stalin của nhà văn Nga Alexander Issajewitsch Solschenizyn.
(9) Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.
(10) Ernst Bloch (Ernst Simon Bloch, 1885-1977): Triết gia Đức thuộc trường phái Tân mác-xít, trong những năm 30 từng bao biện các cuộc Thanh trừng của Stalin, sau nhận ra lầm lỗi của mình. Sau khi Hitler lên cầm quyền chạy sang Thụy Sĩ và sống lưu vong ở Mỹ. Về CHDCD, được sủng ái như nhà triết gia của thể chế, ông đã phản đối chính sách của Đảng CNXHTN Đức sau cuộc khởi nghĩa 1953, trốn ở lại Tây Đức sau khi bức tường được dựng nên năm 1963.
(11) Gerhart Eisler (1897-1968): Nhà báo, chính khách của CHDCD, lưu vong tại Mỹ, bị phế truất trước và sau cuộc khởi nghĩa 1953 vì thiện cảm với những người phê phán Tổng bí thư Walter Ulbricht, được phục hồi năm 1955.
(12) Hans Eisler (1898-1962): Nhà soạn nhạc người Áo (em trai của Gerhart Eisler), cộng tác nghệ thuật với Bertolt Brecht, sống lưu vong tại Mỹ giảng dạy tại các trường tổng hợp New York và Los Angeles trong những năm 30 và 40. Từ 1949 ông sống và làm việc tại Đông Berlin.
(13) Lion Feuchtwanger (1884-1958): Nhà văn Đức, một trong những tác giả viết tiếng Đức được đọc nhiều nhất trong thế kỷ 20. Là người trí thức cánh tả, trong cuộc đời lưu vong, ông bị các cơ quan an ninh thời McCathy theo dõi chặt chẽ. CHDC Đức tôn vinh ông là chiến sĩ chống phát xít, cảm tình với Chủ nghĩa cộng sản.
(14) Heinrich Mann (1871-1950): Nhà văn, nhà tiểu luận, anh trai của Thomas Mann. Là chủ tịch của Viện hàn lâm nghệ thuật Phổ từ năm 1930, ông bị khai trừ, đốt sách công khai vì tư tưởng đối lập với chủ nghĩa quốc xã và tinh thần cổ vũ cho dân chủ. Heinrich Mann sau đó sống lưu vong tại Pháp và Mỹ.
(15) Esteban Montejo: Tên người nô lệ gốc Cu ba bỏ trốn trong cuốn trong tự truyện El Cimarrón của nhà văn Miguel Barnet.
(16) Raul Rivero Castaneda, sinh năm 1945: Nhà văn, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Cu ba, sau khi ra khỏi nhà giam tù chính trị sống lưu vong tại Tây Ban Nha.
(17) Francisco José de Goya y Lucientes (1746-1828): Họa sĩ, nhà đồ họa người Tây Ban Nha.
(18) Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891): Nhà thơ lớn người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái Tượng trưng (Symbolism).
Bài đăng Văn Việt