Tôi đau khổ. Hay là: tôi bất hạnh. Hoặc là: tôi hoang mang. Đó là tất cả những gì Sahra Kirsch muốn nói với chúng ta trong bài thơ của mình. Có thật không nhiều hơn không? Không. Cũng để làm chi cơ chứ? Tôi biết mà, có rất nhiều trường ca triết học đồ sộ, những tụng thi chính trị và những thơ trào lộng giàu trí tuệ. Và vân vân. Nhưng ai muốn chia sẻ suy tư, người đó có thể viết bài báo hoặc cho phỏng vấn hoặc viết tiểu luận. Tôi tin tưởng rằng, ngược lại, bài thơ chỉ biểu đạt cái mà nó không cho phép biểu đạt theo một phương cách khác. Vậy là trước tiên và trước hết cứ phải là tình cảm, khí trạng, khổ đau, hy vọng, nhớ nhung và cay đắng.
Tranh của © Edward Hopper (1882-1967) họa sĩ Mỹ |
Sahra Kirsch không muốn biết một tý gì về thơ suy tư. Cái chất sư phạm cũng không phải là vụ việc của bà, cử chỉ của người tuyên truyền đối với bà xa lạ như tham vọng của người khai sáng. Thơ của bà là một sự tự thú và tự diễn, chủ đề chính của bà không khác gì hơn là tình yêu, là sự khốn cùng và nguyền rủa của tình yêu, là hạnh phúc và ân sủng của tình yêu. Bài thơ „Hạt đen“ trước tiên được in vào năm 1968 tại CHDC Đức, và ngay năm sau đó tại Đại hội nhà văn ở Đông Berlin, nữ tác giả (sống tại CHDC Đức cho tới năm 1977) đã bị phê phán cay nghiệt. Người ta nói là quá bi quan, quá ảm đạm. Rõ ràng bài thơ được nâng lên quan điểm về chính trị. Người ta có hiểu sai đi hay không? Không nhất thiết. Từng người một có thể cảm nhận thơ ca lớn - ở đây chúng ta dính dáng tới nó – theo cung cách riêng của mình.
Tôi đọc mười một câu thơ như một bài thơ tình. Hẳn nhiên là hoàn toàn không thể nói về tình yêu ở đây rồi – và tuy nhiên không thể nói về điều khác hơn. Một người đàn bà cô đơn. Cô ấy bất an, không kiên nhẫn. Cô nâng lấy một quyển sách lên tay, nhưng cô không thể tập trung được. Cô lại cất quyển sách đi. Cô ấy nhớ ra rằng, không chỉ cô có nỗi lo lắng, không chỉ riêng cô đau khổ, rằng đâu đó có chiến tranh. Nhưng mà cô không thể nghĩ về điều đó, bởi chưng cô không thôi bận tâm với chính mình.
Cô pha cà phê, cho anh ấy và cho bản thân mình. Anh ấy không tới, một mình cô đâu cần cà phê. Sự thiếu kiên nhẫn trở nên tồi tệ hơn, việc gì cô làm, không còn ý nghĩa, điều gì cô muốn, đều không thể, hạt cà phê xay không còn cho phép đóng hạt lại, bánh xe của lịch sử không cho phép quay ngược trở lại. Cô cởi áo xiêm ra, hẳn cho anh ấy người không tới, cô không chịu được sự cô đơn. Cô lại mặc áo quần vào. Cô trang điểm, chắc chắn cho anh. Cô lại rửa phấn son đi. Cô thử hát lên. Chẳng có gì giúp cho cô cả. Cô ở lại một mình, trống trải, cô đơn, cô còn lại„câm tiếng“. Cứ như thế một tiếng trống kết thúc bài thơ này lại.
Tất cả ở đây đều ngắn gọn và không hoa lá. Không có từ nào là không quen, không một chữ nào thừa. Chỉ miêu tả cái thường nhật. Tuy vậy đó là một bài thơ giàu kịch tính đây buồn bã và trầm tư, đầy nhiệt tâm. Chỉ có điều tất thảy những thứ đó ẩn giấu giữa các dòng, giữa những con chữ. Sahra Kirsch đã viết nên một cảnh nên thơ, tối và chua chát. Mà tuy thế những nhà làm chính sách văn hóa của đảng SED không hài lòng với bài thơ „Hạt đen“ chẳng hề là những cái đầu ngu.
Họ ngờ vực nữ tác giả. Họ đánh hơi ra rất đúng: Ai khao khát tình yêu như vậy, ai ca hát nỗi buồn như vậy, ai ca than vãn sự cô đơn như thế, sẽ không phù hợp với công cuộc xây dựng cái gọi là „chủ nghĩa xã hội“, chưa nói gây nguy hiểm. Họ có lý đấy, những cán bộ chức trách cảnh giác: Trong thế giới của họ khúc hát về tình yêu cũng là một bài thơ phản kháng, một bài thơ chính trị.
Bài tụng thi này thuộc về những đỉnh cao của thơ Đức sau 1945. Tôi hàm ơn và kính cẩn nghiêng mình trước Sahra Kirsch.
Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ
Hạt đen
Sahra Kirsch
Chiều chiều tôi nâng lên tay cuốn sách
Chiều chiều tôi buông sách rời tay
Chiều chiều tôi nhớ ra, có chiến tranh
Chiều chiều tôi quên đi từng cuộc chiến
Chiều chiều tôi xay cà phê
Chiều chiều tôi vo trộn cà phê xay
đảo về những hạt đen đẹp
Chiều chiều tôi cởi ra và mặc vào
mới đầu tôi trang điểm sau đó rửa đi,
hát lên
tôi câm tiếng.
© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức
Schwarze Bohnen
Sahra Kirsch
Nachmittags nehme ich ein Buch in die Hand
Nachmittags lege ich ein Buch aus der Hand
Nachmittags fällt mir ein es gibt Krieg
Nachmittags vergesse ich jedweden Krieg
Nachmittags mahle ich Kaffee
Nachmittags setze ich den zermahlenen Kaffee
Rückwärts zusammen schöne
Schwarze Bohnen
Nachmittags ziehe ich mich aus mich an
Erst schminke dann wasche ich mich
Singe bin stumm.
Chú thích của người dịch :
Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.
Sahra Kirsch (1935-2013): Nữ nhà văn và nhà thơ Đức. Năm 1973 được bầu vào Ban thường vụ hội nhà văn CHDC Đức. Là một trong những người đầu tiên ký tuyên bố phản đối việc tước quốc tịch của nhà thơ và ca sĩ Wolfs Biermann, bà bị khai trừ khỏi đảng SED (Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức – đảng cộng sản). 1976 bà nhận giấy phép cho sang sống ở Tây Berlin. Năm 1992 khi được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, bà từ chối, bởi Viện Hàn lâm này mời chỗ ẩn náu cho văn nghệ sĩ từng là cộng tác viên của An ninh CHDC Đức cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét