Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Giấc mơ nguyện của một kẻ bất an

Hans-Ulrich Treichel

Ông là một kẻ trời hành, thường không chịu nổi sự dừng chân ở một nơi lâu hơn một vài tháng, đôi khi chỉ vài tuần hoặc vài ngày. Và trong trường hợp Rilke, ai nói về những „năm lữ hành“ hoặc cuộc „hành hương“ kéo dài suốt cuộc đời, như một số nhà viết tiểu sử thường làm như vậy, người đó sau này từ tâm trạng bất an bộc phát của tác giả có thể còn khai thác thêm một ý nghĩa và một phương hướng.



Tranh của ©Claude Monet (1840-1926) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Cũng như vậy, vào tháng Mười một năm 1903, Rilke đã du hành tới Roma không với tư cách là tín đồ hành hương - chẳng những không trong nghĩa đen mà cả không trong nghĩa bóng của từ - mà là người tháp tùng vợ ông, nữ họa sĩ Clara Westhoff (1) tới lưu học ở thành phố Vĩnh Cửu. Tuy Rilke cư ngụ một xưởng họa trong vườn có một quang cảnh thuận lợi nằm trong biệt thự Strohl-Fern gần biệt thự Borghese, thành phố bên sông Tiber với ông không sao tiếp cận và nó „ mù như thứ ngụy trang“. Và ngay cả bầu trời thành Roma, vẫn còn xoa dịu được khách thăm thú của ngày hôm nay mệt mỏi vì tiếng ồn và ô nhiễm quên đi được nhiều sự trên đời, đã chỉ cấp cho tác giả những „ trò chơi màu rẻ tiền", „nông cạn và ngập cát“, như ông đã viết cho Lou Andreas-Salomé (2) vào ngày 12.05.1904. Một lời mời tới Thụy Điển cho phép nhà thơ lại có thể rời Roma ngay vào tháng Sáu, và không chần chừ, ông làm ngay việc đó.

Trên đường đi xuống vùng miền nam, Rilke không có bài thơ sonnet „Đài phun La mã“ trong hành lý, bởi mãi đến tháng Bảy năm 1906 bài thơ mới thành hình tại Paris. Nhưng hẳn ông phải phải canh cánh bên lòng hồi tưởng về khu vườn Borghese, đối với ông và người vợ của mình „ngay từ những ngày đầu trở thành một điểm nương náu thân thương“ (thư gửi Arthur Holitscher (3) viết ngày 05.11.1903). Sự tĩnh lặng của khu vườn nằm trên Hành lang bậc điện Tây Ban Nha hồi phản và nhân đôi đồng đều trong chuyển vận tĩnh mịch và mơ mộng của một trong những bồn phun của vườn. Không một tia nước phun lên, không có gì chảy và rơi như trong bài thơ „Giếng phun La mã“ của Conrad Ferdinand Meyer (4) cũng tương tự như vậy lấy cảm hứng từ bồn giếng phun Borghese.
 

Ở đây tất cả mọi nội động của rơi xuống và dâng lên đều hoàn toàn chừng mực, hoàn toàn nhẹ nhàng như lùi vào hướng nội. Gần như muốn ngụ ý rằng, giếng phun có nguy cơ trở thành một khe nước, Rilke đã phân định cho nó ít áp lực và ít động lực như thế đó. Và người ta thiên về việc cùng bài thơ „Giếng“ của Rilke viết vào năm 1885 xướng to lên một cách đầy hối tiếc: Mất sạch rồi nền cũ/ Thơ ca giếng vàng son/ Bởi từ khe miệng sò của Triton (5)/ một dòng suối trong veo líu lưỡi/ đã cho các ngõ cụt mượn lời. Mà tuy thế, ngay chính ở đây điều Rilke quan tâm không phải là chiếc giếng như hình tượng chẳng những không của sức thiên nhiên mà cũng chẳng của sức cường sinh trào dâng hay là được điều tiết. Hơn là thế, chiếc „Đài phun La mã“ của biệt thự Borghese trở thành địa điểm của u tịch, của những sắc thái biểu cảm được xoa dịu và của tự thân viên mãn phản chiếu.

Trong bài thơ sonnet lập từ một câu duy nhất, bức tranh của một cuộc gặp gỡ bản thân thầm kín không nỗi đớn đau chia sẻ với chúng ta. Tức là ở đây cũng có một sự cho và nhận, một sự mơ và tỉnh giấc, một sự nói và im lặng, một sự chỉ ra và nhìn thấy: mà thế đấy tất cả chỉ xảy ra nội trong một bồn nước phun; không có cái tôi trữ tình, khiến không một kẻ quan sát phải vươn người qua thành bể – và không có nỗi đau đớn của tàn phai thường mỗi ánh mắt nhìn vào trong gương dạy cho ta biết.

Đó tự thân là nước được vận động từ nước, và sự run rẩy của nó được Rilke biến đổi thành một nụ cười và cái đó thú vị sao thành tấm gương của bầu trời, nhưng hoàn toàn không có „nỗi nhớ nhà“ và chỉ tự tại bên nó mà thôi. Nhưng mà „tự lặng lẽ lan ra và không nỗi nhớ nhà“, điều đó cho ta đọc thấy như một giấc mơ nguyện của một kẻ bất an, tuy đã có nỗi nhớ nhà, nhưng không có nhà; kẻ chẳng những đã không muốn nhào ngã mà còn không muốn chôn chân, luôn tỏa vòng lan xa từ một trung tâm duy nhất của nó.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Đài phun La mã

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Hai bồn nước, một song le cao vượt
trên một bể khuôn đá cẩm thạch cũ hình tròn
từ bồn trên nước nghiêng mình rót nhẹ
xuống dưới lòng nước sẵn đứng chờ luôn

im lặng mở lòng đón dòng thầm thì nói
và kín đáo, phân đều trong vốc rỗng bàn tay
chỉ cho thấy bầu trời sau tán xanh và tăm tối
thấy như là một vật thể chẳng ai hay

lặng lẽ lan ra trong đáy khuôn xinh đẹp
vòng loang vòng, không nỗi nhớ nhà
chỉ thư thoảng mộng mơ và đọng giọt nhỏ ra

hạ trú ở những cột rêu phong rủ xuống
tới tấm gương cuối, làm bể nước khẽ khàng
từ đáy mỉm cười tỏa những bước chuyển sang.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Römische Fontäne

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Zwei Becken, eins das andere übersteigend
aus einem alten runden Marmorrand,
und aus dem oberen Wasser leis sich neigend
zum Wasser, welches unten wartend stand,

dem leise redenden entgegenschweigend
und heimlich, gleichsam in der hohlen Hand,
ihm Himmel hinter Grün und Dunkel zeigend
wie einen unbekannten Gegenstand;

sich selber ruhig in der schönen Schale
verbreitend ohne Heimweh, Kreis aus Kreis,
nur manchmal träumerisch und tropfenweis

sich niederlassend an den Moosbehängen
zum letzten Spiegel, der sein Becken leis
von unten lächeln macht mit Übergängen.

Bản tiếng Anh

Roman Fountain

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Two basins, one above the other, soaring
Out of an old round marble fountain base.
And water gently from the top one pouring
Down to the nether water's waiting place.

Which, this soft speech with silence answering,
As if in its hand's hollow secretly
Behind the green and gloom shows it the sky.
As if the sky were some strange unknown thing;

And spreading meanwhile in the beautiful
Bowl, its calm circles no nostalgia know,
Yet drop by drop of it, as if in dreams,

Down-hanging mosses now and then will fall
To the last surface, where the basin seems
To smile up softly with each overflow.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức

Hans-Ulrich Treichel (sinh năm 1952): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn, nhận các giải thưởng có thể kể Giải thưởng Hermann Hesse, Giải thưởng Văn học Eichendorf và Giải thưởng phê bình Đức.

(1) Clara Westhoff (1878 – 1954): Nữ họa sĩ, nhà điêu khắc Đức, kết hôn với Rainer Maria Rilke vào năm 1901, cuộc hôn nhân với nhà thơ tan vỡ năm 1903.

(2) Lou Andreas-Salomé (1861-1936): Nữ nhà văn, nhà viết tiểu luận và nhà phân tâm học người Đức gốc Nga. Vào những năm 1989-1900 Rilke đã hai lần cùng bà du lịch nước Nga, nơi ông gặp Leo Tolstoi và Boris Pasternack.

(3) Arthur Holitscher (1869-1941): Nhà văn viết du ký, nhà tiểu luận, nhà tiểu thuyết và kịch tác gia.

(4) Conrad Ferdinand Meyer (1825-1898): Nhà thơ, tiểu thuyết gia, thuộc về những nhà văn người Thụy Sĩ quan trọng nhất viết tiếng Đức ở thế kỷ 19.

(5) Thần biển trong thần thoại Hy Lạp.


Bài đăng VHNA
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...