Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Không đồng bào, không tổ quốc

Reinhold Grimm

Cũng như Rilke (1) khi còn trẻ, mọi thứ vào tay ông đều thành tựu mau mắn, quá chóng vánh và trơn tru là đằng khác. Nếu như ông cầm lấy bút, những hình ảnh và vần, những câu và khổ thơ, như thể tự thân chúng phát sinh ra, tất cả trào ra, chảy trôi và cuộn sóng qua các trang viết, bất biết ông có mong và muốn điều đó. Vâng, nhìn trở lại, sự giảo hoạt và khéo lời, sự phồn thịnh của ngôn từ, sự khoa trương hùng biện về thơ ca, ông hoặc không có sức cũng như không có ý đồ hãm chúng lại, đôi khi gây tác động gần như vô thức, hay có đấy, thiếu cân nhắc thấu đáo, tựu trung lại thiếu kiểm soát và thiếu phản tư, trong ý nghĩa sâu sắc nhất...


  
Tranh của © Marc Chagall (1887-1985), họa sĩ Nga-Do thái

Hoặc là chúng ta phải luận ra trước, sự sáng tác của Franz Werfel không có gì khác là một sự vận hành quá nhanh nhảu và quá mức tham vọng. Ít ra thì Karl Kraus (2) đã từng cười cợt về chuyện này, khi ông ấy, độc địa thì vẫn xưa nay, vần vè thêm thắt, đã cho nhà văn đồng nghiệp trẻ tuổi mắn đẻ (và đầy thành công như vậy), có chí tiến thủ rạp thân rình rập như mèo của mình quảng cáo và cất tiếng hỏi :“ Tôi là nhà thơ Werfel, ông bà có nhu cầu làm quen? “ (3).

Bởi chưng trong hành động, kết cả Chúa và Thế giới vào thành một vần điệu, nhà thơ này chẳng đã chiều theo, vâng cả đón đầu nữa bất cứ một nhu cầu nào sao?. Khối lượng tác phẩm thơ trưng ra nhiều tới nỗi nghẹt thở, sự chóng vánh cung cấp thi ca đơn thuần gây sức áp đảo. Rất nhiều thứ trong đó, đích danh từ sự sản xuất theo phái Biểu hiện (4) của Werfel với những ngất ngây rơi lệ và những cảm kích xúc động lên bổng xuống trầm, những nụ hôn huynh đệ trơn tru và những cái ôm thắm tình nhân loại - theo thời gian trôi qua chỉ còn thấy khó bề thưởng thức. Từ những gì dạo đó tuôn ra ào ạt trong dòng chảy và ê hề vô tận, ngày hôm nay xem chừng ít đứng được với thời gian.

Và tuy vậy, giữa bộn bề của êm đềm cảm nhận và vui vầy tán dóc gây ra lo sợ, của sự bốc đồng và hưng phấn ồn ã nhiều lời, không ít phen chạm tới sáo mòn, chính Werfel đã lại viết một bài thơ nghe bên tai như một câu châm ngôn viết trên lịch hay như một bài dân ca. Sự dung dị và kiệm lời bất chợt, sự dè dặt một lần tới mức ngượng nghịu trước một sự thuyết trình, như bừng tỉnh rút lui về một cử chỉ thuần túy: ở cách thế làm cho vài khổ thơ lặng lẽ này đáng được tính về thứ gây rung động nhất ở thơ trữ tình Đức thời mới mà tôi biết tới. Ở nơi đâu ngôn từ cũng lên tiếng một cách dễ cảm hơn bên lề của câm lặng nhỉ? Và ai có thể nói thuyết phục hơn người hoạt ngôn nhất, khi với ông, lưỡi đang có cơ tê cứng.

Nhưng mà bài thơ của Werfel không đơn giản chỉ là biểu đạt kinh nghiệm lưu vong cụ thể của ông. Bài bi ca của người sinh ra tại Prague (Praha), sau đó sống tại Vienna, đã hình thành từ rất lâu trước khi „sát nhập“ Áo (5), bài thơ thậm chí còn hướng trỏ về Áo-Hung một thời. Một cách rõ rệt, ba khổ đầu tiên lượn vòng quanh những biên giới của đất nước đó; cứ kế tiếp nhau, chúng gợi lên trong trí nhớ cái tố chất mang vẻ Slav – Magyar, Đức và Latium của nhà nước đa dân tộc. Và tuy rằng thế nền quân chủ bên sông Danube chỉ phục vụ bài bi ca như là biểu trưng cho „các tộc người trên trái đất“.

Người ở đây ập trán vào lòng bàn tay một cách đau đớn vậy, ở muôn nơi đều „không đồng bào không tổ quốc“. Ông là nhà thơ và người Do thái, và vì lẽ đó - thực sự bị lưu đầy và xua đuổi - như cuối cùng ông nói, là „người lưu vong trên khắp hành tinh“.

Kinh nghiệm của Werfel lâu đời trước cả Hitler. Nhưng mặc dầu thế và có lẽ chính vì như thế bài thơ này cũng là bài thơ về cảnh lưu vong. Trong bài thơ chấn động nỗi đau thương cổ xưa của số phận Do thái và đồng thời sự mất mát và nỗi xa lạ phấp phỏng của con người tinh thần mà cuộc sống „thân thương“ „cảm kích“, bởi trong đó „điều còn mãi“ xúc động lòng người.

Ôi chao, điều còn mãi ấy cũng chẳng vậy trường tồn. Thay vì trông hướng Tác ta người ta chỉ cần nhìn về những rặng núi khổng lồ, thay vì trông miền Liguria, người ta chỉ cần nhìn về miền Levant (6), khoan chưa nói về những vùng miền khác. Sự xua đuổi và cuối cùng là hủy diệt, người quay bước đi về đâu cũng vậy thôi. Thực sự sẽ chỉ còn lại duy nhất đau thương, chìm trong đó ngay cả các nhà thơ câm tiếng.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).


Điều còn mãi

Franz Werfel (1890-1945)

Chừng nào gió vùng Tác ta vờn nhẹ 

Những bông hoa miền Slovakia,
Chừng đấy lúc các cô gái dệt hoa
Vào khăn thêu thân thương nhiều sắc.

Rừng Bavaria chừng nào vang vọng
Tiếng rìu trong mờ mịt ban mai,
Chừng đấy lúc kẻ cô đơn ngồi đẽo
Tượng thánh thiêng và Đức Chúa Trời.

Chừng nào trên hành trình, biển cả
Vùng Liguria che chở các ngư dân,
Chừng đấy lúc trên bãi biển, tần ngần
Những người vợ mắc đăng ten, dõi mắt.

Tôi cảm kích - các tộc người trên trái đất -
Điều các bạn hoàn công, còn mãi tháng ngày
Thân tôi đấy không đồng bào, tổ quốc
Vầng trán tôi giờ úp xuống lòng tay.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức


Das Bleibende

Franz Werfel (1890-1945)

Solang noch der Tatrawind leicht
slowakische Blumen bestreicht,
so lang wirken Mädchen sie ein
in trauliche Buntstickerei'n.

Solang noch im bayrischen Wald
die Axt im Morgengraun hallt,
so lang auch der Einsame sitzt,
der Gott und die Heiligen schnitzt.

Solang auf ligurischer Fahrt
das Meer seine Fischer gewahrt,
so lang wird am Strand es schaun
die spitzenklöppelnden Fraun.

Ihr Völker der Erde, mich rührt
das Bleibende, das ihr vollführt.
Ich selbst, ohne Volk, ohne Land,
stütz' nun meine Stirn in die Hand.

Chú thích của người dịch:

Franz Viktor Werfel (1890-1945): Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức-Tiệp, lưu vong trong thời Quốc Xã, và trở thành công dân Mỹ. Được biết tới nhiều hơn bởi các tác phẩm truyện ngắn, văn xuôi và kịch, bản thân ông đánh giá thơ của mình cao hơn.

Reinhold Grimm (sinh năm 1931): Giáo sư giảng dậy bộ môn Văn học Đức và Văn học So sánh tại University of California.

(1) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

(2) Karl Kraus (1874-1936): Một trong những nhà văn quan trọng nhất đầu thế kỷ 20. Ông là nhà trước tác, châm biếm, nhà thơ và nhà viết kịch, nhà phê bình ngôn ngữ và văn hóa, từng có mối tỵ hiềm với Franz Werfel.

(3) Nguyên văn câu chế nhạo:„ Ich bin der Dichter Werfel. Ham sie ein Bederfel?“. Chữ Bederfel không có trong mọi thứ tiếng, do Karl Kraus đặt vần với tên Werfel, lái sang câu hỏi: „Haben Sie einen Bedarf? - Ông có cần gì không?“

(4) Chủ nghĩa Biểu hiện hay trường phái biểu hiện (Expressionism): Khuynh hướng phong cách đầu thế kỷ 20 trong nghệ thuật Tạo hình và trong Văn chương châu Âu giai đoạn 1905 tới 1925, trong nhiều môn nghệ thuật Kiến trúc, Nhạc kịch và Điện ảnh.

(5): Chỉ sự kiện sát nhập Áo vào nước Đức bằng việc các lực lượng Quốc xã Áo cướp chính quyền, kế đó các đơn vị quân đội, SS và cảnh sát Đức tiến quân vào xâm chiếm Áo tháng Ba năm 1938.

(6) Levant: Khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải, nhưng từ này có thể được dùng như một thuật ngữ địa lý để biểu thị một khu vực rộng lớn ở Tây Á hình thành bởi các vùng đất giáp với bờ biển phía đông Địa Trung Hải, giáp ranh giới về phía bắc là dãy núi Taurus, về phía nam là sa mạc Ả Rập, và về phía tây là Địa Trung Hải, trong khi về phía đông đó mở rộng về phía dãy núi Zagros.

Bài đăng trên VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...