Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Trầm tư mang hai ý nghĩa

Peter von Matt
    
Tranh của © Claude Monet (1840-1916): Họa sĩ Ấn tượng Pháp.

Nguyên do hẳn tại dòng đầu! Phần còn lại bao gồm những thành ngữ nhàm tai, thương cảm và cả có chút gì đó điệu bộ. Hẳn phải do cái dòng đầu, có ma lực biến hóa mọi sự tầm phào và cho cái tổng thể trở thành một loan báo, ở đó trăm ngàn người được nghe thấy cảm xúc sâu lắng nhất diễn đạt thành lời. Còn có một bài thơ nào trong thế kỷ này tìm ra sự đồng cảm mật thiết hơn thế nữa?

Có một lần, khi Jakob Burckhardt (1) đưa ra những suy xét xem văn chương thực ra đã làm nên sự tích gì, ông cho rằng : “Thơ có đỉnh cao của nó, nếu như thơ tiết lộ cho con người những bí mật nằm bên trong mà con người ta, thiếu vắng thơ, chỉ có một cảm giác mịt mùng về nó”. Chính xác điều này hẳn đã xảy ra với bài thơ của Hesse sống trong lòng bao độc giả nam nữ không sao kể xiết. Không thể nghĩ đến thành công của bốn khổ thơ, nếu không có khoảnh khắc khải huyền(2) gần như gây sốc :” Vâng, là thế đó! Rồi kết cục có một người nói lên điều đó!...”. Cái cảm giác mịt mùng của sự bỏ rơi, của tồn tại đơn côi và của nỗi lòng không được hiểu cho, ở đây bất chợt trở thành lời trong sáng. Ở đây có một vị thần mớm lời cho một nhà thơ nói lên điều khiến tất cả mọi người cùng đau khổ. Một bài thơ của toàn thế giới. Thực tình và trong ý nghĩa gây chóang ngợp nhất của ngôn từ.

Và tuy nhiên có thể có chút gì không ổn lắm. Burckhardt nói về những “bí mật”. Liệu lời nói này thật có cho phép áp dụng vào những câu như “ Sống là cô đơn” và “Từng người tồn tại lẻ loi”? Đó mà là những điều khải huyền ư? Nếu vậy thì tất cả đều là những khải huyền, kể cả những “ Cuộc đời là ngắn ngủi” và “ Vạn sự khởi đầu nan”. Và nếu vậy, trên đời không có lời sáo rỗng nào mà lại không có thể là khải huyền được.

Đó là trong thực tế. Số chân lý cơ bản trong kho tàng ít hơn rất nhiều so với số lượng các nhà triết gia đang sống. Và đã từ lâu những chân lý cơ bản này trở thành quen thuộc. Chỉ có điều là, điều gì được biết không có nghĩa là cũng được trải nghiệm. Có thể hàng chục năm trời người ta có thể ủ ấp một chân lý đơn giản và bản thân tâm niệm điều đó có tới trăm lần, trước khi chỉ có một lần đầu chân lý này ra đòn ngấm vào xương tủy.

Bài thơ của Hesse lập nên kỳ tích không khác. Nó biến hóa một thành ngữ nhàm tai thành một nghiệm trải gay cấn. Bài thơ đạt, ấy bởi tại dòng đầu. Nó là một sự kiện mang tính trữ tình, duy nhất trong tất cả mười sáu câu thơ. Trò chơi ngôn ngữ sương mù/cuộc đời, trong khổ cuối cùng được đẩy lên cho chúng ta hơi cấp tập, ở đây vẫn còn tiềm ẩn trong câu. Chúng ta cùng nghe thấy điều đó mà không ý thức được về nó. Ý nghĩ cũ kỹ, rằng cuộc đời là một cuộc lữ hành, thông qua liên kết của từ “dạo bước” với từ “sương mù”- từ phản hồi của “cuộc đời“- xuất hiện trong căn phòng vọng âm của dòng thơ. Vâng, chỉ thông qua liên kết đó, cái phòng vọng âm này sau rồi mới xuất hiện. Nó phù phép nhiệm màu cho năm chữ này và gây tác động khiến người ta không quên câu thơ nữa.

Tình cảnh của sự ruồng bỏ, của tồn tại cô đơn, của sự không được hiểu cho nỗi lòng thuộc về những hồi tưởng sớm nhất của chúng ta trong đời. Những điều đó là một thành tố cơ bản của mỗi một tuổi thơ. Là người cha hay người mẹ, người ta sốt sắng tìm cách tránh chúng đi cho con cái. Bởi chưng các nhà tâm lý nói rằng, trẻ con qua trải nghiệm bị tổn thương, sẽ trở thành những người lớn bất hạnh và chỉ còn tưởng niệm về cha mẹ với nỗi niềm cay đắng. Đây là điều vô nghĩa. Có lẽ chẳng có gì khủng khiếp hơn, nếu như luôn được hiểu tuốt tuồn tuột. Không có sự tìm ra mình, sự vững tâm của cái tôi riêng mà lại không qua cảm giác từng nếm trải tồn sinh cô đơn một cách đau đớn. Trong những khoảnh khắc này người ta mới nhận biết ra trung tâm của mình, một bối cảnh lạ lùng không bao giờ tìm ra được một lời chí lý. Goethe gọi là “trái tim tôi”. Chính vì thế, tất thảy mọi giai đoạn khốn khó trong đời đều dẫn tới một sự gia tăng và kết tụ những tình cảnh như vậy. Chính bởi lẽ đó, tất cả mọi giai đoạn khốn khó của cuộc đời cũng phải kết thúc với một cuộc tìm lại mình mới mẻ. Gây đớn đau nhưng đồng thời điều này cũng chắp cánh.

Thuộc về cái mẹo ngây thơ của bài thơ Hesse là cách xử lý để cho cảm giác toàn thắng của sự duy nhất đạt được mạnh mẽ xuất hiện sau trạng thái trầm tư ngự trị ban đầu. “ Quả tình không ai thông thái...”, điều đó âu cũng có nghĩa là “Tôi tồn thế, và như thế nào ấy chứ!” Và bởi vì sự tình xoay quanh một bài thơ toàn thế giới trong ý nghĩa choáng ngợp nhất của ngôn từ, bài thơ còn tặng cho từng người đọc một sự vững tâm, rằng mình là một người thông thái. Một món quà hoàn toàn không tồi.


®© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức - Bài đăng trên VHNA
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Hermann Hesse: (Hermann Karl Hesse, cũng dưới bút danh Emil Sinclair, 1877 - † 1962) nhà văn, nhà thơ và họa sĩ. Ông nổi tiếng thế giới với những tác phẩm văn xuôi Siddhartha hoặc Steppenwolf (Sói đồng hoang) cũng như với những bài thơ như bài Stufen (Những bậc thang). Năm 1946 Hesse nhận giải thưởng Nobel văn chương và Huân chương Pour le mérite của Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

Peter von Matt (sinh năm 1937): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn người Thụy Sĩ. Là giáo sư ngành Văn chương Đức thời mới, ông giảng dậy từ 1976-2002 tại trường Tổng hợp Zürich. Năm 1980 ông làm giáo sư thỉnh giảng tại Stanfort University, 1992/ 1993 được bầu làm thành viên của Viện nghiên cứu liên ngành Berlin (Wissenschaftskolleg Berlin). Peter von Matt là viện sĩ của ba viện hàn lâm.

Trong sương mù

Hermann Hesse (1877-1962)

Lạ lùng, trong sương dạo bước

Mỗi lùm cây, từng tảng đá lẻ loi
Không cây nào nhìn ra cây khác
Từng cây đơn côi.

Thế giới với tôi từng đầy bè bạn
Khi đời tôi còn sáng tươi
Bây giờ, có vì sương đổ
Không còn thấy bóng một ai.

Quả tình, không ai thông thái,
Kẻ không biết tới tối đen
không đằng nào tránh, lẹ êm
chia lìa anh xa tất cả.

Lạ lùng, trong sương dạo bước
Sống là tồn tại đơn côi
Không người nào biết người khác
Từng người bóng chiếc lẻ loi.

©  Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Im Nebel

Herrmann Hesse (1877-1962)

Seltsam, im Nebel zu wandern!
Einsam ist jeder Busch und Stein,
Kein Baum sieht den anderen,
Jeder ist allein.

Voll von Freunden war mir die Welt,
Als noch mein Leben Licht war,
Nun, da der Nebel fällt,
Ist keiner mehr sichtbar.

Wahrlich, keiner ist weise,
Der nicht das Dunkle kennt,
Das unentrinnbar und leise
Von allen ihn trennt.

Seltsam, im Nebel zu wandern!
Leben ist einsam sein.
Kein Mensch kennt den anderen,
Jeder ist allein.

Bản tiếng Anh tham khảo:

In the Fog

Herrmann Hesse (1877-1962)

Strange, to wander in the fog!
Alone each bush and stone,
No tree does see the other,
Each is alone.

Full of friends was my world
When still my life was light;
Now the fog descends
None is to be seen.

Verily, no one is wise
Who does not know the dark
Which inescapably and quietly
From everyone him separates.

Strange, to wander in the fog!
Life is loneliness.
No man knows the other,
Each is alone.

(Bản tiếng Anh của Scott Horton)

Chú thích của dịch giả:

(1) Jacob Christoph Burckhardt (1818- 1897): Nhà sử học văn hóa với trọng tâm nghiên cứu Lịch sử Nghệ thuật người Thụy Sĩ.

(2) Khai mở, vén màn các bí mật. Cuốn sách cuối cùng của Kinh Tân Ước được gọi một cách dung dị là Khải Huyền.


Tranh của © Claude Monet (1840-1916): Họa sĩ Ấn tượng Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...