Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Đạo đức là một tiếng chửi

Sandra Kegel (1)

Tranh của Bùi Xuân Phái (1921-1988) ©

Thời xấu là những thời tốt đẹp cho nhà văn? Trong cuộc gặp gỡ đỉnh cao của Thụy Sĩ, các nhà văn Lukas Bärfuss, Peter von Matt và Sibylle Berg thảo luận về phương pháp giáo dục của những nhà điều hành hãng Volkswagen, công xưởng mang tính không tưởng Silicon Valley và những gây hấn không đâu gặp phải khi viết.

Sibylle Berg: „Rất khó nghe lời một thứ sao lặng lẽ như đạo đức của riêng mình.“
Lukas Bärfuss: „ Xã hội định nghĩa hạnh phúc và dẫn tới chủ nghĩa thích ứng“
Peter von Matt: „Chúng ta có một hệ thống chọn lọc của Tốt và Xấu, luôn biến đổi hình thái và gần như mang tính ngẫu nhiên.“

Thưa ông Bärfuß, những phản ứng ngày hôm nay về bài báo của ông „Thụy Sĩ của sự điên rồ“ in trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã gây ra ngạc nhiên. Điều gì đã xảy ra vậy?

Lukas Bärfuß: Nhiều thứ. Quan trọng là bài tiểu luận xuất bản trên một tờ báo Đức. Rất nhiều người giận tôi về điều đó. Người ta thích xử lý mọi sự hơn trong phạm vi gia đình.

Peter von Matt: Kỳ quặc. Từ nhiều năm nay người ta than vãn rằng kể từ thời Frisch (2) và Dürrenmatt (3) các nhà văn không còn can thiệp nữa. Điều này tuy không đúng, nhưng mà phương tiện đại chúng ra rả nói vậy. Nếu vì thế có lúc nào một người đập cho một cái vào mồm, thì sự oán hờn lại nổi lên bề mặt. Các nhà làm chính trị và thông tin đại chúng cho rằng, họ có thẩm quyền về chính trị. Nhà văn cần phải viết sách, còn không thì xin mời các ông bà liệu mà im đi cho.

Hôm nay không còn cho phép lập luận về đạo đức nữa phải không?

Sybille Berg: Đạo đức đã trở thành một từ chửi. Trong ý kiến tập thể, những cuộc tranh luận đạo đức dính dáng chút gì đó phản cảm. Ngạc nhiên, bởi vì từng người đều có một thẩm quyền đạo đức bên trong và biết những gì trên thế giới xảy ra bên ngoài cái phạm vi nhỏ của mình.

Bà có thể giải thích điều này thế nào?

Sibylle Berg: Sự thể bắt nguồn từ tình cảnh xáo động trên thế giới, đã đạt tới một giai đoạn ở đó tất cả hiển nhiên bắt đầu sụp đổ vào bên trong. Có quá nhiều bất cân bằng, tất cả đều cọ xát, không còn đáng để nói câu chuyện một cách dễ chịu. Chính vì thế bật lên la hét. Rất khó, bởi khó nghe được điều nhỏ nhẹ. Sợ hãi bùng lên trên mạng. Khó mà lắng nghe điều lặng lẽ như thể lắng nghe đạo đức của riêng mình. Trước đây có được một quan điểm quả giản đơn hơn, nếu như không ngay tức khắc sẵn bày ra hàng ngàn quan điểm khác online trên mạng.

Chúng ta đang ở Monte Verità, nơi các nghệ sĩ cách đây 100 năm trước đã chắp vá những phác thảo cuộc đời. Các vị tựu trung còn có thể bắt đầu với khái niệm không tưởng một chút nào chăng?

Peter von Matt: Là phạm trù, không tưởng quan trọng theo từng giai đọan, sau đó nó lại mất đi. Nhưng mà ngày hôm nay, vì vấn đề ngập tới cổ, cho nên chúng ta cũng không còn có thể nghĩ ra một thế giới những là như thế này thế kia. Chúng ta phải thấy rằng, mực vấn đề đã hạ xuống. Không tưởng đã từng là cuộc tranh luận sang trọng của cánh tả trong những năm thập kỷ 70. Dạo đó cái đó đã khiến tôi nhức đầu. Tôi muốn một vấn đề ra tấm ra món, tôi có thể nói về nó.

Sibylle Berg: Nếu như đã vậy, không tưởng của thời đại chúng ta chẳng được phác thảo ra bởi các nhà văn chúng ta, mà chính bởi các nhà lập trình của Silicon Valley. Ở hãng Boston Dynamics (4). Không tưởng là sự thay thế gần như đầy đủ con người bằng máy móc, có thể không hoàn toàn tệ hại.

Cả ba ông bà đều là công dân Thụy Sĩ. Đất nước của các vị được nêu danh là một cộng đồng ý chí. Trong đó có tiềm ẩn một moment nào chăng của không tưởng?

Peter von Matt: Phát ngôn về Thụy Sĩ như là một dân tộc bởi ý chí làm tôi bực mình. Bởi vì điều này có nghĩa là, những người khác đã do tự nhiên trở thành cái làm nên họ, trong khi chúng tôi làm ra chính chúng tôi. Nhưng mà Thụy Sĩ là sản phẩm của những tình cờ lịch sử. Những tưởng Thụy Sĩ bị giải tán năm 1815, nếu như những nhà nước đại cường châu Âu không nói rằng, chúng tôi cần đất nước này vì hộ chiếu. Thụy Sĩ đã không hề có đủ khả năng xuất hiện một cách thống nhất tại Hội nghị Vienna, mà bị chính các nước lớn cưỡng bách về biên giới chúng ta có ngày hôm nay.

Lukas Bärfuss: Về không tưởng trước tiên tôi nghĩ đến cuốn sách „Utopia“ của Thomas Morus (5) miêu tả nhà nước lý tưởng, để nêu danh sự khác biệt với hiện tại. Điều này năm trăm năm sau vẫn bức thiết đúng như thế. Nhà văn ưu tư về việc chúng ta sẽ vận động theo hướng nào. Đề ra mục tiêu của cái bất khả thể tỏ ra quan trọng với tôi. Và ở đây hoàn toàn có thể có một liên hệ với cái tiếng xấu của đạo đức.

Trong chừng mực nào cơ?

Lukas Bärfuss: Tiên quyết hơn cả đạo đức là câu hỏi, người ta muốn và cần phải sống thế nào. Ở đó đạo đức đã trở thành một thứ với nó người ta đập chết người bằng lý lẽ, bởi vì câu hỏi này hầu như không cho phép trả lời được bởi từng người. Xã hội định nghĩa hạnh phúc, và cái đó dẫn tới thích nghi hiện trạng. Điều này bắt đầu từ cái nhỏ. Nếu như có người nào muốn làm việc bán nhật, sự thể đã trở nên rắc rối với đường tiến thân. Áp lực thích nghi lớn, khoảng chơi vừa vặn. Câu hỏi về đức lý trở thành sự đe dọa. Rochefoucauld (6) luôn khăng khăng cho rằng chính vì thế ông là một nhà đạo đức, bởi vì ông mô tả sự vật như nó là. Đối với tôi, đó là thái độ của nhà đạo đức.

Peter von Matt: Nhưng là khác với những người Pháp vốn quan niệm đạo đức trước hơn là những phong cách, thì trong ngôn từ của chúng ta đạo đức hướng vào những khác biệt giữa các hành động được coi là đúng hay là sai. Vấn đề của đạo đức với tôi ngày hôm nay có lẽ trước hết nằm ở chỗ, chúng ta không còn có một hệ thống đức lý cấu kết với nhau, mà chỉ thuần túy một political correctness (7), từ trường hợp này đến trường hợp kia hiệu chuẩn từng hành vi. Phân biệt chủng tộc, bài Do thái, ấu dâm, đấy là những tội đáng chết của thời hiện tại của chúng ta. Nhưng mà bên cạnh đó tiếp tục có nhiều những kiểu ứng xử kinh tởm tương tự như vậy, kỳ lạ thay không hề lọt vào trong hệ thống đó. Bởi vì đạo đức có một tiếng xấu như thế, điều này phụ thuộc một cách tiên quyết vào khái niệm thuyết giảng đạo đức. Con người trải nghiệm nó một cách tự do, hắn ta có thể làm hoặc thôi những gì hắn muốn. Trong tinh thần này, đạo đức có ý nghĩa tiêu cực, nhưng tuy nhiên với các phạm trù của political correctness, thí dụ tôi không được nói cái từ „Mohr“ (8) nữa, thì đạo đức lại được gọi tên ở đây. Chúng ta có một hệ thống chọn lọc của Thiện và Ác, hoán thể và gần như là tình cờ.

Lukas Bärfuss: Kể cả không có một bộ chuẩn tắc phổ quát, vẫn còn nhiều quy tắc chưa soạn thảo, và chúng ta biết rõ, chúng ta phải ứng xử ra sao để còn vừa vào với sự có thể thương lượng. Cách ứng xử thích ứng hiện trạng ăn mừng những trạng huống cổ xưa. Đó là hậu quả của sự sợ hãi về sự sinh tồn của bản thân và dẫn tới việc chấp nhận những định chuẩn của thực tại một mình xác quyết. Thông qua đó mất đi chiều kích lịch sử. Về mặt đạo đức, Angela Merkel bị thóa mạ vì chính sách tỵ nạn, bởi bà đã dựa vào truyền thống châu Âu. Lịch sử của những sự xua đuổi luôn mang tính kiến lập cho bản sắc châu Âu và Liên minh châu Âu. Ai ngày nay nhìn nhận mình phi lịch sử, hay là tin rằng, như Peter von Matt nói, được phép ứng xử như anh ta muốn, người đó đứng ngoài truyền thống châu Âu và phải thóa mạ bà ấy, người thực ra cần phải ràng buộc trách nhiệm lên anh ta.

Điều này mang lại hậu quả gì, nếu như mất đi chiều kích lịch sử, như ông Lukas Bärfuss vừa nói?

Lukas Bärfuss: Sự tàn phá khái niệm tương lai một cách tích cực là một trong những vấn đề trọng tâm của thời đại chúng ta. Bởi vì nó được cắm rễ vững chãi trong xã hội công dân. Điều tốt lành nhất, là người thợ của mình xây nên hạnh phúc, còn tới – trong ý này diễn đạt một sự đoan chắc rằng tương lai không là hệ định, mà có thể xây dựng được. Sự tin chắc này bị lay chuyển, có như qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Dạo đó số đông đã không đủ khả năng đến cùng chống lại lợi ích tài chính của một thiểu số. Những nền dân chủ có thể mất đi sự thụ động và lại có thể nhận ra mình có quyền xác quyết ra sao, điều này chưa nhìn thấy trước được.

Peter von Matt: Chúng ta không thể đi vòng qua được. Tôi nhìn vấn đề không bi quan như các vị. Ai dạy dỗ con cái, ắt phải đối mặt với tương lai. Ở đây chúng ta phải nỗ lực vì tương lai. Cụ thể trong mối tương quan cá nhân, nhưng mà đây đó sự nghiệm trải của tương lai có thể tốt có và tương lai có thể xấu đó đây thúc bách. Trong đường đời từng người, nghiệm trải có căn nguyên của nó qua sự tiếp nối thế hệ.

Lukas Bärfuss: Nhưng mà một giám đốc điều hành hãng VW (Volkswagen) can dự vào những trò lừa đảo, s giáo dục con của mình thế nào đây. Đây là một tình huống cơ bản kịch tính: Sau khi đi làm về người cha giải thích cho đứa con tại sao trong nhà trường không được phép quay cóp và sau đó lại suy tính xem ông ta có thể lách luật tốt nhất bằng cách nào. Nếu nội trong bộ máy đạo đức của một cá thể không có sự điều phối, thì thử hỏi làm sao có thể có được điều này khi bước vào xã hội.

Peter von Matt: Đạo đức nước đôi là một vấn đề xưa cũ. Cả vào cuối thế kỷ 19 đã có đạo đức chính thống và đồng thời thực tiễn đương nhiên của sự phi đạo đức. Dạo đó là một cấu tầng giai cấp. Ngày hôm nay có sự chênh biệt giữa hoạt động kinh tế và cá nhân. Người ta thay đổi áo.

Lukas Bärfuss: Chuẩn mực kép không tốt đối với một cá tính, bởi vì nó đòi hỏi những phúc lợi cân bằng cao: không chỉ một phòng thay đồ kép, mà còn cả một ngôn ngữ kép, một lịch sử kép, điều này chúng ta tìm thấy trong nhiều lĩnh vực của xã hội.

Ông nghĩ đến điều gì ở đó?

Lukas Bärfuss: Hàng nhiều thập kỷ thể thao đã vô tư chuyển tải những giá trị tích cực. Sức khỏe, tinh thần đồng đội, Fairness. Và hôm nay? Gần đây, khi con trai tôi hỏi, con có được tập luyện tại cuộc gặp gỡ điền kinh với các vận động viên thế giới hay không, tôi đã không cho phép cháu đi. Con tôi nó mở mắt tròn xoe nhìn tôi. Nhưng tôi không muốn cháu dây dưa với các nhà thể thao nghiện ngập, lừa đảo. Tôi yêu sự ganh đua thể thao, nhưng chắc chắn không vì lẽ nó làm cho mạnh khỏe hoặc công bằng.

Bà Berg, trong cuốn tiểu thuyết của bà „Cám ơn đời“ bà đã phác họa ra một nhân vật có đạo đức cao sống trong môi trường có vấn đề.

Sibylle Berg: Cuốn sách đã là một mệnh lệnh thử nghiệm. Làm sao một người riêng lẻ có thể kinh qua cuộc đời không một sự cay đắng. Không bị tàn phế về đạo đức. Làm sao người ta đạt được nguyên còn mà vẫn cảm thông. Trước hết là người ngoài cuộc. Và làm sao một người lại thành công trong việc vượt qua sự bỉ báng, mà anh ta không hề bất tử. Và một trong hàng tỷ người.

Peter von Matt: Thú vị đấy, bởi vì có sự căng thẳng giữa tra vấn về xã hội và đạo đức của từng người. Tiểu sử cuộc đời cá nhân là hiện thực có thể là lớn nhất mà chúng ta có thể nghiệm trải. Tuy rằng con người từng trải xã hội, nhưng nó có tương lai riêng. Chính vì thế, theo cách thức kỳ quặc, từng người đơn lẻ hội nhập vào xã hội hoặc không hội nhập. Đó đây nhiều lỗ hổng mở ra.

Sibylle Berg: Cái quyết định là không cay cú và không để những quá trình phát triển in thành vết vào tư duy. Ở lại năng động trong mọi hướng là sự thách thức về mặt tính cách cá nhân và tri thức. Chỉ trong sự cởi mở này, một cuộc đời hạnh phúc nói chung mới trở nên khả thể. Ngay trong phần bổ khuyết bài báo về Thụy Sĩ những tưởng tôi đã có điều kiện để cay cú. Nhưng điều này đã không chạm tới được tôi, tôi không muốn để tước đi cảm tình của mình đối với thuộc tính người.

Peter von Matt: Với điều đó vừa rồi bà đã mô tả nét đặc thù của công việc nhà văn: tức là anh ta không thể nào bỏ qua được cá thể, Kết cục anh ta luôn luôn đụng độ với thực tại của từng người. Đối với thực tại này các hệ thống xã hội là thứ yếu. Có thể chúng bi đát hay tàn phá, nhưng mà nghiệm trải của cô lập của từng con thú người riêng lẻ, phải được người nào đó biểu đạt. Chính vì thế cần tới văn học, cũng là đối trọng với khoa học. Bởi vì khoa học không bao giờ phối hợp với cá thể, mà luôn với mẫu người.

Sibylle Berg: Nhưng mà các vị đôi khi chẳng có những ngày các vị nghị rằng, những điều chúng tôi làm, đó là một điều nhăng cuội tinh hoa. Trong những khoảnh khắc ấy tôi ngờ vực và nghĩ rằng, nếu như tôi muốn lay chuyển chút gì đấy, thì tôi phải vào lĩnh vực chính trị và trở thành lãnh tụ cách mạng. Chúng ta chỉ ru rú tại đây và làm cách mạng trẻ ranh. Nếu như còn trẻ hơn, tôi sẽ chẳng bắt đầu một lần nữa viết lách.

Peter von Matt: Đó là số phận nhà văn của các vị.

Sibylle Berg: Chạy quàng bụi rậm...

Peter von Matt: Về những độc giả quan trọng đối với bà, những người bà mang lại cho nhận thức khiến họ thay đổi cuộc đời, có thể chẳng bao giờ dù một lần bà nghe tin về họ.

Lukas Bärfuss : Tôi cũng biết những gây hấn không đâu nặng nề khi đang làm việc. Nhưng mà chừng nào tôi còn viết, điều đó không đóng vai trò gì. Và chủ nghĩa bi quan văn hóa cũng không là thái độ chấp nhận được. Đã một lần nó đẩy thế kỷ 20 vào tai họa. Gần đây trí tuệ nhân tạo đã đánh gục một người chơi Go. Chúng ta cần xắn tay, vẽ trọn ra hậu quả cho hình ảnh con người.

Thế thì thời đại xấu là thời tốt lành cho nhà văn chăng?

Sibylle Berg: Tôi cho rằng ngày hôm nay gần như khó khăn chút xíu. Có một sự thừa thãi vấn đề tuyệt vời đang chào mời . Người ta không theo kịp.

Peter von Matt: Những gì nhà văn phải làm, là viết, không phải là giải thoát thế giới. Họ cũng không phải giải quyết những vấn đề của thế giới. Họ có nhiệm vụ nói lên điều không thì chẳng một ai nói.

Lukas Bärfuss: Tôi không muốn bằng lòng với bản thân và tay trắng đến một kết cục. Tôi muốn nguyên còn có thể sờ mó được. Tất nhiên là lạc lõng, những gì một người đàn bà nghĩ một ngàn năm trước và thế đó tôi đã khóc như một đưa trẻ khi đọc tác phẩm „Sách gối đầu“ của Sei Shonagon (9).

Sybille Berg: Tôi có cảm giác rằng, thế giới đứng trước một giai đoạn mới. Do cuộc cách mạng kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo. Cái đó dẫn đến những phản ứng gay gắt của thời đại chúng ta. Tôi chỉ không biết, thế giới sau đó mặt mũi ra sao. Cái đó làm tôi kiệt sức. Các vị có một ý tưởng chứ?

Lukas Bärfuss: Không một mảy may. Nhưng trước đây 30 năm nhìn ra được hiện tại hôm nay cũng đã là điều không thể. Tương lai vẫn không thể đoán định trước, cơ may lớn tiềm ẩn trong đó. Trong khi tương lai của riêng mình đáng tiếc thay có thể nhìn thấy được.

À thế à?

Lukas Bärfuss: Tôi sẽ dìm mình tan vào a xít amin.

Peter von Matt: Không đúng đâu. Cái chết nhìn thấy trước, nhưng mà cái chết không phải là một tương lai. Với cái chết tương lai kết thúc.

Lukas Bärfuss: Với tôi vâng chính thế, nhưng không với xã hội. Sự đời tiếp tục. Điều chắc chắn rằng cuộc đời hữu hạn, cho phép tôi ấn định các ưu tiên khác đi. Nó tương đối hóa bản thân tôi theo cung cách nào đó. Trong câu nói“ Hãy lưu tâm, rằng anh rồi chết“ tiềm ẩn một hứa hẹn hạnh phúc. Và dẫu sao lời hứa khiến ta nhẹ gánh hơn khỏi đánh mất lý trí.

28.04.2016
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Chú thích về các nhà văn:

Sibylle Berg, sinh năm 1962 tại Weimar, năm 1984 bỏ CHDC Đức. Từ khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1997, sách của bà được dịch ra 20 thứ tiếng.

Lukas Bärfuss, sinh năm 1971, nay thuộc về các kịch tác gia có vở diễn nhiều nhất trên sân khấu. Ông là tác giả của những tiểu thuyết được giải „Trăm ngày“ và „Koala“.

Peter von Matt, sinh năm 1937, giảng dậy bộ môn Văn học Đức thời mới ở trường Tổng hợp Zürich. Gần đây ông xuất bản cuốn sách“ Những cậu con trai tàn tạ, những cô con gái lỡ làng: Thảm họa gia đình trong văn chương“.

Chú thích của người dịch:

(1) Về nữ tác giả Sandra Kegel : Sinh năm 1970 tại Frankfurt am Main. Bà nghiên cứu Ngữ văn Đức, Romanic cũng như Sân khấu, Điện Ảnh và Thông tin đại chúng. Từ 1999 bà là biên tập viên mục fuiletton. Từ 2008 biên tập viên Văn học và Đời sống văn chương của tờ FAZ, đồng thời là thành viên nhiều ban giám khảo tặng giải văn chương có uy tín (Giải thưởng Hölderlin, Giải thưởng Ingeborg-Bachmann, v.v.).

(2) Max Frisch (1911-1991): Nhà văn, kiến trúc sư người Thụy Sĩ, tác giả tiểu thuyết Homor fabe nhiều người biết đến.

(3) Friedrich Dürrenmat (1921-1990): Nhà văn, kịch tác gia và họa sĩ người Thụy Sĩ.

(4) Boston Dynamics: Hãng nghiên cứu và chế tạo người máy tiên tiến nhất, có trụ sở tại Waltham (Massachusetts).

(5) Thomas Morus (1478-1535): Chính trị gia, và tác gia người Anh, tác giả cuốn Utopia.

(6) François VI. de La Rochefoucauld (1613-1680): Nhà quí tộc và nhà quân sự Pháp. Ông đi vào lịch sử văn học với nhửng lời cách ngôn, được coi là đại diện của những nhà đạo đức học của Pháp.

(7) political correctness: Mực thước chính trị (trong thái độ, ý thức, hành vi).

(8) Mohr: Từ mang chút hàm ý khinh thị chỉ người da tối màu, da đen.

(9) Sei Shonagon (966-1025) : Nữ sĩ và cung tần triều đình Nhật bản triều đại Heian, tác giả của cuốn "Sách gối đầu giường".

Cuộc nói chuyện xảy ra bên lề Liên hoan Eventi letterari Monte Verità ở Ascona.

Tranh chân dung của Bùi Xuân Phái (1920- 1988): vietnamesischer Maler und Grafiker.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...