Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Sức hấp dẫn của những "lãnh tụ mạnh" kiểu mới

Hannes Stein
Tranh ©Helen Frankenthaler (1928 - 2011), họa sĩ Mỹ

Không chỉ hàng triệu người chất phác cho rằng Putin, Trump và Erdogan tốt. Cả những trí thức cũng cắn câu. Từ đâu ra cái hấp lực của nền „dân chủ lãnh tụ“ này. Hai yếu tố tỏ ra mang ý nghĩa quyết định - Die Welt.


Thông thường giải Nobel văn chương được trao cho những người có tài năng mức trung bình, nhưng mà có những ngoại lệ. Thuộc về số này là Czesław Miłosz, một nhà thơ Ba Lan gốc Litva, người đã sống sót qua đại chiến thế giới thứ 2 trên đất nước quê hương của mình.

Czesław Miłosz chiến đấu trong vùng địch hậu và che giấu người Do Thái. Sau chiến tranh một thời gian ông phục vụ chính phủ cộng sản mới trong vài trò tùy viên văn hóa tại Paris, cho đến khi ông phản thùng và chạy sang hàng ngũ bên kia.

Và sau đó ông ngồi vào bàn và viết cuốn sách „Trí tuệ bị mê hoặc“ (đáng tiếc bây giờ chỉ có thể mua được trong cửa hàng sách cổ, trái lại bản tiếng Anh có tên „The Captive Mind „ hiện thời lúc nào cũng có thể mua được). Trong tiểu luận này Czesław Miłosz tìm cách giải tường cho bản thân và người đọc thực tế rất kỳ quặc: Làm sao lại ra nông nỗi sau đại chiến thế giới hai nhiều bậc trí thức như vậy đã trở thành môn đệ stalinit trung tín.

Trước hết tại Ba Lan, việc này khá là lạ lùng, bởi vì trở thành môn đệ stalinit thế có nghĩa là phải liên kết với nước Nga – và nước Nga là một kẻ thù của người Ba Lan không chỉ trong lịch sử.

Chủ nghĩa Stalinit cấp cho chỗ dựa tinh thần


Những toán quân sô-viết vừa mới đây lãnh đạm ngoảnh mặt làm ngơ, khi quân Đức nhấn chìm cuộc khởi nghĩa của người Ba Lan và biến Warzawa thành cánh đồng đá sỏi; sau đó kết cục vào năm 1939 Liên Sô đã nuốt trọn phần xâm lấn đất nước này.

Dựa vào bốn ví dụ liên quan đến bốn nhà thơ xưa từng là bạn bè hoặc người quen của ông, Czesław Miłosz kể câu chuyện về „Trí tuệ bị mê hoặc“. Người thì một nhà theo chủ nghĩa dân tộc hoặc bài Do Thái, kẻ khác trước chiến tranh từng là tiểu thuyết gia theo Thiên Chúa giáo. Người thứ ba sống qua Auschwitz, người thứ tư là kẻ nghiện rượu và trùm hài tiếu ai cũng biết.

Chủ nghĩa Statlinit đã cấp cho tất cả những người đó một chỗ dựa tinh thần, không có nó họ đã không sống qua nổi sau 1945. Người bài Do Thái và theo dân tộc chủ nghĩa năm xưa, thậm chí cuối cùng còn trở thành một viên đại sứ cộng sản mà trước hết những vị khách phương Tây thán phục sự đại lượng phóng khoáng của gã. Chỉ có kẻ sống qua Auschwitz đã kết liễu đời mình một cách thê thảm: Ông ta tự sát bằng khí bếp ga.

Theo cung cách của họ, tất cả những người trí thức được Czesław Miłosz miêu tả đã bị sang chấn tâm lý bởi lịch sử. Một động lực mạnh mẽ khiến họ cải giáo là lòng căm thù - một sự căm thù người Đức, theo mọi kiểu bởi những gì nước Đức gây ra cho quê hương họ, chỉ có thể là điều quá dễ hiểu.

Lô-gich của lịch sử nghiêng về một phía


Nhưng mà còn có một lý do thứ hai mạnh mẽ hơn để cải tín theo chủ nghĩa Stalinit: vẻ như có lô-gich của lịch sử nghiêng về phía họ. Phải chăng phương Tây không suy đồi và yếu thế chăng?

Và cái xã hội mới này với tất cả sự man rợ, yếu kém và những thiếu hụt cung ứng, hình thành ở phía đông dòng sông Elbe, đơn giản không phải là cái phía trước hứa hẹn toàn thể loài người hay sao?

Và có phải là hay hơn không, nếu như giảng hòa với những kẻ chiến thắng của lịch sử, hơn là phản kháng lại nó? Trước tiên bởi sau những rùng rợn của đại chiến thế giới 2 không còn có gì có thể đem ra định nghĩa rõ rệt để rồi nhân danh nó phản kháng lại những sự rùng rợn này.

Ngạc nhiên thay, tập tiểu luận „Trí tuệ bị mê hoặc“ đã đứng vững với thời gian; và trong thời đại hôm nay, bài học rút ra từ nó có tác động tiên tri theo kiểu gần như gây rùng rợn. Bởi chưng các nền dân chủ phương Tây đang bị đe dọa tới mức không thể nào hơn, tính từ những năm ba mươi của thế kỷ trước.

Người ta ngạc nhiên về tính phá bỏ

Không, ở đây tôi không nói tới Donald Trump, Wladimir Putin hay là Recep Tayyip Erdogan. Tôi nói về những người theo chân họ, hàng triệu người đang thán phục những gì tởm lợm ở những hình bóng lãnh tụ này. Họ ngưỡng mộ việc người hùng của họ đối đầu với các sự kiện đã tuyên bố chiến tranh, khinh thường nhân quyền để rồi mạnh tay ra đòn đối với những nhóm người thù địch - ấy là người Hồi giáo, người Kurd, người Mexiko, những kẻ „nhập cư bất hợp pháp“.

Những fans cuồng nổi giận chống lại phương tiện đại chúng và reo cười cổ vũ, nếu như người hùng của họ chốn công khai phùng mang trợn mắt. Đàn ông vui về vị tổng thống khoe khoang rằng ông ta xọc tay vào đùi phụ nữ ngáng họ hoặc là ông ta sẽ ban bố một đạo luật cho phép những người chồng đánh đập người vợ của mình. Và những người đàn bà lại phấn khởi vì cuối cùng lại có một đấng đáng mặt nam nhi cai trị với bàn tay thép, như việc đời vốn thế.

Nhưng ma quỉ lẩn quất nơi đây: trong đám người ngưỡng mộ phong trào mới cổ súy quyền uy, chủ nghĩa phản đối tự do, có cả những người trí thức. Và cho đến ngày hôm qua đây rất nhiều trong số những người trí thức đó còn lên tiếng và hết lòng viết ra những điều hoàn toàn tử tế.

Những lý tưởng cánh tả bị cười cợt báng bổ

Một số kẻ là những người tả khuynh loại không giáo điều. Một số là những kẻ theo chủ nghĩa tự do và tán thành thương mại tự do. Một số kẻ theo chủ nghĩa bảo thủ. Và đột nhiên những người này ăn mừng những chính khách chỉ biết cười báng bổ những lý tưởng tả khuynh có lẽ thích nhất cấm đoán thương mại tự do. Họ huýt sáo khá to xổ toẹt vào những giá trị gia đình bảo thủ; đối với họ tôn giáo kiểu nào cũng chỉ là một phương tiện đi đến mục đích - bởi vì trong thực tế Putin, Trump và Erdogan không cầu nguyện Chúa Thánh, mà chỉ cầu nguyện Quyền Lực.

Điều gì đã xảy ra? Làm sao mà những kẻ ngày hôm qua còn là bạn của con người đột nhiên lại cổ súy sự tàn bạo hiển nhiên và dối trá đến mức hỗn xược?

Phần nào sự chuyển hướng đường lối chính trị của họ chắc chắn liên quan đến nỗi lo sợ của họ trước Hồi giáo cực đoan (trong trường hợp Erdogan: sợ hãi chủ nghĩa khủng bố của người Kurd) - một nỗi sợ chính đáng. Nhưng mà nỗi sợ này không giải thích hoàn toàn được hiện tượng. Và cuối cùng không có sự cần thiết phải bò sang lãnh địa của uy quyền vì lo sợ khủng bố - nhà nước Israel đã làm gương trước từ hàng nhiều thập niên.

Hẳn nhiên phải có chút gì khác khuất tất thao túng cuộc chơi. Và cái chút gì khác đi đó chính là cái Czesław Miłosz cách đây hơn 60 năm đã mô tả: Chủ nghĩa Stalinit trước hết gây tác động quyến rũ bởi vì có vẻ như được lô gich lịch sử nghiêng về phía nó.

Nhìn từ giác độ hôm nay điều này có thể gây buồn cười - bởi vì chúng ta biết được với sự thông thái rẻ rúng của kẻ hậu sinh rằng quãng chừng vào năm 1989, ít nhất ở phạm vi Đông Âu và Trung Âu đã qua đi quyền lực và sự huy hoàng cộng sản.

Nhưng mà thế giới của những năm năm mươi có diện mạo ra sao? Tấm màn sắt kéo hạ thẳng xuống châu Âu. Tại Trung quốc quân đội Mao Trạch Đông chiến thắng. Sau khi giải ách thuộc địa nhiều nước phát triển tìm thấy trong chủ nghĩa cộng sản một sáng kiến quyến rũ. Và thậm chí ở ngay Tây Âu, cụ thể ở Ý và Pháp, đã dấy lên những phong trào cộng sản mạnh mẽ.

Một ý tưởng siêu hình nhằm ngăn cản điều này

Ai dạo đó nghĩ rằng chủ nghĩa Stalinít những là mô hình xã hội của tương lai, kẻ đó tất hoàn toàn khác hơn là một gã điên. Kẻ phản bội Whittaker Chambers đinh ninh rằng, anh ta đã đã đứng vào hàng ngũ những người thất bại của lịch sử, khi anh ta bỏ chạy sang phía Tây. Rồi anh ta mặc dù thế vẫn đào ngũ chạy sang, điều đó có căn nguyên trong đức tin Ki tô giáo. Nhưng còn những kẻ khác không có một đức tin như vậy làm gì đây?

Ngày hôm nay chúng ta cũng không biết, sự chuyện sẽ kết thúc ra sao: Nếu như một nền cộng hòa già cội và mạnh mẽ như Hợp chủng quốc không được bảo vệ trước chủ nghĩa phản tự do, thì như vậy tất cả đều có thể.

Có thể nền “dân chủ lãnh tụ“ sẽ là thứ mà lịch sử với sức mạnh không khuất phục sẽ trôi dạt tới. Và tình yêu của dân tộc ông ta không thuộc về Putin chăng? Chẳng lẽ Trump không thể dựa được vào sự đồng thuận của 40% người dân Mỹ.

Là một người trí thức riêng lẻ người ta có được phép đưa thân mình chống chọi một trào lưu mạnh mẽ như thế không? Nhân danh cái gì mới được cơ chứ? Ai không có một ý tưởng siêu hình mạnh mẽ rằng quyền của cá nhân là thiêng liêng thực sự không có lý do để phản kháng lại phong trào mới cổ súy quyền uy.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức

Nguồn: Die Welt

Tác giả Hannes Stein (sinh năm 1965): Nhà báo chuyên viết bình luận về chính trị, blogger và tác giả viết sách.

Tranh của Helen Frankenthaler (1928 - 2011): Nữ họa sĩ Mỹ, đại diện quan trọng của Color Field Painting (Hội họa mảng màu) và Abstract Expressionism (Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...