Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Điệu dân ca

Rainer Maria Rilke (1875-1926)  

©Paula Modersohn-Becker (1876-1907)
 
Lòng tôi vậy quá sao rung cảm
Điệu dân ca vùng đất Bohemia
Len vào tim nhẹ điệu ca
Làm con tim nặng thiết tha nỗi lòng

Nếu một đứa trẻ trên đồng khẽ
Hát lên khi cào rẽ khoai tây
Bài ca của bé còn đây
Vang trong anh suốt canh chầy giấc mơ

Dẫu là thế anh giờ cũng đã
Đi xa cùng thôn dã nước non
Mà sao điệu khúc mãi còn
Sau nhiều năm lại véo von trong lòng.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Volksweise

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Mich rührt so sehr
böhmischen Volkes Weise,
schleicht sie ins Herz sich leise,
macht sie es schwer.

Wenn ein Kind sacht
singt beim Kartoffelnjäten,
klingt dir sein Lied im späten
Traum noch der Nacht.

Magst du auch sein
weit über Land gefahren,
fällt es dir doch nach Jahren
stets wieder ein.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Đức và châu Âu hiện đại.

Tiểu sử: Rainer Maria Rilke sinh ở Praha, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là Cộng hoà Séc) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Praha, sau đó ở München), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học Văn học, Lịch sử nghệ thuật, Triết học ở Đại học Praha, Đại học München, Đại học Berlin. Những tập thơ đầu tiên, Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt (Đăng quang trong mơ, 1897)…, thể hiện những đề tài theo khuynh hướng suy đồi cuối thế kỉ 19. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Lew Nikolajewitsch Tolstoi và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Nga. Năm 1901 kết hôn với nữ điêu khắc gia, họa sĩ Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến thứ nhất xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở München, năm 1919 sang Thụy Sĩ . Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Bi ca Duino) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Genève. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại dưỡng viện Val-Mont. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ yêu thích khắc trên bia mộ: Rose, oh reiner Widerspruch, Lust, Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern. (Dịch: Bông hồng, ôi mâu thuẫn tinh khiết, thích thú là giấc ngủ không của riêng ai dưới bao hàng mi).

Tranh của Paula Modersohn-Becker (1876-1907): Nữ họa sĩ Đức, đại diện quan trọng thời Tiền Biểu Hiện trong Hội họa Đức.

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Đêm nay người ta có hội

Heinrich Heine (1797-1856)  

©Emil Nolde (1867-1956): Họa sĩ Đức

Đêm nay người ta có hội
Và ngôi nhà ánh chói chang
Đó bên cửa sổ sáng choang
Một bóng người in thấp thoáng.

Em không thấy anh trong tối
Ở đây đứng dưới một mình
Còn ít hơn, có thế nhìn
Sâu vào tim anh tăm tối.

Yêu em trái tim tăm tối
Yêu em, tim anh vỡ tan
Và vỡ tan, và run bắn, máu tràn
Nhưng em, em nào có thấy.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Sie haben heut abend Gesellschaft

Heinrich Heine (1797-1856)

Sie haben heut abend Gesellschaft,
Und das Haus ist lichterfüllt.
Dort oben am hellen Fenster
Bewegt sich ein Schattenbild.

Du schaust mich nicht, im Dunkeln
Steh ich hier unten allein;
Noch weniger kannst du schauen
In mein dunkles Herz hinein.

Mein dunkles Herze liebt dich,
Es liebt dich und es bricht,
Und bricht und zuckt und verblutet,
Aber du siehst es nicht.

Một bản tiếng Anh (tham khảo)

They have company tonight

Heinrich Heine (1797-1856)

They have company tonight,
and the house is full of light.
Up there at the high window
moves a shadowy figure.

You do not see me; in the dark
here below, I stand alone.
Even less can you see
into my dark heart.

My dark heart loves you,
it loves you and it breaks;
it breaks and twitches and bleeds,
but you see none of this.

Chú thích của người dịch:

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm nhiều bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

Tranh thuốc nước của Emil Nolde (1867-1956): Họa sĩ hàng đầu của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức trong hội họa.

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Đau buồn

Hermann Hesse (1877-1962)
   
Tranh© Wassyli Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ Nga

Với tôi còn cháy ngày qua
Hôm nay dâng về cõi chết
Từng bông từng bông rụng hết
Từ cây của nỗi đau buồn.

Tôi nhìn chúng rơi và rơi
Xuống đường tôi như tuyết trắng
Những bước chân không tiếng vọng
Câm lặng dài lâu đến gần.

Bầu trời không còn sao sáng
Không tình yêu nữa con tim
Miền xa màu xám im lìm
Thế giới đã già, trống rỗng

Trái tim cây, ai có thể
Chở che trong kỷ hung tàn
Từng bông từng bông rụng xuống
Từ cây của nỗi đau buồn.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Traurigkeit

Hermann Hesse (1877-1962)

Die mir noch gestern glühten,
Sind heut dem Tod geweiht,
Blüten fallen um Blüten
Vom Baum der Traurigkeit.

Ich seh sie fallen, fallen
Wie Schnee auf meinen Pfad,
Die Schritte nicht mehr hallen,
Das lange Schweigen naht.

Der Himmel hat nicht Sterne,
Das Herz nicht Liebe mehr,
Es schweigt die graue Ferne,
Die Welt ward alt und leer.

Wer kann sein Herz behüten
In dieser bösen Zeit?
Es fallen Blüten um Blüten
Vom Baum der Traurigkeit.

Chú thích của người dịch:

Hermann Hesse: (Hermann Karl Hesse, cũng dưới bút danh Emil Sinclair, 1877 - † 1962) nhà văn, nhà thơ và họa sĩ. Ông nổi tiếng thế giới với những tác phẩm văn xuôi Siddhartha hoặc Steppenwolf (Sói đồng hoang) cũng như với những bài thơ như bài Stufen (Những bậc thang). Năm 1946 Hesse nhận giải thưởng Nobel văn chương và Huân chương Pour le mérite của Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

Tiểu sử: Hermann Hesse sinh ngày 02 tháng 7 năm 1877 tại Calw, Württemberg. * Học trường Latin ở Calw và học trường dòng tại tu viện Maulbronn, nhưng bỏ học sau vài tháng. *Sau khi học hết bậc phổ thông, học thợ cơ khí đồng hồ, nghề bán sách và sáng tác văn học. * Năm 1899 xuất bản tập thơ đầu tiên Những bài ca lãng mạn. * Hoàn thành tiểu thuyết mang lại thành công nghề nghiệp Peter Camenzind (1904). *Kết hôn với Mari Bernouli người Thụy sĩ và chuyển đến Gaienhofen, một vùng hẻo lánh ở Bodensee. * 1911 tiến hành một chuyến du hành Đông Á. *Từ 1912 sống tại Bern. * Năm 1919 xuất bản tiểu thuyết nổi tiếng Demian, cũng trong năm đó ông chuyển về sống một mình tại Montaglona (Tessin).* Ly hôn và kết hôn với Ruth Wenger. *Tác phẩm danh tiếng nhất của ông Steppenwolf xuất bản vào năm 1927, nhân dịp sinh nhật tuổi 50. *Năm 1931 kết hôn lần thứ ba với Ninon Dolbin. *1924 trở thành công dân mang quốc tịch Thụy Sĩ. *Trong thế chiến II, năm 1943 ông hoàn thành tác phẩm Das Glasperlenspiel. *Năm 1946 Nhận giải thưởng Nobel văn chương. * Hermann Hesse mất tại Montaglona ngày 09.08.1962

Tác phẩm:
Thơ:
– Những bài ca lãng mạn (Romantische Lieder, 1899), thơ
– Thơ (Gedichte, 1902), thơ
– Trên đường (Unterwegs, 1911), thơ
– Thơ của người họa sĩ (Gedichte des Malers, 1920), thơ
– Thơ tuyển (Ausgewählte Gedichte, 1921), thơ
– Khủng hoảng: Nhật ký (Krisis : Ein Stück Tagebuch, 1928), thơ
– Sự an ủi của đêm (Trost der Nacht, 1929), thơ
– Thơ mới (Neue Gedichte, 1937), thơ
– Thơ (Gedichte, 1942), thơ
Văn xuôi:
– Peter Camenzind (Peter Camenzind, 1904), tiểu thuyết
– Dưới bánh xe lăn (Unterm Rad, 1906), tiểu thuyết
– Siddhartha (Siddhartha, 1920), tiểu thuyết
– Sói đồng hoang (Der Steppenwolf, 1927), tiểu thuyết
– Hành trình về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932), tiểu thuyết
– Trò chơi hạt cườm pha lê (Das Glasperlenspiel, 1943), tiểu thuyết.


Tranh của Wassyli Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ, nhà đồ họa và lý thuyết nghệ thuật người Nga.

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Ở đâu

Heinrich Heine (1797-1956)

Tranh ©  William Turner (1775-1851): Họa sĩ Anh

Đâu là chốn cuối cùng an nghỉ
Của mai sau người mệt mỏi lữ hành?
Ở phương Nam dưới những tán cọ?
Dưới gốc cây đoan miền sông Ranh?

Tôi rồi đâu trên một sa mạc
Để một bàn tay lạ vùi chôn
Hay yên nghỉ ở bờ duyên hải
Trong cát vùi của một đại dương.

Dẫu sao! Đây cũng như đó sẽ
Bọc lấy tôi Trời của Chúa vời cao
Hằng đêm như đèn canh người chết
Trên đầu tôi lơ lửng muôn sao.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Wo

Heinrich Heine (1797-1956)

Wo wird einst des Wandermüden
Letzte Ruhestätte sein?
Unter Palmen in dem Süden?
Unter Linden an dem Rhein?

Werd ich wo in einer Wüste
Eingescharrt von fremder Hand?
Oder ruh ich an der Küste
Eines Meeres in dem Sand?

Immerhin! Mich wird umgeben
Gotteshimmel, dort wie hier,
Und als Totenlampen schweben
Nachts die Sterne über mir.

Chú thích của người dịch:

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm nhiều bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

Tranh của William Turner RA (* 23. April 1775 † 19. Dezember 1851 ): Họa sĩ, đại diện quan trọng nhất của nền nghệ thuật tạo hình Anh trong thời Lãng mạn.

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Cùng sinh ra từ sự thao túng quyền lực

Phạm Kỳ Đăng

Tranh © Paul Cézanne (1839 - 1906): Họa sĩ Pháp

Một đảng độc quyền thao túng nơi nào, ở đó có tranh giành, xâu xé. Đất nào cai trị bởi một đảng, sẽ hình thành ở đó nhiều băng nhóm. Nhà nước nào chi phối bởi tham vọng tập quyền, sẽ tự khắc phân liệt ra thành nhiều địa phương với những sứ quân cát cứ và những ông trời con tự tung tự tác. Ở bình diện xã hội, con người, xảy ra sự phân cực sâu sắc. Các triều đại quân chủ chuyên chế trong sử sách đều cho cảm nhận ít nhiều những biến diễn như thế.

 

Đâu đó trong sử sách nói về thời mạt, trên thượng tầng người ta bắt gặp những thái giám, những con buôn, con hát ở gần nhà vua lộng hành át uy thiên tử. Lịch sử thường có những nhân vật lố lăng như vậy ở những giai đoạn xã tắc hỗn loạn. Rồi một trung thần hay minh quân xuất hiện, tiêu diệt kẻ phản loạn và khí tượng minh quân phát lên từ đấy.
 

Và lịch sử VNDCCH và CHXHCN Việt Nam thời hiện đại bởi những nét tương đồng về mô hình về tổ chức và cấu trúc xã hội cũng cho thấy những quá trình phát triển nội tại chẳng khác là bao thời quân chủ chuyên chế.
 

Ở cấp trung ương, cũng bởi nhiều phe phái dưới một uy quyền, rất nhiều khi và nhiều lúc các thế lực hay công cụ quyền lực xung đột nhau khốc liệt. Tản xuống cấp chính quyền địa phương, thể chế do đó cần những kẻ loong toong kết nối, môi giới, dám cáng đáng tất những gì đại diện chế độ công khai không dám thú nhận. Bình thường ra, những kẻ này giấu mặt như một thứ âm binh, một thứ lưu manh ủy nhiệm của chính thống. Họ làm dịch vụ đa cấp kết nối cho hệ thống vận hành ở các trục ngang và trục dọc, của các công cụ quyền lực (công an, quân đội) và giữa các cấp (từ trung ương qua địa phương cho tới bình dân).
 

Thời còn lãnh tụ mạnh, và trong hàng ngũ còn nhiều đảng viên khuynh tả đề cao lối sống thanh liêm vị lý tưởng, mỗi khi phanh phui ra một vụ tham ô hay biển lận công quỹ (giai đoạn đó có vẻ còn là những hoạt động lẻ tẻ), chính quyền còn đổ tội cho những phần tử “thoái hóa” và thậm chí “phản động”. Ngày nay khi tham nhũng, ăn cướp trở thành môn thể dục hàng ngày, những người “ăn của dân không từ một thứ gì”, nào có ai trong số họ không phải là đảng viên, đã và sẽ ngang nhiên công khai hoạt động.

Triều đình không còn giữ được thể diện qua ngôi anh minh nữa, toàn tập thể bầu bán chia bôi quyền lực có xu hướng cùng chén chú chén anh sinh hoạt bằng vai phải lứa. Sự bưng bít che đậy và gieo rắc huyền thoại song song với quá trình đó qua đi. Ở bối cảnh tiềm tàng tranh chấp quyền lực và và chia chác quyền lợi tài sản ngày càng gắt gao, sắp tới đây sẽ phá sản cả đền đài thiêng liêng cho các lãnh đạo ra vẻ cao đạo với dân chúng.


Từ lớp lưu manh ủy nhiệm mà ra, nhân vật Vũ “Nhôm” là một nhân vật lố lăng trá hình càng ngày càng mang tính điển hình phổ quát. Cho một mẫu người mới không phải là con người suy thoái hay sa đọa về đạo đức lối sống nào hết. Ở Vũ “Nhôm” nổi trội lên mẫu người thi hành, thừa sai mọi sự ác độc, tham lam, đồi bại của một đảng.


Gặp sự cố mọi việc đổ bể, đầu mối đã vỡ lở ra, chính quyền không thể cứu vãn, những kẻ đứng đầu quyền hành nhà nước sẽ bắt bớ trừng phạt lưu manh ủy nhiệm. Nhân vật này là vật hiến tế, nạn nhân tiềm tàng để lãnh đạo thể chế đổ thừa. Họ giơ đầu chịu báng chạy tội cho chính thể.


Trong số nhiều trí thức ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, thu hút sự tập trung vào phiên tòa mở đầu năm 2018, có người cao hứng gán cho ông này vai trò “thế thiên hành đạo”.


Ở đâu cơ? Tôi khẳng định khí tượng minh quân không bao giờ xuất hiện nơi Nguyễn Phú Trọng. Xét theo tiêu chí đức độ của thời xưa, con người này thiếu hẳn tình đồng bào, tổ quốc (sự vô cảm của ông ở các vụ Giàn khoan và Formosa cho thấy điều đó), nghiêm trọng hơn tinh thần dân tộc, và như một gian thần không mảy may một bợn lòng trung nghĩa, ông này đang dựa vào một ngoại bang nhăm nhe thôn tính đất nước, trong thực tế đã thao túng quá lâu quyền lực và dưới sự áp đặt một chủ nghĩa nhăng cuội đang tiếp tục cai trị nhân dân bằng bạo lực. Thắng thế những địch thủ và những phe nhóm của họ phen này, cứ cho rằng thế, ông ta vĩnh viễn phải thua những người anh em song trùng của mình là những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và hôm nay Vũ “Nhôm” nữa. Chừng nào trì hoãn giải phóng nhân quyền và từ chối chế độ dân chủ - dân quyền, sát bên nách Nguyễn Phú Trọng sẽ ào lên một lớp mới những thừa sai, đầu nậu trắng trợn thực hiện những ý đồ tham tàn nhất của chế độ tham nhũng do chính ông ta điều hành và tổ chức. Nhiều những hung thần Vũ Nhôm mới chẳng mấy chốc sẽ nhao nhao xuất đầu lộ diện quanh ông ta ở mọi lúc, mọi nơi.


©® P.K.Đ
Bài đăng trên Bauxite Việt Nam
Tranh của Paul Cézanne (1839 - 1906): Họa sĩ Pháp.

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Người mang lá cờ

© Wassyli Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ Nga

Rainer Maria Rilke (1875-1926):

Thường ra những kẻ khác sờ vào tất cả
đều thô nhám và không dự phần: những da, sắt, và đồ
Vậy là đôi khi một chiếc lông vũ mềm mại phỉnh phờ
rất đơn độc và sỗ sàng từng người chẳng khác
Thế nhưng - như bế một người đàn bà- anh vác
lá cờ trong trang trọng xiêm y.

Sát sạt sau anh tấm lụa nặng dời đi
qua bàn tay anh, thư thoảng trôi vuột mất.

Anh có thể một mình, nếu như nhắm mắt
nhìn thấy một nụ cười: cờ không được rời

Và nếu tới đây trong những áo giáp chói ngời
và giật và giằng cờ, và muốn nắm,

thì lúc đó anh được phép giật phăng khỏi cán
như đã xé đi từ trang thiếu nữ thanh tân
để giữ lá cờ nơi đáy giáp dưới chân.

Với những kẻ khác, đó là vinh quang và can đảm.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Fahnenträger

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Die Andern fühlen alles an sich rauh
und ohne Anteil: Eisen, Zeug und Leder.
Zwar manchmal schmeichelt eine weiche Feder,
doch sehr allein und lieb-los ist ein jeder;
er aber trägt - als trüg er eine Frau -
die Fahne in dem feierlichen Kleide.

Dicht hinter ihm geht ihre schwere Seide,
die manchmal über seine Hände fließt.

Er kann allein, wenn er die Augen schließt,
ein Lächeln sehn: er darf sie nicht verlassen. -

Und wenn es kommt in blitzenden Kürassen
und nach ihr greift und ringt und will sie fassen -:

dann darf er sie abreißen von dem Stocke
als riss er sie aus ihrem Mädchentum,
um sie zu halten unterm Waffenrocke.

Und für die Andern ist das Mut und Ruhm.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Đức và châu Âu hiện đại.

Tiểu sử: Rainer Maria Rilke sinh ở Praha, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là Cộng hoà Séc) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Praha, sau đó ở München), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học Văn học, Lịch sử nghệ thuật, Triết học ở Đại học Praha, Đại học München, Đại học Berlin. Những tập thơ đầu tiên, Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt (Đăng quang trong mơ, 1897)…, thể hiện những đề tài theo khuynh hướng suy đồi cuối thế kỉ 19. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Lew Nikolajewitsch Tolstoi và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Nga. Năm 1901 kết hôn với nữ điêu khắc gia, họa sĩ Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến thứ nhất xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở München, năm 1919 sang Thụy Sĩ . Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Bi ca Duino) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Genève. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại dưỡng viện Val-Mont. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ yêu thích khắc trên bia mộ: Rose, oh reiner Widerspruch, Lust, Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern. (Dịch: Bông hồng, ôi mâu thuẫn tinh khiết, thích thú là giấc ngủ không của riêng ai dưới bao hàng mi).

Phối tác trừu tượng - Con chim lửa ( Abstrakte Komposition - Feuervogel)
Tranh của Wassyli Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ, nhà đồ họa và lý thuyết nghệ thuật người Nga.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Sứ điệp

Phạm Kỳ Đăng   

Tranh © Bùi Xuân Phái (1921-1988): Vietnamese Painter

Con sáo mỏ vàng nhả nắng
Tấm vàng mành phố Hàn Thuyên
Những sấp lá bàng chao gió
Mở phơi vòm sáng ảo huyền

Chợ nhóm ầm ào chân dốc
Vườn hoa cúc tiết thu trong.
Cô hàng nghiêm trang đặt sách
Rẽ mành trông đóa trĩu bông.

Làn sương cuốn quanh những mái
Ở đây và chẳng ở đâu
Mông lung trong nhiều sắc thái
Vấn vương nhớ nhất nhịp cầu

Bắc về xa đường bông trắng
Mây bông nở ức giang giang
Sáng trưng mang tin sứ điệp
Hào quang vườn ước địa đàng

Xuống đây. Mặt trời ấm tỏa
Tình yêu thắm thiết từ ngôi
Quê hương, tiếng người cách trở
Gọi lên từ thuở nằm nôi.

©® PKĐ 2016

Tranh của Bùi Xuân Phái (1921-1988): Vietnamese Painter

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...