Thế nghĩa là gì nhỉ, nếu người ta tự thả mình vào? Rainer Maria Rilke để dở dang những câu thơ của mình về câu hỏi này.
Người ta cũng suy nghĩ và hành động mang tính cộng sinh ra sao, cuối cùng thì cũng một thân và người ta ở lại với bản thân đơn chiếc. Ai thả rông một con thú để trốn tránh cho xong, xét theo luật pháp đã phạm vi cảnh và đáng bị trừng phạt. Nhưng mà làm sao, nếu người ta tự thả mình vào? Trong một bản thảo của Rilke – ông soạn ra ngay sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, nhưng mãi tới năm 1919 mới xuất bản – những con thú ngược lại vẻ như được „bảo lưu“ và nâng niu“. Bị thả vào sống chết mặc bay ở đây có phải là cái Tôi không mạnh mẽ lên tiếng khẳng định mình, cái tiềm ẩn trong một bản thể đã bắt đầu bằng nhận biết nhưng rồi câm lặng ở đó. Có vẻ như bài thơ được viết ra bởi một kẻ bị ruồng rẫy đang đứng trên đỉnh cao của cảm nhận thuần túy; một bài thơ bắt buộc phải gãy khúc và như vậy phải dừng lại ở một phác thảo, chính bởi vì trong con người đó đang được nói về „cú đổ nhào câm lặng“.
Khi chinh phục những đỉnh núi cao, tới lúc nào đó chạm phải những ranh giới của cây xanh, ở đây cũng chính thế người ta chạm đến ranh giới của ngôn lời. Ở ranh giới đó chỉ còn thứ hoang dại, thứ thảo mộc có thể nảy chồi và cất lời „ca hát“, nếu xét về thực tế xảy ra dưới đồng bằng đầy nguy hiểm. Cảm xúc còn muốn như một „khuôn trang“ che chở, nhưng rồi tự thân cũng bị „thả buông“, một trang viên u ám, hoang tàn như bài thơ „ Trang trại thời gian“ của Paul Celan. Người ta có nên đọc bài thơ như tiếng kêu cầu giúp của một người bị ruồng bỏ? Hay nhiều hơn thế như một biên bản xác thực của trạng thái tâm hồn bên bờ của vực thẳm?
Địa phận cuối của lời
Bốn câu mệnh đề trạng ngữ gần như được đặt ra ở mức tuyệt đối – câu thứ ba lý giải trạng thái của người, một cách hiểu biết, lâm vào tình trạng câm lặng, câu thứ tư hoàn tất bản thảo (Fragment) và như vậy đương nhiên gây ra một kết thúc kiểu nào cũng chóng vánh và biến đi trong một dấu hiệu bỏ ngỏ tương tác với một tia chớp lóe lên trong suy nghĩ và hòa tan suy nghĩ này, và chính thế, cả một sự hồi tâm ngắn ngủi được tạo ra bởi ý nghĩ này vừa vụt hiện. Sự lặp lại lần thứ ba mang tính kết thúc hàm chứa một biến trạng mang tính quyết định: „thả về“ được thay thế bằng một trạng ngữ khác: „hắt hủi"; và như vậy còn gia tăng ấn tượng và ở khía cạnh cảm xúc, trạng thái không mái nhà che chở.
Câu hỏi cơ bản, cũng như thế không được nói ra của bài thơ tóm lại: Ai thả ai hay là buông thả cái chi? Người thức giả tự thả mình vào, bởi ngay từ đầu sự chiếm lĩnh hiểu biết đã bộc lộ rất nhiều về điều kiện của Hiện tồn? Và chúng nằm ở đâu, miền „núi non của trái tim“? Những ngọn núi này tiềm ẩn thứ gì? Tình yêu trong thế giới này có đọng lại trong lòng chúng, hay là chúng còn bảo tồn bên trong tình ái vẫn chưa hề được yêu chờ đợi người khai thác? Những ngọn núi này nằm bên ngoài chúng ta. Có thể chúng ta phải đào một hệ thống hầm mỏ hào lũy dọc ngang, để tiến sâu vào bên trong non núi của trái tim. Những nhà Lãng mạn thích xem mình là người thợ mỏ khai mở những hầm lò dẫn vào trong thế giới.
Những gì còn lại với người thấy mình bị ruồng bỏ trên miền núi của trái tim? Anh ta quan sát, phóng tầm mắt bao quát nhìn thảo mộc và muông thú, học cung cách tiếp xúc với đá sỏi. Kể cả khi anh ta tìm cách trải nghiệm hiểu biết của mình, ở chiều hướng gia tăng, vâng, tìm cách vượt bỏ hiểu biết trong miền núi non của cảm xúc, anh ta mơ hồ cảm nhận cái bao quanh, hiểu ra đỉnh núi như là đỉnh cao của sự chối từ thuần khiết; và điều đó ngụ ý một cuộc đời không còn muốn đáp ứng mọi sự trông đợi: cái Tôi tiềm ẩn – hay là người ta nên nói: cái Tôi tự giấu đi trước mình sẽ nói lời bằng vị thế Anh, hỏi rằng, anh liệu còn nhận ra, những điều gì mình (xưa) đã biết.
Ai tự nhìn mình bị thả vào trên miền núi không được vẽ trên một tấm bản đồ nào, sẽ tự đưa mình vào nguy cơ đương đầu kể cả với những thành tố của tự nhiên và của cảm xúc. Và điều này cũng đúng với bài thơ như bản thảo về sự cảm nhận ngôn từ, tiềm ẩn trong những cảnh trí hiểm trở của con tim núi non điệp trùng chia cắt.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Fragment
Rainer Maria Rilke (1875-1926)
Thả về miền núi của con tim. Trông kia, nơi đó sao nhỏ bé,
trông kia: địa phận cuối cùng của lời
và cao hơn, nhưng cũng vậy nhỏ nhoi,
một trang viên cuối cùng của cảm xúc? Có hay anh nhận biết?
Thả về miền núi của con tim.
Nền đá ở dưới bàn tay,
Một số thứ bừng nở nơi đây, từ cú nhào âm thầm
một loài thảo mộc vô thức nẩy chồi ca hát
Nhưng còn người thức giả? Chao ôi kẻ đó đã bắt đầu nhận biết
và bây giờ nín lặng, thả về miền núi của con tim.
Kế từ đây chính thế, mang ý thức cứu rỗi,
đám thú núi này tung tăng, đám khác được bảo lưu,
hoán vị và tha thẩn. Và con chim lớn được nâng niu
bay lượn quanh sự chối từ nguyên sơ của đỉnh núi – Nhưng
chịu điều hắt hủi, ở đây trên miền núi của con tim...
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Fragment
Rainer Maria Rilke (1875-1926)
Ausgesetzt auf den Bergen des Herzens. Siehe, wie klein dort,
siehe: die letzte Ortschaft der Worte,
und höher, aber wie klein auch, noch ein letztes
Gehöft von Gefühl. Erkennst du's?
Ausgesetzt auf den Bergen des Herzens.
Steingrund unter den Händen.
Hier blüht wohl einiges auf; aus stummem Absturz
blüht ein unwissendes Kraut singend hervor.
Aber der Wissende? Ach, der zu wissen begann
und schweigt nun, ausgesetzt auf den Bergen des Herzens.
Da geht wohl, heilen Bewußtseins,
manches umher, manches gesicherte Bergtier,
wechselt und weilt. Und der große geborgene Vogel
kreist um der Gipfel reine Verweigerung. - Aber
ungeborgen, hier auf den Bergen des Herzens....
Chú thích của người dịch:
Rüdiger Görner (* sinh năm 1957): Nhà nghiên cứu văn học, nhà phê bình và nhà ngữ văn Đức.
Tranh của August Macke (1887-1914): họa sĩ Biểu hiện Đức, ngã xuống ở mặt trận phía Tây gần Perthes-lès-Hurlus ở vùng Champagne.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét