Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Tâm tình với câm lặng

Horst Bienek  



Trong khu vực nói tiếng Đức danh tiếng của Peter Huchel lớn. Ở đó ông xuất bản lại không nhiều hơn 100 bài thơ. Ông chẳng hề là một người cách tân, cũng chẳng là cây bút tiền phong lẫn người phê phán thời đại. Có dễ trước hết ông nhiệt thành qui thuận về truyền thống. Ông ấy là người cam chịu, và một nhà đạo đức. Không suy suyển, đĩnh đạc, giản dị, tỷ mỷ, về mặt con người cũng như về nghệ thuật. Bằng cung cách nguyên bản nhất, ông đã chứng minh, cái nhỏ có thể lớn, cái ít có thể nhiều và quê hương chật hẹp là thế giới. Luôn lặp đi lặp lại, ông đã miêu tả cái phong cảnh nơi ông xuất thân, bầu trời, cây cối, những ao hồ vùng Mark, những người dân sống nơi đó, những tình cảm thầm kín, những đồ vật giản phác.

Có thể đó chính là thứ nơi ông gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Bất kể ông xuất hiện nơi đâu trong những năm cuối đời, khán phòng đầy người, già trẻ cùng đến để lắng nghe ông đọc ở đây với cái giọng nhỏ nhẹ đã trở nên đứt quãng, tóc trắng như cước chải rành rẽ vuốt trên trán, một gương mặt của Xê da, vẫn còn đẹp trong độ tuổi lão trượng.

Trước 1933 Huchel đã xuất bản những bài thơ đầu tay. Người ta đã có thể tính ông cùng với Wilhelm Lehmann và Elisabeth Langgässer vào những nhà ảo thuật của thiên nhiên. Ông sống theo một kiểu lưu đày nội tâm trong đế chế III. Sau chiến tranh ông trở thành người phụ trách chương trình của Đài truyền thanh Berlin và chẳng mấy chốc sau đó lĩnh nhiệm vụ Tổng biên tập của tờ tạp chí Sinn und Form, với tờ đó ông muốn môi giới văn chương thế giới giữa phía Đông và phía Tây và bất chấp một số mối thù ghét ông đã thực hiện được mong ước này tới năm 1962. Sau đó ông bị lật đổ. Tại CHDC Đức không thứ gì ông viết ra được in ấn nữa. Ngôi nhà của ông bị mật vụ an ninh Stasi canh gác, những khách đến thăm bị đuổi về, sự đi lại sang phương Tây bị bác bỏ. Người biệt giam cấm cố của vùng Wilhelmshorst. Ông chính là người đó ròng rã 9 năm trời. Sau đó họ để ông đi. Một thời gian ông sống ở Rom, sau đó tại Satufen thuộc Breisgau, nơi ông mất năm 1981. Một giải thưởng uy tín dành cho thơ mang tên ông.

Bài thơ „Lưu đày“, ra đời khoảng năm 1966, mang sức lực của ngôn từ bi ai, như hàm chứa ma lực đen tối; bài thơ đạt chiều kích thực tế và mang tính sinh tồn của nó trước bối cảnh xảy ra trong tiểu sử. Tên bài mang đặc tính báo hiệu. Phong cảnh được huy động ở đây ngay lập tức có chút gì bí hiểm, đằng sau mỗi từ ẩn chứa đe dọa, sau mỗi hình tượng lởn vởn một cạm bẫy.

Lưu đày có nghĩa là tồn sinh một mình, tồn tại trong ruồng rẫy. Những người bạn duy nhất lui tới thăm nhà vào chiều tối là những bóng râm của những ngọn đồi. Chúng bò vào chậm chạp, phủ tối đi tất cả, từng đồ vật thứ nọ sang thứ kia, xung quanh, ở cả tâm hồn nữa. Anh muốn đi khỏi, nhưng anh không thể. Lá cây phong có khi rụng trước. Hòn đá, thứ kiên định, không khuyên anh đi khỏi đây. Và không khuyên ở lại. Nó chỉ nói, hãy trung thành. Với bản thân anh. Và như thế, kẻ bị lưu đày nói chuyện tay đôi với sự câm lặng của mình, suốt đêm trường, cho tới bình minh, cho đến lúc ánh sáng và vòm lá xanh hòa nhập thành một trước cửa sổ và tất cả tàn phai trong ánh sáng trắng của ban ngày. Không có gì được định đoạt. Không có gì tháy đổi. Sự lưu đầy vẫn kéo dài.

Không thịnh nộ, không giận dữ, chỉ buồn, nín câm, yên lặng và ý thức nán lại trung thành với chính bản thân. Như hòn đá là một hòn đá, ngọn lửa là một ngọn lửa, một chiếc lá phong là một chiếc lá phong. Chờ đợi, cho đến khi tĩnh lặng lên tiếng, sự lưu đày của giấu kín kết thúc, bóng tối trở thành lời và lời thành một bài thơ. „Trong cái ngày tôi rời đi“, như sau này ông viết trong một bài thơ khác“ những con quạ lánh đi …một hơi băng giá quét qua gian kho chứa của lời.“

Người ta có thể đọc điều đó như một bi ca của thiên nhiên. Và ở đó chính là một bài thơ chính trị xuất sắc. Tiêu đề giản chiết luôn gợi ta nhớ về điều đó.

Nguồn; Horst Bienek, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Một trăm bài thơ của thế kỷ , 2000 - Hundert Gedichte des Jahrhunderts, Insel Verlag, 2000

Lưu đày

Peter Huchel (1903-1981)

Những người bạn lại gần khi chiều xuống
- Ấy những bóng đổ từ những ngọn đồi
Chúng chậm rãi bò qua bậu cửa
phủ đen muối
phủ tối bánh mỳ
và chuyện trò với nỗi niềm tôi câm lặng.

Ngoài kia trong lùm phong Na Uy
làn gió thoáng đưa;
Chị gái tôi, hứng nước mưa
vào máng đá vôi,
chị dõi nhìn theo
những đám mây trời.

Hãy đi cùng gió!
Những bóng râm nói.
Mùa hè đặt lưỡi liềm sắt
lên trái tim anh.
Đi đi, trước khi
chứng tích của mùa thu
bùng cháy trong lá phong.

Hãy thủy chung, hòn đá nói.
Bình minh le lói
dâng lên, nơi ánh sáng và
vòm lá sống trong nhau
và gương mặt tàn phai
trong một ngọn lửa.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Exil

Peter Huchel (1903-1981)

Am Abend nahen die Freunde,
die Schatten der Hügel.
Sie treten langsam über die Schwelle,
verdunkeln das Salz,
verdunkeln das Brot
und führen Gespräche mit meinem Schweigen.

Draußen im Ahorn
regt sich der Wind;
Meine Schwester, das Regenwasser,
in kalkiger Mulde,
gefangen
blickt sie den Wolken nach.

Geh mit dem Wind,
sagen die Schatten.
Der Sommer legt dir
die eiserne Sichel aufs Herz.
Geh fort, bevor im Ahornblatt
das Stigma des Herbstes brennt.

Sei getreu, sagt der Stein.
Die dämmernde Frühe
hebt an, wo Licht und Laub
ineinander wohnen
und das Gesicht
in einer Flamme vergeht.

Chú thích của người dịch:

Horst Bienek (1930-1990): Nhà văn Đức,sau chiến tranh định cư ở vùng chiếm đóng Sô viết (DDR). Viết thơ cho tạp chí "Sinn und Form". Năm 1951 bị An ninh quốc gia Stasi bắt, và một tòa án quân sự Sô viết tuyên 20 năm khổ sai vì cáo buộc gọi là „tuyên truyền chống sô viết và làm gián điệp cho Mỹ“. Sau 4 năm lao động khổ sai tại trại gulag Workuta (Liên Sô), ông được ân xá vào năm 1955. Tại CHLB Đức, quốc gia đón nhận, ông viết văn, làm giám đốc nhà xuất bản dtv (Deutscher Taschenbuch-Verlag) và phụ trách ban văn chương của Viện hàn lâm Nghệ thuật Bavaria.

Peter Huchel (1903-1981): Nhà thơ và Biên tập viên.
Tiểu sử: 1903: Sinh tại Lichterfelde gần Berlin
1923-1926: Nghiên cứu Văn chương và Triết học tại Berlin và Vienna
1930-1936: In thơ và văn xuôi trên những tạp chí văn chương quen thuộc: "Die literarische Welt", "Das Innere Reich", "Die Kolonne" và "Vossische Zeitung".
1932: Giải thưởng thơ của tạp chí „Kolone“ cho tập thơ "Der Knabenteich" (Hồ của những cậu trai)
1934: Lập gia đình với Dora Lassel. Chia tay nhau năm 1946. 1953 Lập gia đình với Monica Rosenthal.
1934-1940: Viết kịch tương thanh cho đài truyền thanh Berlin và Làn sóng ngắn Đức.
1941-1945: Nghĩa vụ quân sự, phục dịch trong ngành không quân, cho đến khi bị bắt vào trại giam sô-viết.
1945-1948: Làm ở đài truyền thanh Đông Berlin, ban đầu với tư cách đạo diễn và từ 1947 giám đốc Đài phát thanh và Giám đốc nghệ thuật.
1948: In các sáng tác từ 1925 thành tập „Những bài thơ“.
1949-1962: Tổng biên tập của tờ tạp chí danh tiếng „Sinn und Form“ (Ý nghĩa và Hình thức) của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin.
1951: Giải thưởng quốc gia của DDR. Từ 1956 đại diện DDR tại Biennale thơ ca quốc tế.
1953: Bị o ép từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“. Nhờ sự can thiệp của Bertolt Brecht, chính quyền phải làm ngơ.
1961: Sau khi dựng bức tường Huchel bị tấn công vì quan điểm nghệ thuật động chạm đến hệ thống.
1962: Từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“
1963: tập thơ „Chausseen, Chausseen“ xuất bản ở Tây Đức, ông được trao giải thưởng Theodor-Fontane-Preis của Tây Berlin.
1963-1971: Sau khi ông từ chối sự cưỡng bức phải chối bỏ giải thưởng Theodor Fotane, ông bị Stasi (An ninh quốc gia) theo dõi và cô lập. Ông bị cấm xuất bản và cấm ra nước ngoài, từ 1968 bị tịch thu thư tín.
1965: Không được rời DDR nhận chức thỉnh giảng về thơ ca tại trường Tổng hợp Frankfurt/Main cũng như nhận Giải thưởng lớn của bang Nordrhein Westfalen.
1971: Nhờ có sự can thiệp của Viện hàn lâm Nghệ thuật Tây Berlin và Chủ tịch trung tâm Văn bút quốc tế của Đức Heinrich Böll ông được rời DDR. Ông định cư tại Staufen bei Freiburg, xuất bản tập thơ „Những ngày tính đếm“.
1976 – 1979 Nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá (Jacob-Burckhardt-Preis und dem Eichendorff-Preis).
1979: Được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Bavaria và Viện hàn lâm thơ ca và Ngôn ngữ Darmstadt. Từ 1984 công bố giải thưởng văn chương mang tên ông.
Peter Huchel mất năm 1981.

Tranh của Gabriele Münter (1877-1962): Nữ họa sĩ Đức, đại diện quan trọng của phái Biểu hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...