Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

BẢO TÀNG SÁP CỦA TINH THẦN

Eckart Kleßmann     
 


Trong thế giới của nhà thơ Georg Trakl Chúa hiện diện như lời và khái niệm, nhưng ở rất xa cách con người, hãy đừng nói gì với họ, cũng không ra dấu gì cho họ. Chúa im lặng, bởi Chúa đã quay lưng lại với con người. Cái thế giới hồi chiếu lại trong thơ trữ tình của Trakl, là một thế giới bị Chúa bỏ đi, không còn lòng nhân từ, ân huệ, không hy vọng vào sự cứu rỗi, nhưng trước hết không có Chúa Ki tô. Và vậy đó trong một cuộc trò chuyện vào tháng Giêng 1914, nhà thơ đã thú nhận một cách cả quyết, rằng ông là một tín đồ Ki-tô (Tin lành). Nhưng đồng thời cũng bổ sung thêm một câu lạ tai đối với một tín đồ Thiên Chúa giáo:

Tôi không có cái quyền thoát ra khỏi địa ngục.

Nếu một ngôi nhà thờ là ngôi nhà của Chúa, thì trong bài thơ này, Chúa đã bỏ nhà của mình đi từ lâu và để lại đó một gian chứa đồ cũ lỉnh kỉnh những hàng đồng nát của tinh thần, như một trường bày “những mặt nạ, những lá cờ”. Cảnh trí nội thất quen thuộc của những nhà thờ baroque cơ đốc giáo: những thiên thần tô vẽ, những bộ xương cốt quàn trong quan tài thủy tinh, chân dung của các thánh, một tượng Đức Chúa bằng sáp giữa các chòm tinh tú, khói nhang.

Nhưng mà sự reo vui từ màu và hình khối thông thường tuôn ra từ nhiều nhà thờ của thế kỷ 18 lại câm tiếng nhường chỗ cho một tâm trạng ưu uất hoàn toàn không thương tiếc. Và những thiên thần được nêu ra trong câu thơ đầu tiên và cuối cùng không là thiên sứ của Chúa chẳng hạn, mà chỉ như là những phù tá trang trí vô hồn.

Nội thất nhà thờ như một sưu tập những đạo cụ và hậu cảnh trong đó những hình thể “rên rỉ dạt vào cõi trống không” bởi không ai nghe thấy tiếng cầu kinh của họ. Hương khói được trộn vào thứ “dung dịch bẩn”, tiếng hát câm bặt, sự nín lặng của Đức Chúa biến mất lan tỏa. Cô điếm trông như Đức Mẹ, người đàn bà chửa ở lại đơn độc với nỗi sợ hãi của bà. Sự siêu thoát được Đấng Cứu Rỗi tiên lượng như khước từ những người khó nhọc và nặng gánh (1). Không chỉ một mình “Chúa râu trắng” là một tượng bằng sáp trong một Viện bảo tàng sáp của tinh thần.

Chỉ ở một chỗ duy nhất sự xơ cứng đến cong queo đã giải tỏa: trong màu đỏ của môi Madalena đang xối trào. Về Maria Madalena người ta thường đánh đồng nàng với “người mắc tội” trong Kinh Sáng Thế của Lu-ca, Chúa Giê-su có lần nói:

Đã được tha nhiều tội lỗi, bởi chưng nàng đã yêu rất nhiều.

Trong thời Trung cổ, thánh Madalena được coi như nữ thần phù hộ của những gái điếm. Đó là “đôi môi Madalena”, xưa đã từng hôn lên đôi bàn chân của Đấng Cứu Thế mà màu đỏ bắt đầu xối tuôn như máu. Ấy chính là máu của tội lỗi và sắc đỏ của nạn nhân trên đồi Golgatha.

Điều đó giải thích, tại sao “cô điếm nhỏ gò má xanh xao” được so sánh với gương mặt của Đức Mẹ Maria một cách không hề báng bổ thần thánh. Kể cả “người đàn bà chửa” hiển nhiên không cảm thấy mình thuộc về “thánh thể ban ơn phước”, phần nhiều hơn bị những nỗi hoảng sợ đeo đẳng, đã tương hợp với Ba Ngôi chị em này. Hình ảnh của Maria – “ơn phước thay hoa trái của thân thể ngươi” (2) có nên được liên tưởng với điều đó chăng? Không còn mấy xa nữa ý nghĩ, rằng nàng Madalena một trong ba ngôi của cứu rỗi, của ơn phước của tha thứ dường như biết điều này sát thực hơn những người kia, nếu như trong thế giới hình dung của Trakl những khái niệm này có chỗ đứng.

Khởi đầu và kết thúc bài thơ viết khoảng giữa năm 1909 và 1912 xuất hiện sự bình an. Nhưng mà ở đó không tưởng nhớ Đấng Toàn Năng của Sáng Thế đã yên nghỉ vào ngày thứ bảy. Ở đây sự Bình an tương ứng với Yên lặng của nấm mồ, từ sự thối rữa sẽ không còn sự phục sinh nữa.

Nguồn: Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Một trăm bài thơ của thế kỷ – Hundert Gedichte des Jahrhunderts, Insel Verlag, 2000

NHÀ THỜ

Georg Trakl (1887-1914)

Những thiên thần vẽ canh giữ bàn thờ
Tia bắn từ những mắt xanh; và lặng tờ, bóng tối.
Dung dịch bẩn dập dờn trong làn hương khói.
Những dáng hình rên rỉ dạt vào cõi trống không.

Trên ghế xưng tội đen, tựa như Đức Mẹ
Một cô điếm nhỏ đôi má xanh xao.
Ở những tia sáng vàng tượng sáp treo cao;
Trăng và mặt trời lượn quanh Chúa râu trắng.

Một ánh chiếu của cột khảm và những bộ xương cốt.
Dàn đồng ca bé trai chết hẳn giọng ngọt ngào.
Những màu đắm chìm đang cựa quậy rất khẽ,
Từ môi thánh Madalena một màu đỏ xối trào.

Trong giấc mộng nặng nề một bà chửa đi lạc
Qua nhá nhem đây đầy những mặt nạ, lá cờ.
Bóng bà sổ chéo đường bay của thần thánh lặng tờ,
Sự tĩnh tại của thiên thần trong những phòng quét vữa.

Nguyên tác tiếng Đức:

DIE KIRCHE

Georg Trakl (1887-1914)

Gemalte Engel hüten die Altäre;
Und Ruh und Schatten; Strahl aus blauen Augen.
In Weihrauchdünsten schwimmen schmutzige Laugen.
Gestalten schwanken jammervoll ins Leere.

Im schwarzen Betstuhl gleichet der Madonne
Ein kleines Hürlein mit verblichnen Wangen.
An goldnen Strahlen Wachsfiguren hangen;
Weißbärtigen Gott umkreisen Mond und Sonne.

Ein Schein von weichen Säulen und Gerippen.
Am Chor der Knaben süße Stimmen starben.
Sehr leise regen sich versunkene Farben,
Ein strömend Rot von Magdalenens Lippen.

Ein schwangeres Weib geht irr in schweren Träumen
Durch diese Dämmerung voll Masken, Fahnen.
Ihr Schatten kreuzt der Heiligen stille Bahnen,
Der Engel Ruh in kalkgetünchten Räumen.

Chú thích của người dịch:

(1) Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng (Kinh Thánh)

(2) Ngươi có phải trong đám đàn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước. (Kinh Thánh – Luca 1:42)

Eckart Kleßmann (sinh năm 1933): Nhà báo, nhà văn, nhà sử học.

Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905: Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng La Linh, tiếng Hy Lạp và Toán), không đỗ tú tài * 1908: Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành Dược* 1910: Học xong bằng Y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocaine quá liều.

Maria Magdelena – Tranh của El Greco (1541-1614) : Họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư Tây Ban Nha gốc Hy Lạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...