Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Xoay quanh tất cả

Ulrich Greiner  



Trong lời bạt về di cảo của Else Lasker-Schüler, người xuất bản bút tích – nhà văn Werner Kraft kết bạn với bà – kể rằng cuối đời, nữ thi sĩ hoài nghi về đức tin của mình đối với Thượng đế (bà đã di cư từ lâu tới Palestine khi đó) đã đi tới một vị Rabbi và hỏi ông ta:

Ở đây chỉ còn chúng ta với nhau, thế ông có tin vào Thượng đế không?

Chính sự hoài nghi này, vâng, bị cuộc Tận thiêu chỉ đào khoét sâu hơn, hẳn đã giày vò bà ngay từ những năm đời tuổi trẻ. Năm tháng đó đã thai nghén bài thơ „Tận thế“ lần đầu xuất bản năm 1903. Khi đó bà vừa bắt đầu vào tuổi ba mươi.

Người ta hầu như không có thể hình dung ra một bước nhập vào bài thơ quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn. Như với tiếng kèn đồng của ngày phán xử cuối cùng bài thơ bắt đầu:

Có một tiếng khóc trên thế giới
như thể Thượng đế yêu từ trần,

Than và Khóc là một mô-tip luôn luôn trở lại của lịch sử Do thái tràn ngập trong các bài thánh thi và sách của những nhà tiên tri. Trong chương „Hiob“ của Kinh Thánh ta bắt gặp:

Cây đàn thụ cầm của tôi thành tiếng than và cây sáo của tôi thành tiếng khóc.

Câu đó cất lên như tóm lược của bài thơ này.

Nhưng Else Laslker-Schüler, vốn người cháu gái của một vị Đại Rabbi và lớn lên trong một gia đình tư sản Đức-Do thái vùng Elberfeld đã chẳng những không sống theo khuôn mẫu của tư sản, mà còn không theo luôn khuôn khổ Do thái. Bà sống (như mọi người đương thời kể lại) trong một thế giới cổ tích do chính mình tạo nên và ăn vận những phục trang theo phóng tưởng.

Và ở dòng thứ hai, như trong truyện cổ tích bà nói về „Thượng đế yêu“. Điều này không hàm ý nghĩa châm chích. Bà là người hoàn toàn không phải là một người châm chích, và ở giữa bài thơ, ở dòng thơ tuyệt kỳ „ Nào, sát nhau hơn ta ẩn tránh…“, cái ước vọng con trẻ muốn được chở che và an ủi hoàn toàn hiện rõ. Về hình thức ta thấy, như hai con người yêu ân ái nằm chôn quấn quyện lấy nhau, như trẻ con tìm sự cứu vớt trước một tai ương. Tai ương nằm ở đâu cơ? Hoàn toàn hiển nhiên trong sự thiếu thốn của tình yêu:

Cuộc đời ở trong tim mọi người
Như trong quan tài.

Như một cây cầu đàn hồi, bài thơ chăng mắc giữa những thái cực quyết liệt: đây là không khí tàn tận, đó là tiếng kêu đòi sự quan tâm; ở đây là Thượng đế đã chết, bóng đổ nặng chì và nấm mộ, đó là sự ôm nhau và những cái hôn. Nhưng mà chiếc cầu này không trụ được, nếu như không có hình thức cấp thiết đáp ứng. Kích thước câu dòng biến đổi không nhận biết và cấp cho sự cuồng nhiệt của nó một trọng lượng đặc biệt. Nhịp điệu bay bổng của khổ thứ nhất kết thúc thực nặng như mộ phần.

Nghệ thuật lớn của bài thơ nhỏ này nằm ở chỗ cho phép ta đọc như sự sắp xếp tuần tự một cách phi nghệ thuật các câu cùng hệ, hối thúc bởi một cùng quẫn lớn và một hy vọng lớn. Sự kết thúc của thế giới ở phía trước, nhưng chúng ta vẫn còn cơ hội của tình yêu. Sự cùng quẫn là cùng quẫn của nhân loại, và cơ may là một thứ hoàn toàn thầm kín. Cơ may đó thực hiện trong cái Anh:

Anh ơi, ta muốn hôn nhau nồng nàn…

Và cũng như thế chúng ta sống ngày hôm nay vâng, một trăm năm sau: bị săn đuổi bởi những ảnh hình hồng thủy thường xuyên đón nhận từ các phương tiện truyền thông, dựng lại (hy vọng thế) trong thoáng gần gũi tràn đầy tình yêu. Nhưng với cái đó bài thơ không dừng lại, mà là:

Một nỗi nhớ nhung gõ cửa trần gian
Vì lẽ đó chúng ta phải chết.

Đây đó lại về cái mới, cả hai thái cực : Phải chết và nỗi nhớ nhung cuộc đời được sống thực sự.

„Tận thế“ là một bài thơ thống thiết tới đường lằn ranh của chịu đựng, và chúng ta vui lòng chịu đựng bài thơ đó, nguyên nỗi riêng nằm ở cái âm hưởng vui-buồn, tối-sáng này của Else Lasker-Schüler. Hẳn thế bà là nữ thi sĩ Đức quan trọng nhất. Trong mọi trường hợp bất luận, „Tận thế“ của bà gần gụi với chúng ta hơn là bài thơ „Tận thế“ được viết bảy năm sau đó thường được trích dẫn của nhà thơ Jakob van Hoddis cũng mang tầm vóc lớn như vậy:

Kia người thị dân mũ bay khỏi cái đầu nhọn!

Với Else Lasker- Schüler sự thể không còn xoay quanh chiếc mũ nữa, mà là tất cả.

©® PhạmKỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức 

Nguồn: Ulrich Greiner, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Vierunddreißigster Band, Insel Verlag, 2011

TẬN THẾ

Else Lasker-Schüler (1869-1945)

Có một tiếng khóc trên thế giới
như thể Thượng đế yêu từ trần,
và sập bóng chì đen đè xuống
nặng tựa mộ phần

Nào! Ta muốn sát nhau hơn ẩn náu.
Cuộc đời ở trong tim mọi người
như trong quan tài.

Anh ơi, chúng mình muốn hôn nhau nồng nàn -
Một nỗi nhớ nhung gõ cửa trần gian
Vì lẽ đó chúng ta phải chết.

Nguyên tác tiếng Đức:

WELTENDE

Else Lasker-Schüler (1869-1945)

Es ist ein Weinen in der Welt,
Als ob der liebe Gott gestorben wär,
Und der bleierne Schatten, der niederfällt,
Lastet grabesschwer.

Komm, wir wollen uns näher verbergen…
Das Leben liegt in aller Herzen
Wie in Särgen.

Du! wir wollen uns tief küssen –
Es pocht eine Sehnsucht an die Welt,
An der wir sterben müssen.

Chú thích của người dịch:
Ulrich Greiner (sinh năm 1945): Nhà báo và nhà phê bình văn học người Đức.

Else Lasker-Schüler (tên khai sinh Elisabeth Lasker-Schüler; * sinh ngày 11.02 1869 tại Elberfeld, nay là Wuppertal; † 22. 01 1945 tại Jerusalem), nữ thi sĩ lớn thế kỷ 20, người Đức gốc Do thái, đại diện kiệt xuất của trường phái Hiện đại tiền phong và của Chủ nghĩa Biểu hiện trong văn chương.

Tranh của Ernst Ludwig Kirchner (1880-1937): Họa sĩ, nhà đồ họa, đại diện hàng đầu của Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) Đức, sáng lập viên nhóm Cây cầu (Brücke). Năm 1937 bị chế độ Quốc xã đấu tố xếp vào nghệ thuật suy đồi, bán và hủy 600 tác phẩm, một năm sau ông dùng súng tự sát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...