Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Bài thơ "Vơ-ni-dơ trong mưa" của Peter Huchel

Matthias Weichelt    




Man mác nỗi buồn trên đầm phá: Bài thơ không đón mừng thành phố Cộng hòa quí tộc thường ra được biết tới như đích đến của nhớ mong, mà là điểm khởi nguồn cho nỗi nhớ nhà.

Có những thành phố mà tự cái tên ngân nga như một thanh âm của cổ tích, một tiếng vọng của tầm vóc và vẻ đẹp huyền thoại: Constantinople và Paris, Casablanca và Odessa, Alexandria và Venice. Ai đã đến nơi đây đều muốn dâng hiến mình cho nhiệm màu của những thời đại đã qua, muốn chiêm ngưỡng những chứng tích của vàng son xưa kia rực rỡ. Rằng trong bài thơ của Peter Huchel trọng tâm xoay quanh thứ khác hơn là niềm hứng thú ngao du khấp khởi những chờ đợi, riêng tiêu đề bài thơ tóm lại đã cho ta dự cảm thấy điều đó. Vàng tỏa rạng của con sư tử Markus óng ánh đằng sau lớp sương mù dày đặc nơi đây, từ tòa kiến trúc đá của lâu đài theo nước mưa nhỏ giọt.

Đối với Huchel, năm 1971 từ Muynich đi qua Vơ-ni-dơ tới Rome, sự tái ngộ với Cộng hòa quí tộc Serenissima (Cộng hòa Venice) với Viện văn hóa Società Europea di Cultura vốn ông là thành viên trực thuộc từ năm 1958, không là một sự trở về lòng không trĩu nặng. Vết cắt thật quá sâu, khi ông, sau khi bị bắt buộc thôi chức giám đốc biên tập tạp chí „Ý nghĩa và Hình thức“ và sau mười năm quản thúc cuối cùng được rời khỏi đất nước với viễn cảnh mờ mịt không được nhìn lại quê hương vùng Mark của mình. Nỗi nhớ nhung những cánh rừng thông, đồng đất và những cái hồ, nhưng mà cả nỗi nhớ những bạn bè bỏ lại đã đau đáu theo kèm ông và vợ ông tới tận thành phố Vĩnh cửu, nơi họ, với tư cách là khách của biệt thự Villa Massimo cùng nhau sống những tháng đầu tiên của cuôc đời mới. „ Vơ-ni-dơ và Rome đã ít nhiều quật ngã chúng tôi“, dạo tháng Năm Huchel viết trong thư gửi Clemens Graf Podewils (1). Tuy nhiên nếu như những bức thư của Walter (2) và Charlotte Janka gợi nhớ về những cuộc gặp gỡ chẳng bao giờ khả thi nữa, không tới, thỉ vẻ tươi vui của mùa hè nước Ý đột nhiên nhợt nhạt. „Các bạn không thể hình dung ra đâu, nỗi nhớ nhà rồi cắn rứt tôi, rồi sau đó tất cả đi vào quên lãng, thềm điện thành Rome, nơi chúng tôi ngồi trên đó, những chuyến xe ô tô với những người trẻ dễ mến khách …đi ra biển. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng tắm ở đó, cảm thấy khoan khoái, chỉ nghe thấy người nói tiếng Ý, trẻ con Ý la hét – nhưng mà cứ đến tối…“

Sự bồn chồn của nỗi nhớ quê nhà

Trong bài thơ, nỗi ưu tư mài sắc ánh nhìn, để cho ánh mắt lướt qua sự rạng rỡ rộng tầm, lái suy tư xuống những nền tảng mục nát mang nặng và chịu đựng tất thẩy và sự „kiên nhẫn lớn lao“ tuy nhiên không ai biết – hay không „ca tụng“, như Huchel từng viết trong một bản sớm trước đó, để lại rồi viết tiếp: Ở dưới sâu dòng nước/ Những con ốc/ Bên gáy của tảng đá,/ Cảm nhận những cội cành ứ bùn đang sống/ Dưới sức nặng của cái đẹp?“. Thành phố được ngưỡng mộ của những cái tên đại dương sinh ra an tọa trên những trụ dầm gỗ đẽo vuông vức cắm xuống lòng đất ẩm, trên thiên nhiên bị khuất phục. Nhưng mà thế, tự nhiên nơi Huchel chưa bao giờ là cảnh tượng thi vị chưa động chạm tới hay là miền lý tưởng của thiên thượng, mà luôn là khán trường của những can gián của con người. địa điểm của những nghiệm trải nguyên tố, đan kết với lịch sử và văn hóa không thể tách rời. Ai đã hiểu điều đó, sẽ biết giá cuộc sống ngấm ngầm lan tỏa trong gỗ rữa mục, nhìn thấy tòa kiến trúc nở hoa trong đá, con sư tử tạc chốt tạc vào trong kim loại lấp lánh. Và có thể nhận ra trên mặt nước sởn gai ốc của làn da. Kết cục trong thi ca, như vào những năm 30 Huchel đã viết trong lời „Tự phát giác“ phác thảo như một tuyên ngôn thi ca, vấn đề chính ở chỗ“ đến sâu hơn sau ngày nhật, khác với đến đằng sau các hiện tượng“.

Năm 1972, khi tập thơ „Những ngày tính đếm“ của ông cùng với bài thơ in lại ở đây ra mắt, nhiều nhà phê bình đã thất vọng. Họ đã ngóng chờ thơ lưu vong than trách và những phanh phui gói ghém trong những câu thơ, nhưng trước hết một sự thanh toán với nhà nước CHDC Đức. Mà thế đó người đàn ông đứng trong mưa không hề để tâm đến thứ đó. Trong nơi xa xôi ông nhìn thấy những con tàu han rỉ trong những xưởng đóng tàu mục nát, một hình tượng về sự tuần hoàn của cái đẹp và sự suy tàn. Ông đã sang phương Tây lòng không hề hy vọng, dạo đó Huchel nói trong một cuộc trò chuyện, rằng vào tuổi ông người ta không còn hợp để bứng đi trồng nơi khác nữa. Mà thế con phà đến, và trong sự chờ đợi chuyến sang bên kia lịch sử đã câm lặng và tự nhiên câm lặng. Câu trả lời là bài thơ. Và những bài thơ hay, Huchel tin, đứng cho riêng mình như một hòn đá, một cái cây hay một vì sao.

Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Vơ-ni-dơ trong mưa

Peter Huchel (1903-1981)

Trong sương mù
còn óng kim vàng của sư tử,
rỏ giọt xuống từ tòa đá.
Những tên người, sinh ra cùng đại dương,
Ai viết vào ánh sáng đẫm muối?
Chẳng ai biết
lòng nhẫn nại lớn lao
của những cọc dầm.

Chờ con phà
trong mưa trút tầm,
đánh bọt sủi sởn gai
vào nước,
tôi nhìn sang bờ kia
những con tàu han rỉ
của quần đảo Giudecca.

Những bản đồ hàng hải lặng câm.
Rồi vỏ ốc
lặng câm
trên gáy của tảng đá.

©®Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Venedig

Peter Huchel (1903-1981)

Noch im Nebel
leuchtet das Gold des Löwen,
das steinerne Laubwerk tropft.
Namen, meergeboren,
wer schrieb sie ins salzige Licht?
Keiner nennt
die große Geduld
der Pfähle.

Auf die Fähre
wartend im Regen,
der Poren
ins Wasser schlägt,
blick ich hinüber
zu den rostigen Schiffen
der Giudecca.

Die Seekarten schweigen.
Es schweigt
die Muschel
am Nacken des Steins.

Chú thích của người dịch:

Matthias Weichelt, sinh năm 1971: Tổng biên tập của tờ "Sinn und Form", sống tại Berlin.

Peter Huchel (1903-1981): Nhà thơ và Biên tập viên.
Tiểu sử: 1903: Sinh tại Lichterfelde gần Berlin
1923-1926: Nghiên cứu Văn chương và Triết học tại Berlin và Vienna.
1930-1936: In thơ và văn xuôi trên những tạp chí văn chương quen thuộc: "Die literarische Welt", "Das Innere Reich", "Die Kolonne" và "Vossische Zeitung".
1932: Giải thưởng thơ của tạp chí „Kolone“ cho tập thơ "Der Knabenteich" (Hồ của những cậu trai)
1934: Lập gia đình với Dora Lassel. Chia tay nhau năm 1946. 1953 Lập gia đình với Monica Rosenthal.
1934-1940: Viết kịch tương thanh cho đài truyền thanh Berlin và Làn sóng ngắn Đức.
1941-1945: Nghĩa vụ quân sự, phục dịch trong ngành không quân, cho đến khi bị bắt vào trại giam sô-viết.
1945-1948: Làm ở đài truyền thanh Đông Berlin, ban đầu với tư cách đạo diễn và từ 1947 giám đốc Đài phát thanh và Giám đốc nghệ thuật.
1948: In các sáng tác từ 1925 thành tập „Những bài thơ“.
1949-1962: Tổng biên tập của tờ tạp chí danh tiếng „Sinn und Form“ (Ý nghĩa và Hình thức) của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin.
1951: Giải thưởng quốc gia của DDR. Từ 1956 đại diện DDR tại Biennale thơ ca quốc tế.
1953: Bị o ép từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“. Nhờ sự can thiệp của Bertolt Brecht, chính quyền phải làm ngơ.
1961: Sau khi dựng bức tường Huchel bị tấn công vì quan điểm nghệ thuật động chạm đến hệ thống.
1962: Từ chức Tổng biên tập „Sinn und Form“
1963: Tập thơ „Chausseen, Chausseen“ xuất bản ở Tây Đức, ông được trao giải thưởng Theodor-Fontane-Preis của Tây Berlin.
1963-1971: Sau khi ông từ chối sự cưỡng bức phải chối bỏ giải thưởng Theodor Fotane, ông bị Stasi (An ninh quốc gia) theo dõi và cô lập. Ông bị cấm xuất bản và cấm ra nước ngoài, từ 1968 bị tịch thu thư tín.
1965: Không được rời DDR nhận chức thỉnh giảng về thơ ca tại trường Tổng hợp Frankfurt/Main cũng như nhận Giải thưởng lớn của bang Nordrhein Westfalen.
1971: Nhờ có sự can thiệp của Viện hàn lâm Nghệ thuật Tây Berlin và Chủ tịch trung tâm Văn bút quốc tế của Đức Heinrich Böll ông được rời DDR. Ông định cư tại Staufen bei Freiburg, xuất bản tập thơ „Những ngày tính đếm“.
1976 – 1979: Nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá (Jacob-Burckhardt-Preis und dem Eichendorff-Preis).
1979: Được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật Bavaria và Viện hàn lâm thơ ca và Ngôn ngữ Darmstadt. Từ 1984 công bố giải thưởng văn chương mang tên ông.
Peter Huchel mất năm 1981.

(1) Clemens Graf Podewils (1905-1978): Nhà báo, nhà văn Đức.
(2) Walter Janka (1914-1994): Làm công tác biên kịch và xuất bản, giám đốc xưởng phim DEFA. Ông được biết tới bởi những hoạt động bất đồng chính kiến, phiên tòa dàn dựng xử âm mưu phản cách mạng năm 1956, sự tù đầy tại CHDC Đức, được ông thuật lại trong tác phẩm" Những mắc mớ với chân lý" (Schwierigkeiten mit der Wahrheit)

Tranh của Auguste Renoire (1841-1919): Họa sĩ Pháp, đại diện quan trọng của phái Ấn tượng (Impressionism).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...