Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Quá cô đơn tôi đã mọc lên và cao quá

Christa Melchinger       



Sự cô đơn tuyệt đối – chờn vờn trong những ảnh hình và thành ngữ bay bướm và trang nhã: nào ở đâu người ta còn có thể đọc được điều này như thế nữa?

Đã có tới ngàn lần huy động: sự thêu dệt một cách truyền thống cho tự nhiên theo khuôn mẫu lãng mạn. Và nếu như người ta tính cả cái tiêu đề bài thơ vào đây trong truyền thống đào luyện của thế kỷ 19. Tôi chợt nghĩ tới những bài sonnet về Vơ-ni-dơ của Platten(1), tôi nhớ tới bài thơ „ Trên Dòng Kênh Lớn – Auf dem Canal Grande“ của C.F. Meyer (2). Nhưng chẳng có gì còn đọng lại ở bài thơ này từ cái ý nghĩa tầng sâu mang tính biểu tượng đó (rất đặc trưng cho những năm tám mươi), thứ để cho tiến trình xảy ra trong thơ chỉ có giá trị như không sát thực, mà trong vai trò là phương tiện của nhận thức, thì cả cuộc sống của con người cũng vậy. Phải thế chăng sự chủ thể hóa một cách lãng mạn?

Cái nhìn nhậy bén, những viễn cảnh của cái tôi trữ tình, từ đó phối dựng nên hoạt cảnh – cái chất đồ vật mau đi mất hút, cái gì sẽ quyết định đây?

Ở đâu là tình cảm, được khêu lên bởi các sự vật mà chúng liên hệ tới? Những người giải luận chương trình của thời đại đòi hỏi: hãy gọi tên đích xác các sự vật. Nietzsche nói về „miền run rẩy“. Tính chất lìa ra tự lập, không còn phục vụ lâu hơn nữa đối tượng, từ chối sự đơn nghĩa. Và cái ẩn dụ này liên hệ tới những chi? „Trào sôi lên những giọt vàng kim“- Thuyền gondela, ánh sáng hay là âm nhạc? Theo một cách thức đáng ngạc nhiên, cái ẩn dụ đó có vẻ bị kéo căng ra, không thể định vị, tàn phá mối liên kết thực tại trong tính nhân tạo đầy tham vọng của nó. Bù vào đó sáng tạo những liên tưởng: Không khí, xúc tác, ấn tượng: „chuyếnh choáng bơi…“ thế giới lấp loáng vỡ vụn, hiện ra như một phóng tưởng của cái Tôi, của những cảm nhận. Sự chủ thể hóa của Nietzsche đi xa hơn nhiều so với các nhà lãng mạn.

Cái Tôi lấp đầy tất cả, tất cả được lập luận trong nó: „ run rẩy trước lòng dạ xốn xang“ – đó không còn là một sự diễn giải chủ quan của thế giới, đó là thế giới của cái Tôi, cái Tôi là Thế giới. Không còn điểm liên hệ nữa, với những trường liên hệ mọi liên kết đều sụp đổ. Chủ thể tuyệt đối – cô đơn tuyệt đối. „ Quá cô đơn tôi mọc và cao hơn“, ta còn đọc được ở bài khác (Thông và Chớp). Và „Tôi mọc cao vượt trên người và thú; /Và tôi nói – chẳng ai nói với tôi“.

Với những phương tiện tiết kiệm nhất Nietzsche đã tạo ra một sự gia cường cực điểm. Hoạt cảnh được tạo dựng từ ít ỏi ảnh hình ám ảnh của khổ thơ thứ nhất, sự dạo đàn dây „thầm kín“ của tâm hồn, rót đầy linh hồn trỏ hướng tới một khán giả. Và nó cũng đả động tới một thính giả trong câu hỏi được điểm điểm xuyết một cách trào lộng ở cuối bài.

Max Kommerell (3) đã gọi Nietzsche là kẻ phát minh ra „kịch nghệ siêu nghiệm„. Một cách diễn đạt chính xác vô cùng. Nietzsche đã dẫn nhập cái tôi trữ tình vào một vai trò không được biết đến cho tới thời điểm đó: Bởi vì sự cô đơn ông kiến tạo nên bao trùm đến mức nó không còn cho phép có khán giả nữa, tới mức cái Tôi thực hiện cả hai chức năng, nói thẳng ra là người ca và người nghe. Và bất cứ sự biểu lộ nào của ông cũng đồng thời là sự tự phác thảo, tự trình bày, tự quan sát, tự diễn giải và tự thoại.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức (còn sửa)

Nguồn : Zu einsam wuchs ich und zu hoch - Frankfurter Anthologie, Insel Verlag Frankfurt am Main 1982, Zweite Auflage, Fünfter Band.

Vơ-ni-dơ

Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Mới đây thôi tôi đứng
Trên chiếc cầu, trong đêm tối màu nâu.
Tiếng hát vọng về từ chốn xa đâu:
Cuộn những giọt kim vàng
Trào qua miền đang run lên, lai láng.
Âm nhạc, thuyền gondela, ánh sáng
Chuyếnh choáng bơi vào tảng sáng ban mai…

Linh hồn tôi, một bản dạo đàn dây,
Thầm hát cho mình, cảm bồi hồi kín đáo,
Một bài hát chèo thuyền hòa tấu,
Run rẩy nghe lòng dạ xốn xang
- Có ai nghe lắng tiếng hồn chăng?...

©®Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Venedig

Friedrich Nietzsche (1844-1900)

An der Brücke stand
jüngst ich in brauner Nacht.
Fernher kam Gesang:
goldener Tropfen quoll′s
über die zitternde Fläche weg.
Gondeln, Lichter, Musik -
trunken schwamm′s in die Dämmerung hinaus...

Meine Seele, ein Saitenspiel,
sang sich, unsichtbar berührt,
heimlich ein Gondellied dazu,
zitternd von bunter Seligkeit.
- Hörte Jemand ihr zu?...

Chú thích của người dịch:

(1) August Graf von Platen-Hallermünde (1796-1835): Nhà thơ Đức, tên của một giải thưởng văn chương Bavaria, được biết tới bởi những bài sonnets về Venice về cái đẹp và sự suy tàn.

(2) Conrad Ferdinand Meyer (1825-1898): Nhà thơ, nhà văn của chủ nghĩa Hiện thực người Thụy sĩ.

(3) Max Kommerell (1902-1944): Nhà văn, dịch giả và nhà biên soạn văn học sử.

Christa Melchinger, sinh năm 1943: Nhà báo, ký giả.

Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 –1900): Triết gia, nhà văn, nhà thơ Phổ (Đức). Là giáo sư ngành ngữ văn học, ông viết nhiều bài phê bình về tôn giáo, đạo đức, các vấn đề văn hóa đương thời, và triết học. Các tác phẩm của Nietzsche nổi bật với phong cách viết của ông, thường mang tính cách ngôn (Aphorism) và nhiều nghịch lý hơn là mức độ thông thường của khảo luận triết học. Suốt trong cuộc đời Nietzsche không được đánh giá cao bởi những người đương thời, nhưng đầu thế kỉ 20, ông đã được giới trí thức ở Đức, Pháp và Anh đánh giá lại và công nhận. Ông bắt đầu bị mang tiếng xấu tiếng khi Đảng Quốc Xã của Đức tôn thờ ông như một bậc tiền bối tư tưởng, mặc dù Nietzsche có quan điểm phản đối Chủ nghĩa Bài Do Thái và Chủ nghĩa Dân tộc Đức. Sau Thế chiến thứ hai, triết gia Walter Kaufmann bắt đầu một cố gắng bền bỉ nhằm khôi phục lại danh tiếng của Nietzsche trong các nước nói tiếng Anh, và vào nửa sau của thế kỉ 20, Friedrich Nietzsche đã được xem là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại. Trực tiếp và gián tiếp (thông qua Martin Heidegger), Nietzsche đã ảnh hưởng đến thuyết Hiện sinh (Existentialism), chủ nghĩa Hậu hiện đại (Postmodernism), Phân tâm học (Psychoanalysis) và nhiều tư tưởng phái sinh.

Tranh của Auguste Renoire (1841-1919): Họa sĩ Pháp, đại diện quan trọng của phái Ấn tượng (Impressionism).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...