Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Sự vụ của sếp và lao động

Rainer Kirch         

Ai nói nhỉ? Thi sĩ? Nói với ai? Với Chúa. Ai là người ấy. Cách đó 3 năm và 1 ngày Rilke đã bắt đầu phân định cho Thượng đế những vai trò đáng để ý: Chúa là một ngọn tháp tiền sử mà chủ thể trữ tình là con chim ưng hay khúc ca lớn (1) lượn vòng quanh, chẳng mấy chốc thành người hàng xóm, đạo luật, lễ hội, người ám muội khói nói thì thào trên chiếc lò sưởi Nga và cứ thế liên hồi thô bạo bị đập nhỏ ra, cho tới khi chẳng còn gì nữa và đến mùa thu năm 1901 còn nói dối kia nữa và thành hòn đá vứt đi treo choàng quanh cổ người nói. Giờ đây, vào ngày 21 tháng Chín năm 1902, mất suất học bổng gia đình chu cấp và được ủy quyền viết một chuyên khảo về Rodin (2), kẻ vô thần Rilke ngồi tại đất Paris và quả tình đã làm lành với Chúa – ông có thể gần lại Chúa theo cung cách cổ điển: lịch thiệp một cách tự tin và trong ý thức công nhận trật tự thế giới.


                                      Tranh sơn dầu của © Paul Cézanne (1839-1906), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp

Điều này có ở đâu? Trong câu thơ thứ nhất. Xưng hô với Cha (nhấn mạnh vào âm tiết không nhấn, Rilke đã học được phép chơi với nhịp thơ, và như một cách nói, đã ấn cái mũ nhà thơ chuyên nghiệp lên đầu. Cho đến bây giờ Chúa đã có tên là Chúa, mi Chúa, mi Tông phụ, v.v., một lần, láo và theo tính cách người Pháp, như thể một vũ khúc nhỏ, Cha tôi ơi). Kế tiếp vào xưng hô kính cẩn ngắn gọn là sự nhắc nhở thực đã đến thì: họ gặp nhau trong công vụ, và kẻ nói có quyền trình bày, mà thế đó, né tránh đi ngay vào tâm điểm. Những người phú quý thiết lời ngợi khen như một người trong số chúng ta cần món ăn, không có thứ đó họ không làm bất cứ thứ gì hoặc sinh cáu bẳn; sáo ngữ ngợi khen ghê gớm Mùa hạ vô cùng rộng lớn chỉ ra hiểu biết thế giới của người nói, định nghĩa Chúa, khiến cho câu thơ ăn khớp vào tiết điệu iamb cổ điển, đồng thời nó khai mạc một địa điểm hành động, một phong cảnh. Ai là Chúa? Chúa tác động, hiển lộ, ở thời tiết và các mùa trong năm. Bây giờ việc làm ra thời tiết là công vụ tự cổ xưa của mọi vị thánh thần thực sự vĩ đại, từ Anton, Yahweh và Zeus tới Wotan (3); trong tinh thần ấy Chúa hệ trọng, và chương trình nghị sự của sáu câu thơ tiếp là sự vụ của sếp.
 

Thế thì tất cả những gì còn không phải xoay chuyển nữa! Trải bóng chiếu lên những đồng hồ mặt trời – Hãy huy động hết những khối mây trời! Thả gió bay đi – nhưng như thế, sao cho chúng chẳng những không triệt hủy lẫn nhau mà còn không cấu kết thành những cơn bão áp thấp nhiệt đới! Chắt vị ngọt cuối cùng vào rượu vang nồng nã - phép nhiệm mầu tinh tế của sinh hóa trong những địa hình bậc thang khác nhau nhất! Chúa như vậy được hình dung ra như nhà đại điền chủ ngự trị ở vùng Bắc Địa Trung Hải có vùng thống trị vươn qua khí quyển và từ quyển cho tới mặt trời; kẻ nói là vị Tổng quản lo sao cho cái hợp lý vào trong đầu đúng lúc, và cần những câu thơ đẹp sát thực – một Đức Chúa hòa nhã là Đức Chúa tốt hơn.
 

Chúng ta đọc câu thơ thứ 8, và ngộp thở. Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa – gửi gắm vào ai đó? Chúa ư, việc này có làm ông bận tâm tới nỗi, phải chi Chúa biết, ông sẽ vui lòng sinh tồn bằng làm việc. Còn không thì chẳng một ai có mặt, vị Tổng quản nói chuyện một mình. Có kêu ca gì không? Không một mảy may. Hơn là thế, sau công vụ đã hoàn thành ông còn lại niềm đam mê để suy nghĩ về sự riêng tây. Ông làm ra một dự án cuộc đời. Gia tài của Rilke ở Westerwede đã giải tán, khoản trữ nghèo nàn, tiền hỏa hồng chưa thấy tăm hơi; sống thế nào đây? Trở thành người giúp việc ư? Treo cổ lên ư? Thảo một bản tuyên ngôn của Hiện đại, như Hoffmannsthal (4) theo truyền tụng cùng năm ấy đã làm với bức thư của Lord Chandos gửi đi. Chẳng có gì giống thế cả. Kẻ nói sẽ tỉnh giấc, đọc, viết thư dài – sẽ giới hạn cho mình, tìm kiếm những Mạnh Thường Quân và làm thơ. Cách đó 16 ngày Rilke đã biết tới công thức sống cơ bản của Rodin Il faut travailler, rien que travailler. Et il faut avoir patience(5), như chúng ta đọc được, giữa chừng trở thành phương châm sống của chính ông. Sự hướng tìm cuối cùng tới đường cây rợp bóng, trên đó lá cuốn, khuyên bài thơ tròn lại và kéo thời gian trình bày vào tương lai tiếp sau, ấy là mùa thu muộn; Rilke còn tuân thủ theo phương châm sống của Rodin tròn 23 năm nữa cho tới khi chết, cái chết ông miêu tả như là cái chi? Công việc.

Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Ngày thu

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Kính Cha: thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn.
Hãy che bóng lên đồng hồ mặt trời
Và trên nội ngàn thả gió bay đi khắp.

Lệnh cho trái quả cuối mùa căng mọng!
Cho chúng thêm đôi ngày nắng phương nam!
Dồn thúc chúng đến kỳ hoàn tất,
và chắt vị ngọt cuối cùng
vào rượu vang nồng nã.

Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa
Ai đơn thân, sẽ bóng chiếc dài lâu
Sẽ thao thức, viết thư dài, đọc sách
Và đi đi lại lại trên những đường rợp bóng,
dạo bước bồn chồn, mỗi khi lá cuốn qua.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:

Herbsttag

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Herr: es ist Zeit. Der Sommer war sehr groß.
Leg deinen Schatten auf die Sonnenuhren,
Und auf den Fluren lass die Winde los.

Befiehl den letzten Früchten voll zu sein;
Gib ihnen noch zwei südlichere Tage,
Dränge sie zur Vollendung hin und jage
Die letzte Süße in den schweren Wein.

Wer jetzt kein Haus hat, baut sich keines mehr.
Wer jetzt allein ist, wird es lange bleiben,
Wird wachen, lesen, lange Briefe schreiben
Und wird in den Alleen hin und her
Unruhig wandern, wenn die Blätter treiben.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Rainer Kirch (sinh năm 1934): Nhà văn, nhà thơ và dịch giả văn học, đại diện của trường thơ Sachsen. Năm 1973 bị khai trừ khỏi đảng SED sau vụ tranh cãi xung quanh một vở hài kịch của ông. Năm 1990 ông được bầu làm chủ tịch Hội nhà văn CHDC Đức và cùng năm đó viện sĩ Viện hàn lâm Nghệ thuật.

(1) Các chữ và dòng in nghiêng trích từ thơ Rainer Maria Rilke.

(2) François-Auguste-René Rodin (1840-1917) Nhà điêu khắc và ký họa người Pháp, cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật hiện đại trong việc phá bỏ khuôn thước đã trở thành cứng nhắc của hàn lâm, tạo ra ngôn ngữ mới cho điêu khắc và tạc tượng.
 

Bài viết của Rainer Kirch khai thác rất nhiều chi tiết trong quãng đời của Rilke ở những năm đầu thế kỷ. Mùa hè năm 1902 Rilke bỏ căn hộ của mình, đi sang Paris, để viết một chuyên khảo về Rodin. Đó cũng là thời gian cuộc hôn nhân với người vợ ông cưới năm 1901, nữ điêu khắc gia Clara Westhoff, bắt đầu rạn nứt, bởi ông là người không thích hợp với cuộc sống gia đình của thị dân. Thời gian đầu ở Paris rất khó khăn đối với ông. Bên cạnh đó là những mối lo về tài chính, ít tiền thù lao. Nhưng đồng thời cuộc gặp gỡ chủ nghĩa Hiện đại mang lại nhiều ý tường cho sáng tác. Ông nghiên cứu tượng của Auguste Rodin và tranh của Paul Cézanne. Auguste Rodin đã bổ nhiệm ông làm thư ký riêng cho mình từ 1905 đến 1906.

(3) Tên các vị thần: Aton (tên vị thần của Ai Cập cổ đại), Yahweh (Chúa của Do Thái giáo) , Zeus (thần Dớt – vị thần đứng cao nhất trên đỉnh Olympe trong thần thoại Hy Lạp), Wotan (Thần Chiến tranh và thần Chết, chính là vị thần cao nhất trong thần thoại các dân tộc German).

(4) Hugo Laurenz August Hofmann, Edler von Hofmannsthal (1874-1929): Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Áo, đại diện quan trọng của phái Suy đồi và Hiện đại Vienna. Bức thư giả tưởng ông viết dưới cái tên người gửi Lord Chandos là một tác phẩm văn xuôi, mang chủ đề phê phán ngôn ngữ với tư cách phương tiện biểu đạt và sự tìm kiếm một lối thơ mới.

(5) Phải làm việc, chỉ làm việc. Và kiên nhẫn.

Tranh sơn dầu của
© Paul Cézanne (1839-1906), họa sĩ Hậu Ấn tượng Pháp, một trong những người mở đường cho nhiều trường phái của hội họa Hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...