Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Các họa sĩ Ấn tượng và Biểu hiện: Đám cưới của hai cựu thù

Christina Rietz 

Tranh của ©Erich Heckel (1883-1970): Họa sĩ Biểu hiện Đức.

Chủ nghĩa Ấn tượng và Biểu hiện thế đó không phải là những đối thể? Đơn giản thôi, Phòng tranh Quốc gia cũ Alte Nationalgalerie Berlin treo những tác phẩm đẹp nhất của hai khuynh hướng nghệ thuật bên cạnh nhau, và ta tìm thấy những nét tương đồng đáng ngạc nhiên.

Mũ trên đầu người thị dân rơi xuống đất/ Trên mọi tầng không khí vọng tiếng la/ Rơi nhào xuống và gãy làm đôi những thợ lợp mái nhà/ Đọc tin báo: sóng triều dâng trên biển.

Cũng như trong bài thơ „Tận thế“ của Jakob van Hoddis (1), những nhà Biểu hiện ăn nhập trong lời nói và hình ảnh: phấn khích, hốt hoảng, cuồng nhiệt và hoang dã. Họ chịu đau khổ ở thế giới công nghiệp hóa cao độ và tuy thế lại hào hứng bởi nó. Đối với họ, tàu điện thì quá ồn ào, nhưng họ lại thầm mong chiến tranh xảy tới.

Như thế họ hoàn toàn khác với những nhà Ấn tượng đã đi trước họ, những sinh thể rạng rỡ đam mê ánh sáng nhúng cây cọ chụp bắt ảnh hình thế giới và thích vẽ ở ngoài trời, trong công viên, trên cánh đồng hay ven hồ.

Khác biệt giữa hai nhóm nghệ sĩ này không thể nào lớn hơn nữa. Ở trong trường người ta đã được học điều đó. Thế mà giờ đây một cuộc triển lãm lớn và khang trang tại Phòng tranh Quốc gia Alte Berliner Galerie đã dỡ bỏ đi những định kiến cũ. Triển lãm „Ấn tượng - Biểu hiện. Bước ngoặt trong nghệ thuật“, trưng ra tranh của hai khuynh hướng bằng sự trực tiếp đối chiếu.

Một người Thụy Sĩ đã mang tranh người Pháp tới Đức

Với những họa sĩ Ấn tượng Pháp, đã từ lâu Phòng tranh Quốc gia Alte Nationalgalerie có quan hệ vô cùng mật thiết. Cuối thế kỷ 19, vị giám đốc Alte Nationalgalerie ngày ấy- ông Hugo von Tschudi, một người Thụy Sĩ - đã sang Pháp mua tác phẩm nghệ thuật, thời điểm đó tại Đức việc này phần nào bị coi là tai tiếng. Các tác phẩm của Renoir, Manet, Degas và Monet đã tìm thấy đường vào Đảo bảo tàng (2) như vậy đấy. Nhiều người đương thời hoàn toàn không hề thích một tòa kiến trúc mang dòng chữ tạc „ Nghệ thuật tạo hình Đức“ lại dọn nhiều chỗ như vậy cho người Pháp. Hugo Tschudi cho rằng, thể nào tranh của thời Hiện đại cũng cần phải được trưng bày tại Berlin. Lịch sử ủng hộ lý lẽ của ông.

Một số mô-típ hội họa ngự trị thế giới đa màu sắc của các nhà Ấn tượng gồm các scene về phong cảnh, thành phố, tiền ngoại ô, thú tiêu khiển ban chiều. Cuộc triển lãm mới được thiết lập theo những nhóm đề tài này. Cứ bên cạnh một nhà Ấn tượng phòng tranh treo một bức tranh của nhà Biểu hiện cũng cùng phạm trù để người quan sát có thể đối chiếu trực tiếp về phong cách cũng như đề tài.

Cả hai chủ nghĩa đều có chung một phong thái chống đối hàn lâm viện, chung tình yêu đối với tuyên ngôn và tuyên bố, cùng ưa chuộng ấn tượng nhục cảm. Vẻ như đôi lúc cả hai nhóm này thậm chí còn chia sẻ cái nhìn thế giới giống nhau: Bức tranh chân dung hai người của Edouard Manet vẽ một đôi bất hạnh trong vườn mùa đông chỉ ra hai người đơ cứng, mặc dù tay sát bên tay, nhưng đồng thời họ ở trong hai vũ trụ khác biệt nhau. Vẻ kinh hoàng lạnh lẽo của hôn nhân theo lý trí của thế kỷ 19 đã tác động trực tiếp người xem.

Trong Phòng tranh quốc gia, bên cạnh bức họa của Manet, hiện treo bức tranh của Edvard Munch“ Käte và Hugo Perls“. Họa sĩ còn không ban thưởng cho nhân vật của mình cảnh hậu trường tương tự, một đôi ngồi bên nhau không thể nào xa cách hơn. Nhãn quan phê phán hướng vào những khuôn phép của thời đại đều chung điểm tương đồng ở hai phong trào nghệ thuật lớn hiện đại của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đôi khi những người nghệ sĩ của hai khuynh hướng phong cách này thậm chí còn tìm thấy những lời đáp như nhau cho những vấn đề xã hội bức bách.

Trên thế giới ngày hôm nay không còn nổi bật sự hiện diện các nhà Ấn tượng phần đông là người Pháp và các nhà Biểu hiện phần đông là người Đức nữa. Ý tưởng của một nền nghệ thuật dân tộc từ lâu đã bị vượt qua. Ý tưởng đó từng ngấm ngầm xưa kia. Hoàn toàn đi ngược thành phần làm nên danh xưng của mình, Phòng tranh Quốc gia, tuy nhiên đã đánh giá rất cao nền nghệ thuật của cựu thù truyền kiếp (3).




© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: SPIEGEL ONLINE

Chú thích của người dịch:


Christina Rietz: Nữ nhà báo tự do, biên tập viên, và nhà phê bình.
(1) Jakob van Hoddis (1887-1942): Nhà thơ phái Biểu hiện trữ tình, nổi tiếng vì bài thơ Tận thế trích trong bài.
(2) Museuminsel: Hòn đảo nằm giữa Berlin, gồm tổ hợp nhiều viện bảo tàng, từ 1999 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
(3) Ý nói mối thù truyền kiếp Đức - Pháp thời cận-hiện đại.

Tranh: Erich Heckel (1883-1970): Họa sĩ Biểu hiện Đức.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Có những đêm trắng sao huyền diệu

Rainer Maria Rilke (1875-1926)


Tranh của Paul Klee (1879-1940): Họa sĩ Đức

 
Có những đêm trắng sao huyền diệu
Mọi vật như bằng bạc ánh lên
Kia một số ngôi sao mau lấp láy
Ngỡ mang theo những mục tử sùng tin
Tới Đức Chúa Giê su hài đồng mới.


Như rắc dầy bụi kim cương xa tới
Bỗng hiện ra sông lạch, đồng bằng
  Vô bao trái tim khoan hòa mộng
Một đức tin không nhà nguyện vút dâng
Đang lặng lẽ mở khai điều huyền diệu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Es gibt so wunderweiße Nächte

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Es gibt so wunderweiße Nächte,
drin alle Dinge Silber sind.
Da schimmert mancher Stern so lind,
als ob er fromme Hirten brächte
zu einem neuen Jesuskind.

                                   Weit wie mit dichtem Demantstaube
                                    bestreut, erscheinen Flur und Flut,
                                      und in die Herzen, traumgemut,
                                       steigt ein kapellenloser Glaube,
                                          der leise seine Wunder tut.

Chú thích của người dịch


Rainer Maria Rilke (1875-1926) Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Tranh: Đêm Ai Cập, thuốc nước, thiếp chúc Noel của Paul Klee (1879-1940), họa sĩ Đức, tác phẩm tiền phong, đa dạng có thể xếp vào nhiều trường phái Biểu hiện (Expressionism), Kết dựng (Construktivism), Lập thể (Cubism) Hoang dại (Primitivism) và Siêu thực (Surrealism).

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Chỉ nghiệp dư mới luôn viết ở trình độ đều tay

Marcel Reich-Ranicki (1920- 2013) trả lời độc giả

Tranh của ©Willi Baumeister (1889-1955): Họa sĩ Đức

Những tiểu thuyết nào của Joseph Roth (1) không thành công? Lịch sử văn chương rồi có công bằng với Paul Celan (2)? Marcel Reich-Ranicki (3) nói về hai tác giả kinh điển đã hết sức được nương nhẹ trong điển phạm của mình (FAZ).

Khi đọc lại, tôi thấy tác phẩm của Joseph Roht khá không đồng đều về chất lượng nghệ thuật. Còn những tiểu thuyết nào của Roht ông cho rằng không thành công hay chăng? – Günter Herrmann từ Heilbronn nêu câu hỏi.

Marcel Reich-Ranicki: Chỉ có kẻ nghiệp dư và người bất tài liên miên sản sinh tác phẩm trên cùng một trình độ. Năng khiếu hoặc thậm chí cả thiên tài không chỉ viết những gì họ đã có thể, mà còn nỗ lực viết cái thứ mà chưa bao giờ họ gắng thử. Làm việc đó có thể không thành công cái mới. Cả ở Shakespeare cũng có những vở kịch yếu, hoặc, mà thật thế, những vở non tay hơn, cả nơi Balzac những tiểu thuyết đuối hơi và cả nơi Tolstoi những chương nhàm chán, cả nơi Thomas Mann những truyện ngắn gây thất vọng.

Cả cuộc đời Joseph Roht bị lệ thuộc vào những khoản thu nhập từ những hoạt động viết văn của mình. Ông viết ra rất nhanh nhiều thứ, hầu như không chỉnh sửa gửi cho ban biên tập và điều đó phải dẫn đến chuyện, dao động về trình độ trong một tác phẩm của ông thường ra là khó tẩy xóa và có khi còn lớn, vâng, tới mức gây bực mình nữa. Ai tự ép buộc viết tiểu thuyết nhiều kỳ cho báo (và điều này Dostojewskij đã làm) và ai, phải cúi lụy cái nghèo không ít khi cho in ra ngay những chương đầu của tiểu thuyết mình viết trước khi kết thúc bản thảo của toàn cuốn, người ấy đã ý thức được điều đó sẽ mang lại hậu quả gì rồi.

Tất nhiên trong số nhiều tiểu thuyết của Joseph Roht cũng có một số nhiều hay ít hơn không thành công. Nhưng mà trong các tiểu thuyết này nhìn chung có đầy đủ thứ khiến sự đọc sách thành niềm khoái lạc. Trước tiên ở những tiểu họa xen kẽ vào, những ấn tượng thi vị, những trình bày hóm hỉnh và những tình tiết bi hài thường rời rạc đứng tách khỏi hành động thực của tiểu thuyết.

Mà tuy thế Roht chưa bao giờ xâm phạm vào vẻ tự nhiên của giọng điệu. Ông yêu những màu mềm và nét viền cứng. Trong những đoạn đối thoại thường rất kiệm lời, cái quyết định được biểu đạt qua những quãng nghỉ: Sự làm thinh của nhân vật anh hùng nơi ông có nhiều sắc thái biểu đạt bất tận. Ông yêu tính yêu kiều hơn nhiều so với tính trọng lượng. Ông là một nhà phân tích nhiệt thành và một kẻ tán gẫu có kỷ luật. Ngõ hầu từ cả cuộc đời chán ngấy ông đã sáng tạo nên những tác phẩm bậc thầy của sự đáng yêu..

Trong lịch sử văn học nhà thơ Paul Celan có giá trị vị trí nào không xứng đáng với ông ấy? – Ute Layßner hỏi.

Marcel Reich-Ranicki: Hẳn bà muốn biết theo quan điểm của tôi nhà thơ nổi tiếng Paul Celan, sống quãng đời từ 1920 tới cuối tháng Tư năm 1970 được đề cao quá mức hay bị đánh giá quá thấp có phải không. Đáng tiếc tôi phải làm bà thất vọng, bởi câu trả lời của tôi là: Tôi không biết điều đó.

Có điều chắc chắn: Nhiều người am tường thơ Đức coi Celan là thi sĩ Đức quan trọng nhất trong thời sau Thế chiến thế giới 2. Nhưng trong chuyện thơ ca rất ít khi đạt được sự thống nhất. Các phán xét về Stefan George phân cực rất xa nhau, vâng thậm chí cả về Hölderlin hay là Heine. Và điều này càng đúng đối với Celan.

Sớm hơn người ta thống nhất được quan điểm, rằng bài thơ nổi tiếng nhất của ông ấy „ Tẩu khúc tử thần “ cũng là bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất bằng tiếng Đức sau 1945. Tôi không muốn bộc lộ ý kiến về siêu tác phẩm này. Tôi hoàn toàn không thể phán xét được về cái đó. Bởi vì tôi không biết những câu thơ nào khác của toàn bộ thời đại về Hitler đã rúng động lòng tôi sâu hơn những câu thơ về Trùm nghề đến từ nước Đức „Tử thần gã trùm nghề người Đức mắt gã xanh / với viên đạn chì bắn anh, bắn trúng anh“. Nhưng tôi không muốn giấu diếm, có những bài thơ của Celan tôi hoàn toàn không hiểu hoặc là chỉ hiểu phần nào, còn các bài khác mà tôi tuy tin rằng mình hiểu, mà thế đó đối với tôi chúng vẫn nguyên còn lạ lẫm.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: FAZ

Chú thích của người dịch:

(1) Joseph Roht (1894-1939): Nhà văn, nhà báo người Áo

(2) Paul Celan (Paul Antschel, 1920-1970): Nhà thơ viết tiếng Đức, gốc Do thái. *Sinh tại Czernowitz, Bucovina, tỉnh lỵ của đế quốc Áo-Hung, thời còn trực thuộc Romania, nay thuộc về Ukraine * 1937- 1939: Học nghề Y tại Tours, Pháp* 1941-1945: Chạy trốn, bị cầm tù trong trại tập trung. Cha mẹ ông bị áp giải vào trại tập trung ở Transnistria, nơi cha ông chết vì thương hàn và mẹ ông bị bắn chết *Sau 1945: Làm phiên dịch trong nhà xuất bản ở Bukarest sau Thế chiến II *Năm 1947 di cư qua Vienna, sau sang Paris 1948 *Tại đây Paul Celan nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn chương, giảng tiếng Đức tại Écolo Normale Supérieure. 1970: Tự sát, gieo mình xuống sông Seine sau chuyến thăm Israel vào tháng Mười năm 1969.

(3) Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức, người được tôn vinh là Giáo hòang văn học.

Tranh của Willi Baumeister (1889-1955): Họa sĩ Đức, nhà đồ họa, trang trí sân khấu, nhà lý thuyết nghệ thuật, một trong những họa sĩ quan trọng nhất của phái Hiện đại.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Buổi chiều đến từ nơi xa bước

Rainer Maria Rilke (1875-1926)


Tranh của © Claude Monet (1840-1926) họa sĩ Ấn tượng Pháp


Buổi chiều đến từ nơi xa bước
qua lùm thông tuyết phủ, nhẹ không
Rồi chiều áp đôi má mùa đông
lên mọi khung cửa sổ nghe ngóng

Và mỗi ngôi nhà trở nên yên ắng
những cụ già trên ghế bố trầm ngâm,
những người mẹ như các bà hoàng hậu,
Trẻ con không muốn bắt đầu
trò chơi của chúng. Các cô hầu gái
không còn xe sợi nữa. Buổi chiều hướng nội im nghe
và bên trong người nghe lắng ngoài kia.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Abend kommt von weit gegangen

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Der Abend kommt von weit gegangen
durch den verschneiten, leisen Tann.
Dann preßt er seine Winterwangen
an alle Fenster lauschend an.

Und stille wird ein jedes Haus;
die Alten in den Sesseln sinnen,
die Mütter sind wie Königinnen,
die Kinder wollen nicht beginnen
mit ihrem Spiel. Die Mägde spinnen
nicht mehr. Der Abend horcht nach innen,
und innen horchen sie hinaus.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Tranh của Claude Monet (1840-1926), họa sĩ tiêu biểu của phái Ấn tượng (Impressionism) Pháp.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Trái tim vô sự

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của © Carl Spitzweg (1808-1885): Họa sĩ Đức

Bài thơ mở tầm nhìn vào cuộc vãn cảnh, một cuộc tiêu dao. Cảnh hiện ra cỏ chân đê trôi trong sương khói, ai cũng thấy cả thôi, cũng thơ mộng như mùa xuân ngủ ngon trên lưng những con bò vàng.

Chỉ có lời trách cứ tự bản thân đưa đẩy Tháng giêng sao anh không về Văn Giang ngắm sông Hồng, tức thiếu tiếng vọng người tình da diết hẹn hò, nên thiếu say đắm của một cảnh giới siêu thóat vượt trên trần thế như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, vẻ hùng vĩ điêu linh bên giòng sông Đuống trong thơ Hòang Cầm.

Dễ hiểu là nhà thơ về thăm làng cũ, sau chén thù chén tạc sẽ bước chân vào chùa. Bàn tay thi sĩ nắm tay những người nông dân ấm, mềm, chân thật.

Phong cảnh hiện ra, không có gì đặc sắc trong các câu văn tả chỉn chu. Con người mà tác giả gặp lại mừng đến rưng nước mắt.

Hình ảnh tả chân đan chen cảm xúc phát triển trên trục chung Độc thọai - Tự sự - Cảm thương - Ưu thời - Mẫn thế như hàng vạn bài thơ thời Nguyễn Khoa Điềm làm chủ sóai. Thơ bày tỏ trắc ẩn, điều đó không lạ. Các tác giả Việt Nam cổ điển đã có những rung động về thế sự, có những ưu thời mẫn thế mang kích thước vũ trụ. Còn ưu tư mang tính thông điệp trong bài thơ sau Khi mồ hôi trở nên quá rẻ/Kẻ ranh ma trở nên quá giầu rất yếu ớt. Hơn ai hết, ông thừa biết bi kịch lớn đã và sẽ xảy ra không vô hại như vậy. Những toan tính của tập đòan lợi ích mang bộ mặt tư bản đỏ rừng rú sẽ còn đẩy đại bộ phận nhân dân Việt Nam nay mai ra sẽ ra đứng đường. Nhà thơ, từng đứng trên tháp cao quyền lực của cơ quan bịt họng, từng có những cơ hội để cho dân đen trở thành công dân có quyền mở miệng, lại chỉ thu họach được một nhận thức đúng nhưng vô thưởng vô phạt và ơ hờ như vậy chăng.

Hình như trong bài viết phê bình Việt Bắc, tôi nhớ Trần Dần có nhận xét, Tố Hữu yêu ai thì người đó phải bé tý lại, càng ngợi ca hào hùng người ta càng phải khép nép bên người lên giọng ngợi khen. Nguyễn Khoa Điềm phát mãi tình thương, mua được rất nhiều nước mắt ở những con người nhẫn nại, cam chịu và dĩ nhiên thấp cổ bé họng đứng dưới, thì khi ông chìa tay ra, con người ta với tư cách là chủ thể mà trong thơ, không bắt nói hết, có thể cảm nhận được qua nét mặt mũi, thịt da và tiếng nói, còn dần dà biến hẳn đi. Bởi vì mãi mãi phải đứng dưới, họ chìa bàn tay lao động đáng ra biết xiết rất chặt, hẳn không quen gần gụi, thành ra gặp bàn tay nắm của người thi sĩ lên quan, khép nép mềm buông, vụng về là thế.

Nhưng đó là tiếng nói chung của một nền thơ tuyên giáo dân túy, ôn nghèo gợi khổ-ghi tạc công lao và gửi gắm ưu phiền thế sự. Sắp xếp ở những câu thơ không vần rất chỉn chu, nôm na là đằng khác, tôi không cảm được ở hai bài thơ một tiết tấu nhịp điệu bên trong nào, một nỗ lực lao động nào đáng kể, theo hướng cách tân và hiện đại. Trừ ý Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm/Những tháng ngày bỏ quên, bật lên mơ hồ và dang dở, có thể là một điểm nhấn đáng kể, đáng được ý hơn nếu được khai thác thành thi tứ có đầu có đũa.

Tôi không dám nói tòan bộ thơ dựa trên cái nền biến-mẫu số này tòan là dở vì cũng tùy cái tâm công chính, tùy cái tài của người cầm bút. Chỉ có điều phần bạc nhạc dở nhất, xí ngầu gân cốt nhất được suy tôn làm khuôn vàng thước ngọc chính thống. Trong nền văn nghệ ấy không ai được vinh danh rộn rã hơn về thế quyền chức phận, không ai qua mặt được thơ Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm.

Và tất nhiên, theo cái lộ trình ôn nghèo gợi khổ hàm thấm công ơn đó, từ cái ngày xưa vỡ đê chưa sinh ra ông Nguyễn Khoa Điềm đang muốn níu tay, logic thôi, ông sẽ dẫn họ vào cái kết cục Nhà nối nhà, đã ấm đã sáng, vọng một điệu chèo/ Sông Hồng mải miết làm lịch sử

Nhà thơ tụt từ tháp quyền thế xuống, đi dạo vãn, và thương người cần lao. Cái kết cục đã biết lắm rồi, nhạt nhẽo quá đi.

Nhưng đọc câu cuối cùng ở bài thơ thứ hai, thực tôi không hiểu nhà thơ kia nghĩ gì khi viết trái tim lăn tròn yên ả. Cùng ông men theo mạch hai bài thơ sống qua cảm xúc rất đáng trân trọng của đời người Bao nhiêu bùn bao nhiêu khổ đau, để rồi cuối cùng ông chỉ cho thấy một trái tim lăn tròn yên ả, thì chịu thật, trời ơi, cảm theo cá nhân tôi, đó là cao trào nội tâm hình như có chút gì phản cảm.
 

©P.K.Đ/ Dez. 2012

Tháng Giêng về Văn Giang

Nguyễn Khoa Điềm

Tháng giêng sao anh không về Văn Giang ngắm sông Hồng

Nhìn cỏ chân đê trôi trong sương khói
Mùa xuân ngủ ngon trên lưng những con bò vàng
Ngoài đồng đã kín những người đi tìm no ấm

Trong ngôi chùa cổ nở xoè pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt
Tôi nắm tay những người nông dân ấm, mềm, chân thật

Như níu được nhau tự ngày xưa vỡ đê
Mừng đến rưng nước mắt
Nhà nối nhà, đã ấm, đã sáng, vọng một điệu chèo
Sông Hồng mãi miết làm lịch sử …

Cánh đồng buổi chiều


Nguyễn Khoa Điềm

Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều
Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt
Mùi thơm lúa khoai thân thuộc
Nói gì hở tiếng reo cỏ may
Mùa thu vừa trở lại?

Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất
Bao người đã mất, đang còn
Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp
Không một dấu vết
Những mặt ruộng nứt nẻ

Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu

Đã lâu nhà thơ lại trở về với cánh đồng làng
Hít sâu hương thơm no ấm
Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm
Những tháng ngày bỏ quên

Bằng bước chân chậm rãi
Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi
Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường
Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ
Trái tim lăn tròn êm ả.


(Hai bài đăng trên Blog Quê Choa tháng 12.2012)


Nhà thơ nghèo (Der arme Poet) - Carl Spitzweg (1808-1885): Họa sĩ Đức

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Bất ổn của nhà nước vắng công dân

Phạm Kỳ Đăng
   
Tranh của © Karel Appel (1921-2006) họa sĩ Hà Lan
 

Người Việt ra năm châu lo sợ khá nhiều thứ. Lo sợ về thân thế: trong một đoàn khách quốc tế nhập cảnh sang Singapur, sang Mỹ, sang Anh, hay sang các nước châu Âu, thế nào người Việt, kể cả những thương gia hay quan chức giàu có, cũng bị soi xét kỹ lưỡng hơn. Nếu căng, bị đưa vào phòng kiểm soát, chắc hẳn người mình bị lục vấn bằng những câu hỏi khó nghe hơn so với chuẩn mực giao tiếp văn minh phổ quát. Cái tiếng xấu của ăn cắp, rửa tiền, đưa người, mại dâm, trồng cỏ, được tung lên TV, báo chí ở một số nước châu Á, - chính truyền thông nhà nước chẳng buồn gột rửa mà còn đưa tin lại khá rõ - tại một số nước châu Âu cũng tới tai nhà chức trách bằng những thông báo nội bộ hay hướng dẫn thi hành.

Có hẳn là lúc nào người dân Việt cũng phải so đầu rụt cổ kém cạnh nhà người ta không. Trong một trường hợp tôi nghĩ rằng không. Giả tưởng rằng sắp tới đây xảy ra một vụ bắt cóc do nhà nước khủng bố tiến hành, lọt vào trong đám con tin có cả người Việt mang hộ chiếu công vụ hay du lịch, người đồng bào nhà mình, so với các công dân Anh, Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha v.v. thế mà lại có cơ may được thả ngay tức thì, ít ra sớm nhất. Các chiến binh bịt mặt nạ đen hung ác sẽ rất thất vọng vì bắt nhầm vào đó người Việt Nam. Hay là vui vẻ cũng nên. Nếu rảnh rỗi phiên gác có lẽ chúng còn mời người Việt „kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ“ nán lại, hút shisha, chén chú chén anh, chúc tụng và tuyên dương chiến tích anh hùng thắng đế quốc nữa cũng nên. Nếu quả có thế, hồn thơ của nhà thơ tuyên giáo Tố Hữu đang mơ ngủ ở thế giới bên kia, có thể mãn nguyện ngẩng cao đầu thêm vài lần nữa.

Những kẻ khủng bố theo Hồi giáo cực đoan đưa người Việt Nam ra khỏi tầm ngắm còn vì nhiều lẽ. Người dân Việt Nam xét ra không phải là tín đồ cuồng tín của một tôn giáo tương tranh. Đất nước đó, qua sự nhập khẩu một giáo điều lạ và suy tôn thành một tôn giáo mới, đã bình định mọi tín ngưỡng và tôn giáo cổ truyền. Nhà Phật gì mà bày tượng lãnh tụ trên điện thờ. Nhà sư gì mà vào quốc hội phát biểu như tuyên giáo chính tông. Còn thường dân vào lễ chùa véo oản, sờ đầu tượng cốt khấn lộc cầu tài hay vận may cá cược. Cho nên, ở người Việt không tiềm ẩn một kẻ đối đầu về tín ngưỡng. Và họ lại nghèo, người Việt nghèo là một chuyện không cần phải che đậy. Sang Trung Đông làm việc không ít người Việt Nam làm khách thợ. Bức tranh về họ, những người công nhân lam lũ ở những miền Trung Đông không kích thích lòng ghen tuông hay đố kỵ, càng không sự thù ghét trong ý thức các chiến binh Hồi giáo. Thường thói đời bắt cóc người nghèo khó đòi được tiền chuộc. Nhưng lý do cơ bản nhất khiến cho chiến binh Daesh chùn tay, kể cả khi tóm được đại gia Việt Nam giàu có đeo lủng lẳng dây chuyền vàng, đồng hồ Rolex, thì chúng cũng thừa biết, họ là những kẻ lang thang không nhà nước. Gợi rung động từ phía nhà nước Việt Nam cũng tựa cầu mưa trên sa mạc, đòi nhà nước Việt Nam tiền chuộc khác nào mấy như đập vào vách đá.

Thế đấy, trong nhiều nguyên cớ được suy xét, lý do cơ bản nằm trong quan hệ chiếm hữu, chủ nô giữa nhà nước CHXHCN Việt Nam với nhân dân của mình. Con người không rẻ, chính cái nhà nước ấy áp cho người dân của họ một cái giá vô cùng rẻ mạt. Sự hạ giá trường kỳ và hệ thống tư cách con người, tệ hơn thời phong kiến, thực dân, trải qua bao biến thiên đầy chiến tranh bom đạn liên tục diễn ra ở hai quá trình vận động lớn song hành đã khuynh đảo và tàn phá cấu trúc xã hội suốt hơn 70 năm qua.

Ở quá trình thứ nhất, được gọi là xóa bỏ tư hữu (Cải cách ruộng đất, Hợp tác hóa, Cải tạo công thương nghiệp, Đánh tư sản miền Nam) người dân bị tước đoạt phương tiện sống, bị tước bỏ luôn tư cách cá nhân, cá thể. Rồi chính con người của tập thể bị hạ giá nhiều cấp nữa trong quá trình thứ hai: cải biến con người thành công cụ. Sự tước đoạt nhân quyền và nô dịch hóa người dân do Đảng và Nhà nước tiến hành qua nhiều khâu cải tạo, giáo dục, và hội nhập cưỡng bách. Giáo dục, Đào tạo và Nghiên cứu phải căn cứ và nhắm đích tư tưởng Marx, Lenin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh sau này. Các tổ chức Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội, mặt trận giả hiệu khác cũng do Đảng bày đặt ra nhằm củng cố vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên người dân Việt Nam trong thực tế suốt đời bị chối bỏ quyền làm công dân: quyền tự do bầu cử, tự do thành lập đảng phái, hiệp hội, tự do báo chí. Có thể nói nhà nước loại bỏ hầu hết người dân tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Đó là nhà nước khống chế, trấn áp, bóc lột và chăn dắt. Nhà nước cho đến hôm nay hoàn toàn vắng công dân, và nhà nước đó, không qua chế độ tuyển cử do dân bầu, cũng chẳng có luôn dân tịch. Dưới đám quan chức quyền lực của Đảng, tồn tại thần dân, người ta hay nói, phó thường dân. Và thần dân phần lớn vốn sợ hãi, dửng dưng hầu như chưa dám ý thức đảm nhận quyền công dân của mình.

Xã hội Việt Nam hôm nay tiềm ẩn trong mình những nguy cơ xung đột lớn, về lâu dài chưa chắc bộ máy an ninh và quân đội có thể tiếp tục trấn áp. Bối cảnh xã hội với phá sản, thua lỗ, nợ công, thất nghiệp, bán thân, bần cùng hóa, tham nhũng, cướp đất, và cướp của giết người v.v. không hợp làm hậu trường cho lễ đài ăn mừng thắng lợi của nhà nước. Lãnh thổ, tài nguyên mất dần vào tay Bắc Kinh; biển đảo, lãnh hải cho dân chài mưu kế sinh nhai cũng bị Tàu cộng dần dà chiếm nốt. Việc kéo dài vai trò độc tôn của Đảng bằng cách phối hợp toàn diện với chính cái Đảng cộng sản Trung quốc tham tàn sẽ chỉ gây uất ức, phẫn nộ và đẩy nhanh Đảng vào vị trí thù địch dân tộc. Những động thái tăng cường trấn áp, sách nhiễu người bất đồng chính kiến và dân oan mất đất, gần đây hơn một bước giả dạng côn đồ hành hung, trả thù, giam cầm tù nhân chính trị và bắt thêm người đấu tranh dân chủ còn cho thấy bộ mặt khác của nhà nước với người dân Việt: bộ mặt khủng bố.

Đàn áp mạnh tay như vậy với cớ ổn định chính trị, tuy nhiên nhà nước này đang hồi hết sức nguy ngập. Chỉ thấy từ trước đến nay nhà nước kết tội bỏ tù người chống đối bằng điều luật 258 „lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước“. Trong tương lai gần, chính vì thế sẽ có rất nhiều người dân kết tội nhà nước với những kẻ cầm quyền đứng đầu về tội lạm dụng quyền con người của nhân dân trong nhiều thập kỷ.

Và bây giờ, xung quanh cuộc thảo luận về môn học lịch sử, người nhà nước đề nghị bỏ hẳn bộ môn Sử. Có vẻ cái nhà nước đó muốn thủ tiêu lịch sử trong đó có cái lịch sử bất chính danh của mình. Khốn nỗi, xóa lịch sử cũng không dễ như xóa nợ.

Bỏ môn Sử hay dạy Sử kiểu tích hợp theo ý Đảng đằng nào cũng thế cả, giáo dục và nghiên cứu kiểu „định hướng“ sẽ xuất ra lò dư luận viên khả dĩ nhiều hơn. Tất cả những môn học thuộc về khoa học nhân văn, xã hội, và tinh thần ở Việt Nam, cấp độ phổ thông cũng như nghiên cứu, thiết nghĩ đều phải được biên soạn và giảng dạy phi chính trị thì không hẳn đúng, nhưng ngay từ bây giờ nhất thiết phi tuyên giáo.

Lại có sáng kiến tích hợp bộ môn Lịch sử vào Giáo dục công dân. Nhưng giáo dục công dân là cái gì mới được? Khái niệm công dân (Bürger/citizen) hình thành song song với nhà nước tư sản đại nghị khai sáng tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Cách mạng Pháp, hoàn thiện cho đến nay là nhà nước dân chủ - dân sự - pháp quyền ở nhiều nước Tây Phương. Chưa bao giờ người Việt (trừ một giai đoạn nào đó thời Việt Nam Cộng Hòa) được làm công dân. Dưới chính thể cộng sản độc tài toàn trị, từng người Việt Nam chỉ là thần dân mà thôi.
 

Giáo án môn Giáo dục công dân, xét từ hiện thực Việt Nam hôm nay, nếu có, nên bắt đầu bằng tiền đề: Chúng tôi người Việt Nam thèm khát được là công dân, chưa bao giờ cha ông tôi cũng như tôi được làm công dân cả.

Trái ngược cam kết để gia nhập hiệp định TPP, chính quyền mấy ngày nay ráo riết ngăn cản sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự và công đoàn độc lập. Sự „ổn định chính trị“ mà đảng cộng sản Việt Nam rêu rao và dùng công an quân đội duy trì thực chất là tình trạng khống chế xung đột.

Đó là sự bất ổn bên trong, thực sự khắc phục được chỉ có thể bằng cách trao lại nhân quyền cho dân. Xác lập tư cách công dân về lâu dài mới tạo nền tảng thực sự cho một chế độ khiến người dân yêu thượng và sẵn lòng bảo vệ.

Thế còn bao giờ người dân Việt Nam gánh chịu cả sự bất ổn bên ngoài, khi nào người dân Việt cũng vào đích ngắm của khủng bố quốc tế? Tình hình này có thể thay đổi rất nhanh. Chính trị Việt Nam vốn được quyết sách bởi nhóm người vây quanh lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước phong kiến - thần quyền kiểu mới từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng, cho tới hôm nay cũng chưa một ai có tư cách và ý thức công dân nốt. Các vị ấy thuộc về một đảng tiếm quyền loại trừ phần lớn nhân dân ra khỏi tài sản, quyền hành và luật pháp, và tự cho mình được đối xử theo luật pháp khác. Đứng đầu một tập đoàn quyền lực, tham nhũng hôm nay chỉ là những kẻ độc tài bịt miệng người dân dưới phương châm „đã có đảng và nhà nước lo“. Họ sẽ ra những quyết định độc đoán không tham kiến công luận, không hỏi ý nhân dân. Trong bối cảnh theo đuổi một chính sách đu dây vô vọng „không liên minh với một nước chống lại nước thứ ba“ nhà nước CHXHCN Việt Nam kiệt quệ muốn xin tiền viện trợ hay để phá vỡ thế cô lập, tới đây rất có thể qua một đêm, sáng hôm sau gửi ngay quân đội vào liên minh quốc tế tham chiến chống phiến quân IS.

Lúc đó người Việt Nam sẽ tức khắc thành nạn nhân của khủng bố.


© PKĐ – Bài đăng Bauxite Việt Nam

Tranh của Karel Appel (1921-2006), họa sĩ Hà Lan, sáng lập nhóm họa sĩ CoBra.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Nắng nhạt

Phạm Kỳ Đăng

Tranh © của Emil Nolde (1867-1956), họa sĩ Biểu hiện Đức

Ôi nắng nhạt xin đừng rung hết lớp
Nào tôi mong một lượt ráng chiều đâu
Mà hoan hỉ vội trong ngàn đóa sáng
Trút rỡ ràng theo vồn vã phù dâu

Hè sắp tắt ngàn mắt mong sáng giá
Trong tứ thơ ảm đạm một linh hồn
Đừng nín thở: ngàn sao đang nhấp nháy
Dưới chân trời sắp sửa những nụ hôn

Ào ạt nữa! Chiều tàn, môi vĩnh biệt
Nhấp khôn cùng đắng chát cuối trời mây
Dần tối lại - một nụ cười chua chát
Sẫm rượu vang còn cợt nhả đâu đây

Xa lánh quá, dường chim còn tiếc nuối
Cánh vẫy vùng đập động ánh vàng phai
Như hiển hiện chút xót thương lánh nạn
Chấp chới bay và buồn bã thở dài.

© PKĐ – Mê Ca- 1991

Tranh sơn dầu của Emil Nolde (1867-1956), họa sĩ Biểu hiện (Expressionism) Đức

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...