Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Trái tim vô sự

Phạm Kỳ Đăng

Tranh của © Carl Spitzweg (1808-1885): Họa sĩ Đức

Bài thơ mở tầm nhìn vào cuộc vãn cảnh, một cuộc tiêu dao. Cảnh hiện ra cỏ chân đê trôi trong sương khói, ai cũng thấy cả thôi, cũng thơ mộng như mùa xuân ngủ ngon trên lưng những con bò vàng.

Chỉ có lời trách cứ tự bản thân đưa đẩy Tháng giêng sao anh không về Văn Giang ngắm sông Hồng, tức thiếu tiếng vọng người tình da diết hẹn hò, nên thiếu say đắm của một cảnh giới siêu thóat vượt trên trần thế như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, vẻ hùng vĩ điêu linh bên giòng sông Đuống trong thơ Hòang Cầm.

Dễ hiểu là nhà thơ về thăm làng cũ, sau chén thù chén tạc sẽ bước chân vào chùa. Bàn tay thi sĩ nắm tay những người nông dân ấm, mềm, chân thật.

Phong cảnh hiện ra, không có gì đặc sắc trong các câu văn tả chỉn chu. Con người mà tác giả gặp lại mừng đến rưng nước mắt.

Hình ảnh tả chân đan chen cảm xúc phát triển trên trục chung Độc thọai - Tự sự - Cảm thương - Ưu thời - Mẫn thế như hàng vạn bài thơ thời Nguyễn Khoa Điềm làm chủ sóai. Thơ bày tỏ trắc ẩn, điều đó không lạ. Các tác giả Việt Nam cổ điển đã có những rung động về thế sự, có những ưu thời mẫn thế mang kích thước vũ trụ. Còn ưu tư mang tính thông điệp trong bài thơ sau Khi mồ hôi trở nên quá rẻ/Kẻ ranh ma trở nên quá giầu rất yếu ớt. Hơn ai hết, ông thừa biết bi kịch lớn đã và sẽ xảy ra không vô hại như vậy. Những toan tính của tập đòan lợi ích mang bộ mặt tư bản đỏ rừng rú sẽ còn đẩy đại bộ phận nhân dân Việt Nam nay mai ra sẽ ra đứng đường. Nhà thơ, từng đứng trên tháp cao quyền lực của cơ quan bịt họng, từng có những cơ hội để cho dân đen trở thành công dân có quyền mở miệng, lại chỉ thu họach được một nhận thức đúng nhưng vô thưởng vô phạt và ơ hờ như vậy chăng.

Hình như trong bài viết phê bình Việt Bắc, tôi nhớ Trần Dần có nhận xét, Tố Hữu yêu ai thì người đó phải bé tý lại, càng ngợi ca hào hùng người ta càng phải khép nép bên người lên giọng ngợi khen. Nguyễn Khoa Điềm phát mãi tình thương, mua được rất nhiều nước mắt ở những con người nhẫn nại, cam chịu và dĩ nhiên thấp cổ bé họng đứng dưới, thì khi ông chìa tay ra, con người ta với tư cách là chủ thể mà trong thơ, không bắt nói hết, có thể cảm nhận được qua nét mặt mũi, thịt da và tiếng nói, còn dần dà biến hẳn đi. Bởi vì mãi mãi phải đứng dưới, họ chìa bàn tay lao động đáng ra biết xiết rất chặt, hẳn không quen gần gụi, thành ra gặp bàn tay nắm của người thi sĩ lên quan, khép nép mềm buông, vụng về là thế.

Nhưng đó là tiếng nói chung của một nền thơ tuyên giáo dân túy, ôn nghèo gợi khổ-ghi tạc công lao và gửi gắm ưu phiền thế sự. Sắp xếp ở những câu thơ không vần rất chỉn chu, nôm na là đằng khác, tôi không cảm được ở hai bài thơ một tiết tấu nhịp điệu bên trong nào, một nỗ lực lao động nào đáng kể, theo hướng cách tân và hiện đại. Trừ ý Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm/Những tháng ngày bỏ quên, bật lên mơ hồ và dang dở, có thể là một điểm nhấn đáng kể, đáng được ý hơn nếu được khai thác thành thi tứ có đầu có đũa.

Tôi không dám nói tòan bộ thơ dựa trên cái nền biến-mẫu số này tòan là dở vì cũng tùy cái tâm công chính, tùy cái tài của người cầm bút. Chỉ có điều phần bạc nhạc dở nhất, xí ngầu gân cốt nhất được suy tôn làm khuôn vàng thước ngọc chính thống. Trong nền văn nghệ ấy không ai được vinh danh rộn rã hơn về thế quyền chức phận, không ai qua mặt được thơ Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm.

Và tất nhiên, theo cái lộ trình ôn nghèo gợi khổ hàm thấm công ơn đó, từ cái ngày xưa vỡ đê chưa sinh ra ông Nguyễn Khoa Điềm đang muốn níu tay, logic thôi, ông sẽ dẫn họ vào cái kết cục Nhà nối nhà, đã ấm đã sáng, vọng một điệu chèo/ Sông Hồng mải miết làm lịch sử

Nhà thơ tụt từ tháp quyền thế xuống, đi dạo vãn, và thương người cần lao. Cái kết cục đã biết lắm rồi, nhạt nhẽo quá đi.

Nhưng đọc câu cuối cùng ở bài thơ thứ hai, thực tôi không hiểu nhà thơ kia nghĩ gì khi viết trái tim lăn tròn yên ả. Cùng ông men theo mạch hai bài thơ sống qua cảm xúc rất đáng trân trọng của đời người Bao nhiêu bùn bao nhiêu khổ đau, để rồi cuối cùng ông chỉ cho thấy một trái tim lăn tròn yên ả, thì chịu thật, trời ơi, cảm theo cá nhân tôi, đó là cao trào nội tâm hình như có chút gì phản cảm.
 

©P.K.Đ/ Dez. 2012

Tháng Giêng về Văn Giang

Nguyễn Khoa Điềm

Tháng giêng sao anh không về Văn Giang ngắm sông Hồng

Nhìn cỏ chân đê trôi trong sương khói
Mùa xuân ngủ ngon trên lưng những con bò vàng
Ngoài đồng đã kín những người đi tìm no ấm

Trong ngôi chùa cổ nở xoè pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt
Tôi nắm tay những người nông dân ấm, mềm, chân thật

Như níu được nhau tự ngày xưa vỡ đê
Mừng đến rưng nước mắt
Nhà nối nhà, đã ấm, đã sáng, vọng một điệu chèo
Sông Hồng mãi miết làm lịch sử …

Cánh đồng buổi chiều


Nguyễn Khoa Điềm

Có một nhà thơ đi mãi vào cánh đồng buổi chiều
Lởm chởm những gốc rạ sau mùa cấy gặt
Mùi thơm lúa khoai thân thuộc
Nói gì hở tiếng reo cỏ may
Mùa thu vừa trở lại?

Nhà thơ cúi xuống tìm những hạt mồ hôi bỏ quên trên mặt đất
Bao người đã mất, đang còn
Sống âm thầm sau rặng tre khuất lấp
Không một dấu vết
Những mặt ruộng nứt nẻ

Chúng ta vẫn bưng bát cơm trắng mỗi ngày
Thật đơn giản, hiển nhiên, như hơi thở
Không còn nhớ có bao giọt mồ hôi trên mặt ruộng
Bao nhiêu bùn, bao nhiêu khổ đau
Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu

Đã lâu nhà thơ lại trở về với cánh đồng làng
Hít sâu hương thơm no ấm
Nhận ra trong mỗi khuôn mặt đen sạm
Những tháng ngày bỏ quên

Bằng bước chân chậm rãi
Nhà thơ lặng lẽ nối gót người nông dân đi mãi
Mặc cho ngôi sao hôm xa ngái dẫn đường
Thăm thẳm ngõ quê rơm rạ
Trái tim lăn tròn êm ả.


(Hai bài đăng trên Blog Quê Choa tháng 12.2012)


Nhà thơ nghèo (Der arme Poet) - Carl Spitzweg (1808-1885): Họa sĩ Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...