Tranh của ©Willi Baumeister (1889-1955): Họa sĩ Đức |
Những tiểu thuyết nào của Joseph Roth (1) không thành công? Lịch sử văn chương rồi có công bằng với Paul Celan (2)? Marcel Reich-Ranicki (3) nói về hai tác giả kinh điển đã hết sức được nương nhẹ trong điển phạm của mình (FAZ).
Khi đọc lại, tôi thấy tác phẩm của Joseph Roht khá không đồng đều về chất lượng nghệ thuật. Còn những tiểu thuyết nào của Roht ông cho rằng không thành công hay chăng? – Günter Herrmann từ Heilbronn nêu câu hỏi.
Marcel Reich-Ranicki: Chỉ có kẻ nghiệp dư và người bất tài liên miên sản sinh tác phẩm trên cùng một trình độ. Năng khiếu hoặc thậm chí cả thiên tài không chỉ viết những gì họ đã có thể, mà còn nỗ lực viết cái thứ mà chưa bao giờ họ gắng thử. Làm việc đó có thể không thành công cái mới. Cả ở Shakespeare cũng có những vở kịch yếu, hoặc, mà thật thế, những vở non tay hơn, cả nơi Balzac những tiểu thuyết đuối hơi và cả nơi Tolstoi những chương nhàm chán, cả nơi Thomas Mann những truyện ngắn gây thất vọng.
Cả cuộc đời Joseph Roht bị lệ thuộc vào những khoản thu nhập từ những hoạt động viết văn của mình. Ông viết ra rất nhanh nhiều thứ, hầu như không chỉnh sửa gửi cho ban biên tập và điều đó phải dẫn đến chuyện, dao động về trình độ trong một tác phẩm của ông thường ra là khó tẩy xóa và có khi còn lớn, vâng, tới mức gây bực mình nữa. Ai tự ép buộc viết tiểu thuyết nhiều kỳ cho báo (và điều này Dostojewskij đã làm) và ai, phải cúi lụy cái nghèo không ít khi cho in ra ngay những chương đầu của tiểu thuyết mình viết trước khi kết thúc bản thảo của toàn cuốn, người ấy đã ý thức được điều đó sẽ mang lại hậu quả gì rồi.
Tất nhiên trong số nhiều tiểu thuyết của Joseph Roht cũng có một số nhiều hay ít hơn không thành công. Nhưng mà trong các tiểu thuyết này nhìn chung có đầy đủ thứ khiến sự đọc sách thành niềm khoái lạc. Trước tiên ở những tiểu họa xen kẽ vào, những ấn tượng thi vị, những trình bày hóm hỉnh và những tình tiết bi hài thường rời rạc đứng tách khỏi hành động thực của tiểu thuyết.
Mà tuy thế Roht chưa bao giờ xâm phạm vào vẻ tự nhiên của giọng điệu. Ông yêu những màu mềm và nét viền cứng. Trong những đoạn đối thoại thường rất kiệm lời, cái quyết định được biểu đạt qua những quãng nghỉ: Sự làm thinh của nhân vật anh hùng nơi ông có nhiều sắc thái biểu đạt bất tận. Ông yêu tính yêu kiều hơn nhiều so với tính trọng lượng. Ông là một nhà phân tích nhiệt thành và một kẻ tán gẫu có kỷ luật. Ngõ hầu từ cả cuộc đời chán ngấy ông đã sáng tạo nên những tác phẩm bậc thầy của sự đáng yêu..
Trong lịch sử văn học nhà thơ Paul Celan có giá trị vị trí nào không xứng đáng với ông ấy? – Ute Layßner hỏi.
Marcel Reich-Ranicki: Hẳn bà muốn biết theo quan điểm của tôi nhà thơ nổi tiếng Paul Celan, sống quãng đời từ 1920 tới cuối tháng Tư năm 1970 được đề cao quá mức hay bị đánh giá quá thấp có phải không. Đáng tiếc tôi phải làm bà thất vọng, bởi câu trả lời của tôi là: Tôi không biết điều đó.
Có điều chắc chắn: Nhiều người am tường thơ Đức coi Celan là thi sĩ Đức quan trọng nhất trong thời sau Thế chiến thế giới 2. Nhưng trong chuyện thơ ca rất ít khi đạt được sự thống nhất. Các phán xét về Stefan George phân cực rất xa nhau, vâng thậm chí cả về Hölderlin hay là Heine. Và điều này càng đúng đối với Celan.
Sớm hơn người ta thống nhất được quan điểm, rằng bài thơ nổi tiếng nhất của ông ấy „ Tẩu khúc tử thần “ cũng là bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất bằng tiếng Đức sau 1945. Tôi không muốn bộc lộ ý kiến về siêu tác phẩm này. Tôi hoàn toàn không thể phán xét được về cái đó. Bởi vì tôi không biết những câu thơ nào khác của toàn bộ thời đại về Hitler đã rúng động lòng tôi sâu hơn những câu thơ về Trùm nghề đến từ nước Đức „Tử thần gã trùm nghề người Đức mắt gã xanh / với viên đạn chì bắn anh, bắn trúng anh“. Nhưng tôi không muốn giấu diếm, có những bài thơ của Celan tôi hoàn toàn không hiểu hoặc là chỉ hiểu phần nào, còn các bài khác mà tôi tuy tin rằng mình hiểu, mà thế đó đối với tôi chúng vẫn nguyên còn lạ lẫm.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: FAZ
Chú thích của người dịch:
(1) Joseph Roht (1894-1939): Nhà văn, nhà báo người Áo
(2) Paul Celan (Paul Antschel, 1920-1970): Nhà thơ viết tiếng Đức, gốc Do thái. *Sinh tại Czernowitz, Bucovina, tỉnh lỵ của đế quốc Áo-Hung, thời còn trực thuộc Romania, nay thuộc về Ukraine * 1937- 1939: Học nghề Y tại Tours, Pháp* 1941-1945: Chạy trốn, bị cầm tù trong trại tập trung. Cha mẹ ông bị áp giải vào trại tập trung ở Transnistria, nơi cha ông chết vì thương hàn và mẹ ông bị bắn chết *Sau 1945: Làm phiên dịch trong nhà xuất bản ở Bukarest sau Thế chiến II *Năm 1947 di cư qua Vienna, sau sang Paris 1948 *Tại đây Paul Celan nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn chương, giảng tiếng Đức tại Écolo Normale Supérieure. 1970: Tự sát, gieo mình xuống sông Seine sau chuyến thăm Israel vào tháng Mười năm 1969.
(3) Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức, người được tôn vinh là Giáo hòang văn học.
Tranh của Willi Baumeister (1889-1955): Họa sĩ Đức, nhà đồ họa, trang trí sân khấu, nhà lý thuyết nghệ thuật, một trong những họa sĩ quan trọng nhất của phái Hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét