Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Các họa sĩ Ấn tượng và Biểu hiện: Đám cưới của hai cựu thù

Christina Rietz 

Tranh của ©Erich Heckel (1883-1970): Họa sĩ Biểu hiện Đức.

Chủ nghĩa Ấn tượng và Biểu hiện thế đó không phải là những đối thể? Đơn giản thôi, Phòng tranh Quốc gia cũ Alte Nationalgalerie Berlin treo những tác phẩm đẹp nhất của hai khuynh hướng nghệ thuật bên cạnh nhau, và ta tìm thấy những nét tương đồng đáng ngạc nhiên.

Mũ trên đầu người thị dân rơi xuống đất/ Trên mọi tầng không khí vọng tiếng la/ Rơi nhào xuống và gãy làm đôi những thợ lợp mái nhà/ Đọc tin báo: sóng triều dâng trên biển.

Cũng như trong bài thơ „Tận thế“ của Jakob van Hoddis (1), những nhà Biểu hiện ăn nhập trong lời nói và hình ảnh: phấn khích, hốt hoảng, cuồng nhiệt và hoang dã. Họ chịu đau khổ ở thế giới công nghiệp hóa cao độ và tuy thế lại hào hứng bởi nó. Đối với họ, tàu điện thì quá ồn ào, nhưng họ lại thầm mong chiến tranh xảy tới.

Như thế họ hoàn toàn khác với những nhà Ấn tượng đã đi trước họ, những sinh thể rạng rỡ đam mê ánh sáng nhúng cây cọ chụp bắt ảnh hình thế giới và thích vẽ ở ngoài trời, trong công viên, trên cánh đồng hay ven hồ.

Khác biệt giữa hai nhóm nghệ sĩ này không thể nào lớn hơn nữa. Ở trong trường người ta đã được học điều đó. Thế mà giờ đây một cuộc triển lãm lớn và khang trang tại Phòng tranh Quốc gia Alte Berliner Galerie đã dỡ bỏ đi những định kiến cũ. Triển lãm „Ấn tượng - Biểu hiện. Bước ngoặt trong nghệ thuật“, trưng ra tranh của hai khuynh hướng bằng sự trực tiếp đối chiếu.

Một người Thụy Sĩ đã mang tranh người Pháp tới Đức

Với những họa sĩ Ấn tượng Pháp, đã từ lâu Phòng tranh Quốc gia Alte Nationalgalerie có quan hệ vô cùng mật thiết. Cuối thế kỷ 19, vị giám đốc Alte Nationalgalerie ngày ấy- ông Hugo von Tschudi, một người Thụy Sĩ - đã sang Pháp mua tác phẩm nghệ thuật, thời điểm đó tại Đức việc này phần nào bị coi là tai tiếng. Các tác phẩm của Renoir, Manet, Degas và Monet đã tìm thấy đường vào Đảo bảo tàng (2) như vậy đấy. Nhiều người đương thời hoàn toàn không hề thích một tòa kiến trúc mang dòng chữ tạc „ Nghệ thuật tạo hình Đức“ lại dọn nhiều chỗ như vậy cho người Pháp. Hugo Tschudi cho rằng, thể nào tranh của thời Hiện đại cũng cần phải được trưng bày tại Berlin. Lịch sử ủng hộ lý lẽ của ông.

Một số mô-típ hội họa ngự trị thế giới đa màu sắc của các nhà Ấn tượng gồm các scene về phong cảnh, thành phố, tiền ngoại ô, thú tiêu khiển ban chiều. Cuộc triển lãm mới được thiết lập theo những nhóm đề tài này. Cứ bên cạnh một nhà Ấn tượng phòng tranh treo một bức tranh của nhà Biểu hiện cũng cùng phạm trù để người quan sát có thể đối chiếu trực tiếp về phong cách cũng như đề tài.

Cả hai chủ nghĩa đều có chung một phong thái chống đối hàn lâm viện, chung tình yêu đối với tuyên ngôn và tuyên bố, cùng ưa chuộng ấn tượng nhục cảm. Vẻ như đôi lúc cả hai nhóm này thậm chí còn chia sẻ cái nhìn thế giới giống nhau: Bức tranh chân dung hai người của Edouard Manet vẽ một đôi bất hạnh trong vườn mùa đông chỉ ra hai người đơ cứng, mặc dù tay sát bên tay, nhưng đồng thời họ ở trong hai vũ trụ khác biệt nhau. Vẻ kinh hoàng lạnh lẽo của hôn nhân theo lý trí của thế kỷ 19 đã tác động trực tiếp người xem.

Trong Phòng tranh quốc gia, bên cạnh bức họa của Manet, hiện treo bức tranh của Edvard Munch“ Käte và Hugo Perls“. Họa sĩ còn không ban thưởng cho nhân vật của mình cảnh hậu trường tương tự, một đôi ngồi bên nhau không thể nào xa cách hơn. Nhãn quan phê phán hướng vào những khuôn phép của thời đại đều chung điểm tương đồng ở hai phong trào nghệ thuật lớn hiện đại của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đôi khi những người nghệ sĩ của hai khuynh hướng phong cách này thậm chí còn tìm thấy những lời đáp như nhau cho những vấn đề xã hội bức bách.

Trên thế giới ngày hôm nay không còn nổi bật sự hiện diện các nhà Ấn tượng phần đông là người Pháp và các nhà Biểu hiện phần đông là người Đức nữa. Ý tưởng của một nền nghệ thuật dân tộc từ lâu đã bị vượt qua. Ý tưởng đó từng ngấm ngầm xưa kia. Hoàn toàn đi ngược thành phần làm nên danh xưng của mình, Phòng tranh Quốc gia, tuy nhiên đã đánh giá rất cao nền nghệ thuật của cựu thù truyền kiếp (3).




© Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
Nguồn: SPIEGEL ONLINE

Chú thích của người dịch:


Christina Rietz: Nữ nhà báo tự do, biên tập viên, và nhà phê bình.
(1) Jakob van Hoddis (1887-1942): Nhà thơ phái Biểu hiện trữ tình, nổi tiếng vì bài thơ Tận thế trích trong bài.
(2) Museuminsel: Hòn đảo nằm giữa Berlin, gồm tổ hợp nhiều viện bảo tàng, từ 1999 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
(3) Ý nói mối thù truyền kiếp Đức - Pháp thời cận-hiện đại.

Tranh: Erich Heckel (1883-1970): Họa sĩ Biểu hiện Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...