Tranh sơn dầu của © Max Ernst (1891-1976): Họa sĩ Đức |
Tôi yêu bài thơ làm tiêu đề cho tập thơ „ Thời đáo nợ“ (1), bởi nó chứa đựng những gì hiện hữu trong những bài thơ khác của Ingeborg Bachmann, và do đó thông qua sự đủ đầy và đậm đặc còn nhiều hơn là thế. Vậy điều gì xoáy sâu vào lòng ta ở một tác phẩm thơ trữ tình nhỉ?. Sự đa dạng của những liên kết có thể gợi ra, sự cấp bách của những lời hiệu triệu ban tới chúng ta kêu gọi cùng nhìn, cùng nghĩ suy, cùng cảm nhận, cùng gọi lên những sự trải nghiệm thuộc loại họ hàng, cho tới lúc cả tấm dệt bằng ngôn từ này đã trở thành một phần của chúng ta.
Hai mươi tư dòng thơ thậm phồn ở ảnh hình, ý nghĩ, cảm xúc và thể tương đồng. Một cách không thương tiếc, ngay từ ban đầu ta bị đẩy ngay vào một tình cảnh tồn sinh bị ruồng rẫy, của mối nguy cơ không ngừng lớn dậy. Thời gian tồn tại của chúng ta có hạn, cái kết cục đã sờ sờ vẽ ra trước mắt. Mặc dù thế chúng ta vẫn phải đi tiếp, vẫn còn phải hớt hải đón đầu cái điều không thể tránh, mà đáng ra nên chờ đợi nó trong một môi trường tin cậy hơn mới phải. Cái mới đe dọa, nhưng cái cũ không còn bảo vệ được ta nữa.
Và ngay bây giờ hình ảnh của chàng Odysseus (2) tha phương: những con chó nọ chào đón người chủ trở về nhà mệt rã rời, ở đây bị chàng xua đuổi trở về trang trại. Quả không hề là chuyến hành trình chinh phục mà chàng đã dấn thân ra đi. Chàng Odysseus này sẽ không quay trở lại. Dưới vòm trời nặng trĩu, trong sương mù và trong gió, đi qua những đống cá khô quắt queo – tôi trông thấy chúng treo trên những dây căng giữa những cánh cổng, phơi cả lòng ruột từ đó cái Ác được tiên đoán, trong những vò gỗ lớn bày trên trái đất – và thôi thúc bởi màu xanh lam phai nhạt của những cây hoa đậu sói, chàng lên đường hành trình đi đến cắt đứt với quãng thời gian của mình.
Nhưng bây giờ là quang cảnh cho phép chàng nhận ra cái điều không thể tránh, không thể cứu vãn của tiền định. Những gì chàng dấu yêu, đã bắt đầu trượt rơi xuống trước con mắt nhìn, và chàng không thể làm được điều gì cưỡng lại, chàng phải nhẫn lòng cam chịu, không được phép tránh né khỏi lệnh hành quân này. Trong viễn tượng này, phong cảnh cổ đại nhường chỗ cho một sa mạc hoang vu trong tranh Dalí (3), xung quanh toàn cát, một vùng hoang vu vàng vọt xạc xào, nơi vị ngọt ngào của cuộc đời, như bà Minie (4) trong „Những ngày hạnh phúc“ của Becketts (5) dần dần chìm xuống.
Cuối cùng một lần nữa, như những nhát búa, giáng xuống những câu mang sứ mệnh ủy thác cho chàng. Những lời hướng tới chàng, người lữ hành và người cam chịu, với câu thứ tư của bài thơ mang tính đại diện đang gánh lấy số phận của tất cả chúng ta lên mình. Không còn chút gì được phép ở lại, những thứ nào còn gợi nhớ đến cuộc tồn sinh tới ngày nay. Và lần này không còn hy vọng. Không có ngôi sao nào cả. Chỉ có dần tối mờ nhân ảnh và con đường đi tới ranh giới. Một ngụ ngôn sinh tồn, xuất hiện trong cái năm của „Godot“ (6) và gây chấn động không ít chạm vào căn cốt hơn tất cả những gì sau này người ta đọc được thấy ở Beckett và Thomas Bernhard (7).
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).
Thời đáo nợ
Ingeborg Bachmann (1926-1973)
Rồi những ngày khốc liệt hơn sẽ tới
Thời đại sẵn hủy kỳ đáo nợ
sẽ hiện cuối chân trời
Chẳng mấy chốc đâu anh phải thắt chặt dây giầy
và đuổi lũ chó về trang trại hoang biển cả.
Bởi lòng ruột cá
đã lạnh tanh trong gió
Leo lét ánh sáng của hoa đậu sói
Ánh mắt anh vằn lên trong sương mù:
sẽ hiện rõ cuối chân trời
Thời đại sẵn hủy kỳ đáo nợ.
Bên kia người yêu anh chìm trong cát lụn
cát dâng lên quanh làn tóc cô bay lòa xòa
tóc chen ngang vào lời cô
lệnh cho cô câm lặng
coi cô rồi cũng chết
và thuận lòng từ biệt
sau mỗi cái ôm.
Đừng quanh quất nhìn
thắt chặt dây giầy
Đuổi đàn chó quay trở lại
Ném cá xuống biển
Dập tắt đi hoa đậu sói!
Những ngày khốc liệt hơn sẽ tới.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Die gestundete Zeit
Ingeborg Bachmann (1926-1973)
Es kommen härtere Tage.
Die auf Widerruf gestundete Zeit
wird sichtbar am Horizont.
Bald mußt du den Schuh schnüren
und die Hunde zurückjagen in die Marschhöfe.
Denn die Eingeweide der Fische
sind kalt geworden im Wind.
Ärmlich brennt das Licht der Lupinen.
Dein Blick spurt im Nebel:
die auf Widerruf gestundete Zeit
wird sichtbar am Horizont.
Drüben versinkt dir die Geliebte im Sand,
er steigt um ihr wehendes Haar,
er fällt ihr ins Wort,
er befiehlt ihr zu schweigen,
er findet sie sterblich
und willig dem Abschied
nach jeder Umarmung.
Sieh dich nicht um.
Schnür deinen Schuh.
Jag die Hunde zurück.
Wirf die Fische ins Meer.
Lösch die Lupinen!
Es kommen härtere Tage.
Bản tiếng Anh tham khảo:
The deferred time
Harder days are coming.
The time deferred to cancellation
becomes visible at the horizon.
Soon you must lace your shoe
and hunt the dogs back in the march farms.
For the fish innards
have gone cold in the wind.
The lupines' light burns miserably.
Your gaze sprints in the fog:
the time deferred to cancellation
becomes visible at the horizon.
Over there your beloved sinks into the sand,
he climbs around her streaming hair,
he falls into her words,
he orders her to remain silent,
he finds her mortal
and ready to say goodbye
after each embrace.
Don’t look around yourself.
Lace your shoe.
Hunt back the dogs.
Throw the fish into the sea.
Turn out the lupines!
Harder days are coming.
Bài đăng trên VHNA
Chú thích của người dịch:
Ingeborg Bachmann : Nữ thi sĩ Áo sinh năm 1926 tại Klagenfurt - mất trong một tai nạn ở Roma, Ý năm 1973 * Ingeborg Bachmann lấy bằng tiến sĩ về Triết học, làm việc tại đài phát thanh Áo. Bà nổi tiếng trong văn chương Đức ngữ như một nhà thơ, tiểu thuyết gia, và nhà viết tiểu luận* Năm 1952, bà đã đọc những bài thơ đầu tay trước "Nhóm 47“ * Sau sự kiện đó bà chỉ chuyên chú vào văn chương, viết nhiều tập thơ, kịch truyền thanh, truyện ngắn, rồi mười năm sau, cuốn tiểu thuyết rất đẹp tựa là Malina, được trình bày như "một tác phẩm tiểu thuyết về nhiều cách chết khác nhau" ra đời * Những cuốn truyện khác của bà là Franza và Kinh cầu hồn cho Fanny Goldmann gây tiếng vang. Bà còn là tác giả tập tiểu luận Những bài giảng ở Frankfurt: Những vấn đề của thơ hiện thời và tập „Berlin, một nơi may rủi“ (với 13 hình vẽ của Günter Grass). * Ghi dấu ấn lên cuộc đời thực, cũng như trong thơ và truyện (Malina) là mối tình của Ingeborg Bachmann với nhà thơ Paul Celan ( tác giả của bài thơ Tẩu khúc Tử thần), người bà đã gặp trong quãng thời gian từ 1948 cho tới năm 1957.
Hilde Spiel (1911-1990): Nhà văn nữ, nhà sử học và nhà báo người Áo.
(1) Tên tập thơ mang lại giải thưởng Văn chương do „Nhóm 47“- nhóm nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhất của Đức sau chiến tranh, gồm những thành viên tham gia các cuộc gặp gỡ của các nhà văn viết tiếng Đức, do nhà văn Hans Werner Richter mời thường xuyên gặp gỡ hàng năm từ 1947 tới 1967- trao cho Ingeborg Bachmann vào năm 1953.
(2) Odysseus (Uylixơ): Theo thần thoại Hy Lạp, là nhân vật thần thoại trong sử thi của Homer. Bài thơ không vần „Thời đáo hạn“ của Ingeborg Bachmann lấy bối cảnh cuộc trở về quê hương sau 20 năm hành trình chinh chiến và lưu lạc.
(3) Salvador Dalí (1904-1989): Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà đồ họa, nhà văn người Tây Ban Nha. Là đại diện chính của phái siêu thực, ông được xếp vào hàng những họa sĩ lớn nhất thế kỷ 20.
(4) Bà Winie tóc vàng, ở hồi đầu xuất hiện trong tư thế bị một mỏm cát, choán nửa sân khấu, chôn ngập ngang lưng trong vở kịch hai hồi "Những ngày hạnh phúc" của Samuel Beckett.
(5) Samuel Barclay Beckett (1906-1989) nhà văn người Ireland, một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ 20, nhận giải Nobel văn học năm 1966. Tác phẩm của ông đề cập nhiều tới sự tồn tại của con người như một hoàn cảnh cập bờ giữa cái sống và cái chết.
(6) Nhân vật trong Chờ đợi Godot của Samuel Beckett – một vở kịch tiêu biểu của kịch phi lý.
(7) Nicolas Thomas Bernhard: (1931-1989): Nhà văn nhà viết kịch người Áo, thuộc về các tác giả viết tiếng Đức quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Tranh sơn dầu của Max Ernst (1891-1976): Họa sĩ nhà điêu khắc và đồ họa Đức. Từng tham gia nhóm Dada, trở thành một trong những đại diện chính của Phái Siêu thực (Surrealism).