Tranh© F.J Goya(1746-1828): Họa sĩ Tây Ban Nha |
Tết Mậu Thân 50 năm trước quân đội chính qui miền Bắc và các lực lượng nằm vùng cùng động binh, đồng loạt tiến công và chiếm giữ, thất bại và tháo lui. Quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ phản công, truy kích thắng lợi. 7 năm tiếp đó, sau thất thủ ở Tây Nguyên, chính phủ Dương Văn Minh kết cục đầu hàng.
Yếu tố quân sự, theo thiển kiến cá nhân tôi, cần có vị trí lớn hơn trong cuộc thảo luận về những kết quả hướng ra thế giới rất tương phản nhau (sự thất bại và thiệt hại được phía VNDCCH khuyếch trương thành chiến thắng tới hôm nay còn kỷ niệm) mà mỗi bên đạt được.
Ở đây hai bên có sự khác biệt về cách tổ chức và điều hành quân sự.
Về mặt học thuyết, quân sự của nhà nước XHCN bảo vệ nền chuyên chính vô sản trong quá trình xây dựng, không giới hạn trong phạm vi quốc gia, kiện toàn và mở rộng cái cỗ máy thù nghịch với nhiều tầng lớp nhân dân. Xã hội chuyên chế - phi dân sự luôn được giới cầm đầu đặt ở trong tình trạng cảnh giác và kích động. Lý thuyết quân sự tương thích mang tính tiến công; quân đội nhà nước XHCN và cả toàn phe với tham vọng cách mạng vô sản toàn thế giới, thường xuyên xách động và chủ động gây hấn. Người lính cũng không phải là có kỷ luật thép như ta thường nghĩ, nhưng họ dám xả thân hơn, bởi với con em nhà nông, đi bộ đội mở ra con đường tiến thân gần như duy nhất cho tuổi trẻ.
Cũng không thể xem thường ngành nghiên cứu - chế tạo và công nghiệp quân sự của các nước khối CNXH cũ. Ở lĩnh vực này, nhà nước đầu tư vô cùng hào phóng, và ngành này hoạt động không bị chi phối bởi những ràng buộc của kinh tế kế hoạch tập trung. Mục tiêu của công nghiệp chế tạo quốc phòng nhằm đuổi kịp và vượt, ít ra khai thác những nhược điểm của khí giới và khí tài phương Tây, khiến máy bay, tàu bò sản xuất vượt kế hoạch của các tổ hợp quân sự của Nga – Trung cộng nguy hiểm chẳng hề là đồ chơi.
Cho nên, dẫu tình trạng xã hội lạc hậu, nền quân sự của nhà nước XHCN vẫn vận hành tốt trên những nguyên lý hà khắc, phi nhân coi mạng người như rơm rác.
Học thuyết quân sự và quân đội của thế giới dân chủ - tự do ngược lại giới hạn nhiều hơn vào sự phòng vệ. Người lính phương Tây của xã hội dân sự „đời“ hơn. Họ ra trận cho một thế giới dân sự tự do và phóng túng, một xã hội bị động và ít khả năng cảnh giác. Quân đội của các nhà nước dân chủ vận hành quan liêu, bị động, người lính ưa tiện nghi và hưởng thụ ngay trên chiến trường.
Thời điểm cuối những năm 60, vai trò tự đảm của Hoa Kỳ đổ quân vào Nam Việt Nam ngăn chặn sự lan tràn của các lực lượng cộng sản Đông Dương sang Malaysia, Singapor, Indonesia đã đến lúc lỗi thời. Mỹ còn nán lại VN làm gì nữa với cuộc chiến tiêu hao sinh lực, song song ở nhiều nơi dấy lên phong trào phản chiến. Liên Xô và Trung quốc muốn Việt Nam cũng chia cắt như Triều Tiên. Khác với Việt Nam, Triều Tiên là một bán đảo không cho phép Bắc Hàn bành trướng và xuất khẩu sang nước khác cách mạng thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột Xô-Trung, chính quyền Johnson nhận ra nguy cơ sa lầy, đã thương lượng và thoái quân.
Cho nên cũng không thể xem những sơ xuất của chính quyền Sài gòn ở khâu xử lý thông tin tình báo; sự lơ là và mất cảnh giác, ấu trĩ, quan liêu và bạc nhược của những người nắm trọng trách là nguyên nhân chính dẫn tới sụp đổ một nhà nước cộng hòa non trẻ. Những nhược điểm đó hệ trọng nhưng không phải là tất cả. Quân sự của VNCH là nền quân sự phòng ngự, và xã hội dân sự của VNCH thiếu khả năng tự vệ, như các xã hội dân chủ phương Tây nói chung.
Ngày nay nhìn lại thời Chiến Tranh Lạnh, nhìn nổi bật mô hình kinh tế trì trệ, sự chán chường của người dân bị tước đoạt quyền sỡ hữu và các nhân quyền cơ bản – các nguyên nhân dẫn tới sự dẫn tới sụp đổ hệ thống - người ta bỏ qua thực tế rằng, nếu chỉ vì tranh giành về quân sự (dĩ nhiên ở phạm vi chiến tranh phi nguyên tử) khối Warzawa ngay cả ở giai đoạn cuối cũng có thể hành quân vào được Paris sau 5 đến 6 giờ đồng hồ nổ súng. Hiện thời, nói điều này rất nhiều bạn không tin, nếu hôm nay bị đánh phủ đầu NATO ngã quị lập tức trước sức mạnh của Nga trong liên minh ma quỷ với vài nước Hồi giáo. Ở những loạt đạn đầu. Còn hồi tỉnh và tấn công lại, lại là những bước tiếp.
Tôi e sợ một thảm cảnh châu Âu bị tấn công. Trong trào lưu dân túy và cực đoan trỗi dậy, thế giới dân chủ càng dễ bị tổn thương hơn. Một Bắc Triều Tiên nghèo đói hiện tại dễ bề hủy diệt lắm người anh em văn minh giàu có hơn, và tiếp tục ngạo nghễ dằn giọng với kẻ thù của nó là Mỹ - quốc gia hùng mạnh nhất hoàn cầu.
Nhưng VNCH cách đây 50 năm, thua ở loạt đạn đầu đã đứng dậy và chiến thắng, 7 năm sau đó thất bại hẳn bởi bị Mỹ và các nước đồng minh khác không ứng cứu, nói trắng ra bị bỏ rơi.
Nếu đã đành thế sa vào vai trò nạn nhân, ta không chỉ thắp nhang riêng cho nạn nhân của vụ Thảm sát. Hãy tưởng niệm mọi oan hồn Nam Bắc.
Tranh của Francisco José de Goya y Lucientes (1746-1828): Họa sĩ Tây Ban Nha.