Tranh ©Claude Monet (1840-1926) Họa sĩ Pháp |
Tôi đứng lâu bên cửa sổ tối
Và nhìn thành phố tuyết trắng ngần
Và lắng nghe chuông tiếng vang ngân
Cho đến giờ tiếng chuông cũng tắt.
Hiện giờ đêm nguyên sơ, bình lặng
Trong tiết mùa đông lạnh như mơ,
Thức canh bởi vầng trăng bạc nhợt nhờ,
Soi vào nỗi niềm tôi đơn chiếc.
Giáng Sinh - Một nỗi nhớ quê nhà sâu thẳm
Bật kêu lên từ lồng ngực dày vò
Của tôi, tưởng nhớ thời yên tĩnh xa xưa
Bởi với tôi, những ngày lễ Nô-el cũng tới.
Từ dạo đó đầy nhiệt thành tăm tối
Trên đất này tôi xuôi ngược dọc ngang
Trong cuộc lữ hành nào có bình an
Tìm Hạnh phúc, Vàng kim và Thông thái.
Giờ đây mệt mỏi và buông xuôi, tôi nghỉ lại
Ở nơi ven lề cuối chặng đường
Và ở nơi xa miền xanh biếc, quê hương
Và tuổi trẻ nằm im như giấc mộng.
1902
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Weihnachtsabend
Hermann Hesse (1877-1962)
Am dunklen Fenstern stand ich lang
Und schaute auf die weiße Stadt
Und horchte auf den Glockenklang,
Bis nun auch er versungen hat.
Nun blickt die stille reine Nacht
Traumhaft im kühlen Winterschein,
Vom bleichen Silbermond bewacht,
In meine Einsamkeit herein.
Weihnacht! - Ein tiefes Heimweh schreit
Aus meiner Brust und denkt mit Gram
An jene ferne, stille Zeit,
Da auch für mich die Weihnacht kam.
Seither voll dunkler Leidenschaft
Lief ich auf Erden kreuz und quer
In ruheloser Wanderschaft
nach Weisheit, Gold und Glück umher.
Nun rast' ich müde und besiegt
An meines letzten Weges Saum,
Und in der blauen Ferne liegt
Heimat und Jugend wie ein Traum.
1902
Chú thích của người dịch:
Hermann Hesse: (Hermann Karl Hesse, cũng dưới bút danh Emil Sinclair, 1877 - † 1962) nhà văn, nhà thơ và họa sĩ. Ông nổi tiếng thế giới với những tác phẩm văn xuôi Siddhartha hoặc Steppenwolf (Sói đồng hoang) cũng như với những bài thơ như bài Stufen (Những bậc thang). Năm 1946 Hesse nhận giải thưởng Nobel văn chương và Huân chương Pour le mérite của Viện Hàn lâm Nghệ thuật.
Tiểu sử: Hermann Hesse sinh ngày 02 tháng 7 năm 1877 tại Calw, Württemberg. * Học trường Latin ở Calw và học trường dòng tại tu viện Maulbronn, nhưng bỏ học sau vài tháng. * Sau khi học hết bậc phổ thông, học thợ cơ khí đồng hồ, nghề bán sách và sáng tác văn học. * Năm 1899 xuất bản tập thơ đầu tiên Những bài ca lãng mạn. * Hoàn thành tiểu thuyết mang lại thành công nghề nghiệp Peter Camenzind (1904). * Kết hôn với Mari Bernouli người Thụy sĩ và chuyển đến Gaienhofen, một vùng hẻo lánh ở Bodensee. * 1911 tiến hành một chuyến du hành Đông Á. * Từ 1912 sống tại Bern. * Năm 1919 xuất bản tiểu thuyết nổi tiếng Demian, cũng trong năm đó ông chuyển về sống một mình tại Montaglona (Tessin).* Ly hôn và kết hôn với Ruth Wenger. * Tác phẩm danh tiếng nhất của ông Steppenwolf xuất bản vào năm 1927, nhân dịp sinh nhật tuổi 50. * Năm 1931 kết hôn lần thứ ba với Ninon Dolbin. * 1924 trở thành công dân mang quốc tịch Thụy Sĩ. * Trong thế chiến II, năm 1943 ông hoàn thành tác phẩm Das Glasperlenspiel. * Năm 1946 Nhận giải thưởng Nobel văn chương. * Hermann Hesse mất tại Montaglona ngày 09.08.1962.
Tác phẩm:
Thơ:
– Những bài ca lãng mạn (Romantische Lieder, 1899), thơ
– Thơ (Gedichte, 1902), thơ
– Trên đường (Unterwegs, 1911), thơ
– Thơ của người họa sĩ (Gedichte des Malers, 1920), thơ
– Thơ tuyển (Ausgewählte Gedichte, 1921), thơ
– Khủng hoảng: Nhật ký (Krisis : Ein Stück Tagebuch, 1928), thơ
– Sự an ủi của đêm (Trost der Nacht, 1929), thơ
– Thơ mới (Neue Gedichte, 1937), thơ
– Thơ (Gedichte, 1942), thơ
Văn xuôi:
- Peter Camenzind (1904) Tuổi trẻ và cô đơn, tiểu thuyết, Vũ Đình Lưu dịch
- Dưới bánh xe lăn (Unterm Rad, 1906), tiểu thuyết
- Demian (1917) Tuổi trẻ băn khoăn, truyện dài, Hoài Khanh dịch.
- Siddhartha (1920), tiểu thuyết được Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch dưới tiêu đề Câu chuyện dòng sông.
- Sói đồng hoang (Der Steppenwolf, 1927), tiểu thuyết.
- Đôi bạn chân tình (Narziss und Goldmund), Vũ Đình Lưu dịch.
- Hành trình về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932), tiểu thuyết.
- Trò chơi hạt cườm pha lê (Das Glasperlenspiel, 1943), tiểu thuyết.
Tranh của Claude Monet (1840-1926) Họa sĩ Pháp, một trong những họa sĩ sáng lập phái Ấn tượng (Impressionism).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét