Cũng như đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà làm phim Rainer Werner Fassbinder (1945-1982) suốt đời bị giày vò bởi cái nhìn đen tối về người đồng bào của mình. Vào thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, khi người Đức được tôn trọng trở lại trong giao tiếp quốc tế, Fassbinder – với kinh nghiệm đạo diễn sân khấu - lạnh lùng phóng chiếu lên màn ảnh loạt người nhỏ nhen, đố kỵ, mang đầy uẩn ức và chấn thương nặng nề về tâm lý. Với ông, người Đức mang thói tật thành tỳ vết chẳng bao giờ có thể sửa chữa và cứu rỗi.
Hẳn phải có điều gì chấn động cảm thức cố hữu, mới có sự thất vọng. Thất vọng tựu thành từ nghiền ngẫm. Cho nên đó phải là một kết quả đáng được đón nhận. Không coi đó là tác động bào mòn tiêu cực, cá nhân tôi hết sức trân trọng sự vô vọng theo cảm thức của nhà làm phim. Là bà đỡ của thông thái, nỗi thất vọng thai nghén sáng tạo của biết bao nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và sâu trong ta một đôi khi nuôi nấng linh hồn.
Tuy nhiên tôi không chia sẻ quan điểm gây cảm giác vô vọng, rằng những thói hư tật xấu cố hữu trong bản tính dân tộc. Thực tế mà ta đang sống rất khác, nếu để lý trí truy xét.
Nhà nước toàn trị đến cả ngày hôm nay đã thành công trong việc cải tạo đại trà thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Và ở một đối cực khác, không chỉ ớ Đức, từ chế độ dân chủ của các nước tương đồng văn hóa Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan bước ra thế giới những công dân toàn cầu hiện đại. Cách đây vài thập kỷ tính nết người ta cũng chẳng lôi thôi luộm thuộm đấy sao.
Cải biến con người thành chủng vị tha, hỷ xả hay từ bi vì đồng loại, đương nhiên là sự nghiệp của các thánh thần. Xây dựng thiết chế xã hội nhằm kiềm tỏa cái phần xấu xa kém cỏi của con người phải là công nghiệp của chính con người vậy.
Do đó vẫn cần sự dấn thân không chỉ vì hy vọng mà còn vì tuyệt vọng, rất nhiều khi vô vọng.
Tranh của Sigmar Polke (1941-2010): Họa sĩ Đức, tác phẩm được xếp giữa Chủ nghĩa hiện thực hậu hiện đại và Chủ nghĩa hiện thực tư bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét